Tìm học toát yếu Một Số Từ Vựng Thánh Kinh - Vần B
Thánh Kinh - Tìm học toát yếu Một Số Từ Vựng Thánh Kinh qua tác phẩm “La Bible – Traduction oecuménique” – Paris 1979, Le Cerf
B
1. Ba-an (Baal)
Vị thần của đạo Ca-na-an.
Người ta cho rằng vị thần này chết vào mùa Đông và hồi sinh vào mùa Xuân y như vạn vật. Họ gán cho vị thần này khả năng làm cho đồng ruộng màu mỡ và đàn gia súc đông đúc.
Nghi lễ tôn giáo Ba-an cử hành bằng hành động dâm ô được xem như là thánh thiện (x. Ds 25,1-3). Đạo này bị các ngôn sứ kịch liệt chống đối.
Cựu Ước, đôi lúc, dùng danh xưng này ở số nhiều (x. 1 V 18,18; Gr 2,23).
Trong thực tế, Ba-an có nghĩa là “nghiệp chủ”. Vị thần này được xem là nghiệp chủ sở tại của núi này, nguồn mạch nọ, cánh rừng này, thành thị nọ.
Trong Cựu Ước, chúng ta thấy nhiều địa danh mang tên ghép với từ Ba-an.
2. Bạc (monnaie) xem “Tiền”
3. Bàn thờ (Autel)
Bàn thờ là một nơi có hình dạng một cái bàn, nơi đó, các của lễ được hiến tế.
Các sừng (x. Xh 27,2; Kh 9, 13) nằm ở bốn góc trên của bàn thờ, được xem là phần linh thiêng nhất của bàn thờ.
Trong đền thờ Giê-ru-sa-lem, người ta sử dụng hai bàn thờ: bàn thờ dâng của lễ toàn thiêu và bàn thờ dâng hương (xem “Hy lễ”).
4. Bánh không men (Pains sans levain) xem “Men” và “Niên lịch B”
Trong lúc mừng lễ Vượt qua, dân Do-thái bị buộc phải bỏ ra khỏi nhà, mọi dấu vết của bánh lên men và, trong một tuần lễ, chỉ dùng bánh không men (x. Xh 12, 15-20; 13, 3-10).
Trong 1 Cr 5, 8, thành ngữ “bánh không men” được dùng theo nghĩa bóng để nhấn mạnh sự đổi mới trong đời sống Ki-tô hữu.
5. Biên Niên Ký (Annales)
Nhiều lần, Cựu Ước yêu cầu độc giả đọc lại những sách mà, ngày nay, chỉ còn được biết đến qua các tựa đề. Trong số đó, phải kể đến Biên niên Ký của Salomon (x. 1 V 11,41), Biên niên Ký của các vua Ítx-ra-en (x. 1 V 14,19) và Biên niên Ký của các vua Giu-đa (x. 1 V 14,19). Lần hồi, người ta ghi nhận các quyết định và các công trình của các vua đã thực hiện.
6. Biển sậy (Mer des Joncs)
Biển sậy là một vùng nước rộng (biển vừa, hồ hoặc eo biển) mà dân Ítx-ra-en đã vượt qua dưới sự lãnh đạo của ông Mô-sê ngay sau khi ra khỏi Ai-cập (x. Xh 13,18; 15,4). Địa điểm chính xác vẫn còn được bàn cãi.
Trong một ít đoạn văn gần đây, “biển sậy” được xem như chính là Biển Đỏ; chính xác hơn, là phần phía Bắc Biển Đỏ, vùng vịnh Suez và Akaba. Cách giải thích mang tính truyền thống này cũng được thấy trong Tân Ước (x. Cv 7,36; Dt 11,29).
http://tonggiaophanhue.net/home/index.php?option=com_content&view=article&id=1580:tim-hc-toat-yu-mt-s-t-vng-thanh-kinh-vn-b&catid=42:tim-hieu&Itemid=66
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét