Trang

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Ơn cứu độ đối với các tôn giáo ngoài Do thái và Kitô giáo thì thế nào?

Ơn cứu độ đối với các tôn giáo ngoài Do thái và Kitô giáo thì thế nào?

Lm Fx Nguyễn Hùng Oánh

ĐỐI VỚI CÁC TÔN GIÁO NGOÀI DO THÁI GIÁO VÀ KITÔ GIÁO THÌ THẾ NÀO ?

Trong Cựu Ước, câu truyện ngôn sứ Giona được sai đi rao giảng sự thống hối cho dân thành Ninivê cho biết ơn Chúa “đã vượt biên giới” đến với dân ngoại, vì Thiên Chúa chẳng những là Thiên Chúa của dân Israen mà còn là Thiên Chúa của các dân ngoại nữa.

Trong Tân Ước, Chúa Giêsu truyền dạy các Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng khắp mọi nơi, thâu nhận muôn dân làm môn đệ của Ngài (x. Mt 28,19 ; Mc 16, 15-16), vì “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết sự thật” (Deo qui omnes homines vult salvos fieri et ad agnitionem veritatis venire, 1Tm 2,4).

Phải chăng ý định của Thiên Chúa là cứu độ mọi người, nhưng người ta bị những rào cản?

1- Rào cản: Chúa Giêsu Kitô là Đấng trung gian hữu nhất và phổ quát giữa Thiên Chúa và loài người nên ai tin vào Ngài mới được cứu độ.

2- Rào cản: phải gia nhập Giáo Hội khi biết rõ gia nhập Giáo Hội mới được cứu rỗi, nếu không biết thì ít nhất “phải có một tương quan mầu nhiệm với Giáo Hội” (tuyên ngôn Dominus Jesus, số 20).

Để giải đáp các vấn nạn nầy, trước hết chúng ta biết Chúa Giêsu Kitô (Ngôi Hai Thiên Chúa) là Đấng cứu độ cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, và Chúa Giêsu Kitô là dụng cụ cứu độ của Thiên Chúa (xét về nhân tính), Ngài đưa mọi người về với Thiên Chúa. Rào cản công việc cứu độ của Ngài là tội lỗi, và Ngài phải chiến đấu với tội lỗi. Tội lỗi đã hình thành một nếp sống trong nhân loại và một thứ chia rẻ hết sức khó vượt qua. Ngài hòa giải cách sống lìa xa Thiên Chúa của nhân loại với Thiên Chúa, cách sống chia rẻ thâm thù của “Do thái với Hy lạp”. Chính đời sống bác ái và vô vị lợi của Ngài thể hiện trong đời sống làm người, tự hạ (kenosis) ngoại trừ tội lỗi, trong mầu nhiệm Vượt Qua (chết, sống lại lên trời vinh hiển) phá tan mọi thứ rào cản của con người đến với Thiên Chúa và của con người với con người.

Giáo Hội của Chúa Kitô vì do Chúa Kitô lập ra tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo là dấu hiệu của Chúa Kitô, là “bí tích phổ quát của ơn cứu độ” để phục vụ mọi người như Chúa Giêsu Kitô: Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc muôn người (Mt 20,28). Giáo Hội phục vụ Chúa Kitô (truyền giáo) và phục vụ mọi người nên Giáo Hội không phải là rào cản. Tuy nhiên, Giáo Hội ôm ấp tội nhân, tội lỗi của các phần tử trong Giáo Hội là rào cản của Giáo Hội nên Giáo Hội phải canh tân, phải nhìn vào tội lỗi xảy ra trong Giáo Hội. Công đồng Vatican II đã nhận ra tội chia rẽ trong Giáo Hội đi đến tình trạng ly khai khỏi sự hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo là do lỗi cả hai bên (bên ly khai và bên các nhà chức trách Công Giáo) (Unitatis Redintegratio, số 3). Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xét lại vụ án Galilê, xin lỗi dân Trung Hoa vì các nhà truyền giáo không hội nhập văn hóa Trung Hoa v.v...

Đối với các tôn giáo ngoài Do thái và Kitô giáo: Trước Công đồng Vatican II có thể nói rằng Giáo Hội chỉ nhìn tới cá nhân hơn là nói tới các tôn giáo ngoài Do thái và Kitô giáo.

1. Nói tới cá nhân

Thánh Augustinô (năm 354-430) viết trong quyển De Ordine 11,10 : Quả thực sự trợ giúp của Thiên Chúa hoạt động nơi các dân tộc thì rộng rãi hơn một số người thường hiểu.

Paschase Rabert, Tu viện trưởng Dòng Biển đức ở Corbie, thế kỷ 9, viết : “Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta... lo cho toàn thể nhân loại, và qua mọi thời đại, Ngài luôn luôn dẫn dắt mọi người tuân giữ luật Thiên Chúa”.

Hugues de Saint Victor, thần học gia nổi tiếng thế kỷ 12, viết : “Không ai bị loại trừ khỏi ảnh hưởng ân sủng. Trái lại, nơi mọi dân tộc, ai có lòng kính sợ Thiên Chúa và ăn ở công chính thì làm đẹp lòng Chúa”.

Thánh Tôma Aquinô thế kỷ 13, quả quyết ở thời đại nào, bất cứ ở nơi nào, hết mọi người đều được ơn Chúa soi sáng để được ơn cứu độ nếu họ sống ngay lành (xem 1, 2 ae, 98, 2-4 và 2a, 2ae, 174, art 6).

Đức Piô IX dạy trong diễn văn Singulari quaedam : “Cũng phải tin chắc rằng những người không biết đạo thật, nếu vì vô tri bất khả thắng thì không thể coi họ có tội trước mặt Chúa vì sự vô tri đó” (sed pro certo pariter habendum est qui verae religionis ignorantia laborent, si en sit invincibilis, nulla ipso obstringi hujusce rei culpa ante oculos Domini).

Công đồng Vatican II làm sáng tỏ vấn đề hơn: “Những ai chưa lãnh nhận phúc âm cũng được an bài nhiều cách để họ thuộc về Dân Thiên Chúa” (ii tandem qui Evangelium nondum acceperunt, ad Populum Dei diversis rationibus ordinantur).

Những người vô tình không nhận biết Phúc âm của Chúa Kitô và Giáo Hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi” (Qui enim Evangelium Christi Ejusque Ecclesiam sine culpa ignorantes, Deum tamen sincero corde quaerunt, Ejusque voluntatem per conscientiae dictamen agnitam,operibus adimplere, sub gratiae influxu, conantur, aeternam salutem consequi possunt) (Lumen gentium, số 16).

Lương tâm nhiều khi lầm lạc vì vô tri bất khả thắng, nhưng cũng không vì thế mà mất hết phẩm giá” (Non raro tamen evenit ex ignorantia invincibili conscientiam errare, quin inde suam dignitatem amittat) (Gaudium et Spes, số 16).

Tóm lại, những người vô tình không biết Chúa Kitô, không biết Giáo Hội, những người tìm kiếm Thiên Chúa trong bóng tối và qua ngẫu tượng, họ sống trong tình trạng vô tri bất khả thắng (ignoratia invincibilis), họ nhận được ơn Chúa soi sáng hướng dẫn, nếu họ sống theo tiếng nói lương tâm, họ sẽ được cứu độ.

Về tiếng nói lương tâm, Đức Gioan Phaolô II giải thích: “Lương tâm nói cách rõ ràng trong đáy lòng người: “Hãy làm điều này, hãy tránh điều kia”. Khả năng truyền dạy làm điều lành, và tránh điều dữ, được Đấng Tạo Hóa ghi khắc trong con người là tính cách độc đáo của con người biết tự chủ. Nhưng đồng thời, tận đáy lương tâm, con người khám phá ra sự hiện diện của một lề luật mà mình không tự đặt cho mình, nhưng buộc phải tuân theo. Như vậy, lương tâm không phải là nguồn tự trị và độc quyền để định đoạt cái gì tốt, cái gì xấu. Trái lại, lương tâm đã ghi sâu một nguyên tắc là phải phục tùng quy luật khách quan, mà quy luật này là nền tảng và điều kiện làm cho quyết định của lương tâm phù hợp với những lệnh truyền và lệnh cấm được đặt ra làm nền tảng cho cách hành sử của con người (Thông điệp Dominum et Vivificantem, số 43). Như vậy, tiếng nói lương tâm không phải hoàn toàn chủ quan, vì nó theo luật khách quan (làm lành, lánh dữ) nên nó có giá trị quyết định.

2. Nói tới các tôn giáo ngoài Do thái giáo và Kitô giáo.

Trước Công đồng Vatican II, một số nhà thần học đã nói tới giá trị của các tôn giáo: Linh mục Sertillanges viết: “Trong các tôn giáo ngoài Kitô giáo, đã có những nhân vật đạo đức, thánh thiện nổi tiếng. Họ có ơn trợ giúp bên trong khiến họ thi thố ra bên ngoài việc thiện cũng như những người Kitô giáo có thể làm mặc dầu người Kitô giáo có nhiều ơn hơn. Những nỗ lực trong niềm tin, trong đời sống luân lý và trong các lễ nghi của họ cũng có giá trị và đôi khi rất quý báu”. Đối với những giá trị đó, ta suy nghĩ về Lời Chúa đánh giá luật Do thái: “Ta không đến để hủy bỏ lề luật, nhưng để kiện toàn”, nên có thể nói rằng Chúa làm cho chúng thêm vững chắc, tinh tuyền và sâu xa hơn (L'église 2).

Đức Hồng Y Henri de Lubac viết “Đôi khi, ngoài Kitô giáo, con người vươn mình lên tới những đỉnh cao siêu mà chúng ta có bổn phận - bổn phận này có lẽ thường bị sao nhãng - phải khám phá ra các nóc đỉnh đó để ca tụng Chúa nhân từ. Người Kitô hữu mến thương người ngoài Kitô giáo không bao giờ là thứ thương hại, khinh khi, nhưng đôi khi phát xuất do lòng cảm phục” (Catholisme).

Quyền Giáo huấn của Giáo Hội từ Công đồng Vatican II :

- Giáo Hội quý trọng những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo: “Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết, tuy rằng có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân lý. Chân lý chiếu soi hết mọi người” (Tuyên ngôn Nostra Aetate, số 2).
Giáo Hội xem tất cả những gì là chân thiện nơi họ như để chuẩn bị họ lãnh nhận Phúc âm” (Lumen gentium số 16).

Tất cả những gì là chân lý và ân sủng đã được tìm thấy nơi các dân tộc như một sự hiện diện bí ẩn của Thiên Chúa sẽ được hoạt động truyền giáo giải thoát cho khỏi bị nhiễm độc... Bất cứ điều gì tốt đẹp được nhận biết là đã được gieo vãi trong tâm trí con người hay trong những lễ chế và văn minh riêng của các dân tộc sẽ không bị hủy diệt, mà còn được thanh tẩy, thăng tiến và hoàn tất để Chúa được tôn vinh” (Ad gentes số 9).

Bất cứ những gì trong những tập tục của các dân tộc, không liên quan chặt chẽ đến những điều dị đoan và lầm lạc, đều được Giáo Hội thẩm định với lòng đầy thiện cảm, và nếu có thể, còn được gìn giữ vẹn toàn và vững chắc. Hơn nữa, đôi khi những tập tục đó còn được Giáo Hội nhận vào trong Phụng vụ” (Hiến chế Phụng vụ số 37).

- Những sách thánh của các tôn giáo: “Những sách thánh của các tôn giáo khác, mà trên thực tế hiện nay đang hướng dẫn và nuôi dưỡng cách sống của các tín đồ của họ, nhận lãnh từ mầu nhiệm của Chúa Kitô những yếu tố của lòng nhân lành và ân sủng chứa đựng trong các tôn giáo đó” (Tuyên ngôn Dominus Jesus, số 8).

- Có những khiếm khuyết, bất toàn và sai lầm trong các tôn giáo: “Thiên Chúa kêu gọi mọi dân tộc đến với Người trong Đức Kitô; Người muốn thông truyền cho họ trọn vẹn mạc khải và tình yêu của Người; Hơn nữa, Người bày tỏ sự hiện diện của Người bằng nhiều cách, không chỉ cho các cá nhân, nhưng còn cho các dân tộc, qua sự phong phú tinh thần mà các tôn giáo là cách diễn tả căn bản và thiết yếu, mặc dù các tôn giáo ấy vẫn còn những khiếm khuyết, bất toàn và những sai lầm” (Thông điệp Redemptoris missio số 55) (Tuyên ngôn Dominus Jesus lặp lại tư tưởng nầy, xem số 8).

Như vậy, thật rõ ràng :

- Có ơn Chúa hoạt động trong các tôn giáo khác.
- Có một số yếu tố trong các tôn giáo (Kinh Thánh của họ, các lễ nghi v.v...) là “những công cụ, nhờ đó vô số người trải qua các thế kỷ, đã và ngày nay còn có thể nuôi dưỡng và duy trì tương quan sự sống của mình với Thiên Chúa” (Tuyên ngôn Dominus Jésus số 8).

Thật là bất công và thiếu bác ái khi người ta đi tìm Chúa thông qua các ngẫu tượng (Xem Lumen gentium số 16) thì mình bảo họ thờ dối trá, thậm chí bảo họ thờ ma quỷ ??

Tuy nhiên, ta phải biết rõ những yếu tố tích cực nơi các tôn giáo khác (giúp người ta sống đạo đức, nuôi dưỡng và duy trì tương quan sự sống của mình với Thiên Chúa, nhận ơn Chúa...) và những yếu tố tiêu cực (mê tín dị đoan, những sai lầm v.v...), vừa thấy rõ sự phong phú của các tôn giáo đóng góp cho niềm tin, đóng góp giá trị tâm linh cho nhân loại. Công đồng Vatican II xem các tôn giáo như là nhiều cách thế Thiên Chúa an bài để họ thuộc về dân Thiên Chúa (... ad Populum Dei deversis rationibus ordinantur. Lumen gentium số 16) hoặc “những gì là chân thiện nơi họ như để chuẩn bị họ lãnh nhận Phúc âm” (Quidquid enim boni et veri apud illos invenitur, ab Ecclesia tamquam praeparatio evangelica aestimatur, idem số 16).

Thực tế, các tôn giáo hiện nay trên thế giới đã đạt tới đỉnh cao và được khách quan hóa bằng lễ chế, thể chế vững bền nên rất khó có hiện tượng các đạo sĩ (Ba Vua) của các tôn giáo khác tìm đến tôn thờ “Vua Do thái sinh ra”. Hình như các tôn giáo đã đạt tới đỉnh cao không còn ở tình trạng “tiến hóa” trong khi hiện tượng tiến hóa vẫn xảy ra trong xã hội loài người : tiến trong ý thức không ngừng, để con người suy tư nhiều hơn, tiến mạnh trong sáng tạo kỹ thuật, công nghệ v.v... và con người biết yêu nhau nhiều hơn đến mức độ phải xây dựng một nhân loại hợp nhất, mọi người đều là công dân của địa cầu, của vũ trụ. Chuyển động hiện nay của cuộc tiến hóa vừa giúp cho cá nhân được tôn trọng, hưởng tự do dân chủ, vừa giúp cho nhân loại xây dựng một thế giới đại đồng.

Một niềm tin vững bền: chiều tiến hóa của nhân loại đang theo một chiều hướng chắc chắn và nhất định: tiến về phía trước, tiến về một trung tâm sung mãn tối cao mà nhân tính cá nhân sẽ làm nên thành phần của toàn thể bao la. Trung tâm sung mãn đó chính là Chúa Giêsu Kitô, là Ngôi Hai Thiên Chúa nên vụ trụ, muôn loài, muôn vật được tạo thành, là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người nên cuộc tiến hóa đạt tới đích điểm sung mãn là chính Ngài. Tiến về Ngài, cuộc tiến hóa tới mức cao nhất có thể (vũ trụ được thần linh hóa), loài người được cứu độ.

Nếu cuộc tiến hóa không có đích điểm đến là trung tâm sung mãn thì sự hiện hữu của vũ trụ, muôn loài muôn vật và sự tiến hóa của muôn loài, muôn vật sẽ đi tới ngõ cụt, phi lý, một trò chơi khủng khiếp của cái gì gì đó !

Mạc khải Kitô giáo xóa tan cái phi lý, cái trò chơi khủng khiếp này vì vũ trụ, muôn loài, muôn vật được hiện hữu nhờ Ngôi Hai Thiên Chúa, được hướng dẫn tiến lên, được thần linh hóa nhờ Ngôi Hai Thiên Chúa làm người và được kết hợp với Thiên Chúa để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự (Deus omnia in omnibus) nhờ Ngôi Hai Thiên Chúa làm người cứu chuộc nhân loại.

Như vậy, Chúa Giêsu Kitô là Đấng trung gian hữu nhất vô nhị và duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, Giáo Hội do Ngài thiết lập làm dấu hiệu và dụng cụ hữu nhất và duy nhất của Ngài để rao giảng Tin Mừng cứu độ để đưa mọi người làm con cái Thiên Chúa, làm em Chúa Giêsu Kitô, làm đền thờ Chúa Thánh Thần.

Linh mục Pièrre Teilhard de Chardin vừa là một bác học của Cổ sinh vật học là một nhà thần học đã diễn tả sự tiến hóa của vũ trụ, của muôn loài muôn vật và loài người bằng một câu: Tout ce qui monte, converge. Cha già Thích dịch câu này ra Hán văn : đăng giả hội (tiến, ấy là tụ).

Cuộc tiến hóa của vũ trụ, muôn loài muôn vật chỉ có một con đường (tiến tới trung tâm sung mãn), nhưng vũ trụ, muôn loài muôn vật lại hết sức đa dạng, hết sức phong phú. Tính đa dạng của vũ trụ, của muôn loài muôn vật tạo nên sự phong phú hết sức có ý nghĩa. Tôn giáo cũng có nhiều nhưng chỉ có một trung tâm sung mãn để cho vũ trụ, muôn loài, muôn vật tiến tới.

Nếu người ta xem các Đấng sáng lập ra các tôn giáo khác cũng là Đấng cứu độ như Chúa Giêsu Kitô, tức là người ta tạo ra nhiều trung tâm sung mãn, tạo ra thuyết tương đối các tôn giáo. Cho dầu trong vũ trụ nầy có nhiều loài người thì vũ trụ này đều do Ba Ngôi Thiên Chúa tạo dựng, và Ba Ngôi Thiên Chúa tự hiến trong công cuộc sáng tạo vũ trụ và cứu độ. Ngôi Hai nhập thể trên hành tinh chúng ta và một cách nào khác thì Ngôi Hai nhập thể vẫn là trung tâm sung mãn mà toàn thể vũ trụ muôn loài, muôn vật tiến đến.

Nếu Giáo Hội của Chúa Kitô thiết lập và đang tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo cũng có giá trị như các tôn giáo khác thì chẳng có một dụng cụ đáng tin cậy nói về Thiên Chúa, về Chúa Kitô. Thật vậy, các tôn giáo khác ngoài Do thái Kitô giáo là sản phẩm của loài người dầu có ơn Chúa hoạt động trong đó. Là sản phẩm của loài người làm sao nói đúng trăm phần trăm về Thiên Chúa. Cụ thể là trong các tôn giáo đó có những sai lầm, mê tín dị đoan. Phá bỏ tính tuyệt đối của Chúa Kitô (Đấng Trung gian hữu nhất và duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người) và tính tuyệt đối của Giáo Hội (chỉ có một Giáo Hội của Chúa Kitô tồn tại trong một Giáo Hội Công Giáo), người ta chỉ còn nắm được một số chân lý lờ mờ, hỗn độn về Thiên Chúa và sự không chắc chắn về giá trị con người và phần rỗi.

Thái độ của Giáo Hội là: Integra doctrina lucide exponatur omnino oportet. Nil ab oecumenismo tam alienum est quam ille falsus irenismus, quo puritas doctrinae catholicae detrimentum patitur et ejus sensus genuinus et certus obscuratur (Cần phải trình bày tuyệt đối rõ ràng nguyên vẹn giáo lý. Không gì phá hoại hiệp nhất cho bằng chủ trương xu thời, sai lệch, vì nó làm hỏng sự tinh tuyền của giáo lý Công Giáo và làm lu mờ ý nghĩa đích thực và chắc chắn của giáo lý này) (Unitatis redintegratio, số 11).
Nếu để đưa đến hiệp thương, hiệp nhất, mình phải nhượng bộ một số chân lý, thì khi một ai không thiết tha với chân lý của mình, họ sẽ tự hủy diệt mình.

Giáo Hội được Chúa Kitô thiết lập để truyền giáo vì bản tính của Giáo Hội lữ hành là truyền giáo (Ecclesia peregrinans natura sua missionaria est, Ad gentes, số 2) vì Giáo Hội nắm trọn vẹn mạc khải về Thiên Chúa và mọi phương thế cứu rỗi. Đối với các tôn giáo khác, dầu có ơn Chúa hoạt động, dầu chứa đựng một số yếu tố duy trì và nuôi dưỡng tương quan sự sống của mình với Thiên Chúa, Giáo Hội phải truyền giáo cho họ để họ đạt tới trung tâm viên mãn. Đức Gioan Phaolô II xem “đối thoại liên tôn là một thành phần trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội” (Thông điệp Redemptoris missio số 55).

Theo linh mục Claude Geffrée (nguyên Giám đốc Trường Kinh Thánh và khảo cổ Giêrusalem) sai lầm lớn của nhiều người khi nghĩ rằng không thể có đối thoại giữa các tôn giáo vì họ không thể nghĩ rằng trong cuộc đối thoại mỗi bên phải có thái độ giữ chặt vô điều kiện chân lý mình tin theo. Phải hiểu rằng chân lý mà người ta đã sống chết cả một cuộc đời làm giá cho chân lý, chứ không phải là một số dư luận, ý kiến thường. Nếu các thành phần đối thoại biết tôn trọng niềm tin riêng của nhau như là điều tiên quyết thì cuộc đối thoại có thể bắt đầu được. Như vậy, mỗi thành viên tham dự đang nắm giữ tuyệt đối chân lý riêng của mình và trao đổi với nhau sẽ khám phá ra rằng chân lý riêng của mình giữ lấy nhưng không làm cho người khác cảm thấy họ bị thu hẹp, lép vế hoặc mất giá.

Giáo Hội Công Giáo là người đưa sáng kiến đối thoại giữa các tôn giáo. Biến cố Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cầu nguyện với các lãnh đạo cao cấp của các tôn giáo ở Assise năm 1986 không được các lãnh tụ tôn giáo xem như một biến cố cách mạng vì người ta có thể xem như một âm mưu chinh phục các tôn giáo hoặc ít ra là dấu ẩn một tính toán thầm kín nào đó có lợi cho mình... Tôi nghĩ rằng sáng kiến của Công đồng Vatican II không có mưu đồ đó và cuộc gặp gỡ tại Assise cũng thế. Tôi nghĩ rằng đối thoại liên tôn là do cách nghĩ sâu xa về các tôn giáo, có thể nhận ra rằng Giáo Hội và Kitô giáo đóng vai trò một tôn giáo lịch sử thì không nắm độc quyền thâu gồm mọi chân lý tôn giáo, do đó khoa thần học về tôn giáo là dấu chỉ thời đại.

Mạc khải được thực hiện cho dân tộc Israen và trong Kitô giáo cho ta biết rằng những gì biểu lộ ra đầy đủ, trọn vẹn trong Giáo Hội thuộc bình diện các bí tích tức là dấu hiệu biểu thị thực tại bên trong có thể thực hiện rộng khắp trên mọi nơi, mọi quốc gia bởi vì ý định của Thiên Chúa trong chương trình sáng tạo và cứu độ là hữu nhất vô nhị nơi nhân loại và Thiên Chúa ở giữa loài người mà Chúa Giêsu Kitô là người biểu lộ rõ ràng, cụ thể ý định đó, nhờ thế từ lúc có loài người, loài người đã có một ý nghĩa đặc biệt. Lịch sử như con đường mạo hiểm đầy bất trắc mang một ý nghĩa nhất định mà tất cả dù thuộc tôn giáo này hay tôn giáo kia vẫn cùng bước đi trong con đường mạo hiểm chung đó, một cuộc mạo hiểm mà chỉ có một giải đáp duy nhất là được thông phần chính sự sống của Thiên Chúa. Đó là cái nhìn sâu xa của Kitô giáo, và đó là điều phải loan báo cho mọi người trên mọi nước (xem Claude Geffré, OP. Profession théologien, 1999, chap 9-10).

* Ghi chú: Trong tác phẩm La mission de l’Église à l’âge de l’oecuménisme interreligieux (Edts Spiritus 1987, page 6), linh mục G. Geffré cho rằng Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người nên Ngài có quyền phổ quát trên mọi dân tộc, còn Kitô giáo nằm trong lịch sử loài người nên không có quyền ấy. Phải chăng nói như thế là phủ nhận Giáo Hội là Bí tích phổ quát cứu độ ??





--

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét