Trang

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH QUYỂN THÁNH KINH (1)

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH QUYỂN THÁNH KINH (1)

VÀI LỜI DẪN NHẬP

Thánh công đồng Vaticanô II dạy chúng ta về sách Cựu Ước như sau:

“Lý do sự hiện hữu của nhiệm cục cứu rỗi thời Cựu Ước, là để chuẩn bị và tiên báo ngày xuất hiện của Chúa Kitô, Đấng Cứu chuộc muôn loài (x.Lc 24,44; Ga 5,39; 1 Pr 1,10) và ngày khai nguyên Vương quốc của Đấng Mêssias, đồng thời biểu thị các biến cố ấy dưới nhiều hình bóng khác nhau (x.1 Cr 10,11). Thích ứng với hoàn cảnh nhân loại sống trước thời cứu độ do Chúa Kitô thiết lập, các sách Cựu Ước trình bày cho mọi người biết Thiên Chúa là ai và con người là ai, đồng thời trình bày Thiên Chúa công bình và nhân từ đối xử với loài người như thế nào, tuy có nhiều khuyết điểm và tạm bợ, nhưng các sách ấy minh chứng khoa sư phạm đích thực của Thiên Chúa. Do đó, các kitô hữu phải thành kính đón nhận các sách này, vì chúng diễn tả một cảm thức sâu sắc về Thiên Chúa, tàng trữ những lời giáo huấn cao siêu về Người, những tư tưởng khôn ngoan và hữu ích về đời sống con người, những kho tàng kinh nguyện tuyệt diệu, và sau cùng ẩn chứa mầu nhiệm cứu rỗi chúng ta” (Dei Verbum 15).

Tại Việt Nam, mãi sau cuộc Cách Mạng 1975, chúng ta mới có được một quyển Kinh Thánh trọn bộ của linh mục Nguyễn Thế Thuấn; rồi đến năm 1999 quyển Kinh Thánh trọn bộ của nhóm PVCGK ra đời. Thế là chúng ta mới có hai quyển Thánh Kinh trọn bộ. Trước cuộc Cách mạng, ai muốn đọc Kinh Thánh trọn bộ phải đọc bằng ngoại ngữ. Dù biết rằng “Thánh Kinh và Thánh Truyền họp thành một kho tàng thánh thiện duy nhất chứa đựng lời Thiên Chúa và được ủy thác cho Hội Thánh” (DV 10), thế nhưng sự thiếu thốn về mặt bản văn, khiến chúng ta chỉ giữ đạo theo một kiểu truyền thống và truyền khẩu.

Sau cuộc Cách Mạng 1975, chúng ta có được Kinh Thánh trọn bộ trong tay, nhiều người cố gắng đọc, thế nhưng Kinh Thánh là quyển sách của đức tin, trải qua biết bao nhiêu thời gian, thế hệ, thể loại văn chương, phong tục… nhất là nằm dưới lịch sử chiến đấu của một dân tộc, nên rất khó hiểu. Với sự khao khát của giáo dân, giáo sĩ càng phải đào sâu, tìm hiểu quyển sách niềm tin này để hướng dẫn giáo dân. Chính trong cố gắng này, chúng ta tìm hiểu sơ qua cuộc hình thành của quyền Thánh Kinh.

Trước khi đi vào chủ đề, có một vài nhận định sơ khởi cần phải chú ý để có thể hướng dẫn cách đúng đắn hơn: Nhiều người chưa quen với Thánh Kinh, khi cầm một quyển trong tay, đều cho rằng các tác phẩm Thánh Kinh hình thành theo trật tự đã được sắp xếp trong quyển sách. Theo quan niệm này, thì bài tường trình Sáng tạo, vì nằm đầu quyển sách, nên được coi như phần cổ nhất trong Kinh Thánh. Cũng như đối với sách Tân Ước, người ta cũng cho việc hình thành theo trật tự đã được trình bày theo sách, các Phúc Âm, tiếp đến là sách Công vụ, các thư Phaolô… và kết thúc bằng Khải Huyền. Họ cho cách sắp xếp này là theo trình tự thời gian hình thành.
Nhiều người đọc sách Thánh, xem Thiên Chúa mặc khải cho con người mà không chú ý gì đến trình độ phát triển của con người, môi trường văn hóa, trình độ hiểu biết của con người. Họ cho Thiên Chúa tự mặc khải cho Ađam cũng như cho Abraham, hay Môisen hay ngôn sứ Isaia. Từ khi Norbert Lohfink nêu câu hỏi: “Abraham dâng lễ vật cho Thiên Chúa nào?”, bấy giờ người ta mới chú ý đến trình độ đón nhận của loài người. Chúng ta biết rằng quyển Cựu Ước được hình thành trong vòng 1000 năm, trải qua biết bao biến chuyển trong lịch sử về đủ mọi mặt, từ một dân du mục, sang địch cư, rồi thời kỳ quân chủ, chuyển sang nô lệ phải luôn luôn đấu tranh, suy tư và nhận thức con người phải chịu ảnh hưởng của môi trường cũng phải biến chuyển theo; niềm tin cũng không ngoại lệ.

Về vấn đề tên tác giả của các sách Thánh, người ta quen thuộc với Môisen là tác giả quyển Ngũ Thư, thánh Phaolô là tác giả 14 lá thư… Người ta gắn tên tác giả với tính chất Linh Hứng và Mặc Khải. Nếu như có sự nghi ngờ về tác giả, lập tức người ta gán cho là lạc đạo, là người phủ nhận Lời Chúa.

Khoa Thánh Kinh ngày nay tiến rất xa, nhờ các công tác khảo cố, khoa tìm hiểu về lịch sử, nhất là các tìm hiểu về văn hóa, kinh tế, chính trị không những của Do Thái mà các nước chung quanh xứ Do Thái. Một khám phá mới làm chuyển đổi thật nhiều cách suy nghĩ về Thánh Kinh. Tỉ như cuộc khám phá ở Qumran vào năm 1947, đặt nhiều vấn đề về Gioan Tẩy Giả và ngay Đức Giêsu? Hai vị này có thuộc về cộng đoàn Qumran hay không? Ít ra người ta đã tìm được những tư tưởng của Qumran trong lời nói của Đức Giêsu… Chính vì thế chúng ta có những nhận định như sau: Cách sắp xếp các tác phẩm trong quyển Thánh Kinh hoàn toàn không dựa vào thời biểu của cuộc hình thành các sách. Người ta sắp xếp theo một lịch sử cứu độ, nghĩa là từ Sáng tạo đi dần đến kết thúc thế giới (Khải Huyền). Những người sắp xếp kinh bộ không chú tâm đến sự hình thành của từng quyển sách Thánh. Ngược lại ngày nay muốn hiểu một quyển sách Thánh, chúng ta phải cố công đặt sách lại môi trường của nó, do đâu mà quyển sách này được hình thành, hoàn cảnh nào mà tác giả đã trứ tác… Chính cố gắng này sẽ làm rõ ý nghĩa chứa đựng trong sách nhiều hơn.

Quyển Thánh Kinh dù sao cũng là một tác phẩm văn chương. Con người cũng như các sự kiện đứng trong nhiều chiều kích lịch sử. Nếu như quyển Cựu Ước hình thành trong vòng 1000 năm, thì cũng trong thời gian đó, Thiên Chúa tiếp xúc với loài người; nhưng Người chỉ tiếp xúc con người theo trình độ hiểu biết của họ. Vì thế phải chấp nhận có một quá trình phát triển các chân lý tôn giáo ngay trong sách Thánh. Muốn hiểu được quá trình này, chúng ta cũng phải tìm hiểu lịch sử phát triển từng thời kỳ về mặt chính trị, triết học, văn hóa, cũng như đời sống tôn giáo.

Theo thói quen, người ta gán cho Môisen là tác giả quyển Ngũ Thư. Ngày nay, người ta thấy trong Ngũ Thư có quá nhiều truyền thống khác nhau của nhiều tập thể khác nhau, nên khó mà gọi Môisen là tác giả được. Cũng như trong 14 lá thư được gọi là của thánh Phaolô, nhiều lá thư chỉ được hình thành sau khi thánh nhân đã được phúc tử đạo, nhất là các lá thư mục vụ hay thư Do Thái. Nếu như người ta khám phá và nêu lên sự thật này, thì không thể nói rằng người ta phủ nhận sách Thánh. Sự linh hứng của một quyển sách thánh không nằm trong tên tác giả, nhưng được xác định do Huấn quyền của Hội Thánh. Nếu như từ trước đến nay người ta vẫn coi sách Khải Huyền là do thánh Tông đồ Gioan viết nên, ngày nay, người ta khám phá, vị đó không phải là Gioan Tông đồ mà là một vị khác, thì không phải vì sự khám phá này mà sách mất đi linh hứng. Hai ngàn năm qua, mọi Kitô hữu đều tìm hiểu Thánh Kinh, nhưng thật ra ai dám vỗ ngực nói rằng mình đã thấu đáo hết? Các nhà Thánh Kinh chỉ tìm tòi theo cách khoa học; nhưng niềm tin không phải là khoa học. Một câu Lời Chúa có thể biến đổi cả cuộc đời, nhiều thánh nhân đã minh chứng điều này. Tác động của Thánh Thần mới làm cho Lời Chúa sống động và nhập thể trong con người chúng ta, chứ không phải khoa học.

CỰU ƯỚC

I. MỘT VÀI GHI CHÚ QUAN TRỌNG

Trước khi đi vào quyển Cựu Ước có vài điểm chúng ta cần chú ý. Quyển Sách Thánh mà chúng ta quen gọi là Thánh Kinh, gồm hai phầm Cựu Ước và Tân Ước. Cựu Ước là Sách Thánh làm nền tảng đức tin cho Do Thái giáo. Trọn bộ quyển Kinh Thánh gồm Cựu Ước và Tân Ước là nền tảng đức tin cho Kitô giáo. Một khi đã được gọi là Sách Thánh, chúng ta phải trang trọng với sách này vì chúng chứa đựng mặc khải, những chân lý cứu độ cho chúng ta. Vì thế có những điểm cần phải ghi chú.

A. CỰU ƯỚC LÀ TÁC PHẨM CỦA CẢ DÂN TỘC ISRAEL

Cuộc hình thành quyển Cựu Ước kéo dài trong vòng 1000 năm; cho nên phải có rất nhiều tác giả tham gia vào từng thời đại bổ túc quyển sách Thánh này. Các tác giả này không sáng tác một tác phẩm văn chương, nhưng ghi lại niềm tin của một dân tộc. Niềm tin này được lưu truyền trong dân, từ truyền khẩu trong một thời gian dài, cho đến khi có chữ viết, nhưng mãi đến thời của Đavít – Salomon, bấy giờ nhà nước mới ra lệnh sưu tập và chép lại thành văn; đồng thời cũng có văn nhân bắt đầu sưu tập các truyền khẩu để sử dụng cho một chi tộc hay một vùng trên đất nước.

B. GHI CHÉP LẠI THÀNH VĂN

Như chúng ta đã thấy quyển Cựu Ước được hình thành trong một thời gian dài gần 1000 năm, từ truyền khẩu bước sang văn bản. Cũng như các sử thi, khó mà tìm lại được nguồn gốc, huống chi là tác giả. Những người soạn thành văn bản đã thu tập các truyền khẩu lại, nhưng có khi không chép lại đúng y truyền khẩu, nhưng có sửa chữa cho thích hợp với hoàn cảnh của tác giả, của cộng đoàn mà ông ta đang sống. Mỗi lần ghi chép là mỗi lần có sửa chữa lại, đều với một ý đồ rõ rệt. Điều chúng ta phải tìm là ý đồ này. Chúng ta đều biết, Thánh Kinh là Lời Chúa, vì chứa đựng mặc khải. Nhưng mặc khải của Thiên Chúa lại được rao giảng dưới văn tự của loài người, phải kinh qua đầu óc của con người. Và con người, như chúng ta biết, luôn luôn phải lệ thuộc vào hoàn cảnh văn hóa, kinh tế, chính trị. Hoàn cảnh cụ thể làm cho Lời Chúa mang tính hiện

sinh nhiều hơn: mặc khải cắm rễ vào lịch sử loài người ! Mặc khải phải chịu sự hạn hẹp của tâm trí người viết, trình độ văn hóa, hoàn cảnh chính trị cụ thể. Qua tất cả những điều kiện này, con người nói lên niềm tin của mình. Để có thể tìm hiểu rõ mặc khải, chúng ta cũng phải biết đến các hoàn cảnh này.

C. DÂN ISRAEL SUY NGHĨ VỀ LỊCH SỬ DÂN TỘC CỦA MÌNH

Thánh Kinh không phải là ký sự, dù viết về lịch sử; cũng không phải là tài liệu lịch sử nhờ đó mà người ta có thể tìm lại quá khứ. Đây là quyển sách nói lên niềm tin của mình. Không một tác giả nào là phóng viên chiến trường cả, cũng không ai là nhân chứng cho một sự kiện nào cả. Khi lịch sử đã đi qua, người ta mới nhìn lại; lấy đức tin mà nhìn lại ! nhìn để thâm tín rằng: Thiên Chúa luôn hiện diện với dân tộc mình. Thế nhưng, dù nhìn lại quá khứ, cũng có nhiều cách nhìn: trong thời đại độc lập tự do, người ta sẽ nhìn “Cuộc xuất hành ra khỏi Ai Cập” khác hơn là khi dân tộc bị thống trị. Đồng thời, với cái nhìn chủ quan, mỗi người sẽ giải thích một cách khác, một vị vua có cái nhìn của một vị vua, một ngôn sứ có cái nhìn của một ngôn sứ; cũng như ngày hôm nay, cùng một sự kiện, nhưng nhà chính trị sẽ giải thích khác hơn là nhà kinh tế… Tỉ như, có hai bài tường trình sáng tạo ! Có ít nhất 5 sách Thánh nói về sự kiện “Cuộc nổi dậy của anh em Maccabê”: Đaniel, Ét-te; Giu-đi-tha; 1 & 2 Maccabê. Đương nhiên mỗi sách sẽ nhìn theo cách chủ quan của mình; và chúng ta cũng nhớ, người viết chỉ viết để củng cố đức tin cho cộng đoàn hiện sinh của mình. Chúng ta sẽ gặp rất nhiều thí dụ như thế trong quyển Sách Thánh Cựu Ước. Như thế chúng ta sẽ thấy dân Israel đọc lại lịch sử của mình cách sống động, chứ không bị hạn hẹp là trình bày lại quá khứ.

D. ĐỌC VỚI NIỀM TIN

Dân Israel đọc lịch sử của dân tộc với đức tin, có nghĩa là: Họ đọc thấy Thiên Chúa luôn hiện diện với dân tộc của mình, “đồng hành với dân, lang thang với dân” trong thời du mục; hiện diện nơi một thánh địa để chăm sóc dân; vui với dân, nhưng cũng xử phạt khi dân bất trung. Qua tất cả mọi sự kiện hạnh phúc hay khổ đau, bình an hay bị lưu đày…họ đọc được một sự kiện duy nhất: Thiên Chúa hoạt động vì dân. Nếu đọc lại quá khứ, họ tìm xem, Thiên Chúa nói gì với họ qua sự kiện quá khứ; Họ nhìn xem, nhân vật được kể đến đã xử sự như thế nào với Thiên Chúa trong hoàn cảnh cụ thể: nếu vua Đa-vít, con người lý tưởng của dân, mà còn sa ngã, thì hiện tại họ phải sống như thế nào, để khỏi phải sa lầy. Nhất là trong thời lưu đày ở Babylon, họ say mê đọc lại lịch sử của dân tộc, xem lại các hoạt động anh hùng của các tổ phụ… để củng cố đức tin và niềm hy vọng. Anamnesis là động lực, như chất dầu thắp lên niềm hy vọng: Thiên Chúa đã làm, hoạt động của Người chưa hoàn tất, vì thế con người có quyền hy vọng. Thiên Chúa là Đấng trung tín; Người sẽ thực hiện những gì đã hứa. Đức tin và Hy vọng là hai động lực sống hằng ngày của người Do Thái, nhờ qua việc đọc Thánh Kinh.

(Còn tiếp)

Nguồn http://catechesis.net/

http://www.bangiaoly.org/tri-thuc/thanh-kinh/lich-su-hinh-thanh-quyen-thanh-kinh--1-/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét