Trang

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Tìm học toát yếu Một số Từ Vựng Thánh Kinh – Vần C

Tìm học toát yếu Một số Từ Vựng Thánh Kinh – Vần C



In
1. Ca Trưởng (chef de choeur)
Thành ngữ dịch nhóm từ Ca Trưởng, xuất hiện trong các chú thích trên đầu của 55 Thánh vịnh, có lẽ nói đến tuyển tập những thánh vịnh mà người Ca Trưởng của đền thờ sử dụng.
2. Cám dỗ (Tentation – Tenter – Tentateur)
Đôi khi từ “Cám dỗ” phiên dịch cùng một động từ Hy-lạp như từ ngữ “thử thách”, và từ “cơn cám dỗ” phiên dịch cùng một danh từ Hy-lạp như từ “cơn thử thách”. Phân biệt giữa “cám dỗ” và “thử thách” đôi khi cũng khó.
Nói chung, phiên dịch ra là “cơn thử thách” khi có một sự khó khăn phải trải qua, mà vượt qua rồi thì lòng tin phải được củng cố (x. Ga 6,6; 2 Cr 13,5; Gc 1,2-3; 1 Pr 1,6; Kh 2,10; v.v …); phiên dịch ra là “cơn cám dỗ” khi việc thử thách có kèm theo một ý xấu.
Chẳng hạn, con người có thể đi đến chỗ cám dỗ Thiên Chúa (x. 1 Cr 10,9), nhưng Thiên Chúa không có cám dỗ con người (x. Gc 1,13).
Chính kẻ cám dỗ (x. Xa-tan) là kẻ cố gắng khai thác cơn thử thách của con người (x. 1 Cr 7,5; 1 Tx 3,5) hoặc của Đức Giêsu (x. Mt 4,3), để cho con người hoặc Đức Giêsu quay lưng về phía Thiên Chúa.
3. Cắt Bì (Peritôme/ circoncision)
Sự cắt bì được dân Do-thái thi hành trên những con trai mới sinh một tuần (x. St 17,12; Lc 2,21). Chỉ là một phẫu thuật theo nghi thức chủ yếu cắt bỏ da quy đầu.
Sự cắt bì là dấu có giá trị nhất, chứng minh người đó là thành viên của Ítx-ra-en, dân của Giao ước (x. St 17,11; Gs 5,2-5).
Từ đó, có cách gọi những “i” là những người Do-thái. Trong Gl 2,12, cách gọi này được áp dụng rộng đến những Ki-tô hữu gốc Do-thái chủ trương duy trì phép cắt bì. Ngược lại, những người dân ngoại thỉnh thoảng được gọi là những “người không chịu cắt bì” (x. Is 52,1; Cv 11,3).
Thánh Phao-lô tông đồ đấu tranh để sự cắt bì không bị áp đặt trên các tân Ki-tô hữu gốc dân ngoại (x. 1Cr 7,18-19; Gl 2,3-6; 5,2-4).
Sự “cắt bì trong tâm hồn” (x. Đnl 10.16; Rm 2,28-29) là thành ngữ tượng hình chỉ sự tận hiến trọn vẹn cho công việc phục vụ Thiên Chúa.
4. Chốn Tử Vong (Séjour des morts)
Cựu Ước: Người Ítx-ra-en xưa gọi như thế để chỉ nơi dưới lòng đất, ở đó quy tụ mọi người chết thuộc mọi dân tộc (x. Ed 32,19-30; G 3,13-19; 30,23).
               Cũng có cách dịch khác, gọi là “nơi âm phủ” (les enfers) (x. Tv 6,6), chốn thẳm sâu (x. Ed 31,14), cõi dưới, âm ty (x. Cn 1,12; 5,5).
Tân Ước: Hadès. Danh từ Hy-lạp này chỉ nơi mà người Ítx-ra-en gọi là nơi của kẻ chết. Sách Kh (x. 6,8; 20,13-14) nhân cách hoá từ Hadès (âm phủ) như đã nhân cách hoá quyền lực của sự chết.
5. Chức Vụ (ministère) - Thừa tác vụ
Từ này dịch từ Hy-lạp “diaconia”, nghĩa là sự phục vụ. “Thừa tác viên” dịch từ cùng một gốc có nghĩa “người phục vụ”.
Những từ này (x. Rm 11,13; 2 Cr 3,6) được chọn để đề cập đến công tác được đảm nhận bởi những người chuyên lo truyền bá Tin Mừng.
Cũng một từ đó, còn được dịch là “phó tế” (x. Pl 1,1; Rm 16,1), khi sự phục vụ nhắm đến sự tương trợ huynh đệ (x. 1 Tm 3,8).
6. Con Người (Fils de l’ homme)
Trừ Cv 7,56 và Ga 12,34, thành ngữ “Con Người” luôn xuất hiện trong Tân Ước như được nói ra từ miệng Chúa Giê-su. Dĩ nhiên, trong nhiều trường hợp, Người dùng tước hiệu này để chỉ chính mình.
Trong nhiều đoạn, thành ngữ này gợi lên ý tưởng về thẩm quyền của một nhân vật sẽ phải đến, vị quan xét của ngày sau hết (x. Mt 16,27; 19,28; 25,31-32; 26,64; Lc 17,24; Ga 5, 24-29). Có lẽ cách dùng thành ngữ này được linh hứng từ Đn 7,13.
Trong nhiều đoạn khác, cũng chính tước hiệu này ám chỉ đến thân phận hiện tại của Đức Giê-su, sự yếu đuối của Người, sự thiếu thốn những thứ cần thiết của Người (x. Mt 8,20), và những đau khổ của Người (x. Mt 17,22-23; 20,18; 26,2; 24,45; Mc 8,31; Ga 6,35).
Có những đoạn thuộc loại thứ ba, phối hợp cả hai cách dùng trên, vừa gợi lên ý tưởng về sự hiện diện, vừa gợi lên thẩm quyền của Con Người (x. Mt 9,6; 12,18; 13,37; Ga 9,35).
Có lẽ Đức Giêsu ưa thích tước hiệu mới và bí nhiệm này hơn, nhằm tránh dùng tước hiệu Mê-si-a, Ki-tô, vì trong ngôn ngữ bình dân, các tước hiệu này bị giải thích theo chiều hướng khó hoà hợp với Tin Mừng (x. Mc 8,29-33).
7. Con Vua Đa-vít (Fils de David)
Đó là tước hiệu dành cho Đấng Mê-si-a được người Do-thái đương thời với Đức Giê-su trông đợi.
Danh hiệu này xuất phát từ lời hứa ngày xưa cho vua Đa-vít qua trung gian ngôn sứ Na-tan (x. 2 Sm 7,12; 14-16; Gr 23,5; 33,15-17; Mi 5,1; Tv 89,30-37; 132,11).
Vì lời hứa này, vị vua cứu tinh phải là hậu duệ của vua Đa-vít.
8. Của Đầu Mùa (prémices)
Trong Cựu Ước, “của đầu mùa” là những sản phẩm đầu tiên của mùa gặt (x. Xh 34,26). Người ta dâng cho Thiên Chúa của đầu mùa để tạ ơn vì tất cả những gì đã thu hoạch được (x. Lv 2,12; Ds 15,20-21; tc Rm 11,16).
Thánh kinh thường dùng từ này theo nghĩa bóng để diễn tả ý tưởng rằng “một phần” được cho, hay được nhận trước, như là sự đảm bảo cho tất cả những gì sẽ được cho và được nhận (x. Đnl 21,17). Như vậy, từ này cũng được áp dụng chỉ ân huệ của Thánh Thần Thiên Chúa (x. Rm 8,23), chỉ các tín hữu đầu tiên trở lại đạo trong một tỉnh thành (x. Rm 16,5; 1 Cr 16,15) và chỉ Đức Ki-tô phục sinh (x. 1 Cr 15,20,23) nữa.

http://tonggiaophanhue.net/home/index.php?option=com_content&view=article&id=1585:tim-hc-toat-yu-mt-s-t-vng-thanh-kinh-vn-c&catid=42:tim-hieu&Itemid=66

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét