Trang

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

Lịch sử hình thành quyển Thánh Kinh (tt)

Lịch sử hình thành quyển Thánh Kinh (tt)

II. VÀI NÉT CHÍNH CỦA LỊCH SỬ ISRAEL
Trước khi tìm hiểu cuộc hình thành các tác phẩm Cựu Ước, chúng ta cũng nên nhìn lại những giai đoạn chính của lịch sử dân Israel.

A. KHỞI NGUYÊN (ST 1-11) THỜI CÁC TỔ PHỤ (ST 12-50)
Trong thời kỳ người Hysos cai trị ở Ai Cập, khoảng 1720-1560 tcn, các tổ phụ sang Ai Cập. (Xh 12,40-41: “Thời gian con cái Israel ở Ai Cập là bốn trăm ba mươi năm. Vào đúng ngày chấm dứt bốn trăm ba mươi năm đó, toàn thể các đạo binh của Đức Chúa đã ra khỏi Ai Cập.”)

B. THỜI MÔISEN VÀ GIÔSUA
Cuộc Xuất hành được thực hiện vào khoảng năm 1250 và 1230 tcn (Có thể dưới thời Vua Pharaon Ramsès II)
Giữa khoảng 1220 và 1200 Giôsua tiến vào Palestina.

C. THỜI CÁC THỦ LÃNH ĐẾN THỜI SALOMON

Thời các Thủ Lãnh khoảng 1200-1030 tcn.

- 1125 tcn Debora và Barak chiến thắng người Canaan tại Taanach.

- 1050 tcn chiến thắng người Philistin tại Aphek. 1040 Thủ lãnh và cũng là ngôn sứ Samuel bắt đầu hoạt động

- Vua Saul (1030-1010 tcn) đóng đô tại Gibea. Chiến thắng người Ammoniter và Philistin. Thua trận tại Gilboa. Saul chết.

- Vua Đavít (1010-970 tcn). Chiến Giêrusalem khoảng 1000.
 Vua Giuđa, sau đó cả Israel. Tạo một vương triều.

- Salomon, Vua cho cả Giuđa và Israel (972-933 tcn). Năm thứ 4 của triều đại, xây Đền Thờ Giêrusalem trong vòng 7 năm (1 V 6,37-38).

Tổng quan về các thủ lãnh:

Thủ Lãnh lớnChi tộcKẻ thù
OthielJudaÉdomites3,7-11a
ÉhudBenjaminMoabites3,11b-30
Baraq (Debora)NephtaliCanaaan4&5
GédéonManasséMadianites6-9
JephtéGadAmmonites10,6-12,7
SamsonDanPhilistins13 - 16
Thủ Lãnh nhỏChi tộcKẻ thù
ShamgarSiméonPhilistins3,31
TolaIssachar10,1-2
YairManassé10,3-5
IbcànAsher?12,8-10
ÉlônZabulon12,11-12
AbdônEphraim12,13-15



D. HAI VƯƠNG QUỐC GIUĐA VÀ ISRAEL (931-721)

(Cuộc ly khai [1 Vua 12]: ly khai về chính trị [1V 12,20-25; 2 Sb 11,1-4]: “Khi toàn thể Israel nghe tin ông Gia-róp-am đã về nước, thì sai người mời ông tới đại hội và phong ông làm vua cai trị toàn thể Israel; chỉ còn một mình chi tộc Giu-đa là theo nhà Đa-vít” (1V 12,20). Tiếp đến là ly khai tôn giáo: 1 V 12,26-33)

1. Hai vương quốc thường xuyên bất hoà

Năm 747 tcn Tiglath-Phalassar III, vua Assyrie, lên ngôi, áp dụng chính sách đế quốc trên các nước nhỏ chung quanh: Hoặc làm chư hầu và phải nộp thuế, hoặc bị tiêu diệt. Vương quốc Israel kháng cự và Giuđa chịu thuần phục. Vua Menahem (746- 737) chịu trả thuế; vua Péqahya (736-735) quá ngắn; vua Osée (732-724) lại tìm liên minh với Ai Cập, chống lại Assyrie.

722/721 Sargon II (722-705) của Assyrie chiếm Samarie, bắt dân chúng đi lưu đày. Chấm dứt vương quốc Israel miền bắc. (Về nguồn gốc người Samarie: 2 Vua 17,24-41).

Vua Akhaz của Giuđa (736-716) không những trả thuế cho Assyrie, mà còn nhờ Assyrie chống lại liên minh Péqah và Récin của miền bắc, vì không tham gia vào liên minh chống Assyrie. Vua Ezékias (716-687) liên minh với Babylon và Ai Cập chống Assyrie. Năm 700, Sennakérib bao vây Giêrusalem: Ezékias nộp thuế ! Assyrie yếu, nên phải liên minh với Babylon, chống lại liên minh Ai Cập; nhưng năm 612, Ninivê, thủ đô của Assyrie bị Babylon đánh chiếm.

Lợi dung thời cơ, vua Josias (640-609) giành lại độc lập và thu hồi một phần đất lớn. (Tìm được sách Đệ Nhị Luật: 2 Sb 34, 14-21; 2 Vua 22,8-13; canh tân phụng vụ Josias). Tiếc rằng ông đã bị giết trong trận với Pharaon Néko. Từ năm 605, Joiaqim (609-597) thần phục Babylon, nhưng đến năm 602 lại liên minh với Ai Cập chống Babylon.

Nabuchodonosor (604-562) của Babylon bao vây Giêrusalem, thành này đầu hàng: lưu đày lần 1: vua Joiakin (597) bị lưu đày (2 Sb 36; 2 Vua 24,10-16) Sédécias (597-587), con của Josias, nổi lên chống Babylon năm 589

588 Giêrusalem bị bao vây; tháng 8 năm 587 tcn Giêrusalem bị tấn chiếm; bắt Sédécias; tàn phá Đền thờ Giêrusalem; lưu đày lần 2 (2 Vua 25,8-21); tháng 10 tỉnh trưởng Guedalias bị ám sát.

2. Năm 582/581: lưu đày lần 3 Palestina Bị Ba Tư Thống Trị (538-333)

538 chiếu chỉ của Cyrus, vua Ba tư, (551-529) chiếm Babylon vào năm 539, cho phép người Do Thái từ Babylon trở về, dưới sự dẫn dắt của Sheshbacar. Thiết lập bàn thờ tế tự.

520/515 xây dựng Đền thờ Giêrusalem lần 2 (dân Samarie chống việc xây Đền thờ – Esd 4,6t.)

458 Esdras hoạt động tại Giêrusalem; đọc Ngũ Thư.

455 Néhémie hoạt động lần đầu tại Giêrusalem; xây tường thành khoảng 440/400 hoàn tất các tác phẩm: Malachie, Gióp, Thánh vịnh, Giona, Sử biên niên – Esdras-Néhémie.

3. Palestina bị Hy Lạp thống trị (333-63)
332 Palestina bị quân đội Alexandre đại đế (356-323) đánh chiếm.
320-200 Palestina thuộc về nhà Lagides (Ptolémé). Năm 250 bản dịch Septuginta đầu tiên tại Alexandrie. Hoàn tất sách Giảng viên và Esther.

200-142 Palestina thuộc về nhà Séleucides

167 sắc chỉ của Antiochua IV Epiphane (175-164) cấm tôn giáo Do Thái: bỏ việc thờ Yahvê chuyển sang thờ Zeus trong đền thờ Giêrusalem. Khởi đầu cuộc nổi dậy của Mattathias Hasmonée

166 Judas, biệt danh Maccabê, tiếp nối người cha (166-160): 

164 chiếm lại và thanh tẩy đền Thờ Giêrusalem (Lễ Cung Hiến). Tác phẩm Đaniel. Jonathan (160-143); Simon (143-134)

142-63 Palestina được độc lập; Jean Hyrcan, con Simon, (134-104); Aristobule I (104-103); Alexandre Jannée (103-76); Alexandra (76-67); Hyrcan II và Aristobule II tranh chấp ngôi vua và quyền thượng tế.

Tại sao Pompée lại vào được Giêrusalem? Đó là nhờ vào sự phân hóa của các nhóm chính trị trong dân Do Thái. Aridtobule II dựa vào nhóm Sadducée để chống lại anh mình là Hyrcan II; Hyrcan lại dựa vào nhóm Pharisêu, đồng thời cũng liên kết với với Antipater, tổng trấn vùng Idumée, mảnh đất nằm ở phía nam Giuđê. Cả hai phe dùng nhiều quà cáp dâng cho Pompée; nhưng với mưu lược của Antipater, rằng ngã về phía Hyrcan II. Pompée kéo quân vào vây Aristobule II tại Giêrusalem. Sau ba tháng, quân Rôma tràn vào Giêrusalem, tàn sát các tư tế, xâm phạm Đền Thờ. Đó là ngày Lễ Tạ Tội (Lv 16) năm 63 tcn. Palestina bắt đầu nằm dưới ách đô hộ của La Mã.

Nhà MaccabêNămSách
Cuộc nổi dậy1671 Mcb 1 & 2
Judas Maccabê166-1601 Mcb 3,1 – 9,22
Thanh tẩy Đền Thờ164
Jonathan160-1431 Mcb 9,23 – 12,
Simon143-1341 Mcb 13 - 16
Độc lập142
Vương triều Hasmonê
Jean Hyrcan I134-103
Alexandre Jannée103-76
Alexandra76-67
Aristobule II67-63
Chấm dứt sự độc lập của Do Thái
Jean Hyrcan II63-40
Antigone40-37
Hérode le Grand37 tcn – 4 scn

4. Palestina bị La Mã thống trị (63 tcn – 135 Scn)

La Mã cho dẹp vương triều Hasmônê, chỉ cho Hyrcan II là Thương tế và “ethnarque – thủ trưởng nhân dân”. Nhờ quà cáp và mưu lược, Hérode Cả, con của Antipater, được lòng Sénat Rôma. Công nghị Rôma cho phép ông chiếm Palestina và làm vua. Năm 37, ông chiếm Giêrusalem và cai trị đến năm 4 scn. Năm 20/19 tcn bắt đầu tái thiết Đền thờ Giêrusalem.

Năm 4 scn Auchelaus sang Rôma để được phong vương, nhưng bị Auguste bắt lưu đày tại Vienne xứ Gaule vào năm 6scn; miền nam thuộc chế độ Tổng Trấn. Cuộc nổi dậy của Judas người Galilée (xem Cv 5,37) và người Pharisêu Saddoq (nguồn gốc của nhóm Zelote).

Năm 66 scn mùa hè, Tổng trấn Gessius Florus (64-66) đã lấy 17 nén bạc trong Đền Thờ, dân chúng chế nhạo. Florus giận cho đóng đinh vài người Do Thái có trách nhiệm; một cuộc nổi dậy làm ông sợ, phải chạy khỏi thành phố. Bất ổn tại Césarée và trong cả nước. Eleasar, con thượng tế Ananias, không dâng lễ hàng ngày cầu an cho hoàng đế, như thế là công khai chống lại đế quốc La mã.

Tháng 9 Cestius Gallus tấn công Giêrusalem, nhưng thất bại. Người Do Thái chiếm Giêrusalem và lãnh đạo thành. Nhiều Kitô hữu bỏ thành. Năm 67-68 nhóm Zelote dưới sự lãnh đạo của Jean de Gischala và người Idumê chiếm thành Giêrusalem. Ananus và những người lãnh đạo thành đều bị giết. 69 Simon bar Giora và nhóm Sichar lãnh đạo Giêrusalem.

Mùa xuân 67, hoàng đế Nerô trao trách nhiệm dẹp phản loại tại Palestina cho Vespatianô. Ông sử dụng 3 sư đoàn ở Syrie và 1 sư đoàn được tuyển mộ ở Ai Cập.

Tháng 3.68 ông chiếm Pêrêa, chuẩn bị tháng 6 sẽ bao vây Giêrusalem. Nêrô qua đời, Glaba lên ngôi, nhưng lại bị ám sát ngày 15.01.69. Vespatianô được quân đội ở Alexandria tôn lên làm hoàng đế, sau đó Palestina và Syria cũng đồng tình. Ông giao việc chiến đấu cho con là Titus để về Rôma xử lý. Trong lúc đó Giêrusalem được chia ra làm 3 khu vực: Johannes Giscala giữ Đền thờ và các vùng chung quanh; Simon bar Giora bảo vệ toàn thành; Eliasar mai phục trong Đền thờ.

Phục sinh 70 Titus với 4 đạo quân bao vây Giêrusalem; nạn đói trong thành.

Ngày 29.08.70 Đền thờ Giêrusalem bị cháy. Titus được quân đội tôn làm Hoàng đế (Imperator). Tháng 09.70 chiếm thánh Giêrusalem; dân thành bị giết, bị bán làm nô lệ hay làm lao công chiến trường. Hè 71, Johannes Giscala và Simon bar Giora bị hành hình, trong dịp diễu binh khải hoàn của Titus tại Rôma.

Giêrusalem thất thủ, quân kháng chiến còn 3 pháo đài: Maêrôntê, Herôđianum và Massada. Hai pháo đài trên quy phục khá dễ dàng, nhưng Massada chống cự ác liệt.
Phục sinh 73, Flavius Silva triệt hạ Massada: Eleasar và toàn dân trong thành đều tự tử để khỏi rơi vào tay người Rôma
Năm 130 Hoàng đế Hadrian (117-138) đến Giêrusalem: ông quyết định xây dựng lại thành phố (Aelia Capitolina) và xây một đền thờ thần Jupiter ngay trên nền đền thờ Giêrusalem
132-135 cuộc nổi dậy thứ hai của người Do Thái: Simeon ben Koseba chiếm Giêrusalem; Eleasar làm Thượng tế (Ben Koseba được Rabbi Akiba xem là Đấng Mêssias, như ánh sao được ghi trong Ds 24,17, nên đặt cho một biệt hiệu là Bar Kochba - Con ngôi sao). Ông ta bách hại người kitô hữu vì không tham gia vào cuộc nổi dậy.

Tineus Rufus, Tổng trấn Giuđê, cùng với Publicus Marcellus, Tổng trấn Syrie, chận đứng cuộc nổi dậy, nhưng thất bại. Hadrian cho Julius Severus đến tiếp viện và chính hoàng đế cũng đến. Đầu năm 134 Rôma bắt đầu bao vây thành Giêrusalem.

Tháng 8 năm 135 đồn Better cuối cùng của người Do Thái bị hạ; Bar Kochba tử trận. Mọi người trong thành đều bị bắt, bị bán làm nô lệ tại Mamre và Gasa. Palestina trở thành tỉnh lẽ của La Mã, không còn tên trên bản đồ thế giới. Giêrusalem thành đồn trại của quân đội La Mã. Tuyệt đối cấm người Do Thái bước vào thành này, ai vi phạm sẽ bị xử tử !

Vào thời Đức Giêsu, nước Palestina bao gồm những vùng: Giuđêa, Samaria và Galilêa; bên kia sông Giorđan còn có Pêrêa và Dekapolis. Tất cả các tỉnh thành này chỉ rộng độ 30.000 Km2. (Hiện nay chỉ còn 13.000 km2). Dân cư khoảng 2 đến 3 triệu người. Xứ Palestina, như người Do Thái thường nói “từ Dan đến Bersêba” chỉ dài độ 230 Km. Chiều ngang từ Địa trung Hải đến sông Giorđan, nơi hẹp nhất chỉ độ 20 km, nơi rộng nhất độ 130 Km. Một mảnh đất thật nhỏ, nhưng đầy biến động, như chúng ta đã thấy bên trên.

Với nước Do Thái hiện nay, chúng ta có những cột mốc lịch sử như sau:

Năm 476, đế quốc La Mã bên phương tây bị cuộc di dân tàn phá, nhưng đế quốc La Mã bên phương đông vẫn còn tồn tại đến 1000 năm sau. Palestina nằm trong đếquốc La Mã bên Đông.

Khi đế quốc Hồi giáo hình thành, thì Palestina là những nước đầu tiên bị nằm trong đế quốc Hồi giáo.

Năm 1096 bắt đầu các cuộc Thập tự chinh kéo dài đến 1291, khi người Mamluk Ai Cập chiếm Giêrusalem và đặt Palestina dứơi sự cai trị của Hồi giáo. Năm 1517, người Mamluk bị người Ottoman lật đổ. Người Do Thái bắt đầu được định cư tại Palestina.

Thế kỷ XIX, phong trào Zionist – Phục Quốc Do Thái bắt đầu. Năm 1878, người Do Thái bắt đầu mua đất trang trại tại Palestina để thành lập các ngôi làng. Những người nhập cư đầu tiên này được gọi là những Aliyah. Năm 1897 Chủ Nghĩa Xion do Theodor Herzl được thành lập, một năm sau khi ông viết quyển “Nhà Nước Do Thái” kêu gọi người Do Thái trở về quê hương.

Đợt trở về quê hương lần thứ hai vào năm 1904. Khi Ottoman sụp đổ, người Anh cai trị vùng đất này cho đến năm 1948.

1916: Pháp và Anh ký hoà ước, đặt Palestina dưới quyền bảo hộ của Anh. Trong thế chiến thứ II (1939-45), Đức quốc xả giết hại 6 triệu người Do Thái. Người Do Thái trở về quê hương lánh nạn. Đến năm 1946 cộng đồng Do Thái đã lên đến 700.000 người.

1947: Liên Hiệp Quốc chia nước Palestina chia thành hai quốc gia riêng biệt cho người Ả rập và người Do Thái, còn Giêrusalem có một quy chế quốc tế đặc biệt.

Ngày 14.05.1948: Nước Israel được thành lập. Trong vòng 24 giờ sau khi người Anh rút khỏi vùng đất này, liên quân các nước Liban, Jordan, Ai Cập và Irak phát động tấn công.

Tháng Giêng.1949, Hiệp định hòa bình được ký. Israel đã giành thêm được 50% nhiều hơn số đất mà họ được cấp và được một nửa Giêrusalem.

Cuộc bầu cử đầu tiên của Israel được tổ chức sau hiệp định ngừng bắn: Chaim Weizmann được bầu làm Tổng Thống, David Ben-Gurion làm Thủ tướng. Chính phủ mới được kết nạp vào Liên Hiệp quốc vào thánh 5 năm 1949.

1956: Do Thái tuyên chiến với Ai Cập. Liên Hiệp quốc lên án. Ngưng chiến.

Ngày 05.06.1967 Israel cùng lúc tấn công Ai Cập, Syria và Jordan. Chỉ trong vòng 6 ngày, quân đội Israel hoàn toàn đánh bại các đối thủ. Sau hiệp định ngừng bắn, Israel đã tăng thêm diện tích gấp hai lần, chiếm Cao nguyên Golan, Bán đảo Sinai và Bờ Tây sông Jordan, cộng với toàn bộ Giêrusalem.

Tổ chức Giải Phóng PLO bắt đầu tấn công vào người Israel và người Do Thái trên khắp thế giới.

Tháng 10 năm 1973, quân đội Syria và Ai Cập tấn công vào Israel trong ngày Yom Kipur, Israel tổn thất nặng nề ! Cuộc chiến Vùng Vinh vẫn tiếp tục đến nay.

E. TỪ LỜI SANG VĂN BẢN

Quyển Cựu Ước là một tác phẩm đồ sộ, được viết trong vòng 1000 năm. Quyển Cựu Ước này cũng là sách Thánh của Đức Giêsu cũng như của các Tông đồ, thế nhưng các quyển sách Thánh này chỉ được chọn lựa để trở thành Kinh Bộ (Canon) mãi ở gần cuối thế kỷ thứ I sau công nguyên, do Công nghị họp tại Iamnia (ngày nay là Jabne), một thành phố nằm cách Jaffa khoảng 20km về phía nam.

Năm 70 scn, thành phố Giêrusalem và cả Đền Thờ đều bị tàn phá. Thế là từ nay sẽ không còn hàng tư tế, không còn tế tự, không còn phụng vụ trong Do Thái giáo nữa. Công nghị Giêrusalem lánh nạn về Iamnia. Trước khi giải tán, Công nghị đã họp lại xác định Kinh Bộ, tức là xác định sách nào được thuộc về Thánh Kinh, sách nào không. Chỉ có những sách nằm trong Kinh Bộ mới chứa đựng đức tin, ngoài những sách này, tất cả đều là các sách đạo đức, không buộc phải tin giữ.

Chúng ta biết Công nghị cố ý loại bỏ các sách mang tính Khải Huyền và nhất là những sách có dính dáng đến Kitô giáo.

Ngày nay chúng ta quá quen thuộc với sách vở. Khi nói một tác giả quyển sách nào đó, chúng ta liền liên tưởng rằng tác giả này đã viết xuyên suốt quyển sách. Sách Thánh Kinh lại không phải thế; các tác phẩm này thường là thu tập những gì đã được truyền khẩu trong nhân gian một thời rất lâu. Có thể ngay trong một tác phẩm có nhiều đoạn thành những lớp đan xen với nhau, như trường hợp sách Ngũ Thư.

Để có thể hiểu cuộc hình thành các tác phẩm Thánh Kinh, chúng ta có thể nhờ đến khoa học tham khảo về văn chương nhân gian, nhất là các Sử thi, thơ anh hùng ca (Epos) trong các dân tộc có nền văn minh cổ.

Có một sự năng động trong văn chương truyền khẩu, rất khác biệt trong từng dân tộc, nhưng lại có những đặc điểm giống nhau.

Việc truyền khẩu này thường do những cá nhân đơn độc (tư tế, thi sĩ) truyền đạt. Nhưng việc truyền đạt này không phải tự chuyên, nhưng có cả bộ tộc là cơ quan kiểm soát để cho bản anh hùng ca không bị suy xiển. Thế nên bên cạnh tính chủ động của cá nhân, còn có tính thụ động của tập thể. Người ta cũng ghi chú sự cộng tác của các phụ nữ trong việc ghi nhớ các bản anh hùng ca này.

Để giữ cho bản anh hùng ca được toàn vẹn, thường người ta tạo những vần điệu, những kỹ thuật liên kết bằng từ, bằng ý để dễ nhớ. Thường có một một chuỗi từ liên kết để nâng đỡ trí nhớ Trung tâm của bài anh hùng ca truyền khẩu của bộ tộc hay dân tộc thường là những cá nhân đơn độc, những vị anh hùng của thời quá khứ. Từ những giai thoại độc lập, không có gì liên kết với nhau trong ký ức hay trình thuật của bộ tộc, dần dần với thời gian, người ta đã nối kết lại với nhau thành một câu chuyện liên tục. Từ tiểu sử của một vị anh hùng, dần dà người ta đã hội tụ lịch sử của bộ tộc mình vào trong vị anh hùng đó. Vị anh hùng trở thành cái “Tôi tập thể” của cả bộ tộc. Có thể vị anh hùng là người thành lập bộ tộc hay một tổ tiên xa xưa, giờ đây đã trở thành biểu trưng của bộ tộc; vận mệnh của vị anh hùng phản ảnh trong vận mệnh của bộ tộc.

Người ta cũng đọc tương lai mình trong hình ảnh vị anh hùng hay trong hoàn cảnh đau thương. Người ta đọc bản anh hùng ca để nhớ đến tính chất anh hùng của bộ tộc để củng cố lòng kiêu hãnh của dân tộc, sự can đảm để chiến đấu.

Chính vì thế, người ta chỉ đọc bản anh hùng ca trong những ngày kỷ niệm của cả bộ tộc: ngày thành lập bộ tộc, hôn nhân, việc đăng quang một tộc trưởng, xuất binh chiến tranh, khi chiến thắng quân thù hay trong những ngày được mùa. Từ đó truyền khẩu gắn liền với lễ lạc. Người ta đọc bài ca anh hùng của quá khứ để cả bộ tộc ý thức về mình cũng như động viên để bước vào tương lai.

Khi bộ tộc bước vào đời sống văn minh, có chữ viết, bấy giờ truyền khẩu sẽ bước vào giai đoạn chuyển đạt thành bản văn. Nếu bộ tộc còn ý thức về tính chất anh hùng của mình, thì Sử thi vẫn tiếp tục đi vào tâm thức của bộ tộc; ngược lại, nếu bộ tộc sa sút hay bị thôn tính, anh hùng ca sẽ bị mai một và mất đi, vì thế hệ tiếp nối không còn tha thiết với quá khứ của mình. Hiện trạng trên đất nước Việt Nam là các bản anh hùng ca của các anh em đồng bào thượng, nếu không mau mắn ghi lại, sẽ bị mai một và chúng ta sẽ mất đi những Sử thi độc đáo. Thời điểm truyền khẩu thành văn chương (thường là từ đời sống du mục bước vào đời định cư) nếu bị bỏ qua, sẽ khó mà tìm lại truyền khẩu của quá khứ.

Nhờ khoa tìm hiểu văn chương cổ giúp chúng ta có cái nhìn về các bản anh hùng ca, chúng ta thử tái tạo lại truyền khẩu của dân Do Thái trong Thánh Kinh; nhưng trước đó có hai điểm quan trọng cần chú ý:

Mãi cho đến cuối thế kỷ thứ IV tcn mới bắt đầu có chữ tượng hình và hình nêm, hình đinh ở Ai Cập và vùng Lưỡng Hà. Bước quyết định từ chữ bằng hình ảnh bước sang mẫu tự xuất hiện trong vùng Syrie-Palestina, đặc biệt là do người Phônisie trong thành Byblos. Người ta có thể xác định chữ viết có mẫu tự chỉ xuất hiện khoảng từ 1500 đến 1000 tcn.
Cũng cần chú ý, chữ của Phônisie cũng như Hipri gồm có 22 phụ âm.

Chữ Hipri cũng phải trải qua một thời gian hình thành thật lâu dài; mãi sau thời lưu đày ở Babylon (586-538 tcn) người ta mới thấy xuất hiện chữ viết Hipri thông dụng cho đến ngày nay. Từ đó có thể khẳng định, truyền khẩu của con cái Abraham chỉ có thể ghi nhận thành văn bản chút ít từ năm 1500 đến 1000 tcn.

Chúng ta quen từ “Dân Do Thái” và hiểu cách chung chung. Thật ra, người ta chỉ có thể nói đến dân Do Thái từ sau khi chiếm đất. Đặt lại hoàn cảnh chiếm đất, chúng ta sẽ thấy rõ: một nhóm du mục từ bên ngoài vào chiếm mảnh đất mà họ tự gọi là “Đất hứa”, nơi đã có một dân văn minh hơn đã định cư tại đó

Sau 400 năm bình định, đám dân du mục và dân định cư mới họp thành “Dân Do Thái”. Như thế có những chi tộc biết thời lưu đày, lang thang trong sa mạc, sự kiện Sinai…còn dân định cư không biết gì cả. Như thế đám dân du mục từ thời Môisen chưa phải là dân Do Thái mà chỉ là những bộ tộc hay nhóm bộ tộc, sau đó bước vào xứ Palestina và quyết định ký kết thành một dân. Lúc đó mới có dân Do Thái !

Quyển sách Giôsua tường trình việc Israen tiến vào Palestina.

Với hai nhận định trên, chúng ta cố gắng đi vào thời truyền khẩu của dân Do Thái. Vì “Dân Do Thái” chỉ hình thành trong thời gian đã bước vào Đất Hứa; trước đó chỉ là một số chi tộc hay nhóm chi tộc, vì thế có thể khẳng định rằng có rất nhiều truyền khẩu rất khác biệt; vì mỗi chi tộc đều có bản anh hùng ca riêng của mình. Các truyền khẩu của từng chi tộc, khi đã bước vào Đất Hứa, phải được tổng hợp để trở thành bản anh hùng ca chung cho cả “dân tộc”, thì thực sự không dễ dàng mà đi đến tổng hợp, vì nội dung rất khác biệt. Nội dung của bản anh hùng ca của chi tộc đều xoay quanh vị anh hùng hay người thành lập chi tộc riêng của mình. Chúng ta đã thấy rõ chỉ có nhóm du mục mới có kỷ niệm lưu đày, sa mạc, Sinai …còn dân định cư thì không ! Thêm nữa, dân định cư không có Abraham là tổ phụ và cũng không có Yahvê là Thiên Chúa của mình. Như thế phải chấp nhận, lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng: dân định cư phải gọi Abraham là tổ phụ và gọi Yahvê là Thiên Chúa của mình.

Đây không phải là sự tuyên xưng mà là sự áp đặt của kẻ mạnh. Tổ phụ của bộ tộc mạnh nhất trở thành tổ phụ của “dân tộc” và Thiên Chúa của bộ tộc mạnh nhất, trở thành Thiên Chúa của dân tộc mới. Bản anh hùng ca chỉ nói lên anh hùng của bộ tộc mình. Làm thế nào tổng hợp các bản anh hùng ca này lại để bắt mọi bộ tộc cùng phải công nhận một tổ phụ? Phải xây dựng một bản anh hùng ca mới, trong đó các anh hùng có liên hệ với nhau, có khi cùng một huyết thống với nhau, tiếp đó là tạo thành một câu chuyện để nối kết các anh hùng lại. Tổng hợp có nghĩa là phải cắt xén và cấu trúc lại cho hợp lý.

Thiên Chúa của dân du mục là Thiên Chúa “cùng đi” với họ, không bị ràng buộc vào một địa danh; ngược lại Thiên Chúa của dân định cư thường bị ràng buộc với một địa danh. Làm thế nào để phối hợp những gương mặt Thiên Chúa này lại với nhau? Đa-vít và Salomon cố gắng tổng hợp gương mặt Thiên Chúa về một mối, xóa tất cả mọi địa danh để chỉ còn tập trung về Giêrusalem; nhưng sau cái chết của Salomon đâu lại hoàn đấy: mỗi chi tộc trở lại với thánh địa cũ của mình. Tinh thần quân chủ và bộ tộc vẫn còn phải đấu tranh trong dân Do Thái. Thiên Chúa cũng bị ảnh hưởng trong cuộc tranh đấu này.

Nếu hiểu được quá trình này, chúng ta sẽ không lấy làm lạ khi Ngũ Thư hình thành do một sự tổng hợp nhiều truyền thống với nhau (Elohim, Jahviste, Deuteronomium, Priesterschrift). Có thể nói Cựu Ước được hình thành trong vòng 1000 năm thì quyển Ngũ Thư cũng được hình thành trong suốt thời gian đó, tức là 1000 năm.

F. TẦNG LỚP CỔ NHẤT CỦA CỰU ƯỚC

Trình tự sắp xếp theo quyển sách Cựu Ước ngày nay, tức là quyển đầu là sách Sáng Thế và kết thức là ngôn sứ Malaki (3,24), không có giá trị theo thời gian hình thành của từng tác phẩm Cựu Ước. Quyển sách đầu tiên của Cựu Ước hình thành rất trễ so với các tác phẩm khác, có lẽ theo thời gian hình thành, phải đặt vào giữa quyển Cựu Ước. Điều này không những quan trọng đối với các sử gia mà còn cho cả những người tìm hiểu Thánh Kinh.

Trước khi chúng ta đi tìm các tầng lớp truyền thống tạo thành sách Thánh, chúng ta tìm lý do chuyển từ truyền khẩu sang văn bản. Thời điểm quan trọng để truyền khẩu chuyển sang văn bản là lúc các bộ tộc du mục tìm được mảnh đất để định cư. Sau một thời gian dài lang thang, bất ổn, bây giờ thực sự là bình an và là lúc có thể nhìn lại về bản thân và các chi tộc khác, có lẽ đó là thiên niên kỷ thứ II tcn.

Chúng ta đã thấy từ “Dân Do Thái” chỉ có thể được sử dụng vào lúc định cư trên đất Palestina, hay đúng hơn sau 400 năm, một thời gian tiệm tiến để đồng hóa dân định cư với các bộ tộc du mục chiếm đất. Như thế quan niệm cho rằng 12 chi tộc của dân Israel đều bị nô lệ ở Ai Cập, cùng lang thang trong sa mạc Sinai, để rồi dưới sự lãnh đạo của Josua đã tiến vào Đất Hứa, quan niệm này không còn có thể chấp nhận được nữa.

Các chi tộc đều có những kinh nghiệm và truyền thống khác nhau, nhưng một khi dưới bàn tay vị chấp bút, theo chỉ thị một quyền lực nào đó hay một mục đích chính trị nào đó, đã biến hóa truyền thống các chi tộc khác biệt trở thành lịch sử của một gia đình: tất cả đều trở thành bà con với nhau. Điều này cũng giống như Lạc long Quân và Âu cơ, sinh trăm trứng. 50 đứa con lên núi; 50 đứa con xuống biển: cả trăm dân tộc trở thành bà con với nhau ! Nhưng dù sao đi nữa, người ta vẫn thấy có những nhóm chi tộc có liên hệ với nhau và có cùng số phận chung với nhau.

Người ta phân biệt Nhóm Lea, gồm các chi tộc Ruben, Simeon, Levi và Juda (St 29,31-35), còn có thể kể thêm chi tộc Issachar vàZabulon (St 30,14-21), nối kết bằng luật lệ cũng có thể kể chi tộc Gad và Aser (St 30,9-13).

Nhóm Rachel nhỏ hơn bao gồm Joseph (St 30,22-24) và Benjamin (St 35,16-18), có thể kể thêm Dan và Nephthali (St 30,1-8).

Nhóm Lea định cư sớm hơn là nhóm Rachel. Người ta nghi ngờ không biết rằng nhóm Lea có cùng một lộ trình và như thế cùng có những kinh nghiệm (tỉ như ở núi Sinai hay ở Oase Kadesch) như nhóm Rachel hay không. Kinh Thánh cho thấy rõ các chi tộc Simeon và Levi có truyền thống riêng của mình, trong đó các thánh địa Beer-Seba hay Kadesch giữ một vai trò quan trọng. Người cũng không chắc lắm 4 chi tộc của nhóm Rachel có cùng truyền thống hay không, hay mỗi chi tộc có những sự kiện riêng của mình.

Mỗi một chi tộc hay ít ra một nhóm chi tộc có truyền khẩu chung của mình, tạo thành những kinh nghiệm nguyên thủy. Người ta phải chấp nhận rằng có nhiều truyền thống nguyên thủy rất khác nhau. Chính việc định cư, có thời gian cọ sát và trao đổi với nhau như ở Canaan, các chi tộc có thể so sánh các truyền thống riêng với nhau, từ đó nhận ra các điểm chung và các điểm khác biệt.

Một điểm chung của các chi tộc là ký ức về nơi xuất phát của mình từ phương đông (Mesopotamien). Hai vị trí nằm ở trung tâm ký ức là Ur ở Chalđê và Haran. “Ông tổ tôi là người Aram phiêu bạt…” (Đnl 26,5). “Ngày xưa, cha ông các ngươi đã trú ngụ bên kia sông Cả [Euphrat]…Ta đã đem cha các ngươi là Abraham từ bên kia sông Cả mà dẫn đi khắp đất Canaan…” (Gs 24,2-3). Một số chi tộc khác vẫn còn nhớ đến ký ức ở phương tây, bên Ai Cập. Ba địa danh nằm cận Ai Cập còn nằm trong ký ức của họ: Biển Đỏ, núi Sinai và Ốc đảo Kadesch. Vấn đề của chúng ta là tìm lại xem ba địa danh này có thực sự nằm trong ký ức của nhóm Lea hay không, còn nhóm Rachel lại giữ những ký ức khác.

Tiến trình định cư và việc thu nhận chữ viết mẫu tự Hipri tạo điều kiện để cho truyền khẩu quá khứ được viết ra thành văn bản. Cho nên hình thức ban đầu vẫn còn mang tính đa dạng dựa theo truyền thống của nhiều chi tộc.

Việc cố gắng tập trung tất cả về một mối dưới triều của Đa-vít (1012-972) và Salomon (972-932) lại kích động niềm tự hào của từng chi tộc. Bên cạnh các nhà chép sử của cung đình, thì ngoài Giêrusalem còn có nhiều người hát rong, nhiều kẻ giải điềm vẫn còn nắm giữ các truyền thống cổ của chi tộc mình. Trong văn chương, chúng ta có thể thấy hai luồng sóng cận kề nhau: một luồng sóng ủng hộ triều đại Đavít – Salomon; luồng sóng kia chống đối lại triều đình, ca ngợi các thánh địa cổ kính của chi tộc hơn là ủng hộ Đền thờ Giêrusalem.

Rồi điều phải đến cũng phải đến: sau cái chết của Salomon, 10 chi tộc bung ra, không những chống lại triều đình của Đavít – Salomon mà về mặt tôn giáo, chống đối Đền Thờ Giêrusalem, trở lại với thánh địa cũ của từng chi tộc.

Có lẽ sinh viên thần học quen với thuật ngữ “dân Do Thái” và coi dân Do Thái như là 12 chi tộc: cả 12 chi tộc sang Ai Cập; cả 12 chi tộc du hành trong sa mạc; cả 12 chi tộc tiến vào đất hứa…Thực ra vấn đề về lịch sử các chi tộc trong Dân Chúa được hình thành như thế nào, đã được Martin Noth, một nhà Thánh Kinh trình bày từ năm 1943.

Năm 1950 ông cho xuất bản quyển “Geschichte Israels – lịch sử Israen”; quyển sách này trở thành sách gối đầu giường cho những ai muốn học Thánh Kinh. Trong sách này, North đã dùng cả một chương dài để trình bày về “Israen như giao ước của 12 chi tộc”, về việc hình thành 12 chi tộc trong Dân Chúa… (từ trang 54 đến trang 130). Có thể nói ngày nay các nhà Thánh Kinh đều chấp nhận lý thuyết này của ông.

Nhóm Thanh Lao Công của Pháp có xuất bản quyển “A la decouverte de la Bible” vào năm 1980, được linh mục Bảo Tịnh dịch, dưới tựa đề “Đi tìm Lời Chúa trong Thánh Kinh” quyển 1 cho Cựu Ước và quyển 2 cho Tân Ước. Chúng ta trích một phần nhỏ “L’Histoire des tribus israélites” từ trang 49-55.

Theo sách, việc cho “12 chi tộc” tiến vào Đất hứa là do triều đại Đa-vít quảng bá, khi đất nước đã được thống nhất. Ngày nay dựa vào:

1. Những ngạn ngữ nói về các chi tộc (St 49; Đnl 33)

Việc chia đất và thành trì giữa các chi tộc (Gs 13,15 – 19,48 được đoạn Tl 1,1-36 điều chỉnh lại)

Bảng gia phả các chi tộc liên kết với tổ phụ Giacóp (St 29,21 – 30,24). Thứ tự Thánh Kinh sắp xếp cho 12 người con và điều kiện xã hội của bà mẹ (tự do hay nô lệ) diễn tả tầm quan trọng cũng như nguồn gốc khác nhau của 12 chi tộc.

Các tài liệu trên đã được chép ra vào những giai đoạn khác nhau, sớm lắm là dưới thời quân chủ, thế kỷ thứ X tcn. Chúng cũng hàm chứa các hệ tư tưởng khác nhau; tuy nhiên, những truyền tụng về chúng đã có trước thời ghi lại thành văn bản. Chúng ta thấy có 3 bảng gia phả khác nhau của 12 chi tộc.

St 29; 30 St 49 Ds 1; 26
a) Léa
Ruben Ruben Ruben
Simeon Simeon Simeon
Levi Levi ---
Juda Juda Juda
Issachar Issachar Issachar
Zabulon Zabulon Zabulon
Dina --- ---
b) Bilha
Dan Dan Dan
Nephtali Nephtali Nephtali
c) Zilpa
Gad Gad Gad
Asher Asher Asher
d) Rachel
Joseph Joseph Ephraim
--- --- Manasse
--- Benjamin Benjamin

Các tác giả chia 12 chi tộc theo địa lý như sau:

a. Các chi tộc miền bắc Palestina

Asher, chi tộc này gắn với Giacóp qua Zilpa, người nô lệ của Léa (St 30,12-13).

Theo Tl 5,17, họ cư ngụ vùng cao nguyên rậm rạp, phía bắc Akko (Gs 19,24-31). Chi tộc Asher định cư tại đây từ lâu, không xuống Ai Cập và không tham dự vào cuộc Xuất Hành.
Nephtali, được gắn với Giacóp qua Bilha, nữ tỳ của Rachel (St 30,7-8), trú ngụ vùng Nephtali, vùng cao nguyên Giordan, nên được mang tên địa danh này (Gs 19,32-39). Như chi tộc Asher, chi tộc Nephtali không tham dự vào cuộc Xuất Hành.
Issakar, được gắn với Giacóp qua Léa, nhưng sinh ra sau 4 người con khác, có nghĩa là nhập vào dân Do Thái tương đối trễ (St 30,14-18). Đoạn St 49,14-15 cho thấy: “Issaar là con lừa xương xẩu… khom lưng dưới bành, chỉ giỏi làm phu phen”. Các toán khổ sai này chắc đã nổi dậy, tiếp tay với Giôsua để tự giải phóng hay đã tham gia chiến đấu với các chi tộc Nephtali và Zabulon tại Mérom.

Zabulon, như chi tộc Issakar, gắn với Giacóp qua Léa sau các người con khác (St 30,19-20), đóng đô vùng Đông-nam đất của chi tộc Asher (Gs 19,10-16), không chiếm được thành nào quan trọng. Họ sinh sống bằng việc làm thuê cho bọn thủy thủ cạnh bờ biển (St 49,13; Đnl 33,18-19).

Cả 4 chi tộc miền bắc Palestina không di cư sang Ai Cập, không tham gia cuộc Xuất Hành của Môisen và Giôsua, chỉ nhập bọn vào nhóm du mục từ Ai Cập đến, bằng cuộc hiệp thương thống nhất, có lẽ được nhắc đến trong sách Giôsua chương 24.

Tại Sichem, một thành miền trung, Giôsua triệu tập Đại hội, đề nghị với các bộ lạc miền bắc cùng thừa nhận Yahvê là Thiên Chúa chung cho các chi tộc. (Những câu 14 – 15,48 và 23 – 28 có lẽ là chứng cứ xa xưa). Đề nghị được chấp nhận. Có lẽ việc tiến công của Giôsua vào Palestina làm cớ cho các bộ tộc miền bắc cũng nổi dậy chống lại ách thống trị của các tiểu vương trong cuộc chiến tại Mérom, từ đó họ cũng có cảm nghiệm Yahvê là Thiên Chúa giải phóng.

b. Các chi tộc miền trung Palestina

Các chi tộc này chiếm miền trung Palestina; Thánh Kinh gọi nhóm này là “Nhà Giuse” (Tl 1,22-23; 2 Sm 19,21; 1 V 11,28). Các chỉ định này chỉ xuất phát từ thời quân chủ, để đối lại “Nhà Giuđa” của các chi tộc miền nam (2 Sm 2,7.10.11).

Makir và Manassé. Chi tộc Makir lúc ban đầu là một chi tộc thật sự mà sách Thủ lãnh đặt vào địa điểm sau này của chi tộc Manassé, trong vùng Sichem. Makir có nghĩa là “bị đem bán”, có lẽ họ là lính đánh thuê cho các thành Canaan. Vào thời Thủ lãnh, họ bị chi tộc Manassé tấn chiếm, nên phải chạy qua vùng bên kia sông Giorđan. (Ds 32,29-42) và được coi như một nửa bộ tộc Manassé (Đnl 3,13-15; Gs 13,29-31)
Trong bảng gia phả, Manassé trở thành cha của Makir, qua việc Giuse nhận như một chi tộc của dân Chúa (St 50,23). Chi tộc này không tham gia vào cuộc Xuất Hành.

Ephraim, chi tộc này được mang tên địa danh nơi cư trú, núi Ephraim, bao gồm cả Béthel (Tl 1,22-26); vì là mảnh đất xấu, họ phải hạ những cánh rừng bao quanh Samarie (Gs 17,14-18). Ephraim là chi tộc quan trọng nhất của “Nhà Giuse”. Giôsua thuộc chi tộc này (Ds 13,8.16) cũng như vị vua đầu tiên của vương quốc phía bắc là Jéroboam (1 V 11,26). Chi tộc này ảnh hưởng nhiều trên chi tộc Manassé (Gs 16,9; 17,8-10); điều này được nhận thấy trong hệ thống gia phả qua việc người con út vượt trổi người con cả (St 48,13-20).
Benjamin, có nghĩa là “người con bên phải”, tức là ở phía nam. Đất của họ rất hẹp, nằm giữa Béthel (thuộc Ephraim) và Giêrusalem, lúc đó vẫn còn thuộc người Canaan; nhưng nơi đây lại có một thánh địa quan trọng là Guilgal, có lẽ nằm phía bắc Jéricho (Gs 4,19-20).

Các chi tộc miền trung Palestina: Manassé, Ephraim gắn bó với Giacóp qua Giuse, được bà Rachel sinh ra (St 30,22-24) và Benjamin, cũng do bà Rachel sinh ra, chứ không do Léa.
Ba chi tộc này tạo thành một khối đặc biệt. Giacóp còn mang một tên khác là Israel, tên này gắn liền với phần trung bộ Palestin, nhất là Sichem (St 33,20) cũng là nơi khởi đầu câu chuyện Giuse (St 37,12-14). Benjamin cũng được sinh ra trong vùng này, gần Béthel (St 35,16-18), cũng là nơi chôn cất bà Rachel, gần Rama (1 Sm 10,2; Gr 31,15). Như thế, thuở ban đầu có hai nhóm chi tộc khác nhau: Giacóp-Léa và Israel-Rachel, đã hội nhập lại với nhau, từ đó vị tổ phụ Giacóp được mang một tên kép “Giacóp-Israel”. Tại Sichem, Giôsua, thuộc chi tộc Ephraim, tuyên xưng niềm tin vào “Thiên Chúa Israel” (Gs 24,2). Nhóm Israel-Rachel, “Nhà Giuse”, có lẽ là thành phần quan trọng của các chi tộc đã tham dự cuộc Xuất Hành với Môisen và cuộc chiếm đất với Giôsua.

c. Các chi tộc miền nam Palestina

Juda – Giuđa, chi tộc này mang tên địa danh núi Juda, trải dài từ Giêrusalem xuống miền nam. Lúc đầu, một bộ tộc của Ephraim, tên là Ephrata, đến cắm dùi tại Bethlehem, nằm giữa Bethel và Rama (St 35,19), từ từ qui tụ thêm những nhóm bán-du mục: nhóm Calébites ở vùng Hébron (Gs 14,6-14), nhóm Qénizites quanh vùng Devir (Gs 15,15-17; Tl 1,11-15), nhóm Qénites miền nam Biển chết (Tl 1,16), nhóm Yérahmeélites vùng Neguev (1 Sm 27,10; 30,29). Các đám dân này đã âm thầm xâm nhập Canaan từ phía nam, không qua Ai Cập. Vì họ là dân bán-du mục, nên chi tộc Giuđa phải mất nhiều thời gian để thống nhất với nhau. Đất đai của họ kéo dài tới ốc đảo Qadesh-Barnéa (Gs 15,1-12), nhưng miền bắc lại bị các thành Canaan như Guèzèr, Ayyalon, Beth-Shèmèsh và Giêrusalem chận lại, như bức tường ngăn cách Giuđa với các chi tộc miền trung.

Siméon đóng đô phía nam vùng Béer-Shéva (Gs 19,1-9; Tl 1,3-17), dần dần họ bị đồng hóa với chi tộc Giuđa, nên không còn được nhắc đến trong bài chúc lành của Môisen trong Đnl 33. Chi tộc Siméon có mặt ở Ai Cập và tiến vào Palestina vào mạn nam với các nhóm của chi tộc Lêvi.

Lêvi có lẽ lúc đầu cũng là một chi tộc như các chi tộc khác; dựa theo danh sách các bộ tộc Ds 26,58 và Gs 21,13-16, họ đóng ở vùng Giuđa, mạn nam Hébron. Môisen thuộc về chi tộc này. Nhưng sau đó, họ chuyên trách việc tế tự, nên phân tán ra khắp cả nước và không còn đất riêng nữa.

Dưới thời Thủ Lãnh, chi tộc Giuđa, cùng với chi tộc Siméon mà nó đồng hóa, không còn được nhắc đến nữa, vì những nguyên nhân: việc hình thành chi tộc Giuđa rất chậm vì do các bộ tộc bán-du mục; đất đai của họ bị ngăn cách với các chi tộc khác do các thành Canaan. Điều này cho thấy các lưu truyền trong sách Giôsua và Thủ Lãnh đều xuất phát từ miền trung bộ Palestina. Lịch sử đặc biệt của chi tộc Giuđa giải thích các khó khăn mà Đavít gặp phải, khi ông vận động thống nhất đất nước và cả những khó khăn còn sinh ra từ đó.

d. Các chi tộc bên kia sông Giordan

Gad. Chi tộc này được gắn với Giacóp qua Zilpa, nữ tỳ của Léa (St 30,9-11), một dấu chỉ không tinh ròng của chi tộc này. Chi tộc này định cư trong vùng Yazer và Galaad, nằm giữa Arnon và Yabboq (Gs 13,21-28; Ds 32,34-36), một vùng rất tốt cho việc chăn nuôi. Họ đã có mặt trong vùng này trước khi đoàn du mục của Môisen và Giôsua tiến đến. Như thế là họ đã không chia sẻ kinh nghiệm nô lệ bên Ai Cập cũng như cuộc Xuất Hành. Chi tộc Gad cũng còn được gọi là chi tộc Galaad, theo địa danh họ trú ngụ (Tll 5,17).

Ruben. Trong bảng gia phả, Ruben là con đầu lòng của Giacóp và Léa, nên luôn đứng đầu trong tất cả bảng danh sách 12 chi tộc. Có lẽ lúc ban đầu, đây là một chi tộc hùng mạnh nhất, nhưng dần dần sa sút. Đnl 33,6: “Chúc cho Ruben sinh tồn, đừng bị tiêu diệt, dân số nó tuy ít, nhưng vẫn tồn tại.” Họ đóng đô giữa vùng Arnon và ranh giới của Gad, sau này Gad đã thôn tính luôn (Ds 32,34-38). Chi tộc Ruben đã tham dự cuộc Xuất Hành với các toán khác của Môisen và Giôsua.

e. Một chi tộc lang thang: Dan

Chi tộc này tìm cách chiếm các ngọn đồi phía tây của các chi tộc Benjamin và Ephraim, nhưng rốt cuộc chỉ giữ được vài làng nằm trong thung lũng Soreq (Tl 1,34-35; 18,11). Dù còn rất mạnh ở thời Samson, nhưng rồi chi tộc này bị hai chi tộc Benjamin và Ephraim đồng hóa. Một bộ tộc đã di chuyển lên phía bắc, chiếm thành Laish (Lèshem), rồi đổi tên là Dan (Gs 19,40-48; Tl 18). Cuộc di cư này diễn ra khoảng năm 1100 tcn. Chi tộc này gắn với Giacóp qua Bilha, nữ tỳ của Rachel (St 30,1-6).

Tóm kết lịch sử các chi tộc dân Chúa

Lược qua vài giòng lịch sử các chi tộc như trên, chúng ta có thể đi tới những kết luận quan trọng như sau:

Thường các chi tộc chỉ chiếm được những vùng đồi núi và rừng rậm, là những vị trí dễ xâm nhập vì không có các thành trì vững chắc của Canaan án ngữ. Các thành này không bị Israel đánh chiếm (Tl 1,27-36) trừ hai thành Béthel (Tl 1,22-26) và Hacor; các thành Gabaon (Gs 9,1 – 10,27) và Sichem đã sử dụng lính Israel làm dân quân phòng vệ, qua một hiệp ước. Việc tiến chiếm Palestina dưới sự lãnh đạo của Giôsua, dù có lúc phải chiến đấu, nhưng không phải là một cuộc chinh phục và tiêu diệt dân chúng như sách Giôsua diễn tả (chương 2-12), nhưng là một tiến trình xâm nhập từ từ kéo dài gần 200 năm.

Các chi tộc bị chia ra làm 3 khối do đồng bằng Izréel phía bắc với các thành vững chắc và rào cản của Canaan phía nam. Điều này làm cho việc giao lưu giữa các chi tộc rất khó khăn; chỉ có một sự thống nhất về mặt chính trị mới có thể xoá bỏ các rào cản này.

Ngay trong vùng Israel chiếm đóng, vẫn có mặt dân Canaan địa phương sống xen kẻ (Tl 1,27-33), tập cho họ biết kỹ thuật trồng trọt cũng như thủ công nghiệp. Dù có sự phụ thuộc như thế, nhưng họ vẫn không ngã về các thần địa phương, vì đã có một kinh nghiệm mạnh mẽ về Thiên Chúa giải phóng họ khỏi Ai Cập. Niềm tin này do toán quân của Giôsua đem đến, được các bộ tộc khác tiếp thu để trở thành động lực giải phóng cho chính họ. Chính niềm tin này giúp cho dân Chúa hình thành và thống nhất, dù có nhiều trở ngại về địa hình cũng như sự quyến rũ của các tôn giáo Canaan và khuynh hướng của từng chi tộc.

Nhiều nguồn

Vào khoảng năm 1000 tcn bắt đầu thời kỳ thu tập các nguồn truyền khẩu, nhận định và viết lại thành văn. Đây là thời gian nhìn lại và suy nghĩ và cũng là khởi điểm cho văn chương Israel.

a. Điểm đáng chú ý, vào ngay một thời điểm này cũng bắt đầu những công tác ghi lại truyền khẩu trong ba vùng đất của xứ Palestina:

1) Ngay tại Giêrusalem, thủ đô của đất nước, người ta bắt đầu viết lịch sử hiện tại của vương triều và lịch sử kế vị ngai vàng của Đavít.

2) Ở miền nam Palestina trong vùng Hebron, Bethel và Berrsabee xuất hiện văn bản của một truyền thống, vì các tác giả này dùng từ Jahvê để gọi Thiên Chúa, nên người ta đặt cho nguồn này là Truyền thống J, tức là truyền thống Jahviste.

3) Ở miền trung thổ Palestina, khoảng vùng Samaria và Sichem, cũng xuất hiện văn bản của truyền thống khác, vì các tác giả gọi Thiên Chúa bằng từ Elohim, nên người ta gọi nguồn này là Truyền thống E, tức là Truyền thống Elohiste.

b. Trong khi tại Giêrusalem người ta bắt đầu viết tác phẩm về vương triều và sách các vua kế vị mà ngày nay chúng ta còn đọc được trong các sách Samuel quyển 1 và 2, cũng như sách các Vua quyển 1, chương 1 và 2; thì người ta cũng bắt đầu tổng hợp hai truyền thống J và E lại với nhau lần đầu tiên vào khoảng từ 750 đến 450 tcn; việc tổng hợp này làm mất đi tính chất nguyên thủy của từng truyền thống. Ngày nay thật khó mà xác định được đâu là truyền thống Jahviste và đâu là truyền thống Elohim

c. Như chúng ta đã nói bên trên, những người muốn tổng hợp hai truyền thống này đều có ý đồ nối kết các chi tộc lại với nhau. Chắc chắn trong đó có bàn tay của vương triều. Việc sắp xếp hai truyền thống trở thành một câu chuyện lịch sử, một mặt người ta muốn hòa hợp các chi tộc lại thành một khối thống nhất, thành một dân tộc, mặt khác không ngoài ý đồ củng cố triều đại của Đavít – Salomon.

d. Đồng thời với các tác phẩm trên, trong vùng phía nam Palestina, người ta thu tập truyền thống việc chiếm đất và những chất liệu cho quyển sách Giôsua.

Tầng lớp cổ nhất của quyển Cựu Ước

Các bài tường trình được xem là cổ nhất, hay đúng hơn là những dòng chữ đầu tiên của quyển Cựu Ước là đoạn nào? Ngày nay người ta nhất trí là các đoạn:

a. Tầng lớp văn chương cổ nhất trong sách Cựu Ước là quyển sách nói về việc Kế ngôi (Thronfolgebuch) như sau: 1 Sm 4-20; 2 Sm 1-7; 9-20 và 1 V 1-2

Đó là đoạn trình thuật lịch sử các vua Saulê, Đavit và Salomon; trọng tâm nằm ở lời tiên tri của ngôn sứ Nathan ( 2 Sm 7).

b. Cùng thời với tác phẩm viết về các vị vua tại Giêrusalem, người ta cũng tổng hợp các truyền thống Jahviste và Elohiste, tìm cách giải thích ý nghĩa tôn giáo từ Abraham đến Môisen, được xem như tiền truyện của lịch sử các vua. Các truyền thống không còn giữ tính độc lập, nhưng được tổng hợp vào quyển Ngũ Thư (Pentateuchos). Trong khi truyền thống Elohim nói về lịch sử các vị Tổ phụ như Abraham, Isaak và Giacóp, thì truyền thống Jahvist lại tìm hiểu ý nghĩa của thời nguyên thủy, thời gian trước cả Abraham, đặt vị trí Israel trong chiều kích của lịch sử nhân loại.

c. Vào khoảng năm 900 tcn, người ta lượm lặt các tài liệu nói về lịch sử chiếm đất, họp thành hai quyển Giôsua và sách Thủ Lãnh. Chúng ta xác định việc hình thành hai quyển sách này tại miền nam, lý do là việc chiếm các thành ở miền nam được tường trình rất rõ, trong khi không nói gì tới việc chiếm miền bắc. Các truyền khẩu này được tổng hợp cách nổi bật nhất trong việc lưu truyền ngày Đại hội tại Sichem (Gs 24).

Nguồn http://catechesis.net

http://www.bangiaoly.org/tri-thuc/thanh-kinh/lich-su-hinh-thanh-quyen-thanh-kinh--tt-/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét