Thánh Giê-ro-ni-mô, Tổ phụ dịch giả Kinh Thánh
L.m. An-rê Ðỗ Xuân Quế, OP
Thánh Giê-ro-ni-mô được coi là tổ phụ các dịch giải Kinh
Thánh. Kinh Thánh là một cuốn sách rất quan trọng và cần thiết cho Dân Thiên
Chúa, nhất là từ sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II. Vậy ngài là ai, cuộc đời của
ngài thế nào và ngài đã để lại những gì cho hậu thế.
1. Thánh Giê-ro-ni-mô là ai ?
Thánh nhân là một trong bốn vị đại tiến sĩ Hội thánh vào sáu
thế kỷ đầu, sau thánh Am-ro-xi-ô thành Mi-la-nô, trước thánh Ghê-go-ri-ô Cả
(thế kỷ VI) và đồng thời với thánh Au-tinh. Ngài không phải là giám mục, cũng
không phải là giáo hoàng mà chỉ là linh mục. Theo truyền khẩu và các hình tượng
còn để lại, ngài là một học giả uyên thâm, một nhà tu hành khổ hạnh, một con
người rất chính trực. Bản Kinh thánh gọi là Phổ thông (Vulgata) là do ngài dịch
từ tiếng híp ri sang tiếng la tinh. Bản dịch này là một công trình độc đáo,
được sử dụng khắp Au châu từ thế kỷ VI và làm cho ngài trở nên lừng lẫy.
Ngài sinh năm 347 (cũng có người cho là năm 333) ở vùng phụ cận
Đan-ma-xi (Dalmatie) ngày nay là nước Nam tư (cũ) trong một gia đình khá
giả theo Ki-tô giáo. Khi lớn lên, ngài sang Rô-ma học với một giáo sư nổi tiếng
tên là Đô-nát (Donate), sau đó sang Tri-ơ (Trier ) bên Đức, tính tìm một công việc trong
cung đình. Nhưng chẳng bao lâu, ngài lại trở về Bắc Ý. Tại đây cũng như ở
Tri-ơ, người ta còn hay nhắc đến thánh A-tha-na-xi-ô, người bị đi đầy vì kịch
liệt chống lại bè rối A-ri-ô. Thánh A-tha-na-xi-ô là tác giả cuốn sách về thánh
An-tôn tu hành. Có lẽ thánh Giê-ro-ni-mô đã đọc cuốn sách này. Vốn sẵn có ý
thích sống đời tu hành trong sa mạc như thánh An-tôn, ngài hướng về Ai cập là
cái nôi đời sống tu hành lúc bấy giờ. Vì thế, năm 372 ngài tìm sang phương
Đông. Đến An-ti-ô-khi-a, ngài bị đau, đành vào sa mạc gần Can-xít (Chalcis ), ở với các thày
khổ tu. Nhưng chẳng bao lâu, ngài bỏ ý định này, vì thấy mình thích sách vở,
muốn học tiếng híp ri, lại thấy các thày khỗ tu ở đây ít học, không đồng tình
với nhau, nên ngài lại trở về các thành phố.
Ở An-ti-ô-khi-a (Antiokhia) rồi Công-tăng-ti-nop, (Constantinople ), ngài học xong khoa chú giải với thánh
Ghê-go-ri-ô thành Na-di-ăng (Grégoire de Naziance), dịch các bài giảng của
O-ri-giên (Origène) từ tiếng hy lạp sang tiếng la tinh. Năm 382 có Công đồng
nhóm họp tại Rô-ma. Ngài tháp tùng các giám mục An-ti-ô-khi-a. Chính tại
An-ti-ô-khi-a, ngài đã được thụ phong linh mục. Nhờ thông thạo phiên dịch, lại
được tiếng là người thông minh xuất chúng, ngài đươc chọn làm thư ký cho ĐGH
Đa-ma-xô (Damasus). Được đón nhận vào hàng quí tộc, ngài trở thành người hướng
dẫn đường thiêng liêng cho các mệnh phụ như bà Mác-sen-la (Marcella), bà
Pao-la. Ngài thuyết trình nhiều bài chú giải Kinh thánh và những bài giảng về
việc hy sinh hãm mình cho ĐGH và các bà này. Ngoài ra, ngài còn dịch sách các
Giáo phụ, đặc biệt O-ri-giên và Đi-đy-mô (Didymus), duyệt lại bản dịch la tinh
các sách Tin Mừng và Thánh vịnh. Tại Rô-ma, thánh nhân nhìn thấy nhiều điều cần
phải chấn chỉnh, nên đưa ra những nhận xét. Những nhận xét đó không làm vui
lòng một số người. Vì thế, khi ĐGH Đa-ma-xô qua đời, có những người lấy làm khó
chịu vì những nhận xét thẳng thắn của ngài, nên tìm cách loại trừ ảnh hưởng và
uy tín của ngài, đưa ra những lời ong tiếng ve về các mối liên lạc của ngài với
các mệnh phụ, lại phê bình tính mới mẻ độc đáo trong công trình chú giải, phiên
dịch Kinh thánh của ngài, nên đã kiện ngài ở tòa đạo. Ngài bị thất sủng và mùa
hè năm 385 phải ra đi, xuống tầu về lại phương Đông.
2. Thời kỳ ở Be-lem
Dời Rô-ma, thánh Giê-rô-ni-mô đi Sýp (Chypre) và
An-ti-ô-khi-a. Tại đây, ngài nối lại liên lạc với các giám mục mà khi trước vào
năm 382, ngài đã tháp tùng đi Rô-ma. Rồi cũng từ đây ngài đi Giê-ru-sa-lem, gặp
lại Ruy-phanh A-ki-lê (Rufin d’Aquilée), đan sĩ đồng môn và bạn thân cũ. Vị này
đã lập hai tu viện theo nghi thức la tinh tại Giê-ru-sa-lem và cùng với bà
Mê-la-ni (Mélanie), người Rô-ma điều khiển hai tu viện đó. Thánh Giê-rô-ni-mô
cùng với bà Pao-la (Paola) cũng lập tu viện nhưng ở Be-lem. Ngoài việc huấn
luyện các tu sĩ, quản trị một lữ quán cho khách hành hương, dạy dỗ các thiếu
niên trong một ngôi trường giống như đệ tử viện, ngài còn theo đuổi nghề viết
văn như không biết mệt mỏi, theo lời yêu cầu và sự hỗ trợ của các bạn bè ở Ý.
Ngài tiếp tục trao đổi thư từ rất rộng rãi. Người ta còn giữ được gần 120 bức
thư của ngài, từ những mẩu giấy nhỏ cho đến những bài khảo luận dài. Theo kiểu
học giả Xuy-ê-tôn (Suétone), ngài cũng viết một cuốn sách đề là Những con người
nổi tiếng (De viris illustribus), gốm 135 bài tiểu sử. Trong tập sách này, ngài
liệt kê lịch sử bốn thế kỷ văn chương Ki-tô giáo. Riêng phần các tác giả hy
lạp, ngài dựa theo giám mục Eu-xê-bi-ô (Eusebius). Nhiều bài giảng của giáo phụ
O-ri-giên cũng được ngài dịch sang tiếng la tinh. O-ri-giên cũng như nhiều giáo
phụ hy lạp khác, đã là điểm tựa cho ngài phỏng theo để chú giải các thư thánh
Phao-lô, sách Giảng viên, các Ngôn sứ và thánh Mát-thêu. Ngài cũng đối chiếu
bản dịch Kinh Thánh hy lạp để duyệt lại bản dịch la tinh. Cuốn Sách Sáu Cột (Hexaples),
liệt kê bản dịch Cưu Ước thành sáu cột của giáo phụ O-ri-giên mà ngài đã có dịp
nghiên cứu tại thư viện rất phong phú và nổi tiếng ở Xê-da-rê (Césarée) lại
càng làm cho ngài yêu thích tiếng híp-ri, và nẩy ra ý tưởng táo bạo là dịch lại
bản la tinh cho sát với bản híp ri. Khi muốn dịch lại theo bản híp ri, ngài
không có ý làm giảm giá bản Phổ thông (Vulgata), nhưng chính là nhằm tạo ra
những bằng chứng cho các Ki-tô hữu dựa vào để bảo vệ danh hiệu Mê-si-a của Đức
Ki-tô (điều này người Do thái không chấp nhận). Trong mười lăm năm trời ròng
rã, công việc lớn lao này đã gặp phải sự hoài nghi chống đối của nhiều người,
kể cả những nhân vật nổi tiếng như thánh Au-tinh và cựu đồng môn Ruy-phanh.
Những vị này cho đây là một sự nhượng bộ người Do thái, môt sự nhượng bộ nguy
hiểm, vì người Do thái nghĩ rằng chỉ có họ mới nắm được tính xác thực của bản
văn. Ngoài ra, những người hoài nghi và chống đối lại còn cho đây là một sự
canh tân quá khích, mang tính khuấy động, có thể làm giảm giá bản dịch chính
thức.
Về mặt này, thánh Giê-ro-ni-mô bị coi là cấp tiến, nhưng về
nhiều mặt khác lại bị mang tiếng là bảo thủ, như năm 383 phi bác Hen-vi-di-ô
(Helvidius), kẻ phủ nhận Đức Mẹ trọn đời đồng trinh, rồi mười năm sau, phản đồi
Gio-vi-niêng (Jovinien), người giảm giá bậc độc thân và giá trị của việc chay
tịnh. Ngài viết hai cuốn sách, trích dẫn các tác giả đời cũng như đạo để bênh
vực đức đồng trinh của Đức Mẹ và giá trị của bậc độc thân cũng như việc chay
tịnh. Ở đây, ngòi bút sắc bén của thanh nhân đã cho người ta thấy tài biện giáo
và khả năng châm biếm của ngài.
Sau đó, Vi-gi-lăng-xơ (Vigilance) cũng chỉ trích việc sùng
kính các thánh tử đạo và những lề thói trong bậc đan tu. Ông đã bị thánh
Giê-ro-ni-mô phi bác mạnh mẽ và phản đối thẳng thừng. Ngài còn tỏ ra “dữ dội”
hơn trong cuộc tranh luận dai dẳng về giáo phụ O-ri-giên từ năm 393-402, giữa
ngài với hai đối thủ là Gio-an và Ruy-phanh. Từ lâu, ngài vốn khâm phục và mộ
mến O-ri-giên. Không phải chỉ có ngài mà còn có Vích-to-ranh (Victorin), thánh
Hi-la-ri-ô và thánh Am-ro-si-ô; các vị này cũng thường hay trưng dẫn và phỏng
theo O-ri-giên. Ở An-ti-ô-khi-a, Công-tăng-ti-nốp và Rô-ma, không những ngài
chỉ dịch mà còn hết lời ca ngợi O-ri-giên nữa. Các công trình phiên dịch chú
giải Kinh thánh của ngài đều chịu ảnh hưởng và mô phỏng O-ri-giên.
Thánh Giê-ro-ni-mô cũng kết thân với Đức Cha Ê-pi-phan
(Epiphane), giám mục Xa-ma-min (thuộc đảo Sýp), một người cuồng nhiệt chống đối
O-ri-giên. Năm 393, Đức Cha Ê-pi-phan phát động một chiến dịch nghiêm trọng ở
Pa-lét-tin tố cáo Đức Cha Gio-an, giám mục Giê-ru-sa-lem và linh mục Ruy-phanh.
Thánh Giê-ro-ni-mô được yêu cầu phát biểu ý kiến. Vốn là người theo đường lối
chính thống, rất ngưỡng một O-ri-giên, lại không muốn bị nghi ngờ là ngả theo
đường lối rối đạo của A-ri-ô như Đức Cha Ê-pi-phan, thánh nhân buộc lòng phải
dứt khoát với cả đôi bên mà đành chia tay. Ngài bị Đức Cha Gio-an rút phép
thông công, suýt nữa bị trục xuất, nhưng may mắn sau đó lại có cuộc hoà giải
vào năm 397. Dù vậy, ngài vẫn gủi về Rô-ma một bản văn châm biếm Đức Cha
Gio-an.
Trở về Ý, linh mục Ruy-phanh dịch sách Bàn về các nguyên tắc
của O-ri-giên, giả bộ như tiếp nối con đường của thánh Giê-ro-ni-mô. Thánh
Giê-ro-ni-mô được thông báo là ngài bị liên luỵ nên ngài dịch lại thiên khảo
luận này cho chính xác, vì bản dịch Ruy-phanh cho người ta nhìn thấy ở đó những
điểm rối đạo. Thế là thánh Giê-ro-ni-mô đoạn tuyệt với Ruy-phanh; đôi bên trở
nên địch thủ và gửi cho nhau những lời biện hộ gay gắt.
Tuy vậy hai bên vẫn không ngừng tiếp tục nghiên cứu
O-ri-giên, người thì với tư cách nhà chú giải, người thì với tư cách dịch giả.
Cũng trong thời gian đó, thánh Giê-ro-ni-mô bênh vực thượng phụ A-lê-xan-ri-a,
đối thủ của các đan sĩ Ai-cập. Các đan sĩ này chống đối O-ri-giên, bằng cách
dịch sang tiếng la tinh những điểm mà họ cho là rối đạo.
Qua giai đoạn cam go này, thánh Giê-ro-ni-mô đóng vai trò
một chiến binh m? nh?t, bị kẹt cứng giữa hai làn đạn. Những năm cuối đời của
ngài khá đen tối: tranh luận với Vi-gi-lăng-xơ năm 404-406, đương đầu vời bè
rối Pê-la-gi-ô (Pelagius) rồi chung cuộc cùng với thánh Au-tinh tấn công chủ
trương tin cậy quá đáng vào tự do và tính bản thiện của con người, do bè rối
này chủ trương. Tiếp đến là những cái tang dồn dập của môn sinh và người thân.
Về già, ngài thường làm các bài điếu văn tiễn biệt người thân về bên kia thế
giới (đặc biệt thư số 107 năm 404, lúc bà Pao-la qua đời). Tiếp đến là nguy cơ
quân man-di, khiến người tỵ nạn đổ về Giê-ru-sa-lem, rồi các đan viện bị đốt.
Tuy vậy, cho đến mãn đời, thánh nhân vẫn tiếp tục các công trình nghiên cứu
dịch thuật và trao đổi thư từ với người ở khắp nơi gửi về.
3. Danh tiếng, các cuộc tranh luận
Một người đương thời với thánh nhân là Pót-tu-mi-a-nút
(Postumianus) có những lời tán dương rất nồng nhiệt do Xuyn pít-xo Xê-ve-rơ
(Sulpice Sévère) trích dẫn lại như sau: “Được cả thế giới đọc, vô địch trong
mọi khoa, đắm chìm trong sách vở, ngày đêm chẳng nghỉ ngơi.” Nhưng một số người
khác như Pa-lát-đơ (Pallade) lại không khen như vậy. Ông cho ngài là người có
óc chê bai châm biếm. Điều đó cũng dễ hiểu vì ngài là con người chính thống,
rất nhạy cảm với vẻ đẹp của văn chương. Ba ngôn ngữ ngài thủ đắc là la tinh, hy
lạp và híp ri làm cho ngài đòi hỏi về tính chính xác của ngôn ngữ. Một người
thấm nhuần văn chương hoa mỹ của Xi-xê-rông (Cicéron) không thể chịu được một
thứ văn chương kém cỏi trong các bản dịch đương thời. Vì vậy, ngài hay có những
cuộc tranh luận nhiều khi nảy lửa. Ngài tự cho mình là một thứ “chó săn” để tố
giác những sai lầm và bảo vệ sự chính thống của đức tin. Vì lòng nhiệt thành
mến yêu Hội thánh, ngài coi kẻ thù của Hội thánh cũng là kẻ thù của chính mình.
Gần đây, một ky giả đã gọi ngài là nhà “ẩn tu nổi đoá” (ermite en couroux) do
tính hướng chiều về bút chiến của ngài. Ngoài ra, cũng do khuynh hướng chống
lại bản tính tự nhiên của con người và lòng say mê văn hóa, khiến cho thánh
nhân trở thành một nhà khổ hạnh và nhà trí thức thuợng đẳng.. Khổ hạnh và trí
thức dễ khiến cho con người trở thành đòi hỏi và nhiều khi bất khoan nhượng.
Điều đáng nói nơi thánh Giê-ro-ni-mô là khả năng và sự say
mê tìm tòi nghiên cứu trong phạm vi trước tác, nghiên cứu, phiên dịch Kinh
thánh, cũng như đời sống khổ hạnh của một nhà trí thức miệt mài trong 35 năm
trời cho sinh họat tinh thần. Nhờ vậy, ngài dã để lại cho đời bản dịch Vulgata
và nhiều tác phẩm khác. Xin tôn vinh và ghi ân sâu sắc công ơn ngài.
Nguồn: VietCatholic
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét