Trang

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Thông Điệp Laudato Si, đọc các ghi chú, thấy rõ hơn đường hướng của Đức Phanxicô

Thông Điệp Laudato Si, đọc các ghi chú, thấy rõ hơn đường hướng của Đức Phanxicô



 
Tác giả: 
 Vũ Văn An

Ít nhất cũng có hai tác giả có cách đọc Laudato Si đặc biệt: họ chăm chú theo dõi các ghi chú bên dưới (footnotes) của thông điệp.

Thừa nhận các bình diện khác nhau của huấn quyền

Thực vậy, Kevin Ahern của tạp chí America, một giáo sư tôn giáo học tại Cao Đẳng Manhattan, nhận định rằng ngoài việc sử dụng ngôn từ phái tính bao hàm lần đầu tiên trong các thông điệp xã hội Công Giáo chính thức, một trong các khía cạnh đáng chú ý hơn cả của Laudato Si là các ghi chú bên dưới của nó. Và đó là những điều đầu tiên tác giả này nhìn vào. Đức Phanxicô quả đã đi ra ngoài truyền thống của các thông điệp xã hội Công Giáo qua việc trích dẫn nhiều nguồn không Công Giáo trong đó có các tài liệu của Liên Hiệp Quốc, các hội đồng giám mục và ngạc nhiên nhất là một nhà huyền học của phái Sufi, Hồi Giáo!

Theo tác giả này, không giống các trích dẫn trong các tiểu luận của sinh viên ông, thường là để cho thấy nguồn gốc các ý niệm hay tư tưởng họ trích dẫn, các ghi chú trong giáo huấn của các vị giáo hoàng có chức năng báo động cho người đọc thấy bản văn đang tiếp nối một truyền thống. Các ghi chú ấy, vì thế, ít quan tâm tới việc quy kết cho bằng muốn truyền đạt điều này: giáo huấn này cùng đường hướng với một truyền thống lâu đời liên quan tới vấn đề, dù nó có hơi bất đồng với nguồn.

Thí dụ, thông điệp xã hội năm 2009 của Đức Bênêđíctô XVI, tựa là Đức Ái trong Chân Lý, có 159 ghi chú. Phần lớn các ghi chú này tham chiếu các giáo huấn xã hội chính thức của các vị giáo hoàng khác; một số nhắc tới chính các giáo huấn của ngài; một số tham chiếu trước tác của các vị thánh lớn hay các cơ quan chính thức của Tòa Thánh. Không một ghi chú nào nhắc tới các nguồn không Công Giáo hay không phải là tín lý cả. Phần lớn, đây cũng là trường hợp của các thông điệp xã hội của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Truyền thống trên phản ảnh một nền thần học chuyên biệt về ngôi vị giáo hoàng. Nền thần học này hiểu vị giáo hoàng như thầy dạy đệ nhất đẳng của tín lý Công Giáo với sự phân chia các vai trò thầy dạy và học trò rất rõ rệt. Trong cái hiểu này, vị giáo hoàng không bao giờ cần phải học từ các nguồn ở dưới ngài. Các nguồn này bao gồm cả các tuyên bố của các hội đồng giám mục quốc gia. Gần 50 năm nay, đã có cuộc tranh luận lâu dài về tư cách huấn quyền của các lời tuyên bố do một nhóm giám mục ở bình diện quốc gia, lục địa hay thế giới đưa ra.

Dưới triều giáo hoàng của các Đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI, các tuyên bố xã hội của các hội đồng giám mục quốc gia và các thượng hội đồng bị coi là thiếu thế giá của thẩm quyền giáo huấn (huấn quyền). Quan điểm này thường thấy trong các chỉ trích đối với các chính sách xã hội của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đặc biệt là giáo huấn của các ngài về công bằng kinh tế, hòa bình và kỳ thị chủng tộc.

Trong “Niềm Vui Tin Mừng”, Đức GH Phanxicô có đề cập tới điểm này khi ngài kêu gọi việc khai triển “tư thế pháp lý cho các hội đồng giám mục” để chúng có “thẩm quyền tín lý chân chính” ngõ hầu phục vụ sứ mệnh của Giáo Hội tốt đẹp hơn (số 32).

Dù không được mọi người hoan nghinh, nhưng Laudato Si đã khẳng định thế giá của các cơ cấu miền này với 20 trích dẫn các lời tuyên bố của 18 hội đồng giám mục quốc gia và miền. Trong đó, có lời tuyên bố năm 2001 của HĐGM Hoa Kỳ về “Thay Đổi Khí Hậu Hoàn Cầu: Lời Tha Thiết Yêu Cầu Đối Thoại, Khôn Ngoan và Ích Chung”. Việc chọn các lời tuyên bố của các miền khác nhau trên thế giới xem ra muốn nhấn mạnh tới các quan tâm của các vị giám mục đối với vấn đề đang bàn. Thực vậy, một cách xây dựng, nó cho thấy việc cổ vũ một sinh thái toàn diện không phải chỉ là quan tâm của một mình Đức GH Phanxicô. Và dù một cách tinh tế, đây cũng là cách nói lên viễn kiến có tính quy nạp và tản quyền nhiều hơn về Giáo Hội, trong đó, các tuyên bố của các hội đồng giám mục cũng có giá trị trong việc tạo nên nền giáo huấn xã hội Công Giáo hoàn vũ.

Ngoài các tuyên bố của các hội đồng giám mục ra, Đức GH Phanxicô còn trích dẫn nhiều nhà tư tưởng Công Giáo: Romano Guardini (8 lần), một linh mục thần học gia nhiều ảnh hưởng (1885-1968); Teilhard de Chardin, nhà tư tưởng Dòng Tên gây nhiều tranh cãi (ghi chú số 53), và Thụng Phụ Bartholomew. Ngài còn nhắc tới một cuốn sách do Đại Học Fordham ấn hành ở ghi chú số 15.

Nhưng tham chiếu gây ngạc nhiên hơn cả là về nhà huyền học Sufi của Hồi Giáo, Ali al-Khawas, ở ghi chú 159, rất hay như sau:

Văn sĩ linh đạo ‘Ali al-Khawas căn cứ vào cảm nghiệm của riêng ông đã nhấn mạnh tới nhu cầu đừng đặt một khoảng cách quá xa giữa các vật thụ tạo của thế giới và cảm nghiệm nội tâm về Thiên Chúa. Như chính ông viết: “Thiên kiến đừng nên khiến ta chỉ trích những ai đi tìm xuất thần trong âm nhạc hoặc thi ca. Trong mỗi chuyển động và âm thanh của thế giới này đều có một huyền nhiệm tinh tế. Người đã được khai tâm sẽ nắm bắt được những gì đang được nói ra khi gió thổi, khi cây lay động, khi nước chẩy, khi ruồi vo ve, khi cửa cót két, khi chim hót hay trong âm thanh của đàn dây hay sáo thổi, tiếng thở dài của người bệnh, tiếng than vãn của người sầu muộn”.

Việc này còn gây ngạc nhiên hơn khi tới phần tựa là “Các Dấu Chỉ Bí Tích và Việc Cử Hành Nghỉ Ngơi” (số 232). Xét theo quan điểm thần học, việc bao gồm các bản văn minh nhiên có tính tôn giáo từ bên ngoài truyền thống Công Giáo nêu ra nhiều câu hỏi lý thú về việc khai triển học lý. Đối với lời tuyên bố chính thức về học lý xã hội, lấy từ nguồn huyền học Hồi Giáo có ý nghĩa gì? Điều này nói gì về vai trò của Chúa Thánh Thần bên ngoài Giáo Hội?

Tuy nhiên, trong số 172 ghi chú của Laudato Si, không phải ghi chú nào cũng phát xuất từ những nguồn gây ngạc nhiên như thế. Các trước tác của Đức Gioan Phaolô II được tham chiếu 37 lần; Đức Bênêđíctô XVI được trích dẫn 30 lần. Dù một số người tìm cách đặt giáo huấn xã hội của Đức Phanxicô về môi sinh và kinh tế cách xa giáo huấn cùng loại của các vị tiền nhiệm của ngài, các trích dẫn này chắc chắn phải nhắc người đọc nhớ rằng ngài vẫn xây dựng giáo huấn của ngài trên một truyền thống rất vững vàng.

Người con của thế giới đang phát triển

Ký giả John L. Allen Jr. của tạp chí Crux cũng cho rằng các ghi chú của thông điệp Laudato Si nói với ta nhiều điều quan trọng về vị giáo hoàng đương kim và cách ngài quan niệm công việc ngài làm.

Cũng như Ahern, Allen nói rằng phần lớn các thông điệp của các vị giáo hoàng chỉ trích dẫn các vị giáo hoàng khác và các văn kiện chính thức như Thánh Kinh hoặc Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo.

Lần này có khác, đến hơn 10% các ghi chú (21 trên 172 ghi chú) là các trích dẫn từ các hội đồng giám mục thế giới. Theo Allen, ngài trích dẫn các giám mục từ 15 quốc gia, trong đó, có Nam Phi, Phi Luật Tân, Bolivia, Đức, Cộng Hòa Dominican, Ba Tây, Nhật Bản, Úc và Tân Tây Lan, không kể Hoa Kỳ và Á Căn Đình.

Ngài trích dẫn hai hội đồng giám mục miền, đó là CELAM tức Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh, và FABC, tức Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, hai miền được coi là chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của thay đổi khí hậu.

Theo Allen, hiện tượng trên nói lên ba cái nhìn thông suốt sau đây về Đức Phanxicô;

1. Ngài là một chính trị gia tinh khôn

Đức Phanxicô biết rõ Laudato Si sẽ gây nên một chia rẽ về chính trị, nhất là vì lời kêu gọi của ngài muốn đặt giới hạn nghiêm ngặt cho việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch (fossil fuels) và việc thải các chất hơi nhà kiếng (greenhouse gases), ấy là chưa kể việc ngài nhấn mạnh tới sự kiện: không thể chỉnh sửa môi trường nếu không có các cải tổ nghiêm chỉnh đối với “các mẫu mực sản xuất và tiêu thụ”.

Chính vì thế, khi trích dẫn các bộ phận giáo huấn rộng khắp thế giới Công Giáo ở các bình diện thấp hơn, ngài muốn cho thế giới thấy “không phải chỉ một mình tôi lên tiếng!”.

Nói cách khác, ngài muốn nhắn nhe với mọi người rằng đây không phải chỉ là một vận động cá nhân mà đúng hơn là quan tâm rộng khắp của cả thế giới Công Giáo, một thế giới gồm tới hơn 1.2 tỷ con người rải rác khắp nơi trên hành tinh, một thế giới ít ai có thể làm ngơ.

2. Ngài là người con trung thành của thế giới đang phát triển

Thực vậy, ngài coi một phần vai trò của ngài là làm cho tiếng nói từ nam xích đạo được lắng nghe tại bàn thảo luận hoàn cầu.

Dù có trích dẫn một số văn kiện của các giám mục tại các quốc gia giầu có, trong đó, có các tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về thay đổi khí hậu, phần lớn Đức Phanxicô trích dẫn các giám mục từ nam bán cầu.

Trong thông điệp, ngài than phiền rằng “nhiều nhà chuyên nghiệp, nhiều người tạo ý kiến, nhiều phương tiện truyền thông và nhiều trung tâm quyền lực, vì được đặt tại các khu vực thị tứ giầu có, nên quá xa cách đối với người nghèo, rất ít giao tiếp trực diện với các vấn đề của người nghèo”.

Nên khi trích dẫn các mục tử của người nghèo thế giới, dường như Đức Phanxicô muốn cho thấy người ta không thể áp dụng cùng một lời chỉ trích như thế đối với ngài. Đức Cha Marcelo Sánchez Sorondo, người Á Căn Đình, chủ tịch Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện về Khoa Học, nói rằng “tôi tin đây là thông điệp giáo hoàng đầu tiên trích dẫn các hội đồng giám mục… Đức Phanxicô có tình liên đới vĩ đại với các giám mục của các nước khác, nhất là các nước nghèo nhất”.

3. Ngài là một giáo hoàng cải cách

Và ngài cố gắng tái hiệu chuẩn (recalibrate) việc phân phối quyền hành trong Giáo Hội. Trong nhiều năm qua, người ta tranh luận sôi nổi về thẩm quyền thực chất của các hội đồng giám mục. Có hai khuynh hướng rõ rệt: một khuynh hướng chủ trương tập quyền tại Vatican, coi nhẹ tầm quan trọng của các hội đồng giám mục; một khuynh hướng ủng hộ việc tản quyền, coi các hội đồng giám mục như bức tường ngăn Rôma khỏi đốt cháy.

Năm 1998, vị giáo hoàng tương lai Bênêđíctô XVI công bố một văn kiện với sự chúc lành của Đức Gioan Phaolô II, định rằng các hội đồng giám mục không có tư thế giảng dạy một cách có thẩm quyền, lý do: “chân lý không xuất hiện nhờ đa số phiếu”.

Lúc còn ở Á Căn Đình, theo Allen, Đức HY Jorge Mario Bergoglio hồi ấy là một trong số các vị giám mục cảm thấy sự việc đi hơi quá xa theo hướng tập quyền, và kinh nghiệm cũng như tầm nhìn của các mục tử địa phương cần có vang dội nhiều hơn tại Rôma.

Với thông điệp Laudato Si, thực sự Đức Phanxicô đã đi tiên phong trong việc mở ra một mô thức mới để khai triển giáo huấn xã hội Công Giáo chính thức, một mô thức trong đó trung tâm Giáo Hội coi trọng các khu ngoại vi.

Đúng, sứ điệp chính của Đức Phanxicô nằm trong bản văn, nhưng các ghi chú bên dưới bản văn đó cũng là một phần của câu truyện.

http://www.thanhlinh.net/node/90841

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét