Vài vấn đề liên quan đến bàn thờ (P3)
3. Đặt chén thánh, Đĩa thánh và bình thánh lên bàn thờ quá sớm
Theo hướng dẫn của Giáo hội, vị trí của chén thánh, đĩa thánh và bình thánh ngay từ đầu lễ được dọn tại bàn phụ chứ không phải trên bàn thờ.1 Thêm nữa, Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma xác định rằng thời điểm đặt trên bàn thờ các đối tượng như khăn thánh, khăn lau chén, sách lễ, chén lễ, đĩa thánh và bình thánh là khi bắt đầu phụng vụ Thánh Thể (và kéo dài cho cho đến khi tráng chén) chứ không phải ngay từ đầu lễ hay đang khi nghe giảng như một số nơi tại Việt Nam quen thực hành.2 Việc đặt chén thánh, đĩa thánh và bình thánh lên bàn thờ quá sớm là thực hành thuộc về Sách lễ 1570 cho tới khi ra đời Sách lễ của Đức Phaolô VI (1970). Thời xưa, vì toàn bộ thánh lễ được cử hành tại bàn thờ cho nên các vật dụng thánh đã sẵn sàng ở đó ngay từ đầu buổi cử hành. Thông thường, vị tư tế đem chén thánh, đĩa thánh và bánh lễ trong cuộc rước nhập lễ rồi đặt tất cả trên bàn thờ ngay lúc bắt đầu thánh lễ.3 Nhưng ngày nay, làm như thế là đảo lộn trật tự của nghi thức thánh lễ, làm mất đi những hành động biểu tượng trong phần chuẩn bị lễ vật cũng như làm cho tín hữu hướng về bàn thờ và phụng vụ Thánh Thể quá sớm.
4. Các vị đồng tế hôn bàn thờ lúc kết lễ
Hiện nay, trong thánh lễ, phó tế và chủ tế hôn kính bàn thờ hai lần: đầu lễ và kết lễ. Còn các vị đồng tế chỉ hôn bàn thờ một lần lúc đầu lễ mà thôi. Ý nghĩa của hành vi này là: 1] Chào kính Đức Kitô, có thể hiểu là một cử chỉ tôn thờ, tôn vinh Đức Kitô vì Ngài là ông chủ Ngôi Nhà của Chúa và cũng là người chủ của cộng đoàn đang quy tụ. Điều này cũng gần tương tự như khi hôn lên đất của một quốc gia, Đức Giáo Hoàng muốn tỏ lòng kính trọng đất nước đó;4 2] Bày tỏ lòng mến yêu của vị hôn thê đối với đức lang quân của mình là Chúa Kitô vì hôn là biểu hiện của tình yêu, các tư tế và phó tế hôn bàn thờ như đại diện cho toàn thể Giáo hội; 3] Bày tỏ sự hiệp thông của cộng đoàn phụng vụ với Thiên Chúa, với Đức Kitô và với toàn thể Hội Thánh trên trời, được biểu tượng nơi hài cốt các thánh vì bàn thờ (altus) được coi là nơi nối kết giữa Thiên Chúa và trần gian.5
Trong nghi thức nhập lễ, theo hướng dẫn của Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma: khi đoàn đồng tế tiến vào cung thánh, các ngài đi đến bàn thờ, bày tỏ lòng tôn kính đối với Chúa Kitô qua việc cúi sâu chào bàn thờ, các vị đồng tế và chủ tế hôn bàn thờ (các vị đồng tế từng hai người một). Khi hôn bàn thờ, các ngài đặt cả hai tay trên bề mặt bàn thờ.6 Phó tế giúp lễ cũng hôn bàn thờ. Đối với phó tế mang Sách Tin Mừng, thầy hôn bàn thờ sau khi đã đặt Sách Tin Mừng trên bàn thờ. Tuy nhiên, phó tế không đặt cả hai tay trên bàn thờ.7
Trong nghi thức kết lễ, sau lời giải tán, vị chủ tế và phó tế hôn bàn thờ như thường lệ và sau đó các vị này cùng với các thừa tác viên khác cúi mình sâu kính cẩn bái chào bàn thờ rồi ra về cùng một cách như khi tiến ra.8 Cần lưu ý rằng chỉ có vị chủ tế và phó tế giúp lễ hôn bàn thờ trước khi ra về còn các vị đồng tế không hôn bàn thờ lúc này.9
Nếu có nhiều vị đồng tế và nhà tạm không ở trong cung thánh, các vị cúi mình sâu khi chủ tế hôn bàn thờ, có thể xem như vậy là đủ. Sau đó, các ngài bắt đầu rời chỗ mình trong trật tự, theo sau những thầy giúp lễ hay lễ sinh. Còn nếu trong cung thánh có nhà tạm, sau khi hôn bàn thờ, chủ tế vòng ra đứng phía trước bàn thờ, còn tất cả các vị đồng tế vẫn đứng tại chỗ mình và cúi sâu cùng với chủ tế trước khi bắt đầu đi rước ra khỏi cung thánh. Nếu điều này gây khó khăn cho việc tổ chức, hay nếu không có đủ không gian để các vị đồng tế cúi mình, chỉ cần vị chủ tế cúi mình chào bàn thờ cũng đủ.10
Nếu chỉ có ít vị đồng tế, các ngài nên ra sắp hàng cùng với chủ tế và những người giúp lễ trước bàn thờ, rồi tất cả cùng cúi mình chung chào bàn thờ.
Peter J. Elliott diễn tả như sau:
“Nếu đang hát một bài ca kết lễ dài, các vị đồng tế có thể đến trước bàn thờ từng hai người một và cả hai cùng cúi mình (hay bái quỳ). Trong trường hợp này, các người giúp lễ dẫn đầu các ngài sẽ đi từ từ vào phòng thánh để tránh làm đứt khúc đoàn rước. Nếu có nhiều vị đồng tế, và các ngài sắp hàng ở những vị trí xa khu vực cung thánh, các ngài có thể đứng tại chỗ của mình cho tới khi chủ tế, những vị đồng tế khác và các người giúp lễ rời cung thánh, rồi các ngài đi theo trong một cuộc rước riêng biệt. Tuy nhiên, cách thức này không phải là lý tưởng vì nó giảm thiểu vai trò của các ngài”.11
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
______________________________ ________________
1 QCSL 118.
2 QCSL 73; 139; 306.
3 Xc. Paul Turner, The Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 48.
4 Johannes H. Emminghaus, The Eucharist - Essence, Form, Celebration (Minnesota: The Liturgical Press, 1997), 108; Dom Robert Le Gall, La Mess au fil de Ses Rites, 22.
5 Xc. Dom Robert Le Gall, La Messe au fil de Ses Rites, 20-21.
6 QCSL 49, 211 - Sự kiện vị linh mục - chứ không phải phó tê - thường đặt hai tay lên bàn thờ khi hôn kính, chứng tỏ rằng nhờ chức tư tế, linh mục có thẩm quyền hành xử theo tính bí tích đối với bàn thờ.
7 Xc. Peter Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite (USA: Ignatius Press, 2004), 249.
8 Nghi thức Thánh Lễ, số 145; QCSL 90d, 169, 186, 251.
9 QCSL 250-251; Xc. Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentaty on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), 148.
10 McNamara, “Veneration of Altar at End of Mass”, Zenit Daily Dispatch, 10 July 2007.
11 Peter Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, 449-450.
(nguồn theo cgvdt.vn. )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét