Trang

Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

HH THÁNH KINH :Học hỏi một bài tường thuật

HH THÁNH KINH  :Học hỏi một bài tường thuật

Loại văn chương chú trọng đến các ý tưởng. Bạn đã học hỏi một đoạn trong bài giảng trên núi của Đức Giêsu và một chương trong một thư của Thánh Phaolô







Cho tới đây, bạn đã tập trung vào thể loại văn chương nghị luận- loại văn chương chú trọng đến các ý tưởng. Bạn đã học hỏi một đoạn trong bài giảng trên núi của Đức Giêsu và một chương trong một thư của Thánh Phaolô. Cả hai đoạn này tự bản chất có tính cách giáo huấn- vì cả Đức Giêsu lẫn Thánh Phaolô đều cố gắng truyền đạt vài khái niệm quan trọng. Các Ngài sử dụng nhiều kỹ thuật văn chương để truyền thông tư tưởng. 

Để hiểu biết sâu sắc hơn sứ điệp của những đoạn văn ấy, bạn đã được hướng dẫn để tìm ra một số kỹ thuật. bạn đã tìm kiếm những từ chủ chốt, các lời khuyên, tương quan nhân quả, tương phản, so sánh, minh họa và từ nối. Các phương pháp bạn đã dùng với hai đoạn văn ấy có thể được áp dụng cho mỗi thể loại văn chương. 

Sáu từ hướng dẫn

Nhưng còn có một cách khác để quan sát một đoạn văn, nhất là văn tường thuật. Nó giúp bạn có những hiểu biết sâu sắc hơn các chi tiết của câu chuyện. Bạn có thể dùng sáu từ sau đây để hướng dẫn bạn: ai, ở đâu, khi nào, cái gì, tại sao, thế nào. 

Ta hãy xem cách sử dụng các từ ấy. Nó giúp ta quan sát các chi tiết của một đoạn văn tường thuật. Đừng quên rằng chúng cũng có thể được dùng để quan sát các thể loại văn chương khác. 

Ở ĐÂU: Lưu ý tới khung cảnh của câu chuyện. Xác định địa điểm trên bản đồ là điều rất hữu ích. 

KHI NÀO: Lưu ý thời gian xảy ra câu chuyện. Đôi khi bạn cần học hỏi những đoạn văn khác để xác định thời gian. 

AI: Lưu ý các nhân vật trong câu chuyện và mỗi người được mô tả ra sao. 

CÁI GÌ: Lưu ý trật tự chính xác và các chi tiết của các biến cố, các hành động và các đối thoại của các nhân vật. Đôi khi bạn sẽ thấy rất hữu ích khi liệt kê các biến cố, hành động, đối thoại theo thứ tự thời gian. Lưu ý tới cách các nhân vật ứng xử với nhau. 

Bạn hãy đọc câu chuyện với óc tưởng tượng. Cố gắng xây dựng các hình ảnh trong trí, tái tạo câu chuyện trong đầu của bạn. Khi bạn đọc, hãy cố nhìn, nghe, cảm thấy điều mà các nhân vật đã thấy, đã nghe, và đã cảm nhận. 

THẾ NÀO: Lưu ý cách kết thúc của câu chuyện, cách định hướng kết cục đó ra sao bởi các biến cố và hành động của các nhân vật. Lưu ý cách các nhân vật hành động và ứng xử ra sao, như là những người phàm xác thịt. Lưu ý cách họ ứng xử với nhau. 

TẠI SAO: Hãy quan sát xa hơn mặt chữ. Tự đặt vài câu hỏi: Tại sao các sự kiện xảy ra như thế? Tại sao các nhân vật hành động và ứng xử như thế? Họ có thể ứng xử cách khác không? 

Tiếp cận văn tường thuật

Chúng ta thường tiếp cận thể văn tường thuật Kinh Thánh cách hời hợt. Chúng ta có thể đã nghe mẩu truyện quá nhiều lần đến độ chúng trở nên tầm thường với ta. Hoặc chúng ta nghĩ đến sứ điệp của câu chuyện và quên rằng các nhân vật Kinh Thánh đó là những người có xương có thịt thật sự đã sống vào một thời gian cụ thể của lịch sử. Vì tiếp cận câu chuyện cách hời hợt như thế nên chúng ta cũng hời hợt trong cách giải thích và áp dụng sứ điệp. Ngoài việc dùng sáu từ hướng dẫn, xin bạn cũng hãy quan tâm thêm đến những lối tiếp cận sau đây khi học hỏi Kinh Thánh. 

Phải có óc thực tế: Khi học hỏi một câu chuyện Kinh Thánh, bạn hãy cố gắng đặt chúng vào trong bối cảnh lịch sử của thời kỳ đó. Chớ nhìn chúng qua lăng kính của thế kỷ hai mươi. Hãy nhớ rằng vào thời của Kinh Thánh, chưa có các chương trình bảo hiểm xã hội, chưa có máy lạnh, chưa có phong trào giải phóng phụ nữ,…Vì lý do đó, bạn cần học hỏi luật lệ, giáo huấn tôn giáo. Tập tục thói quen của thời ấy. 

Phải có óc tưởng tượng: Đa số các truyện Kinh Thánh chỉ đưa ra các sự kiện trần trụi. Khi đọc một câu chuyện, bạn hãy tạo”xương thịt” cho nó trong trí tưởng tượng của bạn. Hãy tưởng tượng bạn đang tham dự cảnh ấy. Hãy hình dung các sự việc như thể bạn đang nghe, đang thấy. Hãy cố gắng nhìn và nghe thấy không những các lời nói và hành động của các nhân vật Kinh Thánh, mà còn giọng nói, nét mặt và các cử chỉ của họ nữa. 

Phải đồng cảm: Đồng cảm có nghĩa là đồng hóa với nhân vật, với những vấn đề và cảm xúc của họ. Hãy cố gắng đi vào trong ”bụng” của các nhân vật Kinh Thánh, đồng hóa với họ trong những cảm xúc, khát vọng, đau thương, quan tâm, khó khăn, vui buồn của họ. Việc đồng hóa với những hành động và ứng xử bên ngoài của các nhân vật Kinh Thánh thì không khó lắm, nhưng hãy xác định những cảm xúc và nhu cầu bên trong, được phản ánh qua các hành động bên ngoài.
(Nguồn Lm. Giuse Nguyễn Văn Thịnh)

http://www.giaophanphucuong.org/muc-vu/giao-ly/hoc-hoi-mot-bai-tuong-thuat.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét