VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 16 TN NĂM B
Mc
6,30-34
TIN
MỪNG
30 Các
Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các
ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.31 Người bảo các ông: "Chính anh em
hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút." Quả thế,
kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.32
Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.33 Thấy các ngài
ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ
chạy đến nơi, trước cả các ngài.34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám
người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.
Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
30 The
apostles gathered together with Jesus and reported all they had done and
taught.
31 He
said to them, "Come away by yourselves to a deserted place and rest a
while." People were coming and going in great numbers, and they had no
opportunity even to eat.
32 So
they went off in the boat by themselves to a deserted place.
33
People saw them leaving and many came to know about it. They hastened there on
foot from all the towns and arrived at the place before them.
34 When
he disembarked and saw the vast crowd, his heart was moved with pity for them,
for they were like sheep without a shepherd; and he began to teach them many
things.
I. HÌNH TÔ MÀU
* Chủ
đề của hình này là gì?
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
* Bạn
hãy viết câu Tin Mừng Mc 6,34
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
II. TRẮC NGHIỆM
01. Khi nghe các tông đồ kể mọi
việc các ông đã làm và mọi điều các ông đã dạy, Đức Giêsu bảo các ông điều gì?
(Mc 6,31)
a. Hãy
tạ ơn Thiên Chúa.
b. Ra 1 nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.
c. Hãy
cầu nguyện liên lỉ.
d. Hãy
chúc tụng Thiên Chúa.
02. Thầy trò lánh ra nơi hoang
vắng bằng cách gì? (Mc 6,32)
a. Đi
bộ.
b. Đi
thuyền.
c. Cỡi
lừa.
d. Cùng
đi với đám đông.
03. Khi nhìn thấy đám đông, Đức
Giêsu có tâm tình gì? (Mc 6,34)
a. Hân
hoan.
b. Lo
lắng.
c. Xao
xuyến.
d.
Chạnh lòng thương.
04. Đức Giêsu nói đám đông như bầy
chiên thế nào? (Mc 6,34)
a. Được
chăn dắt.
b.
Không người chăn dắt.
c. Bơ
vơ.
d. Hoang
dã.
05. Khi nhìn thấy đám đông, Đức
Giêsu bắt đầu làm gì? (Mc 6,34)
a. Dạy
dỗ họ nhiều điều.
b. Trừ
quỷ cho họ.
c. Chữa
nhiều bệnh nhân.
d. Cả
a, b và c đúng.
III. Ô CHỮ
Những gợi ý
01. Đức Giêsu bảo ai phải lánh
riêng ra đến 1 nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút? (Mc 6,31)
02. Các tông đồ tụ họp quanh ai và
kể cho Người biết mọi việc các ông đã làm? (Mc 6,30)
03. Thấy đám người rất đông, Đức
Giêsu chạnh lòng thương vì họ như điều gì không người chăn dắt? (Mc 6,34)
04. Đây là phương tiện thầy trò
dùng để đi lánh riêng ra 1 nơi hoang vắng? (Mc 6,32)
05. Kẻ lui người tới quá đông, nên
các tông đồ chẳng có thì giờ làm gì? (Mc 6,31)
Hàng dọc: Chủ đề của ô chữ này là gì?
IV. CÂU
THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG
Đức Giêsu
thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không
người chăn dắt.
Tin Mừng thánh Máccô 6, 34
VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 16 TN NĂM B
Tin
Mừng thánh Máccô 6,30-34
I. HÌNH TÔ MÀU
* Chủ
đề :
Chúa
Giêsu giảng dạy
* Câu
Tin Mừng thánh Máccô 6,34
Đức Giêsu
thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không
người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
II. Lời giải đáp TRẮC NGHIỆM
01.
b. Ra 1 nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi
chút (Mc 6,31)
02. b. Đi thuyền (Mc 6,32)
03. d. Chạnh lòng thương (Mc 6,34)
04. b. Không người chăn dắt (Mc 6,34)
05. a. Dạy dỗ họ nhiều điều (Mc 6,34)
III. Lời giải đáp Ô CHỮ
01. Anh em (Mc 6,31)
02. Đức Giêsu (Mc 6,30)
03. Bầy chiên (Mc 6,34)
04. Thuyền (Mc 6,32)
05. Ăn uống (Mc 6,31)
Hàng dọc: Mục Tử
GB.
NGUYỄN THÁI HÙNG
Nhịp sống Kitô hữu
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Trời có lúc mưa lúc
nắng. Mưa để tưới cho cây lúa mọc nhanh. Nắng để cho hạt lúa vào mẩy chín vàng.
Thời gian có ngày có đêm. Ngày để con người làm việc. Đêm để con người nghỉ
ngơi phục hồi sức lực. Con người có đời sống riêng tư những cũng có đời sống xã
hội. Có lúc phải ra ngoài góp mặt với đời. Có lúc phải rút lui vào chốn riêng
tư để sống cho mình. Nhịp hai chi phối đời sống con người ấy cũng chi phối
những hoạt động thiêng liêng của người môn đệ Chúa. Trong bài Tin Mừng Chủ nhật
tuần trước, ta đã thấy Đức Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, hoạt
động cứu độ con người. Hôm nay, khi các ông về tường trình lại những việc đã
làm. Người bảo các ông tìm chỗ vắng vẻ mà nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi trong cầu
nguyện. Sống riêng tư thân mật với Chúa. Hoạt động và cầu nguyện, đó là nhịp
sống của người môn đệ Chúa.
Hoạt động và cầu
nguyện đó là hai nhu cầu của con người. Vì con người có
thể xác nhưng cũng có linh hồn. Vì đời sống trong xã hội, con người có bổn phận
đối với làng xóm, với đất nước. Để thăng tiến bản thân, gia đình và đất nước,
ta phải học hành, lao động hết sức vất vả. Đó là nhiệm vụ bắt buộc. Một người
có tinh thần trách nhiệm không thể nào xao lãng những nhiệm vụ đó. Tuy nhiên sẽ
là thiếu sót rất lớn nếu con người chỉ biết có đời sống thể xác mà quên đi đời
sống tâm linh. Thật vậy, con người không chỉ có thể xác mà còn có linh hồn. Đời
sống tâm linh cũng cần phải được nuôi dưỡng bồi bổ để phát triển. Sẽ là khập
khiễng, lệch lạc, què quặt nếu chỉ lo phát triển đời sống vật lý mà quên đời
sống tâm linh. Đời sống tâm linh được nuôi dưỡng bồi bổ ở bên Chúa. Chính Chúa
là nguồn mạch đời sống thiêng liêng. Vì thế những giờ phút riêng tư thân mật
bên Chúa sẽ giúp cho đời sống tâm linh phát triển. Chính nhờ những giờ phút cầu
nguyện mà con người được phát triển quân bình, song song cả hồn lẫn xác.
Hơn thế nữa việc cầu nguyện sẽ hỗ trợ hoạt động
bên ngoài. Nếu chỉ hoạt động
bên ngoài, con người sẽ không khác gì máy móc. Nếu chỉ biết phát triển đời sống
thân xác, con người sẽ trở thành nô lệ cho vật chất. Nếu chỉ quan tâm tới những
nhu cầu vật chất, con người sẽ dễ bị tha hoá, đuổi theo tiền bạc, chức quyền.
Một xã hội chỉ phát triển về vật chất mà không phát triển về đạo đức sẽ khó tồn
tại. Cầu nguyện giúp nâng tâm hồn lên khỏi nô lệ vật chất. Những giây phút yên
lặng bên Chúa giúp ta định hướng cuộc đời, ánh sáng Lời Chúa giúp ta nhìn rõ
tâm hồn mình, biết rõ những sai sót của mình mà sửa lỗi. Những lời chỉ dạy của
Chúa là những chuẩn mực đạo đức giúp ta sống ngay thẳng thật thà, lương thiện.
Ơn Chúa ban sẽ cho ta sức mạnh để hoạt động tích cực hữu hiệu hơn, để hăng hái
dấn thân hơn nữa trên đường phục vụ anh em.
Riêng trong lãnh vực
tông đồ, cầu nguyện tuyệt đối cần thiết. Thật vậy, việc tông đồ bắt nguồn từ nơi Chúa. Làm việc tông đồ là làm
việc của Chúa. Làm việc của Chúa mà không kết hiệp mật thiết với Chúa thì không
những không thể có kết quả tốt đẹp mà còn có nguy cơ đi sai đường, làm hỏng
công việc của Chúa. Không cầu nguyện ta sẽ dễ chú ý tới những hoạt động thuần
tuý phô trương bề ngoài. Không cầu nguyện ta sẽ dễ biến việc của Chúa thành của
riêng ta và vì thế sinh ra tự phụ, kiêu hãnh. Không cầu nguyện, việc tông đồ sẽ
chỉ là một hoạt động xã hội từ thiện không hơn không kém. Vì thế, cầu nguyện
rất cần thiết. Cần cầu nguyện đế biết rõ ý Chúa, biết việc phải làm. Cần cầu
nguyện để múc lấy sức mạnh của Chúa giúp chu toàn công việc. Cần cầu nguyện để
biết khiêm nhường luôn coi mình là dụng cụ trong bàn tay Thiên Chúa. Chỉ khi
làm việc trong Chúa, với Chúa và vì Chúa, việc tông đồ mới có kết quả tốt đẹp
theo ý Chúa muốn.
Hoạt động và cầu
nguyện. Đó là hai nhịp trong đời sống Kitô hữu. Nhưng có lẽ ta thường chú trọng
tới hoạt động mà quên cầu nguyện. Hôm nay, Chúa dạy ta phải biết giữ quân bình
giữa hai nhịp của đời sống. Có hoạt động nhưng cũng phải có cầu nguyện. Hoạt
động phải là kết quả của những giờ suy nghĩ và cầu nguyện. Cầu nguyện để tổng
kết lượng giá những hoạt động cũ và định hướng những hoạt động mới. Hoạt động
là bề mặt. Cầu nguyện là bề sâu. Giữ được quân bình giữa hai nhịp sống, con
người mới phát triển toàn diện. Duy trì sự ổn định của hai nhịp sống mọi hoạt
động của con người mới có nền tảng và bền vững.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Một ngày kết thúc
mà bạn chưa cầu nguyện, bạn có cảm thấy như thế là thiếu sót như thể bạn chưa
ăn gì trong ngày hôm ấy không?
2- Trước khi đi làm
việc tông đồ, bạn có cầu nguyện không?
3- Hai nhịp trong đời
sống bạn đã hài hoà chưa? Bạn sẽ làm gì để chỉnh đốn lại những lệch lạc trong
nhịp sống?
4- Gia đình bạn có
cầu nguyện chúng với nhau trước khi đi ngủ không?
Bản tường
trình của giám mục
ĐGM
Arthur Tone
Một linh mục du lịch bằng xe lửa qua Ái Nhĩ
Lan đang hút một điếu xì gà. Tại một trạm xe, vị Giám mục nổi tiếng ở Dwyer của
địa phận Limerick đang đứng trên bực thềm đợi một chuyến xe khác. Ngài thấy vị
linh mục hút thuốc, liền phê bình: “Cha thân mến, cha hút thuốc trước công
chúng làm gương xấu cho người Ái Nhĩ Lan”. Vị linh mục đáp lại “Tôi không thấy
gì là gương xấu khi hút một điếu xì gà”. Và vị linh mục hỏi tiếp” “Xin được
phép hỏi: Ngài là ai?”. Câu trả lời: “Tôi là Giám mục O. Dwyer địa phận
Limerick. Hơi bối rối, vị linh mục kính cẩn nhìn vị Giám mục một lát rồi khi xe
từ từ rời bến. Ngài lẩm bẩm: “Đức Cha có chức vụ cao, Đức Cha cố gắng chu
toàn”.
Vâng, Đức Giám mục của chúng ta “có chức vụ
cao”. Ngài là Đấng kế vị các Tông đồ. Công việc của ngài thánh thiện và khó
khăn. Một bổn phận của ngài là báo cáo đều đặn trực tiếp cho Đức Thánh Cha. Tin
Mừng hôm nay kể rằng: Các Tông đồ trở về với Chúa Giêsu và kể lại cho Người tất
cả những gì các ông đã làm và đã giảng dạy.
Một cách tương tự, Đức Giám mục năm năm một
lần báo cáo đầy đủ và chi tiết về tình trạng địa phận của ngài và sự liên đới
với chính quyền dân sự. Cứ 10 năm Đức Giám mục đích thân đem báo cáo về Roma.
Bản báo cáo này gồm: tình hình tôn giáo của
địa phận. Số họ đạo, linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân, giáo lý viên, học sinh
Công giáo trong trường Công giáo, học sinh Công giáo trong trường công lập, số
nhà thương, viện dưỡng lão, số hôn phối, tân tòng, số người rửa tội, số người
chết, mọi vấn đề liên quan đến đời sống thiêng liêng.
Bản báo cáo cũng bao gồm lời xác nhận chính
thức về sự điều hành địa phận: giới trẻ Công giáo, báo chí địa phận, hoạt động
từ thiện, đời sống gia đình, việc truyền bá đức tin và những nhân viên cùng ủy
ban giúp sức Giám mục.
Ngài cùng báo cáo về tình hình tài chính nữa.
Các bạn biết rằng, mỗi năm cha sở phải báo cho Đức Giám mục tình hình tài chính
và thiêng liêng của họ đạo. Tới luợt Đức Giám mục báo cáo đầy đủ cho Đức Thánh
Cha.
Bởi vì, những bản báo cáo này từ khắp thế
giới, nên Đức Giáo Hoàng - Đầu hữu hình của Giáo Hội, am tường tình hình diễn
biến trên thế giới. Bạn và tôi có phần sống động trong bản báo cáo đó. Đức
Thánh Cha quan tâm đến mọi phần tử trong gia đình nhân loại khắp mặt đất. Vì
thế mà Franklin Roosevelt nài nỉ được đích thân làm quan sát viên cạnh Vatican.
Đức Giêsu sai phái các Tông đồ, và các Ngài
báo cáo lại cho Chúa. Đức Giáo Hoàng sai phái các Giám mục, các ngài báo cáo
lại cho Đức Giáo Hoàng. Đó thực là trở về sinh hoạt của các Kitô hữu lúc đầu.
Bản tường trình chính thức này cho những lời
trong kinh nguyện Thánh Thể II ý nghĩa đặc biệt: “Lạy Chúa, xin nhớ đến Hội
Thánh lan rộng khắp hoàn cầu. Để kiện toàn Hội Thánh trong đức mến, cùng với
Gioan Phaolô II, Đức Giám mục… giáo phận chúng con và toàn thể hàng giáo sĩ.
Bạn hãy cầu nguyện lời kinh này với ý nghĩa đó.
Xin Chúa chúc lành bạn.
Suy niệm
của Noel Quesson
HÃY LUI VÀO NƠI THANH VẮNG VÀ NGHỈ NGƠI.
Cuộc sống của Cha Sở xứ Ars cho ta thấy rõ
sức mạnh chinh phục tâm hồn người ta là do Chúa. Thánh Gioan Vianney không tài
giỏi, nhưng ngài luôn tích cực làm việc và tin tưởng ở Chúa. Hoạt động mục vụ
của Cha Vianney xây dựng trên ba trục chính: đời sống khắc khổ hy sinh; tôn
sùng Thánh Thể; phục vụ giáo dân qua lời giảng và nơi tòa giải tội.
Trong cuộc sống phục vụ các tâm hồn, người ta
chỉ có thể thu lượm kết quả, một khi biết trau dồi đời sống nội tâm, và kết hiệp
mật thiết với Chúa. Chính vì thế mà ngay sau khi nghe các Tông đồ báo
cáo về những việc họ đã làm, Chúa truyền cho họ phải tìm chốn nghỉ ngơi, mặc dù
đó là lúc người ta lui tới với các Tông đồ rất đông. Việc nghỉ ngơi nói đây
không phải chỉ là việc giải lao bình thường, nhưng còn là một thời gian dành
cho việc bồi dưỡng tinh thần. Trong thanh vắng, Chúa cho các Tông đồ hiểu: việc
rao giảng Tin Mừng là chia sẻ cho người ta những gì mình ôm ấp trong tâm hồn.
Nếu mình không học hỏi thêm, không suy nghĩ, không kiểm điểm về những điều mình
biết và tin, thì vốn liếng niềm tin của mình sẽ nghèo đi. Còn gì để chia sẻ cho
người khác nữa? Thời gian nghỉ ngơi là lúc các Tông đồ kiểm điểm đời sống để
thấy điều gì cần sửa đổi, điều gì cần phải làm thêm cho sinh hoạt truyền giáo
đạt kết quả. Đó chính là thời giờ tĩnh tâm của các Tông đồ vậy. Nơi vắng vẻ
cũng là nơi thuận tiện cho các Tông đồ cầu nguyện. Vì cầu nguyện cũng là trau
dồi đời sống nội tâm. Cầu nguyện để được ơn Thánh Thần trợ giúp. Cầu nguyện để
xin Chúa tác động vào các tâm hồn đã đón nghe Tin Mừng. Đó mới là phần chính
yếu để việc truyền giảng Tin Mừng phát sinh hiệu quả.
Các Tông đồ trở về, cùng với Chúa đi vào nơi
thanh vắng để học hỏi, để suy tư, để cầu nguyện. Cũng như sau thời gian phân
phát lương thực cho người khác, các Tông đồ trở về nguồn để lấy thêm chất liệu,
hầu có thể tiếp tục lên đường phục vụ.
Trở về với Chúa để học hỏi, suy
tư và cầu nguyện là
việc cần thiết, mọi người tín hữu phải làm trong cuộc sống Kitô hữu hôm nay. Vì
chúng ta cũng được sai đi như các Tông đồ xưa. Sau một ngày, sau một tuần,
chúng ta cũng cần có thời gian trở về với Chúa để kiểm điểm lại sinh hoạt tôn
giáo, học hỏi lời Chúa và cầu nguyện. Cụ thể là ngày Chúa nhật, chúng ta có dịp
thuận tiện để sống với cộng đoàn, được bồi dưỡng tinh thần và được Chúa sai đi
chia sẻ cho anh chị em những gì mình đã lãnh nhận.
Lạy Chúa, xin tạo điều kiện cho chúng con
được trở về với Chúa mỗi ngày, mỗi tuần trong việc gặp gỡ Chúa qua bí tích
Thánh Thể, qua Thánh Kinh và qua bí tích hòa giải; nhờ đó chúng con lãnh nhận
được mọi ơn cần thiết cho cuộc sống phục vụ hôm nay.
Chú giải
mục vụ của Jacques Hervieux
CHÚA GIÊSU ĐỘNG LÒNG XÓT THƯƠNG
Chính vì muốn tường trình cho Thầy mình công
việc rao giảng nên các môn đệ đã trở về gặp lại Chúa Giêsu (c.30). Đã đến giờ
các thừa sai làm bảng tổng kết đầu tiên. Đây là lần duy nhất trong sách Tin
Mừng, Maccô gán cho nhóm Mười Hai biệt danh “Tông đồ”, nghĩa là “những kẻ được
sai đi”. Chúa Giêsu moơì các bạn hữu Ngài tìm chỗ yên tĩnh xa lánh mọi người để
nghĩ ngơi cho lại sức (c.31a). Đám cứ quấy nhiễu không cho họ có thời giờ phục
hồi sinh lực (c.31b). Như thế chủ đề về thực phẩm mà Maccô dự tính trình bày đã
được loan báo. Có sự tương phản sống động giữa một ý định chạy trốn đám đông
(sang bên kia hồ) và một bên là làn sóng người tìm cách cuốc bộ tới địa điểm
trước để đón các Ngài (2,32-33).
Vì thế, vừa đặt chân lên đất, Chúa Giêsu đã
lại thấy một đám đông vô kể (c.34). Chúa Giêsu không thể và cũng không muốn
trốn họ nữa. Ngược lại, Maccô nhấn mạnh đến sự lo lắng đặc biệt Chúa dành cho
đám đông này. Trong tiếng Hy Lạp, thành ngữ “động lòng xót thương” có ý nghĩa
rất mạnh. Bản văn nói lên rõ ràng: “Lòng dạ Ngài xúc động” giống như lòng dạ
Thiên Chúa đối với dân Người (Hs 11,8).
Lòng xót thương của Chúa Giêsu có thể sánh ví
với lòng xót thương của người mục tử đối với bầy chiên bơ vơ lạc lõng. Ở đây
phảng phất chủ đề căn bản của Cựu Ước, Israel được trình bày như một đàn cứu
được Thiên Chúa và các mục tử Ngài gửi đến dẫn dắt. Tuy nhiên không phải tất cả
các mục tử này là những người gương mẫu giống như Môsê hoặc Đavit (x.Ed
34,1-31). Dân Chúa từng gặp phải và vẫn còn gặp phải những người lãnh đạo rất
bất xứng với sứ mệnh của họ. Vì thế Thiên Chúa đã hứa sẽ ban cho Israel một vị
mục tử nhân lành là chính Đấng Mêsia được toàn dân mong đợi. Trong chương này,
Chúa Giêsu xuất hiện như vị Mục Tử thần linh cực kỳ lo lắng cho dân Ngài. Và Maccô
nhấn mạnh việc Chúa bắt đầu bằng hành động “giáo hóa” dân chúng một cách kỹ
lưỡng. Có tới hai lần, tác giả ghi nhận tầm quan trọng của lời Chúa Giêsu giảng
dạy (1,22; 4,1-2) dù không hề xác định rõ nội dung của lời giảng dạy đó. Ở đây
cũng thế. Tuy nhiên, sự kiện này vẫn mang đầy ý nghĩa. Trước khi cho dân chúng
bánh ăn thì lời giảng của Chúa Giêsu đã làm cho họ “no thỏa”. Trình thuật hóa
bánh sắp diễn ra không được phép tách lìa khỏi trình thuật giảng dạy trước đó.
Bởi vì chính Chúa Giêsu đã “dùng Lời” để cố quy tụ đám đông thành một dân mới
của Thiên Chúa. Từ xưa Giáo Hội đã ghi nhận điều này. Trong nghi thức Thánh
Thể, Giáo Hội luôn luôn nối kết “hai bàn tiệc” với nhau: trước hết là bàn tiệc
Lời Chúa, rồi sau đó là bàn tiệc Bánh Thánh.
Chú giải
của Noel Quesson
Các tông đồ tụ họp chung quanh
Đức Giêsu.
Đây là lần đầu tiên và lần duy nhất, Maccô
gọi các môn đệ là "Tông đồ" ("apostoloi", có nghĩa là
"những kẻ được sai đi"). Chúa nhật vừa qua, chúng ta đã nghe Đức
Giêsu dặn dò các Tông đồ, khi sai các ông lên đường. Các ông đã sống một ít
ngày, không biết mấy ngày, từng hai người một nhưng không có Người. Các ông trở
về sau một cuộc truyền giáo. Các ông đã cảm nghiệm được sức mạnh của Tin Mừng,
nhưng chắc hẳn các ông cũng đã có kinh nghiệm về sự chống đối, khước từ, lãnh
đạm. Và đoạn Tin Mừng này cho thấy các ông rất mệt mỏi. Cần sự nghỉ ngơi. Vào
thời đó, người ta chỉ đi bộ.
Và kể lại cho Người biết mọi việc
các ông đã làm, và mọi điều các ông đã giảng dạy.
Đó là giờ ‘báo cáo’. Hành động rồi xét lại
hành động đó để hiểu nó hơn trong đức tin và để làm tốt hơn trong những lần
sau. Ngày nay người ta thường tụ họp nhau lại. Người ta quen làm việc theo
nhóm, trong sinh hoạt học đường, nghề nghiệp, nghiên cứu: Các Hiệp hội, nghiệp
đoàn, ủy ban đủ loại, thường triệu tập thành viên của mình để góp chung ý kiến,
dự thảo các dự án. Ngày nay, người ta nói nhiều về "thảo luận",
"đối thoại". Đó là một phần thuộc bản chất con người. Một lần nữa
chúng ta thấy Đức Giêsu đã hoàn toàn hòa nhập vào bản chất sâu xa của con người;
sống trong tương quan và góp phần với người khác. Ngày nay nhiều Kitô hữu đã
hiểu rằng, đức tin của họ sẽ mạnh hơn biết bao, nếu họ liên kết với những người
anh em khác để giải thích và chia sẻ Tin Mừng. Đó là mục đích của việc họp mừng
Thánh Thể mỗi Chúa nhật. Sau một tuần thi hành sứ vụ, người Kitô hữu "trở
về" với Đức Giêsu. Tôi có điều gì để nói với Chúa không? Tôi có cầu nguyện
với Người về cuộc sống của tôi trong tuần qua không?
Mọi việc các ông đã làm, và mọi
điều các ông đã giảng dạy.
Thánh Maccô tóm lại tất cả sứ vụ của các Tông
đồ trong hai bình diện "làm" và "nói". Đó cũng là đặc điểm
hoạt động của Đức Giêsu: Những hành vi xót thương, giảng dạy. Đức Giêsu và các
tông đồ đều là những người thợ cùng làm một công việc.
Người bảo các ông: "Anh em hãy
lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút". Quả thế kẻ lui
người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, các
ngài xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.
Đức Giêsu cũng "nghỉ mát". Đức
Giêsu đề nghị với các bạn của Người, đang quá mệt mỏi vì công việc, hãy dành
một thời gian để nghỉ ngơi thư giãn. Quá tải, căng thẳng thần kinh mà ngày nay
người ta gọi là ‘stress’ có hại cho công việc Tông đồ cũng như các công việc
khác. Đức Giêsu muốn cho mọi người nam cũng như nữ được quân bình, thanh tĩnh,
ổn định. Đó là nhu cầu thinh lặng, cô tịch, tránh xa đám đông. Đó là điều cần
thiết cho con người mọi thời, đặc biệt cho con người thời nay, có thể dễ bị
bệnh nhồi máu cơ tim do sự biến động trong các thành phố.
Trong một tuần lễ, một ngày sống, tôi có tự ý
dành một khoảng thời gian để sống thinh lặng cô tịch không? Tôi phải qua những
kỳ nghỉ nào?
Đây không phải là lần duy nhất Máccô cho
chúng ta biết Đức Giêsu thích sự cô tịch và tránh xa đám đông. Đức Giêsu còn
biết chọn những nơi hiện diện: "Một ngọn núi cao riêng biệt" (Mc
9,2). Những bờ dốc thẳng bao quanh hồ phía đồi Gôlăng (Mc 5,1) những bãi biển
Phênixi xứ Xyria hay xứ Libăng (Mc 7,24-31) đôi bờ của con thác miền núi gần
nguồn sông Giođan dưới chân núi Héc-mon (Mc 8,27).
Đến nơi thanh vắng trong sự cô
tịch, anh em hãy nghỉ ngơi.
Đức Giêsu khích lệ các Tông đồ đi đến một nơi
thanh vắng yên tĩnh. Đời sống nội tâm đòi buộc phải suy niệm. Sự náo động bên
ngoài chỉ đưa đến phiến diện bề ngoài. Không có một công trình vĩ đại nào của
con người được thực hiện mà lại không có sự tập trung cao độ, cố gắng yên tĩnh
và tự chủ. Bất cứ một cuộc sống đúng đắn nào của con người cũng phải trải qua
từ giai đoạn hoạt động “bên ngoài" đến những giai đoạn suy tư "bên
trong" - xem, xét, làm. Xem lại, xét lại, làm lại. Điều này lại càng đúng
với đời sống Kitô hữu: Không có cuộc sống Kitô hữu nào vững chắc và sâu xa mà
lại không thể hiện hai nhịp sau: Sống "nội tâm" và hoạt động
"bên ngoài". Tôi có dành thời gian để suy niệm không? Thời gian tôi
dành cho sự cầu nguyện trong khoảng 24 giờ là bao nhiêu? Tôi có sự thinh lặng,
cô tịch không? Tôi có quen vặn rađiô hay tivi để lấp đầy khoảng trống thời gian
của tôi không? Còn những Chúa nhật của tôi ra sao? Có phải là ngày sabat, ngày
nghỉ ngơi không?
Thấy các ngài ra đi nhiều người
hiểu ý các ngài, nên từ khắp thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi
trước các ngài. Bước lên bờ, Đức Giêsu thấy đông đảo dân chúng.
Ở đây Đức G'iêsu và các môn đệ dường như đang
chơi trò "ú tim" hay "cút bắt" với đám đông. Nhưng không có
cách nào trốn được. Người ta muốn trốn đám đông Nhưng người ta cũng phải lo cho
đám đông đó. Người ta muốn trốn để nghỉ ngơi, tránh sự quá tải đến nỗi không có
thời giờ để ăn. Người ta sắp xếp để rút êm, nhưng đám đông đã ở đó trước. Phản
ứng của Đức Giêsu trước sự bất ngờ trái ý, làm xáo trộn chương trình của Người
thế nào?
Đức Giêsu thấy đông đảo dân chúng
thì chạnh lòng thương.
Lạy Chúa, người ta nhận biết rõ Chúa nhờ điểm
đó. Trước tiên, con muốn dành thời giờ để tưởng tượng phản ứng của Chúa. Chúa
bước lên bờ. Đám đông đang ở trên bãi biển -Đám đông chạy ùa đến với Chúa. Thay
vì bực mình, lạy Chúa, Chúa đã tiếp đón họ. Sự cô tịch, nghỉ ngơi được dời lại
vào một lần khác. Trước những trường hợp cấp bách, Chúa cũng phải thay đổi
chướng trình của Người. Người đã đáp lại lời mời gọi của kẻ khác. Biết bao bà
mẹ muốn nghỉ ngơi mà không được. Lạy Chúa, Chúa đã trải qua kinh nghiệm này.
Tình yêu là thế. Làm những gì mà người ta "có lẽ không muốn", làm
những gì "phải làm", những việc "đang ở đó", "Kẻ nào
muốn làm môn đệ Tôi, hãy khước từ chính bản thân mình và hãy theo Tôi" (Mc
8,34), Kẻ nào liều mất mạng sống của mình, sẽ được sống" (Mc 8,35). Thua
mất! Chúa đã thua mất. Người đòi hỏi chúng ta hãy làm như Người; Thua mất vì
tình yêu.
Người chạnh lòng thương.
Cảm xúc này đã biểu lộ trên ương mặt, trong
cử chỉ của đôi -tay, trên môi, trên mắt, trong giọng nói của Đức Giêsu thế nào?
Đức Giêsu nhìn đám đông cách trìu mến, đám
đông đó là hình ảnh thế gian qua mọi thới đại. Vào lúc này đây, lạy Chúa, con
tin rằng Chúa vẫn tiếp tục nhìn thế giới của chúng con hôm nay với cái nhìn
"trắc ẩn" như thế? Còn tôi? Cái nhìn của tôi trên đám đông như thế
nào?
Vì họ như bầy chiên không người
chăn dắt.
Hình ảnh đẹp làm sao! Chiên không người chăn!
Thật là hỗn độn? Phải làm gì bây giờ? Mối tương quan giữa Chúa và dân Người đã
không ngớt được mô tả dưới biểu tượng này. Sự ra khỏi Ai Cập đã do Giavê dẫn
dắt như một người chăn chiên dẫn đoàn chiên vào sa mạc (Xh 15,13). Môisen lúc
chết đã lo lắng cho dân Israel "như chiên không có chủ chăn” (Ds 27,17).
Trong bài đọc thứ nhất của Chúa nhật này, Giêrêmia cho thấy dân chúng được giao
cho những kẻ chăn chiên xấu, họ để chiên bị chết và tản mát trong đồng cỏ của
Chúa (Gr 23,1-6). Chúa nhật này, chúng ta hát lên Thánh Vịnh 22; "Chúa là
Mục tử chăn dắt tôi, tôi còn thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì, Người cho
tôi ngơi nghỉ". Chính Đức Giêsu cũng đã dùng lại hình ảnh này: "Ta sẽ
đánh người chăn chiên và các chiên sẽ bị tản mác" (Mc 14,27). Người xác
quyết mình được sai đến với nhung con chiên lạc" (Lc 19,10; 15,4-7). Người
là Mục tử nhân lành (Ga 10).
Ở đây Đức Giêsu xử sự như Đấng Mêsia đã được
Thiên Chúa hứa. Và chúng ta có thể nói, Người thay cho Thiên Chúa: Đó là Thiên
Chúa - Mục tử của dân Israel.
“Những con chiên không người
chăn". Đó là hình ảnh của thế giới qua mọi thời
đại, đó cũng là hình ảnh của thời đại chúng ta. Như vậy phải chăng có ý nói
rằng thế giới đang rơi vào hỗn loạn? Chúng ta biết rằng có những vị thủ lãnh,
những người lãnh đạo dân chúng xuất hiện và tự cho mình là người hướng dẫn quần
chúng. Người ta đang tìm Đấng "Chúa hứa ban". Nhưng thường thì sau
một thời gian hy vọng, lại thấy sự áp bức, thối nát tham nhũng tái diễn. Biết
bao quốc gia trên hành tinh chúng ta hiện nay có thể chế dân chủ tự do, nhưng
cũng biết bao nước khác đang phải chịu những chế độ độc tài, với kỷ luật khắt
khe, chỉ nô lệ hóa lương tâm con người và bắt những đầu óc tự do phải câm lặng.
Chúa Giêsu đã đến trong một thế giới như thế.
Quốc gia lúc bấy giờ là đế quốc La Mã. Quân đội chiếm đóng đã áp đặt trên dân
chúng một chính sách nặng nề.
“Chiên không có chủ chăn":
Đó là một nhân loại mất phương hướng, không biết tìm đâu ra ý nghĩa cuộc sống
của mình. Ai sẽ cho chúng ta thưởng nếm hương vị của đồng cỏ xanh tươi?
Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều
điều.
Việc đầu tiên Đức Giêsu giúp cho những đám
đông mất phương hướng đó, là "Phục vụ Lời Chúa". Một lần nữa Máccô
không nói cho chúng ta biết nội dung của giáo huấn trên. Ông chỉ muốn gợi ý cho
chúng biết rằng: Nội dung đó chính là con người Đức Giêsu.
Lạy Chúa, con đang lắng nghe. Xin Chúa hãy
nói nhiều hơn…
Chú giải
của Fiches Dominicales
ĐỨC GIÊSU, VỊ MỤC TỬ THIÊN SAI
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1. Từ đám đông như bày chăn không người chăn
dắt
Sự thể bắt đầu gần giống như một trò chơi ú
tim. Khác một điều là ở đây người chơi không có cách để ẩn mình! Thầy trò Đức
Giêsu muốn trốn khỏi đám đông, thì rốt cuộc lại phải chăm lo cho đám đông.
Trình thuật nhìn bề ngoài có vẻ như một cảnh "chụp vội”, nhưng xét kỹ mới
thấy là rất công phu. Trình thuật cốt ý làm một nhịp cầu nối hai sự kiện lại
với nhau là công việc truyền giáo vừa hoàn thành của Nhóm Mười Hai và việc hóa
bánh sắp diễn ra bằng cách đặt Đức Giêsu trước mặt đám đông mà Người không thể
tránh khỏi được. Đúng là có một vài chi tiết không thích hợp, theo như nhận xét
của M.E. Boismard: "Việc mô tả đám đông tụ tập lại thật là kỳ lạ, và người
ta có cảm tưởng là Máccô phối hợp hai tư liệu khác nhau. Theo tư liệu thứ nhất,
có một đám đông đã ở bên cạnh các ngài trước khi các ngài lên đường ra đi (c
31). Họ thấy thầy trò Đức Giêsu bỏ đi (c.33a) nên họ đi bộ (c 33c) đến nơi
trước các ngài (c.33e). Còn theo tư liệu thứ hai, thì có nhiều người ở quanh
vùng khi nghe tin Chúa đến (c.33b) họ liền từ khắp các thành thị chung quanh đó
tuôn đến nơi các ngài đang có mặt (c.33d): ("Jésus, un homme de
Nazareth", Cerf, 1996, trang 89).
Ở đây, Nhóm Mười Hai lần đầu tiên được gọi là
"các Tông đồ” (nghĩa là
"những người-được-sai-đi") đã đi truyền giáo về. Đây là giờ các ông
báo cáo về công việc truyền giáo ấy: "Các ông kể lại cho Người biết mọi
việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy”. Đầy vẻ ân cần chăm lo cho các
cộng sự viên của mình, Đức Giêsu bảo các ông tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi và
trốn khỏi những chuyện rầy rà vốn làm cho các ông ‘cũng chẳng có thì giờ ăn
uống nữa’. Người bảo các ông: "Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh
vắng mà nghỉ ngơi đôi chút".
Nơi đây hoàn toàn hoang vắng! Vậy mà người ta
‘đã theo đường bộ chạy đến nơi’ trước cả các ngài ở phía bờ bên kia Biển Hồ.
Khi các vị vừa ra khỏi thuyền thì đã thấy đám đông trước mặt mình.
2. Đến dân tộc được Chúa quy tụ
Thánh sử ghi: "Ngài chạnh lòng thương
họ”. Dịch là chạnh lòng thực ra không lột được hết ý nghĩa rất mạnh của kiểu
nói trong Kinh Thánh: "ruột gan bồn chồn”. Giống như trường hợp Thiên Chúa
tỏ ra với dân Người, trong sách ngôn sứ Ôxê (11,8); như ông chủ trong dụ ngôn
tha món nợ khổng lồ cho người đầy tớ van xin ông (Mt 18,27); như người Cha thấy
đứa con trai đã mất nay trở về (Lc 1 5,20); như người Samaria trước cảnh người
đàn ông bị cướp đánh nhừ tử nằm lây lất bên đường (Lc 10,33); như Đức Giêsu
trước cảnh hai người mù lòa van xin khi Người vừa ra khỏi Giêricô (Mt 20,34);
hoặc như lần khác, trước những giọt nước mắt đầm đìa của bà quả phụ Naim trên
đường đi chôn đứa con duy nhất của bà (Lc 7,13). Từng ấy nơi lòng thương xót
bao la của Thiên Chúa đối với con người được cử hành, được biểu lộ ra nơi con
người Đức Giêsu Kitô.
Như vậy là trong trích đoạn Tin Mừng Chúa
nhật 16 này, qua thái độ Đức Giêsu "chạnh lòng" thương đám dân chúng.
Đáp lại nỗi khốn khổ của họ, chính là lòng thương xót của Chúa được mặc khải,
tình thương yêu của Người được biểu lộ ra; chính là lời Thiên Chúa hứa được
thực hiện, như phần tiếp theo của trình thuật sẽ cho thấy.
"Vì họ như bầy chiên không
người chăn dắt”. Biểu tượng của đoàn chiên và
người Mục tử là những chủ đề quen thuộc trong Cựu ước. Cựu ước thường dùng
những hình ảnh ấy để gợi nghĩ đến tình cảnh đáng thương của dân Chúa bị bỏ rơi,
vất vưởng, không người chăn dắt như Êgiêkien 34 hoặc Giêrêmia được trích đọc
trong bài đọc 1 hôm nay. Cựu ước cũng dùng biểu tượng ấy để tán tụng sáng kiến
của Chúa và Người lãnh đạo đoàn chiên của Người, như còn thấy trong Giêrêmia
23, hoặc Thánh vịnh 22 được dùng làm đáp ca của Chúa nhật này và là Thánh vịnh
tạo hậu cảnh cho trình thuật của Máccô. Những lời Tin Mừng hay dùng, đặc biệt
gợi nhớ lại lời Môsê cầu nguyện cùng Chúa trước khi chết; ông xin Chúa ban cho
dân Người một vị lãnh đạo "để cộng đoàn dân Chúa không rơi vào tình trạng
bầy chiên không người chăn dắt” (Ds 27, 17) .
Vậy giờ đây, Maccô mời gọi chúng ta cùng ngài
hướng nhìn về Đức Giêsu như vị Mục Tử Thiên Sai mà các ngôn sứ đã loan báo; như
Môsê mới của một Xuất hành mới; như Đấng Chúa sai đến để quy tụ một dân mới và
dưỡng nuôi họ bằng Lời và Lương thực của Người.
- Maccô kết luận: "Và Người bắt đầu dạy
dỗ họ nhiều điều”. Việc đầu tiên Người đáp ứng những nhu cầu của dân chúng là
dạy dỗ, dùng lời có khả năng quy tụ, tập họp, sau đó là săn sóc và cung cấp
lương thực cho dân.
J.Hervieux nhận xét: thánh sử đã hai lần ghi
nhận tầm quan trọng của lời Thầy dạy dỗ (1,22; 4,1-2) không lần nào Maccô ghi
rõ ràng nội dung lời dạy dỗ. Cả ở đây cũng vậy. Nhưng sự việc diễn ra lại mang
nhiều ý nghĩa. Trước khi phân phát lương thực thì tiên vàn Đức Giêsu đã dùng
lời mà quy tụ người ta lại. Trình thuật về hóa bánh xảy ra sau đó không được
tách biệt với việc xảy ra lúc trước. Chính nhờ "Lời" mà Đức Giêsu quy
tụ được đám đông thành một dân mới của Thiên Chúa. Hội Thánh lúc ban đầu đã ghi
nhớ rõ ràng và cẩn thận duy trì việc này. Trong cử hành nghi lễ bẻ bánh, Hội
Thánh luôn đặt ‘hai bàn’ nối tiếp nhau: đầu tiên là bàn để Lời, rồi mời đến bàn
để bánh. ("L'evangile de Marc", Centurion, trang 95).
BÀI ĐỌC THÊM
1. “Từ đám đông không người chăn dắt, Đức
Giêsu khai sinh một dân tộc”.
Kìa họ đang trở về, những con người mà Đức
Giêsu đã sai đi trên mọi nẻo đường. Không mang theo lương thực, tiền bạc, bao
bị. Họ chỉ được mang theo một cái áo và cây gậy đi đường. Các ông ra đi nhẹ
nhàng như gió Thánh Linh. Nhưng các ông có quyền trừ quỷ, chữa người đau ốm
khỏi bệnh. Các ông kêu gọi người ta ăn năn sám hối, dứt khoát trở lại với Đấng
hoán cải lòng người và có thể biến đổi toàn bộ xã hội.
Kìa họ đang trở về, những con người tay mang
gậy. Các ông phải trở về báo cáo về chuyến đi của mình. Các ông quây quần bên
Đức Giêsu "và kể lại cho người biết mọi việc các ông đã làm và mọi điều
các ông đã dạy”. Các ông đã không chỉ nói suông mà còn hành động, như Đức Giêsu
đã làm gương. Tin Mừng không chỉ ở trong những lời nói suông mà là bằng những
việc làm: một cuộc sống chứng từ.
Chúa nói với các ông: chính anh em hãy lánh
riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút: Nhóm nhỏ đó cần tìm lại
được những giây phút thân tình với Chúa, và được Người bồi dưỡng cho tâm hồn.
Tiên vàn Chúa đã chọn các ông để các ông "ở với Người" (Mc 3,14) rồi
mới sai các ông đi rao giảng. Ngày mai đây các ông sẽ lại phải ra đi, có mang
gậy hay không nhưng hiện giờ thì còn cần phải được thưởng thức thêm hương vị
của tình nghĩa rạng ngời, phải nói cho Người biết rằng hạt giống gieo đã mọc
lên, phải nhận định cho rõ ràng hơn cái gì đã làm và cái gì còn phải làm. Phải
ra đi, rồi phải biết lui về nơi yên tĩnh hoặc trong thanh vắng của tâm hồn,
thiết tưởng luôn luôn là vấn đề sinh tử.
Đức Giêsu đã kéo các môn đệ của Người ra khỏi
vòng xoáy của cơn lốc đám đông. Những kẻ lui người tới những cuộc chuyện trò,
những lúc gặp gỡ không để cho các ông có thời giờ ăn uống nữa. Đức Giêsu vẫn là
trọng tâm của phong trào quần chúng này. Người cố gắng "đồng hội, đồng
thuyền"với các tông đồ. Khi thuyền các ngài cập nơi được kể là hoang vắng,
"Đức Giêsu thấy một đám người rất đông”. Người đã theo đúng chữ -
"bồn chồn ruột gan”, như Người cũng đã cảm thấy khi đứng trước những người
ốm đau hay tật nguyền. Bởi lẽ họ "như bầy chiên không người chăn dắt”,
nghĩa là một quần chúng lạc đường đang trông mong một vị Thiên Sai nào đó. Cả
một quần chúng bệnh hoạn.
Trong đám quần chúng này, Đức Giêsu sẽ khai
sinh ra một dân tộc Người bắt đầu "dạy dỗ" họ, bởi lẽ "người ta
sống không chỉ nhờ cơrn bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán
ra" (Dnl 8,3). Sau đó, Người sẽ hóa bánh ra nhiều và manna mới để làm giao
ước mới cho một dân tộc đang trên đường xuất hành. Cả một tương lai bao la được
cô đọng trong cảnh quá mạnh này.
2. "Thách thức lớn lao nhất cho việc
chỉnh đốn mục vụ hiện hành"
Thiết tưởng Hội Thánh sẽ đi lầm đường nếu vì
nghĩ đến tương lai mình, mà chỉ lo lắng trước tiên cho sự sống còn của mình.
Thiết tưởng Hội Thánh sẽ không tìm, được đường đi cho mình khi chỉ con đường
trong sự thu mình vào nội bộ và cậy dựa vào việc củng cố hàng ngũ của mình.
Thách đố lớn lao nhất cho việc chỉnh đốn mục
vụ hiện hành, tất nhiên không phải là thách đố về số người điều hành, hay là về
nguồn tài chánh, cho dù những vấn đề này có tầm quan trọng thế nào đi nữa. Đúng
hơn chính là thách đố về nhiệt tình truyền giáo và sống tình huynh đệ, yêu
thương đối với thế giới chung quanh ta.
Người ta cũng có thể nói được là Hội Thánh
đánh mất đi lẽ sống của mình và tự tan rã, nếu chỉ quan tâm đến chính mình hơn
là lo cho những con người nam nữ mà Hội Thánh được sai đến. Trái lại Hội Thánh
được biến đổi, tìm được nhuệ khí mới, khi nỗ lực đối chiếu sứ điệp Tin Mừng với
nếp sống duy thực của những con người thời nay, và với những thách đố của lịch
sử. Cần nhắc lại rằng truyền giáo không nhằm bành trướng Hội Thánh mà nhắm mở
rộng Nước Trời.
Mọi lựa chọn liên quan tới tương lai của Hội
Thánh đều phải quy hướng trước nhất về mục tiêu truyền giáo. Điều này sẽ không
bao giờ nói đủ. Được Chúa triệu vời, cộng đoàn Kitô hữu quy tự để cầu nguyện,
đón nhận Lời Chúa, liên hệ Lời Chúa với những khát mong của con người thời nay.
Bởi lẽ việc quy tụ luôn được bố trí để hướng tới sự ra đi, gần gũi, chia sẻ.
Đáp lại tiếng Chúa kêu mời tụ họp, tốt rồi, nhưng còn để hòa mình hơn vào cuộc
sống thường ngày của mọi người, hầu làm chứng Tin Mừng Phúc Âm cho họ.
Công đồng Vatican II mở đầu Hiến chế Mục vụ
"Gaudium et Spes" bằng những lời thấm thía sau đây: "Vui mừng và
hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay... cũng là vui mừng và hy
vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Đức Kitô”.
Khi phác họa bản đồ mục vụ của địa phận,
thiết tưởng phải tự hỏi xem làm thế nào để hiện thực hóa những lời kêu gọi này
của Công đồng Vaticanô II trên một quy mô thật rộng rãi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét