Học Thánh Kinh - Vần L
Toát yếu từ vựng Thánh Kinh - Vần L
1. Luật pháp (loi)
Trước tiên, từ này chỉ toàn bộ các điều răn Thiên Chúa ban cho Ixraen, cách riêng là các điều răn được ông Môsê công bố ở Xinai (x. Xh 20).
Theo nghĩa rộng, Luật pháp thỉnh thoảng còn chỉ những sách ghi chép các điều răn này, nghĩa là năm sách đầu tiên của Thánh Kinh. Từ “luật pháp”, lúc đó, trở thành đồng nghĩa với các sách của ông Môsê (x. 2 Cr 3,15).
Theo nghĩa rộng hơn, nó chỉ toàn bộ Cựu Ước (x. Ga 10.34; Rm 3,19; v.v.), đồng nghĩa với thành ngữ “luật pháp” và các “ngôn sứ”.
Thánh Phaolô thỉnh thoảng dùng từ này để nói đến một sức mạnh thúc đẩy con người hành động theo điều thiện hay điều ác, tùy trường hợp như ở Rm 7,22-23; 8,2.
2. Luật sĩ (légistes)
Cũng như nhóm Kinh sư mà họ đôi khi được đồng hoá, các luật sĩ hoặc là những tiến sĩ Luật Môsê là những chuyên gia về Thánh Kinh của Ixraen, tức là Cựu Ước. Họ có trách nhiệm giải thích và giảng dạy Thánh Kinh.
3. Lêvi (Lévites)
Như tên gọi cho thấy, các thầy Lêvi được xem là hậu duệ của thị tộc Lêvi, con trai thứ ba của ông Giacóp (x. St 29,34).
Chức vụ tư tế được dành riêng cho thị tộc Lêvi (x. Đnl 10,8-9).
Ông Aharon là em ông Môsê và là ông tổ của các thầy tư tế chính hiệu (x. Lv 8), thuộc thị tộc Lêvi (x. Xh 4,14).
Trong một số đoạn văn cổ của Cựu Ước, dường như không thấy sự khác biệt giữa thầy tư tế và thầy Lêvi (x. Đnl 17,9; 31,9.25). Nhưng, trong các đoạn văn mới hơn, chúng ta thấy từ thầy Lêvi dùng theo nghĩa giới hạn để chỉ “thầy tư tế phụ” (prêtre auxiliaire) hay người phụ tá của các thầy tư tế (auxiliaire des prêtres) (x. Ds 3,5-9; 1 Sb 9,28-32).
4. Lều Hội Ngộ (tente de rencontre)
Thời mà dân Ixraen còn sống trong sa mạc, “Lều Hội Ngộ” dùng làm nơi hội ngộ giữa ông Môsê và Thiên Chúa (x. Xh 33,7-11).
Trong một vài đoạn văn, lều này được mô tả như là nhà của Thiên Chúa ở giữa dân Người (x. Xh 29,42-46).
Đôi khi, lều ấy được gọi “Lều Hiến Chương” (tente de la charte) hoặc “Nhà Hiến Chương” (demeure de la charte) (x. Ds 9,15; Xh 38,21).
Hiểu rộng ra, từ này đôi khi chỉ Đền Thờ Giêrusalem trong phạm vi mà Đền Thờ này được coi như nhà của Thiên Chúa (x. Tv 15,1; 27,5; 76,3). (Xem từ “Đền Thờ”)
5. Lộng ngôn (blasphème)
Cũng như người Ixraen xưa, người Do Thái thời Đức Giêsu xem là lộng ngôn, mọi lời xúc phạm đến uy danh Thiên Chúa.
Dựa vào Cựu Ước (x. Lv 24,11-16), họ kết án tử hình người nói lời lộng ngôn.
Đức Giêsu đã bị cáo buộc là nói lộng ngôn, nói lời phạm thượng (x. Mt 9,3; Ga 10,33-36) và Thượng Hội Đồng đã kết án Người về tội lộng ngôn (x. Mc 14,62-64).
Tân Ước cũng cho là phạm thượng, việc chống đối Đức Kitô (x. 1 Tm 1,13) và Thánh Thần (x. Lc 12,10).
Chúc Quý Vị
vui học Lời Chúa
trong Thánh Kinh
http://tonggiaophanhue.net/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2054:hc-thanh-kinh-vn-l&catid=42:tim-hieu&Itemid=66
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét