Thánh Kinh - Tìm học toát yếu Một Số Từ Vựng Thánh Kinh qua tác phẩm “La Bible – Traduction oecuménique” – Paris 1979, Le Cerf
Các dịch giả của tác phẩm nầy là: Quang Hiển, Văn Chi, Hoàng Đắc OP – Mai Khôi
+++++++++
Bài 1
Vần A
1. Ách (Joug)
Ách là một thanh gỗ khá, nặng dùng để cột bò vào một chiếc xe nhỏ hay một cái cày. Người ta cột ách trên gáy con vật.
Cựu Ước thường dùng từ này theo nghĩa bóng, để chỉ sự “lệ thuộc” của dân Ítx-ra-en vào Thiên Chúa (x. Gr 5,5), hoặc để chỉ toàn bộ những nghĩa vụ đè nặng trên dân, có thể từ phía chính quyền hoặc về phía nhà vua (x. 1 V 12,4), hoặc cũng có thể từ thế lực ngoại bang cai trị (x. Is 14,25; Gr 27,8; 28,2).
Tân Ước chỉ dùng từ này theo nghĩa tượng trưng để nói lên “áp lực” nặng nề đè trên một số người. Vd: những người nô lệ (x. 1 Tm 6,1), hay người Do-thái trước những nghĩa vị khắc nghiệt của Luật pháp (x. Cv 15,10).
Ngược lại, với những nghĩa vụ nặng nề đó, ách Đức Giêsu trao cho các môn đệ, là một ách êm ái dễ vác (x. Mt 11, 29-30).
2. Ác-ríp-pa
Xem từ “Hê-rô-đê” trong vần H – Nên biết Tân Ước dùng từ “Hê-rô-đê” này cho ba nhân vật của cùng một gia đình: Hê-rô-đê Đại Đế (x. Mt 2; Lc 1,5) / Hê-rô-đê Antipas (x. Mt 14; Mc 6,8,15; Lc 3; 8,3; 9,9; Cv 4,27; 13,1) / Hê-rô-đê Ác-ríp-pa I (x. Cv 12)
3. A-men
Đây là từ Híp-ri được giữ lại nguyên vẹn trong Tân Ước và có nghĩa là “thực vậy”, “quả đúng như vậy”, “ước gì được như vậy”.
Trong sách Khải huyền (x. 3,14), từ này dùng làm tước hiệu chỉ Đức Kitô.
4. A-mo-ri (amorites)
Theo Cựu Ước, đó là một trong những sắc dân sống ở miền Pa-lét-ti-na và đông ngạn sông Gio-đan trước khi các thị tộc Ítx-ra-en đến (x. Xh 23,23; Đnl 2,24; 2 Sm 21,22; 1 V 21,26).
Khó phân biệt sắc dân này với người Ca-na-an, dân sinh sống trong xứ Ca-na-an (x. St 34,30).
Cùng với họ, Cựu Ước đôi lúc còn đề cập đến những bộ tộc sống tại Pa-lét-ti-na thời tiền Ít-ra-en: bộ tộc Hittites (lập nghiệp từ ngày xứ Pa-lét-ti-na bị đế quốc cũ Hittite xâm chiếm); bộ tộc Perrizzites và Hivvites (những sắc dân chiếm giữ vùng trung tâm núi non); bộ tộc Jébusites (sinh sống ở vùng Giê-ru-sa-lem cũ và quanh khu vực này). Một vài đoạn Cựu Ước còn thêm vào danh sách này, bộ tộc Guirgashites (x. Đnl 7,1; Gs 3,10; 24,11 v.v.); thỉnh thoảng cũng nhắc đến bộ tộc Amalécites (x. Ds 13,29) và một vài bộ tộc khác (x. St 15, 19-21).
5. Áo vải thô (sac)
Từ Híp-ri được dịch như thế, để chỉ tấm áo vải thô mà người Ítx-ra-en xưa choàng quanh thân người, sát da (x. 2 V 6,30), như dấu chỉ sự tang chế (x. St 37, 34) và nỗi buồn lớn (x. Is 15,3).
6. A-ram (A-ram - Araméens)
Bộ tộc Sê-mít có lưu hệ huyết tộc với dân Ítx-ra-en qua các tổ phụ (x. Đnl 26,5).
Trước thời đại vua Đa-vít, bộ tộc này thành lập nhiều tiểu vương quốc trên lãnh thổ nước Xy-ri-a hiện nay (x. 2 Sm 8, 3-6; 10,6).
Vào thời đại của các vương quốc Ítx-ra-en và Giu-đa, bộ tộc Aram thuộc Damas, suốt hơn một thế kỷ, là kẻ thù nguy hiểm nhất của nước Ítx-ra-en.
7. Ăn chay – Chay tịnh (Jeune)
Sự chay tịnh, hoặc ăn chay, chủ yếu là nhịn ăn và nhịn uống trong một thời gian nhất định.
Giống như người Ítx-ra-en của Cựu Ước, người Do-thái thời Đức Giê-su giữ việc ăn chay vì lý do tôn giáo: họ muốn ăn chay song song với sự cầu nguyện, hoặc bày tỏ sự khiêm tốn hạ mình xuống trước mặt Chúa (x. Đnl 9,18; Ge 2,12, 15; Gn 3,5-9).
Sự ăn chay cũng được thực hành một cách cộng đồng, ví dụ trong ngày lễ Đại xá (x. Ds 29, 7-11; Cv 27,9). Người Pha-ri-sêu buộc ăn chay hai lần mỗi tuần (x. Lc 18,12).
Đức Giê-su chống đối khía cạnh nặng tính hình thức của tập tục này (x. Mt 6, 16-18). Các cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên giữ sự ăn chay theo dịp (x. Cv 13,2-3; 14,23).
8. Âm phủ - Âm ty (Hades)
Danh từ Hy-lạp này chỉ nơi người Ítx-ra-en gọi là nơi ở của kẻ chết.
Sách Khải Huyền nhân cách hoá từ Hades (âm phủ), như đã nhân cách hoá quyền lực của sự chết (6,8; 20, 13-14).
+++++++++++
Linh mục Emmanuen chủ trương trình bày để giúp học hỏi Lời Chúa vì môn học quan trọng nhất của người công giáo, là môn học Lời Chúa.
Hẹn gặp ngày mai: vần B
++++++++++++++++++++++++++++
Một vài lời khuyên trong việc học
- Hãy học từ từ, mỗi ngày một ít, nhưng không bỏ ngày nào.
- Hãy luôn luôn bắt đầu từ cái dễ, rồi mới đi lên đến cái khó.
- Hãy luôn luôn bắt đầu từ cái đơn giản, rồi mới đi lên đến cái phức tạp.
- Có phương pháp, ta làm gì cũng được. Không có phương pháp, ta làm gì cũng không được.
- Biết cách học, và bền chí học, ta học cái gì cũng được. Không biết cách học, và học một cách tài tử, nghĩa là khi thích thì học, khi không thích thì không học, ta không học được cái gì một cách đích đáng đâu.
- Con người có giá trị ở chỗ luôn tìm cách vươn tới và vươn lên trong sự tìm hiểu và tìm học.
- Bạn đừng bao giờ cho mình là “đỉnh cao trí tuệ” nhé! Có rất nhiều người hơn bạn lắm đó! Khiêm tốn đi, bạn!
http://tonggiaophanhue.net/home/index.php?option=com_content&view=article&id=1571:thanh-kinh-tim-hc-toat-yu-mt-s-t-vng-thanh-kinh-qua-tac-phm-la-bible--traduction-oecumenique--paris-1979-le-cerf&catid=42:tim-hieu&Itemid=66
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét