HỢP NHẤT SÁNG TẠO VÀ SỰ BIẾN ĐỔI SÁNG TẠO
theo Cha Teilhard De Chardin
Nhân dịp đọc một quyển sách hay mới xuất bản tại New York, GROVE PRESS, 2009 của tác giả STEPHEN GREEN, cựu Thống đốc ngân hàng HSBC có tưạ đề là GOOD VALUE tạm dịch là GIÁ TRỊ THIỆN ÍCH (Reflections on Money, Morality and an Uncertain World, tạm dịch là “những suy tư về tiền bạc, Đạo đức và một Thế giới bấp bênh), và nhận thấy tác giả đề cao Cha Teilhard de Chardin khi bàn về hiện tượng “Toàn cầu hoá”, coi ngài như một tiên tri báo trước từ hơn 60 năm trong tác phẩm “Le Phénomène humain” (xuất bản năm 1955, sau khi ngài đã qua đời), tôi ghi lại dưới đây vài điều đã viết về hai ý niệm độc đáo của Cha Teilhard: “Hợp nhất sáng tạo” (Union créatrice) và “Biến đổi sáng tạo” (Transformation créatrice).
Bàn về tác phẩm nổi tiếng của Friedman xuất bản năm 2005 “The World is Flat” (tạm dịch “Thế giới là mặt phẳng”), lúc bấy giờ tạo nên một làn sóng hết sức lạc quan và phấn khởi cho những ai suy tư về “Toàn cầu hoá”, Stephen Green cho rằng quan niệm “thế giới bằng phẳng” của Friedman, với thời gian trôi qua, đã tỏ ra quá đơn giản và nông cạn, so với quan điểm của Cha Teilhard về “Toàn cầu hoá” vừa tinh tế hơn, vừa giúp chúng ta dễ nhận ra “Nguồn gốc và
Cứu cánh” của con người và vũ trụ .
Quan niệm của Cha Teilhard về một “Sự tổng hợp vĩ đại” (mega-synthesis), một “sự Sắp xếp Siêu đẳng” (super-arrangement) tạo nên “Cảnh vực tri thức” (Noosphère), thật là gợi hình và sống động. Nhiều người xem đây là một hình ảnh tiên báo “Mạng nối kết toàn cầu” của Internet. Thế giới chúng ta hiện nay giống như “Quả Cầu tự mặc cho mình một Bộ Óc” (“A Globe, Clothing Itself With a Brain”). Cha Teilhard cho rằng, khi con người ý thức hơn về chính mình, thì sự biến đổi càng nhanh chóng hơn, không phải là biến đổi về phương diện thể lý, mà là một sự chia sẻ, một sự gạn lọc các ý tưởng được trao đổi với nhau, và tiến trình này sẽ giải thoát con người khỏi “cá nhân chủ nghĩa” còn nội tại trong giới hạn của lãnh vực thể lý.
I. HỢP NHẤT SÁNG TẠO (UNION CRÉATRICE)
Cha Teilhard tin Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt đối với thế giới. Thiên Chúa không cần thế giới. Tự mình, Ngài là Đấng Viên Mãn Thần Linh.
Sự hiện hữu của thế giới, đối với chúng ta có vẻ như đương nhiên, thực ra chỉ là kết quả của quyết định tự do của Thiên Chúa Tạo Dựng.
1. Vũ trụ trong tiến trình tạo dựng
Điều làm cho Cha Teilhard suy nghĩ là “cách thức” hình thành của vũ trụ trong tiến trình tạo dựng. Ông thích dùng phạm trù “hợp nhất” để giải thích: “Deus creat uniendo”: Thiên Chúa tạo dựng bằng cách hợp nhất. “Creari est uniri”: được tạo thành là được hợp nhất. “Plus esse est plus a pluribus uniri”: Hiện hữu viên mãn hơn, là được hợp nhất sâu xa hơn từ nhiều yếu tố đa dạng .
Có thể cho rằng, “trực giác” của cha Teilhard là cái nhìn hợp nhất. Như vậy phải chăng cần giả thiết “chất thể đa tạp” là “nguyên liệu” cho tác động hợp nhất của Thiên Chúa? Thực ra, ông không muốn thay thế phạm trù “hư vô” bằng phạm trù “đa tạp”. Nhưng ông đồng hoá đa tạp với hư vô. Đối với ông, đó là một ý niệm hạn cùng (concept limite) mà ông gọi là hư vô vật lý (néant physique) hay là “hư vô thực sự” (vrai néant), hay “hư vô tác khả” (néant créable), một ý niệm tương đương với ý niệm “khả hữu” trên bình diện vật lý. Chúng ta có thể diễn tả bằng phạm trù “hư vô thực tế” (néant de fait), tương phản với hư vô như một ý niệm “thuần tuý” và “trống rỗng”. Theo Teilhard, cái thuần tuý đa tạp, cái hư vô không có “cách thức hiện hữu” nào, mà là nơi “quy tụ” mọi thế giới khả hữu.
2. Hữu thể trong tiến trình tạo dựng
Mỗi hữu thể xuất hiện trong tiến trình tạo dựng là kết quả sự hợp nhất nhiều yếu tố.So với hữu thể, các yếu tố ấy giống như một loại hư vô, vì còn là “đa tạp”, chưa được tổ chức, chưa cô đọng, chưa hợp nhất. Chính xác hơn, sự tổng hợp mới mẻ làm cho hữu thể ấy hiện hữu, tuỳ thuộc vào “ hành vi” làm cho nó xuất hiện từ các yếu tố. Cái đa tạp có trước hữu thể, nếu đã hiện hữu cách nào đó, là vì không thuần tuý đa tạp. Cái thuần tuý đa tạp không có một cách hiện hữu nào cả, dù là mong manh, không nên đồng hoá nó với “nguyên lý chất thể” trong thuyết “chất- mô” của Aristote. Khi hoàn toàn không có một sự hợp nhất nào thì không có gì cả.
Có thể coi hành vi tạo dựng là “tiến trình sắp đặt và hợp nhất” để cho vũ trụ hình thành. Nhưng điều đó không xảy ra, khi chúng ta nhìn “khoảnh khắc đầu tiên” hay nhìn trong toàn bộ.
3. Tạo dựng từ hư vô
Thế giới, xét toàn bộ, được tạo thành từ hư vô (ex nihilo subjecti). “Trước” hành vi tạo dựng, không thể nói đến một “phác thảo”, một “hình bóng” vũ trụ, vì một phác thảo đã là một điều tích cực. Mà chỉ có điều tích cực khi có ảnh hưởng đầu tiên của hành vi hợp nhất; chỉ có thể nói đến cái “không”.
Cái đa tạp thuần tuýkhông gì khác hơn là “khả thể tản mác” mà tiến trình tạo dựng kết hợp lại. Trước khi có thế giới, Thiên Chúa hiện hữu một mình.
Cha Teilhard tuyên bố dễ dàng chấp nhận ý niệm tạo dựng từ hư vô (creatio ex nihilo subjecti). Theo ông, đó là một “ý niệm siêu hình”. Người ta có khuynh hướng lẫn lộn siêu hình với trừu tượng hay thuần lý. Vì thế, tốt hơn nên dùng chữ “siêu nghiệm” (meta expérimentale). Ý niệm đó diễn tả sự tuỳ thuộc tuyệt đối của thực thể vũ trụ đối với Thiên Chúa, Đấng làm cho nó hiện hữu hoàn toàn bởi ý muốn tự do của Ngài.
Không nên ứng dụng điều đó cho lịch sử vũ trụ hay cho tiến trình khả nghiệm, vì lịch sử hay điều khả nghiệm bao giờ cũng “nội tại” trong thế giới.
Cố gắng tìm hiểu sự hình thành của các thực tại nhờ “tiến trình hợp nhất”, Cha Teilhard không nhằm đưa ra một giải đáp siêu hình hay siêu nghiệm về vũ trụ, nhưng chỉ muốn tìm ra hình thái lịch sử và thực tiễn của diễn tiến công trình tạo dựng. Có một thứ luật hợp nhất tiệm tiến, thể nghiệm được, luôn kèm theo sự “phát triển hữu thể”. Một hữu thể càng cao trong bậc thang hữu thể, khi nó là một tổng hợp càng tinh vi và phức tạp, một sự duy nhất phong phú và vững chắc đòi hỏi một ảnh hưởng sáng tạo tương đương. Trong thế giới của chúng ta, mỗi hữu thể xuất hiện như một tổng hợp mới mẻ (nouvelle synthèse).
Tiến trình tổng hợp này ứng dụng cho từng cá thể, đồng thời ứng dụng cho cả sự hình thành vũ trụ, đó là tiến trình “quy tụ” (convergence) khác với quan niệm của Bergson về vũ trụ như một sự “toả ra” từ một trọng tâm (irradiation divergente).
II. SỰ BIẾN ĐỔI SÁNG TẠO (TRANSFORMATION CRÉATRICE)
1. Nguyên Nhân Đệ Nhất
Cùng với sự hợp nhất và qua sự hợp nhất, sự can thiệp của Nguyên Nhân Đệ Nhất thể hiện bằng sự biến đổi sáng tạo (transformation créatrice). Sự biến đổi ấy là một hành vi tạo dựng “tác động’ trên một “thực thể” (sujet). Hành vi này bao trùm tất cả kỳ quan “vũ trụ hình thành”, dù phải phân biệt trong tiến trình ấy những giai đoạn hay những điểm đặc biệt. Sự “biến đổi sáng tạo” càng sâu sắc khi sự tổng hợp càng mới mẻ và cao quý. Sự biến đổi ấy không ngừng tác động vì vũ trụ không ngừng biến chuyển. Có thể thấy được một số “thì mạnh”, lúc tác động biến đổi thể hiện đầy đủ hơn.
2. Tạo dựng con người
Trường hợp cao hơn hết là việc tạo dựng con người. Không thể nói cách đơn giản rằng: con người, xét là hữu thể đặc thù, xuất hiện ở vị trí của mình trong vũ trụ, được dựng nên hoàn toàn từ hư vô, vì –theo sách Khởi Nguyên cũng như theo thuyết Tiến hoá – chất liệu làm thành thân xác được cung cấp bởi những yếu tố có trước. Linh hồn thiêng liêng tương đối độc lập với thân xác, nhưng tự nó không làm thành một hữu thể. Nó là “nguyên lý thống nhất” trong con người, nó chỉ xuất hiện nhờ một tác động kết hợp, hợp nhất chung quanh linh hồn những yếu tố vũ trụ. Linh hồn thiêng liêng chỉ được tạo dựng trong thân xác và hoạt động với sự trợ lực của vật chất.
Cha Teilhard còn đi sâu hơn khi suy tư về sự xuất hiện của linh hồn dựa vào cặp phạm trù “hiện hữu” và “kết hợp” (esse et unire). Hiện hữu tiên vàn là kết hợp với chính mình. Ngay trong Thiên Chúa cũng vậy, hiện hữu là sự hợp nhất không ngừng giữa Ba Ngôi Vị Thần Linh (mystère du co-esse absolu). Sự đồng hiện hữu Ba Ngôi (co-esse trinitaire) là nền tảng và hình ảnh cho “Ngôi Hiệp” nơi Chúa Kitô (co-esse Christique).
Trở về với vấn đề tạo dựng, Cha Teilhard lưu ý rằng hành vi tạo dựng chỉ có thể hiểu được như một “hành vi hợp nhất” với điều kiện không được tưởng tượng rằng hành vi hợp nhất chỉ thực hiện được với “chất liệu có sẵn”. Cha đã cố gắng giải thích khẳng định này, nhưng còn mơ hồ và không hoàn toàn “logic”. Cha đã khiêm tốn nhận rằng quan niệm “hợp nhất sáng tạo” còn nhiều khuyết điểm cần phải sửa chữa. Thay vì “hợp nhất sáng tạo”, cần nói cho đúng hơn là “sáng tạo hợp nhất” (Deus creat uniendo).
Tôi ghi lại một phần nhỏ những gì đã viết cách đây nhiều năm, nhưng hiện nay vẫn còn hợp thời, và hợp thời hơn nữa trong tiến trình “Toàn cầu hoá” đang diễn ra hằng ngày. Chúng ta có lẽ cũng biết ít nhiều gì về cả hai mặt trái và phải của hiện tượng này. Mặt trái bao giờ cũng là sự “méo mó” của một tiến trình. Mặt trái đó thường phát xuất từ những “trục trặc kỹ thuật”, nhưng đáng sợ hơn là khi nó phát sinh từ những tham vọng thống trị và bá chủ, những ham muốn vô độ của cải trần gian. Chính vì thế, ngày hôm nay hơn bao giờ hết, sự góp phần của mỗi một người đều rất ích lợi để điều chỉnh tiến trình “toàn cầu hoá” sao cho phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa và lợi ích của con người. Hơn bao giờ hết, mỗi người ngày hôm nay đều phải chịu trách nhiệm về lịch sử nhân loại. Cái nhìn của Cha Teilhard, là một lời mời gọi chúng ta hãy có tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa đối với vận mệnh của vũ trụ và loài người.
Nguồn: uybangiaolyductin
|
Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011
HỢP NHẤT SÁNG TẠO VÀ SỰ BIẾN ĐỔI SÁNG TẠO THEO CHA TEILHARD DE CHARDIN
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét