THẦN HỌC BỐI CẢNH ÁP DỤNG VÀO HUẤN GIÁO
Ông John Kerry, một một cựu binh trong cuộc chiến Việt Nam, lần đầu tiên trở lại đây trong cương vị ngoại trưởng Mỹ vào ngày 14-12-2013 đã thốt lên: “Điều gây ấn tượng nhất với tôi là Việt Nam đã thay đổi nhiều thế nào trong suốt 5 thập kỉ qua,”[1] Vâng, bước vào thế kỷ 21, Việt Nam đang đàn thay da đổi thịt, đang là một nước chậm phát triển, nay vị thế Việt Nam được thế giới đánh giá cao trên trường quốc tế, như ông Đại sứ Ngô Quang Xuân, đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc nhận định: “Việt Nam đang ngày càng được đánh giá là một trong những thành viên nòng cốt của tập thể cộng đồng các quốc gia ASEAN. Có thể nói, Việt Nam không là một nước lớn về diện tích nhưng là một nước lớn về dân số. Việt Nam chưa phải là nước lớn về kinh tế và quân sự nhưng là nước lớn về giá trị chính trị, lịch sử và văn hóa.”[2]
Với vị thế chính trị như hiện nay, xã hội Việt Nam cũng đang dần thay đổi và đang hình thành những khái niệm về nhân sinh quan của cuộc sống vượt ra khỏi vòng lễ giáo truyền thống, những trào lưu mang dáng dấp một nền văn minh Tây phương đang từ từ xâm chiếm lối sống của thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, tạo ra một bối cảnh xã hội mới với nhiều thách đố, và dĩ nhiên, những thách đố đó đã trở thành lời chất vấn Giáo Hội Việt Nam về sứ mệnh của mình và phương thế chuyển tải đức tin trong hoàn cảnh cụ thể hôm nay.
Những chất vấn đó là động lực những suy tư và nghiên cứu thần học để giúp Giáo Hôi Việt Nam về minh định lại sứ mệnh của mình ở trong một bối cảnh cụ thể, tức là ở vào tư thế phải ứng đáp "những khát vọng tìm kiếm tiềm ẩn sâu kín nơi tâm lòng của những anh chị em chúng ta"[3] trong tâm thức thời đại hôm nay. Những suy tư thần học nầy phải thực sự trở thành điểm “thủ xướng và chủ động trong công tác loan báo Tin Mừng, chứ không còn đơn thuần thụ động tiếp nhận một nền kitô giáo Tây phương đang thời bành trướng truyền giáo, tức là không còn tiếp tục một mực ‘sao y bản chánh’ Giáo Hội Âu Châu với những hình thái, những tác vụ và những kiểu mẫu thần học phát nguyên từ môi trường thực tế của chúng và chịu ảnh hưởng sâu đậm của những điều kiện lịch sử Âu Châu”[4].
Trong chiều hướng đó, câu hỏi được đặt ra là suy tư thần học tại Việt Nam hôm nay đối thoại như thế nào với những vấn đề nóng bỏng của xã hội? Nó chi phối làm sao cho việc đào tạo giáo lý viên cũng như nó có tác động thế nào đến việc huấn luyện những người dấn thân chuyên nghiệp cho huấn giáo?
1- Đâu là những vấn đề nóng bỏng của xã hội Việt Nam hôm nay để đưa ra những suy tư thần học nhằm phục vụ cho việc đối thoại?
1.1 Việt Nam – Mảnh đất đa tôn giáo: đạo nào cũng tốt
Việt Nam là một đất nước đa tôn giáo và tín ngưỡng, có 6 tôn giáo lớn: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Cao Đài, Hoà Hảo, và các tôn giáo khác bao gồm: Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Cộng đồng Tôn giáo Baha’i Việt Nam, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Minh Sư đạo, Minh Lý đạo, Bàlamôn ngoài ra, còn có khoảng 20 tổ chức Cao đài độc lập, khoảng 40 nhóm, hệ phái Tin lành… Và có thể nói 95% dân số gắn bó với đời sống tôn giáo hay tín ngưỡng. Hằng năm có khoảng 8.000 lễ hội tôn giáo hoặc tín ngưỡng cấp quốc gia và địa phương được tổ chức[5].
Một đất nước với niềm tự hào 4000 năm văn hiến đã mở rộng tấm lòng hiếu khách sãn sàng đón nhận các tôn giáo ở ngoài du nhập vào. Chính sự hiếu khách này đã trở thành mảnh đất mầu mỡ để nhiều tín ngưỡng và tôn giáo đâm rễ sâu, và trở thành nền văn hóa truyền thống của dân tộc chẳng hạn như đạo hiếu, và để thể hiện lòng hiếu đễ, người ta phải tuân giữ một số nghi lễ bị chi phối bởi Nho giáo và Phật giáo, và các nghi lễ đó được coi như là truyền thống văn hóa của dân tộc.[6] Ngoài ra, Phật giáo cũng đã để lại một ảnh hưởng rất lớn trong các sinh hoạt mang tính nhân văn của dân Việt, việc cúng bái đã trở thành một nếp văn hóa không thể thiếu trong đời sống: người ta cúng vái để cầu xin mưa thuận gió hòa, cúng bái trong dịp đầu năm mới, động thổ khi chuẩn bi xây cất, khi sắp xuất hành, dịp cưới hỏi, khi nhà có tang, khi mua xe mới, khi khai trương công việc làm ăn, v.v…
Có thể nói được rằng, người dân Việt rất nhạy cảm về các lãnh vực thuộc tâm linh, vì thế, họ sẵn sàng biểu lộ niềm tin dưới mọi hình thức, miễn sao họ cảm thấy sẽ nhận được sự che chở, phù trì của các vị thần linh mà họ tin tưởng với một tâm thức: có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Hiện tượng tâm linh ngày càng phát triển mạnh, và ngày càng được nhiều người quan tâm cổ vũ qua các lễ hội. Theo thống kê 2009, hiện cả nước Việt Nam có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%), và các lễ hội này bao giờ cũng hướng tới một đối tượng thiêng liêng cần suy tôn là nhân thần hay nhiên thần[7]. Điều này chứng tỏ rằng, phần đông người Việt vẫn không lấy khoa học là đối tượng của niềm tin, có nghĩa là không cậy dựa vào khoa học để cắt nghĩa cho mọi chiều kích của cuộc sống, và qua đó họ vẫn minh định rằng, con người vẫn là một hữu thể có nhiều giới hạn, và vẫn phải cậy nhờ đến một vị thần linh ngoài thế giới hữu hình nầy can thiệp vào cuộc sống của họ.
Với tâm thức này, niềm tin vào một vị thần linh không hẳn là hướng tới một cuộc sống mai sau, nhưng là ngay cuộc sống hiện tại, và do đó, niềm tin tôn giáo mang chiều kích cứu chuộc cho một cuộc sống vĩnh hằng ở ngoài thế giới này ít được quan tâm hơn niềm tin vào một tôn giáo cho họ một niềm hy vọng vào những thực tại trần thế như: sức khỏe, thành đạt trong công ăn việc làm,một cuộc sống an bình, ấm no… Và do đó, cứu cánh của niềm tin tôn giáo không quan trọng cho bằng “sự hữu dụng” của niềm tin, vì thế, quan niệm “đạo nào cũng tốt” trở thành cách thế biểu tỏ sự kiên vững niềm tin của mình.
1.2 Thái độ loại trừ niềm tin nơi các bạn trẻ
Bên cạnh sự phát triển các nghi lễ biểu tỏ niềm tin vào các vị Thần linh, là thái độ sống thực dụng của các bạn trẻ Việt Nam hôm nay. Một bộ phận lớn các bạn trẻ Việt Nam đang bước vào cơn lốc của chủ nghĩa vị lơi (utilitarianism)[8] và đang xa dần niềm tin tôn giáo.
Từ chủ nghĩa vị lợi, các bạn trẻ đương đại đã hình thành một trào lưu hưởng thụ khoái lạc và coi đó là cứu cánh của cuộc sống. Với trào lưu này, các bạn trẻ không còn quan tâm đến có Thiên Chúa hay không, điều quan trọng là làm sao tôi tìm thấy được hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại của tôi, và vì thế những nền tảng luân lý tôn giáo được coi là rào chắn ngăn cản tôi đi tìm hạnh phúc cho tôi, cần phải phá bỏ.
Vơi chủ trương như thế, các bạn trẻ dễ dàng rơi vào cơn lốc của một cuộc sống hưởng thụ ích kỷ và thiếu trách nhiệm. Điều đó được bộc lộc qua các chủ trương liên quan đến đời sống luân lý như việc nam nữ tự do sống thử trước hôn nhân, phá thai, ly dị và kết hôn đồng tính, hôi chứng “không cho yêu thì giết”, sống buông thả, cụ thể như trong ngày lễ Valentine 14-2-2014 vừa qua, hầu như tất cả các khách sạn và nhà nghỉ đều không đủ phòng để cho các đôi bạn trẻ thuê[9]. Trước lối sống đó, một tờ báo trong nước đưa ra nhận định: “Theo những nhà tâm lý quan tâm về giới trẻ thì các bạn trẻ ngày nay thường coi trọng giá trị thể xác hơn là giá trị về tâm hồn. Chỉ cần ngộ nhận đó là tình yêu, các bạn trẻ lao vào nhau như những cơn lốc điên cuồng. Đây là lối sống thiếu đi sự tinh tế, không còn những giá trị tâm hồn, cảm xúc trong sáng. Tất cả chỉ là mong tình dục sẽ thắp lửa cho những tình yêu sau này”.[10]
2- Suy tư thần học trước bối cảnh này
Trước tiên, dựa vào tư tưởng của Công Đồng Vat. trong hiến chế Lumen Gentium để suy tư về một Giáo Hội hiệp thông. Chính trong chiều kích hiệp thông này suy tư thần học dãn đưa chúng ta đến một cuộc gặp gỡ với mọi người trong những niềm tin tôn giáo khác nhau, để từ đó chúng ta cùng nhau hướng về một chân lý cứu độ duy nhất. Qua hiến chế Lumen gentium, có thể nhận ra ba yếu tố cảm nghiệm về Giáo hội hiệp thông
a) Như là “Dân Chúa” lữ hành, Giáo hội là một cộng đoàn hiệp thông trong tình huynh đệ với những khác, những người “được Chúa thương”, cùng nắm tay nhau nhịp bước tiến về Nước Chúa hứa. Thật vậy, trên đường lữ hành về nhà Cha, Giáo Hôi Việt Nam không bước đi đơn đọc một mình, nhưng bên cạnh đó, còn có biết bao nhiêu người cùng tiến bước để tìm hạnh phúc và sự sống thật. Chính trên con đường lữ hành, Giáo Hội việt Nam đang gặp gỡ biết bao người Việt đang khao khát chân lý, và qua sự gặp gỡ này, Giáo Hội như là người bạn đồng hành, sẽ cùng trao đổi với họ và chuyển trao cho họ niềm hy vọng đang nung nấu Giáo Hội. Đó chính là “Con đường hiệp thông của sự hy vọng”, con đường này nằm trong và cùng với đại gia đình nhân loại, với dân tộc Việt Nam. Ở trong con đường này những kẻ tin vào Đức Kitô sẽ làm cho con dân Việt tìm thấy niềm vui mừng nơi Giáo hội mãnh liệt hơn nỗi khổ đau, muộn phiền mà họ đang gánh chịu,[11] cũng chính trong con đường này, người Kitô hữu sẽ cùng chia sẻ nỗi khao khát hạnh phúc với những khác, và giúp họ hướng nỗi khao khát đó về chính nguồn hạnh phúc đích thật.
Sư gặp gỡ nầy được cụ thể hóa qua những cuộc trao đổi không bằng những bài nói chuyện trau chuốt, những diễn từ mang nặng tính kỹ thuật, nhưng bằng ngôn từ bình dị phát xuất từ trái tim, thứ ngôn ngữ mà Đức Thánh Cha Phanxicô xử dụng khi ngài ngỏ lời tới hàng trăm các tín hữu Tin Lành thuộc phái Ngũ Tuần qua vị Giám Mục của họ là Tony Palmer, trong cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô hôm 14/1/2-014: “Xin lỗi anh chị em vì đôi khi tôi nói bằng tiếng Ý. Nhưng tôi nói chẳng bằng tiếng Anh hay tiếng Ý, nhưng bằng tiếng nói con tim. Đó là thứ ngôn ngữ đơn giản và chân thật hơn, và thứ ngôn ngữ này có từ vựng và văn phạm của nó. Một văn phạm đơn giản với hai luật: Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân vì họ là anh chị em của chúng ta. Với hai luật ấy, chúng ta có thể tiến về phía trước”[12]. Chính với thứ ngôn ngữ nầy Đức Thánh Cha đã chỉ ra con đường gặp gỡ để cùng nhau đạt tới chân lý: “Thánh Kinh đã đề cập đến gia đình của anh em Giuse khi nạn đói xảy ra, họ trẩy sang Ai cập để mua cái gì đó để ăn. Họ có tiền nhưng họ không ăn được tiền, và ở đó họ gặp được cái còn quý hơn thực phẩm: đó là người anh em của mình. Tất cả chúng ta đều có tiền là văn hóa, là lịch sử của chúng ta. Chúng ta giầu có về văn hóa, tôn giáo và chúng ta có những truyền thống dị biệt. Nhưng chúng ta phải gặp gỡ người khác như những anh chị em của mình. Chúng ta phải khóc cùng nhau như Giuse đã từng khóc. Những giọt nước mắt này hiệp nhất chúng ta. Những giọt lệ của yêu thương”[13].
b) Giáo hội cũng cảm nghiệm rằng, trong mọi lãnh vực của cuộc sống, Giáo Hội cũng là công đoàn của những người tội lỗi. Thật vậy, các Kitô hữu cùng biểu lộ hình ảnh Giáo hội trong chính sự yếu đuối và tội lỗi của họ, họ trình bày chiều kích thiêng liêng và nhân tính của Giáo hội, họ làm nên cơ cấu của Giáo Hội và cùng thực thi bổn phận của Giáo hội. Dưới tác động của ân sủng họ hoạt động một cách mạnh mẽ ngược lại với bản tính yếu đưối tội lỗi để mang lại sự thánh thiện cho Giáo hội. Người Kitô hữu sẽ chỉ cho những người khác nhận ra rằng, con người không chỉ hành động và sống theo bản năng của sinh vật cấp thấp, nhưng con người là sinh vật có lý trí và ý chí, nhờ đó con người nhận ra lý do và cứu cánh của sự hiện hữu mình, Với sự nhận thức này, con người sẽ can đảm vượt qua sự yếu hèn để hướng tới sự toàn thiện. Chính khi ý thức về thân phận yếu hèn tội lỗi của mình, Giáo Hôi Việt Nam sẽ làm cho dân Việt cảm nghiệm được về chính mình qua việc biểu tỏ một Giáo Hội Việt Nam khiêm nhu, luôn sẵn sàng lắng nghe người khác nói về mình, cũng như chính mình tự kiểm điểm việc thị hành sứ vụ của mình. Qua thái độ khiêm nhu Giáo Hội sẽ thể hiện sự bao dung, và cảm thông hơn, sẽ bớt đi những kết án và loai trừ. Chỉ có kẻ ý thức về sự hèn kém của mình mới cảm thông cho sự yếu hèn của người khác. Chẳng hạn đối với vấn đề đồng tính, thay vì gay gắt lên án, loại trừ, Đức Phanxicô cũng nhẹ nhàng trả lời khi được hỏi về vấn đề này: “Nếu một người là người đồng tính và đang kiếm tìm Thiên Chúa và có thiện chí, thì tôi là ai mà tự cho mình quyền phán xét người ấy?”[14] Câu trả lời dĩ nhiên không hủy bỏ Giáo huấn của Giáo Hội về người đồng tính, nhưng hướng tới sự cảm thông, loại bỏ sự kỳ thị.
Đức Phanxicô trong Tông Huấn Evangelii gaudium đã khơi mở một suy tư thần học trong việc thể hiện Hội Thánh như người mẹ đầy lòng khoan dung: “Hội Thánh được mời gọi để luôn luôn là ngôi nhà mở cửa của Chúa Cha. Một dấu chỉ cụ thể của việc mở cửa này là phải có tất cả các nhà thờ với cửa mở rộng để nếu bất cứ ai muốn theo tác động của Chúa Thánh Thần mà đến đó tìm Thiên Chúa, thì người ấy không gặp sự lạnh lùng của một cánh cửa đóng kín, nhưng có những cánh cửa khác cũng không được đóng kín. Tất cả mọi người có thể tham gia vào đời sống Hội Thánh một cách nào đó, tất cả mọi người có thể là một phần tử của cộng đồng, và ngay cả các cửa của các Bí Tích cũng không được đóng lại vì bất cứ lý do nào. Điều này đặc biệt đúng đối với Bí Tích là “cánh cửa”: Bí Tích Rửa Tội. Bí Tích Thánh Thể, mặc dù là sự viên mãn của đời sống bí tích, nhưng không phải là một giải thưởng cho những người hoàn hảo, mà là thần dược và lương thực cho những người yếu đuối. Những xác tín này cũng có ý nghĩa mục vụ mà chúng ta được mời gọi cân nhắc cách thận trọng và mạnh dạn. Chúng ta thường hành xử như những người ban phát ân sủng chứ không như những người giúp người khác dễ dàng lãnh nhận ân sủng. Nhưng Hội Thánh không phải là một hải quan, mà là ngôi nhà của Chúa Cha, ở đó có chỗ cho tất cả mọi người, với tất cả những khó khăn trong cuộc sống của họ”[15]
c) Đặc biệt, Giáo hội Việt Nam sẽ làm cho tiếng nói của mình thực sự mang lại hiệu quả khi Giáo Hội đoàn kết với người nghèo. Trong việc bước theo “Hạt Lúa Mì” rơi và chết trong lòng đất (Gio 12, 24) Giáo hội Việt Nam bằng nhiều cách khác nhau cố gắng chia sẻ số phận của nhiều nạn nhân do bởi sự bất công bắt nguồn từ một chính sách toàn cầu và địa phương. Giáo hội Viêt Nam phải bén rễ sâu trong lòng dân tộc Việt như là Giáo hội giữa và với người nghèo, vâng, Giáo hội như là “Giáo hội của người nghèo”, nơi mà người nghèo trở thành chủ thể của các hành động Giáo hội. Quả thật, Giáo hội chỉ có thể tìm đúng ý nghĩa thần học của mình trong mối tương quan giữa Vương quốc Thiên Chúa đã hứa và đã đến trong Đức Giêsu Kitô với người nghèo và qua họ với toàn thể tạo vật. Vì thế, viễn tượng bao la của niềm hy vọng đợi chờ vào Vương quốc Thiên Chúa dẫn đưa Giáo Hội ra khỏi khái niệm một Giáo Hội nặng tính cơ cấu. Mục đích của việc Thiên Chúa tự mặc khải trong Cựu và Tân ước không là soạn thảo một Giáo hội cơ cấu; không phải tất cả mọi con đường mà Thiên Chúa đến với con người đều dứt khoát phải đổ tuôn vào trong Giáo hội, nhưng là trong Vương quốc Thiên Chúa, ở đó ý muốn của Thiên Chúa về hòa bình, công lý và sự sống được thực hiện một cách tốt đẹp dành cho người nghèo khó cách phổ quát[16].
2- Suy tư thần học chi phối làm sao cho việc đào tạo giáo lý viên cũng như nó có tác động thế nào đến việc huấn luyện những người dấn thân chuyên nghiệp cho huấn giáo?
2.1 Suy tư thần học giúp các giảng viên giáo lý xác tín điều mình dạy
Đối diện với bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay, người giảng viên dạy giáo lý nhiều lúc cảm thấy băn khoăn, không biết phải trình bày giáo lý như thế nào, khi mà não trạng của phần đông người Việt đều cho rằng: đạo nào cũng tốt! Và thật không dễ dàng chút nào khi truyền giảng về Đức Giêsu, Đấng mang ơn cứu độ duy nhất, khi mà gần 2/3 dân chúng tin rằng, Đức Phật cũng là Đấng mang lại cho họ sự cứu sanh. Có khi tự bản thân người giảng viên dạy giáo lý cũng đang rơi vào rơi vào lối “giải nghi học” (casuistry), có nghĩa là, những kitô hữu vãn khẳng định mình có đức tin, nhưng thực ra họ chỉ biết nội dung của đức tin mà thôi. Do đó, khi ta gặp “một Kitô hữu lên tiếng hỏi ‘có được phép làm điều này hay không, hay liệu Giáo Hội có làm điều này hay không’ thì có nghĩa ‘họ không có đức tin, hay đức tin của họ quá yếu’”[17].
Suy tư thần học sẽ giúp giảng viên dạy giáo lý minh định lại lập trường đức tin của mình, không chỉ là nôi dung đức tin, nhưng còn phương cách truyền đạt đức tin, một đức tin không đóng khung trong các công thức, nhưng sống động qua một hành trình cảm nghiệm về một cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Kitô. Trong tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở: “Trên miệng của giáo lý viên phải luôn luôn vang đi vọng lại lời loan báo ban đầu: ‘Đức Chúa Giêsu Kitô yêu thương chúng ta, Người đã ban mạng sống của Người để cứu chúng ta, và giờ đây Người đang ở bên chúng ta mỗi ngày, để soi sáng, củng cố và giải thoát chúng ta’.”[18] “Đây là lời loan báo đáp ứng khát vọng về sự vô cùng trong mỗi tâm hồn con người”[19]. Suy tư thần học dẫn đưa giảng viên giáo lý vượt qua cái không gian chật hẹp của kiến thức đức tin được gói gọn trong các định tín để bước vào một vùng trời hân hoan chan chứa niềm hy vọng qua cuộc gặp gỡ với Đấng mà chúng ta tin.
Cuộc gặp gỡ nầy được Đức Phanxicô gọi là “‘con đường thẩm mỹ’ (via pulchritudinis). Loan báo Đức Kitô có nghĩa là tin vào Người và theo Người không những chỉ như một điều gì thực tế và đúng, mà còn như một điều gì đẹp đẽ, có khả năng đổ đầy đời sống bằng một sự huy hoàng mới và một niềm vui sâu thẳm, ngay cả giữa những thử thách. Theo quan điểm này, tất cả các cách diễn tả về thẩm mỹ thực sự có thể được công nhận là một con đường giúp người ta gặp gỡ Chúa Giêsu. Điều này không có nghĩa là cổ võ cho một thuyết tương đối về thẩm mỹ, là điều có thể che khuất mối dây liên kết bất khả phân ly giữa chân, thiện, mỹ, nhưng để khôi phục lại lòng ngưỡng mộ vẻ đẹp để có thể chạm đến quả tim con người và để sáng tỏa trong ấy chân lý và sự tốt lành của Đấng Phục Sinh. Như Thánh Augustinô nói, nếu chúng ta chỉ có thể yêu những gì đẹp, thì Chúa Con làm người, mặc khải của sự mỹ miều vô hạn, vô cùng đáng yêu, và Người lôi kéo chúng ta về với mình bằng những liên hệ yêu thương. Do đó, điều cần thiết là việc đào luyện trong via pulchritudinis phải được tháp nhập vào việc thông truyền đức tin”[20].
2.2 Suy tư thần học như là động lực giúp giảng viên giáo lý biến đổi chính mình để biến đỏi người khác
Từ việc minh định rõ thái độ đối với điều mình tin, giảng viên giáo lý tiến tới phương pháp chuyển tải đức tin sao cho người nghe có thể đón nhận dễ dàng, là điều quan trọng trong việc giảng dạy Giáo lý. Có thể noi, suy tư thần học đưa ra những chỉ dẫn giúp giảng viên giáo lý không thu hẹp việc giảng dạy vào những học thuyết, nhưng mở ra con đường tái khám phá giá trị đích thật của cuộc sống. Trong cuộc sống thường ngày có biết bao là dấu chỉ được biểu lộ về sự khao khát Thiên Chúa, về ý nghĩa tối hậu của cuộc đời, sự biểu lộ ấy còn đọc thấy ngay cả trong thái độ tiêu cực.
Đối thoại là cách thế đạt hiệu quả nhất trong việc thông truyền đức tin. Nhưng đối thoại như thế nào để người giảng viên giáo lý không rơi vào hoặc là thái độ tôn giáo quá khích, hoặc là chủ nghĩa tương đối hóa tôn giáo? Suy tư thần học sẽ là câu trả lời cho vấn nạn nầy. Chẳng hạn, qua việc tư duy thần học, Giáo Hội sẽ đưa ra những tiêu chí của việc đối thoại với các tôn giáo khác: “phải khôn ngoan tiếp xúc với người ngoài Kitô giáo ‘trong Chúa Thánh thần, trong Đức ái không giả dối, trong lời chân thật’ (2 Cr 6,6-7).
Phải cố gắng tỏa ánh sáng sự sống với tất cả lòng tin tưởng vững chắc, và lòng can đảm của người tông đồ, cho dù phải đổ máu” (DH 14). Vì thế, khi đối thoại với các tôn giáo khác người giảng viên giáo lý phải thấu hiểu vững chắc chân lý mà mình đã lãnh nhận, và trung thành loan truyền chân lý đó. Phải loại khỏi tinh thần độc tôn tôn giáo, bởi tinh thần đó chỉ đưa đến một thái độ qúa kích, coi thường các tôn giáo bạn, thay vì đối thoại để hiểu nhau, tinh thần đó sẽ dẫn tới những cuộc tranh luận gay gắt, đưa tới những hiềm khích, hiểu lầm và thú oán. Giáo hội công giáo không còn được nhìn như là một Giáo hội độc tôn chiếm hữu chân lý, nhưng là một Giáo hội bao gồm, có nghĩa là Giáo hội công giáo được tiềm ẩn trong các tôn giáo khác, bởi vì Giáo hội xem tất cả những gì là chân thiện nơi các tôn giáo khác như là để chuẩn bị họ nhận lãnh Phúc âm (LG 16). Để có thể thực hiện được các cuộc đối thoại như thế, giảng viên giáo lý cũng được đòi hỏi phải có cảm nghiệm tôn giáo của mình một cách sâu xa.
Dựa trên nền tảng này, giảng viên giáo lý được đòi hỏi phải thực hiện những giờ chiêm niệm đích thật, những kinh nghiệm về các cuộc gặp gỡ thân mật với Chúa là ngôn ngữ thiết yếu để đối thoại với anh chị em thuộc các tôn giáo bạn. Cảm nghiệm tu đức đích thật đòi hỏi phải quên đi chính mình và quan tâm đến ngưới khác. Linh đạo Kitô giáo là một câu đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa, Đấng qua “Lời” đã đến với con người. Qua biến cố Nhập thể, Đức Kitô đã thiết lập nền tảng sự hợp nhất giữa Thiên Chúa với con người. Vì vậy linh đạo Kitô giáo của đối thoại chính là nhập thể, có nghĩa là giảng viên giáo lý cố gắng biến đối cuộc sống của mình theo gương của Đức Giêsu. Gương mẫu của họ sẽ dần dần biến đổi xã hội. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi người giáo dân liên kết với các thành phần tín hữu của các tôn giáo khác trong xã hội để đạt tới mục đích là cùng nhau hành động cho chân lý.
Kết
Hàng năm vào đêm vọng Phục sinh, con số các Tân Tòng lãnh nhận Bí tích Rửa tội mang lại niềm hy vọng và vui mừng lớn lao cho Giáo Hội Việt Nam nói riêng và Giáo Hội toàn cầu nói chung. Nhưng trong niềm vui đó cũng gợi lên nhiều ưu tư, vì nếu đi tìm nguyên nhân dẫn đưa những người tân tòng này gia nhập Giáo Hội Công Giáo có lẽ chúng ta sẽ vơi đi sự hồ hởi, bởi phần nhiều là do kết hôn với người Công Giáo, và cuộc trở lại có vẻ phần nào miễn cưỡng. Nhưng điều đáng nói ở đây là sau khi kết hôn đa phần là không giữ đức tin, như câu ca dao đã chua chát:
Lạy Đức Chúa Trời Ba Ngôi
Tôi lấy được vợ, tôi thôi Chúa Trời.
Tại sao? Có thể nói phần nhiều do giảng viên dạy giáo lý. Nói như thế có cường điệu quá chăng? Nếu đi khảo sát các giảng viên dạy giáo lý cho người dự tòng, một thực tế được ghi nhận là phần đông chỉ truyền dạy những tín điều phải tin và những luật – Thiên luật cũng như Giáo luật – phải giữ, còn để thông truyền một đức tin sống động cho những người dự tòng thì quả thật hiếm quá. Người ta chỉ tiếp thu được những kiến thức đức tin qua những công thức khô cứng, xa lạ với truyền thống văn hóa, và có vẻ dửng dưng với các vấn nạn của thời đại, hầu như trong suốt thời gian “học giáo lý” người dự tòng không một lần được hướng đẫn đến gặp gỡ được một Đức Kitô, đối tượng cúa đức tin, một Đức Kitô nhập thể và nhập thế, nhập thể để cùng chia sể thân phận với con người, nhập thế để đưa ra những lời giải đáp cho các vấn nạn của con người trong bất cứ thời đại nào, vì Người là Lời yêu thương của Thiên Chúa được mạc khải cho con người cho mọi nơi và mọi lúc.
Thiếu sót này có thể là các giảng viên dạy giáo lý ít cơ hội tiếp xúc với các suy tư thần học. Nhiệm vụ cúa các nhà Thần học là giúp huấn quyền đưa ra những giáo huấn một mặt luôn trung thành với chân lý Mạc khải, đàng khác giáo huấn được trình bày với não trạng, tâm thức của người thời đại. Vì thế, để việc giảng dạy giáo lý có thể đạt hiệu quả theo như Giáo Hội mong muốn, giảng viên giáo lý cần phải tiếp cận với các suy tư thần học, để nhờ đó, ho “luôn luôn tìm cách truyền thụ chân lý của Tin Mừng cách hiệu quả hơn trong một bối cảnh cụ thể mà không từ bỏ chân lý, sự tốt lành và ánh sáng mà người ấy có thể mang lại, cho dù sự hoàn hảo là điều không thể được.
Một quả tim truyền giáo ý thức được những hạn giới này và biến mình thành ‘người yếu đuối với những kẻ yếu đuối [...], mọi sự cho mọi người, (1 Cr 9,22). Họ không bao giờ tự đóng lòng mình, không bao giờ rút lui về chỗ an toàn của mình, không bao giờ chọn cách tự vệ cứng rắn. Họ ý thức rằng mình phải lớn lên trong sự hiểu biết về Tin Mừng và trong sự phân biệt những con đường của Chúa Thánh Thần, và như thế, họ luôn luôn làm những điều gì tốt mình có thể làm, mặc dù có nguy cơ bị lấm bùn đường.”[21]
[1] Nguồn: http://tuoitre.vn/Pages/Printview.aspx?ArticleID=585320
[2] Thế mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế, nguồn: http://www.baomoi.com/The-manh-cua-Viet-Nam-tren-truong-quoc-te/122/5649562.epi
[3] Bản tuyên ngôn về việc rao giảng Tin Mừng của FABC I, cuộc họp đầu tiên của các Giám mục Á châu, 1974.
[4] Giáo Hội Địa Phương: Suy Tư Thần Học Trong Bối Cảnh Á Châu, trích từ các "Luận đề về Giáo Hội Địa Phương" do Ủy Ban Cố Vấn Thần Học của Liên Hiệp các Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) soạn thảo ra. Các Luận đề này là thành quả của cuộc nghiên cứu và bàn thảo mà các thành viên của Ủy Ban và các nhà thần học khác đã tiến hành suốt trong năm năm, và cuối cùng đã được chấp thuận trong lần Ủy Ban họp tại Hồng Kông hồi tháng tư năm 1990. Ngo Minh SJ chuyển ngữ. Nguồn: http://catechesis.net/news/THAN-HOC-61/Giao-Hoi-Dia-Phuong-Suy-Tu-Than-Hoc-Trong-Boi-Canh-A-Chau-828/
[5] Tín ngưỡng và Tôn giáo tại Việt Nam: Nguồn: http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_vietnam/nr050324092159/
[6] Lịch sử truyền giáo tại Việt Nam cũng đã ghi đậm lại kinh nghiệm đau thương về các cuộc bách hại đãm máu, mà một trong những nguyên nhân đưa đến cuộc bách hại đạo Công giáo, chính là việc các nhà thừa sai lên án các nghi lễ thờ cúng ông bà tổ tiên, coi đó là mê tín và thờ ngẫu tượng, và ra lệnh cấm những kitô hữu không được thắp nhang cúng bái trước bàn thờ tổ tiên, ông bà, cũng như trước linh cữu người quá cố. Việc làm này gây phẫn nộ trong xã hội Việt Nam thời đó, và người ta coi Kitô giáo là một tà đạo, đi ngược với truyền thống dân tộc về việc kính nhớ ông bà tổ tiên.
[7] Lễ hội Việt Nam, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%85_h%E1%BB%99i_Vi%E1%BB%87t_Nam
[8] Chủ nghĩa vị lơi (utilitarianism) coi sự vui sướng hay thỏa mãn ước muốn như là sự thiện duy nhất của con người và coi luân lý tính của các hành đọng hoàn toàn lệ thuộc vào các hậu quả hay kết quả cho sự hạnh phúc khả giác của con người. X. Hành trình cùng triết học, do Ted Hondẻich chủ biên, Lưu văn Hy biên dịch snag Việt ngữ, NXB Văn Hóa Thông Tin Hà Nội 2002, tr.1127.
[9] X.Quý Thông, Nhà nghỉ 'cháy' phòng đêm Valentine, nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nha-nghi-chay-phong-dem-valentine-2187771.html
[10] Lễ tình nhân: “Cháy” khách sạn, nhà nghỉ, trích trong báo An ninh Thủ đô, nguồn: http://vtc.vn/kinh-te/le-tinh-nhan-chay-khach-san-nha-nghi-288223.html
[11] X. Giám mục W. Kempf, Fuer euch und fuer alle. Fastenhirtenbrief 1981, Limburg 1981; Giám mục K. Lehman, „Geistes-Gegenwart und Weggemeinschaft“, Gepraech in: HK 43 (1989), 67-74; Giám mục J. Homeyer, „Es bedarf einer zweiten Bekehrung“, Gepraech in: HK 44 (1990), 417 – 423.
[12] Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông điệp gởi tới anh em Tin lành phái Ngũ tuần thông qua Giám mục phái ngũ tuần, Tony Palmer, ngày 14-1-2014, nguồn: http://vietcatholic.com/News/Html/121722.htm
[13] Nt.
[14] Đức Phanxicô, trả lời phỏng vấn trên chuyến bay từ Ba Tây về lại Giáo Đô Rôma ngày 28/7/2013, nguồn http://tailieuthanhmau.net/TL-01-ABC/D/DTC%20Phanxico%20bat%20ngo%20tra%20loi%20phong%20van%20tren%20chuyen%20bay.htm
[15] Đức Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, số 47.
[16] M. Kehl, Eschatologie, Wuerzburg, 1988, 135tt.
[17] Đức Phanxicô, Bài giảng tại nhà nguyện Santa Marta trong thánh lễ đồng tế với các vị Hồng Y đang tham dự Công Nghị Hồng Y Ngoại Thường, 21-2-2014.
[18] Đức Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, số 164.
[19] Nt, số 165
[20] Đức Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, sô 167.
[21] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium, 45.
Tác giả: Lm Antôn Hà văn Minh
Nguồn: giaolyductin.ne
Nguồn: giaolyductin.ne
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét