Trang

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

Bảo vệ Giáo Hội Công Giáo



















Bảo vệ Giáo Hội Công Giáo

Hôm rồi, ông cha xứ của tôi, người Mỹ, cho một cuốn sách, biểu đọc đi.

           
Lợi dụng mấy ngày nghỉ cuối tuần, tôi đem ra đọc kẻo rủi ông hỏi sách nói gì mà không biết thì quê, thành thử phải ráng đọc dù mấy đứa cháu nội ngoại cứ luôn luôn yêu cầu ông phải chơi với chúng.

Đọc xong, thấy sách khá đặc biệt, nên xin được chia sẻ với độc giả, mong rằng mọi người bỏ đi những thành kiến sai lầm về Giáo Hội và người công giáo, đồng thời có thêm những dữ kiện để trả lời cho những người chuyên hạch sách đả kích Giáo Hội Công Giáo.

Cuốn sách nhan đề là: Why Catholics are right? / Tại Sao Người Công Giáo lại Đúng?. Sách mới xuất bản gần đây, của tác giả Michael Coren. Ông chứng minh về người Công Giáo/Giáo Hội Công Giáo như đầu đề cuốn sách.

Nhiều người, nhiều nhóm hay tổ chức, đã chống đối Công Giáo chỉ vì thành kiến. Đây là loại thành kiến cuối cùng có thể chấp nhận được trong xã hội ngày nay, nhưng ông Michael Coren, nhà báo và nhà văn hiện đang sống ở Canada và đôi khi ở Anh quốc, đã phản biện lại tư tưởng này.

Michael Coren sinh ra trong một gia đình không phải là Công Giáo. Cha ông là người Do Thái. Ông trở lại Công Giáo khi ông chừng 20 tuổi. Ông kể trong lời mở đầu cho cuốn sách của ông là: Do Thái đã gíúp ông khá nhiều trong nghề nghiệp, nhưng niềm tin Công Giáo của ông đã làm ông bị mất việc hai lần và rất nhiều lần, báo chí truyền thông đã dập cửa vào mặt ông.

Ông bắt đầu cuốn sách với ý tưởng: Tôi không muốn viết và tôi không muốn bị bắt buộc phải viết, nhất là về những gương xấu lạm dụng của các giáo sĩ Công Giáo.

Ông ta thông cảm vì biết có nhiều người bị tổn thương rất nặng vì bị lạm dụng. Nhưng ông cho rằng có một số phê bình công kích Giáo Hội Công Giáo, đã đi quá xa, vượt ra khỏi cả lẽ công bằng.

Ông Coren nhấn mạnh là việc lạm dụng chẳng liên can gì đặc biệt tới đạo Công Giáo. Người theo đạo xấu, không có nghĩa là đạo xấu. Những người chỉ trích thì cứ hăm hở chứng minh là những lạm đụng đó có liên quan đến cơ cấu tổ chức cũng như giáo huấn của Giáo Hội, nhưng họ lại làm ngơ trước một một thực tế là ở những giáo hội, tôn giáo khác, đâu có thiếu những trường hợp lạm dụng như vậy, có khi còn nhiều hơn nữa.

Ông Coren còn nhận xét, nhờ kết quả của những bài học về vụ tai tiếng lạm dụng mà Giáo Hội Công Giáo bây giờ lại là một trong những nơi an toàn nhất cho giới trẻ. Ông kết luận chính kết quả này đã khiến người ta kết tội những hành vi lạm dụng mà không kết án Giáo Hội.

Ở một chương sách khác nói về những biến cố lịch sử như Thánh Chiến và Toà Án xét xử lạc giáo, ông cũng phải công nhận là Giáo Hội thực ra không phải luôn luôn là tốt. Nhưng nói chung, Giáo Hội quả đã dẫn đầu về mặt luân lý đạo đức của thời đại và là đòn bẩy luôn luôn thôi thúc mọi người làm việc thiện.

Thánh Chiến

Về những vấn đề của cuộc thánh chiến, Coren nêu ra cho độc giả biết Đất Thánh tiên khởi là của người Kitô giáo, nhưng vế sau, bị Hồi Giáo đến xâm chiếm. Do đó, coi Thánh chiến như là một hình thức của chủ nghĩa đế quốc thực dân hay thuộc địa là sai lầm. Nhiều gia đình quí phái giàu có đã bị phá sản vì chi tiêu, sắm khí giới, quân trang quân dụng cho thánh chiến, cũng như bảo trì trang phục cho hiệp sĩ. Những nghiên cứu điều tra hiện nay đã đánh tan luận điệu cho rằng đoàn quân thánh chiến toàn là con cháu của những gia đình nghèo khó, tham gia để đi cướp bóc của cải. Thực ra, họ thường là thành phần chóp bu, chọn lọc, thuộc giới hiệp sĩ ở Âu Châu.

Khi đoàn quận Thánh Chiến chiếm lại được những vùng đất do Hồi Giáo đã xâm chiếm trước đây, họ vẫn để cho dân Hồi Giáo tiếp tục cuộc sồng như cũ, không hề có chuyện bắt buộc họ phải theo Kitô giáo. Coren đã đặt câu hỏi: Vậy chúng ta có thể kết luận cái gì về cuộc Thánh chiến?

Ông nói: “Đó không phải là thời kỳ hãnh diện nhất của lịch sử Kitô giáo, nhưng nó cũng không phải như là những bức hí họa như trẻ nít vẽ về một Tây Phương hiện đại đầy tội lỗi và, chắc chắn, cũng không phải là những nghi kỵ ngờ vực hiện nay về dân Hồi giáo.”

Trở lại vấn đề tòa án xét xử lạc giáo, ông Coren nhận thấy, người ta thường ám chỉ, thầm nghĩ trong lòng là người công giáo thì xấu xa hơn bất cứ ai, và rằng chỉ có Giáo Hội công giáo mới tổ chức những cái giống như toà án xét xử những người gọi là lạc giáo.

Đó quả là ý nghĩ - ông quả quyết - quá đơn thuần và kỳ cục. Ngay từ đầu, chỉ trong vài tuần lễ cách mạng Pháp của những người vô thần mà số người bị giết, bị hành hình gồm cả đàn ông lẫn đàn bà còn nhiều hơn cả một thế kỷ của toà án xét xử những người lạc đạo. Ông còn cho biết thêm, ở một số quốc gia thuộc tin lành / thệ phản cũng có những tòa án gọi là để xử những người lạc đạo, đặc biệt nhắm vào những ai bị nghi ngờ là phù thủy.

Tra Tấn

Theo tác giả Coren cắt nghĩa thì toà án xét xử những người lạc đạo, chỉ có mục đích đem những người lầm đường lạc lối trở về với Giáo Hội. Tra tấn hành hạ thì có, nhưng chính là do nhà cầm quyền ngoài đời, không phải là giáo quyền. Toà án xử lạc đạo – ông ghi nhận- thực tế cho thấy còn ít hơn những tòa án khác thời bấy giờ. Nhưng sau này, nó không còn nữa.

Có nhiều phong trào chỉ trích toà án xử lạc đạo ở Tây Ban Nha [1] – Coren thắc mắc - nhưng lại ít ai chú ý đến những tra tấn hành hạ, những cuộc tàn sát tập thể những người Công Giáo bởi vua Henry VIII và hoàng hậu Elizabeth ở Anh quốc.

Phải công nhận là lúc đầu, các đức giáo hoàng đã yểm trợ toà án xử lạc đạo ở Tây Ban Nha, nhưng chẳng bao lâu, nó đã trở thành một cơ quan của nhà nước thuộc thế quyền. Sau cuộc bại trận cuối cùng của Hồi Giáo tại Tây Ban Nha, một số khá lớn người đã từ Do Thái Giáo hoặc Hồi Giáo, trở lại Công Giáo.

Một số người trở lại Công Giáo vì thực tâm, một số vì tình hình chính trị, kinh tế thuận lợi cho Công giáo nên họ trở lại Công Giáo mà thôi. Vì vậy tòa án đã cho điều tra xem những người trở lại Công Giáo đó có thực tâm hay không.

Chắc chắn là có sự lợi dụng - Coren nói - nhưng vì lúc đó xã hội Tây Ban Nha đang rạn nứt, nên họ không hiểu được hoặc không biết đến những cuộc nội chiến đẫm máu đã ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác ở Âu Châu.

Thực ra Tòa án này trước đó, chẳng ai để ý đến cho đến giữa thế kỷ XIX, khi những nhà văn chống Công Giáo cố ý làm sai lạc ý nghĩa của nó để tấn công Giáo Hội thì người ta mới biết đến nó mà thôi.

Còn một phong trào đả kích Công Giáo nữa, cho rằng Giáo Hội quá giàu sang. Coren bình luận về việc này như sau: “Chúng ta đã gặp phải lời chỉ trích quá thường nhưng lại rất xưa, xưa như trái đất là Giáo Hội thì giàu sang, tiền bạc như nước, còn thế giới thì nghèo khổ là thân nô lệ.”

Đúng vậy, Vatican có rất nhiều kho tàng quí báu được giữ trong những viện bảo tàng, vẫn được mở ra cho dân chúng vào coi. Giáo Hội gìn giữ những tác phẩm, kho tàng nghệ thuật đó từ hàng thế kỷ nay và bảo toàn chúng như là những di sản của nhân loại. Nếu nay đem bán những tác phẩm nghệ thuật đó đi, rồi đem phân phát tiền bạc cho mọi người thì chỉ một lần là hết. Còn nếu giữ những kho tàng nghệ thuật đó về lâu về dài cho tương lai, cho tất cả mọi người, thì hẳn phải tốt hơn là bán đi, thì người mua sẽ giữ kín nó ở trong nhà làm của riêng, chẳng ai được ngó nhìn tới. Ngoài ra, Giáo Hội Công Giáo đã xây dựng biết bao nhiêu là nhà thương, trường học, cơ sở từ thiện, làm biết bao nhiêu việc bác ái trên khắp thế giới, ai cũng biết.

Sự Sống và Dục Tính

Đề tài Sự Sống và Dục Tính cũng được đề cập đến trong một chương của sách. Giáo Hội thường hay bị chỉ trích về lập trường của mình như chuyện phá thai, dùng áo mưa và thuốc ngừa thai.

Coren biện luận cho Giáo Hội: Để bảo vệ sự sống, Giáo Hội Công Giáo không phải chỉ dựa vào niềm tin tôn giáo, mà còn được sự yểm trợ, chứng minh bởi khoa học và nhân quyền. Quả quyết là đời sống – ông nói - có từ lúc thụ thai là có nền tảng sinh học rõ ràng và chắc chắn. Bào thai đã có sự sống, tức đã là người, thì nó phải có quyền sống, quyền hiện hữu. Vậy mà trong những năm gần đây, những người chủ trương bảo vệ sự sống và Giáo Hội vẫn bị gọi là những kẻ cuồng tín. Ngược lại, trong khi cái xã hội hiện tại tự coi mình là tiến bộ hơn, khoan dung hơn bất cứ lúc nào, cả ở trong quá khứ, thì những đứa trẻ bị tàn tật, bất khiển dụng từ trong bụng mẹ, lại là mục tiêu phải giết bỏ. Ngoài ra, chủ trương của Giáo Hội là không được dùng tế bào gốc của thai nhi để nghiên cứu thì lại bị phe đối lập đả kích cho là làm trở ngại, cản bước tiến trong việc chữa trị những bệnh nan y có thể vượt qua được trong tương lai gần. Tuy nhiên, Coren nêu rõ vấn đề: sự thật là chữa trị bằng tế bào gốc của thai nhi đã không thành công, ngược lại, điều trị bằng tế bào gốc của người lớn lại có kết quả tốt.

Về việc dùng bao cao su và thuốc ngừa thai, Giáo Hội đã báo động từ nhiều thập niên trước là chúng sẽ làm cho xã hội bị tổn thương.

Đúng vậy, thực tế cho thấy khi mà người ta tự do dùng thuốc ngừa thai, mức độ bệnh truyền nhiễm do giao hợp tự do, dục tính xuống cấp, tình trạng vợ chồng ly dị nhau, gia đình tan hoang tăng lên rõ ràng là do hành động ái ân buông thả, giao lưu ái tình bừa bãi, chẳng cần đắn đo suy nghĩ gì nữa.

Những dèm pha phỉ báng Giáo Hội và Đức Thánh Cha Biển Đức XVI vì chống đối việc dùng bao cao su để ngăn ngừa bệnh HIV/AIDS, cũng lại là một bất công nữa. Coren đáp lại những lời phỉ báng đó như sau: “Phương pháp dùng bao cao su đã không thành công ở Phi Châu, trong khi đó chương trình giáo dục khuyên nên tiết chế tình dục và vợ chồng phải trung thành với nhau trong việc ái ân chăn gối đã mang lại kết quả to lớn nhất.”

ĐÔI LỜI KẾT

Cuốn sách của M. Coren “Tại Sao Người Công Giáo Đúng?” còn đề cập đến nhiều vấn đề khác, nhưng ông không chủ tâm hoặc đặt nặng vấn đề bảo vệ Giáo Hội Công Giáo để chống lại những đánh phá mà ông cho là không được chính xác và nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, đây là một cuốn sách mới, một tài liệu quan trọng, chính xác và hữu ích, có thể giúp cho những ai muốn trả lời những đánh phá Giáo Hội rất thường thấy hiện nay.

Fleming Island, Florida
10-8-2011
Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

+++++++++++++

[1] Tòa án này được thiết lập với sự chuẩn nhận của Đức Giáo Hoàng năm 1478, thể theo lời yêu cầu của vua Ferdinand V và nữ hoàng Isabella. Tòa điều tra trải qua bước phát triển mới tại Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và các thuộc địa của họ. Sau khi hai vương quốc Aragon và Castilla hiệp nhất, vua Ferdinand và nữ hoàng Isabella tiến hành cuộc tấn công tái chiếm toàn bộ bán đảo Tây Ban Nha, sau đó mượn danh nghĩa tôn giáo để thanh toán những người Marranos, tức những người Do Thái trước kia bị ép phải theo Kitô giáo, nay có dấu hiệu trở lại tôn giáo cũ của họ.. Sau năm 1502, mục tiêu thanh toán là những người Do Thái trước kia từ Hồi Giáo theo Kitô giáo. Trong thập niên 1520, họ nhắm vào những người Tin Lành. Toà còn hướng đến cả những nhóm dân mọi da đỏ ở các thuộc địa tại Châu Mỹ. Tòa trở thành công cụ của nhà nước hơn là của Giáo Hội, mặc dù các viên chức điều khiển tòa là người của Giáo Hội, nhất là các tu sĩ dòng Đa Minh. Huyền thoại đã vẽ ra vị Đại Thẩm Phán đầu tiên của Tòa Xử/Điều tra này là Tomás de Torquemada, biểu tượng của sự tàn ác, sắt đá, cố chấp và cuồng tín. Cuối cùng, Toà này bị giải thể tại Tây Ban Nha năm 1834 và tại Bồ Đào Nha năm 1821


Nguồn: TongGiaoPhanHue.net
|

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét