Trong sách Sáng Thế, Chương 9, câu 3-5
“Mọi loài di động và có sự sống sẽ là lương thực cho các
ngươi; Ta ban cho các ngươi tất cả những thứ đó, cũng như đã ban cỏ xanh tươi.
Tuy nhiên các ngươi không được ăn thịt với mạng sống của nó, tức là máu. Nhưng
Ta sẽ đòi mọi con vật phải đền nợ máu các ngươi, tức là mạng sống của các
ngươi; Ta sẽ đòi mỗi người phải đền mạng sống của người anh em mình.”
Xin Cha hoặc thầy vui lòng giải thích câu KT trên có ý nghĩa như thế nào.
Xin chân thành cám ơn trước.
B.D (Bernie Duong<bernyduong@...)
-----------------------------------------------------
Kính thăm chị,
Xin trả lời chị.
Vì đoạn văn chị đưa ra hỏi ý nghĩa chỉ có thể hiểu được nếu
được đặt vào trong ngữ cảnh, xin chị vui lòng cùng với chúng tôi trở lại với
các ý tưởng thuộc các chương trước đây.
Bởi vì St 1,28 là bối cảnh của lời chúc phúc ở St 9,1, điều
đáng chú ý là nhiệm vụ “thống trị” và “bá chủ” (St1,28b) không được nhắc lại ở
đây. Điều này cho hiểu là các hoàn cảnh mới của thế giới nặng tội lỗi đã làm
thay đổi phương diện này của lời Thiên Chúa chúc lành cho Ađam, vì sẽ khó mà
chu toàn được các nhiệm vụ đó trong tình hình thù nghịch của thế giới mới. Các
từ “dã thú”, “chim trời”, giống vật bò dưới đất” và “cá biển” khiến ta nhớ lại
lệnh truyền đầu tiên của Thiên Chúa cũng như quy định từ đầu là “phải ăn kiêng”
(St 9,2-3; x. 1,28-30). Dù tội lỗi đã xuất hiện và dù có lụt hồng thủy, các
biến cố này vẫn không bẻ quẹo sự bố trí của Thiên Chúa, đó là con người vẫn
được làm chủ và sử dụng thế giới loài vật mà phục vụ mình, nhưng vì có những
vấn đề mới, nên cần có những cấm đoán mới. Thế giới của ông Nôê nay có chuyện
giết chóc, nên cần có những biện pháp bảo vệ. Sự kính trọng sự sống nói chung
và tính bất khả xâm phạm của sự sống con người nói riêng, cùng với lời đe là
Thiên Chúa sẽ trừng phạt, sẽ ngăn cản việc tàn sát không phân biệt.
Để đảm bảo là loài vật không phải là một mối đe dọa cho gia
đình nhân loại, Thiên Chúa phú vào trong các con vật nỗi “kinh hãi khiếp sợ”
loài người, nhờ đó con người hành xử được một thứ quyền bính trên chúng, tuy là
một quyền bính giới hạn: “Chúng được trao vào tay các người” (St 9,2). Điều này
hoàn toàn khác với quan hệ mà người nam và người nữ đầu tiên đã được hưởng
trong khu vườn với các cư dân thú vật (St2,19-20: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy
đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người
gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. Con
người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú”). Bây giờ Thiên
Chúa đã đặt đời sống và cái chết của thú vật dưới quyền của tự do con người.
Như chúng ta sẽ biết từ các câu 3 và 4, điều có nhắm đến việc giết thú vật làm
lương thực.
Thiên Chúa lại công bố về khoản lương thực cho cả loài người
lẫn loài thấp kém hơn (c. 3), như trước đây Người đã ban “cỏ xanh tươi” cho cả
loài người lẫn thú vật, “mọi vật có sinh khí” (x. St 1,29-30). Như thế là bất
cứ loài “có sinh khí nào” còn tồn tại sau lụt hồng thủy (x. 6,17; 7,22) thì vẫn
được Thiên Chúa ban cho có lương thực, nhưng trước lụt hồng thủy thì “ăn cỏ
canh tươi”, còn sau lụt, thì được ăn thịt. Như thế phép được ăn thịt ở St 9,3
trở thành như một dấu phân biệt thời đại tiền hồng thủy và thời đại hậu hồng
thủy.
Tuy nhiên, được ăn thịt mà “không được ăn máu” (c. 4), vì
trong tiếng Hípri, “máu” có nghĩa là “sự sống”: “ăn máu” được coi như đồng
nghĩa với “tàn sát”. Con thú, cho dù được ban cho loài người làm lương thực,
vẫn có giá trị dưới mắt Thiên Chúa như một thọ tạo sống động, nên cũng đáng
được quan tâm, chứ không được lạm dụng, không được đối xử dã man với súc vật.
Quyền được giết súc vật làm lương thực có kèm theo trách nhiệm phải chăm sóc
chúng, giống như trách nhiệm được diễn tả trước đây tại vườn Êđen (x. 2,15).
Không trân trọng quà tặng sự sống là một sỉ nhục đến Đấng Ban Tặng sự sống ấy,
vì sự sống cũng được nhận định là “tốt lành”. Vì vậy, lệnh “không được ăn thịt
với mạng sống, tức là máu”, nghĩa là cấm ăn một con vật khi nó còn sống, đưa
đến lô-gích là phải để chảy cho hết máu của con vật bị giết như quy định theo
luật Môsê (x. chẳng hạn Đệ nhị luật 12,24).
Rồi St 9,5 thì đề cập đến sự sống con người. Sự sống con
người phải được xử lý với sự cẩn thận đặc biệt, bởi vì nó có giá trị đặc biệt
là sự sống được tạo thành theo “hình ảnh Thiên Chúa” (c. 6). Trong khi lệnh cấm
trước đây liên hệ đến việc ăn thịt không quy định một hình phạt nào cho người
vi phạm (c. 4), ở đây chúng ta có một câu dài nói về hình phạt, nhấn mạnh trên
những hậu quả trầm trọng của việc lấy đi “sự sống”.
Cái chết của con người đòi một sự “đền nợ/mạng” (3 lần). Lần
đầu, là nói tổng quát, rồi sau đó thì quy định rằng con vật và người đồng loại
đều phải chịu hình phạt. Chúa nói “Ta sẽ đòi” vì việc lấy mạng sống con người
trước hết là xúc phạm đến Thiên Chúa (xem c. 6). Nền tảng của lệnh cấm lấy mạng
sống con người bắt nguồn nơi giá trị siêu việt của sự sống con người được ban
trong cuộc tạo dựng. Nói đến “đền mạng sống của người anh em”, ta lại nhớ đến
cuộc huynh đệ tương tàn giữa Cain và Abel (St 4,2.8). “Cain đã nói: “Con là
người giữ em con hay sao?” (St 4,9). Bản văn chúng ta đang khảo sát ở đây chính
là câu trả lời: Đúng là phải giữ anh/em con! Giết người là giết anh/em mình,
bởi vì do giao ước mà tất cả mọi người kết với Thiên Chúa trong tư cách được
tạo dựng theo “hình ảnh” Người, mọi người là anh em của nhau.
Thật ra, để nắm vững hơn nữa ý nghĩa của St 9,3-5, cần phải
quy chiếu về một số quy đinh của Luật Môsê. Lý do là, tuy được đặt ở đầu Bộ
Kinh Thánh, bản văn St lại thành hình khá muộn màng vào thời sau Lưu đày nhằm
minh định niềm tin và củng cố niềm tin cho Dân Chúa. Chẳng hạnLêvi 17,10tt;
19,26; Đệ nhị luật 12,24; Êkêdien 33,25. Nhưng chúng tôi chọn chỉ giải thích St
9,3-5 bằng chính sách Sáng thế, để khỏi làm cho vấn để trở nên quá phức tạp.
Xin Lời Chúa tiếp tục là ngọn đèn soi chiếu đường đời của
chị.
kinhthanhvn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét