Trang

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Tìm Hiểu Sự Thật Về Cuộc Khổ Nạn Của Đức Giêsu (2)

Tìm Hiểu Sự Thật Về Cuộc Khổ Nạn Của Đức Giêsu (2)
Kính mời quý bạn đọc tiếp tục nghiên cứu.



(tiếp theo và hết)

Quốc Văn, OP

II. NHỮNG TRÌNH THUẬT KINH THÁNH
Truyền thống phụng vụ của Giáo hội cử hành cuộc khổ nạn của Đức Giêsu với việc thiết lập Bí tích Thánh Thể vào tối thứ năm tuần thánh. Các sách Tin mừng cùng bắt đầu trình thuật biến cố Đức Giêsu chịu đau khổ, chịu chết từ bữa tiệc ly.

1. Bữa tiệc ly

Đây là biến cố quan trọng trong cuộc đời của Đức Giêsu và các môn đệ, khởi đầu cho việc Đức Giêsu chịu đau khổ và chịu chết. Tân ước ghi lại bốn trình thuật về bữa tiệc của thầy Giêsu với các đồ đệ. Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô có tường thuật lại biến cố này (1 Cr 11,23-25) và cả ba tác giả Tin mừng Nhất lãm cũng ghi lại (Mc 14,22-25; Mt 26,26-29; Lc 22,19-20).

Tin mừng Nhất lãm đặt bữa tiệc ly trong bối cảnh bữa tiệc người Dothái cử hành lễ Vượt qua. Thánh Máccô viết: “Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, là ngày sát tế Chiên vượt qua, các môn đệ thưa với Đức Giêsu: Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt qua ở đâu?” (Mc 14,13)[1]. Thầy trò Đức Giêsu dùng bữa tiệc ly như bữa tiệc Vượt qua của mọi người Dothái khác.

Chiều tối, các môn đệ quây quần xung quanh Thầy bên bàn tiệc và Đức Giêsu nói: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt qua này nữa, cho tới khi lễ này được nên trọn trong Nước Thiên Chúa” (Lc 22,15-16) .

So sánh trình thuật Đức Giêsu chịu khổ hình trong Tin mừng Nhất lãm với trình thuật Tin mừng Gioan, ta thấy có sự khác biệt. Theo thánh Gioan, Đức Giêsu chết trên thập giá vào chính lúc người Dothái bắt đầu mừng lễ Vượt qua (Ga 13,1; 18,24; 19,14). Như vậy Đức Giêsu không thể dùng bữa Vượt qua này, vì vụ án Đức Giêsu được xử vào áp lễ Vượt qua.

Làm sao dung hòa được những khác biệt không nhỏ này? Tin mừng Nhất lãm thì nói Đức Giêsu bị bắt sau khi đã dùng bữa Vượt qua, còn Tin mừng  Gioan lại cho thấy Đức Giêsu bị xử trước lễ Vượt qua. Các học giả đưa ra nhiều giải thích khác nhau. Có người cho rằng vào thời đó có hai loại lịch: lịch của các tư tế Giêrusalem và lịch của cộng đoàn Etxêno.[2]Theo lịch của các tư tế thì lễ Vượt qua được mừng vào đúng ngày rằm tháng Nisan, bất kể là ngày nào trong tuần; còn lịch của cộng đoàn Etxêno thì mừng lễ vào ngày thứ ba trong tuần. Trên cơ sở này, chúng ta có thể hiểu việc Đức Giêsu ăn lễ Vượt qua theo lịch của cộng đoàn Etxêno vào ngày thứ ba, còn thánh Gioan thì cho rằng Đức Giêsu đã theo lịch ở đền thờ Giêrusalem, năm ấy ăn mừng lễ Vượt qua vào ngày Sabát. Một ý kiến khác cho rằng sở dĩ thánh Gioan mô tả Đức Giêsu chịu chết vào đúng ngày dân Dothái mừng lễ Vượt qua là do ngài có dụng ý thần học. Chính Đức Giêsu là Chiên vượt qua, là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian (Ga 1,29; 19,33-36). Tuy nhiên, chúng ta chưa bàn ở đây những khiá cạnh thần học, mà chỉ nêu lại một biến cố quan trọng, biến cố gây ấn tượng sâu sắc trong lòng các môn đệ trước khi Đức Giêsu chịu khổ hình thập giá.

Trong bữa tiệc này, những lời Đức Giêsu tiên báo về cuộc khổ hình của Người trước kia giờ đây sắp nên hoàn trọn. Chỉ một lời của Người nói kèm với chén rượu, chúng ta cũng có thể cảm nhận được “sức nặng” của những giây phút trọng đại này: “Đây là máu Thầy đổ ra cho các con” (Lc 22,20). Đức Giêsu đã tự hiến mình cho Thiên Chúa Cha, cho cả nhân loại này, và để lộ ra một tình yêu sâu thẳm, khôn cùng. Những việc làm trong bữa tiệc ly đã trở nên một giá trị biểu tượng của lòng yêu mến và khiêm hạ: lấy thịt mình để nuôi nhân loại và cúi xuống rửa chân cho từng môn đệ. Sau bữa tiệc, Đức Giêsu đi vào hồi thương khó.

2. Tại vườn Giếtsêmani
[3]

Vào khoảng gần nửa đêm, Đức Giêsu cùng các môn đệ rời nhà tiệc ly đi về vườn Giếtsêmani. Chắc hẳn Người đã đi theo con đường thoai thoải hình tam cấp dẫn xuống thung lũng gọi là Tyropéon mà các nhà khảo cổ đã khai quật tìm được, để ra khỏi thành qua cửa Suối Nước. Đoàn người lầm lũi đi theo hướng Bắc tiến về suối Cedron. Dọc đường, Đức Giêsu còn căn dặn các môn đệ những lời cuối cùng: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy, vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên và đàn chiên sẽ tan tác” (Mt 26,31). Chúng ta bắt gặp nơi đây hình ảnh năng động của tông đồ trưởng Phêrô, một người nhiệt tình sôi nổi: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng sẽ không bao giờ vấp ngã”. Đức Giêsu bảo ông: “Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần” (Mt 26,33-34). Ông Phêrô còn khẳng định thêm một lần nữa: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”; và không chỉ Phêrô thề thốt mà thôi, các môn đệ cũng đều nói như thế (Mt 26,35). Nhưng sự tình thế nào, hẳn chúng ta đã rõ, khi Đức Giêsu bị bắt, các ông chạy tán loạn, chỉ còn ông Phêrô là “can đảm” theo Thầy xa xa và cuối cùng đã chối Thầy, đúng như lời Đức Giêsu tiên báo.
Ngày nay, ngoài vườn Giếtsêmani còn một động đá mệnh danh là “hang phản bội”, hẳn để nhắc lại biến cố đau lòng của Phêrô và các môn đệ đã bỏ Chúa.
Tại vườn Giếtsêmani, Đức Giêsu đã trải qua những giây phút cuối đời đầy sợ hãi và đau khổ. Hãy nghe lời Ngài nói với các môn đệ: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được, anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy” (Mt 26,38). Lúc này, tâm hồn Người nặng trĩu, lo sợ, luôn hướng về Chúa Cha và cầu nguyện tha thiết. Thánh Luca miêu tả: “Mồ hôi Người như những giọt máu 
rơi xuống đất
” (Lc 22,44).[4]


Đức Giêsu đã trải qua cơn hấp hối trong vườn Giếtsêmani này. Theo tiếng Hylạp, “Agonic” (cơn hấp hối) có nghĩa là sức cố gắng tuyệt mức của một lực sĩ trong hí trường, được áp dụng cho cuộc đối kháng cuối cùng của con người với sự chết. Cơn hấp hối của Đức Giêsu cũng là một cuộc đối đầu với những nỗi phiền não tận cùng như hãi hùng xao xuyến (Mc 14,33), buồn bã (Mc 14,34)… Bossuet giải thích: “Sự buồn bực làm cho linh hồn không muốn sống, coi thời gian như một khối nặng ; sự lo sợ làm đảo lộn tâm hồn trước viễn cảnh nhiều khốn khó sắp đổ xuống; sự ưu phiền phủ xuống một màu tang tóc và sự suy nhược làm mất hết nhuệ khí”.[5] Đó là những nỗi gian truân đau khổ đè nặng trên tâm hồn và thể xác Đức Giêsu trong vườn Giếtsêmani. Nỗi khổ này lên đến cực độ khiến Người phải kêu lên: “Abba, Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự, xin tha cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha” (Mc 14,36). Cơn bão lòng nổi lên dữ dội, ba lần Đức Giêsu đi cầu nguyện, các môn đệ vẫn ngủ vùi. Giờ của Người sắp đến.

Cuộc đấu tranh nội tâm của Đức Giêsu lắng đọng lại, Người đứng dậy trở về chỗ các môn đệ đang ngủ và bảo các ông: “Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Thôi đủ rồi. Giờ đã điểm. Này Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi. Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới” (Mc 14,41-42), xa xa vẳng lại tiếng bước chân rầm rập, tiếng giáo mác khua động và những ánh lửa lập loè trong bóng cây đêm tối.

3. Đức Giêsu bị bắt

Cả bốn thánh sử đều cho biết việc Đức Giêsu bị bắt không phải là điều ngẫu nhiên, tất cả đều có tính toán xếp đặt. Theo thánh sử Máccô (14,1-2) và Luca (22,1-2), hai ngày trước lễ Vượt qua, các thượng tế và kinh sư tính kế bắt Người và giết đi. Thánh Mátthêu còn cho biết là các thượng tế và kỳ mục đã họp nhau tại nhà thượng tế Caipha; còn theo thánh sử Gioan (11,47), các thượng tế và người Pharisêu triệu tập Thượng hội đồng dưới quyền chủ toạ của Caipha.[6]


Trước khi đi vào chi tiết việc Đức Giêsu bị bắt, chúng ta thử tìm hiểu tại sao Đức Giêsu bị thanh trừng như vậy? Trước kia nhóm Pharisêu và nhóm Hêrốt đã âm mưu thanh toán Người, khi Người mới xuất hiện ở Galilê. Đức Giêsu bị ghép vào tội phạm thượng, vi phạm lề luật (Mc 3,6; Mt 12,14), và giờ đây, khi Đức Giêsu vào Giêrusalem, có đám đông tháp tùng  hò la vang dội, phải chăng đã đến giờ Người “phất cờ khởi nghĩa”? Người là ai mà dám xua đuổi con buôn ra khỏi đền thờ? Người muốn lật đổ quyền bính tôn giáo hay sao? Quân Rôma lúc này mà mượn cớ kéo đến can thiệp thì mạng sống người dân và đền thánh Giêrusalem cũng khó bề giữ được. Giết quách ông Giêsu này đi là thượng sách! Và việc gì đến đã đến.

Cuộc mưu sát Đức Giêsu đã được chuẩn bị kỹ càng, những chi tiết đều được xem xét cẩn thận, đề phòng mọi bất trắc. Vị thượng tế có một số gia nhân và một đội dân quân lo việc trật tự nơi đền thờ. Nhưng để tránh phiền phức với chính quyền Lamã, ông đã xin Tổng trấn Philatô cấp cho một tiểu đội lính do một sĩ quan chỉ huy. Thánh Gioan hai lần nhắc tới điều này (Ga 18,3.12).

Giuđa Iscariốt được trao trách nhiệm dẫn đường. Có lẽ vì ông là môn đệ nên biết rõ đường đi nước bước của Thầy. Ông nắm chắc rằng sau khi dự tiệc Vượt qua, Thầy không thể về lại Bêtania được, vì trời đã khuya và đoạn đường lại dài vượt con số giới hạn luật cho phép được đi trong ngày Sabát. Chỉ còn lại vườn Giếtsêmani, nơi Thầy đã có lần trải qua đêm, và nhất là Thầy hay đến đó cầu nguyện. Những gì ông phỏng đoán đã được kiểm chứng.

Tại đồn Antônia,[7] tiểu đội Lamã chuẩn bị đèn đuốc như một cuộc hành quân đêm, họ chỉ có phận sự yểm trợ, đề phòng bất trắc. Việc bắt giải Đức Giêsu thuộc quyền toán quân đền thờ và gia nhân vị thượng tế. Màn đêm bao trùm cả thành phố Giêrusalem, mọi người đã yên giấc, trong khi đó Đức Giêsu sắp sửa bị bắt như một tên tội phạm. Liên can đến vụ án này, thánh sử Mátthêu nói đến các gia nhân vị thượng tế và các kỳ lão trong dân (Mt 26,47), Luca nói đến các thầy cả thượng phẩm, các trưởng vệ binh đền thờ và các bô lão (Lc 22,52), còn thánh Gioan nhắc đến các biệt phái và tiểu đội lính với vị chỉ huy (Ga 18,3).
Lúc này, cái hôn của Giuđa là dấu hiệu để cho quân lính bắt Đức Giêsu. Lẽ thường, nụ hôn là cử chỉ thân thiện người thân trao cho nhau, còn đây, nụ hôn của Giuđa như một cái tát tai nảy lửa, là dấu hiệu nộp Thầy. Theo ám hiệu, toán quân và gia nhân xông tới bắt Đức Giêsu. Các môn đệ hoảng loạn bỏ trốn. Một mình Đức Giêsu với toán quân hùng hổ, Người bị điệu đến vị thượng tế.

4. Việc xử án

Theo các trình thuật của Tin mừng, chúng ta có thể dựng lại diễn tiến việc xử án Đức Giêsu qua hai phiên tòa.

a. Phiên tòa Dothái
 

Theo Tin mừng Nhất lãm, sau khi bị bắt, Đức Giêsu bị điệu ngay tới thượng đế Caipha, nơi đó các thượng tế, kỳ mục và kinh sư đang hội họp. Đức Giêsu bị thẩm vấn cùng chịu lăng nhục như bị bịt mắt, đấm đánh, khạc nhổ vào mặt… (Mc 14,15; Mt 26,67-68; Lc 22,63-65). Còn thánh Gioan thì cho rằng Đức Giêsu bị điệu ngay ra trước ông Khana để thẩm vấn rồi sau đó mới qua thượng tế Caipha và bị giam lại ở đây. Tại sao Đức Giêsu lại bị điệu đến Khana mà không trực tiếp giao cho vị thượng tế đương nhiệm là Caipha? Câu trả lời là vì Khana lắm thực quyền không cần chức vụ, Caipha là con rể giữ chức thượng tế nhưng chỉ như nhân vật bù nhìn, như tấm bình phong che mắt chính quyền Lamã. Vì thực tế Khana bị tổng trấn Valerius Gratus bãi chức, nhưng ông vẫn được coi là người kế vị hợp pháp của thầy cả thượng phẩm Aharon. Như vậy, cuộc tra tấn của Khana là bất hợp pháp[8] không có biện lý, không có đủ túc số nhân viên hội đồng, hiện diện chỉ là một toán người hung hăng đã áp giải Đức Giêsu từ vườn Giếtsêmani.
Đây là một vụ xử án ban đêm, phiên tòa xét xử gồm các thượng tế, kỳ mục và kinh sư (theo thánh sử Máccô và Mátthêu). Phiên tòa này kéo dài cho đến sáng, hay sáng hôm sau còn một phiên tòa khác, đây là điều còn nhiều tranh luận. Thánh Luca chỉ nhắc tới một phiên tòa ban sáng mà thôi (Lc 22, 66-71).

Về phương diện pháp lý, sách Mishna cho thấy luật của Thượng hội đồng không cho phép xử các vụ đại hình vào ban đêm hay vào các ngày đại lễ hoặc áp lễ. Ngoài ra, bản án tử hình chỉ trở thành chung thẩm sau hai phiên tòa xét xử. Hơn nữa, vào thời Đức Giêsu, Thượng hội đồng bị tước mất thẩm quyền lên án tử hình, quyền này thuộc chính quyền Rôma. Như vậy, sự thật vụ án Đức Giêsu là như thế nào, có tính lịch sử hay chỉ là hộ giáo?[9]


Trả lời cho vấn nạn này, Rinaldo Fabris cho thấy những thủ tục hình sự ghi trong sáchMishna là bộ sưu tập án lệ vào thế kỷ II scn, vì thế không chắc có được thi hành vào thời Đức Giêsu. Hơn nữa, chẳng ai bảo đảm được ràng Thượng hội đồng đã tuân hành nghiêm chỉnh những luật lệ này. Bằng chứng là sách Công vụ Tông đồ cho thấy hai ông Têphanô và Giacôbê bị ném đá chết mà chẳng hề có xét xử gì cả (Cv 7,55 - 8,4; 12,2).

Về phiên tòa xét sử Đức Giêsu, các sử gia đưa ra nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cũng là những giả định hơn kém. Thực ra, các thánh sử không chủ trương miêu tả chi tiết phiên tòa, nhưng chỉ muốn cho thấy xung khắc giữa giới lãnh đạo tôn giáo Dothái và Đức Giêsu lên đến cao trào, vì họ cho là Người đã làm những điều trái tai gai mắt, ăn nói lộng ngôn, vi phạm lề luật, lạm dụng quyền bính (đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ…) đó cũng là những lý do họ đã kết án Người. Vấn đề là chờ cơ hội.

Theo luật Môsê, muốn kết án tử hình một người, buộc phải có hai hay ba nhân chứng phù hợp. Thế nhưng trong vụ án Đức Giêsu, không có những nhân chứng theo đúng luật định, chỉ có hai người làm chứng gian đến cung khai. Một người khai rằng: “Người này đã nói: tôi có thể phá đền thờ Thiên Chúa và nội trong ba ngày, sẽ xây cất lại” (Mt 26,61). Người kia khai rằng: “Chúng tôi có nghe ông ấy nói: tôi sẽ phá đền thờ do tay người phàm xây dựng và nội ba ngày, tôi sẽ xây một đền thờ khác, không phải do tay ngươi phàm!” (Mc 14,58). Ta thấy hai lời cung khai này không phù hợp nhau, và cũng chẳng phản ánh đúng những lời Đức Giêsu đã nói: “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Trước những luận điểm vu khống Đức Giêsu chỉ im lặng, mặc cho Caipha gặn hỏi: “Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó?” (Mt 26,62).

Hồi gay cấn sắp đến lúc kết thúc, vị thượng tế đã đặt một câu hỏi trực tiếp liên quan đến căn tính của Đức Giêsu: “Ông có phải là Đấng Kitô, Con của Đấng đáng chúc tụng không?” (Mc 14,61 tt). Đức Giêsu đã xác nhận vai trò của mình và như một cơ hội Người giải thích ý nghĩa từ Mêsia, Đấng Kitô cho họ. Và lời giải thích này bị coi như một chứng cớ phạm thượng. Họ đã kết án Đức Giêsu.

Nhưng làm sao có thể tử hình Đức Giêsu đây? Thượng hội đồng không có quyền này, hơn nữa, về phía chính quyền Rôma thì sao? Cứ giao về cho Tổng trấn Philatô là thượng sách!

b. Phiên tòa Rôma
 
Nếu như tại phiên tòa Dothái, Đức Giêsu bị kết án vì lý do tôn giáo, thì bây giờ tại phiên tòa Rôma, Đức Giêsu lại bị kết án vì lý do chính trị. Đức Giêsu bị giải đến trước tòa Phongxiô Philatô, ông là vị Thủ hiến kiêm Tổng trấn toàn quyền xứ Giuđêa.[10]

Theo sử gia Josephus Flarius, vào thời ấy, các Tổng trấn được hoàng đế ủy quyền tư pháp rộng rãi, kể cả quyền lên án tử hình. Nhất là đối với các ngoại kiều, quyền này cũng được áp dụng rộng rãi hơn, đặc biệt với các cuộc bạo loạn cần kịp thời ngăn chặn. Như vậy, Philatô có quyền chặt đầu Đức Giêsu ngay mà không cần phiên toà xét xử.(!?) Tuy nhiên, Tin mừng cho thấy Philatô đã không áp dụng thiết quân luật này, một vài nguyên tắc tố tụng hình sự đã được tôn trọng: phiên tòa xử công khai chứ không kín đáo, bị cáo được quyền lên tiếng, biện minh… tục truyền là phiên tòa xử Đức Giêsu đã diễn ra tại đồn Antonia nằm ở mạn Đông Bắc đền thờ.

Phiên tòa lập ra để xử bị cáo như một tội phạm chính trị. Tổng trấn điều tra cặn kẽ xem Đức Giêsu có phải là vua dân Dothái không (Mc 15,2. 9.12. 26. 32; Mt 27,11), dân chúng thì tố cáo Người về tội xách động dân chúng, ngăn cản dân nộp thuế cho hoàng đế Xêda, và lại còn tự xưng mình là Mêsia, là vua nữa. Ngay cả bản án Đức Giêsu cũng nói rõ điều này: “Giêsu Nadarét, vua dân Dothái”. Thực chất đây chỉ là những chứng cứ giả tạo, và ngay cả Philatô cũng không tìm thấy được lý do gì để kết án tử hình, ông muốn cho đánh đòn cảnh cáo Đức Giêsu rồi tha về.[11]


Ý định này của Philatô không thành, ông còn bị áp lực mạnh mẽ của dân chúng. Như thế, có thực đám đông giữ vai trò quyết định cái chết của Đức Giêsu lúc này? Việc đám đông la ó đòi giết Đức Giêsu chỉ là một hiện tượng tâm lý quần chúng hay là có khoản luật nào dành cho họ quyền này không? Một số sử gia nghiên cứu về luật pháp cho rằng ở một vài thành phố miền Đông đế quốc Rôma có qui định  giao các bản án tử hình cho quần chúng nhân dân xét xử. Tuy nhiên, trường hợp ở Giêrusalem, phiên tòa xử Đức Giêsu thì điều này không chắc chắn.[12]


Để đẹp lòng dân và một mặt Philatô cũng sợ dân kiện tụng lên hoàng đế, nên khi biết Đức Giêsu là người Galilê, thuộc quyền vua Hêrôđê Antipas, ông này hiện đang có mặt ở Giêrusalem, nên Philatô truyền dẫn Đức Giêsu đến dinh Hêrôđê.[13]


Hêrôđê đã nghe nói nhiều về Đức Giêsu, có người cho đó là hồn Gioan Tẩy Giả, người chính ông ra lệnh chém đầu, đã nhập vào Đức Giêsu; lại nghe đồn Đức Giêsu làm rất nhiều phép lạ…, nên ông mong mỏi một lần được gặp Người. Hôm nay, khi thấy Đức Giêsu thì ông mừng lắm, nhà vua hỏi Người nhiều điều, nhưng Đức Giêsu vẫn thinh lặng. Cuối cùng Hêrôđê phẫn nộ và cho đây là một hành động khi quân, nên ông đã tìm cách báo thù theo kiểu cách của ông. Ông tỏ ra khinh con người mà ông vừa vồn vã đón tiếp. Ông lấy một tấm áo rực rỡ mặc cho Người, chế diễu Người xong họ lại giải về trao trả cho Philatô.

Dân chúng lại hò la vang dội: “Hãy để cho máu nó đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Mt 27,25). Trước áp lực mạnh mẽ của dân, Philatô rửa tay như muốn trốn tránh trách nhiệm,[14] rồi ông truyền phóng thích Baraba, còn Đức Giêsu sau khi truyền đánh đòn, ông trao lại cho họ đóng đinh vào thập giá.

Bản án Đức Giêsu khép lại. Tuy nhiên khi tìm về lịch sử, chúng ta tự hỏi ai là người lãnh trách nhiệm trước cái chết của Đức Giêsu?

Có ý kiến quy trách nhiệm cho Thượng hội đồng Dothái, Philatô chỉ là người duyệt bản án Thượng hội đồng Dothái đã quyết định và cho phép thi hành. Như vậy, trách nhiệm của ông giảm nhẹ.

Có người cho rằng tội của Philatô rất nặng, vì ông nhu nhược không dám hành xử theo đúng quyền của mình, biết Đức Giêsu vô tội mà vẫn để dân chúng xách động, cuối cùng đã kết án tử hình Người.

Ý kiến khác nữa quy trách cho đám đông dân chúng. Philatô hay Thượng hội đồng Dothái chẳng làm gì khác được. Ý kiến này muốn bênh vực, chạy tội cho Philatô, có thể vì lý do tế nhị: sau vụ án Đức Giêsu mấy chục năm Tin mừng mới được viết ra, lúc này công việc truyền giảng đang được đẩy mạnh, đặc biệt ở Rôma, nên không thể quy trách cho Philatô, một tránh né tế nhị để rao giảng Tin mừng.

Tuy nhiên, chúng ta không đặt nặng vấn đề trách nhiệm thuộc về ai, dù sao Đức Giêsu cũng đã chết, một sự kiện lịch sử rõ ràng, đó là điều chúng ta đang tìm hiểu.

5. Cuộc hành quyết

a. Đánh đòn
 
Việc đánh đòn các tử tội được nhiều sử gia Rôma ghi lại như một thủ tục của hình luật, mở đầu cuộc hành quyết. Hình khổ này không được áp dụng cho các công dân Rôma, mà chỉ dành cho ngoại kiều. Tội nhân bị lột trần, trói vào một cây cột trong tư thế khom lưng, đối tượng đón lấy trận mưa đòn. Hình cụ là những dây da cứng, đầu mút có hai thỏi chì hoặc những mũi nhọn gọi là “bò cạp”. Đức Giêsu đã chịu những trận đòn như thế, hơn nữa, quân lính còn bày trò ra để chế nhạo Người. Họ nghĩ ra nghi lễ đăng quang, mặc cho Người một áo đỏ, lấy vòng gai làm vương miện đội lên đầu Người, rồi họ cung kính bái chào: “Vạn tuế Đức vua dân Dothái” (Mc 15,16-18). Chúng còn dùng cây sậy đập lên đầu Người, khạc nhổ vào mặt Người, rồi lại quỳ gối bái lạy. Tấn khổ hình đã trở nên như một trò tiêu khiển, thú vui con người dành cho con người!
b. Vác thập giá
Tiếp sau cuộc đánh đòn, tử tội phải vác thập giá tới nơi hành hình. Theo chứng tích của các sử gia Rôma, các nạn nhân chỉ vác thanh ngang (Patibulum) mà thôi[15]; tuy nhiên cũng có những trường hợp tử tội phải vác cả thập giá.[16] Tới pháp trường, nạn nhận bị treo lên cây cột đã chôn sẵn. Tử tội có thể bị cột vào thập giá hoặc bị đóng đinh, Đức Giêsu bị đóng đinh vào thập giá.
Theo các thánh sử, dọc đường quân lính bắt ông Simon Kyrênê vác thập giá cho Đức Giêsu (Mc 15,21). Ông Simon là người Dothái gốc Kirênê, thuộc miền Bắc Phi, nơi có một cộng đoàn Dothái (xc. Cv 6,9), có lẽ ông đi về Giêrusalem dự lễ Vượt qua. Thế là ông bị cưỡng bức lao động, vì họ sợ Đức Giêsu bị chết dọc đường không đủ sức đến nơi hành quyết.
Điểm hành quyết là đồi Golgotha, nghĩa là đồi Sọ,[17] nơi đã chôn sẵn thanh dọc của thập giá. Tin mừng cũng cho biết thêm chi tiết, có hai tử tội cùng chịu hành quyết với Đức Giêsu. Tại Rôma lúc bấy giờ, hình phạt thập giá là một cực hình không những chỉ đau đớn mà còn làm cho tử tội thêm nhục nhã, bị lột trần treo lên cho kẻ qua người lại chế diễu. Hình phạt này chỉ dành cho tiện dân, nô lệ và ngoại kiều, công dân Rôma không bị xử theo hình phạt này.

Để giúp tử tội bớt đau đớn và chóng chết, họ đánh gẫy ống chân nạn nhân để họ không còn sức chống đỡ thân xác, sức nặng toàn thân kéo xuống, xương ngực giãn ra và làm căng lồng ngực, buồng phổi đầy khí vào nhưng không thoát ra được, vì các bắp thịt thở ra bại dần, nạn nhân ngộp dần và chết.

Đức Giêsu vì quá sức chịu đựng  đã chết trước khi quân lính đến, nên khi thấy Người đã chết, họ không đập gẫy ống chân Người nữa. Nhưng dã man hơn, một tên lính đã lấy đòng đâm vào cạnh sườn Người, đụng ngay vào trái tim: máu cùng nước chảy ra.[18] Đức Giêsu đã thực sự tắt thở, Người như một kẻ công chính bị bách hại, ứng nghiệm những gì Kinh thánh đã nói về Người tôi tớ đau khổ của Giavê. Những chi tiết của Tin mừng cho thấy điều đó. Chẳng hạn như việc Đức Giêsu uống rượu pha mật đắng, một đàng là theo thói quen của người  Dothái thường làm cho các tử tội, giúp cho tử tội bớt đau đớn, đàng khác sự kiện này dựa theo sách Châm Ngôn 31,6; theo lời Thánh vịnh 69,2: “Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng, con khát nước lại cho uống giấm chua”. Việc Đức Giêsu bị lột áo và quân lính đem chia chác cũng được nhắc đến trong bối cảnh của Thánh vịnh 22,19: “Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn”. Tin mừng thuật lại sau cái chết của Đức Giêsu, nhiều điều lạ xảy ra, trời đất tối tăm, màn trong đền thờ thì xé ra… Ta có thể nói những yếu tố này được viết ra mang dụng ý thần học nhiều hơn là lịch sử… Theo Tin mừng thánh Gioan, Đức Giêsu qua đời vào ngày lễ vọng Vượt qua, các sử gia cho rằng đó là ngày thứ sáu, ngày 07. 04. 30 hay 04. 04. 33. Theo Tin mừng Nhất lãm thì Đức Giêsu qua đời vào ngày thứ sáu, sau lễ Vượt qua, có thể là ngày 27. 04. 31.

c. Việc mai táng
Theo tục lệ của người Dothái, thi hài tử tội phải được mai táng ngay. Hơn nữa, như Tin mừng Gioan thuật lại, vì ngày lễ Vượt qua đã tới, nên việc mai táng Đức Giêsu phải thi hành gấp rút. Cả bốn Tin mừng đều nói về việc Đức Giêsu được hạ xác xuống khỏi thập giá và an táng trong mồ (Mt 27,57-61; Mc 15,42-47; Lc 23,50-55; Ga 19,38-42). Tin mừng nói rõ đó là ngôi mộ mới của ông Giuse Arimathê, ông này là thành viên của Thượng hội đồng nhưng ông không tán thành việc kết án Đức Giêsu, hơn nữa, ông còn là môn đệ Đức Giêsu, nhưng chỉ là lén lút không dám công khai. Việc mai táng Đức Giêsu do chính ông cùng với một người bạn là ông Nicôđêmô, hai ông này đã tới xin phép Tổng trấn Philatô hạ xác Đức Giêsu, tẩm liệm và an táng trong mồ. Chứng kiến việc này, có vài phụ nữ
như bà Maria Mácđala và một bà khác cũng gọi là Maria (Mt 27,61); rồi đây chính
  1. các bà là người báo tin chứng kiến ngôi mộ trống vào sáng phục sinh (Mt 18,1). Việc an táng xong, các ông lăn tảng đá lấp cửa mộ.
Thánh sử Mátthêu còn cho chúng ta biết thêm chi tiết, các thượng tế và người Pharisêu xin Tổng trấn cắt đặt một tiểu đội binh sĩ đến canh ngôi mộ, vì sợ rằng: “Lúc sinh thời, tên bịp bợm ấy có nói: sau ba ngày ta sẽ trỗi dậy. Xin quan lớn truyền canh mộ cho đến ngày thứ ba, kẻo môn đệ hắn đến lấy trộm hắn đi rồi phao với dân là hắn đã từ cõi chết trỗi dậy” (Mt 27,63-64).[19] Họ ra đi đóng ấn niêm phong tảng đá, rồi cắt đặt lính canh gác ngôi mộ (Mt 27,66).
KẾT LUẬN

Có lẽ sẽ không ai ngờ có vụ án cả 2000 năm sau người ta vẫn nhắc lại, vẫn bàn cãi; một tử tội gây xôn xao bao tâm hồn con người: có kẻ chống báng chê bai; có người ủng hộ, thương khóc. Và cũng chính Con Người ấy, ngày hôm nay cả thế giới biết đến, vạn vạn con tim rung động, dõi theo làm môn đệ. Con Người ấy đã chết và nay đang sống. “Đức Giêsu, hôm qua, hôm nay, và mãi mãi vẫn là một” (Dt 13,8).

Ngày nay có lẽ không ai phủ nhận Đức Giêsu là con người lịch sử thực sự. Lời đã đi vào trần gian và mặc lấy xác phàm (Ga 1,14), Lời mang một danh xưng cụ thể: Giêsu. Đức Giêsu ấy đã bị giết chết, dấu chứng lịch sử vẫn còn để lại; Đức Giêsu ấy đã sống lại, chứng từ niềm tin vẫn còn đó. Đức Giêsu đã làm cho lịch sử hữu hạn này mang lấy chiều kích siêu việt, vượt thời gian và không gian.

Lật lại vụ án Đức Giêsu cũng là ôn lại một chặng đường lịch sử, lịch sử con người và cũng là lịch sử cứu độ. Dòng lịch sử với những con người tên tuổi cụ thể như Caipha, như Philatô, như Hêrôđê và dĩ nhiên là cả danh Giêsu nữa. Và đó cũng là dòng lịch sử được siêu thăng, lịch sử của những con người được cứu độ qua cái chết của Đức Giêsu.

Đứng trước cái chết của Đức Giêsu, bao vấn nạn lại được khơi dậy: ai là thủ phạm của cuộc sát hại này? Các thủ lãnh Dothái, Philatô hay đám đông dân chúng? Tự bao giờ, trong tâm thức của người Kitô hữu, ông Giuđa vẫn là một “tên phản bội”, là “thằng bán Chúa”; các thủ lãnh Dothái là những quân “Giurêu” ác độc… và cả dân Dothái bị qui trách cho tội giết Chúa. Mối hiềm khích giữa người Kitô hữu với người Dothái vẫn là một lỗ hổng lớn khó lấp đầy.

Những tư tưởng, lối nhìn như thế đã đến lúc phải thay đổi. Thực ra Đức Giêsu chết cho mọi người, trong đó có chúng ta, có cả những người Dothái nữa. Phải đặt mình trong lịch sử cụ thể, mới mong có được cái nhìn tạm gọi là công bằng; phải đặt mình vào tâm trạng của ngươi Dothái đã từng mất nước, từng lưu đầy, nhiệt thành với lề luật Môsê, mới có thể hiểu được nỗi lo: “Mọi người sẽ tin vào Giêsu, rồi người Rôma sẽ đến phá hủy nơi thánh của ta lẫn dân tộc của ta” (Ga 11,48), và như vậy chúng ta mới hiểu được quyết định: “một người chết thay cho dân, còn hơn toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,49-50) là một quyết định sáng suốt. (?)

Biến cố Đức Giêsu chịu khổ hình diễn ra trong dòng lịch sử, nhưng đó cũng là một biến cố siêu lịch sử nữa, biến cố của niềm tin. Chẳng phải chúng ta đã tin rằng Đức Giêsu chịu chết là thánh ý Chúa Cha sao? Chẳng lẽ Đức Giêsu không vâng phục Cha, không làm cho những lời Kinh thánh viết về Người được nên hoàn trọn? Và nếu Đức Giêsu không chết đi thì tội chúng ta vẫn còn đó; chúng ta vẫn ngàn trùng xa cách Thiên Chúa, chúng ta vẫn không thể đền tội cho chính mình. Và nếu Đức Giêsu không chết đi, có lẽ cũng chẳng có giao ước mới, chẳng có Hội thánh… đặt vấn đề để chúng ta thêm lòng xác tín, chứ thực ra Thiên Chúa và chương trình của Người chẳng phải là những cái “nếu” của chúng ta!

Và như thế, người Dothái không phải chịu trách nhiệm tập thể về cái chết của Đức Giêsu.[20] Vì tính cách phức tạp về mặt lịch sử trong vụ án Đức Giêsu, Tin mừng cho chúng ta nhận ra những con người liên quan đến vụ án, còn phần trách nhiệm thuộc về ai điều đó Thiên Chúa biết, chúng ta không có quyền xét xử. Mặc dù  trong thực tế chúng ta có thể hình dung ra cả đám đông dân chúng hiếu kỳ, la ó (xc. Mc 15,11), và trong bài giảng sau lễ Hiện Xuống, các Tông đồ có trách móc cả người Dothái nữa (xc. Cv 2,33. 36; 3,13-14; 4,10; 5,30; 7,52; 10,39; 13,27-28; 1 Tx 2,14-15), nhưng Đức Giêsu đã tha thứ cho họ rồi. Chúng ta cũng không thể kết án người Dothái với những lời hò hét: “Máu hắn cứu đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Mt 27,25). Vì Đức Giêsu đã nói: “Họ lầm không biết việc mình làm” (Lc 23,34), và thánh Phêrô cũng coi những người Dothái ở Giêrusalem và cái các thủ lãnh của họ đã hành động vì không biết (Cv 3,17).

Tại công đồng Vaticanô II, Hội thánh đã tuyên bố: “Không thể quy trách nhiệm một cách hàm hồ những tội ác đã phạm trong khi Đức Giêsu chịu khổ nạn cho hết mọi người Dothái thời đó, cũng như người Dothái thời nay… Từ Thánh kinh, không thể rút ra kết luận Thiên Chúa đã loại bỏ người Dothái hoặc đã chúc dữ cho họ”.[21]


Điều chúng ta có thể khẳng định ở đây mà không sợ sai lầm là mọi kẻ tội lỗi là thủ phạm gây ra cuộc khổ nạn của Đức Giêsu.[22] “Chúng ta phải coi những kẻ sa đi ngã lại trong tội lỗi là những người đã phạm tội tầy trời nhất. Bởi lẽ, chính tội của ác chúng ta đã làm cho Đức Giêsu phải chịu khổ hình thập giá, thì chắc chắn rằng những ai chìm đắm trong gian tà cũng “tự tay đóng đinh Con Thiên Chúa vào thập giá một lần nữa, và đã công khai sỉ nhục Người” (Dt 6,6). Và phải nhìn nhận rằng, tội ác của chúng ta trong trường hợp này nặng hơn tội của người Dothái. Vì theo thánh Phaolô: “Nếu họ đã được biết Vua vinh hiển, họ đã chẳng đóng đinh Người vào thập giá” (1 Cr 2,8). Trái lại, chúng ta tuyên xưng rằng chúng ta biết Người, nên khi chúng ta chối bỏ Người bằng những hành động, có thể nói được rằng chúng ta đã tra tay giết Người.[23]


Thánh Phanxicô Atxidi cũng nhắc nhở chúng ta: “Không phải quỷ dữ đã đóng đinh Người trên cây thập giá. Chính bạn cùng với chúng đã đóng đinh Người trên thập giá; và còn đang đóng đinh Người nữa khi bạn thích thú trong thói xấu và tội lỗi”.[24]


Như vậy, thay vì quy trách, kết án người khác, chúng ta hãy tự vấn chính mình; thay vì lo bào chữa, biện hộ, bênh vực cho Đức Giêsu, thì hãy làm cho Người được sống thực sự trong đời sống chúng ta hôm nay. Có bao giờ chúng ta xác tín Đức Giêsu đã chết cho chính chúng ta hay không? Chúng ta có cảm nhận được “sức nặng cứu độ” của thập giá trên cuộc đời chúng ta hay không? Có khi nào việc làm của chúng ta lúc này tiếp tục đang đóng đinh Người hay không? Một lần nữa, chúng ta nhìn lại chính mình và can đảm đi vào hành trình thập giá với Đức Giêsu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Albert Nolan, Đức Kitô trước Kitô giáo, Toà tổng giám mục Tp. Hồ Chí Minh, 1998.
Bùi Văn Đọc, Võ Đức Minh, Đức Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi, Tủ sách Đại kết, 1997.
Điển ngữ thần học Thánh kinh, bản dịch của Giáo hoàng học viện Piô X, Đà Lạt, tái bản lần II, 1971.
Editor James H. Charlesworth, Jesus Jewishness, Acrossriad Herder Book. The Crossroad Publishing Company, New York, 1996.
Giáo lý Hội thánh Công giáo, Toà tổng giám mục Tp. Hồ Chí Minh, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1997.
Hồng Phúc, Chúa Giêsu, Hiện Diện xuất bản, Toulouse 06/1993.
Hợp tuyển thần học, số 29-30/2001.
J. Dheilly, Từ điển Thánh kinh, Desclée, 1964. Dịch giả: Sỹ Lâm.
Nguyễn Văn Tuyên, Ngôi Lời nhập thể và cứu đo, Đại chủng viện thánh Giuse, 1994.
Phan Tấn Thành, Về nguồn, tập 1, Rôma, 1997.
Tuyển tập thần học 03/1989, chủ đề: Đức Giêsu Đấng cứu độ chúng ta, UBĐKCG yêu nước, Tp. Hồ Chí Minh.
 
-----------------------------------------------
[1] Xc. Mt 26,17.20-22; Lc 22,7.4
[2] Xc. Phan Tấn Thành, Về nguồn, tập I, tr. 140.
[3] Giếtsêmani có nghĩa là chỗ ép dầu. Đây là một khu vườn trồng nhiều thứ cây, nhất là cây ô liu để ép dầu. Khu vườn có tường đá bao quanh, phía trong có những cối đá ép dầu, và có thể có một căn nhà nhỏ để gia chủ đến nghỉ mát. Đức Giêsu là chỗ quen biết của gia chủ, nên Ngài được tuỳ nghi sử dụng căn nhà này, và đã có lần Người nghỉ đêm tại đây khi không đủ thì giờ trở về Bêtania (Xc. Lm. Hồng Phúc, Chúa Giêsu,  tr. 343).
[4] Khoa học ngày nay chứng minh có những trường hợp vì quá lo sợ có thể xảy ra những cơn “xuất huyết” như thế này, tuy nhiên đây chỉ là trường hợp hy hữu xảy ra nơi những người lo sợ lên đến cực độ, những tử tù trước giờ hành quyết.
[5] Bài giảng thứ sáu tuần thánh. Trích theo Lm. Hồng Phúc, Chúa Giêsu,  tr. 345.
[6] Ông Caipha làm thượng tế từ năm 18 đến năm 36 tcn. Ông giữ chức vụ trong suốt thời gian ông Philatô làm Tổng trấn Giuđa (từ năm 20-26), Xc. Phan Tấn Thành, Về nguồn, tập I, tr. 147.
[7] Theo tương tuyền, chứ Tin mừng không có nói đến.
[8] Khana chỉ làm thượng tế từ năm 6 đến năm 15, vào thời Đức Giêsu, ông đạ bị tổng trấn Valerius truất chức rồi.
[9] E. Lohse cho rằng, các tác giả Tin mừng viết trình thuật cuộc khổ nạn của Đức Giêsu chỉ mang tính hộ giáo chứ không có tính lịch sử. Xc. Phan Tấn Thành, Về nguồn, tập I, tr. 152.
[10] Philatô được vua Tiberiô bổ nhiệm năm 26 giữ chức vụ được 10 năm rồi bị mất chức năm 36 sau vụ giết hại một số người Samari vô tội. Ông là “một con người cứng cỏi sắt đá  và kiêu hãnh đáng sợ” (Philon) . Xc. Lm Hồng Phúc, Chúa Giêsu, tr. 357.
[11] Khổ hình đánh đòn thường đi trước bản án đóng đinh, nhưng cũng có thể là hình phạt riêng rẽ theo lối cảnh cáo. Theo luật Dothái, chỉ được đánh 40 roi trừ 1 (vì sợ đánh qúa con số luật định là 40). Luật Lamã thì khác, nạn nhân bị đánh vô hạn định, vì đánh đòn đi trước đóng đinh. Nạn nhân sắp chết,nên đánh bao nhiêu cũng được.
[12] Xc Phan Tấn Thành, Về nguồn, tập I, tr. 157.
[13] Hêrôđê là tay sai đắc lực cho đế quốc Lamã. Ông cai trị xứ Giuđêa và Pêrê đã 33 năm, và lại là người ra lệnh chém đầu ông Gioan Tẩy Giả sau vụ loạn luân với bà Hêrôđia. Tính tình ông sảo quyệt và Đức Giêsu gọi là “con cáo già”.
[14] Người Dothái có thói quen khi bất chợt gặp thi hài một người bị ám sát mà không rõ thủ phạm là ai, thì các chức sắc trong vùng lân cận phải mời vị thượng tế đến chứng kiến lời thề của họ. Họ rửa tay trên thây ma và nói: “tay chúng tôi không đổ máu và mắt chúng tôi không thấy đổ máu”, có ý phủ định nghi vấn sát nhân hay đồng loã có thể đổ xuống trên họ.
[15] Văn hào Plaute mô tả: “Người tử tội vác chiếc thanh ngang đi qua đường phố rồi bị đóng đinh vào thập giá. Xc. Lm. Hồng Phúc, Chúa Giêsu, tr. 369.
[16] Cây thập giá Lamã gồm có thanh dọc dài khoảng 5 m và nặng cả 50 Kg. Cả cây thập hình nặng gần 100 Kg, làm sao tử tội có thể vác nổi, nhất là mới qua trận đòn thập tử nhất sinh.
[17] Golgotha chỉ cần thêm một chữ “l”, tức Gollgotha có nghĩa là cái đầu. Có thể vì thế người ta gọi là đồi Sọ. Hoặc cũng có thể do hình thù quả đồi giống cái sọ người; có truyền thuyết cho rằng, nơi đây đã chôn sọ ông Ađam. Xc. Phan Tấn Thành, Về nguồn, tập I, tr. 161.
[18] Theo giới y khoa, sau khi tiến hành thí nghiệm trên cơ thể những người mới chết trong vòng 24 tiếng, thì lưỡi đòng thấu đến tim, máu chảy từ tâm nhĩ phải và nước chảy ra từ màng chu tâm (Bs. Judica Milan 1938 và Bs. Pierre Bardet – la passion de Jésus christ selon le Chirurgien, tr.183).
[19] Theo các nhà chú giải, có lẽ yếu tố này thánh sử Mátthêu thêm vào với dụng ý hộ giáo hơn là những diễn tiến lịch sử thực sự.
[20] GLHTCG, số 597.
[21] Xc. Na 4.
[22] Xc. GLHTCG số 598.
[23] Giáo lý Rôma[24] Thánh Phanxicô Atxidi, Khuyến dụ, 5,3.


 http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=2471

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét