TÌNH YÊU HÔN NHÂN GIA ĐÌNH TẠI VIỆT NAM
Gia đình: hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi
1.“Thiên Chúa là Tình yêu” (x. 1 Ga 4,8.16) Từ nguyên mẫu của Tình Yêu Ba Ngôi phát sinh ra toàn thể thực tại tạo thành, và đặc biệt, là con người được tạo thành theo hình ảnh của Thiên Chúa, người nam cũng như người nữ[1]. Thiên Chúa đã làm ra con người, có nam có nữ, để sinh sôi nảy nở, nên phong nhiêu giống như Ngài. Ơn gọi của con người là Tình yêu đã được ghi khắc trong chính hữu thể người nam và người nữ, như những ngôi vị được tạo dựng cho hiệp thông. Tình yêu Thiên Chúa duy nhất trong ba ngôi được mạc khải trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô, “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15), trong mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc, đỉnh cao là biến cố Chết và Phục sinh biểu lộ cốt lõi của Tình yêu vốn là sự Tự hiến.
2. “Mầu nhiệm về con người chỉ thật sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Thật vậy, Ađam, con người đầu tiên, chính là hình ảnh của Đấng sẽ đến là Chúa Kitô. Chúa Kitô, Ađam mới, trong khi mạc khải về Chúa Cha và tình yêu của Ngài, cũng giúp con người hiểu biết đầy đủ về chính mình và nhận ra ơn gọi vô cùng cao quý của mình.”[2].
Khi tạo dựng con người Thiên Chúa nói: «Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh của chúng ta» (St 1,26). Ngài như muốn tìm một người mẫu cho họ ở trong chính mình, mầu nhiệm Hữu Thể thần linh ở đây đã bộc lộ rồi cách nào đó như một «Chúng Ta». Từ mầu nhiệm này xuất phát ra toàn thể tạo thành, và con người, nhờ sáng tạo: «Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh của Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ» (St 1,27). Thiên Chúa nói với loài này và chúc lành cho họ «Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất» (St 1,28). Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài trong viễn tượng một Giao ước (một sự trao đổi với Ngài). Cấu trúc Giao ước ấy đã được ghi sẵn nơi tính chất bổ túc cho nhau giữa người nam và người nữ, sự kết hợp phong nhiêu của họ giống như và tương ứng với tặng phẩm của Tạo Hóa. Khi Evà sinh đứa con đầu lòng, bà hô lên: “Tôi đã có được một con người bởi Đức Chúa” (St 4,1). Nhấn mạnh sự can thiệp sáng tạo cuả Thiên Chúa trong ân huệ sự sống.
Lịch sử Giao ước này, một Giao ước vốn đã được ghi khắc trong cuộc sáng tạo Ađam và Evà, đạt tới đỉnh cao trong Đức Kitô, Ađam mới. Chính Người là “hình ảnh của Thiên Chúa” (2 Cr4,4), “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15). Sự kết hợp nên một xác thịt của người nam và người nữ là hình ảnh tiên báo có tính tiên tri của một mầu nhiệm lớn lao: đó là sự kết hợp hôn phối của Đức Kitô và Hội Thánh (Ep 5,31-32). Sự Hiệp thông các ngôi vị (communio personarum) là điểm chung giữa thực tại sâu xa của gia đình và mầu nhiệm Ba Ngôi.
3. Tình yêu vợ chồng và tình yêu gia đình không chỉ là một hình ảnh của tình yêu của Đức Kitô và của Hội Thánh, nhưng là chính thực tại sinh động của tình yêu ấy, một thực tại mang tính bí tích. “Đôi vợ chồng thuộc về nhau, đó là một hình ảnh thực (vì là dấu chỉ bí tích) của mối quan hệ của Đức Kitô với Hội Thánh của Người”[3]. Điều đó có nghĩa là tình yêu vợ chồng và tình mẫu/phụ tử của đôi vợ chồng hàm ẩn trong đó những sự vượt xa chính bản thân họ vô hạn, đó là «dấu chỉ hữu hình của chính tình yêu Thiên Chúa»[4]. Tham dự vào sự hiệp thông Ba Ngôi là nền tảng cuối cùng của gia đình xét như một thực tại có tính Hội thánh.
Nền tảng bí tích của ơn gọi hôn nhân Kitô giáo được thể hiện qua một vài đoạn Kinh thánh Tân ước sau đây. Trong Tin mừng Gioan (Ga 2,1-12) sự hiện diện của Chúa Giêsu tại tiệc cưới ở Cana miền Galilêa bộc lộ vinh quang Người qua dấu lạ đầu tiên mang một ý nghĩa bí tích hàng đầu. Thật thế, dấu lạ tại Cana là chìa khóa để đọc tất cả các dấu lạ khác, xét vì nó nâng hôn nhân con người lên tới phẩm giá của biểu trưng cho sự hoàn tất cánh chung của Nước Thiên Chúa trong Giờ của Thập Giá. Hơn nữa, trong bối cảnh của diễn từ về cộng đoàn Hội thánh trong Tin mừng Matthêu, Lời Chúa Giêsu nói về hôn nhân “thuở ban đầu”, rất quan trọng, nhấn mạnh đến chính sự can thiệp của Thiên Chúa vào định chế hôn nhân : «Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly» (Mt 19,6). Cuối cùng, hiến tế Vượt Qua của Đức Giêsu được nối kết minh nhiên với hôn nhân trong Thư gửi các tín hữu Êphêsô: «Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh» (Ep 5,32). Do đó, Hội thánh đã hiểu hôn nhân như là bí tích bắt đầu từ những đoạn Kinh thánh nền tảng đó, những đoạn văn ấy đức Gioan Phaolô II đã chú giải rất rộng và ngài nhấn mạnh đến chính giá trị “nguyên mẫu” của hôn nhân khi so với các bí tích khác[5].
Linh đạo hôn nhân – gia đình
4. Với bí tích hôn phối, đôi vợ chồng nhận ra ân sủng của tình yêu của họ, nhận ra Đấng là Tác Giả, là Hôn Phu của tình yêu của họ, như là cứu cánh siêu việt của tình yêu ấy. Họ khám phá ra mình ở trong một kế hoạch thần linh không chỉ liên hệ đến tương lai của họ nhưng còn liên hệ đến tương lai của nhân loại và cả tương lai của Thiên Chúa. Việc đôi vợ chồng hiến thân hoàn toàn cho nhau hàm ẩn trong đó một sự mở ra với một kẻ thứ ba, là đứa con, nhưng cũng hàm ẩn cách sâu xa hơn sự mở ngỏ ra trước một ngôi vị thứ ba thần linh, là Chúa Thánh Thần, được hiến ban cho đôi bạn như hoa trái tình yêu họ dành cho nhau. Sự phong nhiêu thiêng liêng này làm chứng Ba Ngôi hiện diện trong đền thờ gia đình và nhập thể trong lịch sử nhân loại qua Giáo hội tại gia.
5. Hoa quả đầu tiên biểu lộ sự phong nhiêu này của hôn phối bí tích chính là hành vi đức tin của hai người phối ngẫu gặp gỡ nhau trong Chúa: là hành động sinh hạ “đôi vợ chồng bí tích” để mở ngỏ cho họ tham dự vào sự phong nhiêu của Thiên Chúa. “Đôi bạn” (couple) là đứa con đầu lòng, một “kẻ thứ ba” so với hai cá thể kia đã tạo nên nó. Kẻ thứ ba này là một tặng phẩm của ân sủng, là sự hiện diện của Thánh Thần giữa đôi bạn thông ban cho họ một sự hiệp nhất mới, không chỉ có tính con người nhưng còn là thần linh (ba ngôi). Trên cơ sở ân sủng được Chúa Cha ban cho đó, các người cha và người mẹ mới xây dựng những mối tương quan yêu thương thánh thiện và phong nhiêu theo hình ảnh của Thiên Chúa. Đó cũng là “môi sinh” trong đó con cái họ được sinh hạ, nuôi dưỡng và lớn lên. Con cái là hồng ân Thiên Chúa ban cho. Khi những người cha mẹ Kitô hữu đón nhận một đứa con từ Đấng Tạo Hóa, họ nghĩ ngay đến cho con lãnh nhận phép Rửa tội, để bé được bước ngay vào mối quan hệ thâm giao trực tiếp với Cha của Đức Kitô. Khi ấy, tình phụ tử-mẫu tử của họ chạm tới một chiều kích bí tích đối với sinh linh bé bỏng vừa được trao phó cho họ chăm sóc.
Tình phụ tử thiêng liêng này đòi hỏi đôi vợ chồng phải có một đời sống đức tin vâng phục trong yêu thương Chúa Kitô, Đấng đã chết và phục sinh. Nhưng rủi thay, tội nguyên tổ đã làm đứt đoạn sự thông truyền sự sống con người và việc thông ban ân sủng. Phép Rửa tội và đức tin tái lập tình bằng hữu với Thiên Chúa nhưng không khôi phục sự nhất thống hoàn toàn giữa sự phong nhiêu thể lí và phong nhiêu thiêng liêng. Bởi thế, những người cha và người mẹ Kitô hữu không thể thông truyền trực tiếp cho con mình ơn được làm nghĩa tử cùng với hồng ân sự sống. Họ phải cầu xin Chúa Kitô điều đó, và Người đã để lại bí tích Rửa tội, là bí tích của phận làm con Cha trên trời của Người.Những thách đố lớn đối với ơn gọi hôn nhân – gia đình
6. Suy tư nền tảng trên đây được tóm kết lại như sau: tình yêu-hôn nhân-gia đình với ba chiều kích không thể tách biệt nhau và phụ thuộc vào nhau, là:
- Tình yêu là sự trao hiến toàn vẹn chính bản thân của đôi bạn cho nhau. Đôi bạn nhờ thế trở nên hình ảnh, giống như Thiên Chúa, là Tình yêu phong nhiêu trao hiến và đón nhận.
- Tình yêu mở ngỏ với sự sống. Đối với con người, thân xác và ngôi vị là một. Do bản tính của mình, ngôn ngữ thân xác biểu lộ tình yêu trao hiến cho nhau ấy, và mở ngỏ ra một sự sống nhân vị thứ ba, là đứa con, hiện thân của tình yêu ấy.
- Tình yêu hôn nhân-gia đình là bí tích Đức Kitô hiến thân cho Hội Thánh, là bí tích tình yêu Ba Ngôi đối với con người. Những quan hệ gia đình và trong gia đình thực sự phục vụ cho mầu nhiệm lớn lao hơn là Đức Kitô và Hội Thánh, mầu nhiệm Thiên Chúa Tình yêu.
Từ đó, ta biết mục đích của hôn nhân là để hai người phối ngẫu yêu thương nhau, nâng đỡ và bổ túc, mọi ngày cho đến suốt đời (unitive) và để sinh sản và giáo dục con cái (procreative); vàhai đặc tính của hôn nhân là đơn nhất (một vợ một chồng : do kết hợp một nam một nữ) và bất khả phân ly.
7. Thế nhưng, Hội thánh trong thế giới ngày nay cũng gồm những con người tội nhân. Tội lỗi của đôi bạn kitô hữu mâu thuẫn với ơn gọi sống tình yêu bí tích của họ. Cốt yếu sâu xa của tội lỗi họ, hôm nay cũng như từ muôn đời, là chối bỏ Giao ước với Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là bỏ quên hay xem nhẹ chiều kích đối thần của hôn nhân, là đánh mất cảm thức về sự hiện diện của Chúa Kitô ở trung tâm của tương quan vợ chồng và dửng dưng với Chúa Thánh Thần, Đấng hợp tác thâm sâu với tình yêu của họ.
8. Một hình thức đầu tiên của tội này, tội nghịch cùng bí tích, là từ chối không chịu đón nhận bí tích khi hai người đã rửa tội quyết định kết hợp đời sống với nhau mà không cưới xin, hoặc khi họ quyết định chỉ làm đám cưới dân sự. Sự từ chối bí tích cũng có thể được biểu lộ qua sự chểnh mảng hoặc hoàn toàn không còn đến với Bí tích Hòa Giải và Bí tích Thánh Thể nữa. Cách riêng, đó là trường hợp các Kitô hữu đã ly dị và tái hôn dân sự. Đây là tình hình chung phổ biến của các giáo hội địa phương, nhất là tại các nước vốn khi xưa là “cái nôi” của đức tin Kitô giáo. Tại Việt Nam, đặc biệt tại các cộng đoàn ở các đô thị lớn, số những người tín hữu công giáo ly dị ngày càng gia tăng trong tình trạng chung của cả nước[6].
9. Thách đố lớn thứ hai là nạn phá thai ở Việt Nam . Tình trạng này biểu lộ điều mà Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II mô tả là “nền văn minh của sự chết”. Ngày nay, trên thế giới, quả là hiếm hoi các chứng từ về các đôi bạn sống “tình yêu phong nhiêu”, có lý do là bởi ảnh hưởng của não trạng cá nhân chủ nghĩa đến độ ích kỷ, các bạn trẻ chỉ sống chung hưởng thụ và không muốn sinh con hay nuôi con, xem đó như một gánh nặng, một cản trở. Ở Việt Nam, ý thức hệ duy vật vô thần hay vô tín không phải là không có ảnh hưởng trên suy nghĩ và lối sống của các thế hệ trẻ và tuổi trung niên, qua các thập niên vừa qua. Điều đó phản chiếu qua con số nạo phá thai gia tăng đáng kể và chiếm tỷ lệ cao.[7]
10. Cùng với nạn phá thai, một thách đố có liên quan là nạn ngừa thai với các hình thức khác nhau ảnh hưởng trên đời sống đức tin và hạnh phúc gia đình. Qua kinh nghiệm mục vụ bí tích Hòa giải, có thể nói, con số các chị em lứa tuổi sinh nở ngừa thai bằng đặt vòng tránh thai nhất là ở vùng quê và xa đô thị có tỷ lệ đa số (khoảng 90%). Trong khi đó, các Phương pháp điều hòa sinh sản tự nhiên rất hiệu quả hữu ích giúp gia đình hạnh phúc, được Hội thánh khuyến khích như phương pháp Rụng trứng Billings chẳng hạn, lại còn ít người biết đến.
11. Nếu hai vấn nạn trên đối với nhiều tín hữu công giáo dễ thấy đó là tội lỗi rõ ràng, thì vấn đề nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn (hiện tượng ngày càng đông) có khả năng đã tìm đến sự trợ giúp của y khoa để mang thai sinh con, như trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm (F.I.V.) chẳng hạn, lại được nhiều người ủng hộ và cho là bình thường. Liên hệ đến vấn đề này, luật pháp ở Việt Nam mới cho phép việc mang thai hộ vì lý do nhân đạo. Lại nữa, ở Việt Nam vấn đề nhận con nuôi của những cặp đồng tính, dù không được nhìn nhận chính thức, nhưng pháp luật không cấm. Luật pháp có một tác động anh hưởng trên giáo dục lương tâm người trẻ và các công dân là điều không tránh khỏi.
Kết: Có một định hướng mục vụ nào không?
Có một khoảng cách lớn giữa đức tin, tin Thiên Chúa là Tình Yêu Hiệp Thông giữa Ba Ngôi, và thực tế lối sống của những người công giáo ở Việt Nam. Thách đố cốt yếu nằm bên dưới các thách đố mục vụ lượt qua trên đây chính là: làm thế nào thu ngắn khoảng cách giữa TIN và HÀNH ĐỘNG ĐỨC TIN nơi người tín hữu.
Tin một Thiên Chúa là Tình yêu vốn luôn Phong nhiêu (Thiên Chúa Hằng Sống) nhập thể nơi Đức Kitô – Hội Thánh được phản chiếu cách mầu nhiệm nơi các cặp hôn phối tín hữu, thì hành động do đức tin trong đời sống thường ngày của các cặp, các gia đình tín hữu phải tương thích thế nào.
Tình yêu phải ở trong Chân lý mới là Tình yêu thật, mới đem lại sự Sống thật. Các thách đố vừa nêu cho thấy Huấn giáo là một công tác quan trọng, đặc biệt là vấn đề đạo đức và đạo đức sinh học, vấn đề luân lý sự sống, tính dục và tình yêu trong tình hình thay đổi nhanh chóng ngày nay. Giáo lý Gia đình là hết sức quan trọng, trong đó người cha người mẹ phải là giáo lí viên cho con cái, với một sư phạm khác hẳn ở trường lớp, vì gia đình chính là chiếc nôi sự sống của tình yêu, nơi kinh nghiệm về Thiên Chúa Tình yêu và sự Sống được sống được trải nghiệm. Thế nhưng, dạy giáo lý đức tin không chỉ là truyền thụ kiến thức, nhưng là đồng hành để Gặp Gỡ được Đức Kitô Đấng là Sự Thật và là Sự Sống. Cho nên, Giáo lý Gia đình hay Giáo lý ở bất cứ đâu còn là một cử hành, bầu khí thiêng liêng của cầu nguyện, của cảm nhận sự hiện diện của Đức Kitô là không thể thiếu. Vậy, gia đình phải là một cộng đoàn của đối thoại: đối thoại với Thiên Chúa Ba Ngôi, Cha và Con và Thánh Thần, có thể qua trung gian Đức Maria và các thánh, và đối thoại với nhau (giữa vợ-chồng, giữa cha mẹ-con cái, giữa anh chị em, giữa các thế hệ với nhau). Gia đình là trường học đầu tiên dạy làm người, làm con Chúa, trong Tình Yêu, trong Sự Thật, cũng phải đồng thời là một Đền Thờ của Sự Sống. Một khi Thánh Thần Chúa được rót đầy tâm hồn các tín hữu, Tình yêu Agapê ấy cũng vốn không loại trừ eros trong quan hệ vợ chồng, mới có thể giúp đôi bạn và gia đình vượt qua bao sóng gió, và thử thách của cuộc đời, chèo chống con thuyền Hội thánh tại gia vượt trùng dương ngược sóng thế gian.
Xác tín rằng chỉ có TÌNH YÊU mới giải thoát nhân loại, cũng xác tín rằng Cái Đẹp của tình yêu thật quyến rũ tự bên trong. Giáo dục đức tin vì thế cũng phải toàn diện, nghĩa là trong khi không bỏ qua chiều kích của mỹ học, quan tâm cả Tâm-Thể-Trí đạt thấu đến tận chiều cao lẫn chiều sâu của Chân, Thiện, Mỹ. Sau cùng, Cái Đẹp sẽ cứu thế giới, như Dostoievski nói, nhưng đây sẽ là Cái Đẹp vĩnh cửu do Con tim rung động bởi một Tình Yêu Vĩ Đại dám chết cho tôi.
[1] Gioan-Phaolô II, Familiaris Consortio, 11; Mulieris Dignitatem, 6-7.
[2] GS 22.
[3] FC 13.
[4] FC 14.
[5] Giovanni Paolo II, Uomo e donna lo creò, Città Nuova Editrice / Libreria Editrice Vaticana, Roma 20015 373-382.
[6] Theo thống kê của Tòa án nhân dân các cấp, tại Việt Nam hàng năm có khoảng 66.000 ca ly dị, cứ ba cặp sau ít năm kết hôn có một cặp ly dị, trong đó lý do mâu thuẫn quan điểm sống (về niềm tin) là cao nhất (27%), kế đến là lý do ngoại tình (về đạo đức) (25,9%).
[7] Thông tin từ Trung Tâm Bảo Vệ Các Bà Mẹ và Trẻ Em TP HCM cho biết Việt Nam là một trong số ba nước phá thai cao nhất thế giới; với 20% phá thai ở lứa tuổi vị thành niên. Năm 2003 số trẻ sinh 114.426, số ca phá thai 114.002. Năm 2004 số trẻ sinh 107.314, số ca phá thai 108.193.
Tác giả: Lm Luy Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn: giaolyductin.net
Nguồn: giaolyductin.net
http://giaolyductin.org/tinh-yeu-hon-nhan-gia-dinh-tai-viet-nam.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét