Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Toát yếu từ vựng Thánh Kinh - Vần K

Toát yếu từ vựng Thánh Kinh - Vần K


In

1. Kê-ru-bim (Chérubins)
Đó là những hữu thể thần thoại được nhắc đến trong Cựu Ước, thỉnh thoảng để nhân cách hoá các áng mây dông (x. Tv 18,11). Chúng ta gặp các vị này như thiên thần canh giữ vườn Eđen (x. St 3,24), hoặc hầu cận nhan Chúa (x. Tv 18,11; Ed 10,47).
Một số hình ảnh thiên thần Kê-ru-bim được chạm trên hòm giao ước, làm thành một thứ ngai vàng cho Chúa ngự, một số hình ảnh khác trang trí đền thờ Giê-ru-sa-lem (x. 1 V 6,23-29).

2. Ki-tô (Christ) – Mê-si-a (Messie)
Các vua Ítx-ra-en và các thượng tế lãnh nhận sự xức dầu như dấu chỉ sứ vụ mới (x. 1 Sm 10,7; Lv 8,12).
Vì thế, các vua mang tước hiệu “Đấng chịu xức dầu”.
I. Trong tiếng Híp-ri, “Đấng chịu xức dầu” là Mâshiak.
1. Mâshiak được phiên âm sang tiếng Hy-lạp là Messias.
Mâshiak được phiên âm sang tiếng Pháp là Messie.
Mâshiak được phiên âm sang tiếng Việt là Mê-si-a.
2. Mâshiak được phiên dịch sang tiếng Hy-lạp là Christôs.
Mâshiak được phiên dịch sang tiếng Pháp là Oint.
Mâshiak được phiên dịch sang tiếng Việt là “Đấng chịu xức dầu”.
II. Trong tiếng Hy-lạp, “Đấng chịu xức dầu” là Christôs.
1. Christôs được phiên âm sang tiếng Pháp là Christ.
2. Christôs được phiên âm sang tiếng Việt là Ki-tô.
Theo nghĩa rộng, tước hiệu Mê-si-a có thể được áp dụng cho bất kì ai được Thiên Chúa chọn để uỷ thác một sứ mệnh (x. Is 61,1). Chính trong nghĩa rộng này mà nó được dùng (tuy rất hy hữu) để nói về dân Ítx-ra-en (x. Tv 105,15) và một người dân ngoại như vua Ba-tư Ky-rô (x. Is 45,1).
Sau lưu đày, tước hiệu Mê-si-a được chuyển qua cho vị vua cứu tinh mà người Do-thái trông đợi sẽ đến trong thời kì sau cùng. Sách Tân Ước ghi lại các lời chứng của những người đã thừa nhận Đấng Mê-si-a nói ở đây, trong con người của Đức Giêsu (x. Mt 16,16).

3. Kiêu ngạo (orgueil, s’enorgueillir)
Từ này dịch một danh từ và một động từ Híp-ri cùng họ, thường gặp nhất trong các thư của Thánh Phao-lô. Nó diễn tả ý tưởng về sự tự mãn cá nhân, sự kiêu hãnh và khoe khoang nữa.
Theo nghĩa đầu tiên, từ này ám chỉ tính kiêu căng tự đắc của một người chỉ tin vào giá trị của riêng mình, mà quên rằng tất cả bản thân họ và những gì họ có đều là từ Thiên Chúa mà đến (x. Rm 2,17.23; 3,27; 1 Cr 1,29; 3,21; 4,7; 5,6; v.v).
Ở mức độ thứ hai (x. Rm 5,2-3, 11; 15.16; v.v), các từ này diễn tả một sự đảm bảo mới mà con người tìm được, gặp được khi họ tự hiến mình cho Đức Ki-tô và phấn đấu phục vụ Người (x. 2 Cr 1,12; 7,4; Pl 1,26; 2,26; 1 Tx 2,19) dù bản dịch có khác.

4. Kinh sư (Scribes)
Vào thời Đức Giê-su, các kinh sư là chuyên gia về Thánh Kinh (tức là Cựu Ước của chúng ta) của Ítx-ra-en.
Nói đến kinh sư Tân Ước, thường nói đến những người Pha-ri-sêu, là những người chiếm số đông trong hàng ngũ kinh sư. Tân Ước cũng gọi họ với những kỳ mục. Các kinh sư có đại diện trong Thượng hội đồng.

5. Kỳ mục (anciens)
A. Cựu Ước
Các bậc kỳ mục trong cộng đồng Ítx-ra-en thời kỳ Thánh Kinh là những gia trưởng hay tộc trưởng các bộ lạc. Các kỳ mục của một thành họp thành hội đồng có trách nhiệm lãnh đạo thành phố (x. 1 Sm 11,3) và lo việc xử án (x. Đnl 21,19). Họ là những người bảo vệ truyền thống.
B. Tân Ước
Trong Do-thái giáo thời Đức Giêsu, các bậc kỳ mục là những gia trưởng nắm giữ quyền hành dân sự và tôn giáo. Các sách Tin Mừng (x. Mt 16,21) và Công vụ (x. 4,5; 22,5; v.v) thường liên kết với các kinh sư và thượng tế (x. Thượng hội đồng).
Trong Công vụ Tông đồ 11,21 và các thánh thư, các bậc kỳ mục là những người có trách nhiệm trong các cộng đoàn Ki-tô giáo địa phương.
Trong 2 Ga 1 và 3 Ga 1, kỳ mục là một tước hiệu, dường như chỉ người đại diện của thế hệ Ki-tô giáo tiên khởi.
Trong Kh 4,4; 5,5; v.v., hai mươi bốn kỳ mục có lẽ đại diện cách tượng trưng toàn thể dân Thiên Chúa.

http://tonggiaophanhue.net/home/index.php?option=com_content&view=article&id=1696:toat-yu-t-vng-thanh-kinh-vn-k&catid=42:tim-hieu&Itemid=66

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét