Trang

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Khoa học Chú Giải và Đời Sống Đức Tin




Khoa học Chú Giải và Đời Sống Đức Tin


1. Khoa học Chú Giải và Đời Sống Đức Tin [1] .


Sự tiến triển của các Khoa Chú Giải Kinh Thánh thế kỷ 20 đưa tới những kết quả khiến cho các cộng đồng kitô hữu lo lắng, băn khoăn hơn là cảm thấy được nâng đỡ. Thậm chí một số người cho rằng, những gì khoa chú giải đạt được chẳng những không xây dựng mà ngược lại, còn làm cho đức tin bị tiêu tán.

Đàng khác, rất nhiều người không còn nhận ra đâu là mối tương quan giữa “khoa học Thánh kinh” (sciences bibliques) với các lãnh vực khác của đời sống đức tin như Lectio Divina, giáo lý, giảng thuyết, đời sống thiêng liêng…

Vấn đề lại càng trở nên phức tạp hơn khi mà trong 30 năm cuối của thế kỷ 20, khoa chú giải lại mở ra nhiều lối tiếp cận khác nhau, đa dạng đến nỗi khó có thể nói đến chú giải như một khoa học thống nhất.

Tuy nhiên, Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum của Công Đồng Vatican II đã khẳng định chỗ đứng và giá trị của khoa phê bình lịch sử cũng như văn chương (critique historique, littéraire) như là điều thiết yếu đối với việc giải thích các bản văn kinh thánh.

Hơn nữa, trong những thập niên cuối thế kỷ 20, phía Công giáo đã có những nỗ lực tổng hợp đáng kể nhằm định vị cũng như nối kết các khoa chú giải với các lãnh vực khác của đời sống đức tin, chẳng hạn tổng hợp nghiêng về lý thuyết như tài liệu của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh năm 1993 hoặc nghiêng về thực hành đức tin như tác phẩm “Đức Giêsu thành Nazareth” của Đức Bênêditô XVI.

Để hiểu rõ vấn đề hơn, có lẽ chúng ta cần trở lại với những suy nghĩ cũng như lập trường của Giáo Hội Công Giáo kể từ Đức Lêô XIII liên quan tới các Khoa học Chú Giải và nhờ đó rút ra những tiêu chuẩn biện biệt giúp chúng ta sống đời sống đức tin trong thời đại hôm nay.



2. Giáo Hội Công Giáo và các Khoa học Kinh Thánh.


Từ cuối thế kỷ 19 cho đến Công Đồng Vatican II, khoa chú giải không ngừng là đối tượng quan tâm của Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là câu hỏi liên quan đến giá trị của những dữ liệu mà khoa phê bình lịch sử mang lại : liệu những khám phá đó có thiết yếu cho việc xác định ý nghĩa[2] của bản văn Kinh Thánh hay không ? Đây là một trong những vấn nạn chính mà Thông Điệp Providentissimus Deus (1893) cố gắng trả lời – một thông điệp trọng yếu trong bối cảnh của cơn khủng hoảng Duy Tân Thuyết (Modernisme) ở đầu thế kỷ 20. Và trong thông điệp Divino afflante Spiritu của Đức Piô XII năm 1943, tức 50 năm sau, vấn đề lại một lần nữa được minh định chặt chẽ hơn và cuối cùng được Hiến Chế Dei Verbum giải đáp cách tổng hợp bằng cách đặt vào trong toàn cảnh thần học.


a. Thông điệp Providentissimus Deus


Bối cảnh : Sự phát triển của các khoa học như khảo cổ (archéologie), nghiên cứu ngữ văn (philologie), văn bia (épigraphie) đã mở ra những cửa ngõ mới giúp canh tân việc nghiên cứu và phê bình Kinh Thánh. Trên bình diện triết học, khoa Herméneutique (l’art d’interprétation với các triết gia như Schleiermacher, Dilthey và sau đó là Gadamer, Ricoeur) đã có những đóng góp quan trọng về phương pháp luận cũng như về chính khái niệm thế nào là “hiểu” bản văn (tương quan giữa Sự thật và Phương pháp, giữa interprétation và compréhension, tương quan giữa người đọc và thế giới của bản văn…).

Thông điệp Providentissimus Deus ra đời (8/11/1893) nhằm xác định lập trường của Huấn Quyền về mối liên quan giữa Kinh Thánh với Thần Học cũng như với khoa chú giải kinh thánh, đồng thời minh định các nguyên tắc chỉ dẫn việc phân tích bản văn cũng như việc giải thích các kết quả mà khoa phê bình lịch sử mang lại.



Vị thế của bản văn Kinh Thánh
và các mục tiêu của khoa chú giải KT theo Providentissimus Deus


Trước hết, thông điệp đưa ra qui tắc về tính “không sai lầm” của Kinh Thánh : “Không được (cấm chỉ) cho rằng linh hứng chỉ giới hạn trong một số phần của Kinh Thánh hoặc cho rằng chính tác giả thánh sai lầm, bởi lẽ tự bản chất, việc linh hứng của Thiên Chúa loại trừ mọi sai lầm…Thiên Chúa, chân lý tối cao, không thể là tác giả của bất cứ sai lầm nào”.

Thoạt nhìn qua, qui tắc “không sai lầm” của Kinh Thánh có vẻ khó dung hợp, nếu không muốn nói là đối kháng lại với các khám phá của khoa học. Tuy nhiên, thông điệp đã cẩn thận phân biệt hai lãnh vực khác nhau : lãnh vực của các dữ kiện khoa học và lãnh vực nghiên cứu các bản văn Kinh Thánh, đồng thời đưa ra những tiêu chuẩn biện biệt trong việc đọc/giải thích Kinh Thánh :

- “Nếu mỗi bên biết dừng lại trong những giới hạn riêng của mình thì thực sự không có bất đồng nào giữa nhà thần học và nhà khoa học”[3].

- Tiếp cận phê bình các bản văn (approche critique des textes), đặc biệt dựa trên các nghiên cứu ngữ học, ngữ văn và lịch sử, là chính đáng[4].

- Mục đích chính của bản văn kinh thánh không phải là tường trình cách khoa học một thế giới quan nào đó, nhưng nhắm tới mạc khải một “ơn cứu độ”. Do đó, giữa khoa chú giải kinh thánh và các khoa học khác không hề có sự cạnh tranh hay tranh chấp nào.

- Chú giải kinh thánh có đối tượng nghiên cứu là một qui điển (kinh bộ) các Sách Thánh, và mỗi sách thánh trong qui điển đều phải được tôn trọng cách tuyệt đối. Các kết quả của khoa phê bình không thể (không được quyền) đưa tới việc cho rằng một phần nào đó của Qui Điển là sai lầm hay không có giá trị.

- Các dữ liệu của khoa chú giải kinh thánh cần phải được nối kết với các khẳng định của truyền thống công giáo, với giải thích của các Giáo Phụ. Giáo lý công giáo, phát xuất (lãnh nhận) từ quyền bính của Giáo Hội, là chuẩn mực tối cao cho việc giải thích Kinh Thánh[5].

Như thế, đóng góp của Providentissimus Deus đó là nêu lên các nguyên tắc khác nhau trong việc đọc/giải thích Kinh Thánh. Tuy nhiên Thông Điệp chưa cho thấy mối liên kết giữa các nguyên tắc, cũng như chưa định rõ ý nghĩa và giá trị của khoa phê bình lịch sử.

[Theo Providentissimus Deus, mục tiêu của chú giải các bản văn Kinh thánh tiên vàn là làm sáng tỏ sens littéral (văn tự) hay sens obvie[6] (qui se présente tout naturellement à l’esprit / évident). Tuy nhiên, dù nói như thế, thông điệp vẫn chưa nêu rõ ý nghĩa và giá trị của khoa chú giải nằm ở đâu. Chỉ 50 năm sau, với thông điệp Divino afflante Spiritu, Đức Piô XII mới xác định việc làm sáng tỏ nghĩa văn tự là cần thiết vì nó giúp đạt tới “tri thức đích thực về các Sách Thánh”. Mà tri thức này một đàng dựa trên việc hiểu biết ngôn ngữ, bối cảnh của các Sách Thánh và đàng khác cần phải được nối kết với Huần quyền của Giáo Hội cũng như với các cách giải thích của các Giáo Phụ].


b. Thông Điệp Divino Afflante Spiritu và Hiến Chế Dei Verbum


Với thông điệp Divino Afflante Spiritu, Đức Piô XII khẳng định việc làm sáng tỏ “nghĩa văn tự” là cần thiết vì nó giúp đạt tới “tri thức đích thực về các Sách Thánh”. Chính nhờ khám phá của các khoa chú giải (lịch sử, văn chương) mà chúng ta hiểu được ngôn ngữ, ý hướng của tác giả cũng như phân biệt được nét đặc trưng của mỗi thể văn trong mối tương quan với lịch sử.

“Nhà chú giải, nhờ vào ánh sáng mà các nghiên cứu hiện đại mang lại, cần phải hết sức lưu tâm biện biệt đâu là tính cách đặc biệt của thánh sử, đâu là điều kiện sống cũng như thời đại của ông, đâu là những nguồn tài liệu thành văn hay truyền khẩu mà tác giả đã xử dụng và cuối cùng là văn phong của tác giả”[7].

“Có lúc người ta vội cho là các tác giả thánh đã rời xa lịch sử hoặc tường thuật cách thiếu chính xác, nhưng thực ra, đó chỉ là những cách thức nói hoặc tường thuật quen thuộc đối với người xưa…”

“Những ai…chuyên về nghiên cứu kinh thánh… không nên bỏ qua bất cứ điều gì mới mẻ mà khoa khảo cổ, lịch sử cổ đại và khoa văn chương cổ mang lại, những điều giúp hiểu rõ hơn não trạng của các tác giả cổ thời, cách thức họ suy luận, tường thuật, viết, thể văn và kỹ thuật của họ”[8].

Với Hiến Chế Dei Verbum, vai trò của các khoa chú giải được khẳng định qua mối liên hệ mang tính chất thần học với tất cả đời sống đức tin của Giáo Hội : “nhà chú giải có nhiệm vụ nỗ lực tìm hiểu và trình bày ý nghĩa Thánh Kinh cách sâu rộng hơn, ngõ hầu nhờ những nghiên cứu của họ, một việc làm mang tính cách chuẩn bị, mà phán quyết của Giáo Hội được chín chắn”.

Hiến Chế Dei Verbum khẳng định mối tương quan giữa Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền là một mối “liên kết và phối hiệp với nhau đến nỗi không một thực thể nào trong ba có thể đứng vững một mình được”[9]. Nói như thế cũng có nghĩa là, mọi nỗ lực giải thích kinh thánh cần phải được định vị trong mối tương liên sống động giữa ba “thực thể” : Thánh Kinh, lịch sử giải thích của cộng đồng (Truyền Thống/communauté de lecture) và quyền Giáo Huấn của Giáo Hội trong trách vụ phục vụ Lời Chúa “cách thánh thiện và trung thành” (số 10).

Nói tóm lại, với Dei Verbum, giải thích kinh thánh không chỉ dừng lại ở lãnh vực khoa học mà còn vươn tới chiều kích thần học, một hành vi đức tin (interprétation croyante), được thực hiện trong mối liên hệ sống động và chặt chẽ với cộng đồng tin (communauté de lecture), với “lịch sử giải thích” trong quá khứ (Truyền Thống) cũng như với thẩm quyền trách nhiệm trong hiện tại (Huấn Quyền).



Như thế, Huấn Quyền của Hội thánh Công giáo, trong giai đoạn đầu – từ Providentissimus Deus tới Dei Verbum – đã nhìn nhận giá trị cũng như cho thấy tầm quan trọng của các khoa học chú giải trong việc đọc/giải thích Kinh Thánh. Nói chung, lập trường của Huấn Quyền hệ tại ở việc phân biệt giữa một bên là những điều kiện lịch sử mang tính chất cụ thể, đặc thù, chi phối sự hình thành bản văn kinh thánh và đàng khác là ý nghĩa của sứ điệp mà bản văn chứa đựng. Mục tiêu của chú giải là làm sáng tỏ bối cảnh lịch sử cũng như ý hướng các tác giả biên soạn. Điều đáng lưu ý là, xét dưới góc độ nhận thức luận (épistémologique), “khoa học chú giải” (exégèse scientifique) vẫn mặc nhiên lệ thuộc theo cách hiểu thịnh hành kể từ cuối thế kỷ 19, nghĩa là bao hàm sự phân biệt giữa Kinh Thánh và Truyền Thống ; Lịch sử và Đức tin.


c. Tiến triển của khoa chú giải kinh thánh kể từ 1970
Hình thành bản văn cuối cùng, kết quả của tiến trình giải thích : Truyền Thống và Kinh Thánh bên trong Kinh Thánh

Trên bình diện khoa học chú giải, đặc biệt liên hệ đến việc biên soạn sách Ngũ Kinh (Pentateuque), một đàng người ta ý thức hơn về giới hạn của việc tìm lại những gì là cổ xưa nhất, nguyên thủy nhất, vì nói cho cùng, không thể nào khôi phục lại quá khứ đúng như nó diễn ra (thường chỉ dừng lại ở mức độ giả thuyết, phỏng đoán), và đàng khác, cổ xưa không phải là tất cả, vì những truyền thống về sau cũng có tầm quan trọng đặc biệt của nó. Thật vậy, không phải chỉ những truyền thống cổ nhất, những giai đoạn trước khi thành văn (pré-littéraire) mới quan trọng đối với ý nghĩa của bản văn, ngược lại chính những truyền thống “về sau” mới xác định nội dung thần học mang tính chất quyết định, cũng như trình tự của bản văn cuối cùng (texte final). Nói như thế cũng có nghĩa là bản văn qui điển (texte canonique) hàm chứa những truyền thống cổ nhất cũng như những truyền thống về sau “đọc lại”, “giải thích lại” (relecture, ré-interprétation) các truyền thống đó [chẳng hạn các chủ đề như Xuất hành / Giao Ước / Đền Thờ… không ngừng được “đọc lại”, “giải thích lại” trong Kinh Thánh]. Vì vậy, tương quan “Kinh Thánh – Truyền Thống” là một tương quan năng động bên trong Kinh Thánh đưa tới sự hoàn tất qui điển và đồng thời có thể coi như mẫu mực cho mối liên hệ về sau giữa Kinh Thánh và Truyền Thống. Nói khác đi, tiến trình hình thành qui điển bao hàm sự giao thoa, đối thoại, đối chất căng thẳng của nhiều truyền thống khác nhau trong hành trình đức tin và qua đó phản ánh tính lịch sử của Mạc Khải cũng như của Đức Tin. Chính vì thế, Truyền Thống “về sau” không khác biệt với Kinh Thánh cho bằng là tiếp tục cuộc đối thoại đã có ngay trong Kinh Thánh. Tất nhiên điều này giả thiết phải thay đổi cách nhìn : hiểu bản văn không đơn giản là tìm lại điều có ở “ban đầu” mà là điều đạt tới sự hoàn thành, mang tầm mức quyết định và tiếp tục ảnh hưởng lên lịch sử.

[J. Ratzinger trong lời tựa của tác phẩm Jesus von Nazareth cũng cho rằng khoa học lịch sử tìm về cái “đã qua”, nghĩa là thuộc về quá khứ, cần phải bổ túc bởi một lối tiếp cận tổng hợp, nhìn Kinh Thánh như một toàn thể, có sức chi phối lên hiện tại và tương lai. Lời Chúa như hạt mầm, mang sức mạnh tiềm tàng của sự sống, chỉ bộc lộ, nẩy nở và chín mùi qua và nhờ lịch sử].

Một tiếp cận mới dưới góc độ triết lý giải thích (herméneutique) : chỗ đứng của độc giả trong việc giải thích bản văn kinh thánh
Theo P. Ricoeur “hiểu” (lãnh hội) bản văn là đón lấy “thế giới sống” mà bản văn đề nghị, mà đề nghị đó không nằm đàng sau bản văn, như kiểu một ý hướng ẩn dấu, nhưng là nằm đàng trước bản văn, giống như những gì mà một tác phẩm nghệ thuật có thể mở phơi, tỏ lộ, lôi cuốn người đọc vào trong. Từ đó, “hiểu” không có nghĩa là “mình hiểu bản văn” cho bằng là “hiểu mình trước bản văn” (. [Ce que finalement je m’approprie (Aneignung), c’est une proposition du monde ; celle-ci n’est pas derrière le texte, comme le serait une intention cachée, mais devant lui, comme ce que l’oeuvre déploie, découvre, révèle. Dès lors, comprendre, c’est se comprendre devant le texte[10]]. (Tạm giải thích : hiểu về chính mình nhờ ánh sáng của tác phẩm).
Nhưng cần lưu ý là, điều này chỉ có thể khi giả thiết khoảng cách giữa tác giả và tác phẩm (distanciation) cũng như tính độc lập của tác phẩm (“thế giới của tác phẩm”).
Chúng ta có thể thấy, theo cách tiếp cận này, “hiểu” bản văn không tùy thuộc ở ý hướng của tác giả cho bằng những gì mà chính tác phẩm (thế giới của tác phẩm – monde du texte / bản văn) có thể mở ra cho người đọc những điều mà tác giả có khi không nghĩ tới, hay chưa thể nghĩ tới. Như thế theo nghĩa nào đó, cần phải nhìn nhận giá trị của bản văn đã hoàn thành “như-nó-là”, (nhất là bản văn thánh, nghĩa là một bản văn có sức tỏa chiếu, soi sáng, hướng dẫn…). Do đó, “hiểu” là đưa mình vào trong thế giới của bản văn hơn là chỉ thuần túy nắm lấy ý của tác giả, tương tự như đứng trước một bức tranh hay đặt mình vào trong một câu truyện.
Đó là chưa kể, tác giả bản văn kinh thánh không chỉ là một cá nhân đơn lẻ như trong trường hợp một tác phẩm văn chương, mà là cả một cộng đồng đức tin, hay nói đúng hơn, chính bên trong một cộng đồng đức tin và cũng vì cộng đồng đức tin trong một bối cảnh lịch sử cụ thể mà bản văn đã được hình dung, soạn thảo. Cũng vì thế, bản văn kinh thánh không chỉ mang chiều kích tưởng niệm, qui chiếu về quá khứ, mà còn chiều kích hiện tại và tương lai, chiều kích của sự trung thành và làm chứng.
Quan điểm “giải thích” mới mẻ của P. Ricoeur và Gadamer đã ảnh hưởng không ít đến khoa chú giải kể từ những năm 1980. Rất nhiều vấn đề từ nay không thể bỏ qua như : Khoảng cách giữa tác giả và tác phẩm ; chỗ đứng của người đọc trong việc hình thành và hiểu tác phẩm (communication / narratologie : préfiguation/configuration/réfiguration) ; thế giới của tác phẩm ; lịch sử tác động của tác phẩm (Wirkungsgeschichte - Gadamer) ; mối tương tác giữa lịch sử đức tin và việc “đọc đi đọc lại” bản văn (lecture/relecture)…


“Narratologie” : một nỗ lực về phương pháp nhằm nối kết hai khía cạnh tác giả và độc giả dưới góc độ giải thích (herméneutique de l’écriture et herméneutique de la lecture)
“Narratologie” là một lý thuyết giải thích kinh thánh chính thức xuất hiện năm 1981, có thể nói như thế, qua tác phẩm “The Art of Biblical Narrative” của R. Alter, theo đó các trình thuật kinh thánh cần được hiểu như là những truyện kể mà tác giả (có thực hay hiểu ngầm) viết ra – từ những quan tâm của mình – nhằm xây dựng độc giả (có thực hay mặc nhiên) [La grammaire narrative du texte reflète tout à la fois les “intérêts” d’un auteur, réel ou implicite, et vise à “construire” un lecteur, réel ou implicite]. Như thế, ngôn ngữ tường thuật của bản văn (kể truyện / grammaire narrative) vừa phản ánh ý hướng văn chương cũng như thần học của tác giả, vừa nhắm tới phản ứng hoặc đáp trả của độc giả trước những gì mà chính câu truyện (bản văn) gợi ra. [La structure narrative du texte renvoie au projet littéraire et théologique de ses auteurs et dans le même temps, elle s’offre à des lecteurs qu’elle fait réagir].
Xét cho cùng, “Narratologie” là phương pháp nhắm tổng hợp giữa chiều kích “synchronique” của bản văn (récit / monde du texte) với chiều kích “diachronique” của các dữ liệu của khoa phê bình lịch sử (tác giả và tiến trình hình thành bản văn), cũng như với với sự tiếp nhận của độc giả.
“Narratologie” có thể nói là cách tiếp cận khá trọn vẹn, theo nghĩa nó tôn trọng cả ba “cực” của cơ cấu giải thích : ý hướng của tác giả – thế giới của bản văn – sự tiếp nhận của độc giả. Tuy nhiên người ta không rõ là trong cách tiếp cận đó, chú giải phê bình-lịch sử (exégèse historico critique) thực sự đóng vai trò như thế nào ? Phải chăng chỉ là những đóng góp tùy phụ (như vai trò của phê bình văn bản / critique textuelle[11]) hay ngược lại, phải coi chiều kích lịch sử của việc hình thành bản văn kinh thánh như là chiều kích thiết yếu cho việc hiểu bản văn ?


Tài liệu của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh (Commission biblique pontificale) – “Giải thích Kinh Thánh Trong Giáo Hội” : một nỗ lực tổng hợp các phương pháp giải thích


Tài liệu 1993 của CBP chủ yếu khai triển Dei Verbum, tuy nhiên mục đích của tài liệu lại nhắm trả lời cho những vấn đề mới, liên quan đến sự đa phức của các phương pháp đọc/giải thích bản văn Kinh Thánh, đến chỗ đứng và ngay cả giá trị của khoa phê bình lịch sử, vốn đang bị đặt lại vấn đề trong giới chú giải cũng như trong một số cộng đồng giáo hội[12].

Đối diện với sự gia tăng các phương pháp chú giải, tài liệu 1993 tái khẳng định vị trí hàng đầu và vai trò thiết yếu của phân tích phê bình lịch sử (analyse historico-critique) : quả vậy, lối tiếp cận này giúp đưa ra ánh sáng những điều kiện lịch sử của việc soạn thảo bản văn kinh thánh. Tuy nhiên, so với những hướng đi mới của khoa chú giải nhấn mạnh đến chiều kích “synchronique” của bản văn, đến bối cảnh qui điển cũng như vai trò của độc giả… thì việc tái khẳng định giá trị của khoa phê bình lịch sử (diachronique) xem ra có vẻ lạc lõng.

Thực ra tài liệu không những lưu ý đến tất cả các phương pháp phân tích “synchronique” mà còn trình bày cách chi tiết các nguyên tắc cũng như phương thức thực hành các phương pháp đó. Tài liệu cũng dành chỗ đứng cho các truyền thống do thái trong việc giải thích các bản văn Cựu Ước, cũng như vai trò của các dữ liệu của các khoa học nhân văn. Tuy nhiên, văn kiện vẫn nhấn mạnh đến khoa phê bình-lịch sử như là yếu tố mang tính quyết định trong việc giải thích các bản văn kinh thánh : nghiên cứu theo chiều kích diachronique vẫn là điều thiết yếu để hiểu được tính năng động của lịch sử trong việc hình thành Kinh Thánh[13]. Thực vậy, bản văn hình thành trong lịch sử và trong sự lưu truyền sống động vừa tưởng niệm (remémoration) vừa làm chứng (témoignage) của một cộng đồng tin[14].

Một thí dụ cổ điển : trình thuật sáng tạo St 1,1-2,4a được soạn thảo trong thời lưu đầy, trong đó thần học tạo dựng lấy lại nhiều yếu tố thuộc thần thoại vùng Cận Đông nhưng với mục đích chống lại việc thờ bái ngẫu tượng của các tôn giáo xung quanh (sáng tạo ngày thứ 4) cũng như tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa là chủ tể của mọi sự. Như thế, khoa phê bình lịch sử cũng như phê bình văn bản chẳng những không làm tiêu tan đức tin mà ngược lại, cho thấy việc biên soạn sách Sáng Thế như là lời tuyên xưng đức tin của cộng đồng đối diện với một trạng huống lịch sử bi đát, hầu như không còn gì để tin, để hy vọng. Nếu đọc theo trình tự qui điển (synchronique) thì Sách Sáng Thế có thể hiểu như mạc khải ở cội nguồn, nhưng dưới góc độ lịch sử, thì có thể nói đó là một cú “saut dans la foi”, một lời tuyên xưng đức tin bất chấp tất cả.

Như thế, vấn đề của khoa chú giải không nhằm cung cấp chứng cứ (preuves) cho các khẳng định đức tin cho bằng làm sáng tỏ ý nghĩa đặc biệt của bản văn kinh thánh : đó là lời tuyên xưng đức tin trong bối cảnh lịch sử nhất định. Và như thế, công tác chú giải đưa ra ánh sáng “cấu trúc căn bản” (structure de base) giúp người tín hữu, khi đối diện với chính lịch sử của mình, có thể đạt tới cách nhìn, cách giải thích trong đức tin, để một đàng khẳng định được chân tính của mình trước những thách thức của thời đại, và đàng khác tìm ra con đường cho tương lai.



Lối tiếp cận Kinh Thánh theo “qui điển”


Như chúng ta biết, khởi từ những năm 1970, với J.A. Sanders và B. Childs một lối tiếp cận kinh thánh mới đã hình thành dưới tên gọi “tiếp cận theo qui điển” (kinh bộ) [approche, méthode, critique, lecture canonique].

Theo Sanders, đối tượng của phê bình qui điển (critique canonique) đó là tìm hiểu các nguồn gốc cũng như chức năng (origines et fonction) của qui điển các Sách Thánh. Sở dĩ như thế là vì, trước khi đạt tới hình thái chung cuộc, qui điển đã phải trải qua nhiều giai đoạn hình thành. Chính tiến trình hình thành qui điển cũng như hình thái chung cuộc đều đáng nghiên cứu vì qua đó chúng ta có thể nhận ra chức năng của cộng đồng (fonction communautaire) cũng như thế giá của các truyền thống kinh thánh chi phối lên sự hình thành qui điển. Theo Sanders, nghiên cứu các giai đoạn hình thành qui điển giúp chúng ta nhận ra sức năng động của đức tin nơi các cộng đồng qua những giai đoạn khác nhau của lịch sử. Chúng ta có thể thấy lối tiếp cận qui điển này bao hàm chiều kích lịch sử và đồng thời chiều kích đức tin qua những vấn nạn căn bản :

- Tại sao một số truyền thống được giữ lại, tiếp tục được đọc, giải thích ?
- Điều gì đã quyết định đến tiến trình chọn lọc các truyền thống (processus de sélection des traditions) ? Tại sao có những truyền thống tồn tại ngắn ngủi và không được các thế hệ sau giữ lại ? Phải chăng, một số bản văn được gìn giữ vì giúp cho các cộng đồng tín hữu, trong thời gian khủng hoảng, vượt qua khó khăn đồng thời khẳng định được chân tính của mình ?
- Đâu là kiểu chân tính của cộng đồng (type d’identité communautaire) được các truyền thống kinh thánh gìn giữ ?

Đó là những câu hỏi mà Sanders đặt ra như điểm xuất phát của phê bình qui điển, và ông đã khai triển cách sâu rộng những vấn đề như thế trong tác phẩm mới đây (Canon and Community. A Guide to canonical criticism. Philadelphia, Fortress Press, 1984).

Quả thực, lối tiếp cận qui điển của Sanders một đàng cho thấy Kinh Thánh là một toàn thể duy nhất đồng thời rất đa phức, hình thành từ sự giao thoa của nhiều truyền thống khác nhau và đàng khác làm lộ ra những “trục” cấu thành bản văn kinh thánh, (chẳng hạn : hướng về quan niệm độc thần (monothéisme) / lối giải thích qui thần (herméneutique théocentrique) / ưu tiên đứng về phía người nghèo / nỗ lực hội nhập truyền thống khôn ngoan của các dân tộc khác vào truyền thống của mình…).

B. Childs cũng chủ trương phê bình qui điển, những khác với Sanders, ông không quan tâm tới sự hình thành của qui điển cho bằng chính qui điển trong hình thái cuối cùng của nó. Chính hình thái cuối cùng này mới có giá trị quyết định và mới là tiêu chuẩn để hiểu các bản văn kinh thánh. Nói khác đi, Kinh Thánh, xét như là một toàn bộ làm nên qui luật đức tin của Kitô giáo, phải được xem như là norma normans, chứ không phải như là norma normata như trong quan điểm của Sanders. Đàng khác, so với các quan điểm chú giải trước đây, có thể thấy B. Childs hoàn toàn đảo lộn cách nhìn : điều đáng kể không phải cái nguyên thủy, nguyên sơ mà là cái cuối cùng, chung cuộc, bởi lẽ nó trình bày cho chúng ta thần học mang tính chất chung quyết (théologie définitive) của toàn bộ Kinh Thánh.


Tóm lại, có thể thấy quan điểm của Sanders một đàng mang chiều kích “thần học và chính trị” hơn so với phương pháp phê bình lịch sử cổ điển, vì cách tiếp cận của ông không quan tâm tới các chi tiết lịch sử hay văn chương nơi các bản văn cho bằng các truyền thống sống động nơi các cộng đồng tín hữu hình thành nên qui điển, và đồng thới khác với Childs, ông nhấn mạnh đến chiều sâu lịch sử của “qui điển” (profondeur diachronique).


[R.W. Wall, trong phần dẫn nhập tác phẩm Handbook to exegesis of the New Testament, (S. Porter, éd.), New York 1997, đã cố gắng tổng hợp hai quan điểm của Sanders và Childs. Tác giả phân biệt ba giai đoạn của phê bình qui điển :
- Làm sáng tỏ “contexte canonique” nhằm xác định vai trò của mỗi tác phẩm trong toàn thể kinh điển.
- Làm sáng tỏ nội dung qui điển, chú trọng đến bản văn trong hình thái hoàn tất (forme finale).
- Áp dụng “mutual criticism” : Qui điển ở đây được hiểu như toàn bộ những nỗ lực liên tục thích ứng một giáo huấn cổ với thực tại lịch sử đương thời [vd. Truyền thống về Nước Thiên Chúa chẳng hạn] Những đối kháng hoặc khác biệt lịch sử mà các truyền thống phản ánh không nên xem như chuyện đã qua, nó vẫn là chuyện của các kitô hữu hôm nay trong nỗ lực giải thích kinh thánh].


Đóng góp của phương pháp qui điển cho nhiệm vụ giải thích Thánh Kinh theo tài liệu 1993 của CBP


CPB minh nhiên nhìn nhận quan điểm chính đáng của phương pháp qui điển qua khẳng định về sự duy nhất của Truyền Thống hình thành bởi Kinh Thánh và do đó mỗi bản văn phải được qui chiếu về toàn thể : “Kinh thánh không phải là một tập hợp mang tính chất lắp ghép (assemblage) các bản văn rời rạc, không liên hệ gì với nhau, nhưng là một toàn thể những chứng từ của cùng một Truyền Thống lớn lao. Khoa chú giải Kinh Thánh, nếu muốn thực sự đáp ứng lại đối tượng nghiên cứu của mình, cần phải ý thức về sự kiện này. Đây cũng là quan điểm của rất nhiếu tiếp cận đang phát triển trong thời điểm hiện tại”. Vì thế “bản văn kinh thánh phải được giải thích dưới ánh sáng của Qui Điển các Sách Thánh, nghĩa là của Kinh Thánh xét như là qui luật đức tin của một cộng đồng tín hữu, cũng như phải đặt mỗi bản văn vào trong một ý định cứu độ duy nhất của Thiên Chúa, ngõ hầu có thể hiện tại hóa Kinh thánh (actualiser l’écriture) cho thời đại của chúng ta”.

Những đóng góp chính của phương pháp qui điển :
1.Làm thay đổi quan niệm giải thích : “tiếp cận qui điển đã phản ứng cách chính đáng trước sự đề cao quá mức những gì là nguyên thủy, nguyên sơ (originel, primitif), làm như thể đó mới là điều chân thực (authentique). Bản văn được linh hứng là bản văn được giáo hội nhìn nhận như là qui luật đức tin của mình. Vì thế phải coi trọng bản văn như nó là, trong hình thái cuối cùng mà chúng ta có, cũng như coi trọng “Qui điển”, tức là một toàn thể thống nhất mà các bản văn tạo nên. “Một cuốn sách chỉ trở thành sách thánh (un livre ne devient biblique) khi đặt dưới ánh sáng của toàn thể Qui điển”. Chính cộng đồng đức tin (communauté croyante) mới là thực sự là bối cảnh thích hợp cho việc giải thích các bản văn thuộc qui điển. Tài liệu cũng lưu ý đến tiến trình hình thành qui điển (processus de constitution du canon) và rút ra bài học từ sự tiến triển của phương pháp phê bình lịch sử trong những năm 1970 : những “tầng” (strates) cổ nhất của bản văn kinh thánh không còn mang tính chất quyết định đối với việc hiểu bản văn cũng như giải thích bản văn như trước nữa.
2.“Nghĩa trọn vẹn” (sens plénier) của bản văn Kinh Thánh : Khám phá về các truyền thống khác nhau bên trong Kinh Thánh như là tiến trình của Mạc Khải, cho phép nói đến “nghĩa trọn vẹn” của bản văn cũng như giúp khẳng định sự liên tục giữa Kinh Thánh và Truyền thống về sau. Chẳng hạn Mt 1,23 khi sử dụng bản 70 – parthenos /Một trinh nữ sẽ thụ thai – đã đem lại “nghĩa trọn vẹn” cho lời tiên báo trong Is 7,14 (“alma”/thiếu nữ). Cũng thế, giáo huấn của các Giáo Phụ và Công đồng về Ba Ngôi làm tỏ lộ “nghĩa trọn vẹn” của giáo huấn Tân Ước về Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần. Định tín về tội nguyên tổ của Công Đồng Trentô đem lại “nghĩa trọn vẹn” cho giáo huấn của thánh Phaolô trong Rm 5,12-14 về các hệ quả của tội Adam đối với nhân loại. Tất nhiên “nghĩa trọn vẹn” giả thiết sự “phong phú” hàm ẩn nơi bản văn Kinh Thánh[15] , vai trò của Thánh Thần trong Mạc Khải, sức năng động của cộng đồng đức tin cũng như vai trò của Huấn Quyền (thẩm quyền biện biệt, phục vụ cho Lời Mạc Khải và đức tin).

 
Sự duy nhất và đa phức của Kinh Thánh : Một trong những điều giúp tạo nên tính duy nhất nội tại của Kinh Thánh đó là những bản văn về sau thường dựa trên bản văn có trước : ám chỉ hoặc nhắc lại, đào sâu thêm, hoặc có khi khai triển những khía cạnh khác, hoặc đưa tới nghĩa “trọn vẹn”. Nói khác đi, bên trong Kinh Thánh, chúng ta có thể tìm ra những “trục” (axes) theo đó một truyền thống liên tục đưa ra những giải thích khác nhau. Vì thế, cũng không nên chỉ dừng lại ở bản văn cuối cùng (texte final) mà bỏ quên tính đa phức, phong phú của các thần học khác nhau bên trong qui điển.


Một nỗ lực tổng hợp của J. Ratzinger
trong tác phẩm Đức Giêsu thành Nazareth


Như chúng ta có thể thấy, các phương pháp chú giải, từ phê bình lịch sử, văn bản, văn chương cho đến phương pháp qui điển tựu trung qui về hai hướng chính : “diachronique” nghiêng về phân tích mang tính khoa học và lịch sử và “synchronique” nghiêng về tổng hợp và mang chiều kích thần học, đức tin.

Tuy nhiên, nếu việc nhìn nhận cả hai chiều kích đều thiết yếu cho việc giải thích Kinh Thánh không còn là vấn đề thì việc xác định rõ đâu là mối nối kết giữa hai chiều kích đó vẫn còn là điều phải suy nghĩ. Quả vậy, những người nhấn mạnh đến chiều kích lịch sử dễ coi những khẳng định đức tin như là điều “thêm thắt về sau”, và ngược lại những người nhấn mạnh đến đức tin, đến thần học lại dễ xem nhẹ lịch sử, coi những dữ liệu lịch sử chẳng có mấy ý nghĩa hoặc không có giá trị gì quyết định. Sự tách biệt giữa lịch sử và đức tin đã dẫn đến những kết quả tai hại cho cả đôi bên như chúng ta đã biết : kẻ tìm kiếm Giêsu lịch sử rốt cuộc làm tiêu tan khuôn mặt của Đấng Kitô, khuôn mặt làm nên lịch sử và ngược lại kẻ chỉ bằng lòng với Kitô đức tin quên rằng Đấng Kitô đó là Giêsu Nazareth, một con người rất cụ thể, độc nhất, bất khả thế, và chính con người lịch sử rất cụ thể đó là khởi thủy và tâm điểm chi phối và thâu phối tất cả lịch sử đức tin.

Trong thực tế, ngay cả một nhà chú giải hàng đầu như Rudolph Schnackenburg cũng cảm thấy hai chiều kích lịch sử và đức tin như đối kháng với nhau, đến nỗi ông đã phải viết tác phẩm “Die Person Jesu Christi im Spiegel der vier Evangelien, Herder, 1993 để phục vụ cho các kitô hữu, “những người ngày hôm nay bị các phương pháp khoa học [wissenschaftliche Forschung] làm cho bất an, để giữ vững đức tin vào con người Đức Giêsu Kitô là Đấng mang lại ơn cứu độ và là Đấng Cứu Độ trần gian” bd. trg.6.

Cuối cùng, tác giả cũng cố gắng đưa ra một tổng hợp liên kết hai chiều kích nhưng khá chung chung và mơ hồ : “Giả thiết phải có nền tảng lịch sử, nhưng cái nhìn đức tin phải vượt lên trên”. Đức Bêneđitô trong lời tựa nhận định : “Điều đó chẳng ai nghi ngờ cả, nhưng nền tảng lịch sử đi xa tới đâu, điều này không rõ mấy” ! (bd. trg 27).

Vậy quan điểm của tác giả “Jesus von Nazareth” là như thế nào về mối liên hệ giữa Lịch sử và Đức Tin ?

Đọc lại giáo huấn của Công Đồng Vatican II về Lời Chúa (Dei Verbum) cũng như hai tài liệu của CBP “Việc giải thích Thánh Kinh trong Hội Thánh” và “Dân Do Thái và Sách Thánh của họ trong Kinh Thánh kitô giáo”[16], tác giả J. Ratzinger, tức Đức Giáo Hoàng đương kim, đã khẳng định về mối liên hệ giữa hai lối tiếp cận lịch sử và qui điển như sau :

“Chú giải theo qui điển – đọc các bản văn riêng lẻ của kinh thánh trong bối cảnh của toàn bộ – là chiều kích căn bản của việc giải thích kinh thánh, chẳng những không đối nghịch với phương pháp phê bình lịch sử, mà còn dẫn đi xa hơn, như một đòi hỏi nội tại (organisch), giúp nó đạt tới tầm mức thần học đúng nghĩa” (bd. trg. 31, có sửa đổi).

Tạm diễn giải quan điểm của tác giả như sau :
Chính nghiên cứu lịch sử cho thấy sự hình thành của bản văn không đơn giản như một tác phẩm văn chương của một tác giả đơn lẻ nào đó. Bản văn Kinh Thánh hình thành xuyên qua hành trình đức tin của cả một cộng đồng trong sự qui chiếu về một biến cố đồng thời là một khuôn mặt lịch sử và làm nên lịch sử : Giêsu thành Nazareth.

Quả vậy, “tác giả” (chủ thể / sujet) của bản văn Kinh Thánh không chỉ là một tác giả riêng lẻ, mà còn là cả một cộng đồng trong hành trình đức tin của mình. Nói đúng hơn chính từ trong hành trình của cộng đồng đức tin cũng như để phục vụ cho hành trình đó mà bản văn được hình thành cũng như đạt tới hình thái hoàn tất cuối cùng của nó. Đức Bênêditô đã nêu ra không phải một mà là ba “chủ thể” hay tác giả của Kinh Thánh : Thiên Chúa (trong ý định cứu độ của Ngài), tác giả (thành viên của cộng đồng đức tin) và cộng đồng đức tin.

“Về điểm này, chúng ta có thể cảm nghiệm được linh hứng là gì theo chiều kích lịch sử : tác giả không nói như chủ thể cá nhân, chủ thể đóng kín nơi bản thân. Ngài (tác giả) nói giữa một cộng đoàn sống động, trong một chuyển động của lịch sử không do ngài hay cộng đoàn tạo nên… Thánh Kinh được sinh ra từ một chủ thể sống động là dân Thiên Chúa ; Thánh Kinh phát triển và sống trong lòng dân. Chúng ta có thể nói, các tác phẩm Thánh Kinh qui về ba chủ thể cùng hoạt động trong nhau. Trước tiên là từng tác giả hay nhóm tác giả… họ thuộc về chủ thể chung là dân Chúa, từ dân này mà họ nói cho dân này, chính dân này mới thực sự là “tác giả” sâu xa của tác phẩm. Mặt khác, dân này cũng không dừng lại nơi chính mình (in sich selbst steht) nhưng ý thức họ được Thiên Chúa hướng dẫn, và được Thiên Chúa nói với, từ trong sâu thẳm, xuyên qua những con người và nhân tính của họ” (bd. trg 32, có sửa đổi).

Như thế cách đọc qui điển thực ra vẫn là cách đọc lịch sử, nhưng không còn hạn hẹp trong tương quan “tác giả-tác phẩm” mà là tương quan giữa “cộng đồng đức tin” và “biến cố khơi nguồn đức tin” trong ý định Cứu Độ của Thiên Chúa. Vì thế, tiếp cận theo qui điển chẳng những không đi ngược lại tiếp cận lịch sử mà còn “dẫn đi xa hơn” theo hai nghĩa : mở ra với chiều kích hiện tại và tương lai của Lời Chúa, điều mà phương pháp lịch sử do chính bản chất của phương pháp không đụng chạm tới được (chỉ qui về quá khứ) và đàng khác mở ra với một biến cố vượt ra ngoài mọi khuôn khổ (lịch sử, văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, chính trị và ngay cả ý hướng trực tiếp của tác giả), đồng thời chi phối trên tất cả lịch sử : Biến cố Mạc Khải nơi chính con người và cuộc đời của Đức Giêsu thành Nazareth.

Nhìn từ “cao điểm mạc khải” này, sự duy nhất của Kinh Thánh, xét như một toàn thể mang giá trị “qui luật đức tin”, không do sự lắp ghép, cũng không do sự áp đặt nào đó từ bên ngoài, theo một ý đồ, ý tưởng hay tham vọng nào đó (=idéologie) nhưng là sự duy nhất tạo nên bởi một bên là biến cố “mạc khải”, một khuôn mặt có sức soi chiếu cả quá khứ, hiện tại lẫn tương lai và bên kia là tất cả lịch sử tiếp nhận của một cộng đồng trong hành trình đức tin của mình.

“Đây là điểm kết cấu nên cuốn sách của tôi : nhìn Đức Giêsu trong mối hiệp thông với Cha, đó là tâm điểm của con người Ngài, không có tâm điểm này chúng ta không thể hiểu gì cả và cũng từ tâm điểm này mà Người vẫn hiện diện với chúng ta trong ngày hôm nay” (JN s. 12 ; bd. việt trg. 27).

“Đối với cách trình bày của tôi về Đức Giêsu, điều trước tiên là tôi tin tưởng và các Phúc Âm[17]. Đương nhiên, tất cả những gì mà Công Đồng và môn chú giải hiện đại nói…tôi đều đón nhận – trong khả năng của tôi. Tôi chỉ muốn cố gắng trình bày Đức Giêsu của các Phúc Âm như Đức Giêsu thật sự, như Đức Giêsu “lịch sử” theo đúng nghĩa. Tôi xác tín và hy vọng rằng dung mạo này hợp lý hơn, cả về mặt lịch sử… Tôi nghĩ rằng, chính Đức Giêsu – Đức Giêsu của các Phúc Âm – là dung mạo hợp lý và xác thực nhất về phương diện lịch sử”[18].


Đây có lẽ là nét độc đáo nhất của tác phẩm “Giêsu thành Nazareth”: Mạc Khải về Thiên Chúa và ơn cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại nơi Đức Giêsu Nazareth không phải là kết luận của “tiến trình giải thích” cho bằng là khởi nguyên của mọi giải thích. Nói khác đi, Tin Mừng không phải là kết quả suy diễn của đức tin mà là trình thuật về một biến cố lịch sử, một biến cố mạc khải không ngừng tỏ lộ tiềm năng biến đổi của mình qua lời đáp trả của đức tin xuyên qua lịch sử.

Chính khuôn mặt Đức Giêsu xét như là mạc khải về Thiên Chúa qua mối hiệp thông thâm sâu của Ngài với Chúa Cha được tỏ lộ ngay trên bình diện lịch sử, đó là chìa khóa của mọi giải thích và cũng chỉ nhờ, với và trong sự qui chiếu về khuôn mặt đó mà chúng ta có được mối liên kết nội tại giữa Lịch Sử và Đức Tin, Cựu Ước và Tân Ước, Kinh Thánh và Truyền thống, cũng như tính duy nhất của Kinh Thánh. Tác giả đưa ra một hình ảnh thật ý nghĩa và ý vị để minh giải tất cả những điều đó : hình ảnh hạt giống.

Trước hết, chúng ta hãy dừng lại để suy nghĩ về tính duy nhất của Kinh Thánh. Đây là một dữ kiện thần học [theologisches Datum/theological data], tuy nhiên sự duy nhất đó không do áp từ bên ngoài trên một tập hợp các tác phẩm khác biệt nhau. Khoa chú giải hiện đại cho thấy rõ tiến trình hình thành Kinh thánh (duy nhất) là tiến trình không ngừng đọc lại các truyền thống (Relectures) : các bản văn cổ được đón nhận cách mới mẻ, được hiểu cách mới mẻ, đọc cách mới mẻ trong những hoàn cảnh mới. Chính trong việc đọc cách mới mẻ (Neulesen), đọc trong sự tiến triển (Fortlesen), âm thầm điều chỉnh (Korrekturen), đào sâu và nới rộng mà tiến trình hình thành bản văn Kinh Thánh diễn ra như tiến trình của Lời (Prozess des Wortes), tiến trình qua đó Lời dần dần bộc lộ các tiềm năng chứa đựng bên trong, những tiềm năng đã có sẵn như những hạt giống, nhưng chỉ với thách thức của hoàn cảnh mới, với những kinh nghiệm và gian truân, mới bộc lộ ra ngoài. (JN 17).

Như thế nói cho cùng, phương pháp lịch sử không thể bằng lòng với lịch sử theo nghĩa là sự kiện đã qua, bởi lẽ Lời thành xác phàm (Et Incarnatus est) vừa là Lời mang lấy thân phận của xác phàm nhưng đồng thời mang nơi mình sức mạnh đổi mới, tái tạo, thâu kết mọi sự ; và phương pháp qui điển cũng không thể khép lại với qui điển, vì giá trị qui điển không chỉ hệ tại ở ngôn ngữ hay bản văn mà là ở chính mầu nhiệm Lời Sống Động, Lời-Ngôi Vị là Đức Kitô, Đấng vẫn tiếp tục biến đổi lịch sử bằng Thần Khí của Ngài, vẫn tiếp tục ngỏ lời, đánh động, biến đổi nhân loại và từng người chúng ta, nếu chúng ta thực sự biết lắng nghe trong lòng tin.




“Trước khi tiếp tục suy niệm bản văn, thiết nghĩ chúng ta nên dừng lại giây lát để ngắm nhìn một khuôn mặt trong lịch sử đức tin, một khuôn mặt phản ánh cách sâu đậm nhất các Mối Phúc Thật trong cuộc đời mình : Thánh Phanxicô Assisi. Các thánh mới đúng là những nhà chú giải kinh thánh đích thực. Một lời có thể nói lên ý nghĩa của nó thường là nơi những con người hoàn toàn để lời chiếm hữu, và thực sự sống trọn lời đó. Giải thích Kinh Thánh không đơn thuần là chuyện tri thức kinh viện, cũng không thể dừng lại ở khía cạnh thuần túy lịch sử. Kinh thánh chứa chất tiềm năng cho tương lai (Zukunftspotential), và tiềm năng đó chỉ bộ lộ nơi kẻ để cho Lời thấm nhập, xuyên thấu tất cả cuộc đời mình”[19].

Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm

Nguồn: UYBANGIAOLYĐUCTIN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét