Trang

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

Tính đáng tin cậy của Thánh Kinh (2)

Tính đáng tin cậy của Thánh Kinh (2)
truth-bible 


Có mấy điểm nên lưu ý: 1) Vào thế kỷ 6-10, có một trường phái khác lập massora quan trọng không kém, nếu không hơn trường phái Tiberias, đó là trường phái Babylon; 2) Về Bản LXX:  72 dịch giả làm việc trong vòng 72 ngày, chỉ là một truyền thuyết. Dù sao, cái lõi sự thật, đó là Bộ Ngũ Thư hầu chắc được dịch ra tiếng Hy-lạp dưới thời Vua Ptôlêmê và tại Alexandria.

II. Sự Đáng Tin của Cựu Ước về Phương Diện Thư Mục Học

Về trường hợp Cựu Ước, ta không có được sự phong phú về bản chép tay như với Tân Ước.Trước khi khám phá ra các Sách Cuộn Biển Chết, bản chép tay trọn bộ lâu đời nhất của Thánh Kinh Do-thái là vào khoảng năm 900 A.D. Như thế khoảng cách là 1,300 năm (Cựu Ước Do-thái được hoàn tất khoảng năm 400 B.C.). Thoạt nhìn, người ta có cảm tưởng Cựu Ước không có chi đáng tin cậy hơn các tác phẩm học thuật cổ thời khác. Với việc khám phá ra các Sách Cuộn Biển Chết, một số các bản chép tay Cựu Ước cũng đã được tìm ra mà các học giả đều quả quyết là có trước thời Chúa Giêsu. 

Khi các sự kiện được biết đến và so sánh, người ta thấy có rất nhiều lý do để tin rằng các bản chép tay chúng ta có hiện nay rất đáng tin cậy. Ta sẽ thấy như Ngài Frederick Kenyon đã từng nói: “Kitô hữu có thể cầm trọn bộ Thánh Kinh trong tay và nói mà không sợ sệt hoặc do dự là mình thực đang nắm được Lời Chúa trong đó, một lời được lưu truyền từ đời nọ đến đời kia xuyên qua bao thế kỷ mà những điều chủ yếu vẫn không mất bao giờ” (27). Muốn thấy tính cách độc đáo của Thánh Kinh, tưởng ta nên khảo sát sự cẩn trọng tuyệt vời mà các nhà sao chép đã biểu lộ khi thực hiện các bản chép tay Cựu Ước. 

1. Sách Talmud (100-500 A.D.): Trong thời kỳ này, người ta sử dụng phần lớn thì giờ vào việc phân loại các luật đạo và đời của Do Thái. Các nhà sao chép có một hệ thống khá phức tạp để sao chép các sách cuộn của hội đường. Ta hãy nghe Samuel Davidson diễn tả một số kỷ luật của các nhà sao chép sách Talmud phải có đối với Thánh Kinh: [1] Sách cuộn của hội đường phải được viết trên da các thú vật sạch, [2] phải do một người Do-thái chuẩn bị cho một việc sử dụng cá biệt của hội đường. [3] Những sách cuộn này phải được cột với nhau bằng dây lấy từ các thú vật sạch. [4] Mỗi tờ giấy da phải chứa một số cột bằng nhau trong suốt cuốn sách. [5] Chiều dài mỗi cột không được dưới 48 dòng và không được quá 60 dòng; và chiều rộng phải chứa 30 chữ. [6] Trọn bộ bản chép phải được kẻ đầu (first-lined); và nếu viết ba chữ mà không có dòng nào, thì sẽ vô giá trị. [7] mực phải đen, không được trắng, xanh lá cây, hay bất cứ màu nào khác, và phải được chuẩn bị bằng một công thức nhất định. [8] một bản chuẩn xác phải làm mẫu mực, mà người sao chép không được phép đi trật dù hết sức nhỏ. [9] không một chữ, một vần hay một dấu phết (yod) nào được phép viết theo trí nhớ, mà người sao chép lại không nhìn vào sách mẫu để ngay trước mắt mình… [10] Giữa mỗi phụ âm, phải có khoảng cách dù nhỏ như sợi tóc hoặc sợi chỉ; [11] giữa mỗi đoạn (parashah) mới, phải để khoảng cách rộng 9 phụ âm; [12] Giữa mỗi sách, phải có ba dòng. [13] Sách thứ năm của Moses phải kết thúc chính xác bằng một dòng; còn những sách khác thì không cần như vậy. [14] Ngoài ra, người sao chép phải mặc đủ lễ phục Do-thái-giáo khi ngồi viết, [15] tắm gội hết cả châu thân, [16] không được bắt đầu viết tên Chúa bằng cây viết vừa mới nhúng mực, [17] và nếu có vị vua nào đó lên tiếng nói chuyện với anh ta khi anh ta đang viết tên Chúa, anh ta vẫn không được lưu ý tới (13 & 18). Sách cuộn nào không tôn trọng những qui định trên đều phải bị chôn xuống đất hoặc bị đốt đi; hay bị cấm không được dùng trong các học đường, hay dùng làm sách đọc. 

Không lạ gì có rất ít sai biệt trong các bản chép tay Cựu ước. Theo Gleason Archer, dù hai bản của Sách Isaia được khám phá tại Hang 1 Qumran gần Biển Chết vào năm 1947 đã có trước bản chép tay xưa nhất được biết đến trước đây (năm 980 A.D.) cả hơn một ngàn năm, chúng vẫn y trang từng chữ giống bản Thánh Kinh Do-thái tiêu chuẩn của ta ngày nay đến hơn 95 phần trăm. 5 phần trăm sai biệt phần lớn là do nét vấp của ngòi bút và cách đánh vần khác nhau mà ra thôi. Ngay những mẩu vụn của sách Đệ nhị luật và sách Samuel, dù thuộc hai nhà chép tay khác nhau, cũng không đưa lại một khác biệt nào về học thuyết hoặc giáo huấn. Chúng không ảnh hưởng mảy may gì đến sứ điệp mạc khải cả (7/25). 

Frederick Kenyon cho rằng lý do có ít bản chép tay Cựu ước là vì sự cẩn trọng nói trên. Khi người ta đã dành cho bản chép tay một sự thận trọng tuyệt đối như trên, thì tuổi của chúng trở thành không quan trọng nữa. Ngược lại, có thể còn có hại do hiện tượng bạc màu, sờn rách. Bản nào bị hư hại hay bất toàn như thế đâu còn xứng đáng để được sử dụng nữa. Chính vì thế, ở mỗi hội đường đều có một cái tủ gọi là Gheniza (tủ chứa đồ thừa) để chứa những bản chép tay bị hư nát… Như thế, thay vì coi các bản chép tay lâu đời có giá trị, người Do-thái có thói quen chuộng những bản mới chép hơn, coi chúng như hoàn hảo hơn, ít hư hại hơn. Những bản bị cho vào gheniza đương nhiên sẽ mai một đi hoặc do quên lãng hoặc bị đốt khi gheniza quá đầy. Việc vắng bóng những bản chép tay lâu đời của Cựu Ước do đó không phải là điều làm ta ngạc nhiên hay quan ngại (27/43). Việc trọng kính đối với Thánh Kinh và việc quan tâm đến tính tinh ròng của nó không phải chỉ mới có sau khi Giêrusalem thất thủ. Nó đã có ít nhất từ đời Ezra (7: 6,10) vì Ezra được xưng tụng là “viên ký lục rất kỹ càng”. Thực vậy, Ông là một nhà chuyên nghiệp, rành nghề về Thánh Kinh. 

2. Bản Massoretic (500-900 A.D.): Những người massoretes (do chữ massora có nghĩa là truyền thống) đảm nhận công việc khó khăn là nhuận sắc và tiêu chuẩn hóa bản văn. Bản doanh của họ đặt tại Tiberias. Bản do các nhà massoretes chung kết được gọi chung là bản văn massoretic. Điểm đặc biệt của bản này là việc thêm dấu nguyên âm để việc xướng đọc được chính xác hơn. Nó được coi là bản Thánh Kinh tiêu chuẩn của Do-Thái ngày nay. 

Các nhà massoretes là những người rất có kỷ luật và coi bản văn hết sức cung kính. Họ đã đưa ra một hệ thống phức tạp để giữ cho bản văn khỏi phạm những sa sẩy của ngòi bút. Chẳng hạn, họ đếm số lần từng mẫu tự xuất hiện trong mỗi cuốn sách; họ chỉ ra chữ giữa của Ngũ Kinh và chữ giữa của toàn bộ Thánh Kinh Do-Thái, và còn làm những con tính chi tiết hơn thế nữa. Bất cứ những gì có thể đếm được đều được họ đếm cả. Họ còn tạo ra những bản giúp trí nhớ (mnemonics) nhờ đó những tổng số khác nhau có thể nhớ được cách dễ dàng (10). 

Frederick Kenyon nói thêm về vấn đề trên như sau: “ngoài việc ghi chép những cách đọc, những truyền thống và suy đoán khác nhau, các nhà massoretes còn đảm nhiệm nhiều con tính không có trong phạm vi phê phán bản văn thông thường. Họ đếm số câu, số từ, số chữ của từng cuốn sách. Họ tính ra từ giữa và chữ giữa của cuốn sách đó. Họ kể ra những câu có chứa tất cả các chữ của mẫu tự, hay một số chữ của mẫu tự… Những chuyện xem ra chẳng có chi là quan trọng này thực ra đem lại hiệu quả rất lớn trong việc đảm bảo sự chăm chú tỉ mỉ để chuyển giao chính xác bản văn cho hậu thế; và nói cho cùng sự trọng kính thái quá ấy đối với Thánh Kinh, xét về phương diện văn bản, quả là điều đáng khen. Quả thật, các nhà massoretes luôn luôn lo lắng sao cho không một dấu chấm, không một tựa đề, không một chữ dù nhỏ đến đâu hay ngay một phần nhỏ xíu của một chữ của Sách Luật bị lãng quên hay bỏ sót” (27). 

Chính Flavius Josephus, một sử gia Do-Thái, cũng đã viết: “chúng tôi đã có chứng cớ cụ thể cho thấy lòng tôn kính của chúng tôi đối với Thánh Kinh. Vì dù bao thời đại dài đằng đẵng đã trôi qua, nhưng không một ai dám thêm hoặc cắt bỏ, hay thay đổi chỉ một vần nào; và mọi người Do Thái, kể từ khi mới sinh ra, đã có bản năng coi Thánh Kinh như các sắc chỉ của Chúa, mà họ phải tuân giữ và, nếu cần, sẵn sàng chết cho nó. Từ trước đến nay, biết bao lần người ta đã được chứng kiến tận mắt những cảnh các tù nhân thà chịu nhục hình và chịu chết dưới nhiều hình thức, hơn là phát ra lời nào chống lại Lề Luật và những tài liệu liên quan đến nó” (23). 

3. Sự đáng tin của Cựu Ứơc

Chỉ cần nhìn vào cách chuyển tự (transliteration) tên người, ta cũng đủ thấy tính chính xác hết mực của Cựu ước. Một học giả cho hay trong 144 trường hợp chuyển tự từ tiếng Ai-cập, Assyria, Babylonia và Moabite sang tiếng Hy-bá-lai và 40 trường hợp chuyển tự ngược lại, nghĩa là 184 trường hợp tất cả, chứng cớ cho thấy từ 2300 đến 3900 năm nay bản văn đề cập đến các tên riêng trong Thánh Kinh Do-thái đã được lưu truyền một cách cực kỳ chính xác. Việc các thầy ký lục nguyên thủy có thể ghi chép các tên ấy một cách phù hợp chặt chẽ với các nguyên tắc chính xác của khoa ngữ văn (philology) đến như thế quả là một bằng chứng kỳ diệu cho thấy sự cẩn trọng và đầu óc bác học sâu sắc của họ; hơn nữa, việc bản văn Hy-bá-lai được các nhà sao chép lưu truyền qua bao nhiêu thế kỷ như trên quả là một hiện tượng chưa hề có trong lịch sử văn học (40). Một học giả khác cho hay có khoảng 40 vị vua sống trong khoảng các năm 2000 B.C. và 400 B.C. Họ được trình bầy theo thứ tự thời gian… tham chiếu với các vị vua của cùng một nước và với các vị vua của các nước khác… Không một chứng cớ nào cho thấy sự chính xác chủ yếu trong cách ghi chép của Cựu Ước cho bằng cái bộ tên các vua này. Nói theo toán học, sự chính xác kia chỉ có thể có khoảng 1 phần 750,000,000,000,000,000,000,000 là do hoàn cảnh mà thôi (40). 

4. Các bản văn Hy-bá-lai 

Cairo Codex (895 A.D.) hiện lưu giữ tại Bảo tàng viện Anh quốc. Nó do gia đình Moses ben Asher, thuộc thời kỳ Massoretic, thực hiện, chứa cả hai phần tiên tri tiền và tiên tri hậu (10) 

Bộ Các Tiên tri của Leningrad (916 A.D.): chứa Isaia, Jeremia, Ezekiel, và 12 tiên tri nhỏ. 

* Bộ chép tay đầy đủ cổ xưa nhất của Cựu Ước là bộ Codex Babylonicus Petropolitanus (1008 A.D.) hiện lưu giữ tại Leningrad. Đây là bộ được sao chép từ bản văn đã được Giáo sĩ Do-thái Aaron ben Moses ben Asher hiệu đính trước năm 1000 A.D. (18). 

Aleppo Codex (900+A.D.) là một bản chép tay vô cùng quí giá. Trước đây người ta tưởng nó đã thất lạc, nhưng lại được tìm thấy năm 1958, tuy có hư hại đôi chút. 

Bộ Codex của Viện Bảo tàng Anh Quốc (950 A.D.) chứa phần từ Sáng Thế đến Thứ luật. 

Bộ Codex các Tiên Tri của Reuchlin (1105 A.D.) do ben Naphtali, thuộc nhóm Massoretic, thực hiện. 

5. Chứng cớ của Các Sách Cuộn Biển Chết

Đối với câu hỏi: liệu bản văn Hy-bá-lai mà ta gọi là bản massoretic này, một bản văn ta thấy đã được lưu truyền từ một bản văn soạn vào khoảng năm 100 công nguyên, có thực sự là đại biểu trung thành cho Bản Hy-bá-lai nguyên gốc do các tác giả của các sách Cựu Ước viết ra không? Ta thấy các Sách Cuộn Biển chết (Dead Sea Scrolls) cho ta câu trả lời thật minh nhiên và quả quyết. Vấn đề trước khi người ta khám phá ra các Sách Cuộn này là: các bản chép hiện ta có ngày nay chính xác ra sao so với bản văn của thế kỷ thứ nhất? Vì bản văn đã được sao chép quá nhiều lần, liệu ta có thể tin cậy vào nó không? Ta biết Các Sách cuộn bao gồm khoảng 40,000 mẩu giấy có viết chữ. Từ các mẩu giấy đó, người ta đã tái tạo được hơn 500 cuốn sách. Những cuốn sách và mẩu giấy bên ngoài Thánh Kinh đã cho thấy nhiều điều về cộng đoàn tôn giáo tại Qumran. Các bản viết như “Tài liệu Zadokite”, “Luật Lệ của Cộng đoàn” và “Thủ Bản Kỷ Luật” giúp ta hiểu mục đích sinh hoạt thường nhật của Qumran. Trong nhiều hang động, người ta cũng tìm thấy nhiều bản bình luận Thánh Kinh rất hữu ích. 

Lịch sử khám phá ra các Sách Cuộn này là biến cố lý thú nhất trong thời hiện đại. Khoảng tháng Hai hoặc tháng Ba năm 1947, một cậu bé chăn chiên Ả-rập tên Muhammad đang đi kiếm con chiên lạc. Cậu liệng một hòn đá vào một cái lỗ hổng trên vách đá ở phía tây Biển Chết, cách phía namJericho khoảng 8 dặm. Cậu hết sức ngạc nhiên khi nghe thấy tiếng vang của một thứ đồ sành. Tò mò, cậu xuống quan sát, thì quả là một cảnh tượng đầy ngạc nhiên. Dưới sàn động có đến mấy chiếc bình lớn chứa những cuộn giấy da bọc vải. Vì tất cả các bình đều được dán kín miệng hết sức cẩn thận, nên các sách cuộn đã được gìn giữ hết sức tốt đẹp suốt gần 1900 năm. Chúng đã được đặt ở đó từ năm 68 công nguyên. 

Năm Sách Cuộn tìm thấy trong Hang số 1 đã được Tổng Giám mục thuộc Tu viện Chính thống giáo Syria tại Giêrusalem mua lại. Trong khi ba cuốn khác được Giáo sư Sukenik thuộc trừng Đại học Do Thái mua. Khi các sách này được khám phá lần đầu, ít ai biết đến chúng. Tháng Mười Một năm 1947, sau khi mua ba cuốn sách trên và hai chiếc bình khác từ các Hang Biển Chết, giáo sư Sukenik viết trong nhật ký như sau: “Có lẽ đây là một trong những khám phá vĩ đại nhất chưa bao giờ xẩy ra tại Palestine, một khám phá ta chưa bao giờ từng mơ tưởng”. Tuy nhiên, nhận định ấy không được công bố vào thời đó. May mắn thay, tháng Hai năm 1948, Vị Tổng giám mục nói trên, vì không đọc được tiếng Hy-bá-lai, nên đã điện thoại cho Trường Nghiên cứu Đông phương tại Giêrusalem của Mỹ (American School of Oriental Research in Jerusalem) và thuật lại cho họ nghe về các sách cuộn ông đã mua. Quả là một quan phòng tốt đẹp, vì vị xử lý thường vụ chức giám đốc của Trường lúc đó là một học giả trẻ tuổi tên John Trever, đồng thời cũng là một nhiếp ảnh gia tài tử rất tuyệt vời. Ông kiên nhẫn chú tâm chụp từng cột cuốn sách cuộn Isaia dài 24 bộ và dầy 10 inches. Ông tự rửa các tấm phim và gửi một số ảnh chụp cho tiến sĩ W.F. Albright thuộc Trường Đại học Hopkins, một học giả nổi tiếng và lúc đó đang là khoa trưởng khoa khảo cổ học Thánh Kinh. Albright viết thư trả lời ngay: “Tôi nồng nhiệt ca ngợi việc khám phá ra các sách chép tay này, một khám phá vĩ đại nhất thời nay!… Quả là một khám phá tuyệt đối tuyệt vời! Và không thể có một nghi ngờ nào trên khắp thế giới về tính chân thực của các bản chép tay này”. Albright cho rằng các sách này có khoảng năm 100 công nguyên (14). 

Một vài điều sau đây cho thấy các Sách Cuộn này vô cùng qúi giá. Ta biết các bản chép tay Thánh Kinh Do-Thái xưa nhất và đầy đủ nhất ta có hiện nay là từ năm 900 công nguyên trở về sau. Làm sao ta có thể chắc chắn chúng được lưu truyền chính xác kể từ thời Chúa Giêsu vào năm 32 công nguyên? Chính nhờ khoa khảo cổ và các Sách Cuộn Biển chết mà ta biết được câu trả lời. Một trong các sách cuộn này là bản chép tay đầy đủ sách Isaia bằng tiếng Hy-bá-lai. Các nhà cổ tự học (paleographers) ấn định niên biểu chúng vào khoảng năm 125 trước công nguyên. Bản chép tay này cổ hơn 1,000 năm so với bất cứ bản chép tay nào ta có trước đó. Ấn tượng mạnh mẽ là ở chỗ giống nhau cùng khuôn giữa bản sách cuộn Isaia (năm 125 trước công nguyên) và bản Isaia của nhóm Massoretic (năm 916 công nguyên), một bản xuất hiện 1,000 năm sau đó. Điều ấy chứng tỏ sự chính xác phi thường của các nhà sao chép Thánh Kinh, dù sống cách nhau cả nghìn năm. 

Trong số 166 chữ của Isaia 53, chỉ có 17 mẫu tự bị nghi vấn. Tuy nhiên, trong số ấy hết 10 mẫu tự chỉ là vấn đề đánh vần (spelling), không ảnh hưởng chi đến ý nghĩa. Bốn mẫu tự khác là những thay đổi nhỏ về hành văn, như giới từ chẳng hạn. Ba mẫu tự còn lại bao gồm trong chữ “ánh sáng” được thêm vào câu 11, và không ảnh hưởng nhiều đến ý nghĩa. Hơn nữa, chữ này lại được chứng minh bằng bản Bẩy Mươi và bản IQ Is. Như thế, trong một chương gồm 166 chữ, thực sự chỉ có một chữ (gồm 3 mẫu tự) là có nghi vấn sau một ngàn năm lưu truyền – và chữ này không thay đổi nghĩa của cả đoạn bao nhiêu (18). Một học giả khác thêm rằng một bản giấy cuộn không đầy đủ chép sách Isaia được tìm thấy cùng với các bản khác tại Hang Qumran 1, được gọi cho tiện là bản “Isaia B”, còn tương hợp chặt chẽ hơn nữa với bản Massoretic (10). Như thế, có thể kết luận sự quan trọng của các Sách cuộn Biển Chết nằm ở chỗ chúng đã chứng tỏ được tính chất chân xác của bản Cựu Ước Massoretic. 

6. Bản Bẩy Mươi chứng minh sự chân xác của Thánh Kinh Hy-bá-lai

Khi người Do Thái bị phân tán đi khắp nơi, họ thấy nhu cầu phải có Thánh Kinh bằng ngôn ngữ chung của thời đại. Bản Bẩy Mươi đã đáp ứng nhu cầu ấy. Đây là bản dịch Thánh Kinh Hy-bá-lai qua tiếng Hy-lạp được thực hiện dưới triều Vua Ptolemy Philadelphia của Ai-Cập (năm 285-246 trước công nguyên). 

Dựa vào một bức thư của Aristeas, một viên chức trong triều Vua Ptolemy, gửi cho anh mình là Philocrates, người ta được biết Vua Ptolemy là một ông Vua nổi tiếng trong việc bảo trợ văn học. Chính dưới thời ông, thư viện vĩ đại tại Alexandria, một trong những kỳ quan văn hóa của thế giới suốt trong 900 năm, đã được khánh thành. Cũng theo bức thư, chính thư viện trưởng của Ptolemy là Demetrius, người thành Phalerum, đã làm nhà Vua chú ý tới Lề Luật Do-thái và khuyên nhà Vua gửi một phái đoàn tới thầy cả thượng phẩm tại Giêrusalem. Thế là thầy cả thượng phẩm bèn chọn 6 nhà dịch thuật lão thành từ mỗi một chi tộc trong 12 chi tộc Do-thái và gửi họ qua Alexandria, cùng với một bộ kinh Torah chính xác và bằng giấy da tuyệt đẹp. Các vị lão thành này được nhà Vua chiêu đãi trọng thể, và tỏ ra uyên bác khôn ngoan trong tranh luận; nên được Nhà Vua cho cư ngụ tại lâu đài trên đảo Pharos (một hòn đảo nổi tiếng nhờ chiếc hải đăng của nó), nơi đó, trong suốt 72 ngày, họ hoàn tất nhiệm vụ phiên dịch Ngũ Kinh qua tiếng Hy-lạp, tranh luận biện bác và so sánh để sau cùng dâng lên nhà Vua một bản dịch thống nhất (10). 

Bản Bẩy Mươi rất gần với bản Massoretic (916 A.D.) chúng ta có ngày nay, là một chứng cớ cho thấy sự đáng tin cậy trong quá trình lưu truyền suốt hơn 1,300 năm. Bản Bẩy Mươi có bốn đóng góp quan trọng sau đây: [1] Nó lấp được hố phân cách giữa người nói tiếng Do-Thái và người nói tiếng Hy-lạp, vì nó thoả mãn được nhu cầu của người Do-thái sinh sống tại Alexandria, [2] Nó lấp được hố phân cách lịch sử giữa Cựu ước Hy-bá-lai của người Do-thái và các Kitô hữu nói tiếng Hy-lạp, là những người nay có thể sử dụng được Cựu Ước song song với Tân Ước, [3] và nó cung cấp tiền lệ cho các nhà truyền giáo trong việc phiên dịch Thánh Kinh sang các ngôn ngữ khác; [4] Nó lấp hố phân cách của khoa phê bình bản văn nhờ những tương hợp chủ yếu của nó với bản văn Cựu Ước Hy-bá-lai (18). 

Người Do-thái sau đó mất dần cảm tình với Bản Bẩy Mươi. Lý do của hiện tượng này có tính chất chính trị nhiều hơn. Vì từ thế kỷ thứ nhất công nguyên trở đi, các Kytô hữu nhận nó làm bản Cựu Ước chính thức của họ và sử dụng nó vào việc truyền bá và bênh vực đức tin Kitô giáo. Mặt khác, vào khoảng năm 100 công nguyên, các nhà học giả Do-thái đã ban hành một bản tiêu chuẩn canh cải cho Cựu Ước (10). 

7. Bản Samaritan (thế kỷ 5 trước công nguyên)

Bản này chứa Ngũ Kinh. Các sai chạy giữa bản này và bản Massoretic không đáng kể (10/122). 

8. Các Bản Targums (xuất hiện dưới hình thức viết vào khoảng năm 500 công nguyên). 

Căn bản có nghĩa “giải thích”. Đây là những lời dẫn giải Cựu Ước. Sau khi người Do-Thái bị lưu đầy, tiếng Chaldean trở thành ngôn ngữ chính chứ không còn là tiếng Hy-bá-lai nữa, do đó, họ cần có một Sách Thánh bằng tiếng họ đang nói. Các bản Targums chính gồm (1) Bản của Onkelas(năm 60 trước công nguyên, có người nói là do Onkelas, một đệ tử của học giả Do-thái nổi tiếng Hillel). Bản này chứa bản văn Ngũ Kinh bằng tiếng Hy-bá-lai. (2) Bản của Jonathon Ben Uzziel(năm 30 trước công nguyên?), chứa các Sách Lịch sử và các Sách Tiên tri. F.F. Bruce cho ta bối cảnh lý thú của các bản Targums: “… Thói quen theo sau các buổi đọc Thánh Kinh công cộng tại hội đường là lời dẫn giải bằng tiếng Aramaic bình dân càng ngày càng thịnh hành vào các thế kỷ cuối cùng trước công nguyên. Lẽ dĩ nhiên, khi tiếng Hy-bá-lai ngày càng ít được giới bình dân biết đến như một tiếng nói, thì điều cần là họ phải được cung cấp những lời dẫn giải bản văn Thánh Kinh bằng ngôn ngữ họ quen thuộc, nếu muốn họ hiểu điều người ta đang đọc cho họ nghe. Viên chức có nhiệm vụ dẫn giải như thế được gọi là methurgeman (người phiên dịch), còn chính lời dẫn giải được gọi là targum. Người phiên dịch này không được đọc lời dẫn giải của mình từ một sách cuộn, vì như thế cộng đoàn có thể tưởng lầm là ông ta đang đọc Thánh Kinh theo nguyên bản. Sau này còn có qui định không được dịch một lúc hơn một câu trong Ngũ Kinh và hơn ba câu trong các Sách Tiên tri, chắc chắn để cho lời dẫn giải được chính xác, khỏi sai lạc. Chỉ mãi sau này, những lời dẫn giải bằng miệng ấy mới được ghi chép thành văn bản (10). 

9. Sách Mishnah (200 A.D.)

Có nghĩa là “giải thích, giáo huấn”. Đây là sưu tập các truyền thống của Do-thái và các trình thuyết về luật truyền khẩu, được viết bằng tiếng Hy-bá-lai và thường được coi như Bộ Luật Thứ Hai. Các đoạn trích Thánh Kinh rất giống với bản Massoretic. 

10. Các Bản Gemaras (tiếng Palestine năm 200 A.D.; tiếng Babylon năm 500 A.D.). 

Đây cũng là các sách bình giải, viết bằng tiếng Aramaic, góp phần chứng tỏ tính chất đáng tin của Bản Massoretic. Sách Misnah cùng với bản Gemara bằng tiếng Babylon tạo thành sách ta gọi là Talmud Babylon. Còn Sách Misnah cùng với bản Gemara bằng tiếng Palestine được gọi là Talmud Palestine. 

11. Sách Midras (100 B.C. – 300 A.D.) 

Đây là bộ các bài nghiên cứu có tính học lý về Cựu Ứơc Hy-bá-lai. Các trích đoạn Thánh Kinh chủ yếu lấy từ bản Massoretic.

Vũ Văn An
Nguồn: UBKT/HĐGMVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét