Ba Bài tĩnh tâm Mùa Chay chủ đề Sống Và Loan Báo Tin Mừng
Kính gửi quý độc giả ba bài tĩnh tâm Mùa Chay của Lm Giuse Tạ Duy Tuyền, theo chủ đề Sống và Loan Báo Tin Mừng.
Bài 1: Sống và loan báo Tin Mừng
Phúc âm không phải để trưng bày
Nói đến sống là nói đến cái gì đó đang thể hiện ra bên ngoài, đang thể hiện trong chính cuộc đời chúng ta. Sống phúc âm nghĩa là chúng ta phải thể hiện đời sống của mình là những trang Tin Mừng, qua đó chúng ta trở thành chứng nhân cho Tin mừng.
Thế nhưng, nhìn lại mình, có mấy người đang thể hiện Phúc âm trong đời sống của mình. Đôi khi chúng ta còn sống phản chứng Tin Mừng, khiến người ngoại lắc đầu và xem thường chúng ta.
Có một giáo dân nói với tôi: Ngày còn trẻ con rất chăm đi lễ, rất cố gắng sống từng lời của Tin Mừng.
Tôi hỏi: Thế thì ngày nay thì sao? Không còn muốn sống Tin mừng nữa sao?
+ Vâng, từ khi lớn lên thì chỉ lo vào công việc, ít khi quan tâm đến đời sống đạo, mà chỉ lo đối phó ghen tỵ với nhau, giành giật nhau vì miếng cơm manh áo. Đôi khi còn sống xa luật Chúa nữa!
+ Bạn có hạnh phúc khi mà chỉ lo công danh sự nghiệp mà xa Chúa, và đi ngược lại với giáo huấn của Chúa không?
+ Đôi khi cảm thấy mệt mỏi và trống trải tâm hồn. Không biết mình sống để làm gì nữa.
Đây là tâm trạng của đa phần chúng ta. Khi nhỏ thì ngoan đạo, nhưng khi lớn lên chỉ mải lo công danh sự nghiệp, đôi khi còn sống như người ngoại đạo. Không sống đạo, không giữ đạo, đôi khi còn sống xa luật Chúa. Chúng ta chỉ sống theo bản năng đói ăn, khát uống, chỉ lo lao đầu vào kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền mà chẳng biết mình sinh ra để làm gì nữa!
Là người ky-tô hữu nhưng cũng không biết sống đời ky-tô hữu là như thế nào? Đôi khi chỉ đi lễ là xong mà quên rằng phải sống xứng đáng là con Đức Chúa Trời? Đôi khi chúng ta chưa dám sống theo đòi hỏi của Tin Mừng như người thanh niên giầu có không dám sống trao ban theo lời Chúa đề nghị, hay như người phú hộ không dám chia sẻ cho người nghèo phần dư thừa của mình.
Năm nay với chủ để sống và loan báo tin mừng, Giáo phận mời gọi chúng ta phải đem phúc âm cải hóa môi trường chúng ta sống thấm nhuần tin mừng. Nghĩa là chúng ta phải sống phúc âm thì mới có khả năng loan báo tin mừng.
Chúa Giê-su đã sống trước khi Ngài rao giảng. Ngài đã sống trọn tình con thảo với Cha trên trời. Ngài đã sống từ bỏ mình để sống theo ý của Chúa Cha là bỏ mình mặc lấy thân phận con người. Ngài sống khó nghèo khi sinh ra vô gia cư. Ngài sống lam lũ khi dệt đời mình trong xưởng lao động nghèo tại Nagiaret. Ngài sống vâng phục cha mẹ trần gian của Ngài dù rằng có quyền thế hơn họ.
Trong thời gian rao giảng, Ngài đã sống một cuộc đời để bày tỏ lòng thương xót với con người. Lòng thương xót của Chúa sẵn sàng cúi xuống để xoa dịu mọi nỗi đau cho con người. Ngài cúi xuống nâng đỡ người què, người mù, người cùi . . . Lòng thương xót của Chúa luôn chạnh lòng trước những khổ đau của con người. Ngài không chỉ dừng lại ở tấm lòng mà Ngài còn làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để xoa dịu nỗi bất hạnh cho con người. Lòng thương xót ấy luôn biểu lộ qua việc làm điều gì đó để xoa dịu nỗi đau cho con người.
Lòng thương xót của Chúa được cụ thể hóa qua việc chữa lành những đau đớn tật nguyền của con người. Lòng thương xót của Chúa luôn mang lại bình an cho những ai tiếp xúc, gặp gỡ với Ngài.
Phúc âm để sống:
+ Lòng thương xót ấy, Chúa muốn được tiếp nối đến tận cùng thế giới. Ngài đã tuyển chọn các tông đồ. Ngài tuyển chọn các ngài không phải chỉ để sai đi rao giảng mà điều đầu tiên là để sống cùng với Ngài, qua đó cũng biết sống như Ngài. Sống như Ngài đã sống là sống đức ái trọn hảo như Đức Ky-tô. Đức ái thì không ghen tương, không giận hờn nhưng luôn yêu thương vô bờ bến.
Sống đức ái trọn hảo phải thể hiện qua tư cách sống của chúng ta. Khiêm tốn dễ gần gũi với mọi người. Thanh cao lịch sự tôn trọng mọi người. Ăn nói kính trên nhường dưới. Không làm hại ai cũng như không gây phiền toái cho ai. Phải yêu tha nhân như chính mình, và điều gì mình muốn người ta làm cho mình thì mình hãy làm cho người ta như vậy. Điều này chính Chúa Giê-su đã sống và Ngài cũng đòi hỏi chúng ta sống như vậy.
Như vậy, người môn đệ trước tiên là sống Phúc Âm trong chính đời sống của mình. Phải trở nên hoàn hảo trong đời sống thường ngày của mình. Nghĩa là phải trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ky-tô. Phải sống rập theo khuôn mẫu của Đức Ky-tô.
Thế nhưng, nhìn vào đời sống tín hữu ngày nay, dường như không mấy ai đang rập theo khuôn mẫu của Đức Ky-tô. Đa phần vẫn sống nuông chiều theo tính xác thịt, vẫn sống theo bản năng mà thiếu sự hy sinh hãm mình, nhất là còn thiếu tình bác ái với tha nhân trong đời sống của mình.
Chúng ta vẫn nghe người ngoại đạo phàn nàn về cách sống của người tín hữu chẳng ra gì. Họ nói rằng: Ông A là người công giáo sao vẫn rượu chè say sưa? Bà B sao vẫn cờ bạc đánh đề, nói gian, nói dối? Gia đình nhà kia sao là công giáo mà cứ cãi nhau, đánh nhau gây phiền toái cả xóm làng.. .
Ngày xưa ông Galhi một lãnh tụ của Ấn độ nói rằng: Nếu mà người Công Giáo sống đúng tinh thần Chúa dạy thì tôi mời gọi cả Nước Ấn theo đạo công giáo. Nhưng đáng tiếc là người Công Giáo đã sống thiếu yêu thương.
Chuyên kể rằng: một lần ông bước vào nhà thờ, một người gác cổng nói rằng: Ở đây không có chỗ cho thằng da đen. Hóa ra nhà thờ cũng phân biệt giai cấp màu da. Từ đó ông không bước vào nhà thờ nữa.
Không biết ở đây có ai sống đạo tốt để cho người hàng xóm ngoại đạo khen gia đình đó rất tốt, đúng là người Công Giáo? Nếu được vậy, chắc có lẽ đã cảm hóa được rất nhiều gia đình xung quanh theo đạo.
Có hai bà đang cãi nhau thì chuông nhà thờ liền đổ, một bà đằng đằng sát khí bảo rằng: thôi chuông nhà thờ rồi, tao đi nhà thờ đã, về tao mới tính với mày tiếp.
Chắc Chúa không thích kiểu sống đạo kiểu này, và chắc người ngoại đạo họ còn coi khinh người sống đạo kiểu này, thì lấy đâu ra người theo đạo nhờ gương sáng của chúng ta.
Nhìn vào đời sống giáo dân ít khi thấy chúng ta chú trọng đến việc hoàn thiện mình mà chỉ cố gắng giữ một số luật của đạo như đi lễ, ăn chay, đọc kinh mà thôi. Còn việc sống công bình đôi khi còn lừa dối, gian lận với nhau. Nhất là việc thực thi bác ái, chúng ta còn xem nhẹ, có người cả đời chẳng bao giờ làm một việc bác ái nào với tha nhân.
Ước gì chúng ta hãy sống điều mình rao giảng đừng chỉ là những loa phóng thanh gây phiền toái cho người khác. Theo thống kê thăm dò cư dân Hà nội thì 75 % cho rằng loa phóng thanh của phường chỉ gây phiền toái chứ chẳng ai thèm nghe. Nếu giả dụ bây giờ chúng ta cũng làm một cuộc khảo sát không biết người ngoại đạo họ sẽ đánh giá đời sống của chúng ta như thế nào? Phải chăng họ cũng ngao ngán bảo rằng: chỉ gây phiền toái cho họ mà thôi.
Thế nên, là người ky-tô hữu chúng ta hãy cố gắng hoàn thiện theo như Đức Ky-tô để chúng ta thực sự làm chứng nhân cho tình yêu của Chúa. Chúng ta cần phải mặc lấy tâm tình của Đức Ky-tô hiền hậu và khiêm nhường để có thể sống phục vụ người khác như Thầy Giê-su.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết cộng tác với ơn Chúa để hoàn thiện mình giống Chúa chứ theo đạo nhưng lại không sống đạo thì nào ích chi? Amen
Bài 2: Thoái hoá làm mất phẩm chất
Ngày nay người ta đang nói nhiều về sự thoái hoá đạo đức của một số phần tử trong xã hội. Họ tự đánh mất căn tính của mình. Họ không còn giữ được phẩm chất của chính mình. Sự thoái hoá đã làm cho họ biến chất từ tốt ra xấu. Từ thanh sạch ra dơ bẩn. Từ hữu dụng ra vô dụng. Sự thoái hoá đạo đức có thể đến với bất cứ ai. Và cũng có thể làm băng hoại đủ mọi thành phần, cho dù là hàng trí thức hay dân hèn, một khi đã bị thoái hoá là họ không còn khả năng phân biệt tốt xấu. Họ đã đánh mất căn tính con người là “nhân chi sơ tính bản thiện”. Sự thoái hoá có mặt trong mọi ngành nghề, trong mọi cấp bậc. Sự thoái hoá làm mất đi đạo đức nghề nghiệp, mất đi lương tâm trong sáng đến độ chỉ còn lại những tham sân si vô độ.
Nhìn vào những gì đang diễn ra khiến chúng ta không thể không đau lòng trước những hiện tượng thoái hoá đạo đức, và nhân cách của con người hôm nay như: cô giáo hành hung và xúc phạm học trò; Thầy giáo giở trò đồi bại với học sinh; học trò đánh thầy giáo, mẹ đánh chết con ruột, con đâm mẹ giữa phố, cháu nội hành hạ bà nội cho đến chết. Tại sao lại có những chuyện phi nhân thất đức như vậy? Văn hoá đạo hiếu Việt Nam có còn giá trị hay đã bị tha hoá bởi đời sống vô tâm của con người hôm nay?
Sự thoái hóa có trong mọi cung bậc của xã hội. Ở giai cấp nào cũng thấy người ta than phiền về những con người thoái hóa phẩm chất.
- Đức Giám mục Phan Thiết phải than phiền về một linh mục có dấu hiệu lừa đảo khi tự xưng là được Tòa Giám mục cử đi quyên góp cho Trung tâm Tà Pao. Thực ra, chưa có một linh mục nào được sai đi làm việc này.
- Ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước thì than phiền về các quan chức có cả một bầy sâu tham nhũng.
- Trong ngành lương y như từ mẫu người ta cũng thấy không hiếm thầy thuốc thấy chết không cứu nếu không lòi ra tiền.
- Trong ngành giáo dục trước đây là ngành cao quý, thế nhưng hôm nay cũng chạy theo đồng tiền để bắt ép học sinh học thêm, học phụ trội . . .
- Nông dân làm nông sản thì tẩm hóa chất.
- Hàng hóa thì hàng nhái, hàng đểu bán tràn lan . . .
Xem ra sự thoái hóa phẩm chất đang có mặt trong mọi nơi, trong mọi giai cấp đều thấy những chuyện mà Nguyễn Du bảo rằng : « Những điều trông thấy mà đau đớn lòng ».
Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa. Nhưng xem ra nhiều người đã thoái hóa để hành xử theo ma quỷ, đánh mất tính người. Con người vì mải chạy theo danh lợi thú mà quên mất phẩm giá cao quý làm người của mình là hình ảnh Thiên Chúa.
Chuyện xưa kể rằng: một lần vua Nước Bắc muốn làm nhục sứ giả Nước Nam qua triều cống. Ông đã bắt một người dân Nước Nam vừa ăn trộm ra trước mặt sứ giả để làm nhục. Vua Nước Bắc bảo rằng: “Phải chăng người Nước Nam hay ăn trộm?”. Sứ giả Nước Nam khiêm tốn trả lời: “Thưa bệ hạ! Cây táo trồng ở Nước Nam thì ngọt nhưng khi mang qua Nước Bắc trồng thì quả lại chua. Phải chăng người này ở Nước Nam thì tốt nhưng khi qua Đất Bắc đã biến chất rồi chăng?”
Nhìn lại phận người đôi khi chúng ta cũng giống như Cây Táo được trồng ở Đất Bắc. Con người là hình ảnh Thiên Chúa đôi khi cũng bị biến chất khi trồng vào thế gian. Con người cũng bị những thói đời sa đoạ làm băng hoại tâm hồn. Con người cũng bị những đam mê của danh lợi thú làm huỷ hoại danh giá, nhân phẩm của chính mình. Con người dễ bị đánh mất căn tính của mình là “nhân linh hơn vạn vật”. Con người dễ bị thoái hoá bởi tưởng mình chỉ là một loài vật: sinh ra – lớn lên – rồi chết nên cứ việc lao vào những cuộc truy hoan trác táng, những thói đời hưởng thụ tầm thường.
Các tiên tri thời Cựu ước đã từng tiếc nuối cho dân tộc Israel là “vườn nho của Chúa” đã bị biến chất. Tiên tri Isaia đã thất vọng vì vườn nho nhà Israel đã bị hoang tàn. Tiên tri Giê-rê-mi-a đau buồn vì dân tộc ông đã “biến thành một cây nho lạ, thoái hoá thành một cây khác”. Còn Ô-sê thì kêu lên trong đau đớn: “Israel là một cây nho trơ trụi”. Tất cả những từ ngữ đó đều diễn tả một đời sống thoái hoá đạo đức của một số phần tử Do Thái. Họ đã không sống theo đường lối Chúa. Họ đã thờ ngẫu tượng. Họ sống hình thức dẫn đến giả hình, giả dối. Họ bị men biệt phái kiêu căng làm biến chất. Họ thờ Thiên Chúa trên môi miệng nhưng thực chất họ đã xa lìa Chúa từ trong tâm hồn.
Liệu rằng với đời sống giáo dân hôm nay chúng ta có đang thoái hóa, biến chất hay không ?
Năm nay với chủ đề sống và loan báo tin mừng là dịp nhắc nhở về căn tính đời sống ky-tô hữu của chúng ta là « giống hình ảnh Chúa ». Một hình ảnh của yêu thương. Một hình ảnh không lệ thuộc, không ràng buộc bởi đam mê xác thịt hay danh vọng trần gian. Nhất là trong đời sống gia đình, chúng ta cần phải nêu gương đời sống đạo không chỉ là nhắc nhau xem lễ mà còn sống chứng nhân cho tình yêu thương ngay trong gia đình của chúng ta.
Cái thoái hóa trong đời sống gia đình ngày nay đang mất dần chính là hai chữ hy sinh. Ngày xưa nhờ hy sinh mà các cụ sống với nhau trọn đời, nhưng ngày nay thì không hợp người ta bỏ nhau, không hạnh phúc người ta bỏ nhau, không có lợi người ta cũng bỏ nhau. Không mấy ai nói vì hai chữ hy sinh mà ở lại với nhau.
- Có những đôi hôn phối gặp tôi nói rằng : « chúng con xin ly dị vì chúng con không hợp nhau ». Tôi nói rằng : không hợp nhau sao lấy nhau ? Có cảm thấy tâm đầu ý hợp mới lấy nhau chứ ? Tại sao lúc lấy mình cảm thấy chấp nhận nhau được, mà sống với nhau thì lại bảo không hợp ? Thực ra, để kiếm một người chồng, người vợ hợp với mình hoàn toàn chẳng bao giờ có, vì nam nữ tự bản chất đã khác nhau. Rồi văn hóa, môi trường giáo dục khác nhau, tính cách khác nhau . . . Nghĩa là rất nhiều cái khác nhau, nhưng khi lấy nhau là phải chấp nhận sự khác biệt của nhau. Chấp nhận cái khác biệt ấy để làm nên câu hẹn ước « Cả hai sẽ trở nên một ». Do đó, đời sống hôn nhân phải có chữ hy sinh để hợp nhất cái khác biệt ấy nên một. Hợp nhất trong hy sinh từ bỏ cái tôi của mình, từ bỏ tính ích kỷ của mình để sống cho người mình yêu.
- Có những đôi hôn phối bảo rằng chúng con sống với nhau không hạnh phúc nên sống với nhau làm chi ? Tôi hỏi rẳng : thế nào là hạnh phúc ? Hạnh phúc tự bản chất không thuộc về mình. Hạnh phúc là mình làm cho người khác hạnh phúc và hạnh phúc sẽ dâng trào trong ta. Nếu chúng ta biết làm điều gì đó cho nhau thì sẽ là hạnh phúc. Như khi yêu người con trai được đạp xe chở cô nàng và cô nàng hạnh phúc vì được chở thì người con trai cũng mãn nguyện rồi. Như vậy, chúng ta nói không hạnh phúc vì thực ra chúng ta chỉ muốn người khác làm cho chúng ta, mà chúng ta quên rằng muốn có hạnh phúc mình phải biết trao ban.
- Có những đôi hôn phối họ bỏ nhau chỉ vì sống với nhau mà quá nghèo, quá túng quẫn nên họ bỏ nhau để tìm một hạnh phúc khác có lợi cho họ. Đây là hiện trạng rất phổ biến hôm nay. Nhiều anh chồng bỏ đi biền biệt để lại một vợ và đàn con thơ nheo nhóc, đói khổ để đi tìm hạnh phúc riêng cho mình. Nhiều cô vợ vì sống với chồng nghèo nên cũng đang tâm bỏ lại mái nhà để đi tìm những cuộc tình sung sướng cho bản thân.
Xem ra tất cả những đổ vỡ ấy đều vì gia đình thiếu chữ hy sinh. Hai chữ hy sinh làm nên một tình yêu, một chuyện tình đẹp. Hai chữ hy sinh như hai trụ để giữ mái ấm gia đình đứng vững trước những bão tố cuộc đời. Thế nên, nếu mất nó, gia đình, tình yêu cũng tan vỡ.
Đây là lúc mà người tín hữu cần phải sống để làm chứng cho Tin mừng. Có thể hai chữ hy sinh được xem là thua thiệt, là mất mát mà con người ngày nay đang nghĩ, thì người ky-tô hữu phải vượt trên điều ấy bằng tình yêu với Đức Ky-tô. Chúng ta có thể vì Chúa để sống hy sinh cho nhau, vì Chúa để có thể đón nhận nhau trong bao dung tha thứ. Người ky-tô hữu cũng cần phải sẵn lòng vác thập giá theo chân Chúa. Thập giá trong gia đình khi mà vợ chồng thông hiểu nhau, khi mà vợ chồng còn có những tật xấu mà chưa sửa được, khi mà ngoài đời còn nhiều quyến rũ nhưng vẫn một lòng trung thủy với nhau. . .
Xin cho chúng ta hãy học nơi tình yêu của Chúa giê-su luôn hy sinh cho người mình yêu. Hy sinh đến quên cả tính mạng mình. Hy sinh để yêu là yêu cho đến cùng.
Ước gì chúng ta hãy sống tin mừng theo gương Đức Ky-tô, một tin mừng của yêu thương đầy hy sinh từ bỏ chính mình mà yêu tha nhân hết lòng. Amen
Bài 3 : Hãy sống đúng với ơn gọi của đời ky-tô hữu
Người xưa có câu: “chọn mặt gửi vàng”. Nghĩa là để tin tưởng một ai cũng cần xem mặt, xem hoàn cảnh, gia cảnh người đó để đánh giá về họ có đáng tin hay không? Thế mà, vẫn sai lầm. Vẫn chọn sai người. Vì “Sông sâu còn có kẻ dò – Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng”.
Vâng, lòng người nham hiểm hơn núi sông, biết người còn khó hơn dự đoán thời tiết. Thời tiết còn có xuân hạ thu đông, và sáng – trưa – chiều - tối, còn con người, giữa mảng tối và sáng thật khó phân biệt. Thời tiết còn có hiện tượng bên ngoài để suy đoán những điều sẽ xảy ra, còn lòng người vẫn có thể đóng kịch đến mức độ “nói vậy mà không phải vậy”. Có ai đó nói không ngoa rằng: con người là một diễn viên tài ba nhất, vì họ có thể đóng kịch để lừa dối nhau suốt cả đời mà vẫn không bại lộ. Thực vậy, có người bên ngoài ôn hậu hiền lành, trong lòng lại kiêu căng ngạo mạn, không có việc gì lợi mà không dám làm, kể cả chuyện bất nhân; Có người bộ dạng như quân tử, thực ra là tiểu nhân; Có người bên ngoài nhu mì, nhưng nội tâm cương trực; Có người xem có vẻ kiên trinh, thực tế lại nhút nhát. Điều này cho thấy con người thật phức tạp, khó mà phân biệt được thực hư một con người.
Có lẽ mỗi người trong chúng ta đều nghe biết về Chí Phèo trong truyện của Nam Cao. Chí Phèo là đứa con hoang, được mô tả là một người dị dạng, một tên lưu manh, nát rượu chuyên rạch mặt ăn vạ và sẵn sàng sinh sự với mọi người. Chí Phèo là kẻ trên không sợ Trời, dưới không sợ người. Người ta tránh Chí Phèo hơn tránh ôn dịch. Chí Phèo đem lòng yêu Thị Nở. Thị Nở là một cô gái xuất thân từ một nhà có mả hủi, tuổi đời ngoài 30, dở hơi, nghèo và rất xấu. Xấu ma chê quỷ hờn. Xấu đến nỗi người ta tránh thị như tránh một con vật rất ghê tởm.
Ấy vậy mà cả hai con người ấy vẫn nhận ra bản chất tốt đẹp của nhau. Thị Nở thấy Chí Phèo là một người hiền lành. Hiền như đất. Vẫn thường cho Thị xin lửa và có lần con cho Thị xin rượu về bóp chân. Ngược lại, Chí Phèo cũng thấy Thị Nở là một người có duyên. Thị Nở đã biết nấu cháo hành nóng cho Chí Phèo ăn, giúp cho Chí Phèo tỉnh cơn say và làm sống lại nơi Chí Phèo ý thức về sự lương thiện của bản thân mình.
Cuộc sống con người luôn phức tạp. Phức tạp đến nỗi khó lòng đánh giá nhau từ bên ngoài. Thực tế, vẫn có những người thân phận chẳng ra gì như Chí Phèo và Thị Nở, bị coi là cặn bã và thậm chí là quái thai của xã hội. Thế nhưng, ngay cả nơi những con người ấy bản chất tốt đẹp mà Thiên Chúa đã in dấu nơi họ vẫn không hư đi, khả năng nhận ra những điều tốt đẹp nơi người khác của họ cũng không mất đi. Vì thế, không gì có thể khiến chúng ta tuyệt vọng về con người. Con người vốn là hình ảnh của Thiên Chúa. Là tinh hoa của trời đất. Là chóp đỉnh của quá trình sáng tạo vũ trụ và vạn vật. Con người dù tội lỗi mấy đi chăng nữa, cũng không thể xoá nhoà hình ảnh của Thiên Chúa nơi mình. Con người dù tha hoá mấy đi chăng nữa, cũng không thể huỷ hoại bản chất tốt đẹp của mình. Con người dù có bị dục vọng thống trị mấy đi chăng nữa, cũng vẫn không ngừng toả sáng bản chất của mình là “nhân linh ư vạn vật”.
Vâng, con ngừơi chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Không ai xấu, vì khi tạo dựng, Thiên Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp. Bản tính giống hình ảnh Thiên Chúa vẫn còn nơi con người đó. Họ làm việc xấu chứ con người họ vẫn cao qúy, vẫn mang phẩm giá làm người, thế nên ta vẫn phải yêu thương và tôn trọng. Hãy yêu thương để giúp họ phục hồi phẩm giá cao đẹp của con người mà bấy lâu nay họ bị phủ lấp bằng tội lỗi và đam mê. Bên cạnh đó, có những người rất xấu về diện mạo nhưng tâm hồn họ lại thanh cao. Họ có thể là những con người có “duyên lặn vào trong” dầu rằng bên ngoài chẳng có gì hay ho.
Như thế điều quan yếu là hãy biết nhận ra điều tốt nơi nhau. Cho dù họ có xấu đến đâu, mình vẫn có thể tìm ra điều tốt nơi họ. Hơn nữa, nhân vô thập toàn. Ai trong chúng ta mà không bị tội lỗi, tật xấu, đam mê mù quáng làm mất đi hình ảnh đẹp trong lòng anh em hay trước mắt mọi người. Mỗi người chúng ta đều cần người khác đánh giá tốt về mình thì chính chúng ta cũng hãy nói tốt và nghĩ tốt với tha nhân.
Năm nay với chủ đề sống và loan báo tin mừng, Giáo phận mời gọi chúng ta hãy sống đúng bản chất con người của mình là « nhân linh hơn vạn vật’, và hãy sống đúng với ơn gọi của đời ky-tô hữu là sống như một Đức Ky-tô khác giữa anh em.
1/ Sống Tin Mừng là gì ?
Chúng ta vẫn nghe đọc Phúc âm « Tin Mừng Chúa Giê-su theo thánh . . . », như vậy tin mừng nằm trong bản thân Chúa Giê-su. Các tác giả tin mừng viết về Chúa như là một tin vui cho thế nhân. « Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít ». Và khi nói « sống tin mừng » nghĩa là sống như Đức Ky-tô và trong Đức Ky-tô. Sống như Đức Ky-tô để chúng ta cũng trở thành niềm vui cho anh em. Sống trong Đức Ky-tô để chúng ta hiện tại hóa hành động yêu thương của Chúa cho anh em.
Thế giới này chắc sẽ đẹp lắm, khi mà người người sống giống như Đức Ky-tô. Sống yêu thương. Sống phục vụ mà không hề tính toán. Sống hết mình để lo cho mọi người từ vật chất đến tinh thần. Sống hiến dâng quên cả tính mạng của mình đến nỗi « không có một tình yêu nào cao quý hơn tình yêu dám chết cho người mình yêu ». Nếu chúng ta sống được như vậy thì chúng ta cũng trở thành niềm vui cho thế gian. Nếu chúng ta sống được như vậy thì chúng ta cũng trở thành một chứng nhân cho tin mừng của Chúa giữa thế gian.
2/ Loan báo tin mừng như thế nào ?
Nhiệm vụ của người tín hữu là mang tin mừng của Chúa đến cho mọi người. Nghĩa là mang Đức Ky-tô đến cho mọi người. Đức Ky-tô của người nghèo, người bất hạnh, người ốm đau . . . ; chúng ta hãy giới thiệu cho những con người bất hạnh ấy thấy Đức Ky-tô đang yêu thương, đang chữa lành, đang phục vụ họ qua đời sống bác ái của chúng ta.
Có một bé gái phong hủi bị dân làng xua đuổi. Họ hò hét và lấy đá ném vào thân thể tiều tụy của em. Một nhà truyền giáo đã chạy đến ôm em vào lòng và cứu em ra khỏi hiểm nguy. Em bé đã cảm ơn người truyền giáo và nói : Ông có phải là Thiên Chúa không ?
Nhà truyền giáo bảo rằng : Không, ta chỉ là một trong những người con của Ngài mà thôi. Em cũng là con của Ngài, từ nay em sẽ làm em của ta.
Em bé nói : Vậy tôi phải làm gì để cám ơn Thiên Chúa ?
Nhà truyền giáo : Em hãy dâng tặng tình yêu của mình cho tha nhân, càng nhiều càng tốt.
Kể từ ngày ấy, em bé luôn vui tươi phục vụ những người trong trại phong cùi cho tới khi em lìa đời, những người trong trại đã nghẹn ngào nói : một thiên thần đã từ biệt chúng ta.
Là người ky-tô hữu chúng ta phải thể hiện cho người khác thấy Đức Giê-su là niềm vui khi chúng ta sống bác ái, dấn thân phục vụ một cách quảng đại. Có như vậy chúng ta mới trở thành chứng nhân cho tin mừng của Chúa.
Thế nhưng nhìn vào thực tế chúng ta chưa thực sự sống tin mừng thì làm cho nói đến việc loan báo tin mừng. Chúng ta chưa mặc lấy Đức Ky-tô để sống giữa anh em của mình. Chúng ta chưa thể là niềm vui giữa anh em khi chúng ta vẫn sống lỗi công bình bác ái, vẫn sống theo bản năng của dục vọng đam mê để rồi lao đầu vào biết bao đam mê lầm lạc.
Ước gì chúng ta luôn biết gìn giữ hình ảnh của Chúa nơi chúng ta. Ước gì hình ảnh Chúa luôn tỏ hiện qua đời sống thanh cao, luôn biết sống theo công lý và tình thương. Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết gìn giữ phẩm giá cao đẹp của mình là hình ảnh Thiên Chúa. Xin đừng để những đam mê mù quáng làm hoen ố hình ảnh tốt đẹp ấy nơi mỗi người chúng ta nhờ đó chúng ta trở thành chứng nhân cho Đức Ky-tô. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=8530
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét