VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 13 TN NĂM B
Mc 5,21-43
TIN
MỪNG
Đức
Giê-su chữa một người bị băng huyết và cho con gái ông Gia-ia sống lại (Mt 9:18
-26; Lc 8:40 -56 )
21 Đức
Giê-su xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh
Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ.22 Có một ông trưởng hội đường tên
là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người,23 và
khẩn khoản nài xin: "Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên
cháu, để nó được cứu thoát và được sống."24 Người liền ra đi với ông. Một
đám rất đông đi theo và chen lấn Người.
25 Có
một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm,26 bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy
thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng
là khác.27 Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau
Người, và sờ vào áo của Người.28 Vì bà tự nhủ: "Tôi mà sờ được vào áo
Người thôi, là sẽ được cứu."29 Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong
mình đã được khỏi bệnh.30 Ngay lúc đó, Đức Giê-su thấy có một năng lực tự nơi
mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: "Ai đã sờ vào áo
tôi? "31 Các môn đệ thưa: "Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế
mà Thầy còn hỏi: ÀAi đã sờ vào tôi? "32 Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người
phụ nữ đã làm điều đó.33 Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho
mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người.34 Người
nói với bà ta: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình
an và khỏi hẳn bệnh."
35 Đức
Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo:
"Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa? "36 Nhưng Đức Giê-su
nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: "Ông đừng sợ, chỉ cần
tin thôi."37 Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông
Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an.38 Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường.
Đức Giê-su thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ.39 Người bước vào nhà và bảo họ:
"Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!
"40 Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa
trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm.41 Người cầm lấy tay nó
và nói: "Ta-li-tha kum", nghĩa là: "Này bé, Thầy truyền cho con:
trỗi dậy đi! "42 Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai
tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ.43 Đức Giê-su nghiêm cấm họ không
được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.
21 When
Jesus had crossed again (in the boat) to the other side, a large crowd gathered
around him, and he stayed close to the sea.
22 One of
the synagogue officials, named Jairus, came forward. Seeing him he fell at his
feet23 and pleaded earnestly with him, saying, "My daughter is at the
point of death. Please, come lay your hands on her 8 that she may get well and
live."
24 He went
off with him, and a large crowd followed him and pressed upon him.
25 There
was a woman afflicted with hemorrhages for twelve years.
26 She had
suffered greatly at the hands of many doctors and had spent all that she had.
Yet she was not helped but only grew worse.
27 She had
heard about Jesus and came up behind him in the crowd and touched his cloak.
28 She said, "If I but touch his clothes, I
shall be cured."
29
Immediately her flow of blood dried up. She felt in her body that she was
healed of her affliction.
30 Jesus,
aware at once that power had gone out from him, turned around in the crowd and
asked, "Who has touched my clothes?"
31 But his
disciples said to him, "You see how the crowd is pressing upon you, and
yet you ask, 'Who touched me?'"
32 And he
looked around to see who had done it.
33 The
woman, realizing what had happened to her, approached in fear and trembling.
She fell down before Jesus and told him the whole truth.
34 He said
to her, "Daughter, your faith has saved you. Go in peace and be cured of
your affliction."
35 10While
he was still speaking, people from the synagogue official's house arrived and
said, "Your daughter has died; why trouble the teacher any longer?"
36
Disregarding the message that was reported, Jesus said to the synagogue
official, "Do not be afraid; just have faith."
37 He did
not allow anyone to accompany him inside except Peter, James, and John, the
brother of James.
38 When
they arrived at the house of the synagogue official, he caught sight of a
commotion, people weeping and wailing loudly.
39 So he went in and said to them, "Why
this commotion and weeping? The child is not dead but asleep."
40 And
they ridiculed him. Then he put them all out. He took along the child's father
and mother and those who were with him and entered the room where the child
was.
41 He took the child by the hand and said to
her, "Talitha koum," which means, "Little girl, I say to you,
arise!"
42 The
girl, a child of twelve, arose immediately and walked around. (At that) they
were utterly astounded.
43 He gave
strict orders that no one should know this and said that she should be given
something to eat.
I. HÌNH TÔ MÀU
* Chủ
đề của hình này là gì?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . .
* Bạn
hãy viết câu Tin Mừng Mc 5,28
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
II. TRẮC NGHIỆM
01. Khi thấy Đức Giêsu ông trưởng
hội đường có hành động thế nào? (Mc 5,22)
a. Kêu
van Đức Giêsu xin thương xót.
b. Sụp
xuống dưới chân Người.
c. Bái
lạy Đức Giêsu.
d. Sám
hối và tin vào Đức Giêsu.
02. Ông trưởng hội đường xin gì
cùng Đức Giêsu? (Mc 5,23)
a. Xin
thương xót chúng tôi.
b. Xin Ngài đến đặt tay trên cháu để nó được cứu thoát và được
sống.
c. Xin
cứu chữa cháu khỏi quỷ ám.
d. Xin
nâng đỡ đức tin của chúng tôi.
03. Đức Giêsu cầm tay đứa bé và
nói: (Mc 5,41)
a. Epphata,
hãy mở ra.
b. Talitha kum, nghĩa là: này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy
đi.
c. Hãy
ra khỏi người này.
d. Hãy
bước ra.
04. Người đàn bà bị băng huyết đã
bao nhiêu năm? (Mc 5,25)
a. 7
b. 9
c. 11
d. 12
05. Những môn đệ được đi theo Đức
Giêsu đến nhà ông trưởng hội đường là ai? (Mc 5,21-43)
a. Ông
Gioan.
b. Ông
Phêrô.
c. Ông
Giacôbê.
b. Cả
a, b và c đúng.
III. Ô CHỮ
Những gợi ý
01. Ông trưởng hội đường tên là
gì? (Mc 5,22)
02. Đức Giêsu cầm tay đứa bé và
nói : … … … nghĩa là : này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi (Mc 5,41).
03. Môn đệ được đi theo Đức Giêsu
đến nhà ông trưởng hội đường là ai? (Mc 5,21-43)
04. Người đàn bà đã sờ gấu áo của
Đức Giêsu và được khỏi bệnh gì? (Mc 5, 25)
05. Khi chứng kiến Đức Giêsu làm
cho đứa bé sống lại, người ta kinh ngạc thế nào? (Mc 5,43)
Hàng dọc: Chủ đề của ô chữ này là gì?
IV. CÂU
THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG
“Này bé,
Thầy
truyền cho con: trỗi dậy đi”
Tin Mừng thánh Máccô 5,41
VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 13 TN NĂM B
Tin
Mừng thánh Máccô 5,21-43
I. HÌNH TÔ MÀU
* Chủ
đề :
Người
phụ nữ bị bệnh băng huyết
* Câu
Tin Mừng thánh Máccô Mc 5,28
"Tôi
mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu."
II. Lời giải đáp TRẮC NGHIỆM
01. b. Sụp xuống dưới chân người
(Mc 5,22)
02.
b. Xin ngài đến đặt tay trên cháu để nó
được cứu thoát và được sống (Mc 5,23)
03.
b. Talitha kum, nghĩa là: này bé, Thầy
truyền cho con: trỗi dậy đi (Mc 5,41)
04. d. 12 (Mc 5,25)
05. b. Cả a, b và c đúng (Mc 5,21-43)
III. Lời giải đáp Ô CHỮ
01. Ông Giaia (Mc 5,22)
02. Talitha kum (Mc 5,41)
03. Ông Phêrô (Mc 5,21-43)
04. Băng huyết (Mc 5, 25)
05. Sững sờ (Mc 5,43)
Hàng dọc: Gặp Gỡ
GB.
NGUYỄN THÁI HÙNG
Các bài
suy niệm CHÚA NHẬT 13 Thường Niên - Năm B
Lời
Chúa: Kn
1,13-15;2,23-24; 2Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43
Cảm nghiệm về Chúa
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Hai người hưởng phép
lạ hôm nay đều được đụng chạm đến Chúa.
Người đàn bà bị bệnh
băng huyết lén lút sờ vào gấu áo
Người. Vừa đụng chạm vào áo Người, lập tức bà thấy có biến chuyển: bệnh tật bao
năm hành hạ bà, làm cho bà tốn biết bao công sức tiền của chạy chữa tưởng như
vô vọng, nay bỗng tiêu tan trong phút chốc.
Em bé không đụng chạm
đến Chúa vì em đã chết. Nhưng chính Chúa đụng chạm đến em. Chúa cầm tay dắt em chỗi dậy.
Cuộc tiếp xúc với Chúa đã gây nên những biến đổi mãnh liệt nơi thân xác. Căn
bệnh bị xua trừ. Thân xác khỏe mạnh lại. Người phụ nữ được sinh hoạt bình
thường với xã hội. Thần chết bị trục xuất. Sự sống trở lại. Em bé được giải
thoát khỏi thế giới tử thần, trở về với thế giới sự sống.
Nhưng những biến đổi trong tâm hồn còn mãnh liệt hơn. Khi Đức Giêsu
gọi người phụ nữ đến để khen ngợi và khích lệ chị, tâm hồn chị hẳn phải rộn
ràng hạnh phúc. Với thái độ khoan dung nhân hậu, Đức Giêsu đã biến đổi sâu xa
tâm hồn chị. Từ mặc cảm là người ô uế, bị xã hội khai trừ, chị thấy mình được
đối xử một cách trân trọng. Từ thân phận một người lén lút như kẻ ăn trộm phép
lạ, chị trở thành người được Đức Giêsu công khai khen ngợi. Từ một người xa lạ,
chị trở thành người thân thiết của Đức Giêsu. Chắc chắn, chị sẽ chẳng bao giờ
quên được những lời nói và thái độ của Đức Giêsu. Những lời nói, những thái độ
ấy đã đem lại cho chị niềm tin, niềm bình an và lòng tự tín. Còn em bé, khi trở
lại sự sống, người đầu tiên mà em nhìn thấy là Đức Giêsu. Hơi ấm đầu tiên em
cảm nhận được từ bàn tay Người đã làm em thấy yên tâm. Ánh mắt hiền từ của
Người cho em niềm tin yêu phó thác. Và thái độ của Người thật như một người cha
hiền. Việc đầu tiên Người bảo mọi người là cho em bé ăn. Thật là một sự quan
tâm ân cần. Ơn lớn nhất Người ban là trả lại sự sống cho em bé. Em đã được cứu
thoát khỏi bàn tay tử thần. Nhưng chính ánh mắt, cử chỉ và lời nói đầy tình yêu
thương đã ghi khắc trong tâm hồn em bé một hình ảnh rất đẹp và rất sâu đậm về
Người. Trọn đời em sẽ ghi nhớ mãi hình ảnh Người. Trọn đời em sẽ biết ơn Người.
Trọn đời em sẽ sống xứng đáng với tình yêu thương mà em đã cảm nhận được.
Người phụ nữ và em bé
đã được Đức Giêsu thương yêu vì họ đã có những phẩm chất đáng quí.
Phẩm chất thứ nhất mà
họ có, đó là đức tin mạnh mẽ. Ông trưởng hội đường tin tưởng
mãnh liệt nên đã đến tìm Đức Giêsu. Hội đường Do Thái vốn không ủng hộ Đức
Giêsu, trái lại còn chống đối và tìm cách giết Người. Thế mà ông trưởng hội
đường này vẫn đến cầu cứu Người, chứng tỏ lòng tin của ông mãnh liệt biết bao.
Chính Đức Giêsu đã bảo ông: “Chỉ cần tin thôi!”. Còn người phụ nữ tuy sợ hãi
không dám nói với Người, nhưng với lòng tin tưởng mãnh liệt đã sờ vào gấu áo
Người. Đức Giêsu đã khen ngợi đức tin của họ: “Lòng tin của con đã chữa con”.
Đức tin mãnh liệt như thế đã xứng đáng được Chúa thưởng công.
Phẩm chất thứ hai mà
họ có, đó là đức khiêm nhường thẳm sâu. Sự khiêm nhường được biểu lộ không những qua sự nhận biết thân phận thiếu
thốn, bất lực của bản thân, mà còn diễn tả qua thái độ bên ngoài. “Vừa thấy Đức
Giêsu, ông sụp lạy dưới chân Người”. Sau khi bị phát giác, người phụ nữ cũng
đến phủ phục dưới chân Người và tỏ bày tất cả mọi sự. Chính thái độ khiêm
nhường ấy đã được Chúa thương.
Hằng ngày có nhiều
lần ta đụng chạm đến Chúa hoặc Chúa đụng chạm đến ta. Ta đụng chạm đến Chúa
trong khi đọc Sách Thánh. Ta đụng chạm đến Chúa khi ta rước Mình Thánh Chúa. Ta
đụng chạm tới Chúa khi ta lãnh nhận các bí tích. Ta đụng chạm đến Chúa khi ta
tiếp xúc với tha nhân, đặc biệt những anh em bệnh tật, nghèo túng, bị bỏ rơi.
Nhưng những đụng chạm ấy dường như chẳng để lại dấu ấn nào trong ta. Điển hình
là khi ta rước Mình Thánh Chúa. Ta trực tiếp đụng đến Chúa. Thế nhưng vì ta đã
đụng đến Chúa cách hời hợt, máy móc, theo thói quen, thiếu lòng tin, thiếu tình
yêu, nên đời sống ta chưa biến đổi. Hôm nay, ta hãy noi gương ông trưởng hội
đường và người phụ nữ bị bệnh băng huyết, đến với Chúa bằng một đức tin mãnh
liệt và bằng sự khiêm nhường thẳm sâu. Với đức tin và sự khiêm nhường, ta sẽ
cảm nghiệm được Chúa. Chỉ cần một lần nếm cảm được tình yêu Chúa, được thấy ánh
mắt nhân từ của Chúa, được lắng nghe những lời êm dịu, khích lệ của Chúa, ta sẽ
chẳng còn muốn làm gì khác hơn là đền đáp tình yêu thương của Chúa.
Lạy Chúa, xin hãy ban
cho con một đức tin mạnh mẽ và một lòng khiêm nhường thẳm sâu. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Có khi nào bạn
được đánh động bởi một câu Lời Chúa không? Có câu nào đã gây nên một âm vang
lâu dài trong đời bạn?
2) Việc rước lễ có
giúp bạn sống vui tươi và can đảm không? Bạn thấy mình phải chuẩn bị thế nào
cho cuộc gặp gỡ này, khi Chúa đụng vào bạn và bạn đụng vào Chúa?
3) Có lần nào bạn đã
cảm nghiệm được Chúa đụng chạm vào bạn chưa?
Tin và sờ
Guy Morin
“Đừng sờ!” đó là điều
cấm đoán đầu tiên trong thời thơ ấu của chúng ta. Những món đồ chưng bày mảnh
mai, những đồ vật nguy hiểm bị cấm đụng tới, và người lớn đàn áp chúng ta,
không muốn chúng ta tiếp xúc với chúng. Trái lại họ tìm cách dụ dỗ chúng ta khi
bắt chúng ta sờ con chó khiến chúng ta sợ hãi. Trong cuộc sống, chúng ta có
kinh nghiệm là xúc giác hủy bỏ khoảng cách giữa những con người. Người ta có
thể nhìn và nghe thấy từ xa nhưng người ta chỉ sờ khi ở gần mà thôi, sờ tức là
gần ai đó, thân mật với họ.
Chúa Giêsu, Ngôi Lời
Nhập Thể, rất thường dùng đến việc tiếp xúc thể lý. Ngài dùng tay sờ mắt, lưỡi,
lỗ tai, da thịt bệnh nhân. Ngài ôm hôn trẻ con. Hơn nữa Ngài để cho những người
bệnh đụng tới mình và bảo thánh Tôma thọc bàn tay vào cạnh sườn Ngài. Để diễn
tả sự thật không chối cãi được của nhân tính Ngài, thánh Gioan viết: “Những gì
tay chúng tôi đã sờ nơi Ngôi Lời sự sống… chúng tôi đã loan báo cho anh em” (Ga
1,1). Trong Tin Mừng hôm nay, có hai trường hợp sờ: Một phụ nữ sờ gấu áo Chúa
Giêsu; Ngài nắm tay một cô bé đã chết để làm cho cô được sống lại. Lúc ban đầu,
người phụ nữ này cũng như ông Giairô không muốn trở nên thân thiện với Chúa
Giêsu; họ chỉ muốn được Ngài chữa lành thôi. Tuy nhiên đối với Chúa Giêsu những
việc tiếp xúc này không chỉ là hành động thể lý mà thôi; chúng phải dẫn đến một
mối tương quan cá vị, mối tương quan của đức tin.
Từ tiếp xúc đến đức
tin.
Trong đám đông có một
phụ nữ băng huyết. Thất vọng về các y sĩ, bà đã nghe nói về Chúa Giêsu và thấy
Ngài là cơ hội cuối cùng để bà được chữa lành. Bà táo bạo vì bệnh của bà hay
lây và làm cho bà trở nên ô uế (Lv 15,25). Không sao! Bà vẫn len lỏi tới, sờ
vào gấu áo Chúa Giêsu và bà được chữa lành. Chúa Giêsu là ai đối với bà? Bà xem
Ngài như thế nào? Bà không nghĩ đến việc này nhưng cử chỉ của bà cho thấy Ngài
là ai. Ngài là người chữa lành; còn bà là bệnh nhân. Ngài có thể thỏa mãn nhu
cầu về sức khỏe của bà; nơi Ngài có những năng lực chữa lành. Bà muốn được đón
nhận năng lực này. Hoàn toàn chỉ quan tâm đến bệnh tật của mình, bà không tìm
kiếm tương quan cá vị với Chúa Giêsu. Sờ được vào gấu áo của Ngài là đủ cho bà
rồi. Đối với bà, Chúa Giêsu trước hết là một phương tiện để được chữa lành.
Chúa Giêsu sẽ dẫn đưa
bà đến một mối tương quan cá vị. Bà muốn lẩn trốn; Ngài kéo bà ra khỏi sự vô
danh của bà khi đưa mắt tìm bà. Và này đây bà run rẩy sụp lạy dưới chân Ngài.
Lúc này, Ngài chữa lành bệnh cho bà, bây giờ, là Ngài làm cho bà run sợ. Chúa
Giêsu không để bà phải sợ hãi, Ngài bảo: “Hãy đi về bằng an. Đức tin của bà đã
cứu bà”. Ngài trả lại sức khỏe cho bà nhân danh đức tin của bà. Bà được chữa
lành không vì đã đụng tới áo Chúa Giêsu như bà tưởng, nhưng vì bà đã tin nơi
Ngài. Từ nay, bà biết rằng chính đức tin đã cứu thoát bà. Chúa Giêsu đã dẫn đưa
bà từ một tin tưởng ma thuật đến đức tin vào bản thân Ngài.
Trường hợp ông Giairô
lại khác hẳn. Với niềm tin tưởng, ông xin Chúa Giêsu đến đặt tay lên con gái
ông đang hấp hối để nó được sống. Dọc đường có người đến báo cho ông hay rằng
cô bé đã chết và khuyên ông đừng làm phiền Chúa nữa: “…Phiền Thầy làm gì nữa?”.
Tức khắc Chúa Giêsu đã hỗ trợ đức tin của ông Giairô, duy trì mối liên hệ của
ông với Ngài và đồng hành với ông, giúp ông vượt qua nỗi sợ hãi: “Đừng sợ chỉ
cần tin mà thôi”. Cứ tiếp tục tin, dù sao cũng cứ tin! Khi đến nhà ông, Chúa
Giêsu nắm tay cô bé đã chết và cho cô sống lại như Ngài đã làm sống lại đức tin
đang tàn lụi của ông Giairô để giúp ông niềm tin vào quyền năng của Ngài, quyền
năng làm cho kẻ chết sống lại.
Tin, tức là gặp gỡ.
Người phụ nữ bênh
hoạn và ông Giairô đã tin vì họ đã gặp Chúa Giêsu. Từ đó họ có những lý do
riêng biệt để tin: Người phụ nữ tin vì bà được chữa lành, nhưng nhất là vì cách
mà Chúa Giêsu đã dùng để làm cho đức tin của bà biến chuyển: Ông Giairô tin, vì
việc con gái ông được sống lại, nhưng nhất là vì cách mà Chúa Giêsu đã dùng để
nâng đỡ niềm tin của ông và giúp ông thắng vượt nỗi sợ hãi.
Bài tường thuật của
thánh Marcô hôm nay cũng có liên quan đến Kitô hữu chúng ta: Đức tin của chúng
ta có được nuôi dưỡng bằng việc gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện trong cuộc
đời chúng ta. Đó là luật của Tin Mừng: Chúng ta tin tùy theo mức độ chúng ta
gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô. Ta hãy nghiêm túc tự đặt câu hỏi này: Tôi đã gặp Chúa
Giêsu khi nào? Tin Mừng sẽ chúng ta trả lời. Mỗi lần chúng ta xem Chúa Giêsu
như Đấng Cứu Độ chứ không phải như kẻ chữa lành hoặc giúp đỡ điều nọ điều kia,
mỗi khi lâm cảnh đau buồn hoặc nguy nan, chúng ta vẫn tiếp tục tin, đó là những
khi chúng ta gặp gỡ Ngài.
Suy niệm của Charles E. Miller
CHÚA GIÊSU DÀNH THỜI GIAN VÀ SỰ
QUAN TÂM CHO CHÚNG TA
(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho
Tàng’)
Mỗi tác giả Phúc Âm
đều nhấn mạnh những điểm khác biệt riêng trong Phúc Âm của mình. Thánh Marco mà
Phúc Âm của ngài đang được đọc suốt trong năm nay, nhấn mạnh đến nhân tính của
Chúa Giêsu. Tác giả Phúc Âm đã nhấn mạnh đến những chân lý tiết lộ rằng, Con
Thiên Chúa thực sự là con của Mẹ Maria, và ngôi vị thần linh đến với chúng ta
trong vẻ đơn sơ của bản tính con người. Thánh Marco sung sướng trình bày Chúa
Giêsu như một con người, một người hiểu chúng ta, thông cảm với chúng ta.
Trong bài Phúc Âm
ngày hôm nay, lúc Ngài sửa soạn rao giảng Phúc Âm cho đám đông, Giairô, một
viên trưởng hội đuờng đã yêu cầu Ngài đi với ông ta, đến nhà ông chữa bệnh cho
đứa con gái đang bị ốm nặng. Đã để cho chúng ta tưởng tượng ra sự thất vọng của
Chúa Giêsu khi bị gọi ra khỏi sứ vụ rao giảng của Người, nhưng thánh nhân trình
bày Chúa Giêsu đã đáp trả với lòng thương xót khi nghe lời nài xin của viên
trưởng hội đuờng. Tiếp đó, một người đàn bà trong đám đông đã đụng đến áo
choàng của Ngài. Chúa Giêsu đã nhấn mạnh là Ngài biết ai đang đụng đến Mình
nhưng không hề khinh bỉ người đàn bà, Ngài nhìn thẳng vào người đàn bà một cách
dịu dàng và nói: “Hỡi bà, đức tin của bà đã cứu chữa bà”.
Tiếp theo đó, Chúa
Giêsu đã tiếp tục cuộc hành trình để đến chữa bệnh cho cô gái nhỏ, nhưng có
người đến nói cô bé đã chết, không hề bối rối, Chúa Giêsu bước vào căn phòng
nơi cô bé đang nằm, cầm tay cô bé và nói những lời sự sống: “Hỡi cô bé hãy chỗi
dậy”. Cô bé liền chỗi dậy. Hãy tưởng tượng xem cảnh này, cha mẹ vừa khóc vừa
cười cùng một lúc, họ ôm choàng lấy đứa con gái nhỏ và khiêu vũ chung quanh
cùng với cô ta. Chúa Giêsu luôn luôn chú ý và ý thức đến những nhu cầu của con
người, và trở nên rất thực tế. Ngài nói với cha mẹ của đứa bé: “Hãy cho đứa bé
ăn cái gì”.
Trong đoạn Phúc Âm
thời thơ ấu kể lại cho chúng ta rằng, Chúa Giêsu đã dành thời gian cho dân chúng, những người có địa vị quan
trọng giống như Giairô là người trường hội đuờng cũng như người đàn bà nghèo
khổ vô danh trước mọi người và hầu như thánh Marcô cũng không biết tên. Ngài đã
trình bày cho chúng ta rằng, Chúa Giêsu đã quan tâm cách sâu xa đến nỗi đau của
người cha và người mẹ có đứa con nhỏ. Nhưng Ngài cũng muốn chúng ta biết Chúa
Giêsu không hề xao nhãng việc người đàn bà đang bị ốm, cơn ốm không phải là do
số mệnh. Ngài cũng biết sự đau buồn vô vọng nơi người cha người mẹ, Ngài cũng
nhận biết người đàn bà, và đã chia sẻ những nỗi khốn khổ của người đàn bà ấy
nữa.
Thánh Marcô đã trình
bày cho chúng ta rằng, Chúa Giêsu đã yêu mến với trái tim của con người.
Thánh nhân nhấn mạnh về nhân tính của Chúa Giêsu, làm cho chúng ta nhận thấy
chân lý quan trọng nữa, đó là Chúa Giêsu đã hành động xuyên qua nhân tính của
Người trong sứ vụ công khai của Người và bây giờ Ngài hành động qua các thừa
tác viên của Giáo Hội và đặc biệt là qua các ý nghĩa của các bí tích của Giáo
Hội. Trong bí tích thanh tẩy, Chúa Giêsu đã cầm chúng ta bằng đôi tay của Ngài,
gọi tên chúng ta và Phục Sinh chúng ta từ sự chết của tội lỗi và phục hồi cho
chúng ta trở nên con cái của Chúa Cha. Chúa Giêsu đã nói với Giáo Hội hãy cho
chúng ta một điều gì đó để ăn. Một điều gì đó là bí tích cao vời, Mình và Máu
thánh Chúa.
Chúng ta sẽ nhớ rằng,
Chúa Giêsu qua thừa tác của Giáo Hội đã dành thời gian cho tất cả chúng ta, dù
chúng ta có địa vị quan trọng trong xã hội như Giairô là trưởng hội đuờng, hay
làm một người nghèo khó vô danh chẳng ai biết đến tên như người đàn bà bị loạn
huyết. Tất cả chúng ta đều quan trọng đối với Chúa Giêsu và tất cả nhu cầu của
chúng ta được Ngài quan tâm đến. Chúng ta có một Thiên Chúa, Đấng dành thời
gian cho tất cả chúng ta.
Đức Giêsu
chữa lành bà bị băng huyết
(Lm. FX.
Vũ Phan Long)
1.- Ngữ cảnh
Đoạn văn này tổng hợp hai truyện về chữa lành (con gái ông Gia-ia
[Mc 5,21-24.35-43] và bà băng huyết [Mc 5,25-43]). Đây là một ví dụ nữa về cấu
trúc “tháp ghép [sandwich construction]” của tác giả (x. 1,21-28; 2,1-12; 3,21-35;
6,7-33; 11,11-21; 14,1-11). Hai truyện này có nhiều điểm chung: những người đau
khổ là những người nữ; con số 12 (5,25.42); và từ vựng (“lòng tin”, “sự sợ
hãi”, “khỏi/lành mạnh”, “con [gái]…”). Tuy nhiên, giọng văn của hai truyện này
không giống nhau, khiến phải cho rằng đây là hai truyện lúc đầu độc lập với
nhau: Truyện con gái ông Gia-ia được kể bằng những câu ngắn, với ít phân từ
(participles) và các động từ ở thì hiện tại lịch sử (historic present); còn
truyện bà băng huyết được kể bằng những câu dài, dùng nhiều phân từ và ở thì
quá khứ aorist và vị hoàn (imperfect).
2.- Bố cục
Bản văn này có thể chia thành ba phần:
1) Mở: Khung cảnh, các nhân vật (5,21);
2) Hai truyện về chữa lành (5,22-42a):
a- Chữa con gái ông Gia-ia (cc. 22-24.35-42a),
b- Chữa bà băng huyết (cc.
25-34);
3) Kết: Phản ứng của dân chúng và lệnh của Đức Giêsu (5,42b-43).
3.- Vài điểm chú giải
- lại trở sang bờ bên kia (21): Đức Giêsu trở lại bờ biển phía tây
(x. 4,35).
- một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia (22): Ít ra ta biết
Gia-ia là một thành viên vị vọng của hội đường Do Thái, thuộc hàng kỳ mục có
nhiệm vụ quan tâm đến những vấn đề tôn giáo và xã hội của cộng đồng. Tên
Híp-riYa’ir (x. Ds 32,41; Tl 10,3-5; HL. Iaðros) có nghĩa là “ước gì Ngài (=
Thiên Chúa) soi sáng”.
- sụp xuống… khẩn khoản nài xin (22-23): “Sụp xuống”(HL. piptei,
x. 3,11; 5,33; 7,25) tương tự động từ proskyneô (“quỳcxuống”; x. 5,6; 15,19),
là thái độ vâng phục bày tỏ với một người trên, và trong ngữ cảnh khác, là sự
tôn kính bày tỏ ra với Thiên Chúa. Tác giả dùng hai động từ trên để giới thiệu
Gia-ia như là một người cầu xin: vì ở trong một hoàn cảnh bế tắc, một bậc vị
vọng Do Thái đã xin Đức Giêsu giúp đỡ.
- con bé: “con gái nhỏ” (HL. thygatrion, từ giảm nhẹ của thygater,
“con gái”). Từ giảm nhẹ này nói lên tình âu yếm của người cha đối với con mình.
- gần chết rồi: Mt nói “vừa mới chết” (Mt 9,18), còn Lc thì nói
“đã gần chết (đang hấp hối)” (NTT; Lc 8,42). Mc thì viết “đã gần lâm chung”
(NTT) (HL. eschatôs echei).
- bà băng huyết (25): Chứng bệnh này làm cho người phụ nữ bị ô uế
về phương diện tế tự (x. Lv 15,19.25), và do đó, tất cả những gì bà động chạm
đến cũng trở nên ô uế.
- khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc (26): Lời kết án các thầy thuốc
đây thuộc nguồn riêng của Mc. Tác giả Lc sẽ nói nhẹ nhàng hơn (x. Lc 8,43).
- sợ phát run lên (33): Bà sợ có lẽ vì thấy mình đã làm cho Đức
Giêsu bị luỵ vào tình trạng ô uế theo luật. Nhưng cũng có thể bà sợ vì thấy
điều vừa xảy ra cho mình. Sợ và run cũng là một phản ứng của con người khi
Thiên Chúa tỏ mình ra (x. Xh 15,16; Đnl 2,25; 11,25; Gđt 15,2).
- lòng tin (34): Đây không phải chỉ là một cuộc chữa lành thể lý
nhờ tiếp xúc bên ngoài với bản thân Đức Giêsu, nhưng là ơn cứu độ mà lời Người
loan báo và ban cho tất cả những ai tin tưởng đến với Người. Vì thế động từ
sesôken có thể dịch là “đã chữa con lành” hoặc “đã cứu con”.
- đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống: Việc
đặt tay trên người đau ốm là một cử chỉ thường có trong các nghi thức chữa bệnh
ngày xưa, dựa trên ý tưởng người chữa bệnh là một người đầy quyền lực (x.
5,27-30: một kiểu tiến hành ngược lại). Những từ ông Gia-ia nói ra (“được cứu
thoát”, “được sống”) là những từ chuyên môn được các nhóm Kitô hữu tiên khởi sử
dụng để nói về sự cứu độ và sự sống được phục hồi (sống lại). Như vậy, rất có
thể các Kitô hữu tiên khởi đã coi câu truyện phục hồi sự sống cho con gái
Gia-ia là một lời tiên báo hoặc một sự tiền dự vào sự sống lại của Đức
Giêsu và của những ai tin vào Người.
- con gái ông chết rồi (35): Gia-ia chìm đi một lúc trong đám đông
đang đi theo Đức Giêsu. Trong khoảng thời gian này, bà băng huyết được chữa
lành. Đến lúc ấy, Gia-ia nhận được tin chẳng lành: con gái ông đã chết! Vậy thì
“làm phiền Thầy chi nữa?”. Dưới mắt những người đưa tin, người cha đã đến gặp
Đức Giêsu quá muộn. Chính họ vừa mới nói ra sự không tin của họ; chính thái độ
này vừa như muốn giới hạn quyền năng Đức Giêsu lại vừa muốn lung lạc lòng tin
của Gia-ia.
- Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi (36): Đức Giêsu đã trấn an ông,
bởi vì ông cần phải thắng vượt được nỗi sợ hãi của ông, để sẵn sàng chứng kiến
quyền lực thần linh của Đức Giêsu hiển lộ ra. Công thức “Đừng sợ” ở những chỗ
khác thường được dành cho các hoạt cảnh mạc khải (x. 6,50; Mt 28,5; Lc 1,13.30);
ở đây công thức này cũng đang chuẩn bị một cảnh thuộc loại đó. Tác giả Mc
thường nhấn mạnh đến nỗi sợ hãi, kinh ngạc hoặc kinh hoàng nơi những người đã
chứng kiến các phép lạ (x. 1,27; 2,12; 4,41; 5,15; …), nhưng những phản ứng này
không đưa tới đức tin. Đức Giêsu khuyến khích Gia-ia đừng chao đảo trong đức
tin, bởi vì, như Đức Giêsu sẽ nói với người cha của đứa bé động kinh, “cái gì
cũng có thể, đối với người có lòng tin” (9,23).
- người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ (38): Tình trạng ồn ào, với sự
hiện diện của những người khóc mướn, dường như chứng tỏ đứa bé đã chết thật
rồi.
- nó ngủ đấy (39): Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, cái chết thường được
tượng trưng bằng giấc ngủ (Đn 12,2; Ga 11,13; 1 Cr 15,20.51; Ep 5,14; 1 Tx
5,6.10). Bản LXX cũng thường dùng động từ “ngủ” để nói về cái chết. Bản văn Mt
9,18 và Lc 8,53.55 cũng theo ý nghĩa ấy. Nhưng động từ ấy, trong bản văn Mc thì
còn có vẻ hàm hồ, lý do là ngay ở đầu, tác giả ghi nhận là đứa bé
chưa chết. Dù câu truyện có vẻ là cuộc phục sinh một em bé, biết đâu chừng nó
chưa chết, chỉ rơi vào tình trạng hôn mê thôi; và Đức Giêsu với cái nhìn
thấu suốt, đã nhận ra tình trạng ấy của đứa bé, nên đã nói như thế? (x. Mann;
NJBC). Khi đó, câu truyện này sẽ là truyện về một cuộc chữa lành ngược lại mọi
hy vọng và ngược lại sự lượng định khôn ngoan của những người có mặt (x. 5,43).
- Họ chế nhạo Người (40): Phản ứng mạnh mẽ của đám đông được nhắc
tới bằng câu này vừa cho thấy họ không tin vừa càng nêu bật tính cách phi
thường của những gì Đức Giêsu sắp làm. Cha mẹ em bé ở vào vị trí chứng nhân
cùng với Phêrô, Giacôbê và Gioan. Dường như mọi người đều đồng ý là đứa bé đã
chết.
- nơi nó đang nằm: Đây là chi tiết của riêng Mc. Câu này chứng tỏ
Đức Giêsu vào phòng lần đầu tiên.
- Talitha koum (41): (Aram tơlitha’ qum). Chi tiết này rất có thể
chứng tỏ câu truyện đang được một người đã chứng kiến tận mắt kể lại.
- đứng dậy và đi lại được (42): Hai động từ này được dừng ở hai
thì khác nhau. “Đứng dậy”, anestê, ở thì quá khứ aorist, diễn tả một hành vi
vừa làm xong, còn “đi lại”, periepatei, ở thì vị-hoàn (imperfect), diễn tả một
hành vi còn kéo dài.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Mở: Khung cảnh, các nhân vật ( 21)
Chúng ta gặp lại những yếu tố quen thuộc trong câu mở đầu này: đám
đông qui tụ ở bờ Biển Hồ (x. 4,1), con thuyền (x. 4,1.36), vượt hồ (x. 5,1t)
.
* Hai truyện về chữa lành (22-42a)
Đức Giêsu đào tạo các môn đệ không những bằng lời nói mà còn bằng
các hành động nữa. Một vài hành động nổi bật hẳn, bởi vì Người chỉ cho Phêrô,
Giacôbê và Anrê tham dự thôi (5,35-43; 9,2-9; 14,32-42). Trong truyện cho con
gái Gia-ia sống lại, tác giả nói hai lần là Đức Giêsu chỉ đưa ba môn đệ ấy theo
thôi (cc. 37.40). Họ không có nhiệm vụ nào cả; họ chỉ phải có mặt mà trực tiếp
chứng kiến một hoàn cảnh bế tắc về phương diện con người, nhưng cũng thấy sự
tin tưởng người ta đăt vào Đức Giêsu và thấy quyền lực siêu phàm của Người.
Trong sự cố bà băng huyết được lành, họ đã thấy: bà hoàn toàn
không mong dựa vào sức lực con người nữa, nhưng bà vẫn không mất hy vọng, bà
đặt tin tưởng nơi Đức Giêsu (c. 28). Gia-ia thì hy vọng là nhận được sự trợ
giúp cho con gái ông đang hấp hối (c. 23). Nhưng trên đường về có Đức Giêsu
cùng đi, ông đã được tin chẳng lành. Đây là điểm gay cấn. Có tương quan nào
giữa Đức Giêsu và cái chết? Phải chăng Đức Giêsu có là thầy thuốc tài giỏi
nhất, cũng phải bó tay trước cái chết? Người đã kêu mời Gia-ia đừng sợ hãi và
thất vọng, nhưng hãy đứng vững trong niềm tin (c. 36). Giữa lời khuyên của các
sứ giả (c. 35) và lời khuyến khích của Đức Giêsu, ông đã nghe theo Đức Giêsu và
đi với Người đến với đứa con gái vừa tắt thở. Đức Giêsu không rút lại sự giúp đỡ
đã hứa và tiếp tục tiến bước, dù bây giờ là tiến bước đến với một người đã
chết.
Đến đây, Đức Giêsu muốn ba môn đệ chọn lọc có măt, không phải để
họ tích cực làm việc gì, nhưng để họ tham dự vào sự cố thật gần gũi. Khi Đức
Giêsu nói rằng em bé chỉ “ngủ” thôi, mọi người đều chế nhạo Người, bởi vì họ
chắc chắn em đã chết. Bây giờ, Người lại làm một cuộc phân rẽ nữa: chỉ cha mẹ
em bé và ba môn đệ được đi với Người vào gặp em bé đã hết. Họ đã chứng kiến
hành động hết sức đơn giản của Người: Người chỉ cầm lấy tay em và gọi em dậy.
Thế là chuyện không thể tin nổi đã xảy ra: em đứng dậy và đi lại được. Tác giả
còn ghi lại một chi tiết cho thấy Đức Giêsu rất tinh tế: Người bảo họ “cho con
bé ăn”.
* Kết: Phản ứng của dân chúng và lệnh của Đức Giêsu (42b-43)
Hành vi của Đức Giêsu đã làm nổ tung các giới hạn của mọi niềm hy
vọng, và cả những giới hạn của kinh nghiệm của các môn đệ. Họ phải nhìn nhận:
Đức Giêsu mạnh hơn sự chết. Các môn đệ không còn như trước nữa; một thực tại
mới vừa xuất hiện ở chân trời kinh nghiệm của họ. Đứng trước cái chết, các môn
đệ có thể trả lời với nó không chỉ bằng các tiếng than van rỗng tuếch, nhưng
bằng niềm tin tưởng vào quyền lực của Đức Giêsu. Họ không mạnh, nhưng họ biết
rằng Đức Giêsu rất mạnh.
+ Kết luận
Nơi ông Gia-ia và bà băng huyết, tác giả Mc cho chúng ta thấy hai
ví dụ tương tự về bước đi của người tín hữu và câu trả lời họ nhận được từ Đức
Kitô. Bên kia phép lạ thể lý, tác giả muốn giúp chúng ta cảm nhận được sự sống
viên mãn Đấng Cứu Thế ban cho người tín hữu, lúc này, khi Người đã được tôn
vinh bởi cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Người Kitô hữu cũng là người được Đức Giêsu tách riêng ra để
trải nghiệm quyền lực của Người trên những hoàn cảnh gay go. Chắc chắn Đức
Giêsu không muốn chúng ta nhắm mắt khi đứng trước các giới hạn của khả năng con
người, hoặc chao đảo giữa ảo tưởng và thất vọng. Chúng ta sẽ phản ứng thế nào?
Là chứng nhân của Đấng là Chúa tể, chúng ta biết mời gọi người ta bình tĩnh giữ
vững niềm tin? Hay là chỉ hùa theo số đông, buông xuôi theo hoàn cảnh khó khăn
như một định mệnh khắc nghiệt?
2. Ông Gia-ia đã chứng tỏ một đức tin đáng phục. Bà băng huyết
cũng có những suy nghĩ và chọn lựa nói lên lòng tín thác. Bởi vì Đức Giêsu có
đó để khuyến khích, trấn an, mời gọi họ vững vàng đi tới. Niềm tin vào Đức
Giêsu hôm nay có giúp các môn đệ của Người hiên ngang tiến đi và làm điểm tựa
cho người khác trong hành trình đức tin của họ?
3. Cũng cần phải hiểu Đức Giêsu có uy quyền như thế, nhưng vì sao
Người đã không cho mọi người chết sống lại, tức là hiểu ý nghĩa của việc Đức
Giêsu cho em bé này sống lại, dù sau đó em sẽ lại chết. Bên kia phép lạ, Đức
Giêsu mời gọi chúng ta khám phá ra mầu nhiệm bản thân Người. Bên kia cái chết
thể lý, Người mời chúng ta hướng tới sự sống viên mãn.
4. Trong hành trình phục vụ, nếu tin tưởng tuyệt đối vào Đức
Giêsu, chúng ta sẽ tiếp tục tiến bước, dù con đường trước mắt có vẻ đã khép
lại. Trong trăm công nghìn việc nhằm phục vụ hạnh phúc của con người, chúng ta
vẫn được mời học lấy cái nhìn tinh tế và ân cần của Đức Giêsu: “cho con bé ăn”.
Đức Giêsu thấy nhu cầu nhỏ bé của từng con người, dù bé nhỏ. Người không bao
giờ vì số đông mà quên từng cá nhân và coi thường nhu cầu của từng cá nhân.
Chú giải
mục vụ của Jacques Hervieux
CON GÁI ÔNG GIAIRÔ VÀ NGƯỜI ĐÀN BÀ MẮC CHỨNG BỆNH BẤT TRỊ
Giống như Matthêu (9,18-26) và Luca (8,40-56)
ở đây Maccô cũng gói ghém hai mẩu chuyện vào chung một trình thuật. Ngoài ra
người ta cũng tìm thấy ở đây cách mô tả Maccô vẫn thường dùng (x.3,20-35).
Trình thuật diễn tiến như sau: Giairô van nài (c.21-24); chữa lành người đàn bà
mắc bệnh bất trị (c.25-34) Phục Sinh con gái ông Giairô (c.35-43).
Sở dĩ các trình thuật được nối với nhau như
thế là vì chúng có những điểm chung với nhau. Trước hết hai khuôn mặt chính
trong trình thuật này là phái nữ: một người đàn bà và một bé gái. Và ở cả hai
trường hợp, đức tin vẫn đóng vai trò trọng tâm trong tiến trình đến gặp Chúa
Giêsu.
Vậy là Chúa Giêsu và các môn đệ đã về lại bờ
hồ ở mạn tây thuộc vùng đất Israel. Một lần nữa, đám đông đã chờ sẵn ở đó
(c.21). Họ tụ lại để xem Chúa Giêsu biểu diễn quyền năng cứu độ của Ngài. “Một
ông trưởng hội đường tên là Giairô tiến đến” (c.22a). viên chức sắc Do Thái này
tỏ ra rất kính trọng và tin cậy Chúa Giêsu (c.22b). lời cầu xin của ông ta biểu
lộ một lòng tin sâu xa. Con gái nhỏ của ông đang trong cơn thập tử nhất sinh
(c.23). Chẳng cần thốt một lời, Chúa Giêsu đủ nhạy cảm trước nỗi đau của một con
người mang trong lòng niềm tin vào Ngài lớn lao như thế. Ngài liền đi theo ông
ta, đàng sau là đám đông chen lần nhau tò mò sấn tới…
Và trong đoàn người chen chúc này xuất hiện
một người phụ nữ. Bà ta bị rong huyết mạn tính từ mười hai năm rồi (c.25). trong
các tác giả Tin Mừng, chỉ mỗi Maccô nêu rõ tình trạng vô vọng của bệnh nhân,
các y sĩ thời đại tiền khoa học ấy chỉ tổ làm cho bệnh của bà ta tệ hơn mà thôi
(c.26). Tuy nhiên, điều cần chú ý hơn hết ở đây là theo luật Do Thái, người phụ
nữ này bị rơi vào tình trạng ô uế xét về mặt luật pháp, và tuyệt đối cấm không
ai được đụng chạm với chị (Lv 15,19-27). Thế mà niềm tin mạnh mẽ đã thôi thúc
bà ta rán lấn tới đụng cho được vào áo Chúa Giêsu từ phía sau lưng Ngài, dù chỉ
là trong chớp nhoáng (c.27). Đối với chúng ta ngày hôm nay, cử chỉ này xem ra
có vẻ khôi hài, nhưng Maccô đã cho chúng ta rõ lý do tại sao bà ta lại làm thế
(c.28).
Ở phương Đông thời xưa, y phục là biểu tượng của nhân cách. Chạm
vào y phục ai tức là đụng vào chính kẻ ấy. Và thời xưa ấy thường thấy có sự
đụng chạm giữa người bệnh và thân thể người điều trị. Ở đây sự đụng chạm này đã
có kết quả, bệnh rong huyết của người phụ nữ này dừng lại lập tức. Chi ta cảm
thấy mình đã được bình phục (c.29). Về phía Chúa Giêsu, Ngài nhận thức ngay quyền
năng nơi Ngài hoàn toàn hữu hiệu (c.30a). Ở đây khía cạnh sinh lý của việc lành
bệnh được nhấn mạnh, tuy nhiên màn kế tiếp lại lôi kéo người ta chú ý đến vấn
đề tôn giáo có liên quan. Chúa Giêsu hỏi ai đã chạm vào Ngài (c.30b). Âm giọng
và câu hỏi Ngài thốt ra nghe như có vẻ trách cứ. Các môn đệ xem ra chẳng chú
tâm đến câu Ngài hỏi bởi vì giữa một đám đông đang chen lấn xô đẩy tứ phía như
thế mà Thầy lại hỏi: “Ai đã chạm đến Ngài?” thì quả là tức cười! Tuy nhiên, như
thường lệ, Chúa Giêsu đảo mắt dò xét đám đông. Ngài muốn biết chủ nhân của hành
vi táo bạo ấy (c.32). Bấy giờ người phụ nữ run sợ, thú nhận với Ngài lý do bà
ta được chữa lành (c.33). Bà ta cảm thấy ái ngại, chờ đón lời quở trách của vị
Tôn Sư thượng tôn luật lệ. Thế mà Chúa Giêsu lại trao cho bà sứ điệp giải
phóng: “Lòng tin của con đã chữa con, hãy đi về bình an” (c.34). Lời nói của
Chúa Giêsu làm nổi bật ý nghĩa sự cố này, đức tin mang lại ơn cứu rỗi mới là
điều quan trọng, còn hơn cả việc lành bệnh về mặt thể lý. Không phải tình cờ mà
Chúa Giêsu lập lại thành ngữ người phụ nữ đã sử dụng khi bà ta cầu mong: “Tôi
sẽ được chữa khỏi” (c.28b). Và toàn bản văn trên nhằm cho thấy rõ đức tin vào
Chúa Giêsu có thể mang lại kết quả là được Ngài ban cho một phép lạ hoàn toàn
bất ngờ. Kể từ đó, dù cho người phụ nữ vô danh này không bao giờ được nhắc tới
nữa thì Maccô cũng vẫn đã thành công trong công việc chứng tỏ Chúa Giêsu là
Đấng giải thoát khỏi mọi sự dữ. Bởi vì ở đây gồm hai chiều kích vừa là căn bệnh
bất trị vào thời đó, và còn hơn thế nữa, vừa hầu như bị khai trừ “ra khỏi lề
luật” của cộng đoàn tôn giáo khởi nguồn từ các tổ phụ.
Tiếp nối việc chữa lành cho người phụ nữ bị xuất huyết là câu
chuyện dang dở về đứa con gái của ông Giairô (c.21-23), Chúa Giêsu đang theo
ông ta để tới chữa trị cho con gái của ông đang hấp hối (c,24), thì người nhà
chạy tới báo cho ông ta hay đứa bé đã qua đời. Thế thì “làm phiền Thầy chi nữa”
(c.35). Lời họ cho thấy rõ họ thiếu đức tin. Chúa Giêsu đâu chịu đầu hàng trước
trở ngại mới xảy đến này. Ngài nói với người cha đang chịu thử thách: “Ông đừng
sợ, chỉ cần tin thôi” (c.36). Trong trường hợp thực sự bi đát này, đây quả là
lời kêu gọi hãy cẩn trọng một cách thật phi thường. Và không chần chờ thêm,
Chúa Giêsu đã bắt tay vào hành động (c.37). Bên cạnh Ngài là bộ ba môn đệ được
Ngài mến chuộng, ba vị này sẽ được Ngài cho tham dự vào cuộc biến hình (9,2) và
cơn hấp hối của Ngài (14,33). Điều này đủ nói lên tầm quan trọng của sự kiện
Chúa Giêsu sắp làm. Sau khi tới nhà ông Giairô, Chúa Giêsu đụng ngay đám người
đang than khóc (c.38). Ở phương Đông tang chế thường om sòm huyên náo như thế
muốn khỏa lấp đi sự bất lực của con người trước cái chết. Chúa Giêsu bước vào
và muốn thuyết phục đám người than khóc nín đi. Theo Ngài thì đứa bé không
chết, nó chỉ ngủ thôi (c,39b). Nghe thế người ta liền chế nhạo Ngài (c.40a).
Maccô cẩn thận ghi rõ sự “không tin” của đám người này. Thế rồi Chúa Giêsu đuổi
họ ra (c.40b). Và Ngài bước vào trong căn phòng đứa bé đã chết, chỉ bố mẹ đứa
bé và ba môn đệ đươc phép theo vào (c.40c). Ở đây, trong bầu khí đức tin thân
mật, Ngài thực hiện một cử chỉ đơn giản và thốt ra một lời cứu độ (c.41). Maccô
đã cẩn thận bảo tồn những lời chính Chúa Giêsu thốt ra bằng tiếng mẹ đẻ của
Chúa, tức tiếng Aram đồng thời dịch lời đó ra cho các độc giả của ông. Nên nhớ kỹ
thuật dụng ngữ “hãy chỗi dậy” – nghĩa văn chương là hãy thức dậy – chính là
dụng ngữ sẽ được dùng để chỉ cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu (16,6). Em bé lập
tức được hồi sinh (c.42). Em đứng dậy bước đi. Sau đó các nhân chứng ra về
nhưng như thường lệ Chúa Giêsu yêu cầu họ phải giữ im lặng tuyệt đối (c.43a).
Sở dĩ Chúa Giêsu thường đòi buộc các người thân của Ngài giữ bí mật về Đấng
Mêsia là vì đám quần chúng không đủ khả năng nhận biết Chúa Giêsu có quyền năng
siêu việt trên sự chết. Quyền năng ấy chỉ có thể được nhận biết và được loan
báo cho mọi người sau khi Chúa Phục Sinh. Và Maccô đã kết thúc bức tranh đầy
màu sắc này bằng một chi tiết thi vị nói lên được nhiều ý nghĩa (c.43b). Toàn
thể gia đình Giairô sau khi xáo động về sự cố đứa bé vừa sống lại, có thể trở
về cuộc sinh hoạt bình thường và chính cô bé (12 tuổi) nữa cũng thế, như thể
không có việc gì xảy ra.
Dù vẫn mang nét rung động trước hành vi nhân đạo của Chúa Giêsu,
trình thuật trên vẫn để lộ ra đặc tính truyền đạt giáo lý. Maccô đang ngỏ lời
với các Kitô hữu Rôma khá lâu sau biến cố Phục Sinh. Được đọc lại dưới ánh sáng
Phục Sinh của Chúa Giêsu, trình thuật trên giống như một dự báo về những sự cố
sẽ đến. Người ta có thể hiểu câu nói “Họ chế nhạo Ngài” là câu ám chỉ đến những
giễu cợt, nhạo báng mà sau này Chúa Giêsu sẽ chịu trước mặt các trưởng tế và
luật sĩ khi Ngài bị treo trên thập giá (15,31). Và đồng thời người ta cũng nhận
ra cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu đã được đề cập tới qua việc Chúa làm cho cô bé
đứng dậy (c.41).
Trình thuật này kết thúc một chuỗi bốn hành vi quyền phép của Chúa
Giêsu (4,35-5,43). Dẹp yên bão tố, chữa lành kẻ bị quỷ ám ở Giêrasa, chữa lành
người phụ nữ vô danh và bé gái con ông Giairô là những bằng chứng về quyền năng
tối thượng của Chúa Giêsu trên sự sống lẫn sự chết. Người ta có thể đặt đề tựa
cho toàn bộ các hành vi quyền phép này bằng câu tuyên bố trong thư thứ nhất
thánh Phaolô gởi Kitô hữu Côrintô: “Hỡi thần chết, chiến thắng ngươi ở đâu”
(15,55).
Và sau lời giảng dạy dựa trên dụ ngôn (4,1-34), tiến trình trên
đây đã trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là một vị tiên tri quyền năng
không chỉ trong lời nói mà còn trong cả hành động. Ngài hoàn toàn chiến thắng
sức mạnh Thần dữ và Thần chết. Qua đó các môn đệ hẳn phải suy nghĩ về nhân cách
kỳ lạ của Thầy mình!
Chú giải
của Noel Quesson
Đông đảo dân chúng tụ lại quanh Người. Lúc đó
Người đang ở trên bờ biển hồ. Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới.
Vừa thấy Đức Giêsu, ông ta phủ phục dưới chân Người, và năn nỉ: "Con bé
nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đặt tay lên cháu, để nó qua khỏi và được
sống". Đức Giêsu liền ra đi với ông. Đông đảo dân chúng đi theo và chen lấn
Người.
Tôi bắt đầu đọc lại đoạn này, tả một cảnh rất sinh động. Thánh
Maccô ghi lại những lời rao giảng của Thánh Phêrô, một con người thực tế và có
óc quan sát đúng đắn. Tôi tưởng tượng khung cảnh; tôi nhìn ngắm con người, tôi
ghi nhận những sự kiện như trong một phim xi nê, hay hơn nữa tôi tưởng tượng
tôi là một trong những người tham dự, đang ở giữa đám đông.
Có hai chi tiết đáng lưu ý: ông Giairô "khẩn khoản nài xin,
khá lâu. Đức Giêsu bề ngoài không đáp tiếng nào, nhưng liền ra đi với ông
ấy" và chúng ta thấy hai người cùng sánh vai lên đường với đám đông.
Trong tiếng Hêbdrơ tên Giairô (Yair) có nghĩa là "người soi
sáng" hay là "người đánh thức".
Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm,
bao năm khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều, mà vẫn tiền mất tật mang, lại
còn thêm nặng là khác. Được nghe đồn về Đức Giêsu, bà lách qua đám đông, tiến
đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người.
Thánh Maccô nhấn mạnh đến tình trạng tuyệt vọng của người đàn bà
này: Bà đã đau đớn “rất nhiều”, chữa trị "lâu rồi", hao tổn "cả
tài sản" mà "không thuyên giảm chút nào"; bệnh tình lại có phần
"tệ hơn". Điều này muốn nhấn mạnh cho chúng ta rằng, Đức Giêsu có một
quyền lực mà không một phương thế nhân loại nào có thế vượt qua được. Lạy Chúa,
xin ban cho chúng con một đức tin sâu xa, ngõ hầu chúng con không bao giờ tuyệt
vọng!
Vì bà tự nhủ: "Tôi mà sờ được vào áo
Người thôi, là sẽ khỏi".
Theo tâm thức người Do Thái thời đó, người đàn bà này bị coi như
"ô nhơ" theo luật Môisen (Lv 15,25) và bà có thể làm cho những người
khác cũng bị nhơ chỉ vì tiếp xúc với bà. Tôi cố hình dung ra thái độ của người
đàn bà đáng thương này, vừa xấu hổ vừa e sợ: Bà sờ vào áo choàng của Đức Giêsu
và cảm nghĩ như mình đang làm một việc bị cấm. Người có thể khước từ sự đụng
chạm nhơ bẩn này. Và nếu đám đông biết điều này, mọi người sẽ gớm giếc tránh xa
bà.
Và tôi ngắm nhìn Đức Giêsu, Đấng "đã đến để tìm kiếm và cứu
chữa những gì bị hư mất". Người đón tiếp những kẻ nghèo nhất. Không có một
sự khốn khổ nào, dù dấu kín, xấu hổ đến đâu mà bị Đức Giêsu xua đuổi. Không có
một luật nào đứng vững trước Đức Giêsu, khi cần phải cứu một người.
Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi thói quen câu nệ lề luật,
khỏi mọi sợ hãi và xấu hổ.
Tức khắc máu cầm lại, và bà cảm thấy trong
mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc đó, Đức Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình
phát ra. Người liền quay lại đám đông mà hỏi: "Ai sờ vào áo tôi vậy?"
Các môn đệ thưa: Thầy coi dân chúng chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi:
"Ai đụng vào tôi?" Đức Giêsu ngó quanh để xem người phụ nữ nào đã làm
điều đó".
Chúa không muốn chỉ tiếp xúc với đám đông vô danh.
Người muốn có một sự tiếp xúc cá biệt, Người cũng muốn cho người
đàn bà vượt lên trên sự tin tưởng mang tính ma thuật dị đoan ("nếu tôi sờ
được áo Người, tôi sẽ được lành mạnh"), để bước vào một đức tin đích thực
là phải nhận biết con người Đức Giêsu - Chúng ta nên nhớ rằng, Đức Giêsu là một
nhà sư phạm thật tài ba: Người lưu ý đến đức tin chưa hoàn hảo và hồn nhiên,
nhưng Người cũng muốn chúng ta đạt đến một đục tin trưởng thành và hữu lý hơn.
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Chúa thương yêu con với thực trạng của
con. Xin Chúa giúp chúng con trở nên như Chúa muốn.
Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy
đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và trình bày hết sự thật. Người
nói với bà ta: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy đi về
bình an và khỏi hẳn bệnh".
Hai chữ "khỏi bệnh", "được cứu rỗi". Những
phép lạ của Đức Giêsu, dưới cái nhìn của người Kitô hữu "Sau biến cố Phục
sinh", là những điềm loan báo "sự cứu rỗi do đức tin" mà chúng
ta được hưởng nếu ta nhận biết Người.
Vâng, đối với Đức Giêsu, điều cốt yếu không phải là điều
"huyền diệu”, phép lạ, nhưng là sự cứu rỗi. Vậy tôi cầu xin Chúa những gì?
Đức Giêsu còn đang nói, thì có mấy người từ
nhà ông trưởng hội đường đến bảo ông: "Con gái ông chết rồi, làm phiền
Thầy chi nữa?". Tình cờ nghe được câu nói đó, Đức Giêsu bảo ông trưởng hội
đường: "ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi".
Đối với Đức Giêsu, chính đức tin mới quan trọng: ông Giai-rô đã
chứng kiến sự hiện diện trước đó. Thánh Maccô kể lại cho chúng ta hai phép lạ
này, như lồng vào nhau để cho chúng ta một cảm tướng về sự tăng trưởng trong
đức tin: Tin rằng Đức Giêsu có thể chữa lành bệnh tật, tin rằng Người có thể
làm cho kẻ chết sống lại.
“Ông còn phiền Thầy làm gì?". Đối với người đồng thời với Đức
Giêsu. Họ không thể nghĩ rằng, xin Chúa làm cho người chết sống lại là một việc
có thể được. Chữa bệnh thì được, nhưng hồi sinh kẻ chết thì không phiền Thầy
làm gì vì điều đó không thể làm được. Điều này nhấn mạnh đến sự nghịch lý trong
đức tin.
Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông
Phêrô, ông Giacôbê và em ông này là ông Gioan. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội
đường.
Một lần nữa, Đức Giêsu không muốn làm điều gì bề ngoài dễ gây kích
động. Mỗi lần có thể được, Người kín đáo làm phép lạ. Hôm nay, Người chỉ dẫn
theo ba nhân chứng có đủ tư cách nhất. Ba vị này cũng sẽ là nhân chứng lúc
Người biến hình (Mc 9,12) và lúc Người hấp hối (Mc 14,33). Chúa không muốn
quyền lực của Chúa trở thành một quyền lực ma thuật: Chính Người cũng sẽ có
kinh nghiệm đau thương về cơn hấp hối và cái chết. Nhưng điều này đã xảy ra cho
cô bé gái. Sự cứu rỗi duy nhất và vĩnh viễn đó là cuộc vượt qua cuối cùng, để
bước vào cuộc sống vĩnh cửu.
Đức Giêsu thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm
ĩ. Người bước vào nhà và bảo họ: "Sao lại khóc lóc om sòm như vậy? Con bé
có chết đâu nó ngủ đấy?". Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài
hết.
Đức tin của ông Giai-rô và của ba Tông đồ bị thử thách nặng nề do
thái độ không tin của đám đông chung quanh, và việc họ nhạo báng Đức Giêsu.
Rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi
với Người vào nơi nó đang nằm, Người cầm lấy tay nó.
Ôi bàn tay của Đức Giêsu đang làm những điều kỳ diệu! Bàn tay
Người đang nắm một bàn tay đã chết. Sự tiếp xúc với thân thể Chúa cũng thế. Khi
chúng ta rước Chúa, mầu nhiệm sống động này được tái thực hiện.
Và Người nói: "Talitha Kum".
Chỉ mình Maccô ghi lại lời này bằng tiếng Aramên, tiếng mẹ đẻ của
Đức Giêsu. Maccô biết được chuyện này do Thánh Phêrô, người hiện diện ở đó
thuật lại. Chính những chi tiết nhỏ ấy cho thấy Phêrô là người đã mục kích.
Những kỷ niệm này được một nhân chứng đã nghe, đã xúc cảm ghi giữ. Thực vậy, suốt
đời Thánh Phêrô luôn nhớ hai chữ "Talitha Kum".
Nghĩa là "Này con, Thầy truyền cho con
chỗi dậy đi!".
Thực ra, hai chữ tiếng Aramên này có thể dịch ngắn hơn nhiều:
"Bé gái, đứng dậy". Nhưng Thánh sử Maccô đã muốn diễn dịch dài hơn và
đã dùng một từ chủ yếu của những Kitô hữu đầu tiên. Sau “Phục sinh":
"Hãy chỗi dậy", tiếng Hy Lạp là "egeiré", có nghĩa là “thức
dậy". Đó là từ đã được dùng để nói về sự Phục sinh của Đức Giêsu. Chữ này
có một ý vị Phục sinh. Đó là chữ đối nghĩa với "ngủ” mà Đức Giêsu đã dùng trước đây để nói
về cái chết. Vâng, đối với Đức Giêsu, cái chết không còn thật sự là chết nữa,
đó là một giấc ngủ.
Một bài Thánh ca rất xưa của những người Kitô hữu đầu tiên được
hát trong nghi lễ rửa tội như sau: "Hỡi người đang ngủ thức dậy đi, ngày đã
sáng lên rồi. Từ cõi chết hãy đứng lên. Chúa sẽ chiếu sáng trên ngươi".
(Chúng ta đã nói là chữ faire, có nghĩa là "người soi sáng",
"người đánh thức", đấy là biểu tượng của phép rửa tội) (Ep 5,14).
Đó là Phép rửa của tôi. Đó là sự sống của
tôi, người đã được rửa tội. Tôi có tin thực rằng tôi đã nhận được cùng một ơn
lành như cô bé này không? Qua phép rửa tội của tôi tôi đã đi từ cái chết đến sự
sống. Cuộc sống vĩnh cửu của tôi đã bắt đầu. Phải chăng tôi là một người không
ngừng "chỗi dậy", "thức dậy"? Tôi có nghe Đức Giêsu cũng
nói lại với tôi: "Đứng lên", "chỗi dậy", "thức
dậy", "sống lại" không? Nói những tình trạng chết chóc mà đức
tin giải thoát cho tôi là gì?
Con bé liền đứng dậy và đi lại được, vì nó đã
mười tuổi. Vừa thấy thế, người ta kinh ngạc sững sờ. Đức Giêsu căn dặn họ đừng
cho ai biết việc ấy, và bảo họ cho đứa trẻ ăn.
Sự sống chiến thắng cái chết, đặt những người
chứng kiến cảnh này vào trung tâm của huyền nhiệm: Họ bị “xuất hồn" kinh
ngạc tột độ. Lệnh Chúa truyền phải im lặng lại càng nhấn mạnh cảm tưởng bí mật
mà chúng ta đã có: Mầu nhiệm đích thực của Đức Giêsu không thể hiểu được đối
với những người không có đức tin. Cho người ta thấy "phép lạ" bề
ngoài là vô ích, người ta sẽ cho đó là "trò ma thuật", và Đức Giêsu
không muốn người ta coi Người như một nhà phù thủy. “Người bảo cho cô bé
ăn". Đó không chỉ là một sự chăm sóc ưu ái và cảm động. Trong biểu tượng
của phép rửa, người "đi từ cõi chết đến cõi sống nhờ phép rửa, được đưa
vào bàn Tiệc Thánh Thể: Một người sống thì phải ăn, một người đã được rửa tội
phải ăn "Bánh hằng sống", Thánh Thể và Phép rửa tội liên kết mật
thiết với nhau. Đó là Mầu nhiệm Đức Tin.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét