Lễ Chúa Ba Ngôi
Xh 34, 4b-6.8-9; 2 Cr 13, 11-13; Ga 3, 16-18

Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2 Cr 13, 13).

Đây là lời chào mà thánh Phaolô đã gửi tới các Kitô hữu ở Côrintô trong bài đọc II của đại lễ Ba Ngôi chí thánh. Một lời chào chúc chứa đựng niềm tin Ba Ngôi. Tôi muốn gửi tới mọi người chúng ta chính lời cầu chúc ấy. Quả thật, trong đó Ba Ngôi Thiên Chúa được nói tới, đó là Chúa Cha (Thiên Chúa), Chúa Con (Đức Giêsu Kitô) và Chúa Thánh Thần.

Đời sống Kitô hữu được diễn ra trong tình yêu quan phòng và sự hiện diện của Ba Ngôi. Từ lúc khởi đầu cuộc sống, chúng ta được rửa tội “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, ” và khi kết thúc cuộc đời, chúng ta cũng ra đi trong lời cầu nguyện: “Con ra đi nhân danh Chúa Cha, Đấng đã tạo dựng nên con, và Chúa Con, Đấng đã cứu chuộc con và Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa con.”

Ba Ngôi là cung lòng mà trong đó chúng ta được tác thành, bởi vì Thiên Chúa đã chọn ta trước khi tạo thành vũ trụ để chúng ta được trở nên con cái Người theo hình ảnh của Chúa Con (x. Ep 1, 4), Ba Ngôi là quê hương để tất cả chúng ta phải trở về; Ba Ngôi là “đại dương bình an” mà từ đó tất cả mọi sự phát xuất và đổ về.

Vì thế, Ba Ngôi không phải là một mầu nhiệm xa lạ và không mấy quan trọng đối với đời sống mỗi ngày của chúng ta. Ngược lại, Ba Ngôi là vị Thiên Chúa rất “gần gũi” với mỗi người chúng ta. Quả thật, Ba Ngôi không phải ở ngoài chúng ta, nhưng ở trong chúng ta. Ba Ngôi “cư ngụ trong chúng ta” (x. Ga 14, 23), bởi vì chúng ta là đền thờ của Ba Ngôi.

Vậy tại sao người Kitô hữu tin vào Chúa Ba Ngôi? Tại sao chúng ta lại phải tin rằng có một Thiên Chúa nhưng có ba ngôi vị? Ngày nay, có nhiều người thích gạt sang một bên mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, để có thể đối thoại tốt hơn với Do Thái Giáo và Hồi Giáo là những người tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất.

Câu trả lời là: các Kitô hữu tin rằng Thiên Chúa là có Ba Ngôi, bởi vì chúng ta được Chúa Giêsu mạc khải rằng “Thiên Chúa là tình yêu” (x. 1 Ga 4, 8). Đây là mạc khải đến từ Thiên Chúa nên buộc chúng ta phải đón nhận và tin vào Ba Ngôi. Chứ không phải là một phát minh của con người. Thiên Chúa của Kitô giáo không phải là một khái niệm, một ý tưởng như các nhà triết gia đã hình dung và trình bày, nhưng là một Thiên Chúa có Ba Ngôi Vị rõ ràng, phân biệt nhưng hiệp nhất với nhau như một cộng đoàn. Đức Giêsu đến mạc khải cho chúng ta biết về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Bởi vì, Thiên Chúa là tình yêu. Kinh Thánh nói như thế. Rõ ràng nếu là tình yêu, Thiên Chúa phải có ai đó để yêu. Không có tình yêu nếu không có ai đó để yêu và được yêu. Nếu Thiên Chúa chỉ yêu mình thì không thể định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu. Bởi vì yêu mình thì không phải là tình yêu, nhưng là sự ích kỷ hay ái kỷ (narcissism). Tình yêu đích thực thì luôn hướng về người khác.

Và đây là câu trả lời của mạc khải Kitô giáo và Giáo Hội đã đón nhận và giải thích. Thiên Chúa là tình yêu trước khi có thời gian, vũ trụ và loài người, bởi vì từ đời đời Chúa Cha đã có Chúa Con, Ngôi Lời, Đấng mà Người hằng yêu mến bằng một tình yêu vô biên, đó là Chúa Thánh Thần. Trong tình yêu thần linh luôn có ba thực tại hay ba đối tượng: Đấng yêu thương, Đấng được yêu và là Tình Yêu hiệp nhất các Ngôi Vị nên một.

Thiên Chúa Kitô giáo là “một” và là “ba” nhờ sự hiệp thông của tình yêu. Trong tình yêu, các Ngôi Vị hòa hợp với nhau trong hiệp nhất và khác biệt; tình yêu tạo nên sự hiệp nhất trong khác biệt: hiệp nhất về ý hướng, tư tưởng, ước muốn; khác biệt về chủ thể, tính cách, vai trò hay theo phạm vi nhân loại, khác biệt giới tính.
Thần học dùng hạn từ “bản tính” (natura) để chỉ sự hiệp nhất của Thiên Chúa và hạn từ “ngôi vị” (persona) để chỉ về sự phân biệt trong Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị. Giáo huấn Kitô giáo không phải là một sự biến dạng, hay một sự hòa trộn giữa độc thần và đa thần. Ngược lại, đây là một bước tiến mới mẻ mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm cho chúng ta biết về Người.

Mặt khác, giáo huấn này giúp chúng ta chống lại sự mâu thuẫn sâu xa của chủ nghĩa vô thần hiện đại. Theo Karl Mark và nói chung theo tất cả những người vô thần hiện đại, Thiên Chúa không là gì khác ngoài sự phỏng chiếu của con người. Như một nhà tư tưởng vô thần nọ cho rằng: không phải Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh mình, nhưng chính con người đã tạo dựng Thiên Chúa theo hình ảnh con người. Giống như hình ảnh của một người bị thay đổi khi soi mình trên mặt nước của một dòng sông.

Có lẽ họ có lý khi nói những điều này, bởi lẽ, con người hôm nay đã tạo ra vị thiên chúa theo ý muốn và sở thích của mình. Nhưng đây không phải là Thiên Chúa của Kitô giáo. Con người không nghĩ ra mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Con người cũng không thể phóng chiếu hình ảnh mình thành Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng đây là giáo huấn được Chúa Giêsu mạc khải cho con người biết. Nên tự thân mầu nhiệm này là liều thuốc giải độc tốt nhất cho chủ nghĩa vô thần hiện đại.

Chúng ta rút ra một số bài học áp dụng từ việc chiêm ngắm mầu nhiệm này. Trước hết, Ba Ngôi là khuôn mẫu cho mỗi cộng đoàn nhận loại, bắt đầu từ cộng đoàn nhỏ bé và cơ bản, là gia đình, rồi tới cộng đoàn lớn hơn là Giáo Hội hoàn vũ. Chúng ta thấy có điều rất đặc biệt mà một gia đình có thể học từ khuôn mẫu Chúa Ba Ngôi. Nếu chúng ta chăm chú đọc Tân Ước, nơi mà Ba Ngôi được mạc khải, chúng ta thấy một quy luật sống. Mỗi Ngôi Vị trong Ba Ngôi thần linh không hề nói về mình nhưng là nói về Ngôi khác, không lôi kéo sự chú ý về mình, nhưng là hướng về Ngôi Vị khác.

Quả thế, trong Tin Mừng, mỗi lần Thiên Chúa Cha nói thường là để mạc khải điều gì đó về Chúa Con: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9, 7b); hoặc: “Ta đã tôn vinh danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” (Ga 12, 28). Đến lượt mình, Chúa Giêsu không làm gì khác ngoài việc nói về Chúa Cha. Chúa Thánh Thần cũng vậy, khi ngự trong lòng các tín hữu, Người không bắt đầu với việc tôn xưng danh của mình. Tên của Người trong tiếng Do Thái là Ruah. Nhưng Người không dạy chúng ta xưng rằng: Ruah! Ngược lại Người dạy chúng ta thưa “Ápba – Cha ơi, ” đó là tên của Chúa Cha và Người dạy chúng ta cầu xin Maranatha, đó là một lời cầu xin trực tiếp tới Chúa Kitô để nói rằng “Lạy Chúa, xin hãy đến!”

Từ những suy nghĩ này, chúng ta có thể áp dụng cách sống đó vào trong đời sống gia đình. Người cha không còn lo lắng nhiều để khẳng định quyền bính của mình, người mẹ cũng thế. Người mẹ trước khi dạy cho người con thơ mình gọi mẹ ơi, thì hãy dạy cho nó gọi cha ơi. Đó là quy luật của tình yêu! Đức Maria đã sống như thế để hoàn thiện chính mình. Khi lo lắng cho Chúa Giêsu, sau khi tìm thấy con mình trong đền thờ, Mẹ nói với Chúa: “Cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con” (Lc 2, 48b). Ngài đã đặt nỗi lo lắng của chồng trước nỗi lo lắng của mình. “Cha con và mẹ” chứ không phải “mẹ và cha con.”

Xem ra đây là một điều rất nhỏ bé nhưng nếu chúng ta áp dụng, nó có thể thay đổi rất nhiều đời sống của các gia đình và các cộng đoàn! Chúng trở thành sự phản chiếu về Ba Ngôi trên trái đất, khi mà lề tình yêu hướng dẫn mọi sự. Khi mỗi người hướng về người khác, tôn trọng và coi người khác hơn mình, cũng như biết hiến mình phục vụ người khác. Khi đó những thiên đàng nhỏ trên trái đất sẽ xuất hiện.

Ba Ngôi đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc sống. Có một dấu chỉ nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện này và giúp chúng ta đặt mình liên hệ với Ba Ngôi đó là dấu thánh giá. Khi ghi dấu thánh giá trên mình, chúng ta tưởng nhớ cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô, chúng ta đọc: “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, ” chúng ta tuyên xưng Ba Ngôi. Chúng ta phải khám phá vẻ đẹp và sự hiệu quả của cử chỉ nhỏ bé này. Mỗi lần chúng ta làm dấu thánh giá sốt sắng, có ý thức, chúng ta phó thác cho Ba Ngôi, cầu xin Ba Ngôi bảo vệ chúng ta để chống lại những kẻ thù bên trong và bên ngoài, chúng ta làm sống động niềm tin. Những phép lạ và nhiều ơn lành thường xảy ra với việc làm dấu thánh giá. Và nhiều người làm dấu thánh giá để ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa như các cầu thủ bóng đá thường làm.

Như thế, thật là đẹp đẽ và ý nghĩa khi thấy một người cha hay một người mẹ dạy cho con mình làm dấu thánh giá. Đó là dấu sẽ bảo vệ và gìn giữ con cái khỏi mọi nguy hiểm trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta hãy kết thúc và hãy làm dấu thánh giá để tuyên xưng Ba Ngôi: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen!”

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/