Trang

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Bài 3 Thánh Giuse và Mầu Nhiệm Vượt Qua

THÁNH GIUSE
Bạn Trăm Năm Đức Maria

Bài 3
Thánh Giuse và Mầu Nhiệm Vượt Qua
(Mt 2, 13-23)
thanhgiuse12_1Những gì xẩy ra cho Đức Giêsu từ lúc sinh ra cho đến khi từ Ai Cập trở về (Mt 2, 1 – 23) như đã báo trước cả cuộc đời của Đức Giêsu rồi. Và hành trình này của Thánh Gia nhỏ bé cũng họa lại cả một lịch sử cứu độ, nhất là biến cố Ai Cập xưa của dân Thiên Chúa. Thánh Gia nhỏ bé, khiêm tốn và âm thầm, nhưng lại thâu tóm hết cả lịch sử cứu độ, và ngang qua lịch sử cứu độ, nhân loại và cuộc đời của chúng ta; bởi vì đó là thử thách tận căn. Và tất cả là để hướng về mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô, nghĩa là hướng về sự sống, ngang qua sự chết.
Trình thuật “Vượt Qua” của Thánh Gia có cấu trúc song song đối xứng như sau:
(A) Trốn sang Ai-cập (c. 13-15);
(B) Các hài nhi bị giết (c. 16-18);
(A’) Trở về Israel (c. 19-23).
1. Trốn sang Ai-cập
Chúng ta hãy chiêm ngắm Thánh Giuse, đảm nhận sứ mạng đưa Thánh Gia lánh sang Ai-Cập : lắng nghe tiếng Chúa trong giấc ngủ, trỗi dậy, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-Cập, cuộc sống của Thánh Gia ở Ai cập. Chúng ta được mời gọi hiểu hiểu biến cố này ở tầm lịch sử cứu độ, vì có liên quan đến cách Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể đảm nhận lịch sử các dân tộc, và lịch sử của mỗi người chúng ta.
Theo bản gia phả, Đức Giê-su thuộc về một dân tộc ; trong biến cố lánh sang Ai-Cập, Người « mang vào mình » lịch sử của dân tộc mà Người muốn thuộc về cách tự nguyện, và qua đó, Người mang vào mình lịch sử của mỗi người chúng ta.
Và lời Kinh Thánh « Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập » nhắc nhớ biến cố Xuất Hành. Trong đêm Vượt Qua, theo lệnh của Đức Chúa, người Do Thái sát tế chiên con. Sự vô tội của con chiên tượng trưng cho sự vô tội của các con trai đầu lòng Ai Cập : « Ngài sát hại các con đầu lòng Ai Cập » (Tv 136, 10). Con chiên chính là món nợ của Israel. Khi nào Israel trả được nợ cho Ai Cập, và hai dân tộc được giao hòa ? Đó là lúc Đức Giê-su mang lấy chỗ của Con Chiên, Ngài sẽ làm cho Ai Cập (nghĩa là dân ngoại) và Israel (nghĩa là dân được tuyển chọn) trở thành một dân tộc duy nhất và thánh thiện bằng chính máu của Ngài ; và giữa chúng ta, nếu có mắc nợ hay hận thù gì, Ngài cũng hòa giải và làm cho chúng ta nên một, bằng chính máu của Ngài, được hiện tại hóa mỗi ngày nơi Bí Tích Thánh Thể.
2. Các hài nhi bị giết
Sự kiện Hài Nhi Giê-su vừa sinh ra đã có người tìm giết, phải đánh động chúng ta, vì đó là một mặc khải đặc biệt cho thế giới và xã hội chúng ta đang sống, liên quan đến thái độ của con người đối với trẻ em và thai nhi. Đó là một mặc khải vừa đưa ra ánh sáng Sự Dữ đang hoành hành và vừa hướng tới niềm hi vọng.
a. Sự Dữ
The Flight into EgyptHình ảnh đám lính vừa đông vừa được trang bị khí giới và vừa say máu bách hại trẻ em vô tội, nhỏ bé và yếu ớt, diễn tả thật rõ ràng bản chất của Sự Dữ: đó là thú tính và giết hại vô cớ (Ga 15, 25; Tv 35, 19; 69, 5). Nhưng trong cùng một biến cố bi đát, điều ngược lại được mặc khải, đó là bản chất đích thật của Hài Nhi Ngôi Lời Thiên Chúa, là không dùng bạo lực chống lại bạo lực, nhưng là sự hiền lành thần linh; lúc này, Ngài lánh đi, như sau này Ngài sẽ làm như thế nhiều lần.
Sự kiện này loan báo mầu nhiệm Thập Giá; và Thập Giá sẽ nêu bật hơn nữa và một cách tuyệt đối bản chất này của Sự Dữ, bởi lẽ, trong cuộc Thương Khó, Sự Dữ sẽ đi đến cùng, nghĩa là giết chết Đấng Vô Tội tuyệt đối! Tuyệt đối mặc khải tuyệt đối. Nhưng đồng thời, căn tính của Thiên Chúa cũng trở nên sáng ngời nhất nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh.
b. Niềm hi vọng
Kẻ thù tìm giết một hài nhi, rồi tàn sát các hài nhi khác. Điều này thật khủng khiếp. Nhưng ngày nay có một điều còn khủng khiếp hơn, người thân yêu nhất của hài nhi hay thai nhi, hay những người có sứ mạng chăm sóc hài nhi hay thai nhi, tự biến mình thành “kẻ thù” của bé thơ. Trước thực tại đau lòng này, chúng ta dựa vào đâu để có sức mạnh chịu đựng và dựa vào đâu để vẫn có thể hi vọng, nếu không phải là nơi tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, bày tỏ cho chúng ta nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh (Rm 8, 37-39)? Giáo Hội của chúng ta đã nhận ra tình yêu nhưng không này của Thiên Chúa, khi tôn phong các hài nhi bị giết hại, và gọi các vị là các Thánh Anh Hài.
Ngang qua hành động của Sự Dữ, thời xưa cũng như thời này, Lời Kinh Thánh vẫn cứ được ứng nghiệm (c. 15); điều này có nghĩa là Sự Dữ không những không thể ngăn cản, mà còn bị Thiên Chúa dùng, để làm cho kế hoạch cứu độ đi đến cùng. Thực vậy, các Anh Hài chết thay cho Hài Nhi Giê-su, nhưng sau này, Hài Nhi Giê-su sẽ chết cho những hài nhi xưa kia đã chết cho Ngài, cho tất cả các hài nhi và thai nhi bị ruồng bỏ ở mọi thời và mọi nơi. Ngài “phải chịu chết”, như Ngài sẽ dạy các môn đệ, và qua các môn đệ Ngài dạy chúng ta mỗi ngày (Mc 8, 31; 9, 31), để mở đường cho chúng ta đi vào cõi sống và ánh sáng vĩnh hằng.
c. Sự Dữ và trẻ em hôm nay
Những đe dọa của thế giới và xã hội chúng ta đang sống đối với con trẻ và rộng hơn là đối với giới trẻ cũng “nguy hại” không kém những thời bách hại. Bởi lẽ, ngày nay, con trẻ và giới trẻ không còn bị đe dọa về sinh mạng, nhưng sự trưởng thành nhân bản và đức tin bị đe dọa một cách phức tạp và nghiêm trọng. Vậy thì phải làm sao? Chúng ta hãy noi gương Thánh Giuse. Bởi lẽ, trong thử thách lớn lao này và chắc chắn trong mọi thử thách khác của Thánh Gia, ngài không làm điều khác hơn là lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Xin cho chúng ta cũng biết như thánh Giuse, gắn bó, yêu mến và ưng thuận trọn vẹn đối với Lời Thiên Chúa.
Xin tình yêu thương xót của Thiên Chúa, là ánh sáng và chỉ  là ánh sáng (x. 1Ga 1, 5), được tỏ bày cho loài người tội lỗi chúng ta nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh, cũng được ban cho các em bé và thai nhi chịu ngược đãi và giết hại trong thời đại của chúng ta, như đã được ban cho các Thánh Anh Hài. Và xin cho chúng ta được quảng đại hơn trong sứ mạng bảo vệ và phục vụ sự sống, bởi vì Thiên Chúa là nguồn sự sống và là sự sống viên mãn mà chúng ta hướng về.
3. Trở về đất Israel
thanh-giuse-saint-josephChiêm ngắm Thánh Giuse và Thánh Gia trong hành trình trở về. Sự Dữ có mặt và ngự trị, nhưng lời Kinh Thánh vẫn cứ ứng nghiệm : « Người sẽ được gọi là người Nazareth », cũng như hai biến cố trước (c. 15 ; 17-18). Xin cho chúng ta xác tín vào Sự Quan Phòng của Thiên Chúa.
Thánh Giuse hoàn toàn vắng mặt trong thời gian Đức Giêsu công bố mầu nhiệm Nước Trời, và chắc chắn ngài cũng không có mặt thật trọn vẹn trong thời gian Đức Giêsu sống ẩn dật. Tuy nhiên, những gì xẩy ra cho Đức Giêsu từ lúc sinh ra cho đến khi từ Ai Cập trở về (Mt 2, 1 – 23) như đã báo trước cả cuộc đời của Đức Giêsu rồi.
  • Được nhìn nhận bởi các đạo sĩ đến từ phương xa, nhưng cũng có biết bao nguy hiểm rình rập gây ra bởi vua Hêrôđê, các thượng tế, các luật sĩ (Mt 2, 1-12). Như thế, những gì sẽ xẩy ra cho Đức Giê-su trong thời gian rao giảng Tin Mừng Nước Trời như đã được báo trước ở đây.
    • Lánh sang Ai Cập, nhưng những trẻ vô tội phải đổ máu (2, 16-18). Sau này chính Đấng Vô Tội sẽ đổ máu trên Thập Giá.
    • Trở về « Đất Hứa » bình an để làm nên « Tổ Ấm Thánh Gia » (2, 19-23). Chúng ta có thể nhận ra nơi biến cố trở về này hình ảnh của ơn Phục Sinh và Đại Gia Đình Nước Trời.
Thánh Giuse đã có mặt suốt cuộc hành trình này, hành trình họa lại lịch sử cứu độ và loan báo cuộc đời Đức Giêsu ; ngài không chỉ có mặt thôi, nhưng còn gánh vác bằng cách liên tục vâng theo sự dẫn dắt của chính Thiên Chúa.
Đức Maria đã có mặt dưới chân Thập Giá, còn thánh Giuse có mặt trong biến cố loan báo Thập Giá, và cũng là biến cố làm tái hiện lại biến cố Ai Cập xưa của dân Thiên Chúa. Dưới chân Thập Giá, Đức Maria thinh lặng và đứng vững (Ga 17, 25-27) ; và trong suốt cuộc hành trình giữa Israel và Ai-Cập, thánh Giuse cũng « thinh lặng và đứng vững ».
*  *  *
Thánh Giuse đã đón nhận Đức Giêsu vào cuộc đời của mình một cách tự do và nhưng không, và ngài đã thực hiện đến quên mình trong âm thầm. Các giấc mộng của ngài, rất tĩnh lặng nhưng tràn đầy tương quan ngôi vị, diễn tả cách tuyệt vời sự cho đi chính mình cách trọn vẹn này. Nhưng thánh Giuse còn có một sự thinh lặng lớn hơn nữa, đó là cách ngài « vượt qua » cuộc đời này : im lặng tuyệt đối nhưng nói cho chúng ta biết bao điều. Thật vậy, chúng ta không có một lời nào của các Tin Mừng và chẳng có truyền thuyết nào nói về sự ra đi của thánh Giuse ! Khác hẳn với Đức Maria. Chẳng một lời nào, nhưng lại thâu tóm hết mọi sự, như chính cuộc đời của ngài đấy thôi. Vì đó là :
  • Cái chết của một người chồng và một người cha như bao người chồng và người cha trong các gia đình.
  • Cái chết của người lao động bình thường, như bao người lao động khác trong đời thường.
  • Cái chết của người công chính, như bao người công chính khác trong lịch sử cứu độ và lịch sử loài người.
Và tất cả là để cho Đấng Emmanuel, Thiên Chúa-Ở-Cùng-Chúng-Ta hiển hiện. Nhưng « người hiền lành sẽ có được đất » (Tv 37, 11 ; Mt 5, 4). Lời hứa này đã được thực hiện cho thánh Giuse, đang được thực hiện cho những « Giuse khác » và cho biết bao con cái, nam cũng như nữ, của Thánh Cả Giuse.
Tuy nhiên, như chúng ta đã nhận ra ngay từ đầu, Thánh Giuse đã  luôn ước ao được « lui lại phía sau » để cho Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể và Mầu Nhiệm Mẹ Thiên Chúa đi đến cùng và được tỏ bầy cách trọn vẹn. Và Thiên Chúa đã cho ngài toại nguyện, sau khi ngài  hoàn tất sứ mạng cưu mang Ngôi Lời Nhập Thể và kết nối Người với lịch sử cứu độ ngang qua dân tộc Israel ;  nghĩa là Thiên Chúa đã cho ngài được « lui lại phía sau » để đi vào cõi thinh lặng vĩnh hằng, như ngài vẫn ưa thích sự thinh lặng. Nhưng chính lúc đó, nhờ với và trong Đức Ki-tô chết và phục sinh, ngài nói và hiện diện với nhân loại, với Giáo Hội và với từng người chúng ta nhiều nhất. Phải chăng đó mới là « đức công chính » đích thực của Thánh Cả Giuse ?
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 http://dongten.net/noidung/31013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét