Trang

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

Augustus – Hoàng đế đầu tiên của La Mã cổ đại

Augustus – Hoàng đế đầu tiên của La Mã cổ đại


augustus
NguồnHistoric figures, BBC (truy cập ngày 7/4/2015)
Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh
Augustus (63 TCN – 14 SCN) là hoàng đế đầu tiên của La Mã cổ đại. Ông thay thế nền cộng hòa La Mã bằng một nền quân chủ hiệu quả, đồng thời đem lại hòa bình và ổn định trong suốt triều đại của mình.
Augustus sinh ngày 23 tháng 9 năm 63 trước công nguyên (TCN) tại thành Rome, được đặt tên là Gaius Octavius. Năm 43 TCN, Julius Caesar bị ám sát và theo di chúc của ông, người cháu Octavius (còn có tên gọi khác là Octavian) được chọn là người thừa kế. Octavian chiến đấu để báo thù cho Caesar, và đến năm 31 TCN, ông đã đánh bại Antony và Cleopatra trong Trận Actium[1]. Từ đó ông chính thức trở thành người cai trị Đế chế La Mã cổ đại.
Thay vì theo bước Caesar để trở thành một nhà độc tài, Octavian đã tạo dựng nền tảng của thời kỳ “nguyên thủ” (principate), một chế độ quân chủ mà hoàng đế sẽ cai trị và nắm quyền suốt đời. Quyền lực của ông ẩn sau hệ thống hiến pháp, ông lấy hiệu là Augustus, có nghĩa là ‘cao quý’ hoặc ‘trầm lặng”. Tuy vậy, ông lại nắm quyền kiểm soát mọi khía cạnh của đế chế La Mã, với quân đội nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của mình.
Ở trong nước, Augustus tiến hành một chương trình tái xây dựng và cải cách xã hội quy mô lớn. La Mã thay da đổi thịt với những công trình mới ấn tượng. Augustus bảo hộ cho Virgil, Horace và Propertius, những nhà thơ hàng đầu thời bấy giờ. Ông cũng đảm bảo để hình ảnh của ông được quảng bá khắp đế quốc của mình thông qua các bức tượng và hình khắc trên đồng xu.
Ở ngoài nước, Augustus lần đầu tiên xây dựng một đội quân thường trực, và thi hành một chiến dịch bành trướng mạnh mẽ nhằm tăng cường an ninh, bảo vệ La Mã khỏi “những kẻ man rợ” bên ngoài biên giới, và để bảo vệ nền thái bình Augustus[2]. Hai người con trai riêng của vợ ông là Tiberius và Drusus đã đảm nhận nhiệm vụ này (năm 38 TCN Augustus đã kết hôn với bà Livia, mẹ đẻ của hai người này). Từ năm 16 TCN đến năm 6 SCN, biên giới được củng cố từ sông Rhine tới sông Elbe vùng Germania[3], và suốt cả dọc chiều dài sông Danube. Tuy nhiên Drusus đã chết trong quá trình tiến hành, và trong thảm kịch Varian[4] năm 9 SCN, ba quân đoàn La Mã đã bị tiêu diệt hoàn toàn tại đây (trên tổng số 28 quân đoàn), khiến người La Mã phải rời bỏ vùng bờ tây sông Rhine.
Augustus quả quyết muốn trao ngôi cho người có cùng dòng máu, nhưng ông không có con trai, chỉ có một người con gái (Julia) với người vợ đầu. Cháu họ Marcellus và hai người cháu trai thân cận là Gaius và Lucius cũng đã mất trước ông, vì thế ông miễn cưỡng chỉ định Tiberius làm người kế vị.
Thảm bại về quân sự, sự mất mát những người cháu trai và một nền kinh tế bất ổn phủ bóng u ám lên những năm cuối cuộc đời Augustus. Ông trở nên độc đoán hơn, đày ải nhà thơ Ovid (năm 8 SCN) vì đã chế giễu những cải cách về đạo lý của hoàng đế. Augustus qua đời vào ngày 19 tháng 1 năm 14 SCN.
—————————————
[1] Trận Actium là trận chiến có ý nghĩa quyết định trong chuỗi các cuộc nội chiến thời La Mã cổ đại, giữa một bên là lực lượng của Octavius và một bên là liên minh giữa Marcus Antonius và nữ hoàng Cleopatra. Trận chiến nổ ra ngày 2 tháng 9 năm 31 TCN trên biển Ionian gần thuộc địa Actium (thuộc Hy Lạp) của La Mã. Chiến thắng của Octavius cho phép ông củng cố quyền lực trên toàn Đế chế La Mã và các thuộc địa, khiến viện Nguyên lão phải tôn ông là Princeps (Công dân thứ nhất). Nhiều sử gia cho rằng sự củng cố quyền lực của Octavius sau chiến thắng này đã đánh dấu kết thúc của thời Cộng hòa La Mã và bắt đầu thời kỳ Đế chế La Mã. [ND]
[2] Nền Thái bình Augustus (tiếng Latin: Pax Augusta), hay còn gọi là nền Thái bình La Mã (Pax Romana) mở đầu với sự lên ngôi của Hoàng đế Augustus vào năm 27 TCN và kéo dài đến năm 180 khi Hoàng đế Marcus Aurelius qua đời (khoảng 207 năm). Dù Augustus là người mở ra nền thái bình, quân đội La Mã liên tiếp phải chinh chiến với các bộ tộc ở biên cương dưới thời ông. Nhiều sử gia coi nền thái bình này và sự thịnh vượng mà nó đem lại là những lợi ích chủ yếu của chính quyền La Mã thời bấy giờ. [ND]
[3] Germania (phiên âm tiếng Pháp là Giéc-manh) là tên La-tinh của một vùng đất nằm ở bờ Đông sông Rhine, bao phủ một số vùng của Sarmatia cũng như một vùng do đế chế La Mã kiểm soát ở bờ Tây sông Rhine. Các dân tộc Germania là các nhóm dân tộc Ấn-Âu có nguồn gốc từ Bắc Âu: phía đông sông Rhine và sông Danube, ở bên ngoài biên giới của Đế chế La Mã cổ đại. [ND]
[4] Thảm họa Varian, hay còn gọi là Trận rừng Teutoburg, diễn ra vào năm 9 SCN, khi một liên minh các bộ lạc người German dưới sự chỉ huy của tù trưởng Arminius phục kích và đại phá ba quân đoàn La Mã. Đây là thất bại quan trọng của La Mã thời Augustus, và cũng là lần đầu tiên họ thua một “man tộc” trong một trận đánh lớn. Thất bại toàn diện này là một đòn giáng mạnh vào kế hoạch chinh phạt vùng Germania của Hoàng đế Augustus, đồng thời, người La Mã không bao giờ dám nghĩ đến chuyện thôn tính miền đất này nữa. Đây cũng được xem là một trận chiến có tầm vóc vĩ đại trong lịch sử châu Âu: chiến thắng vẻ vang của quân German không chỉ xác lập biên giới La Mã ở sông Rhine, mà còn đánh dấu mốc hình thành lịch sử dân tộc Đức. [ND]
- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2015/04/12/augustus/#sthash.SvH80ft6.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét