GIOAN TẨY GIẢ
Làm chứng cho Đức Giêsu, Gioan còn hơn cả tiên tri (Lc 7,26…). Vị ngôn sứ đi trước Chúa (Lc 1,76; Mt 11,10; x. Ml 3,1), ông mở đường cho Tin Mừng (Cv 1,22; Mc 1,1-4); “cho đến thời ông thì có Lề Luật và các Tiên Tri; còn từ thời đó trở đi thì Nước Thiên Chúa được loan báo” (Lc 16,16…). Là vị ngôn sứ không ai sánh bằng, ông dọn đường cho Chúa (Mt 11,11; Mc 1,3…), Đấng mà ông “báo trước” (Cv 13,24…) và làm chứng (Ga 1,6).
1) Người Loan Báo và phép rửa của ông. Trước khi lọt lòng mẹ vốn hiếm muộn, Gioan được dâng hiến cho Thiên Chúa và tràn đầy Thánh Thần (Lc 1,7.15; x. Tl 13,2-5; 1Sm 1,5.11). Người này phải là một Elia mới (Lc 1,16) gợi lên hình ảnh vị ngôn sứ lớn qua quần áo và lối sống khắc khổ của người ấy (Mt 3,4…) vào hoang địa sống từ khi còn trẻ (Lc 1,80). Liệu ông đã được đào tạo bởi một cộng đoàn như cộng đoàn Qumrân? Nhìn chung, khi thời xuất hiện trước Israel của ông đến, được Luca ghi rõ niên đại (3,1…), ông xuất hiện như một vị thầy có các môn đệ vây quanh (Ga 1,35), giảng dạy cho họ ăn chay và cầu nguyện (Mc 2,18; Lc 5,33; 11,1). Lời ông nói mạnh bạo gây chấn động Giuđêa; ông rao giảng sự hoán cải mà biểu hiện của nó là nghi thức tẩy rửa tội lỗi, hơn nữa ông còn đòi hỏi nỗ lực đổi mới tâm hồn (Mc 1,4…), vì có ích gì nếu là con cái Abraham nhưng không thực hành những điều công bằng (Mt 3,8…) mà ông đưa ra cho những người chịu khiêm tốn (Lc 3,10-14).
Nhưng các luật sĩ và Pharisiêu không tin ông; một số cho rằng ông bị quỷ ám (Mt 21,32); cũng thế, khi họ đến gần ông, ông đã nói cho họ biết rằng cơn giận dữ sẽ chặt bỏ các cây không sinh trái (Mt 3,10…). Ông lên án việc ngoại tình của vua Hêrôđê và do đó bị tù rồi bị giết (Mt 14,3-12; Lc 3,19; 9,9). Bằng lòng hăng hái nhiệt thành, ông đúng là Êlia mới mà người ta chờ đợi và là người chuẩn bị cho Đấng Mêsia đến với dân chúng (Mt 11,14); nhưng ông không được biết đến, và lời chứng của ông sẽ không ngăn trở cuộc Khổ Nạn của Con Người (Mc 9,11…).
2) Người làm chứng cho ánh sáng và người bạn của Tân Lang. Trước hết, lời chứng của Gioan nằm ở chỗ tự nhận mình chỉ là người loan báo; thật vậy, đám đông đã tự hỏi không biết ông có phải là Đấng Mêsia (Lc 3,15). Gioan Tẩy Giả đã trả lời công khai rằng ông không xứng đáng cởi giầy cho Đấng đến sau ông nhưng lại “có trước ông” (Ga 1,19-30; Lc 3,16…). Đấng ấy “đang đến” và sẽ rửa tội trong Thánh Thần (Mc 1,8) và lửa (Mt 3,11) chính là Đức Giêsu, Người được Thánh Thần ngự xuống khi chịu phép rửa của ông (Ga 1,31-34).
Khi loan báo Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian (Ga 1,29), Gioan Tẩy Giả đã không nhận ra làm cách nào Đấng ấy xóa tội được, không hơn gì việc ông không hiểu tại sao Đức Kitô đã muốn được ông làm phép rửa (Mt 3,13…). Để xóa tội trần gian, Đức Giêsu có lẽ phải lãnh nhận phép rửa mà phép rửa của Gioan chỉ là hình ảnh của phép rửa ấy, đó là phép rửa của cuộc Khổ Nạn của Ngài (Mc 10,38; Lc 12,50); Ngài cũng sẽ thực hiện các điều công chính (Mt 3,15), không phải bằng cách tiêu diệt kẻ tội lỗi, nhưng làm cho muôn người nên công chính và gánh lấy tội lỗi của họ (x. Is 53,7-11). Cho đến trước cuộc Khổ Nạn, thái độ của Đức Giêsu gây ngạc nhiên cho Gioan và các môn đệ của ông vốn đang chờ đợi một người thực thi công lý; Đức Kitô nhắc lại cho họ các lời tiên tri về cứu độ mà Ngài sẽ thực hiện và mời gọi họ đừng bị vấp phạm (Mt 11,2-6; x. Is 61,1).
Tuy nhiên một số môn đệ của Gioan sẽ không trở thành môn đệ của Đức Giêsu; trong các sách Tin Mừng, ta thấy những bằng chứng của cuộc tranh luận giữa bè phái của họ với Giao Hội sơ khai (chẳng hạn Mc 2,18); cuộc tranh luận này, để chỉ ra sự trổi vượt của Đức Kitô, chỉ để nhắc lại lời chứng của chính Gioan (Ga 1,15). Là người bạn thật sự của Tân Lang và tràn đầy niềm vui vì Tân Lang đến, Gioan đã chịu lu mờ trước Ngài (Ga 3,27-30), đồng thời qua lời ông nói, ông đã mời gọi các môn đệ của ông hãy theo Ngài (1,35…). Đến lượt Đức Giêsu, Ngài đã vinh danh lời chứng của ông như là ngọn đèn rực sáng (5,35), là vị tiên tri lớn nhất được sinh ra từ lòng mẹ (Mt 11,11); nhưng Ngài đã nói thêm rằng kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời thì cao trọng hơn ông; Ngài đặt ân sủng của con cái Nước Trời lên trên đặc sủng tiên tri, nhưng không vì thế mà làm giả giá trị sự thánh thiện của Gioan.
Vinh quang của người bạn khiêm tốn của Tân Lang được công bố trong phần đầu của sách Tin Mừng thứ tư vốn đặt Gioan so với Lời trở thành xác thịt: “Gioan không phải là ánh sáng nhưng làm chứng về ánh sáng”; và so với Giáo Hội: “Ông đến để làm chứng cho ánh sáng để nhờ ông mà tất cả đều tin” (Ga 1,7…)
Tác giả Nguyễn Trí Dũng
Nguồn:
dunglac.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét