Trang

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

ĐAU KHỔ MỘT THÁCH ĐỐ !

CHỦ ĐỀ: ĐAU KHỔ MỘT THÁCH ĐỐ !

LỜI NGỎ

Đau khổ, một vấn đề nhân sinh, một vấn nạn, một thách đố… của triết học, của văn chương, của tâm lý học, của mọi suy tư khôn ngoan, nhưng trên hết, có thể nói là của mọi tôn giáo (Tôn giáo nào cũng đề cập đến vấn đề đau khổ). Từ xưa tới nay, con người đã tốn biết bao giấy mực để bàn về vấn đề nhức nhối của kiếp người này. Mọi cố gắng, tìm tòi nghiên cứu mong tìm được câu trả lời về nguồn gốc, ý nghĩa của đau khổ, nhưng quan trọng hơn vẫn là cố tìm một liều thuốc khả dĩ chữa trị cho “căn bệnh trầm kha” này.

Nhưng khốn nỗi! Khi một người gặp đau khổ, mọi giải thích, khuyên răn xem ra là trở nên vô nghĩa. Mọi bàn luận, suy tư phải dừng lại trước kinh nghiệm đau khổ của chính mỗi người. Khi phải chịu đau đớn quằn quại trên giường bệnh vì bệnh ung thư, Đức Hồng y Veuillot – một người đã từng viết, giảng dạy nhiều về đau khổ – đã phải yêu cầu đừng nói, viết về đau khổ nữa, bởi vì “các vị chẳng hiểu gì cả”.

Có một thời, Kitô giáo “bị mang tiếng” là một tôn giáo đề cao đau khổ. Thập giá, biểu tượng Kitô giáo vốn là một nhục hình dành cho một tử tội. Chủ nghĩa khắc kỷ có chỗ đứng trong thời “ăn chay, đánh tội” xa xưa. Dường như người ta “quên mất” Phục sinh rồi?! Đúng ra, Thập giá (thương khó) phải đi đôi với Phục sinh. Chúng tôi hy vọng đề cập đến vấn đề này khi bàn về Kitô học.

Dẫu sao, Đau khổ, “vấn đề muôn thủa” vẫn còn là thách đố của kiếp người.

TSTH số này với chủ đề “Đau khổ, một thách đố” xin “góp gió” cho bão nổi lên trong mùa Chay thánh 2003 này. Nghĩ tới lời Đức Hồng y Veuillot cố gắng nhấn mạnh nhiều đến khía cạnh kinh nghiệm, tâm lý và những giải pháp khả dĩ “chấp nhận được” với “Đau khổ, thân phận con người” (bài 1), “Những nỗi đau ngọt ngào” (bài 2), “Khi đau khổ gõ cửa nhà bạn” (bài 3), “Bàn luận về Ý Nghĩa Khổ Đau theo quan niệm của Victor E. Frankl” (bài 4). Bài “Vấn đề đau khổ trong chiều hướng đối thoại tôn giáo” (bài 5), là một đối chiếu giữa Kitô giáo và ba tôn giáo lớn: Hồi, Ấn và Phật Giáo về vấn đề đau khổ.

Phần chuyên mục Kinh thánh và Tôn giáo gồm các bài: “Những đóng góp của khoa giải thích triết học cho việc giải thích Kinh thánh” và “Truyền thống Kitô giáo về chiến tranh chính nghĩa”, một suy tư của Giáo sư Thần học Lisa Sowle Cahill trong bối cảnh “khủng hoảng Irak” hậu khủng bố.

Phần sinh hoạt Giáo hội, với bài “Vài nét về Công đồng Vatican II. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày khai mạc Công đồng. (11/10/1962 – 11/10/2002) đã được phát thanh trên một đài Quốc tế, TSTH muốn “ôn cố tri tân” cùng Giáo Phận Tp. HCM. Cuối cùng, nhân năm cổ võ kính Đức Mẹ Mân côi 2002-2003, “Lcịh sử kinh Mân côi” và “Kinh Man côi Đức Trinh nữ Maria. Năm mầu nhiệm sự Sáng” xin là nụ hồng dưới chân Đức Nữ Trinh. Phần Du lịch Thần học với thánh Thomas Aquino như thường lệ.

Ra mắt vào dịp Mùa Chay và Phục sinh 2003, TSTH kính chúc bạn đọc một Mùa Chay thánh thiện và Phục sinh vui tươi.

Thân kính,

Nhóm Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm

TRONG SỐ NÀY

Đau khổ, một thách đố !
  • Đau khổ, thân phận con người 7
  • Những nỗi đau ngọt ngào 28
  • Khi đau khổ gõ cửa nhà bạn 47
  • Bàn luận về ý nghĩa khổ đau theo Quan Niệm của Victor E. Frankl 54
  • Vấn đề đau khổ trong chiều hướng đối thoại tôn giáo 64

Chuyên mục Tôn giáo
  • Những đóng góp của Khoa Giải thích Triết học cho việc giải thích Kinh thánh 85
  • Truyền thống Kitô giáo về chiến tranh chính nghĩa 96

Du lịch Thần học cùng thánh Thomas Aquino
  • Sách Giáo lý của thánh Thomas Aquino (tt) 110

Sinh hoạt Giáo hội
  • Vài nét về Công đồng Vaticanô II 127
  • Lịch sử kinh Mân Côi 138
  • Kinh Mân côi Đức Trinh nữ Maria
  • Năm mầu nhiệm sự sáng 146

ĐAU KHỔ: THÂN PHẬN CON NGƯỜI

LTS: "Ý nghĩa" của đau khổ tác giả đề cập ở bài này không theo nghĩa rằng đau khổ tự nó có giá trị, nhưng là bài học được rút ra từ những kinh nghiệm và suy tư của con người về đau khổ. 

Thánh Đa Minh dưới chân thập giá
(Fra Angelico)
 (Thời sự Thần học - Số 31, tháng 3/2003, tr. 7-27)

Lương Phong

Có đôi khi, thân phận của con người được cảm nhận như một ngọn nến chơi vơi chao đảo giữa những cơn cuồng phong của cuộc đời, hy vọng sống còn dường như không có chỗ đứng giữa tất cả những nguy cơ hủy diệt luôn vây chặt con người.

Thời gian vẫn lặng lẽ trôi, những qui luật nghiệt ngã của thiên nhiên và của xã hội loài người vẫn cứ như vô tình trước những tiếng gào thét, những cuộc nổi loạn, những nỗi tuyệt vọng, những cơn sợ hãi kinh hoàng đang không ngừng xâu xé những tâm hồn rướm máu, quằn quại trong những thảm cảnh do thiên nhiên tàn phá, do bệnh tật, đói khổ, chiến tranh, giết chóc, bất công liên tiếp gây nên. Con người ra như bất lực khi chứng kiến cuộc sống của mình lùi dần vào bóng tối thê thảm của sự suy vong.
Giữa tâm trạng hoảng loạn vì những nỗi bi thảm của cuộc sống, có những người đã tỏ ra nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa, phủ nhận sự quan phòng yêu thương của Người, cũng có thể họ tìm kiếm Thiên Chúa để trách móc, thậm chí để nguyền rủa, phản kháng Người.

Người Kitô hữu cũng không thoát khỏi những nỗi bất hạnh thảm khốc của kiếp nhân sinh phiêu dạt, trôi nổi đó. Trái tim của họ cũng phải bị bóp nghẹt, bị nghiền nát vì những cảnh bạo tàn diễn ra trong tự nhiên và trong chính xã hội loài người. Vậy người Kitô hữu đối diện với đau khổ bằng một thái độ nào? Chấp nhận đau khổ như một án phạt của Thiên Chúa? Biến Kitô giáo thành liều thuốc an thần để trấn áp những nổi đau nhân thế? Nhắm mắt xuôi tay để phó mặc tất cả cho “sự quan phòng” của Thiên Chúa? Hay là cuối đầu cam phận để lập công, để “mua” Nước Thiên Đàng?

Bài nàyxin trình bày : (1) Đau khổ là gì? (2) Thiên Chúa đứng trước đau khổ của con người và (3) Ý nghĩa đau khổ đối với niềm tin Kitô Giáo.

A. ĐAU KHỔ LÀ GÌ ?

Đau khổ là mặt trái của hạnh phúc vốn là sự hòa điệu nội tâm, an nhiên tự tại. Đau khổ phá vỡ sự hòa điều đó do nhiều nguyên do: hoặc thuộc thể lý, hoặc thuộc tinh thần, tình cảm… Tuỳ theo quan điểm triết học, tâm lý học hay tôn giáo, đau khổ mang nhiều sắc thái khác nhau , từ đó đưa đến những giải quyết khác nhau . Xin trình bày khái quát một số quan điểm về vấn đề đau khổ

1. Tâm lý học:

Đau khổ là một trạng thái tình cảm phát sinh từ một khuynh hường không được thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của con người. Tuy nhiên, trong thực tế, có mấy ai hoàn toàn mãn nguyện với chính bản thân của họ đâu? Nỗi khát vọng sâu thẳm trong lòng người ai đo cho được?

Khát vọng vừa lôi kéo con người lên cao, vừa đưa đẩy con người rời xa những thực tại căn cốt nhất nơi chính họ, khiến họ luôn băn khoăn tìm kiếm những thứ hạnh phúc và hoan lạc ở một chốn xa xôi nào đó, mà vô tình phủ nhận chính những giá trị thiết thực trong nội tại của bản thân và rất cận kề với cuộc sống của cá nhân họ. Con người đau khổ cũng do thiếu niềm tin nơi chính mình và nơi cuộc sống; hoặc ngược lại, do quá ảo tưởng về bản chất tương đối của cuộc sống trần tục này. Bởi thế, con người luôn bị dày vò với biết bao điều gai chướng, luôn bị xâu xé bởi biết bao nỗi quay quắt khó chịu chỉ vì: “Ai không biết khoan hồng với kẻ khác luôn mang trong mình cái khổ của lòng kiêu ngạo”.

Thái độ thiếu tin tưởng vào chính mình dễ xô đẩy con người rơi xuống hố thẳm của sự chán chường, vô vọng. Họ muốn buông xuôi tất cả, để mặc cho đời mình cứ gieo neo, cứ phiêu dạt theo cơn lốc xoáy của kiếp phù sinh điên đảo. Nhật Quang đã từng khẳng định: “Trên đời thực ta không có mấy người sinh vào ngôi sao xấu. Người ta thất bại thường là vì thiếu tự tin, vì không dám liều, vì thất vọng”. Chủ trương sống thụ động, lười nhác đã chôn sâu con người trong nấm mồ nghiệt ngã của đau khổ. Foch đã nhắc nhở những người chỉ co ro ở xó tối của cuộc đời để nguyền rủa thân phận bọt bèo của mình: “Đừng làm cho việc cỏn con ra bi thảm. Hãy giản dị hóa việc gian nguy”. Khi cuộc sống trở thành “gánh nợ đời” siết chặt đôi vai yếu nhược của con người; họ cứ mãi kéo lê số kiếp đắng cay của chính mình trên những nẻo đường chông gai sỏi đá, gắng gượng chống chọi với những bão tố cuồng phong nổi lên trên biển đời. Sự cay nghiệt của cuộc sống rất có thể trở thành mồi lửa làm bùng cháy lên những cơn nổi loạn khủng khiếp nơi những kẻ đã từng bị tù túng, giam hãm lâu dài trong cảnh cùng cực. Họ sẽ bất chấp tất cả, phá đổ tất cả, để giải tỏa phần nào nỗi uẩn ức bị dồn nén bấy lâu nay trong tiềm thức của họ: “Sầu đau là vú nuôi của điên loạn” là vậy.

Khi con người còn đang mãi mê, loay hoay với những nỗi đau của thể xác và tâm lý nơi bản thân, kẻ thù “cô đơn” lại thừa cơ xông đến tấn công họ. Ôi sự trống vắng cô liêu của tâm hồn con người còn thê thảm hơn cả sự hoang vu, chết chóc nơi xa mạc cằn cỗi! Con người vốn là một sinh vật xã hội, luôn tha thiết chia sẻ với anh em đồng loại của mình những tâm tư, tình cảm, kiến thức, kinh nghiệm… để mong được hiểu biết, được cảm thông, được thăng tiến theo nhịp bước của tha nhân. Do đó, nếu có ai lỡ thất bại trong tương quan với xã hội vì chính trở ngại của chính cá nhân mình, tâm hồn họ dễ trở nên băng hoại, khốn đốn, quạnh hiu. Một thành viên ở giữa cộng đồng nhân loại, mà phải sống như một kẻ xa lạ với con người thì sự hiện diện của cá nhân đó còn ý nghĩa gì?

Thật vậy, đau khổ có thể đến với con người từ nhiều phía. Nó cũng dư sức đẩy dồn những con người nhu nhược, yếm thế, bi quan vào ngõ cụt của cuộc sống để rồi nhận chìm họ một cách bạo tàn.

2. Hữu thể học:

Đau khổ, hiểu như sự ác là đối nghịch với sự thiện. Sự ác có thể được hiểu theo hai cách:

- Sự ác nơi chủ thể của nó, đó là sự ác theo nghĩa chất thể. Đây là một thực tại tích cực. Vì sự ác hiểu theo nghĩa này chính là chủ thể thiếu một sự thiện hay hoàn hảo nó phải có.

- Sự ác là làm cho chủ thể của nó ra xấu, đó là sự ác theo nghĩa mô thể. Sự ác này chỉ là: “vắng bóng sự thiện”, hay có thể nói là “thiếu sự thiện hoặc sự hoàn hảo phải có nơi chủ thể”. Sự ác hiểu theo nghĩa mô thể là không thực tại: vì nếu nó là thực tại, tất nhiên nó là sự thiện theo mức độ hiện hữu của nó. Sự ác này không phải là một hủy thể suông, nhưng là “sự khuyết phạp một điều thiện riêng”. Thánh Tôma viết: “Sự ác theo đúng nghĩa chỉ là tình trạng thiếu cái gì mà một vật tự nhiên có và phải có”.

Như vậy, tuy sự ác không phải là một thực tại, nhưng nó cũng không phải là hư vô.

3. Phật giáo:

Đức Phật khám phá ra đau khổ phát sinh ở ngay trong nội tâm con người, trong chính cách nhìn, cách nghĩ, cách thấy và biểu lộ ra cách sống của mỗi người với chính mình, với cuộc đời, và với người khác. Con người phải đau khổ vì lòng dạ con người luôn sống trong sự bám víu, tích trữ gọi tắt là Tập. Tập là một hành vi nội tâm, nên còn được gọi là Chấp, Chấp Thủ, Chấp Trước, Bám Chấp.

Với căn bệnh chấp trước, con người trở thành nô lệ cho những thứ mình quơ quào, bám víu. Nô lệ và bám víu phát sinh ra sở hữu và không sở hữu. Sở hữu và không sở hữu phát sinh ra tham vọng, ganh tị, lo âu, buồn khổ, giận dữ, tiếc nuối…

Đau khổ còn được nhìn dưới nhãn quan của luật Nghiệp Báo, Nghiệp – Karma, cho thấy mọi hoạt động của ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng sinh hữu hình đều tạo thành một kết quả về sau. Nghiệp được xem là nguyên nhân và báo ứng được xem là kết quả. Do đó, con người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Không phải thần linh nào khác đã qui định thưởng phạt cho kiếp sống của mỗi con người. Chính con người mới thực sự là thượng đế tối cao của họ. Con người muốn làm chủ hay làm nô lệ đời sống, muốn khổ hay vui, hoàn toàn bởi quyết định của họ, không do ai khác. 

Với luật Nghiệp Báo, những gì con người làm cho người khác sẽ trở lại với họ một cách công bằng, chắc chắn và hợp lý. Một Nghiệp thiện sẽ tạo thành một kết quả vui; và một Nghiệp ác sẽ tạo nên một kết quả khổ.

4. Giáo huấn của Giáo Hội Công giáo:

Nếu Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng Sáng Tạo nên thế giới có trật tự và tốt lành, chăm sóc hết mọi thụ tạo, tại sao lại có sự dữ? Toàn bộ đức tin Kitô giáo trả lời cho câu hỏi này: sự tốt lành của cuộc sáng tạo, thảm kịch của tội lỗi, tình yêu kiên nhẫn của Thiên Chúa. Đấng đã đi bước trước đến với con người qua các giao ước, qua việc nhập thể cứu chuộc của Chúa Con, qua việc ban Thánh Thần, qua việc qui tụ Hội Thánh qua sức mạnh của các bí tích, qua việc kêu gọi con người hướng tới một cuộc sống diễm phúc mà ngay từ đầu các thụ tạo tự do được mời gọi đón nhận, nhưng cũng ngay từ đầu chúng có thể từ chối, do một huyền nhiệm khủng khiếp! Không có bất cứ một chi tiết nào của sứ điệp Kitô giáo mà không là một phần cho câu hỏi về sự dữ.

Tại sao Thiên Chúa không tạo dựng thế giới thật hoàn hảo để không có một sự dữ nào xuất hiện? Xét theo quyền năng vô biên của Thiên Chúa, Người vẫn có thể tạo dựng được điều tốt hơn. Nhưng trong sự khôn ngoan và nhân hậu vô biên của Người, Thiên Chúa đã tự ý xây dựng một thế giới trong “tiến trình” hướng về sự trọn hảo tối hậu. Theo ý định của Thiên Chúa, sự tiến hóa này gồm có việc vật này xuất hiện và vật khác biến đi, có sự hoàn hảo hơn và có cái kém hơn, có xây đắp và cũng có tàn phá trong thiên nhiên. Vì vậy, bao lâu mà cuộc sáng tạo chưa đạt được sự trọn hảo của nó, thì cùng với điều tốt thể lý, cũng có sự dữ thể lý.

B. TRƯỚC ĐAU KHỔ CỦA CON NGƯỜI, 

THIÊN CHÚA LÀM GÌ?

1. Thiên Chúa thinh lặng:

Niềm tin của chúng ta dễ bị lung lay vì cảm thấy dường như Thiên Chúa thinh lặng trước đau khổ của con người. Nhưng thực ra, Người vẫn không ngừng thì thầm với những con tim biết lắng nghe. Thiên Chúa không ngừng hoạt động để hoàn tất công trình của Người, để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự mọi người. Nhưng Người hành động cách nào, đó là điều vượt quá tầm mức hữu hạn của con người. Chúng ta đụng tới mầu nhiệm quan phòng, mầu nhiệm tự do của Thiên Chúa. Chúng ta phải vui nhận sống dưới “chế độ” quan phòng của Thiên Chúa, đó là chế độ luôn sóng đôi giữa mầu nhiệm tiếng nói và lặng thinh, giữa mầu nhiệm ánh sáng và bóng tối. Khi không chấp nhận sự thinh lặng của Người, là chúng ta muốn Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa nữa, Lời Người không còn là Lời Thiên Chúa nữa, vì Lời Người nói trong thinh lặng và dấu chỉ… Tuy nhiên, để có thêm chiêm niệm về sự thinh lặng của Thiên Chúa, chúng ta cần quan sát công trình của Thiên Chúa dưới ba chiều kích:

Thinh lặng của Thiên Chúa hay sự kính trọng công trình của Người đã tạo dựng:

Thiên Chúa cai quản vũ trụ, nhưng Người luôn tôn trọng những định luật, những nguyên tắc luân lý nội tại, cũng như những năng lực của tạo vật. Người luôn “làm việc”, nhưng Người không muốn giống như nhà nghệ sĩ lúc nào cũng thích đụng chạm, nắn sửa, vuốt ve tác phẩm của mình. Vì thế, chúng ta đã bị gai chướng vì những cái “dữ” xuất hiện không ngừng trong vũ trụ. Phải chăng thế giới đã vượt khỏi tầm tay của Thiên Chúa? Nếu không tin phải chăng Người bất lực? Còn nếu Người không bất lực thì rõ ràng Người là thủ phạm? Thực sự, Thiên Chúa biết rõ những sự dữ và tai ương ấy, nhưng Người cho phép chúng xảy ra qua sự làm thinh của Người, vì thực ra đó là những “phản ứng không thể tránh được” đang khi những duyên do chằng chịt tự do chuyển hành để hoàn hảo hóa vũ trụ. Thiên Chúa có thể can thiệp để chúng đừng xảy ra, nhưng Người không muốn làm phép lạ một cách vung vít. Dù “sự dữ” tự nó không có một cứu cánh: nhưng khi muốn một thế giới từ đầu đã hoàn hảo, không có một dấu vết “dữ”, là chúng ta đã muốn một thế giới khác với thế giới mà Thiên Chúa muốn: thế giới chúng ta đang sống.

Thinh lặng của Thiên Chúa hay sự cấp thiết của tình yêu Thiên Chúa đối với loài người:

Thiên Chúa thinh lặng. Thiên Chúa có vẻ như lép vế, chỉ vì Người tôn trọng tự do của chúng ta, nhưng điều đó không làm cho chúng ta kém mất tự do: vì số phận, cuộc đời của chúng ta không phải là một buổi trình diễn một vở tuồng đã viết sẵn. Trái lại: “Thiên Chúa cùng với chúng ta để tạo dựng nên chúng ta”. Hơn nữa, vĩnh cửu thực ra không phải là một khoảnh khắc có trước chúng ta, hoặc nó ở ngoài thời gian, vượt khỏi tầm tay chúng ta; mà nó “nội nhập” thời gian. Có thể nói, nó đồng hiện hữu với tất cả mọi khoảnh khắc của kỳ gian. Từ lúc Thiên Chúa sắp đặt những hành động của chúng ta. Thiên Chúa thấy chúng ta hành động, nhưng hành động cách tự do. Vì vậy, cách thế tốt nhất để hợp tác vào công trình quan phòng của Thiên Chúa là trở nên những nghệ sĩ quảng đại cho thân phận riêng của chúng ta.

Tuy vậy, xì-căng-đan lớn nhất đối với chúng ta là tại sao Thiên Chúa để cho chúng ta, cho con người phạm tội, phạm tội hoài? Thiên Chúa quả đã chấp nhận một mạo hiểm. Sao Người không cất bỏ cái tự do nguy hiểm đi? Nếu hành xử như thế thì Người đâu còn là Thiên Chúa tình yêu: Người yêu ta và tha thiết muốn ta yêu Người, nhưng tình yêu chỉ có thể có được khi có tự do. Thiên Chúa không thể “ép duyên” chúng ta. Hơn nữa, nếu hủy diệt tự do của chúng ta, vì “con người chỉ là người, chỉ hơn con vật khi có tự do”, làm sao Thiên Chúa có thể nỡ lòng làm như vậy?

Trong chương trình cứu độ, thinh lặng của Thiên Chúa hay là sự khôn ngoan mầu nhiệm của thập giá:

Tại sao Thiên Chúa cứ muốn người lành sống chung với kẻ dữ? Trong tác phẩm “La Peste” tác giả Camus đã gào thét: “Cho tới chết, tôi sẽ mãi mãi từ chối yêu thương thế giới này, vì ở đấy, những trẻ thơ vô tội đã bị đói khát, giày xéo, đày đọa…”. Thiên Chúa vẫn thinh lặng không phải vì Người vô tình. Lý do sâu xa nhất của sự im lặng là Lời Người , vì Người đã nói hết với chúng ta rồi, nhưng chúng ta lại không biết nghe, không biết đọc, hoặc không muốn nghe, không muốn đọc Lời Người.

Lời cuối cùng và trọn vẹn nhất của Thiên Chúa chính là “cuộc khổ nạn và cái chết của Đấng Thiên Chúa làm người”. Thập giá là ô nhục đối với người Do Thái và là điên rồ đối với người Hy Lạp. Và rất có thể đó cũng là sự gai chướng đối với cả chúng ta. Chúng ta chỉ có thể hiểu được Lời đó khi chúng ta thực sự theo chân Đức Kitô, “Tôi tớ đau khổ”.

Hơn nữa, Thiên Chúa còn thinh lặng để đến lượt chính những chi thể của Đức Kitô phải trở nên những chứng nhân bằng chính đời sống của họ. Họ bày tỏ cho thế giới lời chung cục đã được mặc khải nơi Đức Kitô: “Tình Yêu tuyệt đối sẽ chiến thắng sự dữ” để nhân loại có thể thâm tín rằng: “sau thập giá ô nhục là thánh giá vinh quang”.

Việc Thiên Chúa Quan phòng là một mầu nhiệm tình yêu, và do đó cũng là một mầu nhiệm của thinh lặng. Bài học thinh lặng của Thiên Chúa chỉ có thể được chấp nhận cho những kẻ đã tin. Kẻ nào đã một lần trong đời thực sự cảm nghiệm được sự thinh lặng hãi hùng của Thiên Chúa thì không thể đứng trung lập được, sự thinh lặng hoặc sẽ đưa họ đến phản loạn, hoặc sẽ bó buộc họ đi tới một niềm tin lướt thắng. Sự thinh lặng của Thiên Chúa còn là tiếng nói hùng hồn nhất cho tất cả những người biết tìm Người như những kẻ nghèo khó bên kia những dấu chỉ, những phép mầu, dấu lạ, bên kia những lời nói an ủi đơn thuần của con người. Julien Green đã từng viết trong nhật ký của ông: “Chính ở ngay trung tâm của thinh lặng. Thiên Chúa ở đó: đấy, chính Người cư ngụ không phải trong gió lốc hay trong động đất kinh hoàng, cũng chẳng phải trong tiếng nói ồn ào dai dẳng của chúng ta, nhưng Người ở tận đáy thẳm sâu của chính con người chúng ta, nơi mà tiếng nói rối loạn của thế giới không vẳng tới được.

2. Thiên Chúa đồng hành với con người trong đau khổ:

Quyền năng của Thiên Chúa rất ít khi biểu lộ mạnh mẽ qua những hiện tượng vượt ra ngoài luật thiên nhiên, trái lại biểu lộ bằng cách liên tục hoạt động tiềm ẩn bên trong để trợ giúp cho người có lòng tin, qua những sức năng kín nhiệm lồng sâu vào trong tinh thần, như niềm tin tưởng, lòng kiên nhẫn, sức đấu tranh không ngừng chống lại nghịch cảnh, và tình liên đới với người đau khổ. Bài thơ do Dietrich Bonhoeffer sáng tác trong thời gian ở tù đã diễn tả tâm tình cầu nguyện tha thiết của người Kitô hữu như sau:

“Hãy đến đây
Bạn sẽ thấy một người cùng cực khốn quẫn
Phận nghèo hèn, thân khiêm hạ
Chẳng chốn nương thân,
Chẳng cơm, áo ấm
Người ngụp lặn, nổi trôi
Giữa dòng đời tội lỗi và chết chóc
Người là Đức Chúa khổ đau.”

Thái độ phẫn nộ vì một Thiên Chúa toàn năng đã không chịu cứu các vị tử đạo của mình ra khỏi cực hình – tất phải biến thành lòng khâm phục đối với một Thiên Chúa đã nhận lấy cho chính mình thân phận làm người tử đạo;qua thứ ngôn ngữ nội tâm và sâu kín. Đấng Thiên Chúa ấy đã làm nên nơi các vị tử đạo những giá trị tinh thần siêu phàm kết thành mối thông hiệp vĩnh hằng giữa con người với Thiên Chúa.

Con người bị bao vây bởi quá nhiều hiểm nguy nên không thể không khao khát an toàn. Do đó, con người sẽ đi tìm an toàn ở phía quyền lực thống trị vũ trụ, để bắt nó phục vụ, đẩy nó xuống hàng nô lệ của mình. Đó là một cám dỗ tự nhiên dễ dàng đẩy con người xa Nước Thiên Chúa vốn ở ngay trong lòng họ. Ai muốn bắt Thiên Chúa bằng tay sẽ chắc chắn mất Người.

Thiên Chúa tỏ ra liên đới với tự do nhân loại đến nỗi chính Người đã trở thành nạn nhân của sự dữ. Càng nói đến cái kinh tởm mà sự dữ đem tới cho những con người vô tội, càng khẳng định rằng Thiên Chúa ở trong và ở với họ, càng khẳng định rằng Người là nạn nhân trong chính bản thân họ. Thiên Chúa tạo dựng thế giới bằng tình yêu. Người chấp nhận cái nguy cơ tình yêu đem lại. Thế nhưng Thiên Chúa đã không lùi bước trước những nguy cơ đó, Thiên Chúa quá yêu để có thể tạo dựng một thế giới không tự do: bởi lẽ Thiên Chúa không thể yêu ít hơn, không thể từ chối tình yêu của mình, yêu đến thành nạn nhân, yêu mãi đến Thập Giá. Người là nạn nhân đầu tiên của sự dữ. Đức Kitô đã đón nhận tất cả cho mình. Thiên Chúa hiểu biết mọi cơn hấp hối của chúng ta. Nguồn gốc của sự dữ là chối từ yêu thương. Mọi việc từ chối tình yêu đều làm tổn thương đến Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa là nạn nhân của sự dữ, Người cũng bị đau khổ xuyên qua. Chính Thánh Giá đã khẳng định điều đó.

Khi thấy một người lớn tấn công một em bé không phương tự vệ, rồi đánh đập nó, chúng ta cảm thấy một cảm giác khủng khiếp. Nhưng nếu quy hường về Thiên Chúa, cảm giác ấy lại nổi bật, bởi lẽ rằng trong em bé đó và trong người lớn đánh đập em, chính Thiên Chúa đau khổ. Trong cái con người yếu đuối bị kẻ khỏe đè bẹp, chính Thiên Chúa đau khổ trong cả hai, và càng đau khổ hơn trong kẻ thực hành đau khổ, họ thấy mặc khải về ý định của Thiên Chúa mà chúng ta không hiểu nỗi. Ý định này có thể cắt nghĩa cái chết yểu của người hiền để bảo toàn cho họ khỏi phạm tội, đồng thời cũng biết được toàn phúc của người đàn bà son sẻ và của hoạn nhân. Đau khổ và bách hại có thể là sự xá tội.

Đau khổ được đức tin đặt vào trong ý định của Thiên Chúa trở thành một thử thách qao quý Thiên Chúa dành cho những tôi tớ Người tín nhiệm như: Apraham, Gióp, Tôbia… để dạy họ sự cao trọng của Người và những gì người ta có thể chịu đựng vì Người. Cho nên, Giêrêmia đã chuyển từ tâm trạng nổi loạn sang sự hoán cải mới.

Đau khổ là giá trị cầu bầu và cứu chuộc. Giá trị này tỏ lộ trong hình ảnh của Môisê, trong lời cầu nguyện thống khổ của ông và việc ông dâng mạng sống mình làm của hy sinh để cứu chuộc một dân tộc đã phạm tội. Tuy nhiên, Môisê và vị sứ ngôn chịu nhiều đau khổ nhất như Giêrêmia cũng chỉ là hình ảnh của vị Tôi Tớ Giavê.

Vị Tôi Tớ Giavê chịu đau khổ với những hình thức chướng kỳ nhất. Sự đau khổ đã tàn phá Người hết mức và đã lột bỏ dung nhân Người đến nỗi không còn gợi lên được lòng thương xót, nhưng chỉ gây thêm ghê tởm và khinh bỉ. Sự đau khổ nơi Người không phải là một tai nạn, một giây phút bi thảm, nhưng là cuộc sống thường nhật và dấu chỉ riêng của Người: “Con người của đau khổ”. Sự đau khổ ấy dường như chỉ giải thích được bằng một lỗi lầm ghê gớm ở nơi chúng ta và một sự sửa phạt tiêu biểu của Thiên Chúa chí thánh. Vị Tôi Tớ ấy cầu bầu cho kẻ có tội bằng cách dâng hiến cho Thiên Chúa cả mạng sống của Người để xá tội, bằng cách hòa mình giữa những tội nhân để mang lấy lỗi lầm của họ. Như vậy, sự chướng kỳ tột bậc trở thành một kỳ công phi thường, một sự “mặc khải cánh tay Giavê”. Tất cả đau khổ và tội lỗi thế gian qui hướng nơi Người: vì Người đã vâng lời mang lấy đau khổ và tội lỗi đó nên Người nhận được sự hòa bình và sự chữa lành thay cho tất cả.

Cuối cùng, Chúa Giêsu Kitô đã chiến thắng đau khổ: những việc chữa lành bệnh tật và cuộc phục sinh của Người là dấu chỉ sứ mệnh cứu thế của Người, khai mào cho cuộc chiến thắng vĩnh viễn. Chúa Giêsu thực hiện lời tiên tri về vị “Tôi Tớ” mang lấy “bệnh tật của chúng ta” bằng cách chữa lành tất cả. Người ban cho các môn đệ của Người quyền chữa lành nhân danh Người, và việc chữa lành người bệnh ở Cửa Đẹp là một bảo đảm cho Giáo hội sơ khai về điểm này.

Chúa Giêsu biến đổi đau khổ thành hạnh phúc: Chúa Giêsu không huỷ diệt thần chết và đau khổ trên thế gian: mặc dù Người đã đến để làm cho “thần chết bất lực”. Nhưng chính Người có đủ khả năng biến chúng thành niềm vui, Người không huỷ bỏ đau khổ nhưng Người an ủi kẻ đau khổ, Người không hủy bỏ nước mắt, nhưng đã lau nước mắt cho lẻ khóc lóc để làm dấu chỉ cho niềm vui sẽ kết hợp với Thiên Chúa và con cái Thiên Chúa trong hạnh phúc viên mãn. Đau khổ có thể trở thành toàn phúc, dọn lòng con người tiếp đón vương quốc vĩnh hằng và tạo điều kiện mặc khải những công trình của Thiên Chúa, vinh quang của Thiên Chúa và vinh quang của Con Thiên Chúa.

C.Ý NGHĨA CỦA ĐAU KHỔ THEO NIỀM TIN KITÔ GIÁO

1. Đau khổ là lời mời gọi sống yêu thương:

Sự dữ là tội lỗi xuất hiện khi con người lạm dụng tình yêu và tự do Thiên Chúa ban. Nói khác đi, luật tình yêu bao hàm tự do, vì tình yêu chân thật không thể được xây dựng nên từ sự cưỡng bách. Khi luật tình yêu và tự do được áp dụng, thì sự dữ và tội lỗi cũng thâm nhập vào cuộc sống con người. Qua cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu, sự dữ và tội lỗi cũng được gói trọn trong tình yêu của Thiên Chúa, vì chúng cũng là một trong các đối tượng của công nghiệp cứu rỗi của Chúa Giêsu. Qua cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu, Thiên Chúa mời gọi con người đứng về phía Người trong trận chiến đấu chống lại sự dữ và tội lỗi, bằng khí giới yêu thương.

Thiên Chúa ban cho con người một khối óc, đôi cánh tay và một trái tim, đó phải chăng không là biểu hiện của tình yêu quan phòng của Người? Với khối óc ấy, với đôi cánh tay ấy, với trái tim ấy, lẽ ra không một ai trên thế giới này phải nghèo khổ và chết đói. Không gì nhục nhã cho nhân loại và xúc phạm đến Thiên Chúa cho bằng ngày nay vẫn còn không biết bao người phải quằn quại trong đói khổ. Sự đói khổ của phần lớn nhân loại không phải vì Thiên Chúa không quan phòng săn sóc, mà bởi vì con người không nhận ra sự quan phòng ấy và chia sẻ sự quan phòng ấy với đồng loại cùa mình. Sự đói khổ của phần lớn nhân loại không phải vì Thiên Chúa vắng bóng trong cuộc sống con người, mà bởi vì con người muốn loại bỏ Người ra khỏi cuộc sống. Khi con người không còn nhận ra tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, con người cũng chối bỏ luôn đồng loại của mình.

Đường nét nổi bật nhất nơi Chúa Giêsu là sự cảm thông, Chúa Giêsu luôn tìm đến với những người mà xã hội quên lãng hay loại ra bên lề. Người cảm nhận được những gì con người cảm nhận. Người đau khổ với niềm đau của con người, Người chạm đến hạng người mà không ai muốn chạm đến.

Kinh nghiệm trong cuộc sống nhiều khi làm cho chúng ta có thái độ e dè, thủ thế. Chúng ta cố gắng sống yêu thương, nhưng rồi chúng ta chỉ gặp toàn lừa đảo, phản bội. Từ đó, trái tim của chúng ta trở nên chai lì, tâm hồn chúng ta trở nên lạnh giá. Chúng ta sợ yêu thương, sợ tin tưởng nơi người khác. Hận thù là phản nghĩa của tình thương. Vì sợ hãi khiến người ta không dám yêu thương hoặc khước từ yêu thương. Đây chính là kinh nghiệm mà vị ân nhân của người cùi, Raoul Folereau đã cảm nhận một cách sâu xa từ chính những nỗi băn khoăn day dứt của lòng Người:

“Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, xin hãy gửi đến cho con một ai đó. Con đang cần một bàn tay, dù chỉ là một bàn tay thôi, để đậu trên tay con như một cánh chim. Con cần một làn môi đặt trên trái tim con để mang lại cho con một hơi ấm. Con cần một cái nhìn , dù chỉ một ánh mắt không hồn để chứng minh cho con rằng ít ra – đối với một ai đó – con đang hiện hữu. Con cần một ít lời nói trong một ít lời nói đó. con cần có vài nhịp đập của con tim được trao ban. Thế nhưng không có ai đến cả… Con ở đây, con đang cô đơn…

Nhưng bỗng nhiên con lại nghĩ đến những người khác cũng đang quằn quại trong cô đơn như con. Bên cạnh con, có biết bao người đang cô đơn trong cái thế giới thù nghịch này, trong đó hàng triệu triệu con người đang cọ xát vào nhau, chồng chất lên nhau mà vẫn không hề gặp nhau. Lạy Chúa, con không muốn một thế giới như thế. Chúa nói rằng Chúa đã đến qui tụ các con cái tản mát khắp nơi. Và với hồng ân sự sống, Chúa qui tụ họ lại thành một gia đình duy nhất. Giờ đây nỗi đau khổ của con gợi lên cho con nỗi đau khổ của người khác; tiếng kêu của họ mạnh hơn tiếng kêu của con. Cuối cùng, con hiểu rằng chỉ có một liều thuốc chữa trị nỗi cô đơn của con, đó là ra đi gặp gỡ người khác và chữa trị nỗi đau khổ của họ”. 

2. Người Kitô hữu trưởng thành trong đau khổ:

Đau khổ sẽ dạy cho chúng ta nhiều bài học, sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn, hoàn thiện hơn. Thiên Chúa cũng giống như cha mẹ, rất thương con, nhưng thỉnh thoảng vẫn phải sửa trị con mình bằng hình phạt vì lợi ích riêng của nó.

Sự quan phòng của Thiên Chúa không miễn trừ cho người công chính khỏi đau khổ, nhưng là thúc đẩy họ vượt thắng khổ đau, để nhờ đó mà tiến bộ cao dần lên mãi về mặt tinh thần. Vì thế, con người phải phân biệt được giữa một bên là sự dữ tinh thần hay luân lý – tức là những rối loạn trật tự, những tai họa và những âu lo kinh hoàng do tội phạm con người gây ra; và bên kia là những nghịch cảnh phát nguyên từ những định luật thiên nhiên. Đó là hai loại khổ đau hoàn toàn khác biệt nhau. Loại đau khổ thứ nhất vừa làm cho đau đớn, lại vừa có hại như nọc độc. Nó gây ra bệnh và làm cho nhiễm trùng chính ngay trong cái tôi, ngay trong tinh thần, với những hậu quả khốc hại trầm trọng hằn sâu vào trong tình cảm và lên trên thể xác. Loại đau khổ thứ hai thì trái lại , chỉ làm cho đau đớn và hoành hành vòng ngoài là thân xác, và vòng trong là tình cảm. Song, khi chúng ta sử dụng sức năng động mà Thiên Chúa đã ban và hằng tiếp tục bồi dưỡng thêm cho, thì nguồn năng động ấy sẽ trở thành một kích lực không ngừng thúc giục chúng ta tiến lên cho tới mức hoàn thiện thiêng liêng, cho tới mức độ đước tham dự vào những sự tốt thành của chính Thiên Chúa. Thật vậy, sự dữ luân lý lôi kéo chúng ta đi xuống, còn nghịch cảnh thì thúc đẩy chúng ta tiến lên.

Trong cuộc chạy đua vượt các chướng ngại trên đường tiến hóa. Con người đã đạt tới những mức phi thường so với các sinh vật khác. Con người đã đạt được giải thưởng về bộ môn lý trí, về khả năng làm chủ thiên nhiên, cũng như về: tình liên đới, văn minh, tôn giáo, đức hạnh, tính anh hùng, khoa học kỹ thuật, nghệ thuật và thể chế dân chủ. Được tất cả như vậy chính là vì con người đã được Thiên Chúa ban cho một niềm khát vọng vô biên, không ngừng hướng tới những gì cao hơn, tốt hơn, đẹp hơn; mặt khác, cũng vì ngoài những hoàn cảnh thuận lợi gặp được, con người còn có được dịp đối phó với những gì hết sức to lớn nữa.

Nếu con người biết dùng đến những động lực của tình cảnh bức thiết, thì tình cảnh bức thiết sẽ tôi luyện và gia tăng ý chí của con người. Cương quyết, kiên trì và can đảm của con người là những đức tính đã được phát sinh ra do chính những chướng ngại hầu như con người không thể vượt qua nổi.

Nếu ý thức luân lý đạo đức đã rực sáng lên, nếu ý thức về nhân phẩm cá nhân đã bắt đầu ló dạng và tiết phát, thì chính là ở ngay trong cuộc đương đầu với các nghịch cảnh, hay là ở trong khả năng đạt được nhờ biết bình tĩnh chịu đựng chúng một cách sáng suốt và không bao giờ bó tay chịu thua.

Xét về mặt cá vị, có thể so sánh con người như một viên phi công lần đầu tiên một mình tung cánh bay vào không trung. Viên phi công sẽ gặp đủ mọi thứ nguy hiểm, và chính trong lúc phải đối phó với những nguy hiểm ấy, anh ta mới phát triển được khả năng nhanh nhẹn của mình. Anh có thể giữ liên lạc với căn cứ dưới đất, và căn cứ này có thể cho những ý kiến và những lời chỉ dẫn, nhưng không thể nào sửa đổi thời tiết hay đích thân sửa chữa những hư hỏng cơ giới cho anh được.

Đau khổ thúc đẩy con người chiến đấu chống lại nó nhờ sự giúp đỡ của Thiên Chúa và nhờ bàn tay của chính họ, để rồi dần dần vượt thắng đau khổ bằng cách biến đổi con người thành một hữu thể ngày càng thiêng liêng hơn, ngày càng thần linh hơn. Ca dao tục ngữ Việt Nam đã nhận xét rất thực tế và sâu sắc rằng: “Có thân thì có khổ, có khổ mới nên thân”. Trong quát trình tiến hóa của loài người, khát vọng hoàn thiện là động cơ, còn nghịch cảnh là nhiên liệu giúp con người thành nhân.

3. Đau khổ thanh luyện đức tin của người Kitô hữu:

Nếu đau khổ làm cho đức tin của một số người giảm sút đi, thì nơi một số người khác, đau khổ lại giảm bớt đi, nhờ có lòng tin. Bởi lẽ, người thiếu tin tưởng thì thấy nghịch cảnh trong mọi cơ hội, còn người biết tin tưởng thì thấy cơ hội trong mọi nghịch cảnh. Trước cùng một cảnh ngộ bất hạnh, người không có đức tin coi đó là một sự phỉ báng của số phận và là một tai ương khủng khiếp, trái lại người có đức tin nhìn nó như là một cuộc tập dượt gian khổ để đạt đến sự thành công trong cuộc sống.

Để chấp nhận một cách êm đẹp những nghịch cảnh không thể tránh được,thì cần phải có một lòng tin mình xác vào Thiên Chúa, là Đấng mà Đức Kitô đã mặc khải. Còn để chiến thắng những nghịch cảnh khác, thì chỉ cần một niềm tin mặc nhiên cũng đủ, cho dù niềm tin minh xác và vững mạnh nâng đỡ được nhiều hơn.

Chúng ta gọi đức tin mặc nhiên vào Thiên Chúa là chính niềm tin tưởng cơ bản mà con người vẫn được mời gọi để gìn giữ và nuôi dưỡng, ngay cả khi đứng trước những bất hạnh to lớn nhất gặp phải giữa cuộc hành trình nơi trần thế, nếu không muốn phải rơi vào cảnh suy yếu, thảm bại và gục ngã: đó là niềm tin tưởng vào chính mình, vào những người đồng loại, vào nơi thiên nhiên, nơi những thực tại từng diễn ra ở những lúc khác; những chỗ dựa này, tự bản chất và trong những đường nét lớn đã tỏ ra tốt đẹp và thuận lợi cho cuộc sống của mọi người.

Niềm tin tưởng đối với hệ thống tổ chức của vũ trụ và đối với những tiềm năng của nhân loại như thế, có tốt hay không, mạnh hay yếu là tùy ở sự tự do lựa chọn và ở mức độ chăm lo nuôi dưỡng mà con người dành cho niềm tin đó. Không phải cứ sinh ra làm người là có đức tin; nhưng hễ sinh ra làm người thì ít là đã có được một tấm bản đồ sơ lược giúp cho con người tìm ra tọa độ của đức tin. Trong niềm tin tưởng cơ bản ấy, tuy mặc nhiên nhưng rõ ràng, tiềm ẩn một niềm tin vào một Đấng Thần Linh có bản tính nhân hậu, đã thiết kế và sáng tạo con người cùng vũ trụ qua một quá trình tiến hóa tiệm tiến. Hans Kung đã lưu ý rằng: “Nói lên lời thưa “vâng” đối với Thiên Chúa là nói lên quyết định tin tưởng vào một nền tảng đầu tiên, vào một điểm tựa quyệt đối, vào một mục tiêu tối hậu của thực tại; và xét cho cùng, niềm tin vào Thiên Chúa chính là nền tảng vững chắc và hợp lý của niềm tin tưởng đối với thực tại”.

Mỗi lần xảy đến một tai ương công cộng hay một bất hạnh cá nhân, thì những người có chút tin tưởng vào chính mình, vào cuộc sống, vào Đấng Thần Linh, đều cảm thấy được thúc đẩy bởi niềm tin ấy để tìm thuốc chữa, để chuẩn bị tự vệ, và để phát minh những phương tiện hầu chế ngự hoàn cảnh, ngay cả những lúc hy vọng hầu như không còn nữa hoặc chỉ là rất mong manh. Lòng tin là kích thích tố thúc đẩy con người sử dụng lý trí. Lý trí càng tập dượt thì càng sắc bén tinh vi. Nhờ đó, các công trình tiến bộ của con người ngày càng vươn cao từ thế hệ này đến thế hệ kia. Vì vậy, lòng tin luôn đi trước các phát minh, khám phá, đi trước những bước tiến bộ về mặt xã hội và kinh tế. Đức tin là nền tảng của kỹ thuật, khoa học và lý trí. Erikson đã quả quyết rằng: “Nhà bệnh học tâm thần không thể không thấy là có hàng triệu người không thể sống mà không theo một tôn giáo nào hết, và những người tự khoe khoang là mình không theo một đạo nào hết thì thường ứng xử trước mặt phân tâm như là những đứa trẻ ca hát trong bóng tối”.

Đức tin không chỉ là cuộc chiến đấu chống lại nghèo đói, thất nghiệp, bất công, bệnh tật, và cái chết. Nếu sự sống con người phát sinh từ một Trí Khôn nhân lành, thì khát vọng trước tiên mà bản tính tự nhiên và thiên nhiên gợi lên trong tâm lòng con người phải được thỏa mãn chính là khát vọng về Tình Yêu trọn vẹn và vĩnh cửu. Đức tin mặc nhiên hằng nuôi hy vọng đạt được đến chỗ mãn nguyện bằng “đường bộ”, nhưng khi đại dương chặn đường, thì nó buộc phải tìm đến một “phi trường”. Niềm tin vững vàng vào Thiên Chúa là Đấng Thượng Trí đặt tin tưởng vào cuộc sống và hiểu biết được những thực tại thẳm sâu nhất của cuộc sống ấy.

KẾT LUẬN

Người Kitô hữu không có quyền thất vọng. Họ cần phải nhìn thẳng vào những thực tại sâu nhiệm nhất của cuộc đời. Họ cần phải lắng nghe những tiếng thì thầm yêu thương của Thiên Chúa ở ngay trong những tiếng rên siết thê lương nhất vọng lên từ đáy tim của những con người đang ngụp lặn giữa những cơn sóng dồn gió dập của kiếp phù sinh.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thiết tha nhắn nhủ những chủ nhân của thế giới trong thiên niên kỷ thứ ba sắp tới rằng: “Trong ý thức của mỗi con người, cần phải củng cố niềm xác tín rằng có một Ai đó đang nắm trong tay mình vận mệnh của một thế giới đang qua đi. Có Ai đó nắm giữ chìa khóa cửa cái chết và hỏa học. Có Ai đó là Anpha và Ômêga của lịch sử con người, dù là lịch sử cá nhân hay tập thể. Nhất là phải củng cố niềm xác tín rằng Ai đó là Tình Yêu. Tình Yêu đã hóa thân làm người. Tình Yêu đã bị đóng đinh vào Thập Giá và đã sống lại. Tình Yêu luôn hiện diện giữa loài người! Người là Tình Yêu của hy lễ tạ ơn. Người là nguồn mạch hiệp thông không thể cạn. Người là người duy nhất mà chúng ta có thể tin tưởng trọn vẹn khi Người yêu cầu chúng ta: “Các con đừng sợ!”.

Thật thế, đức tin mở lối cho người Kitô hữu nhận diện được ý nghĩa đích thực và giá trị của đau khổ diễn ra nơi con người trong cuộc lữ hành tìm về cùng đích tối hậu của nhân trần. Thiên Chúa không cổ võ cho cuộc sống khổ đau, nhưng Thiên Chúa vẫn để cho con người vươn mình thăng tiến trong những nỗi bỉ cực của trần đời.

Đau khổ thúc đẩy tha nhân phải tìm đến chia sẻ, cảm thông, nâng đỡ nương tựa vào nhau, tạo nên sức mạnh kiên cường của tình thương để quật ngã những nỗi nguy nan, hiểm nghèo. Đau khổ chứa đựng một bài học giúp con người nhận ra thân phận mong manh, yếu đuối của mình. Sự cảm nhận chân thực đó khơi nên nỗi khao khát thẳm sâu nhất vọng lên từ tâm lòng mỗi người là muốn sống yêu thương và mong được yêu thương. Khát vọng yêu thương vô biên của nhân thế chỉ có thể được thỏa mãn khi mọi người biết cùng nắm tay nhau tìm về với Tình Yêu tuyệt đối và bất tận nơi Thiên Chúa là Đấng luôn mong mỏi chia sẻ cuộc sống thần linh tràn trào hạnh phúc cho những thụ tạo giống hình ảnh Người.

-----------------
THƯ MỤC

- Linh mục Đinh Thanh Bình. Lạy Chúa, sao Ngài im lặng? Tủ sách Dân Chúa : E. Melbourne. 1995 
- Marc Donzé : Sự hiện diện khiêm hạ. Pauline Nguyễn Thị Chung hiệu đính và dịch. Tủ sách Đại Kết : Uy Ban Đoàn Kết Tôn Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh. 1995. 
- Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II. Bước vào hy vọng. Nhóm Tin Yêu dịch. 
- Giáo sư Ngô Sĩ Đình. Giáo trình Hữu Thể Học. Niên học 1997-1998. 
- Giovanni Martintti. Khổ đau : Vần đề gai góc. Catherine Nguyễn dịch. 1995. 
- Dominique Morin. Gọi tên Thượng Đế (bản Việt ngữ). Nhà xuất bản Cerf. 1989. 
- Chơn Quang (biên soạn). Luận về Nhân Quả. Giáo hội Phật Giáo việt Nam. 1989. 
- Chơn Quang (Biên soạn). Ngiệp và Kết Quả-Karma-Vipaka. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. 1997. 
- Giáo sư Nguyễn Đăng Trực. Giáo trình Thần Luận. Niên học 1997-1998. 
- Chỉ một đức tin, chỉ một Thiên Chúa. Bản in ronéo không ghi tên tác giả. 1992.
- Chờ đợi Chúa. Veritas.

http://tsthdm.blogspot.com/2014/03/au-kho-than-phan-con-nguoi.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét