Sau đây là bài viết trên tờ L’Osservatore Romano ngày 30 tháng 5, 2020 của Alessandro Gisotti (https://www.osservatoreromano.va/it/news/2020-05/uno-stile-sinodale-come-antidoto-alla-chiusura.html):


Đức Cha Mario Grech, Giám quản giáo phận Gozo và là Phó Tổng Thư Ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục, vừa viết cho hàng giáo sĩ trong giáo phận ngài rằng “Người ta sẽ tự tử, nếu, sau đại dịch này, họ lại trở lại với các mô hình mục vụ y như cũ”. Suy nghĩ này nảy sinh từ các thách đố và giới hạn gần đây đối với công trình mục vụ trong thời gian đại dịch Covid-19. Tờ L’Osservatore Romano và Vatican News tường trình rằng cuộc khủng hoảng này “...đã làm rúng động các nền tảng chúng ta vốn nghĩ là không thể rung chuyển được, như chúng ta đã nhìn thấy trong các lãnh vực kinh tế, khoa học, và chính trị”. Tình thế chưa hề có trước đây này cũng ảnh hưởng tới Giáo Hội. Đức cha Grech nhận định rằng “Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục lời kêu gọi của ngài về việc phải hoán cải trong thời gian đại dịch, khi chúng ta đắm chìm trong các “cảm nghiệm mới mẻ thúc đẩy chúng ta chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô”.

Đức Cha Grech cảnh cáo việc giản lược sinh hoạt mục vụ của “Giáo Hội vào phòng áo lễ, xa rời khỏi đường phố, hoặc chỉ bằng lòng với việc phóng chiếu đời sống của phòng áo lễ lên các đường phố”. Ngài nhận định rằng trong ít tháng bị cô lập, đau khổ và đau đớn vừa qua, chúng ta được dành cho “một cơ hội (một hoàng thời) để canh tân và có óc sáng tạo về mục vụ”, một cơ hội cho chúng ta thấy thực tại này là chúng ta không thể trở lại “các thực hành vốn giới hạn chúng ta trước đại dịch”. Một thời cho thấy nơi một số Kitô hữu, cả thánh hiến lẫn giáo dân, “một khuôn thước giáo sĩ trị mạnh mẽ”. Đức Cha Grech trích dẫn lời của tác giả nổi tiếng người Pháp là Georges Bernanos nói về ‘thứ Kitô giáo thối rữa’: “Người ta đặt câu hỏi, làm thế nào việc tuyên xưng đức tin này có ý nghĩa cho được, khi cùng một đức tin này đã không trở thành chất men để biến đổi chất bột cuộc sống? ”

Từ viễn ảnh trên, Đức Cha Grech chuyển qua ý niệm ‘Giáo Hội tại gia’ vốn được lên sinh lực và được cảm nghiệm một cách mới mẻ trong thời gian bị cấm cửa này. Ngài nhận định rằng một thứ giáo sĩ trị nào đó từ thế kỷ thứ tư đã dần tan biến đi trước “bản chất và đặc sủng gia đình trong tư cách Giáo Hội tại gia”. Người ta tìm thấy một sự phục hồi và phát triển nền thần học về Giáo Hội tại gia trong thời gian Công Đồng Vatican II, đặc biệt trong các đoạn số 10 và số 11 của hiến chế Lumen Gentium. Đức Cha Grech cho rằng “giống như trong các thế kỷ đầu tiên, gia đình ngày nay có thể, một lần nữa, trở nên nguồn suối của đời sống Kitô hữu”. Hơn nữa, “vì cơ cấu nền tảng của Giáo Hội có tính thánh thiêng và phụng vụ, nên người ta phải làm sống lại vị trí của họ trong gia đình như là domus ecclesiae [nhà của Giáo Hội]”. Rút tỉa từ các tầm nhìn thấu suốt của Thánh Augustinô và của Thánh Gioan Kim Khẩu, cũng như nền văn hóa Do Thái, “gia đình nên là nơi trong đó, đức tin được cử hành, được suy tư và đem ra sống. Cộng đồng giáo xứ phải giúp gia đình trở thành một trường giáo lý và một lớp học phụng vụ, nơi người ta có thể bẻ bánh tại bàn ăn của tổ ấm gia đình. Do chính ơn thánh của bí tích hôn nhân, cha mẹ là ‘các thừa tác viên lo việc thờ phượng này’ bên trong tổ ấm, họ khai mở Lời Chúa và cầu nguyện bằng Lời Chúa, để biến đổi đức tin của con cái họ”. Đức Cha Grech hy vọng rằng Chúa sẽ nhân thừa các mẫu gương “sáng tạo trong yêu thương” của các gia đình, những gia đình sẵn sàng “tạo không gian để cầu nguyện trong tinh thần cởi mở đón chào những người nghèo khổ và thiếu thốn nhất giữa chúng ta”. Điều cũng quan trọng như thế sau cơn đại dịch lần này sẽ là “thừa tác vụ phục vụ”, coi diakonia (phục vụ) như nẻo đường ‘mới’ để phúc âm hóa. “Người ta không thể cử hành việc bẻ bánh Thánh Thể và khai mở Lời Chúa, nếu họ không chia sẻ với ‘người nghèo, những người, theo thần học, vốn là khuôn mặt của Chúa Kitô’”. Diakonia hay phục vụ “là nẻo đường chắc chắn để cảm nghiệm được tình yêu Kitô giáo. Người ta thông truyền Tin Mừng không chỉ bằng cách rao giảng mà còn bằng cách phục vụ. Giáo Hội vươn tới người ta không chỉ qua việc dạy giáo lý mà còn qua trải nghiệm phục vụ thừa tác nữa. Như Đức Giáo Hoàng vốn nói, nếu ta đi lại giữa những người nghèo, chúng ta sẽ khám phá ra Thiên Chúa”. Đức Cha Grech chia sẻ một bức thư viết cho ngài bởi một nhân viên nhân đạo sau khi cứu một nhóm di dân ở biển với sự giúp đỡ của giáo phận ngài. “Chẳng may, trong quá khứ, con thường chứng kiến việc không hiểu nhau giữa Giáo Hội và người ta, cũng như của những người thiện chí không phải là Kitô hữu. Ngày nay, sự việc đang thay đổi và nay họ cảm thấy Giáo Hội là một người bạn biết nghe tiếng kêu than của người nghèo và tìm cách tới giúp đỡ họ”.

Theo Đức Cha Grech, trong ‘cuộc đổi thời’ này “sự đóng góp mà Giáo Hội có thể cung ứng, hay đúng hơn, chúng ta phải cung ứng, là việc công bố Chúa Giêsu Kitô cho thế giới và niềm vui Tin Mừng”. Có thể hiểu sự đóng góp này dưới ánh sáng các lời chúc giáng sinh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành cho Giáo triều Rôma, ngày 21 tháng 12 năm 2019. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận định rằng ở Âu Châu và phần lớn Phương Tây, đức tin Kitô giáo đang sống trong một kỷ nguyên mới. “Chúng ta thấy mình đang sống ở một thời khi việc thay đổi không còn theo đường thẳng (linear) nữa, mà có tính thời đại (epochal). Nó đem theo các quyết định mau chóng biến đổi lối sống của chúng ta, cách chúng ta liên hệ với nhau, lối chúng ta truyền thông và suy nghĩ, làm thế nào các thế hệ khác nhau liên hệ với nhau”. Đức Cha Grech tiếp nối suy nghĩ của De Lubac trong cuốn The Drama of Human Atheism (Bi kịch của Chủ Nghĩa Vô thần Nhân bản). “Quả không đúng, như người ta thường nói, là nếu không có Thiên Chúa, con người không thể tổ chức thế giới. Điều quả đúng là, nếu không có Thiên Chúa, con người chỉ có thể tổ chức nó để chống lại con người”. Tương tự như thế, cơn đại dịch hoàn cầu này cho thấy có lúc, “các lợi ích kinh tế và tài chánh được dành nhiều ưu thế hơn ích chung”.Tính năng động này cần được điều chỉnh.

Trong cuộc đàm luận với các phương tiện truyền thông Vatican, Đức Grech tập chú vào “hồng phúc đồng nghị (synodality) như nẻo đường sinh hoạt của Giáo Hội”, một hồng phúc được Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội. Lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô quả quyết rằng “Con đường đồng nghị là nẻo đường Thiên Chúa mong chờ nơi Giáo Hội trong thiên niên kỷ thứ ba này. Như một tính năng động hiệp thông, tính đồng nghị, trên hết, là việc tích hợp đầy cảm giới mọi tham dự viên, trong tinh thần đối thoại, để mọi người đạt được một điểm đồng thuận... Mặc dù, tính đồng nghị thuộc từ vựng của Giáo Hội, nó có giá trị cho cả xã hội nói chung. Được chấp nhận làm nguyên tắc làm việc cho thế giới thế tục, tính đồng nghị có thể là phong thái hợp tác cho các mối liên hệ liên ngã và tình huynh đệ nhân bản. Tính đồng nghị là thuốc chữa chống việc cô lập, giúp chúng ta biết đánh giá cao vẻ đẹp của cộng đồng nhân bản. Cùng nhau bước đi không phải lúc nào cũng là một nhiệm vụ dễ dàng, bất kể là đối với Giáo Hội hay đối với xã hội, nhưng tất cả chúng ta đều cần phải thực thi thực hành này, vốn có tính hết sức chủ yếu đối với tương lai”. Nhìn trước tới Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới về chủ đề đồng nghị, Đức Cha Grech hy vọng rằng “sẽ có nhiều suy tư về tính đồng nghị trước khi cử hành chính Thượng Hội Đồng để các nghị phụ Thượng Hội Đồng có thể cung ứng phần đóng góp sâu sắc hơn cho chủ đề này”.