LỜI CHÚA TRONG GIÁO LÝ
Đức Thánh Cha Benedicto, trong tông huấn Lời Chúa số 74, đề cập tới chiều kích Kinh Thánh của việc dạy giáo lý như sau: “Cuộc gặp gỡ của các môn đệ với Đức Giêsu trên đường Emmaus được tác giả Tin Mừng Luca mô tả (x. Lc 24,13-35), theo một nghĩa nào đó, biểu thị khuôn mẫu của việc dạy giáo lý tập trung vào việc ‘giải thích Kinh Thánh’ mà chỉ duy Chúa Kitô mới có thể ban cho (x. Lc 24,27-28), khi chỉ cho thấy Kinh Thánh được hoàn tất nơi bản thân Người… Trong quyển “Hướng dẫn Tổng quát về việc Dạy Giáo Lý”, chúng ta gặp được những hướng dẫn quý báu để Kinh Thánh là linh hồn của việc giảng dạy giáo lý, nên tôi sẵn lòng khuyến khích tham khảo bản văn này. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đặc biệt rằng khoa giáo lý ‘phải thấm nhuần và nắm vững tư tưởng, tinh thần và các thái độ Kinh Thánh và Tin Mừng nhờ việc chuyên cần tiếp xúc với chính các bản văn; điều này cũng muốn nhắc nhớ rằng khoa giáo lý sẽ càng phong phú và hiệu quả hơn, nếu như đọc các bản văn với khối óc và con tim của Giáo Hội’ và được gợi hứng từ suy tư và đời sống suốt hai ngàn năm qua của Giáo Hội. Như vậy, chúng ta phải khuyến khích một sự hiểu biết về các nhân vật Kinh Thánh, những biến cố và những diễn ngữ căn bản của bản văn thánh; muốn như vậy, cũng có thể là bổ ích nếu hiểu biết và học thuộc lòng một vài đoạn Kinh Thánh – đặc biệt những đoạn nói về các mầu nhiệm Kitô giáo.”
Thiết tưởng, những điều Đức Thánh Cha viết trên đây, đủ cho ta thấy được vị trí trung tâm cũng như tầm quan trọng của Lời Chúa trong giáo lý. Vấn đề còn lại là giải thích hay trình bày Lời Chúa thế nào để buổi giáo lý trở thành buổi gặp gỡ và hiệp thông với Chúa cũng như với nhau; đó cũng chính là mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý. Muốn được như thế, thay vì đọc và giải thích Lời Chúa với mục đích tìm một lẽ khôn ngoan để sống tức nhấn mạnh đến khía cạnh luân lý, bạn hãy có trong đầu ý nghĩ giúp các em tìm gặp Chúa Giêsu, giới thiệu để các em chiêm ngắm và yêu mến Chúa; nhờ đó, các em cố gắng nên giống và bước theo Ngài. Cụ thể, bạn hãy khởi đi từ một kinh nghiệm sống của các em nhằm chuẩn bị mảnh đất tâm hồn các em đón nhận Lời Chúa, giúp các em tiếp cận với bản văn Kinh Thánh theo hai hướng: một là tập chú vào những lời Chúa nói và những việc Chúa làm, khơi lên ý nghĩ và ước muốn của Ngài; hai là tập chú vào các nhân vật khác trong câu chuyện Tin Mừng, xem họ nghĩ gì và làm gì để đáp lại lời mời gọi của Chúa. Từ đó, đặt các em vào hoàn cảnh của các nhân vật để giúp các em đáp trả lại Lời Chúa trong thinh lặng nội tâm và giãi bày ra trong phần cầu nguyện giữa giờ, sinh hoạt giáo lý và chọn lựa một quyết tâm.
Với những bản văn giáo huấn, ta lưu ý đến những những chuyển động trong bản văn trên nhiều bình diện khác nhau như ý nghĩa, tâm tình, thái độ và tương quan để có thể giúp các em khám phá ra thông điệp hay lời mời gọi của Chúa mà đáp trả với tất cả tự do và lòng yêu mến.
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét