Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Toát yếu một số Từ vựng Thánh Kinh – vần H

Toát yếu một số Từ vựng Thánh Kinh – vần H

In
H
1. Hades (âm phủ)
Danh từ Hy-lạp này chỉ nơi người Ítx-ra-en gọi là nơi ở của kẻ chết. Sách Kải Huyền (6,8; 20,13-14) nhân cách hoá từ Hades (âm phủ) như đã nhân cách hoá quyền lực của sự chết.

2. Hành lang (parvis) – sân (cour)
Theo nghĩa đầu tiên, từ Híp-ri này được dịch là hành lang; từ này chỉ các sân vây quanh chính điện của Đền thờ Giê-ru-sa-lem (và cửa lều hội ngộ).
Theo nghĩa rộng, các “hành lang của Chúa” có thể chỉ chính Đền thờ.

3. Hê-rô-đê (Hérode)
Tân Ước dùng từ này cho ba nhân vật của cùng một gia đình:
-          Hê-rô-đê Đại đế (x. Mt 2; Lc 1,5).
-          Hê-rô-đê Antipas (x. Mt 14; Mc 6; 8,15; Lc 3; 8,3; 9,9; Cv 4,27; 13,1).
-          Hê-rô-đe Ác-ríp-pa I (x. 12).
1) Hê-rô-đê Đại đế: Tổ của gia đình này, cai trị toàn xứ Pa-lét-ti-na từ năm 37-3 TCN (x. 2,1).
Tân Ước nhắc đến nhiều người trong hậu duệ của ông.
A.    Các con:
2) Hê-rô-đê Phi-líp-phê (x. 6,17).
3) Ac-khê-la-ô (x. Mt 2,22), người kế vị Cha trong 9 năm tại Giê-ru-sa-lem và, sau đó, bị Rô-ma truất phế.
4) Hê-rô-đê An-ti-pa cai trị xứ Ga-li-lê và Pê-rê từ năm 4 TCN đến năm 39 CN với tước hiệu “thủ hiến” (tétrarque) (x. Mc 1,14; 6,14).
5) Phi-lip-phê Thủ Hiến (x. Mc 8,27) cai trị các tỉnh Đông Bắc Pa-lét-ti-na giữa những năm 4 TCN và năm 34 CN.
B. Các cháu của Hê-rô-đê Đại Đế:
6) Hê-rô-đê Ác-rip-pa I, cai trị miền Bắc và, sau đó, toàn xứ Pa-lét-ti-na từ năm 37-44 CN (x. Cv 12,1).
7) Hê-rô-đi-a (Mc 6,17) bỏ chồng (và là chú), là Hê-rô-đê Phi-líp-phê để lấy Hê-rô-đê An-ti-pa.
C. Các chắt của Hê-rô-đê Đại Đế:
8) Hê-rô-đê Ác-ríp-pa II, con trai Hê-rô-đê Ác-ríp-pa I, cai trị với tước hiệu vua từ năm 48 CN trên một lãnh thổ ngày càng rộng. Thánh Phao-lô đã trình diện trước ông ta (x. Cv 25,13).
Bérénice và Drusille (x. Cv 24,24) là chị em của Hê-rô-đê Agrippa II.

4. Hiến Chương (Charte)
Hiến chương, còn gọi là Pháp điển hay Hiến ước, là một trong những danh từ chỉ về toàn bộ hai bảng đá khắc 10 điều răn (x. Xh 31,18). Như thế, Hiến chương là văn kiện chính thức điều hành cuộc sống hằng ngày của dân Ítx-ra-en theo các nguyên tắc của Giao ước (x. hòm bia).

5. Hiến tế hay Hy lễ (sacrifier) xem Hy lễ

6. Hoạn quan (eunuque)
Các từ Híp-ri và Hy-lạp được dịch như vậy để chỉ, theo nghĩa đen, một người đàn ông bị thiến. Các vua phương Đông giao cho họ việc canh giữ hậu cung.
Thánh Kinh thường dùng các từ này theo nghĩa bóng, để nói về một người thân tín của nhà vua (x. St 39,1), một đại thần hay sĩ quan (2 V 24,12).

7. Hòm bia (arche)
Tiếng Hip-ri có hai từ khác nhau để chỉ:
a) Tàu của ông Nô-ê được mô tả trong St 6,14-16.
b) Hòm bia giao ước (hoặc Hòm bia của Thiên Chúa/ của Chúa, hoặc Hòm bia thánh hoặc còn có nghĩa là Hòm bia hiến chương). Hòm bia là một thùng bằng gỗ được miêu tả trong Xh 25,10-22, có thể khiêng bằng hai thanh gỗ xỏ qua những cái khâu được gắn ở hai bên.
Nắp hòm, gọi là “vật cầu phúc”, được dùng trong một vài nghi thức thanh tẩy (x. Lv 16,12-25). Trên mặt nắp, có hai hình tổng lãnh thiên thần Kê-ru-bim.
Hòm bia đặc biệt đựng bản hiến chương, tức hai bản ghi Luật pháp (x. Xh 25,16; 40,20; 1 V 8-9; Hc 9,4).
Người Ítx-ra-en xưa xem hòm bia là ngai hay bệ chân của Thiên Chúa trên trần thế. Vì thế, hòm bia tượng trưng sự hiện diện của Thiên Chúa (x. Ds 10,33,36; 1 Sm 4,3-8; Tv 132,8).

8.  Hội đường (Synagogue)
Từ này, trước hết, chỉ “cộng đoàn Do-thái” trong một thành hay khu vực (x. 9,22; Cv 9,2; Kh 2,9; v.v).
Từ này còn dùng để chỉ toà nhà mà cộng đoàn này hội họp để cầu nguyện, để đọc sách thánh và giảng đạo.
Các buổi hội họp diễn ra vào ngày Sa-bát. Sự thờ phượng tại hội đường không bao gồm sự dâng lễ hy tế, vì chưng, các của lễ hy tế chỉ được dâng tại Đền thờ Giê-ru-sa-lem.
Các hội đường được quản lý bởi một “thủ lãnh” hoặc chủ tịch (x. 5,35; Cv 13,15; 18,8); có một trợ lý giúp việc (x. 4,20).
9. Hương (Encens)
Nhựa quí, người Ítx-ra-en xưa nhập về từ miền Xa-ba thuộc Nam A-ra-bi-a.
Hương là thành phần tạo nên hương thơm đặc biệt, đốt mỗi ngày để tôn vinh Thiên Chúa (x. Xh 30,7-80; 34-38;x. Hy lễ).
Khói lên từ hương tượng trưng cho sự cầu nguyện (x. 141,2).
10. Hy lễ (Sacrifices)
Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, hy lễ không mang ý nghĩa sự hy sinh tốn kém, mà có nghĩa một quà tặng, một của dâng được dâng cho Thiên Chúa. Động từ chỉ việc này là hy tế hoặc hiến tế.
A. Cựu Ước: Dân Ítx-ra-en xưa dâng súc vật, hoặc sản phẩm của ruộng đồng hoặc hương thơm. Cựu Ước phân biệt nhiều loại hy lễ:
1) Trong hy lễ “toàn thiêu”, vật dâng được đốt cháy hoàn toàn trên bàn thờ (x. Lv 1).
2) Hy lễ vì tội (x. Lv 4,1-5,13) và hy lễ đền tội (x. Lv 5,14-26), thường khó phân biệt nhau, được dâng vì tội vô ý. Qua lễ này, người có tội bày tỏ lòng ước muốn được Thiên Chúa tha thứ.
3) Hy lễ bình an hay hy lễ hiệp thông (x. Lv 3) được tiếp nối bằng một bữa ăn; trong đó, người tín hữu cùng gia đình và bạn bè, dùng một phần của lễ vật, sau khi thầy tư tế trích ra phần thuộc về Thiên Chúa (phần này được đốt cháy trên bàn thờ) và phần dành riêng cho thầy tư tế.
4) Hy lễ chúc tụng (x. Gr 17.26) hoặc tạ ơn (x. Am 4,5), hay còn gọi là hành động tạ ơn (x. Tv 100,1) là một hình thức của hy lễ bình an dâng lên để tạ ơn Thiên Chúa.
5) Của dâng (offrande), nói chung, là một sản phẩm thực vật, tự nhiên hoặc được chế biến, trong đó một phần được đốt cháy trên bàn thờ (x. Lv 2).
6) Phần của lễ được đốt cháy trên bàn thờ, thường được gọi là “của lễ thiêu”. Đôi khi, thành ngữ này chỉ toàn thể con vật được hy tế.
7) Sự rảy nước (libation) trên bàn thờ là một lễ dâng thức uống, thường là rượu nho (x. Lv 23,13). Hành động này, rất thông thường, là đi kèm theo sự hiến tế một con vật (x. Ph 2,17, ở đây thành ngữ được dùng theo nghĩa bóng).
8) Trong nơi thánh của đền thờ, thường được đặt trên một bàn bằng vàng, mười hai chiếc bánh lễ (pains d’offrande) (x. Xh 25,30; Lv 24,5-9) thỉnh thoảng được gọi là bánh thánh hiến (pains consacrés) và được thay mới mỗi ngày sa-bát (x. 1 Sm 21,4-5).
9) Trên bàn thờ dâng hương, đặt phía trong của đền thờ đúng nghĩa, người ta cho đốt các phẩm vật có hương thơm hoặc trầm hương (x. Xh 30,34-38).
B. Tân Ước: Tân Ước nói đến lễ tế dân ngoại (x. Cv 14,13; 1 Cr 20,28) và những lễ tế do người Do-thái dâng (x. Lc 13,1; 1 Cr 10,18). Người ta dâng lễ vật vì lòng biết ơn Thiên Chúa hay nhân có một lời khấn (x. Cv 21,26), hay còn để đền tội.
Tân Ước thường giải thích sự chết của Đức Ki-tô là hy lễ đền tội dâng lên để cứu độ mọi người.
Tân Ước cũng dùng các từ về hy lễ để đề cập đến những lễ vật mà các Ki-tô hữu đã dâng (x. Pl 4,18), nhất là của lễ mà họ đã làm, là hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa (x. Rm 12,1; Pl 2,17 v.v).
11. Huyết – máu (sang)
A. Cựu Ước cho rằng “sự sống của một sinh vật ở trong huyết” (x. Lv 17,11). Điều này giải thích những cách dùng khác nhau xuất phát bởi một từ chỉ huyết hay máu.
1) Máu (đổ ra) gợi lên sự chết hung bạo (mort violente) (x. Ds 35,33), sự giết người (x. Tl 9,24), hay chiến tranh (x. Ed 5,17).
2) Trong trường hợp giết người, kẻ đòi nợ máu (x. 2 Sm 14,11) là một phần thân nhân gần của nạn nhân, chính người này buộc phải thi hành việc giết người. Các thủ lãnh phán quyết án tử hình diễn tả tội ác của người bị kết án bằng cách công bố “Xin máu người này đổ xuống lại trên người ấy” (x. Lv 20,9 v.v).
3) Thành ngữ “làm đổ máu vô tội” (x. 2 R 21,16; 24,4; Is 59,7 v.v) nói đến sự giết người vô tội.
4) Huyết, cũng như sự sống, được xem như thuộc về Thiên Chúa; vì thế, người Ítx-ra-en không ăn huyết (x. Lv 17,12; Cv 15,20.29). Huyết là phần quan trọng nhất của một hy lễ (x. Xh 29,12; 30,10; Dt 9,7.12-13) và, theo nghĩa rộng, có thể chỉ chính hy lễ ấy.
5) Cách nói bóng “máu nho” (x. St 49,11; Đnl 32,14; Hc 39,26) chỉ nước cốt nho và, nói riêng, là rượu nho.
B. Trong Tân Ước, từ máu cũng được dùng theo nhiều nghĩa bóng, khác nhau, nhắc lại cách dùng như trong Cựu Ước:
1) Thỉnh thoảng, từ ấy được dùng chỉ sự sống (x. Mt 27,4; Ga 1,13).
2) Như trong Cựu Ước, máu đổ ra nhắc đến cái chết hung bạo (x. Mt 27,24-25; Lc 11,50; Kh 6,10).
3) Cuối cùng, máu cũng nói đến hy lễ, cách riêng trong thành ngữ “máu Đức Ki-tô” (x. Mc 14,24; 1 Cr 11,25; Ep 1,7; v.v).
4) Thành ngữ “Thịt và Máu” (x. Mt 16,17; Ga 1,13; Dt 2,14) chỉ con người trong thân phận trần thế, bị hạn chế và phải hư nát (chết).


 http://tonggiaophanhue.net/home/index.php?option=com_content&view=article&id=1637:toat-yu-mt-s-t-vng-thanh-kinh-vn-h&catid=42:tim-hieu&Itemid=66

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét