Tư liệu Thánh Kinh(2):
Assyria
Át-sua (Assyria) là phần phía bắc của I-rắc hiện nay, dọc theo sông Tích-ra và chạy về phía đông tới tận chân dãy Núi Zagros. Những trận mưa mùa Đông và những nhánh sông chảy vào Tích-ra cung cấp đủ nước cho mùa màng. Lúa mạch và lúa mì được trồng ở đồng bằng. Nho, ô-liu, mơ, anh đào và nhiều loại cây sinh trái khác được trồng trên đồi dốc. Ðồng quê được bao phủ bởi cỏ xanh trong mùa Đông và mùa Xuân, khác với đất đai phía tây Tích-ra. Ở đó, phần lớn đất đai chỉ là sa mạc, với những ngọn núi lởm chởm cây cối về phía đông, tuyết phủ dầy về mùa Đông. Ðối với những người thuộc các bộ lạc hoang dã quen sống với sa-mạc và núi non, Át-sua tỏ ra rất hấp dẫn. Lịch sử của mảnh đất này là một lịch sử của chiến tranh triền miên với những lân bang hay ganh ghét. Người Át-sua gọi thủ đô, đất nước và quốc thần của họ bằng một tên chung là Át-sua. Ðô thành Át-sua nằm về phía nam xứ sở, phía bắc Sông Tích-ra. Thành phố thứ hai, Ni-ni-vê, nằm ở phía đông của Sông, đối diện với Mosul ngày nay, cách bắc Át-sua 68 dặm. Cả hai thành phố đều thịnh vượng rất sớm từ năm 2,500 trước CN và có thể còn sớm hơn thế nữa.
Người Át-sua: Những ghi chép đầu tay của Át-sua có rất sớm, từ năm 2,000 trước CN. Bảng liệt kê các vị vua Át-sua, một tài liệu quan trọng có sau đó, đã cho thấy rằng người Át-sua hiện diện trên mảnh đất của họ khoảng năm 2,300 trước CN. Các bản văn này chứng tỏ rằng người Át-sua thuộc dòng Sê-mi-tích. Họ sử dụng một ngôn ngữ rất gần ngôn ngữ Ba-by-lon. Các tài liệu ấy cũng cho thấy dân số này rất pha tạp. Nhiều người không thuộc dòng Sê-mi-tích cũng từ phía đông và phía nam đến định cư ở đây. Hình như việc định cư này đã xẩy ra trong hòa bình. Trong những thời kỳ sau, nhiều người không gốc Át-sua cũng giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền. Người ta thường cho rằng người Át-sua là những người theo chủ nghĩa đế quốc tàn ác. Quan điểm ấy, một quan điểm phát xuất một phần từ những cuộc chiến tranh của họ với Ít-ra-en được thuật lại trong Thánh Kinh, cần phải được quân bình hóa bằng chính tình thế tại Át-sua. Dù cho biên giới có vững vàng đi chăng nữa, thì những đe dọa vẫn có đó hay ít ra cũng có trong trí tưởng tượng của người dân do những nhà cai trị ngoại bang chẳng cách xa bao nhiêu. Những đe doạ này chỉ có thể đương đầu bằng cách mở những chiến dịch mới. Tất nhiên, chiến thắng thường khuyến khích người ta thực hiện những cuộc phiêu liêu khác. Nhưng thực ra, người Át-sua, cũng giống như mọi người khác, phần lớn chuộng hòa bình và thịnh vượng.
Ðế quốc Át-sua:
Giữa các năm 1,500 và 1,100 trước CN, Át-sua trở thành quốc gia hàng đầu ở Cận Ðông, thống trị một vùng rộng lớn trải dài đến tận phía tây Sông Êu-phơ-rát. Các vị vua của họ viết những bức thư như những kẻ ngang hàng gửi cho các vua Ai Cập. Rồi những người A-ram xâm lăng đến từ sa-mạc đã gần như giầy xéo toàn bộ lãnh thổ của họ. Và biến cố đó khởi đầu thời kỳ suy yếu kéo dài mãi đến năm 900 trước CN.
Rồi một dòng vua anh dũng bắt đầu chiếm lại những đất đai đã mất. Họ cũng giải quyết được những vấn đề duy trì quyền kiểm soát trên những đất đai chiếm lại ấy. Các vị vua dũng tướng như AsUanasirpal II (883-859 trước CN) và San-ma-ne-xe III (8580-824 trước CN) đã chiếm nhiều thành và biến vua chúa các thành này thành chư hầu của mình. Nhưng khi đoàn quân Át-sua vừa về đến quê nhà, các vua chúa đó lại nổi loạn chống lại.Tích-lát Pi-le-se III (745-727 trước CN) là ông vua đầu tiên lập được một hệ thống hữu hiệu gồm các tổng trấn hàng tỉnh đặt dưới quyền kiểm soát chặt chẽ của ông.
Lưu Đầy:
Cách thông thường để bẻ gẫy chống đối là bắt con tin. Sau một cuộc nổi loạn lớn, một khối lớn dân chúng thường bị cưỡng bức đưa đến một nơi nơi khác trong đế quốc và được thay thế bằng khối dân xa lạ đến từ phương thật xa. Điều này đã xẩy ra tại Ít-ra-en khi người Át-sua chiếm Sa-ma-ri: 2 V 17:6, 24ff; cũng nên xem 18:31,32. Các hoàng đế nổi danh như Sargon{721-705 trước CN}, Xan-khê-ríp {705-681 trước CN}, Esarhaddon {681-669 trước CN}, và Ashurbanipal {669-627 trước CN}đều theo cùng một chính sách này. Dưới thời hai hoàng đế sau, đế quốc trở thành quá lớn bao trùm Ai Cập, Xy-ri, lãnh thổ Ít-ra-en, bắc Arabia, nhiều phần của Thổ Nhĩ Kỳ và Ba-Tư. Các biên giới vì thế không còn được bảo vệ, và những kẻ nổi loạn cũng không làm sao diệt hết. Ba-by-lon vì thế dành được độc lập năm 625 trước CN và với sự trợ lực của người Mê-đi, đã phá hủy Ni-ni-vê năm 612 truớc CN.
Công trình Nghệ thuật: Đế quốc rộng lớn của Át-sua đem lại nhiều thịnh vượng. Một số là do thuế khóa từ việc buôn bán. Nhờ thế, vua chúa có thể xây những cung điện và đền thờ nguy nga, ông nào cũng ráng vượt qua ông trước.Từ những dinh thự khai quật tại Ni-ni-vê và Nim-rút {đền cổ kính Kalah, khoảng 20 dặm về phía nam} và nhiều nơi khác, người ta tìm lại một vài công trình nghệ thuật rất tinh xảo. Các bức tường được làm bằng những phiến đá trên đó khắc những cảnh sinh hoạt tín ngưỡng, quân sự và thể thao của nhà vua. Bàn ghế khảm ngà voi, được khắc hay chạm, đôi khi còn được dát vàng nữa. Nhiều ảnh hưởng khác nhau về tay nghề – Ai Cập, Xy-ri, I-răng có thể nhận ra trong các cổ vật trên. Nhưng văn hóa căn bản của Át-sua được rút tỉa từ phía nam,tức Ba-by-lon. Tập tục quan trọng nhất của Ba-by-lon tại Át-sua là hệ thống chữ viết hình nêm [cuneiform] trên những thanh đất sét. Hàng ngàn những thanh này được tìm thấy trong các thành quách điêu tàn của Át-sua. Một số liên quan đến vấn đề hành chánh của đế quốc, số khác liên quan đến vấn đề ngoại giao.Số khác nữa là các văn kiện tư pháp, hay sổ sách ghi chép của các đời vua. Nhưng đáng kể hơn cả là một thư viện do Vua Ashurbanipal thu thập. Thư viện này lưu giữ các bản chép mọi tác phẩm văn chương và kiến thức do các đời trước lưu truyền lại. Nhờ tìm ra nó, mà từ 1849 trở đi, những cuộc nghiên cứu hiện đại về Át-sua và Ba-by-lon đã có thể bắt đầu đuợc.
Người Át-sua và Trình thuật Thánh kinh: Người Át-sua xuất hiện trong trình thuật Thánh kinh vào thời các vị vua sau cùng của Ít-ra-en, khi các tiên tri A-mốt và Hô-sê đang hoạt động tại phía bắc, còn tiên tri I-sa-i-a thì nổi tiếng tại Giu-đa. Họ là thế lực lớn trong thế giới, đem đe doạ xâm lấn đến cho nhiều quốc gia ít hùng cường hơn.
Tiên tri I-sa-i-a phán thế này “ta sẽ đặt vua Át-sua trên ngươi…”. Lời tiên phán ấy làm vua A-khát của Giu-đa khiếp kinh. Vì ông đang muốn được người Át-sua trợ lực để chống lại kẻ thù mình là các vua của Đa-mát và Sa-ma-ri [Ít-ra-en]. Nhưng sứ giả của Chúa cho nhà vua hay Át-sua, cường quốc lớn nhất lúc đó, chẳng bao lâu nữa sẽ chiếm cứ nước ông. Quả vậy, Vua Át-sua lúc đó là Tích-lát Pil-le-xe III [745-727 trước CN] đã biến A-kháp và Giu-đa thành chư hầu. Rồi giải tỏa được áp lực, ông đã tiến chiếm Đa-mát và phần lớn Ít-ra-en, biến những lãnh thổ này thành các tỉnh thuộc đế quốc của ông. Thói quen của Át-sua là ký hiệp ước với các nước chư hầu. Khi những nước này không tuân thủ hiệp ước, nghĩa là không nạp thuế hàng năm hay liên minh với kẻ thù của Át-sua, người Át-sua sẽ dùng ngoại giao trước nhất để thay đổi tình hình. Nếu ngoại giao thất bại, họ mới gởi quân đội tới.
Điều ấy đã xẩy ra cho Giu-đa. A-kháp tuân giữ hiệp ước, nhưng con trai ông là Khít-ki-gia, và Vua Mơ-rô-đắc Ba-la-đan của Ba-by-lon tham gia một cuộc tổng nổi loạn khi vua Át-sua là Sargon chết năm 705 trước CN. Khít-ki-gia chiếm quyền kiểm soát các thành phố Phi-li-tinh vốn là chư hầu của Át-sua. Sau khi đã dẹp yên Ba-by-lon, Xan-khê-ríp, vua mới của Át-sua, dĩ nhiên quay qua đương đầu với tên phản loạn Khít-ki-gia. Quân đội của ông dầy xéo toàn bộ Giu-đa, như tiên tri I-sa-i-a đã tiên đoán. Sử sách của Xan-khê-ríp cho hay: “Trẫm bao vây và chiếm được 46 thành lớn [của Khít-ki-gia]… Trẫm bắt của chúng 200,150 người… [Khít-ki-gia] câm lặng như một con chim trong lồng tại Giê-ru-sa-lem, thủ đô của hắn… Sự chói lọi khiếp đảm trong quyền chúa thượng của trẫm đã làm hắn choáng ngợp… Hắn gửi 30 lạng vàng, 300 lạng bạc tới Ni-ni-vê”. Tuy nhiên, Giê-ru-sa-lem không bị chiếm đóng. Trên thực tế, người Át-sua không bao giờ tái tấn công Giê-ru-sa-lem nữa, dù Mơ-na-se, con trai của Khít-ki-gia, tham gia một cuộc nổi loạn do người Ai Cập gợi ý và do đó bị bắt cầm tù trong một thời gian [khoảng năm 671 trước CN]: Is 7:17-25; 2 V 15:27-16:9; 18:7,8; 19; 20:12ff; 2 Sb 33:11-13.
Tôn giáo của người Át-sua và Ba-by-lon:
Như phần đông các dân tộc cổ xưa, người Át-sua và Ba-by-lon cũng tôn kính các sức mạnh lớn lao trong vũ trụ và có những thần nam, thần nữ riêng. Họ thuật các truyện ký về các thần này, dâng của lễ lên chúng tại các đền thờ lớn nhỏ, cầu xin các thần trợ giúp và hy vọng các thần lắng nghe chấp nhận. Các thần kiểm soát mọi sự và tác phong của họ thì không ai đoán nổi.
Anu, vua thiên giới, đứng đầu mọi thần khác. Ông là một vị thần rất xa cách. Con trai ông là Enlil cai trị địa giới và được coi là vua trên hết các vua. Enki hay Ea kiểm soát mọi thứ nước ngọt vốn là nguồn sự sống. Mỗi vị thần đều có vợ và gia đình. Ishtar là vợ của Anu và nổi hơn ông nhiều trong sinh hoạt tôn giáo. Bà giữ quyền kiểm soát chiến tranh và yêu thương. Enki có một con trai tên Marduk, người sau này sẽ trở nên rất quan trọng. Marduk, cũng được gọi là Bel hay ‘chúa’ là thần phù hộ Ba-by-lon. Việc thờ phượng ông phát triển khi quyền lực của Ba-by-lon gia tăng trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 1000 trước CN. Với thời gian, ông được nâng lên làm vua tất cả các thần [xem bên dưới]. Con trai Marduk, là Nabu, thần phù hộ của Borsippa gần Ba-by-lon cũng lần lượt được nâng cao địa vị.
Còn nhiều thần khác nữa như Shamash, tức mặt trời, là thần công lý; Sin, tức mặt trăng, được đặc biệt thờ tại Ua thuộc Can-đê và tại Kha-ran; Adad, thần của mưa bão.Các ý niệm như công bằng, sự thật, công lý và thời gian, ngay từ sau năm 2000 trước CN, cũng được gán cho địa vị thần minh. Ở Át-sua, cũng còn vị thần quốc gia là Át-sua. Tên của ông cũng là tên của thủ đô và của đất nước ông cai quản. Gốc gác của Át-sua không ai rõ. Khi Át-sua trở nên hùng cường, ông được đồng hóa với Enlil, vua các thần minh.
Thế giới Ba-by-lon đầy bóng tối. Các thần ác và ma qủi luôn luôn rình rập để bắt bất cứ ai chúng có thể bắt được. Chúng có thể lách dưới cửa để vào tấn công một người đang ngủ hay để cướp một đứa nhỏ khỏi lòng mẹ hay gieo bệnh hoạn qua gío thổi. Những tư tế đặc biệt chuyên cầu kinh và đọc thần chú trên nguời bệnh hay bị thương và cầu các thần đến cứu giúp. Đôi khi, cơn hoạn nạn được chuyền sang một con dê hay một vật tế thần khác qua một nghi thức, rồi giết con vật ấy hay hủy diệt nó đi. Người ta đeo bùa ngải để xua đuổi các tà thần. Họ cũng treo những bùa ngải ấy ở cửa ra vào hay chôn chúng dưới bậc cửa.
Việc Thờ Cúng:
Mỗi thành đều có đền thờ chính, nơi thần hoàng được thờ cúng. Tại đây, dân chúng tụ tập để mừng những ngày lễ quan trọng vào ngày đầu năm hay ngày riêng của vị thần. Họ đứng dọc các phố khi tượng vị thần được rước qua từ đền này qua đền khác. Hình như người thường dân thường làm việc thờ cúng tại các đền nhỏ đặt ngay tại các nhà trong thành. Tại đó, họ có thể cầu thần nam, thần nữ ban cho họ một đứa con trai, làm ăn phát đạt, hay dâng lên các vị thần này của lễ tạ ơn, cầu xin cho được ai đó chú ý đến mình, hoặc giải thoát mình khỏi một bất hạnh nào đó. Một thầy tư tế có thể được mời đến để cử hành các nghi lễ, đọc những kinh sách đúng cách, và tiếp nhận những con vật chuộc tội để dâng lên thần minh.
Bói toán:
Theo tư tưởng Ba-by-lon, các thần minh kiểm soát mọi sự, nhưng họ lại không tỏ lộ gì về tương lai. Nên con người không chắc chắn điều gì cả. Họ buộc phải đi xem điềm. Gan và những bộ phận khác của con vật tế thần được khảo sát xem có điềm gì bất thường hay không, xem thần minh có ‘viết’ bất cứ điều gì ở đó hay không. Họ cũng sử dụng những hiện tượng bất thường khác như đường chim bay, hay vết dầu trong nước để đoán điềm.
Các chiêm tinh gia căn cứ vào sự vận chuyển nơi các vì sao mà đoán điềm. Bầu trời trong về đêm làm cho việc quan sát dễ dàng. Và vì mỗi ngôi sao có liên quan đến một vị thần, nên người ta có thể suy diễn ra đủ mọi điều như là ý của vị thần ấy. Một vài kỹ thuật đoán điềm này được truyền cho người Hy Lạp, và qua những người này, được chuyền đến khoa chiêm tinh ngày nay. Hoàng đạo [zodiac] chính là một di sản của các chiêm tinh gia Ba-by-lon. Vòng tròn 360 độ và giờ khắc 60 phút cũng do những nhà chiêm tinh gia đó nghĩ ra đầu hết.
Chết và đời sau:
Người Át-sua nghĩ rằng người chết sống dưới âm phủ. Ở đó, họ sống trong một thế giới bụi bặm, được nuôi bằng thức ăn thức uống do con cháu họ dâng cúng. Nếu không có dâng cúng, hồn người chết có thể trở về quấy phá con cháu. Hồn những người chết không được chôn cất đàng hoàng cũng hành động như vậy. Dường như kẻ ác bị hành hạ hơn là kẻ lành, vì các vị vua cũ được cử làm quan tòa nơi âm phủ. Các ý niệm về cuộc sống sau khi chết khá mơ hồ, và đem lại cho người Ba-by-lon không mấy hy vọng.
Vũ Văn An
VietCatholic News
Tư liệu Thánh Kinh(2): Assyria
Tư liệu Thánh Kinh(2): Assyria
Nguồn:
VietCatholic
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét