VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 15 TN NĂM B
Mc
6,7-13
TIN
MỪNG
Đức
Giê-su sai Nhóm Mười Hai đi giảng (Mt 10: 5-15; Lc 9:1-6)
7 Người
gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các
ông quyền trừ quỷ.8 Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ
trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng;9 được
đi dép, nhưng không được mặc hai áo.10 Người bảo các ông: "Bất cứ ở đâu,
khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi.11 Còn nơi nào
người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi
chân để tỏ ý phản đối họ."12 Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn
sám hối.13 Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa
họ khỏi bệnh.
7 He summoned
the Twelve and began to send them out two by two and gave them authority over
unclean spirits.
8 7 He
instructed them to take nothing for the journey but a walking stick--no food,
no sack, no money in their belts.
9 They
were, however, to wear sandals but not a second tunic.
10 He
said to them, "Wherever you enter a house, stay there until you leave from
there.
11
Whatever place does not welcome you or listen to you, leave there and shake the
dust off your feet in testimony against them."
12 So
they went off and preached repentance.
13 They drove out many demons, and they anointed
with oil many who were sick and cured them.
I. HÌNH TÔ MÀU
* Chủ
đề của hình này là gì?
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
* Bạn hãy viết câu Tin Mừng
Mc 6,7
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
II. TRẮC NGHIỆM
01. Đức Giêsu sai những ai đi rao
giảng? (Mc 6,7)
a. Những
môn đệ.
b. Nhóm
Mười Hai.
c. Ông
Phêrô, Giacôbê và Gioan.
d. Ông Phaolô.
02. Khi sai các ông đi rao giảng,
Đức Giêsu ban cho các ông quyền gì? (Mc 6,7)
a. Nói
các tiếng lạ.
b. Trừ
quỷ.
c. Làm
cho người chết sống lại.
d. Dẹp
tan bão tố.
03. Đức Giêsu chỉ thị cho các ông
không được mang theo những thứ này đi đường: (Mc 6, 8)
a. Bao
bị.
b. Lương
thực.
c. Tiền
đồng.
d. Cả
a, b và c đúng.
04. Các ông chỉ được mang theo
những thứ này: (Mc 6,8-9)
a. Mặc
2 áo.
b. Cây
gậy.
c. Đi dép.
d. Chỉ
b và c đúng.
05. Các ông rao giảng, kêu gọi
người ta điều gì? (Mc 6,12)
a. Ăn
năn sám hối và tin vào Tin Mừng.
b. Hãy
lãnh nhận phép rửa.
c. Hãy
tin vào Đức Giêsu và lời của Người.
d. Ăn
năn sám hối.
III. Ô CHỮ
Những gợi ý
01. Ai đã ban cho các ông quyền
trừ quỷ? (Mc 6,7)
02. Các ông rao giảng, kêu gọi
người ta điều gì? (Mc 6,12)
03. Đức Giêsu sai nhóm nào đi rao
giảng? (Mc 6,7)
04. Đức Giêsu chỉ thị cho các ông
không được mang theo những thứ này đi đường? (Mc 6,8)
05. Các ông chỉ được mang theo
những thứ này: (Mc 6,8-9)
Hàng dọc: Chủ đề của ô chữ này là gì?
IV. CÂU
THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG
“Các ông rao giảng
kêu gọi
người ta ăn năn sám hối”.
Tin Mừng thánh Máccô 6,12
VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 15 TN NĂM B
Tin
Mừng thánh Máccô 6,7-13
I. HÌNH TÔ MÀU
* Chủ
đề :
Sai đi
* Câu Tin Mừng thánh Máccô 6,7
Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một.
II. Lời giải đáp TRẮC NGHIỆM
01. b. Nhóm Mười Hai (Mc 6,7)
02. b. Trừ quỷ (Mc 6,7)
03. d. Cả a, b và c đúng (Mc 6,8)
04. d. Chỉ b và c đúng (Mc 6,8-9)
05. d. Ăn năn sám hối (Mc 6,12)
III. Lời giải đáp Ô CHỮ
01. Đức Giêsu (Mc 6,7)
02. Ăn năn sám hối (Mc 6,12)
03. Mười Hai (Mc 6,7)
04. Tiền đồng (Mc 6,8)
05. Đi dép (Mc 6,8-9)
Hàng dọc: Sai Đi
GB.
NGUYỄN THÁI HÙNG
Hành trang người môn đệ
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Ai đi xa cũng phải chuẩn
bị hành trang. Chuyến đi càng xa thì hành trang càng nhiều. Chuyến đi càng quan
trọng thì hành trang càng phải chọn lựa, tính toán. Hôm nay Đức Giêsu sai các
môn đệ đi một chuyến quan trọng: tiếp nối sứ mạng của Người đem Tin Mừng đến
khắp các làng mạc xa xôi. Để chuẩn bị cho chuyến đi quan trọng này, Đức Giêsu
đã giúp các môn đệ sắp xếp hành trang. Sau khi đã loại bỏ những loại hành trang
cồng kềnh không cần thiết, có hại cho nhiệm vụ, Đức Giêsu đã trao cho các môn
đệ những hành trang thực sự cần thiết và hữu ích cho sứ vụ Tông đồ.
Hành trang của người
môn đệ là sự gắn bó mật thiết với Đức Giêsu. Các môn đệ chỉ được sai đi sau
khi đã có một thời gian sống bên cạnh Người. Thời gian sống bên Đức Giêsu cần
thiết để các môn đệ hiểu biết, cảm thông và nhất là yêu mến, gắn bó mật thiết
với Người. Đây chính là hành trang quan trọng nhất. Người được sai đi phải gắn
bó mật thiết với Đấng đã sai mình. Sự gắn bó mật thiết là nguồn mạch, bảo đảm
tính trung thực, là chìa khoá thành công của sứ vụ. Đức Giêsu đã nêu gương về
điểm này khi luôn gắn bó mật thiết với Đức Chúa Cha, Đấng đã sai Người. Sự gắn
bó ấy giúp Người hoàn toàn kết hiệp với Đức Chúa Cha, trở nên một lòng một ý
với Đức Chúa Cha, luôn cầu nguyện, luôn từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa Cha.
Chính vì thế, sứ vụ của Người đã thành công tốt đẹp.
Hành trang của người
môn đệ là tâm hồn đơn sơ phó thác. Khi chỉ thị cho các môn đệ:
“không được mang gì khi đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực,
bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo”, Đức Giêsu
muốn các ông sống trong cảnh nghèo khó để hoàn toàn tin tưởng phó thác vào
Chúa. Tiền của, tiện nghi vật chất dễ tạo ra một thứ an tâm giả tạo, dẫn con
người đến chỗ tự mãn, tự kiêu, tự phụ cho rằng mọi thành công là nhờ tài sức riêng
mình. Vì thế, dễ tha hoá, làm theo ý mình hơn là làm theo ý Chúa, sắp đặt
chương trình cho Chúa hơn là tìm thực hiện chương trình của Chúa. Nghèo khó sẽ
giúp người môn đệ ý thức sự nghèo nàn thiếu thốn, sự yếu ớt của mình, ý thức đó
sẽ giúp người môn đệ biết khiêm nhường, tin tưởng phó thác cho Chúa. Tôi chỉ là
hư vô, là cát bụi. Mọi thành công đều của Chúa, nhờ Chúa. Những thành công do
tài sức con người sẽ mau tàn. Chỉ có công trình của Chúa mới bền vững. Vì thế
đơn sơ phó thác là một hành trang rất cần thiết cho người môn đệ. Không mang
theo gì của loài người, chỉ mang theo niềm tin yêu phó thác vào Thiên Chúa, đó
chính là mang theo tất cả.
Hành trang của người
môn đệ là tình liên đới. Đức Giêsu không sai các môn đệ đi riêng lẻ, nhưng sai từng hai người một.
Người biết khả năng con người yếu kém, cần có tập thể nâng đỡ mới hoàn thành sứ
mạng. Lời chứng của một cá nhân chưa đủ sức thuyết phục. Cần có sự đồng tâm
nhất trí của một tập thể lời chứng mới thực sự đáng tin. Hơn nữa, Đức Giêsu
không sai các môn đệ đi làm việc với giấy tờ hay đất đai, nhưng sai các ngài
đến với con người. Các ngài phải sống giữa mọi người, nhờ mọi người giúp đỡ,
chia sẻ cuộc sống với họ. Phải liên đới với con người. Tình liên đới không
những cần thiết để giúp các ngài làm việc tông đồ một cách hữu hiệu. Chính qua
tình liên đới mà Tin Mừng dễ dàng được đón nhận.
Hành trang của người
môn đệ là trái tim biết cảm thương. Đức Giêsu sai các môn đệ đến với những người đau yếu bệnh tật, hoang đàng
tội lỗi, bị quỷ ma hành hạ. Tức là đến với những người kém may mắn ở đời. Những
người nghèo hèn yếu đuối. Những người bị xã hội bỏ quên. Để đến với những người
anh em bé nhỏ, người môn đệ phải có trái tim biết cảm thương. Các ngài phải
mang trái tim của Thiên Chúa luôn chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông bơ
vơ tất tưởi, túng thiếu, đói khát. Phải sẵn sàng băng rừng vượt suối đi tìm một
con chiên lạc. Phải mở rộng vòng tay đón nhận đứa con hoang đàng trở về. Phải
sẵn sàng tha thứ cho kẻ tội lỗi thật lòng hối cải ăn năn.
Mỗi người chúng ta
đều là môn đệ của Chúa. Khi chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội và Thêm sức, Chúa
sai chúng ta đi rao giảng Tin Mừng của Người. Tôi thấy anh chị em ở Giáo xứ Cửa
Nam rất tích cực trong việc tông đồ. Nhưng có lẽ anh chị em vẫn băn khoăn, không
biết làm sao để việc tông đồ có kết quả tốt đẹp. Hôm nay, Đức Giêsu cho ta
biết, muốn việc tông đồ có kết quả, ta phải gắn bó mật thiết với Chúa, phó thác
mọi sự cho Chúa, đồng thời phải có tình liên đới và nhất là phải biết cảm
thương anh chị em đồng loại. Một tay nắm lấy tay Chúa, một tay nắm lấy tay anh
em. Một tình yêu anh chị em trong tình yêu mến Chúa. Liên kết mọi người trong
tình yêu mến. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ của ta sẽ đi đúng đường
hướng của Chúa. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ sẽ có kết quả tốt đẹp.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Chúa sai bạn đi
làm tông đồ cho Chúa, bạn có cảm thấy điều đó không?
2- Mỗi khi đi làm
việc tông đồ, bạn thường chuẩn bị những loại hành trang nào, những hành trang
của bạn quan tâm có giống những hành trang Chúa chuẩn bị cho các môn đệ không?
3- Theo bạn, đâu là
phương thế hữu hiệu nhất làm cho những người chung quanh nhận biết Chúa?
4- Đâu là những hành
trang cần thiết của người môn đệ của Chúa?
Những lời căn dặn cho việc thi hành sứ vụ
(Suy niệm của Camille Gagnon)
Hôm nay, xin anh chị
em cho phép tôi giảng một bài hơi nhẹ nhàng một chút, một bài giảng cho kỳ nghỉ
hè. Tôi muốn nói về gia đình Tremblay tuần rồi đã đi cắm trại lần đầu tiên ra
sao.
Điều khiến tôi nói về
gia đình này, là Tin Mừng bảo rằng “Lần đầu tiên” Chúa Giêsu sai các môn đệ,
từng hai người một, đi rao giảng, và để giúp họ, Ngài dặn dò họ ngay trước lúc
lên đường. Tôi không biết các môn đệ có hiểu rõ và nghe theo những lời dặn dò
này không, nhưng tôi biết rằng gia đình Tremblay đã không hiểu và không tuân
theo, và họ là làm hỏng kinh nghiệm cắm trại của mình. Và khi nói về kinh
nghiệm cắm trại của gia đình Tremblay, tôi sẽ nói một chút về các bạn và tôi.
“Đừng mang theo hành
lý cồng kềnh”.
Lời căn dặn đầu tiên
của Chúa Giêsu thật rõ ràng: “Đừng mang theo hành lý cồng kềnh”. Vì ông
Tremblay không biết điều gì sẽ xảy ra nên ông đã chuẩn bị mọi sự: Hai túi ngủ
cho mỗi người, những cây cọc để cắm lều, những chiếc ấm lớn nhỏ, thùng dụng cụ,
v.v… Đối với ông Tremblay thà chen chúc nhau trong lều còn hơn là thiếu bất cứ
món gì. Cuối cùng ông hầu như đã dọn hết đồ đạc trong nhà đi và đã phải bận rộn
chuẩn bị đồ đạc cả tuần.
Một người quen cắm
trại, sẽ khôn ngoan hơn. Ít nhất họ biết phải tránh mang theo những hành lý vô
ích. Họ đã hiểu ý nghĩa thật của lời Chúa Giêsu căn dặn. Khi nhìn ông Tremblay
họ thấy được yếu điểm của ông. Trước một công việc đòi hỏi phải dẹp đi mọi nhu
cầu không cần thiết ông lại sợ phải bỏ đi những thói quen và những bảo đảm cho
cuộc sống của mình. Thật ra ông Tremblay nghi ngờ rằng việc cắm trại sẽ không
lấp đầy được cả một tuần lễ nghỉ ngơi, và ông nghĩ sẽ buồn chán khi thiếu tiện
nghi. Thế là, bị kẹt trong đống đồ đạc lỉnh kỉnh của mình, ông không còn thảnh
thơi để có được những ngày nghỉ ngơi thực sự nữa.
“Đừng đi lăng xăng
khắp nơi!”.
Lời căn dặn thứ hai
là đừng đi lăng xăng khắp nơi. Nhưng cả ở điểm này nữa, bà Tremblay đã không
thành công. Tuy nhiên, bà đã có ý tốt. Đối với bà, trong tuần cắm trại đó sẽ có
dịp gặp gỡ nhiều người và bà cũng nghe nói rằng khi đi cắm trại người ta rất tử
tế và dễ làm quen. Vậy nên bà không ngồi đấy mà chờ đợi: Bà vội vã đi bước
trước, mỗi ngày bà đi thăm hết mọi người, những chẳng tiếp xúc với ai lâu. Cuối
tuần, bà đã “quen biết” nhiều người, nhưng lại có ít bạn bè. Tuy nhiên, Chúa Giêsu
đã nói: “Khi các con được đón tiếp vào nhà nào thì ở lại đó cho đến lúc ra
đi!”. Điều này có vẻ ngộ nghĩnh. Hiển nhiên là phải ở nơi nào đó trước khi ra
đi. Nhưng, suy nghĩ một chút, ta thấy rằng ta có thể ở nơi nào đó mà không hiện
diện, không bao giờ ở với ai cả. Điều này cũng có nghĩa là chỉ có một cách để
tạo nên những mối liên hệ thực sự với kẻ khác: Đó là dừng lại, đừng bỏ đi ngay
khi vừa gặp sự khó chịu nào đó và đừng sợ làm quen. Chúa Giêsu bảo: Với thái độ
ấy làm sao các con có thể loan báo Thầy. Nói về Thầy thế nào nếu không tạo được
những cuộc gặp gỡ thực sự? Nếu các con chỉ chạy vội hết nơi này đến nơi khác?
Cuối cùng đừng luyến
tiếc gì cả.
Bọn trẻ nhà Tremblay
trở về rất thất vọng. Chúng cứ tưởng sẽ gặp được nhiều bạn trẻ cùng lứa tuổi
với chúng; dụng cụ thể thao cũ rích; huấn luyện viên về bơi lội bị ốm hai ngày,
hai ngày đẹp trời nhất, v.v… Chúng đã mong một cái gì mới mẻ, nhưng bây giờ
chúng chán cắm trại lắm rồi. Từ nay chúng đã biết cắm trại chẳng thích thú gì
cả. Từ lúc về nhà chúng cứ luyến tiếc mãi những ngày đi chơi thất bại.
Điều Chúa Giêsu căn
dặn cuối cùng là: “Nghe đây! Nếu các con đã thất bại ở nơi nào đó, thì hãy bỏ
đi và để lại tất cả đàng sau mình, nhất là đừng luyến tiếc gì cả. Vì chúng sẽ
chỉ ngăn cản các con bắt đầu lại công việc cách tốt hơn mà thôi”.
Tóm lại sứ vụ của các
môn đệ, cuộc đời của chúng ta, và cuộc cắm trại của gia đình Tremblay lại chẳng
cần những lời căn dặn này sao: “Hãy siêu thoát đối với bản thân; hãy dừng lại
để thiết lập những mối liên hệ thực sự; và hãy quên đi những luyến tiếc để bắt
đầu lại cách tốt hơn”.
Gỡ bỏ hành
trang
Gm.
Arthur Tone
Ulysses Grant là tổng tư lệnh liên quân trong
trận nội chiến, và sau này là Tổng thống Hoa Kỳ trong hai nhiệm kỳ. Ông
K.B.Washburn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, làm chứng về lối sống đơn giản của ông
Grant như sau:
“Khi ông Grant rời tổng hành dinh, mở một
chiến dịch quyết định, ông không đem theo hành trang như thói quen các binh sĩ.
Tất cả lệ thuộc vào phản ứng mau lẹ, điều quan trọng là ông không bị cản trở
bởi hành trang. Ông không đem theo tùy viên, không ngựa hay tôi tớ, không đem
theo áo khoác và ngay cả một chiếc sơ mi. Trọn hành trang của ông trong 6 ngày
–tôi có mặt lúc đó- là chiếc bàn chải đánh răng. Ông ăn uống như một người lính
trơn, ngủ giữa màn trời chiếu đất”.
Tướng Grant đi tay không. Đức Giêsu và các
Tông đồ cũng vậy. Chúng ta vừa đọc, Đức Giêsu đã sai phái những người lãnh đạo
của Ngài ra sao. Người nói với họ: “Không đem theo đồ ăn, không giỏ xách, không
tiền và không áo ngoài nữa”.
Chúng ta phải làm gì? Bạn và tôi được gọi làm
tông đồ để loan truyền sứ điệp của Đức Kitô bằng lời nói và việc làm. Chúng ta
có thể làm việc khá hơn nếu chúng ta không bị đè nặng với những đồ đạc không
cần thiết. Nó có thể làm mất thời giờ, mất sự chú ý và mất cả tiền bạc nữa. Một
số đồ dùng có thể cho chúng ta tiện nghi, dễ chịu giúp chúng ta làm việc nhanh
và hiệu nghiệm hơn. Tuy nhiên có nhiều cái không cần thiết làm mất thời giờ,
giảm thiểu cố gắng của tinh thần và lý trí.
Phải chăng tôi đề nghị chúng ta bắt chước Mahatma
Gandi, hoặc thánh Phanxicô Essisiô và sống như người hành khất nghèo hèn nhất
sao? Không phải thế, nhưng tinh thần của Đức Kitô là chúng ta được tự do khỏi
những sự dư thừa không cần thiết, một đống dư thừa đè nặng chúng ta cả thể xác
lẫn tinh thần.
Tôi đề nghị chúng ta đừng bắt chước cô nữ
sinh trung học có 26 chiếc áo lót mà hầu hết cô không bao giờ mặc tới hay như
một bà Đại sứ bên Anh có hàng ngàn đôi giầy hoặc như một ai đã gây ra nỗi 65 %
đồ ăn đặt tại khách sạn phải bỏ đi.
Dĩ nhiên, làm việc không có dụng cụ sẽ bị hạn
chế. Bác thợ mộc cần cưa, ông bác sĩ cần một phòng làm việc mắc tiền. Bà nội
trợ cần dụng cụ trong bếp, ông luật sư cần 1 giá sách luật. Nhưng tất cả chúng
ta, kẻ nhiều người ít, có thể tìm ra cái không cần, những cái làm cho chúng ta
mất tự do suy nghĩ, nói năng và hành động.
Mới đây, có vài người lối xóm phải chuyển đến
một thành phố khác, họ tốn công gấp 5 lần để thu góp, phân loại, đóng kiện và
chuyên chở những cái không quan trọng –mà có người gọi là đồ “ve chai lông
vịt”- sánh với những cái chính yếu. Chúng ta thường thấy như thế.
Chúng ta đang trên hành trình về quê trời.
Bớt hành trang chúng ta càng có thể tập trung vào điểm chính yếu, càng có thời
giờ cho vấn đề thiêng liêng. Đi tay không như Chúa Giêsu và như những người theo
Chúa lúc ban đầu.
Xin Chúa chúc lành bạn.
Chúa sai
các tông đồ đi từng hai
Noel
Quesson
Gandhi là vị cứu tinh của Ấn Độ, ông rất cảm
phục Đức Kitô. Ông đọc Tin Mừng hằng ngày và lấy “bài giảng trên núi” của Chúa
làm phương châm hành động. Một hôm, muốn tìm hiểu cụ thể hơn về Giáo Hội, ông
đi tới một nhà thờ Công Giáo. Vừa tới cửa nhà thờ, một người chực việc tiến lại
bảo ông: “Nếu những người Công Giáo sống đúng theo Tin Mừng Đức Kitô thì dân
tộc của tôi bớt khổ”. Ông Gandhi
mới có ý nghĩ đó. Nhiều người chúng ta cũng lấy làm tiếc vì không được chính
Chúa Giêsu đích thân điều hành sinh hoạt Giáo Hội. Và thấy rằng trong các cộng
đoàn nhỏ, có nhiều người ở cấp điều hành đã làm người ta hiểu sai về Tin Mừng ở
Đức Kitô. Nhưng biết làm sao được? Khi Chúa Giêsu nhập thể làm người, Chúa phải
chịu chi phối do không gian và thời gian. Muốn thiết lập một Giáo Hội trường
tồn trong lịch sử, Chúa phải trao Giáo Hội Chúa vào tay con người trần thế.
Ngay từ khi bắt đầu cuộc sống công khai, Chúa đã huấn luyện các môn đệ để các
ông tiếp tục sứ mệnh của Chúa. Cũng vậy, hôm nay đây, Chúa trao sứ mệnh tiếp
tục công việc Chúa làm nơi trần gian cho mỗi người chúng ta. Mọi Thánh Lễ chúng
ta tham dự, đều kết thúc bằng lệnh truyền sai đi: Thánh lễ đã xong, chúc anh
chị em ra đi bình an.
Theo lệnh Chúa, các Tông đồ ra đi, làm những
việc Chúa đã làm: xức dầu cho bệnh nhân, chữa họ lành, rao giảng Tin Mừng, thúc
giục người ta cải thiện đời sống. Nhân danh Chúa, các ông làm được nhiều việc
lạ, đã trừ quỉ.
Chúa sai các ông đi từng hai người, như vậy,
Chúa đã thiết lập những cộng đoàn nhỏ. Các ông là những chứng nhân, và chứng
nhân càng nhiều thì càng có giá trị. Một cộng đoàn, bao giờ cũng có lợi hơn là
một người đơn độc. Trong cộng đoàn người ta nhắc nhở nhau, nâng đỡ nhau sống
trung thành với luật Chúa, nhất là việc làm chứng tình thương của Chúa ngay
trong cộng đoàn. Chúa đòi hỏi các Tông đồ phải nhất thiết trở nên mẫu mực về
tình bác ái huynh đệ. Và làm sao thực thi bác ái được, nếu mỗi người chỉ sống
một mình. Dân chúng thời các tông đồ đã nhận ra dấu chứng này nơi cộng đoàn tín
hữu đầu tiên: “Coi kìa, họ yêu thương nhau biết bao!”. Và đó cũng là định hướng
của chính Đức Kitô: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy,
là thấy các con yêu thương nhau”. Cuộc sống yêu thương trong cộng đoàn vừa là
dấu hiệu của người môn đệ Chúa, vừa là lời rao giảng sống động, hùng hồn nhất
về Tin Mừng của Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết dùng cuộc
sống yêu thương để làm chứng cho Tin Mừng ngay trong cộng đoàn và trong môi
trường sống của chúng con.
Chú giải
mục vụ của Jacques Hervieux
SAI NHÓM MƯỜI HAI ĐI RAO GIẢNG (6,7-13)
Mãi đến lúc này Maccô mới kể cho chúng ta
biết thoạt đầu Chúa Giêsu gọi vài môn đệ theo Ngài (1,16-20), sau đó Chúa Giêsu
thiết lập nhóm Mười Hai để họ “ở với Ngài” và chia sẻ sứ vụ của Ngài (3,13-19).
Và giờ đây Ngài mới sai họ đi rao giảng (c. 7). Nhóm Mười Hai sẽ xứng đáng với
tước hiệu “tông đồ”, nghĩa là “được sai đi” thi hành sứ vụ (6,30) mà sau này họ
sẽ lãnh nhận. Trong chương ngắn gọn này, xem ra Maccô đã sử dụng cuốn tiểu cẩm
nang của một thừa sai hoàn hảo. Lối hành văn vấp váp không mạch lạc cho thấy rõ
Maccô đã sử dụng lại một truyền thống có trước ông.
Khởi đầu Chúa Giêsu sai các môn đệ đi từng
nhóm “hai người một” (c. 76). Đây không hiểu có phải là một tập tục Do Thái
không? Theo luật Môsê, cần hai nhân chứng mới xác nhận được một lời khai (Đnl
19,15). Tuy nhiên con số hai cũng là biểu tượng của cộng đoàn, nghĩa là các
thừa sai không làm việc đơn lẻ mà làm việc theo từng nhóm. Các Kitô hữu sơ khai
đã lặp lại y hệt lối thực hành này của Chúa Giêsu. Trong công vụ sứ đồ, các
thừa sai luôn luôn đồng hành từng cặp với nhau: Phêrô và Gioan (Cv 3,1; 4,13);
Phalô và Barnabê (Cv 13,2); Giuđa và Sila (Cv 15,22b)… Chúa Giêsu cũng ban cho
các thừa sai này một phần quyền năng của Ngài, đó là quyền trừ quỷ, như là một
trong dấu chỉ xác thực rằng Vương Quốc Thiên Chúa đã được khánh thành.
Điều đáng nhớ trước hết: các lệnh Chúa Giêsu
truyền cho các thừa sai (c. 8-9) lại là các lệnh truyền dành riêng cho khách bộ
hành. Tuy nhiên, các huấn luyện ấy đặc biệt nhấn mạnh đến đức tính khó nghèo mà
các thừa sai phải chứng tỏ cho mọi người thấy. Ngay cả những gì thiết yếu (như
bánh mì, tiền túi) thì cũng sẽ chỉ được nhận lãnh như những quà tặng của những
người được họ ghé thăm. Phong thái họ cực kỳ đơn giản giống như những lữ khách
lòng không hề vướng bận (không túi xách đi đường, không áo dài để thay đổi).
Ngược với Matthêu và Luca, để bước đi cho dễ, Maccô cho rằng gậy và dép là cần
thiết. Vào thời đó, hầu như người ta thường đi chân không. Tuy nhiên để đi
nhưng chặng đường dài, xem ra cần phải có gậy và dép. Có lẽ ở đây Maccô muốn
trình bày các trợ tá của Chúa Giêsu như những “khách hành hương” luôn luôn sẵn
sàng lên đường, như những kẻ được mô tả trong nghi thức lễ vượt qua: “Nịt thắt
ngang hông, giầy dép xỏ vào chân, tay cầm sẵn gậy” (Xh 12,11).
Các lời khuyên liên quan đến việc tiếp đãi
còn đáng ngạc nhiên hơn (c. 10-11). Là thừa sai đi rao truyền sứ điệp một cách
vô vị lợi, nên họ có quyền được những gia đình mà họ ghé tiếp đón họ một cách
vô vị lợi. Tuy nhiên Tin Mừng không mang tính áp đặt, mà chỉ có thể được đón
nhận trong tự do. Nếu thành phố hay làng mạc nào từ chối không đón nhận thì
người ta sẽ đi qua chỗ khác nhưng đồng thời vẫn tôn trọng sự từ chối đó. Ở đây
Maccô mô tả lại nghi thức xưa kia thường được dùng ở phương Đông: Phủi bụi khỏi
chân mình khi rời bỏ một nơi chốn thù nghịch để tỏ dấu tuyệt giao!
Giống như Chúa Giêsu (c. 12-13), nhóm Mười
Hai lên đường loan báo Nước Thiên Chúa đã đến và mời gọi mọi người hoán cải
(1,15). Giống như Ngài, họ cũng chứng thực lời nói của họ bằng việc ban phát
những dấu chỉ để giúp người ta tin họ. Việc xức dầu trên bệnh nhân chứng thực
đây là một thói quen đã có từ xa xưa. Người ta từng biết công dụng hữu ích của
việc xức dầu lên thân thể. Giáo Hội về sau đã nhận ra trong tập tục này mầm
giống một phép bí tích đó là bí tích Xức dầu bệnh nhân để chữa lành thể xác và
tâm linh của họ (x. Gc 5,14).
Đối với chúng ta ngày nay xem ra rất cổ kính
xét về mặt hình thức của nó bởi vì rõ ràng nó chịu ảnh hưởng sâu đậm của các
phong tục thời xưa. Tuy nhiên tận căn nó vẫn hiện thực. Tin Mừng phải luôn luôn
được cơ động mang đến khắp mọi nơi bằng những phương tiện nghèo khó. Được trao
ban vô vị lợi, Tin Mừng này mời gọi lương tâm tự do đón nhân. Đây là lời nói đi
kèm theo các dấu chứng sự chiến thắng của Chúa Kitô trên sự Dữ và Thần Chết. Đó
chính là sứ điệp trường cửu của trình thuật rất cổ kính này.
Chú giải
của Noel Quesson
Chúa gọi Nhóm Mười Hai lại, và sai đi từng
hai người một.
Một trong những việc làm đầu tiên của Đức
Giêsu, ngay từ bắt đầu cuộc sống công khai, là chọn những cộng tác viên (Mc
1,16). Sau khi đã dần dần bổ sung nhóm môn đệ (Mc 2,14), cuối cùng Đức Giêsu đã
chọn 12 vị. Con số tượng trưng ám chỉ ý định của Người muốn thành lập một dân
tộc Israel mới, dựa theo mười hai Tổ phụ hay mười hai Chi tộc. Trong phần đầu
của Tin Mừng, chúng ta thấy các Tông đồ đi theo Đức Giêsu và ở "với
Người" (Mc 3,14).
Hôm nay, có thể nói, Đức Giêsu sắp ẩn mình đi
và trao phó sứ vụ của Người trong tay các tông đồ. Lần đầu tiên các ông đi rao
giảng một mình, không có Đức Giêsu. Đó là thời kỳ Giáo Hội đang bắt đầu. Trước
tiên, chúng ta có thể cầu nguyện dựa trên thái độ này của Người: Thiên Chúa của
chúng ta, Người trao cho chúng ta những trách vụ quan trọng: Người không điều
khiển chúng ta như những con rối. Tôi có những trách nhiệm nào? Lạy Chúa, Chúa
chờ đợi gì nơi con?
Chúa sai họ đi.
Trong năm chương đầu của trình thuật, Maccô
đã nhấn mạnh cho chúng ta thấy "Đức Giêsu với các môn đệ", tạo thành
một nhóm duy nhất và hợp nhất đối lại với đám đông, với các đối thủ. Vào lúc
"kêu gọi" các ông (Mc 3,13-14), Maccô ghi nhận, Đức Giêsu đã
"thiết lập Nhóm Mười Hai" để ở với Người và để Người "sai họ
đi". Đó cũng chính là chuyển động của trái tim: Tâm trương… tâm thu... máu
vào tim rồi chuyển đến các cơ quan. Hoạt động tông đồ thông thường cũng như
thế: Sống kết hợp mật thiết với Chúa Kitô, mang Đức Kitô đến khắp nơi trên thế
giới. Đó cũng là hoạt động của đời sống Kitô hữu: Tập họp quanh Chúa vào mỗi
Chúa nhật, tản mác trong cuộc sống hằng ngày để nên nhân chứng sống động của
Chúa.
“Anh hãy đi! Anh em được sai đi"
"Ite, Missa est" chữ Messe (Thánh Lễ) có nghĩa là "sự sai
đi". Chính Chúa đã thiết lập nhịp sống đó. Tôi có sống như thế không? Tôi
có thường sống "với Chúa" trong suy niệm, trong nguyện cầu không? Tôi
có ý thức mình được Chúa "sai đi" vào đời sống thướng nhật để làm một
việc gì đó, có liên quan đến Chúa không?
Người sai đi từng hai người một.
Phải có hai người thì chứng tá mới có giá trị
(Ds 17,6; 19,5). Dân gian đã khôn ngoan đặt ra nhiều câu ngạn ngữ để nói về
điều này. "Hai người có giá trị hơn một, nếu họ ngã, người này đỡ người
kia dậy, nhưng khốn cho kẻ đi một mình" (Gv 4,9).
Quy tắc đầu tiên của việc tông đồ là tạo
thành nhóm. Nếp sống huynh đệ là một bài giảng về tình yêu, trước khi bàn tới.
"Các bạn hãy nhìn xem họ thương nhau biết bao!". Chứng tá Kitô hữu
phải nhắm đến một hình thức cộng đoàn trong Giáo Hội. Đó là ý muốn rõ ràng của
Đức Giêsu. Vậy tôi phải tự vấn về thái độ của tôi. Chủ nghĩa cá nhân có nhưng
hình thức tinh vi và đáng sợ: Chúng ta không thích những người anh em khác kiểm
tra thái độ sống của riêng mình. Tuy nhiên?
Người chỉ thị cho các ông không được mang gì
đi đường, trừ cây gậy; không được mang lương thực, mang bao bị, mang tiền giắt
lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.
Điều đáng lưu ý là chúng ta không thấy Đức
Giêsu dặn dò các Tông đồ về nội dung giáo thuyết, "Sứ vụ” của các ông. Chúa không bảo các ông
“phải giảng điều gì". Người chỉ nhắc nhở các ông những chi tiết "phải
sống". Đối với Đức Giêsu, chứng tá bằng cuộc sống quan trọng hơn chứng tá
bằng lời nói.
Thực tế lời khuyên duy nhất của Thầy liên
quan đến đòi hỏi sống nghèo khó. Những người đại diện Chúa phải tỏ ra mình
không cậy dựa vào sự giúp đỡ, vào uy tín nào của con người. Tất cả chỉ dựa vào
niềm tin nơi Đấng đã sai họ. Thánh Phaolô sẽ khai triển đòi hỏi này khi khẳng
định: "Vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời lên gương mặt Đức Kitô, nhưng
kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong bình đất, để chứng tỏ quyền năng phi
thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi" (2 Cr 4,6-7).
Thánh Phaolô cũng khoe về sự nghèo khó của mình: "Khi tôi đến với anh em,
tôi đã không dùng lời nói hùng hồn hoặc triết lý cao siêu... nhưng tôi thấy
mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy... có vậy đức tin của anh em mới không dựa vào
lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa" (l Cr
2,1-5).
Vâng, điều Đức Giêsu muốn, đó là những đoàn
ngũ phải nhẹ nhàng, không có những hành trang cồng kềnh, luôn sẵn sàng đi nơi
khác. Lữ khách, phải là người sẵn sàng. Có lẽ, Giáo Hội không ngừng tự
"làm nhẹ bớt" để sẵn sàng theo sự thúc đẩy của Thánh Thần.
Còn tôi? Tôi sống thế nào trước đòi hỏi nghèo
khó này? Đức Giêsu đã nói rõ với các bạn hữu của Người, chỉ mang theo những vật
hết sức cần thiết. Chiến thắng sự cám dỗ của tiền bạc là chiến thắng đầu tiên
của Tin Mừng, là bài giảng đầu tiên rất cần thiết cho một thế giới tham lam, là
trận chiến hàng đầu (nơi chính bản thân mình trước hết) chống lại một kẻ thù
lớn của nhân loại: Sự chiếm hữu của cải! Nguồn gốc của chia rẽ, tranh chấp và
kiêu ngạo!
Lạy Chúa, xin giúp chúng con đến gần lý tưởng
từ bỏ mà Chúa mong muốn.
Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe
lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.
Chúng ta ngạc nhiên vi tầm quan trọng của
thái độ khước từ “tiếp nhận" trong diễn từ của Đức Giêsu. Nhưng môn đệ của
Người có thành công lắm không? Hình như không được khá lắm. Người ta dễ dàng
đoán được những ý nghĩ: "Các ông muốn chúng tôi trở lại chăng? Nhưng hiện
nay chúng tôi rất tốt! Chúng tôi là những người Do Thái tốt theo truyền thống.
Tại sao phải thay đổi những thói quen của chúng tôi? Xin các ông hãy đi giảng
đạo nơi khác" Những khó khăn của Kitô hữu khi trình bày đức tin không phải
chỉ ngày nay mới có, Đức Giêsu nói với chúng ta hôm nay: "Các con chớ có
lo lắng. Đây là điều Thầy đã tiên liệu, Thầy đã báo trước cho các con".
"Chúng ta chớ nên ảo tưởng".
Ngày nay cũng như thời Đức Giêsu sứ điệp đích
thực của đức tin vẫn bị đa số khước từ, không đón nhận. Vì thế điều Đức Giêsu
yêu cầu chúng ta là: Luôn đứng vững đừng ngã lòng: "Nếu người ta không
tiếp nhận các con, các con hãy đi nơi khác". Chịu đựng thái độ không tin,
lãnh đạm, chối bỏ,... điều đó xem ra hết sức bình thường đối với Đức Giêsu. Sự
thật là khó khăn. Đức Giêsu đã báo trước điều đó cho những người được sai đi
rao giảng Tin Mừng.
Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn
sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ
khỏi bệnh.
Họ đã làm đúng những gì họ thấy Đức Giêsu làm
khi họ "ở với Người". Nội dung của nỗ lực "truyền giáo" gồm
3 giai đoạn:
1. Rao giảng lời Chúa, đòi hỏi một sự thay
đổi đời sống, một cuộc hoán cải.
2. Chiến đấu chống sự dữ, xua đuổi ma quỷ ra
khỏi con người để giải thoát họ.
3. Hoạt động giúp người nghèo, cải thiện đời
sống và chữa lành bệnh tật.
Hoán cải
Đó là nội dung thứ nhất của việc rao giảng:
Hãy thay đổi cách sống. Hãy hoán cải. Chúng ta hiểu vì sao các Tông đồ được ít
người nghe theo và bị từ chối . Thông thường, con người không thích "thay
đổi" cách sống: Hãy để cho chúng tôi yên! Thế mà, Thiên Chúa lại hay gây
phiền hà, Người yêu cầu chúng ta dấn thân vào một cuộc sống mới. Chữ Hy Lạp
"mitanoa" dịch ra là "hoán cải", có nghĩa là “đổi ngược tinh
thần". Vậy là phải đổi hướng: Chúng ta đã đi theo một hướng, bây giờ phải
quyết tâm đổi ngược lại. Đây không phải là điều dễ. Tin Mừng luôn mang tính ác
liệt. Chúng ta đã biến Tin Mừng trở nên loại gì? Một thứ học thuyết thiếu năng
động? Một thứ thuốc ngủ? Một thứ nâng đỡ cho trật tự hiện hành? "Các Ngài
đã kêu to" “ékèruxan" phải thay đổi cuộc sống "Metanoôsin".
Trừ quỷ
Chắc hẳn Maccô đã dùng những cách mô tả theo
tâm thức của những người đương thời, nhưng rõ ràng sứ vụ mang tính chất bi
kịch. Đó là một cuộc chiến! Một cuộc chiến chống lại quyền lực của sự dữ trên
thế giới. Những "nhà truyền giáo" những người được Chúa "sai
đi" không quảng cáo cho một sản phẩm để bán chạy. Các Ngài đã lên đường để
đương đầu với một đối thủ ghê gớm. Sự chống đối mà các Ngài gặp không chỉ đến
từ những người khước từ vì không hiểu. Có một lực lượng đối kháng. Một sự chống
lại Tin Mừng đến từ xa hơn: Đó là những điều chúng ta gọi là 'tội lỗi thế
gian’. Ngày nay, chúng ta có thể diễn tả thế nào về những thế lực xấu xa mà
chúng ta phải chống lại để xua đuổi chúng.
Chữa lành
Lôi kéo con người ra khỏi những thế lực xấu
làm cho họ hư mất, đó cũng là giúp họ thăng hoa phẩm giá một cách tích cực, là
chữa lành họ. Đây là một trong những đòi hỏi rõ ràng của Đức Giêsu. Mệnh lệnh
vẫn có giá trị, mặc dù trong bối cảnh văn minh hiện nay, nó mang một hình thức
cụ thể khác.
Rao giảng Tin Mừng.
Không phải chỉ là "giảng dạy" mà
đặc biệt còn là "giải thoát". Ngày nay rao giảng Tin Mừng phải có
những hình thức tân tiến và thích ứng thế nào để phù hợp với thời đại của chúng
ta? Chúng ta phải chiến đấu chống lại những sự dữ nào? Xã hội chúng ta cần sự
chữa lành nào?
Tin Mừng vẫn luôn mang tính thời sự, nhưng
chính chúng ta không còn nghe được lời kêu gọi hoán cải của Tin Mừng nữa.
Chú giải
của Fiches Dominicales
CHÚA KÊU GỌI VÀ SAI CÁC ÔNG ĐI TRUYỀN GIÁO
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1. Công việc truyền giáo của Nhóm Mười Hai.
Ngay từ những trang đầu Tin Mừng của mình,
Maccô đã muốn kể lại việc Chúa kêu gọi Simon và anh của ông là Anrê, cùng với
hai anh em Giacôbê và Gioan khi Người đang đi dọc theo Biển Hồ Galilê
(1,16-20); Người nói với các ông ấy: “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ
lưới người như lưới cá!” Maccô cũng cho ta thấy khi tới Capharnaum vào một ngày
Sabát, Đức Giêsu "cùng với các môn đệ đi vào thành” (1,21). Sau đó thánh
sử còn cho ta thấy Đức Giêsu "Lập Nhóm Mười Hai để các ông ở với Người và
để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ”(3,14-15). Con số Mười Hai
ám chỉ mười hai chi tộc Israel là dấu chỉ Chúa muốn khai sinh một dân Thiên
Chúa mới nơi bản thân các ông.
Giờ đây Maccô gợi nhớ lại buổi truyền giáo
ban đầu của Nhóm Mười Hai mà Ngài lại đặt vào trong một nghịch cảnh là sau
chuyến viếng thăm thất bại của Đức Giêsu khi trở về quê hương Nagiarét. Maccô
viết: "Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi”. Hai động từ
"Gọi, sai đi" diễn tả rõ rệt ơn gọi của các ông. Các ông sẽ là những
"Tông đồ" của Đức Giêsu, nghĩa là những người được Chúa "sai
đi”, như Tin Mừng thứ hai sẽ nói đến, khi các ông đi truyền giáo về (6,30).
Những lời tiếp theo là chỉ thị Đức Giêsu ban
bố cho các tông đồ trước khi lên đường truyền giáo. M. Quesnel ví những lời đó
như "một loại thủ bản, một cẩm nang cho một nhà truyền giáo hoàn hảo"
("Comment lire un évangile?", Seuil, trang 103).
- Đức Giêsu sai các ông đi: “Từng
hai người một".
J. Potin giải thích: đó là tập tục các kinh
sư. Vẫn thi hành đối với các môn sinh của họ. Hai người có chứng từ phù hợp
nhau chứng tỏ rằng họ cùng được sai đi từ một người. Thực vậy, sứ điệp họ mang
đi không phải là của riêng các ông, mà là của Đức Giêsu " (Jésus,
l'histoire vraie", Centurion, trang 266-267). Nhóm Mười Hai không được
“tính toán cho mình". Sứ mệnh của các ông bắt nguồn từ Đức Giêsu; đây là
công việc của nhóm, là hành đông mang tính cộng đoàn .
Và thực tế như vậy, trong Công vụ Tông đồ,
chúng ta sẽ thấy các nhà truyền giáo ấy thường lên đường với nhau "từng
hai người một”. Phêrô đi với Gioan (Cv 3,1; 4,13); Phaolô với Banabê (Cv 1
3,2); giuđa và Sila (Cv 15,22).
- Đức Giêsu ra chỉ thị cho các kẻ
Người gọi và sai đi như vậy phải có tinh thần khó nghèo và từ bỏ:
+ Khó nghèo xét về hành trang đi đường:
"Một cây gậy, một đôi dép" là những gì Người cho phép. Người cũng
không đồng ý cho mang hai áo”. Những kẻ được Chúa sai đi sẽ là những con người
thanh thoát, không cồng kềnh, mà rong ruổi như Người và luôn sẵn sàng lên đường
đi loan báo Tin Mừng.
+ Khó nghèo xét về những phương tiên sinh
sống: không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng”. Hành trình như vậy
đặt các người được sai đi tong tư thế tùy thuộc. Họ sẽ nhận lương thực và tiền
túi từ tay những ai sẽ tiếp rước họ.
Đức Giêsu không giấu giếm họ: con đường
truyền giáo là con đường gian khổ. Cũng như Người họ phải đón nhận rủi ro bị
chối từ hay xua đuổi Các ông phải đi theo Người đến độ phải bị chống đối, phải
hy sinh thân mình.
2. Một sứ mệnh nối tiếp sứ mệnh của Đức
Giêsu.
Sứ mệnh của Nhóm Mười Hai không phải là của
riêng các ông, đó chính là sứ mệnh của Đức Giêsu nối tiếp nơi bản thân các ông:
các ông rao giảng cùng một sứ điệp như Đức Giêsu là "Sám hối” (Anh em hãy
sám hối và tin vào Tin Mừng" Mc 1,14-15); các ông thực hiện cùng những dấu
chỉ như Đức Giêsu là "trừ quỷ"và nếu Maccô ghi nhận rằng nhờ việc
"xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh" thì hẳn là để
ám chỉ rằng các ông hành động nhờ quyền năng của một ai khác là Đức Giêsu vậy.
Là những người được kêu gọi và sai đi, Nhóm
Mười Hai không được giới thiệu ở đây như là những chuyên viên có ít nhiều
chuyên môn hay là những người chuyên trách rao giảng Tin Mừng. J. Delorme kết
luận: "Maccô mang lại cho sứ mệnh của nhóm Mười Hai một chiều kích rộng
lớn hơn cả không phủ nhận một sự thật là bất cứ tác vụ nào trong Hội Thánh đều
có thể tìm thấy nền tảng nơi sứ mệnh của Nhóm Mười Hai, trình thuật này của
thánh Maccô có thể nhắc cho mọi tín hữu nhớ rằng họ thuộc một Hội Thánh được sai
đến với mọi người và họ phải là nhân chứng của Đức Giêsu trước mặt người đời”.
BÀI ĐỌC THÊM
1. "Sứ mệnh của Nhóm Mười Hai, một cột
mốc quan trọng và mang nhiều ý nghĩa"
(J. Delorme, "Assemblées du
Seigneur" số 46, trang 49).
Không những mang giá trị lịch sử, bài trình
thuật về sử mệnh của Nhóm Mười Hai ở Galilê, trong Tin Mừng Maccô còn hoàn
thành một chức năng cao hơn. Trình thuật ấy ghi một cột mốc quan trọng, có ý
nghĩa, ở buổi ban đầu của Hội Thánh cũng như trong sự triển khai một công trình
vẫn được theo đuổi trong Hội Thánh và thế giới. Khi đọc trình thuật này Hội
Thánh được mời gọi nhận ra ơn gọi của mình. Ơn gọi này bao hàm một sứ mệnh
không cho phép Hội Thánh được tự kết cấu thành xã hội khép kín đối với chính
mình hoặc đối với bất kỳ mô hình văn hóa-xã hội nào. Trong trình thuật của
Maccô, khi sai Nhóm Mười Hai ra đi, không kèm theo một xác định rõ ràng nào về
địa điểm, nơi chốn phải tới để hạn định các ông (so sánh với Mt 10, 5-6 và Lc
9,6; 10,1). Mà theo sau đó là cả một bài tập nghề khó khăn đối với các môn đệ,
khiến Đức Giêsu phải gia tăng các phép lạ và những lời cảnh giác rút vào ngay
trong Do Thái giáo (7,8-13). Theo cái nhìn của Hội Thánh, Nhóm Mười Hai chính
là những bảo chứng cho phần vụ mà Hội Thánh phải gánh vác là giới thiệu Tin
Mừng cho tất cả mọi người.
2. "Được liên kết
với sứ mệnh của Chúa"
"Đức Giêsu cho con người liên kết với
công việc chính Người đang thực hiện. Người mở rộng công việc rao giảng, rời bỏ
làng mạc cùng gia đình, đi đến các làng chung quanh mà giảng dạy. Người gọi Nhóm
Mười Hai để ở bên Người rồi sai họ đi. Các ông sẽ phải lao vào cùng một cuộc
chiến như Chúa, nên Người ban cho các ông "quyền trừ quỷ”. Thế là các ông
ra đi từng hai người một, kêu gọi người ta ăn năn sám hối, trừ được nhiều quỷ,
chữa nhiều người đau ốm khỏi bệnh. Rồi đây cuộc đời của các Tông đồ sau khi
Chúa sống lại và ban Thánh Thần, sẽ như thế nào, thì lúc này đã được khởi sự
như một bước thí nghiệm vậy. Bởi đấy người môn đệ của Đức Giêsu chia sẻ sứ mệnh
của Người. Người môn đệ ấy loan báo và truyền đạt ơn cứu độ, ơn chữa lành ơn
giải thoát. Đức Giêsu làm cho người môn đệ ấy trở thành cộng tác viên của
Người. Người môn đệ mang cùng một tâm tư, có chung cùng hoạt động và những bận
tâm như Thầy mình. Từ nay, những "ưu tư ” của người môn đệ trở nên đơn giản
vì "Người chỉ thi cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây
gậy, không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng. Đi theo Đức Giêsu,
không phải là sống cách biệt với sứ mệnh. Nhưng là dấn thân đi đến gặp gỡ mọi
người với tinh thần đơn sơ, từ bỏ và tự do, để loan báo tin vui và mang đến cho
họ ơn cứu độ".
3. “Từ di sản đến cử chỉ
đề nghị"
("Thư gởi người Công giáo Pháp",
Cerf, trang 36-37).
Cái thời mà Hội Thánh thực Sự hoá thân với
đại bộ phận xã hội, dầu gặp phải nhiều chống đối và thách đố, công việc truyền
bá đức tin đều được tiến hành gần như tác động, nhờ vào những bộ phận chuyên lo
việc truyền bá này còn có mặt ở cả những cơ quan điều hành thông thường của xã
hội nửa. Do đó mà kiểm chứng được câu ngạn ngữ cho rằng người ta không sinh ra
làm người tín hữu, nhưng cử thành người tín hữu (có đạo theo kiểu cha truyền
con nối).
Dần dà với thời gian, chúng ta phải nhìn nhận
rằng hoàn cảnh xa xưa này có những điều bất tiện, bởi lẽ khi việc loan báo đức
tin ít nhiều bị thu gọn vào công việc thi hành những thủ tục gần như tự động để
truyền đạt, người ta khó mà nhận thấy được những lệch lạc có thể xảy ra. Có
những lệch lạc thực sự đã dẫn đến một thứ tục hóa đức tin chừng nào đạo Công
giáo nhắm trở thành một phận vụ của xã hội và Hội Thánh thì được coi như một
dịch vụ bình thường của xã hội.
Hoàn cảnh hiện nay lại có những khó khăn mới.
Thực vậy, việc truyền bá đức tin ngày nay đang bị thỏa hiệp, hoặc rất khó thực
hiện trong những khu vực rộng lớn của xã hội Pháp.
Điều có vẻ nghịch lý là hoàn cảnh này đòi
buộc chúng ta phải đón nhận chiều kích mới mẻ của đức tin và kinh nghiệm sống
đức tin ấy. Chúng ta không còn có thể chỉ hài lòng với một di sản đã thừa hưởng
dù nó có phong phú đến đâu. Mà phải mở lòng đón nhận ân huệ Chúa ban trong
những điều kiện mới mẻ và đồng thời tìm lại được cử chỉ ban đầu của việc phúc
âm hóa đó là thái độ đề nghị đơn sơ mà cả quyết của Tin Mừng đức ki tô (Giáo
Hội chỉ rao giảng Tin Mừng như một đề nghị để mỗi người tự ý quyết định lựa
chọn).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét