Phần III – Bài 25 BÍ TÍCH HÔN PHỐI
Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu sau đây:
1. Một điều tôi ngưỡng mộ đối với đời sống hôn nhân của cha mẹ tôi là…
2. Một kỷ niệm đáng nhớ của gia đình tôi là…
NHU CẦU TÌNH YÊU
Trong cuốn phim Bóng chim diều hâu (Shadow of the Hawk), một cặp vợ chồng trẻ và một hướng dẫn viên người Da đỏ đang trèo lên một sườn núi. Có một lúc người đàn bà trẻ quỵ xuống đất và nói: “Tôi hết đi nổi rồi.” Chàng thanh niên đỡ cô đứng dậy và nói: “Nhưng em à, mình phải tiếp tục đi. Mình không có lựa chọn nào khác nữa.” Nàng lắc đầu: “Không, em không đi được nữa.” Lúc ấy người Da đỏ hướng dẫn bảo anh: “Cậu hãy ôm sát cô ấy. Hãy để cho sức mạnh và tình yêu từ người của cậu tỏa sang người của cô ấy.” Chàng làm theo như vậy và chỉ trong ít phút cô mỉm cười và nói: “Bây giờ thì được rồi. Em có thể đi tiếp.”
Chúng ta tất cả đều thấy câu truyện đó có thể áp dụng cho mình. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng nghĩ rằng mình không thể tiếp tục tiến tới được nữa. Rồi một người nào đó đã ôm chúng ta sát lòng họ và để cho tình yêu cùng sức mạnh của họ thấm sang thân thể chúng ta.
Tình yêu là sức mạnh lớn lao nhất trên đời
Quyền lực mạnh mẽ nhất trên đời này là tình yêu. Thần học gia Teilhard de Chardin đã nghĩ như vậy khi cha viết: “Một ngày nào đó, sau khi làm chủ được gió, sóng biển, thủy triều và trọng lực, thì chúng ta sẽ khai thác cho Thiên Chúa những năng lực của tình yêu, và lúc ấy cũng là lần thứ hai trong lịch sử nhân loại chúng ta khám phá ra lửa.”
Việc khám phá ra lửa 80,000 năm trước đây đã cứu nhân loại khỏi nạn tuyệt chủng. Khám phá này đã gợi ý cho Jean-Jacques Arnaud thực hiện cuốn phim Tìm lửa (Quest for Fire). Cuốn phim này diễn lại việc tìm ra lửa và nuôi ngọn lửa đã cứu nhân loại khỏi bị hủy diệt như thế nào.
Cũng như nhiều người hôm nay, cha Teilhard de Chardin đã lo lắng nhân loại có thể lại rơi vào nguy cơ diệt vong. Lần này thì không phải vì không có lửa, mà là thiếu vắng một điều cơ bản hơn cả lửa, đó là tình yêu. Sức mạnh của hạch nhân và việc con người mất khả năng yêu thương nhau chính là nguyên nhân đe dọa sự sinh tồn trên mặt đất này.
Nếu chúng ta không tái khám phá tình yêu và nuôi dưỡng năng lực của nó, thì chúng ta khó mà qua khỏi một thế kỷ nữa. Nhiều người băn khoăn tự hỏi: Liệu có ai trong tương lai sẽ làm một cuốn phim gọi là Tìm tình yêu (Quest for Love) để mừng việc khám phá ra tình yêu mà cứu vớt nhân loại không?
Đức Giê-su đã lấy tình yêu làm tâm điểm của giáo huấn
Nếu chúng ta phải chọn một lời để tóm tắt tất cả giáo huấn của Đức Giê-su, thì đó phải là tình yêu. Đức Giê-su nói: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12).
Tình yêu là sức mạnh duy nhất có thể cứu rôãi nhân loại và biến đổi thế giới. Đó là sức mạnh duy nhất có thể đổi ngược “sóng triều của sự dữ” mà tội của A-đam đã làm dâng lên. Chúng ta thử lấy một thí dụ đơn sơ để giải thích sức mạnh của tình yêu thắng điều dữ. Một phụ nữ sắp sửa bước lên một xe buýt đông người. Bất chợt một người đàn ông chen lên xe trước bà và suýt làm cho bà té xuống vỉa hè. Người đàn bà nói với giọng thực mỉa mai: “Xin ông thứ lỗi vì tôi đã chắn lối ông!” Người đàn ông khựng lại sau câu nói của bà ta và ông nói với giọng thành thực thực sự: “Tôi xin lỗi bà! Tôi thật hết sức vô ý tứ! Không hiểu đầu óc tôi đang nghĩ gì đâu đâu. Tôi thật đáng trách.”
Bây giờ đến lượt người đàn bà khựng lại. Ông ta đã đáp lại, không nghĩ câu nói của bà là mỉa mai nhưng là thật lòng. Trong khoảnh khắc ông ta đã thay đổi hẳn. Thế rồi những gì đã xảy ra khiến cho bà cũng thay đổi. Tình yêu có sức mạnh khủng khiếp. Nó có thể thắng vượt sự dữ. Nó có thể chặn đứng ngọn sóng sự dữ trong thế giới này và biến đổi thành ngọn triều sự thiện (Rm 12:21).
Mọi người đều được mời gọi sống tình yêu. Cuộc sống chúng ta trên trần gian này sẽ không bị xét xử theo danh vọng hoặc tiền tài chúng ta đạt được, nhưng được đánh giá trị theo tình yêu chúng ta đã sống. Mẹ Tê-rê-xa Calcuta đã nói: “Vào giờ chết khi đến trước mặt Chúa, chúng ta sẽ chịu xét xử về tình yêu; không phải chúng ta đã làm được bao nhiêu, nhưng là chúng ta đã làm với bao nhiêu tình yêu.”
Đức Giê-su đã chúc phúc cho một thứ tình yêu đặc biệt
Có nhiều quan hệ tình yêu: cha mẹ và con cái, vợ chồng, ông bà và các cháu, anh em chị em, bạn bè cùng phái hoặc khác phái. Đây chỉ là một số trong những quan hệ yêu thương giữa con người. Tuy nhiên, có một mối quan hệ yêu thương đứng trên tất cả những quan hệ khác. Quan hệ này là quan hệ duy nhất đã được Đức Giê-su chúc phúc và nâng lên hàng Bí tích. Đó là quan hệ yêu thương giữa người nam và người nữ trong hôn nhân.
BÍ TÍCH CỦA TÌNH YÊU
Hôn nhân là một “biến cố ân sủng” nhờ đó Thiên Chúa kết hợp đời sống của một người nam và một người nữ một cách chặt chẽ đến nỗi họ trở nên “một xương một thịt” (Mc 10:8).
Đó là một “biến cố ân sủng” Thiên Chúa sử dụng mà hòa nhập thân phận của hai người với nhau, đến nỗi muốn được cứu rỗi đời đời thì họ phải giúp nhau làm sao trở nên con người Chúa muốn tạo của dựng.
Hôn nhân là một giao ước
Hôn nhân còn hơn cả khế ước. Một khế ước chỉ gồm những từ ngữ nói về thỏa thuận trước với nhau. Nó kê khai những gì hai bên muốn. Còn giao ước là một thề hứa cả hai người quyết tâm trung thành với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian gian, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe. Giao ước không kê khai những gì phải làm. Nó hoàn toàn mở rộng.
Hôn nhân Ki-tô giáo là một biểu lộ tình yêu vô điều kiện để hai người đồng ý chia sẻ cùng một mái nhà, một bàn ăn, một giường ngủ, cùng khổ đau, cùng niềm vui, cùng ước mơ, cho đến hết đời.
Vì hôn nhân Ki-tô giáo phải đạt tới mức độ yêu thương cao cả ấy cho nên thánh Phao-lô mới so sánh nó với tình yêu Chúa Ki-tô yêu Hội Thánh Ngài (Ep 5:25).
Hôn nhân có hai mục đích
Mục đích của hôn nhân gồm hai điều: lớn lên trong tình yêu thương nhau và yêu mến Chúa, và cộng tác với Chúa trong việc tạo nên sự sống mới.
Cả hai mục đích này đều nói lên rằng hai vợ chồng cam kết vĩnh viễn sẽ hiến thân cho nhau vô điều kiện.
Rõ ràng Giáo Hội Công giáo rất coi trọng lời hứa hôn nhân. Tình yêu vợ chồng và lòng chung thủy tạo nên môi trường sôáng để con cái họ sẽ sinh ra và được lớn lên thành Ki-tô hữu có trách nhiệm.
Nói gì về ly dị?
Giáo Hội Công giáo từ nhiều thế kỷ đã dạy rằng đối với Ki-tô hữu không thể có ly dị và tái hôn. Giáo Hội trân trọng lời của Đức Giê-su: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10:9).
Giáo Hội cho phép cặp vợ chồng ly thân hoặc ly dị mà không tái hôn, nhưng chỉ khi nào có lý do chính đáng. Chỉ được tái hôn khi một trong hai người đã chết, hoặc khi đơn xin Giáo Hội phán quyết hôn nhân bất thành đã được chấp thuận.
Thế nào là phán quyết hôn nhân bất thành?
Phán quyết hôn nhân bất thành không có nghĩa là giải tiêu hôn phối. Nhưng là phán quyết của Giáo Hội khẳng định rằng những gì người ta cho là hôn nhân giữa hai người thì thực ra đã không phải là hôn nhân ngay từ lúc ban đầu.
Một phán quyết hôn nhân bất thành được ban hành khi người ta có thể chứng minh rằng có một khuyết điểm làm cho hôn nhân ấy không thành sự ngay từ ban đầu, mặc dù có những hình thức bề ngoài cũng như lòng ngay của hai người. Một số lý do để phán quyết hôn nhân bất thành là:
- Thiếu sự trưởng thành để kết hôn,
- Kết hôn vì sợ hãi hoặc vì áp lực,
- Giả vờ ưng thuận trong nghi thức hôn phối,
- Giấu diếm một khuyết tật quan hệ của mình để cho người kia ưng thuận kết hôn với mình.
Những người Công giáo ly dị mà tái hôn thì phạm tội nặng nề, đó cũng là điều Giáo Hội vẫn quan tâm. Đối với Giáo Hội, họ vẫn còn bị ràng buộc với người phối ngẫu trước. Họ được thúc giục tham gia việc thờ phượng cùng với cộng đồng Công giáo, nhưng không được rước lễ.
Những người Công giáo ly dị hãy hội ý với một linh mục để xem có đủ lý do để xin phán quyết hôn nhân trước của mình bất thành hay không.
Một cặp vợ chồng Công giáo kết hôn ngoài Giáo Hội mà muốn trở về thông hiệp hoàn toàn với Giáo Hội thì phải xin một linh mục giúp hợp thức hóa hôn phối của họ bằng một nghi thức đơn giản.
HÔN NHÂN GIỮA HAI NGƯỜI KHÁC ĐẠO
Mọi tôn giáo đều nhận thấy hôn nhân giữa hai người khác đạo là một điều trầm trọng. Hôn nhân khác đạo chỉ nên có sau khi đã suy nghĩ chín chắn, thảo luận đàng hoàng, và cầu nguyện xin ơn soi sáng. Có nhiều vấn đề cần phải giải quyết trước khi kết hôn.
Người Công giáo có những điều buộc phải giữ
Trong hôn nhân khác đạo, phía Công giáo phải xác nhận mình cam kết sống đức tin Công giáo và cam kết cho con cái được chia sẻ đức tin ấy. Phía bên kia cũng phải tôn trọng những cam kết ấy, nhưng không cần phải ký giấy tờ gì cả.
Nếu mỗi bên đều khăng khăng với truyền thống tôn giáo của mình và dạy dỗ con cái theo truyêàn thống đó, thì sẽ gây ra những trục trặc không thể giải quyết nổi. Hai người có thể bàn hỏi với người cố vấn để xét xem việc tiến tới hôn nhân có thích hợp hay không.
Hôn phối khác đạo được cử hành tại đâu?
Một cuộc hôn phối khác đạo có thể cử hành tại nhà thờ Công giáo hoặc nơi thờ phượng của phía bên kia.
Vì hai người kết hôn sẽ bàn hỏi với nhau về hôn lễ (trao lời hứa hôn nhân là căn bản của bí tích), nên linh mục hay một phó tế, hoặc một ráp-bi hay mục sư (với phép chuâån của Giáo Hội Công giáo ban cho phía Công giáo) đều có thể chứng hôn. Khi một linh mục chứng hôn trong Thánh lễ, thì việc trao đổi lời hứa hôn nhân sẽ được làm sau bài giảng.
CHUẨN BỊ HÔN NHÂN
Một khi hai người đã quyết định kết hôn thì họ phải liên lạc với linh mục giáo xứ mình sớm hết sức có thể, bởi vì một số giáo phận đòi hỏi thời gian chuẩn bị tối thiểu là sáu tháng. Việc chuẩn bị gồm có:
- Cuộc phỏng vấn do linh mục hay phó tế,
- Nộp giấy chứng thư Rửa tội, Rước lễ lần đầu và Thêm sức,
- Chuẩn bị cá nhân và chuẩn bị phụng vụ lễ hôn phối.
Hai người được phỏng vấn
Cộng đồng Công giáo rất lo lắng cho chúng ta và muốn giúp chúng ta hết sức có thể. Vậy cuộc phỏng vấn là nhắm mục đích ấy.
Hai người phải có chứng thư Rửa tội
Chứng thư Rửa tội nói lên căn tính Công giáo. Có thể xin chứng thư ấy bằng cách gọi điện thoại hoặc liên lạc với giáo xứ nơi mình đã được rửa tội.
Hai người làm công việc chuẩn bị
Hôn nhân là một trong những bước quan trọng nhất trong đời chúng ta. Do đó, chunùn ta phải chuẩn bị hôn nhân về mặt thiêng liêng, phụng vụ và tâm lý. Hầu hết các giáo phận đều có những chương trình chuẩn bị khác nhau như Pre-Cana, Đính Hôn Hội Ngộ…
NĂNG ĐỘNG CỦA HÔN NHÂN
Người ta thường coi là hôn nhân trải qua một tiến trình bốn giai đoạn. Đôi bạn cần phải ý thức điều ấy.
Đôi bạn bắt đầu yêu nhau
Trước hết có một giai đoạn “quyến rũ.” Hai người cảm thấy bị lôi cuốn đến với nhau. Sự lôi cuốn này tăng triển về thể lý, xúc cảm, lý trí và thiêng liêng. Cuối cùng sự lôi cuốn ấy nở thành hoa hôn nhân.
Đôi bạn phối hợp tình yêu với cuộc sống
Tiếp đến là giai đoạn “hợp nhất hóa.” Sau khi kết hôn, đôi bạn bắt đầu một tiến trình đem tính cách mới mẻ và khích động của tình yêu để hợp nhất với cái tầm thường của cuộc sống hằng ngày.
Thách đố của giai đoạn này là làm sao giữ những gì thường ngày khỏi trở thành thói quen và giữ những thói quen ấy khỏi trở nên nhàm chán. Nguy hiểm của giai đoạn này là một hoặc cả hai bắt đầu sử dụng mối quan hệ giữa hai người mà không cần biết ơn, hoặc dùng làm bình phong để làm những chuyện khác.
Đôi bạn đối phó với khủng hoảng
Thứ ba, thường có một giai đoạn “khủng hoảng.” Khủng hoảng bắt đầu khi một hoặc cả hai không đối phó nổi giai đoạn hai hoặc bị nguy cơ của giai đoạn ấy khống chế. Kết cuộc là quan hệ trôi theo dòng nước lũ. “Cục cưng” bỗng trở thành “gánh nặng.” Những gì xưa kia không nhận thấy hoặc không cần biêát thì bây giờ trở thành những thùng dầu đổ vào lửa xung khắc.
Thách đố trong giai đoạn này là làm sao biến những xung khắc kia thành những điều xây dựng. Nguy hiểm thực sự trong giai đoạn này là cố tìm đủ cách để né tránh hoặc đè nén mọi xung khắc. Khi đôi bạn né tránh xung khắc thì việc cảm thông sẽ đổ vỡ và càng nuôi thêm những giận hờn.
Chỉ khi nào thẳng thắn đối diện với những khác biệt và xét chúng với tinh thần xây dựng (đôi khi cần sự giúp đỡ của cố vấn hôn nhân), thì quan hệ vợ chồng mới có thể tiến sang giai đoạn chót là giai đoạn “trưởng thành.”
Đôi bạn trưởng thành trong tình yêu
Giai đoạn thứ tư đẹp nhất và an ủi nhất. Nói về giai đoạn này, Andrew Greeley viết: “Một học giả tôi quen biết đã gọi mối quan hệ sôi nổi của con người vào lúc này là ‘chiều kích cao su.’ Hai ngươiø tình tách xa nhau, dĩ nhiên thường là mỗi người một ngả. Nhưng sức mạnh tồn đọng của sự âu yếm nơi hai người thường cũng đủ mạnh để đem họ trở lại với nhau. Lọng cọng, vụng về và ngớ ngẩn, họ lao vào vòng tay của nhau, tha thứ cho nhau và lại bắt đầu nở rộ một tình yêu mới.”
TÌNH YÊU TRƯỞNG THÀNH
Để có một kết luận thích hợp cho bài này, chúng ta lập lại lời thánh Phao-lô mô tả tình yêu trưởng thành như sau:
“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.
“Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.
“Đức mến không bao giờ mất được.” (1 Cr 13:4-8)
ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH
1. Câu truyện tình yêu Rút 1:1-4:22
2. Bài ca tình yêu Diễm Ca 1-8
3. Người vợ đảm đang Châm Ngôn 31:10-31
4. Quà cưới Gio-an 2:1-12
5. Tình tuyệt vời 1 Gio-an 4:7-12
THẢO LUẬN
1. Đâu là quan điểm của Giáo Hội về vấn đề ly thân? Về ly dị có tái hôn?
2. Cộng đồng Giáo Hội đối xử thế nào với những người kết hôn ngoài Giáo Hội nhưng vẫn muốn được chia sẻ việc thờ phượng?
3. Thảo luận một số lý do thực tế tại sao không nên kết hôn với người khác đạo.
CHIA SẺ
1. Trong cuốn Tái sinh (Born Again), Charles Colson, một phụ tá cao cấp của tổng thống Nixon bị kết án trong vụ Watergate, đã nói với vợ ông là bà Patty: “Trong mười năm kết hôn với nhau, anh nhận thấy là chúng mình đã chẳng bao giờ thảo luận với nhau về… Thiên Chúa và đức tin trong lòng mỗi người.” Còn bạn, bạn có thảo luận với nhau về những điều ấy không và tới mức độ nào? Với con cái bạn?
2. Hà và Tuấn lấy nhau đã hai mươi sáu năm. Họ có sáu người con và một đứa cháu nội. Trong một cuộc phỏng vấn, Tuấn trả lời: “Chúng tôi đã cùng cầu nguyện với nhau suốt đời. Chúng tôi bắt đầu cầu nguyện như vậy từ đêm tân hôn. Tôi nghĩ là chúng tôi đã theo gương gia đình của Hà. Mỗi buổi tối gia đình nàng cùng nhau cầu nguyện.” Tại sao bạn đã/đã không bắt đầu làm như thế?
3. Hôn nhân của bạn có đi theo tiến trình bốn giai đoạn được trình bày trong bài không? Nếu có thì điều gì đã giúp bạn thắng vượt được giai đoạn “khủng hoảng”?
4. Một cặp vợ chồng trẻ tới xin bạn một lời khuyên, bạn sẽ nói gì?
Tác giả: Mark Link, S.J. Chuyển ngữ: Lm Trần đình Nhi
Nguồn: The Catholic Vision III – 25
Nguồn: The Catholic Vision III – 25
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét