Huấn từ của Đức Thánh Cha dành cho Ủy ban Thần học Quốc tế
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Ủy ban Thần học Quốc tế tại Vatican hôm 24. 11. 2022. (Vatican Media)
HUẤN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
DÀNH CHO ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ
WHĐ (01.12.2022) – Sáng 24.11. 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp hơn 30 thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế (ITC) tại Điện Tông tòa Vatican.
Sau đây là nội dung bài huấn từ của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Tôi cảm ơn Đức Hồng Y Ladaria vì những lời tốt đẹp của ngài, và tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả anh chị em về sự quảng đại, năng lực và nhiệt huyết mà anh chị em đã phục vụ trong giai đoạn ngũ niên lần thứ X này của Ủy ban Thần học Quốc tế.
Nhờ những công cụ tiến bộ hiện nay, anh chị em đã có thể bắt đầu công việc từ xa, vượt qua những khó khăn vẫn còn do đại dịch gây ra. Và tôi cũng vui mừng trước sự đón nhận mà anh chị em đã dành cho 3 chủ đề sẽ được khám phá: thứ nhất là tính thời sự không thể chối bỏ và luôn phong phú của đức tin Kitô học được Công đồng Nicea tuyên xưng, vào dịp kỷ niệm mừng 1700 năm (325-2025); thứ hai là việc xem xét một số vấn đề nhân học đang nổi lên ngày nay và có ý nghĩa quan trọng đối với hành trình của gia đình nhân loại, dưới ánh sáng của kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa; và thứ ba là đào sâu, vốn ngày càng trở nên cấp bách và mang tính quyết định, thần học tạo dựng trong viễn tượng Ba ngôi, lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và của trái đất.
Để khai triển những chủ đề này, Ủy ban Thần học Quốc tế tiếp tục phục vụ với cam kết đổi mới. Anh chị em được kêu gọi thực hiện sứ vụ theo đường lối được Công đồng Vatican II vạch ra, mà 60 năm sau khai mạc, trở thành kim chỉ nam chắc chắn cho hành trình của Giáo hội, “trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (Hiến Chế Tín Lý Lumen gentium, 1).
Đức Thánh Cha chào các thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế (Vatican Media)
Tôi xin đưa ra 3 hướng dẫn, trong thời khắc lịch sử này, một thời khắc gian nan nhưng với con mắt đức tin, chứa đựng lời hứa và niềm hy vọng phát xuất từ cuộc Vượt Qua của Đức Chúa chịu đóng đinh và phục sinh.
Hướng dẫn đầu tiên là trung thành sáng tạo với Thánh truyền. Điều này có nghĩa là đón nhận với đức tin và tình yêu, cũng như từ chối với sự cương quyết, và mở ra trong việc dấn thân thi hành tác vụ thần học – lắng nghe Lời Chúa, cảm thức đức tin của Dân Chúa, Huấn quyền và các đặc sủng, và phân định những dấu chỉ thời đại –vì sự tiến triển của Truyền thống tông đồ, dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, như Hiến chế Dei Verbum đã dạy (x. số 8).
Thật vậy, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI mô tả Thánh truyền như là “dòng sông hằng sống, trong đó các nguồn gốc luôn hiện diện” (Catechesis, 26. 4. 2006); để nó “tưới gội cho nhiều vùng đất khác nhau, nuôi sống nhiều địa điểm khác nhau, ươm mầm những gì tốt nhất của vùng đất đó, những gì tốt đẹp nhất của nền văn hóa đó. Bằng cách này, Tin Mừng tiếp tục được nhập thể ở mọi nơi trên thế giới, theo một cách thức luôn mới mẻ” (Tông hiến Veritatis Gaudium, 4d).
Thánh truyền, nguồn gốc của đức tin, hoặc phát triển hoặc lụi tàn. Bởi vì, như ai đó đã từng nói – tôi nghĩ đó là một nhạc sĩ – rằng Thánh truyền là sự đảm bảo cho tương lai chứ không phải là một tác phẩm bảo tàng. Và đây là điều làm cho Giáo hội phát triển từ dưới lên, giống như cây phát triển từ rễ. Ngược lại, một người khác cũng nói rằng, chủ nghĩa truyền thống là “đức tin chết của người sống”: khi bạn khép mình lại. Tôi muốn nhấn mạnh điều này, Thánh truyền giúp chúng ta di chuyển theo hướng từ dưới lên, theo chiều dọc. Ngày nay có một nguy cơ lớn là đi đi giật lùi, theo chủ nghĩa “đi lùi”. Nhiều người nghĩ rằng “Xưa nay vẫn làm như thế”, thà lùi mà an toàn còn hơn là tiến lên theo truyền thống. Chiều ngang này, chúng ta đã thấy, đã thúc đẩy một số phong trào, những phong trào giáo hội, duy trì cố định trong thời gian, trong sự thụt lùi. Đây là những cái nhìn lạc hậu.
Tôi nghĩ – để đưa ra một tham chiếu lịch sử – về một số phong trào ra đời vào khoảng cuối Công đồng Vatican I, cố gắng trung thành với Thánh truyền, và do đó ngày nay họ phát triển theo cách phong chức cho phụ nữ, và những thứ khác ngoài chiều thẳng đứng này, nơi mà lương tâm luân lý lớn lên thì ý thức đức tin cũng lớn lên, với quy tắc tốt đẹp đó của Vincenzo de Lérins: “được củng cố theo năm tháng, phát triển theo thời gian, và thăng hoa theo tuổi tác”. Đây là quy luật của sự phát triển. Trái lại, “chủ nghĩa thụt lùi” khiến người ta nói rằng “mọi việc luôn được thực hiện theo cách này, tốt hơn là cứ tiếp tục như thế này”, và nó không cho phép chúng ta phát triển. Về điểm này, hỡi các nhà thần học, hãy suy nghĩ một chút xem nên giúp đỡ như thế nào.
Hướng dẫn thứ hai liên quan đến cơ hội, để thực hiện việc đào sâu và hội nhập Tin Mừng một cách thích hợp và sâu sắc, để mở ra cách thận trọng với sự đóng góp của nhiều lãnh vực khác nhau nhờ sự tham khảo ý kiến của các chuyên gia, kể cả những người không Công giáo, như đã dự kiến bởi Quy chế của Ủy ban (x. số 10). Đây là một vấn đề - như tôi đã kêu gọi trong Tông hiến Veritatis gaudium - về việc trân trọng “phương pháp tiếp cận liên ngành … ngay cả ở dạng “yếu” như một cách tiếp cận đa ngành đơn giản giúp hiểu rõ hơn từ nhiều quan điểm về một đối tượng nghiên cứu và “còn hơn thế nữa ở dạng 'mạnh mẽ' của nó, với tư cách liên ngành, việc sắp đặt và thúc đẩy tất cả các ngành dựa trên Ánh sáng và Sự sống do Trí tuệ phát xuất từ Mặc khải của Thiên Chúa” (số 4c).
Cuối cùng, hướng dẫn thứ ba là tính tập thể. Điều này giả định sự liên quan đặc biệt và có thể cống hiến một đóng góp cụ thể trong bối cảnh của tiến trình Hiệp hành, trong đó toàn thể Dân Chúa được triệu tập. Điều này được nhấn mạnh trong tài liệu được soạn thảo trong giai đoạn ngũ niên trước, về Tính hiệp hành trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội. “Cũng như bất kỳ ơn gọi Kitô hữu nào khác sứ vụ của nhà thần học, vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính cộng đoàn và tập thể. Do đó, tính hiệp hành của Giáo hội buộc các nhà thần học phải thực hiện thần học dưới hình thức hiệp hành, thúc đẩy giữa họ khả năng lắng nghe, đối thoại, phân định và hội nhập những yêu cầu và đóng góp đa dạng và phong phú” (số 75).
Các nhà thần học phải đi xa hơn, tìm kiếm xa hơn. Nhưng tôi muốn phân biệt điều này với giáo lý viên: giáo lý viên phải truyền đạt giáo lý đúng đắn, vững chắc; chứ không phải bất kỳ điều mới lạ nào, dù một số trong đó là tốt. Các nhà thần học có nguy cơ tiến xa quá mức, và chính Huấn quyền sẽ ngăn cản họ. Nhưng ơn gọi của nhà thần học là luôn mạo hiểm tiến xa hơn, bởi vì chính việc tìm kiếm sẽ làm cho thần học trở nên rõ ràng hơn. Nhưng đừng bao giờ dạy cho trẻ em và cả người lớn giáo lý mới không chắc chắn. Sự khác biệt này không phải của tôi, mà là của Thánh Ignatius thành Loyola, người mà tôi tin rằng hiểu rõ điều đó hơn tôi!
Vì thế, tôi cầu chúc anh chị em làm việc thanh thản và hiệu quả, trong tinh thần lắng nghe lẫn nhau, đối thoại và phân định cộng đoàn, cởi mở đón nhận tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Các chủ đề được ủy thác cho sự chú tâm và chuyên môn của anh chị em có tầm quan trọng rất lớn trong giai đoạn mới này của việc loan báo Tin Mừng mà Đức Chúa mời gọi chúng ta sống như một Giáo hội để phục vụ tình huynh đệ phổ quát trong Chúa Kitô. Thật vậy, chúng mời gọi chúng ta mang lấy cái nhìn trọn vẹn của người môn đệ, người luôn ngạc nhiên nhận ra rằng Chúa Kitô, “nhờ mạc khải về mầu nhiệm của Chúa Cha và tình yêu của Ngài, cũng mạc khải chính mình cho con người một cách trọn vẹn và làm cho tiếng gọi tối thượng đã rõ ràng” (Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et spes, 22); và do đó Ngài dạy rằng “mệnh lệnh mới của tình yêu là quy luật cơ bản của sự hoàn thiện con người và do đó là quy luật biến đổi thế giới” (Sđd., 38). Và tôi đã sử dụng từ "kinh ngạc". Tôi nghĩ điều quan trọng, có lẽ không quá quan trọng đối với các nhà nghiên cứu, nhưng chắc chắn là đối với các giáo sư thần học: hãy tự vấn xem liệu các bài học thần học có gây ngạc nhiên cho những người tham dự không. Đây là một tiêu chí tốt, nó có thể giúp ích.
Anh chị em thân mến, xin cảm ơn anh chị em vì sự phục vụ quý giá, thực sự rất giá trị của anh chị em. Tôi ưu ái ban phép lành cho từng anh chị em cũng như các cộng tác viên của anh chị em. Và xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi.
Tôi nghĩ, có lẽ điều quan trọng là cần tăng số lượng phụ nữ, không phải để chạy theo mốt, mà vì nữ giới suy nghĩ khác với nam giới, và họ làm cho thần học sâu sắc hơn, và thậm chí “hương vị” hơn. Xin cảm ơn anh chị em.
PHANXICÔ
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: press.vatican.va (24. 11. 2022)
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/huan-tu-cua-duc-thanh-cha-danh-cho-uy-ban-than-hoc-quoc-te-48876
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét