VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 21 TN B
Tin Mừng thánh Gioan 6, 59a-69
59 Đó là
những điều Đức Giê-su đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Ca-phác-na-um.
60 Nghe
rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe
nổi? "61 Nhưng Đức Giê-su tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về
vấn đề ấy, Người bảo các ông: "Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp
nhận được ư?62 Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?63
Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh
em là thần khí và là sự sống.
64 Nhưng
trong anh em có những kẻ không tin." Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã
biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người.65 Người nói tiếp: "Vì
thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn
ấy cho."66 Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.
67 Vậy Đức
Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?
"68 Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con
biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.69 Phần chúng
con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên
Chúa."
59 These things he said while teaching in the synagogue in Capernaum .
60 Then many of his
disciples who were listening said, "This saying is hard; who can accept
it?"
61 Since Jesus knew that his disciples were murmuring about this,
he said to them, "Does this shock you?62 What if you were to see the Son
of Man ascending to where he was before? 63 It is the spirit that gives life,
while the flesh is of no avail. The
words I have spoken to you are spirit and life.
64 But there are some of you who do not believe." Jesus knew
from the beginning the ones who would not believe and the one who would betray
him.
65 And he said, "For this reason I have told you that no one
can come to me unless it is granted him by my Father."
66 As a result of this, many (of) his disciples returned to their
former way of life and no longer accompanied him.
67 Jesus then said to the Twelve, "Do you also want to
leave?"
68 Simon Peter answered him, "Master, to whom shall we go?
You have the words of eternal life.
69 We have come to believe and are convinced that you are the
Holy One of God."
I. HÌNH
TÔ MÀU
*Chủ đề của hình này là gì?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
* Em
hãy viết câu Tin Mừng
thánh Gioan 6,68a
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
II. TRẮC
NGHIỆM
01.
Thần Khí mới làm cho thế nào? (Ga 6,63)
a. Chết
b. Vinh hiển
c. Sống
d. Hạnh phúc
02.
Đức Giêsu nói: lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là … ? (Ga 6,63)
a. Sự thật
b. Sự sống
c. Lời Thiên Chúa
d. Chân lý
03.
Ông Simon Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu mới có những lời đem lại điều gì? (Ga 6,68)
a. An bình
b. Sự sống muôn đời
c. Hạnh phúc
d. Yêu thương mọi người
04.
Ai đã thay mặt nhóm Mười Hai đáp: “Thưa thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến
với ai? (Ga 6,68)
a. Ông Simon Phêrô
b. Ông Tôma
c. Ông Gioan
d. Ông Giacôbê
05.
Các môn đệ tin và nhận biết rằng chính Đức Giêsu là ai? (Ga 6,69)
a. Đấng Thánh của Thiên Chúa
b. Sứ giả của Thiên Chúa
c. Người giải phóng dân tộc Ítraen
d. Vua Ítraen
III. Ô
CHỮ
Những
gợi ý
01.
Đức Giêsu nói: lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là … ? (Ga 6,63)
02.
Ông Simon Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu mới có những lời đem lại sự sống thế nào?
(Ga 6,68)
03.
Ông Phêrô tuyên xưng ai là Đấng Thánh của Thiên Chúa ? (Ga 6,67-69)
04.
Ai đã thay mặt nhóm Mười Hai đáp: “Thưa thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến
với ai? (Ga 6,68)
05.
Ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Thánh của ai? (Ga 6,69)
06.
Các môn đệ tin và nhận biết rằng chính Đức Giêsu là gì của Thiên Chúa ? (Ga 6,69)
Hàng dọc
: Chủ đề của ô chữ này là gì?
IV. CÂU THÁNH
KINH HỌC THUỘC LÒNG
“Chúng con
đã tin và nhận biết rằng
chính Thầy
là Đấng Thánh của Thiên Chúa."
Tin Mừng thánh Gioan 6,69
Lời giải đáp VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 21 TN B
Tin Mừng thánh Gioan 6, 59a-69
I. HÌNH
TÔ MÀU
*Chủ đề :
Tin vào
Thầy
* Câu Tin Mừng thánh Gioan 6,68a
"Thưa
Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?
II. TRẮC
NGHIỆM
01.
c. Sống (Ga 6,63)
02.
b. Sự sống (Ga 6,63)
03.
b. Sự sống muôn đời (Ga 6,68)
04.
a. Ông Simon Phêrô (Ga 6,68)
05.
a. Đấng Thánh của Thiên Chúa (Ga 6,69)
III. Ô
CHỮ
01.
Sự sống (Ga 6,63)
02.
Muôn đời (Ga 6,68)
03.
Đức Giêsu (Ga 6,67-69)
04.
Simon Phêrô (Ga 6,68)
05.
Thiên Chúa (Ga 6,69)
06.
Đấng Thánh (Ga 6,69)
Hàng dọc
: SỰ SỐNG
GB. NGUYỄN THÁI HÙNG
Cn 9,1-6 ; Ep 5,15-20
; Ga 6,51-59
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 6,51-59
(51) Tôi là Bánh
Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và
Bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là Thịt Tôi đây, để cho thế gian được
sống”. (52) Người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói:
“Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn Thịt ông ta được ?” (53) Đức
Giê-su nói với họ: “Thật, Tôi bảo thật các ông: Nếu các ông không ăn
Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình”. (54)
Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho
người ấy sống lại vào ngày sau hết. (55) Vì Thịt Tôi thật là của
ăn, và Máu Tôi thật là của uống. (56) Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì
ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy. (57) Như Chúa Cha là
Đấng Hằng Sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ
ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy. (58) Đây là Bánh từ
trời xuống. Không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã
chết. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời. (59) Đó là những điều
Đức Giê-su đã nói khi giảng dạy trong hội đường ở Ca-phác-na-um.
2. Ý CHÍNH : Sau phép lạ nhân bánh ra nhiều, tại hội đường thành Ca-phác-na-um,
Đức Giê-su đã giảng về Bánh Hằng Sống là bí tích Thánh Thể. Nội
dung bài giảng được tóm lược như sau: Ai ăn Thịt và uống Máu Người,
tức là lãnh nhận bí tích Thánh Thể mà Người sẽ lập, thì ở đời
này, được kết hiệp mật thiết với Người, được tham phần vào sự sống
thần linh của Người, và ngày tận thế, sẽ được sống lại hưởng hạnh
phúc muôn đời.
3. CHÚ THÍCH :
- C 51 : + Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời
xuống...: Đức Giê-su tự xưng
là tấm Bánh với hai đặc tính thần linh là “hằng sống” và “từ trời
xuống”. + Bánh Tôi sẽ ban tặng: Sẽ ban là chưa ban ngay lúc
này, nhưng sẽ ban khi lập bí tích Thánh Thể vào bữa Tiệc Ly sau này
(x. Mt 26,26-28). + Chính là Thịt Tôi đây : Thịt (Sarx) trong ngôn ngữ
Hy-Lạp ám chỉ con người toàn diện gồm cả xác lẫn hồn. Thịt ở đây
cũng chính là Thịt (Sarx) trong câu: “Ngôi Lời đã hóa thành “nhục
thể” – hay là “Thịt” (Sarx) hoặc “người phàm” (Sarx) - và cư ngụ giữa
chúng ta (Ga 1,14). Ở đây, “Bánh” được liên kết với “Thịt” và với “Sự
Sống”, là hai đặc tính của bí tích Thánh Thể. + Cho
thế gian được sống : Thịt của Đức Giê-su tức là bánh Thánh Thể, là lương thực thần
linh, sẽ đem lại hiệu quả là ban sự sống cho người lãnh nhận.
- C 52-53
: + Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn Thịt ông ta được ?
: Dân chúng Do Thái
nghe Đức Giê-su giảng và đã hiểu đúng ý của Người. Đó là Người cho
người ta ăn chính Thịt của Người. Họ thắc mắc và phản đối Đức
Giê-su vì nghĩ rằng Người đã hóa điên khùng nên mới ăn nói bừa bãi
như vậy. + Thật, Tôi bảo thật các ông:Trước sự thắc mắc về việc
cho người ta ăn Thịt của mình, Đức Giê-su đã không làm dịu kiểu nói
này lại và cũng không cải chính để tránh cho họ hiểu sai ý mình,
nhưng Người lại tiếp tục xác quyết: “Thật, Tôi bảo thật các ông”. + Nếu
các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống
nơi mình : Đây là cách diễn tả
khác nhằm nhấn mạnh sự thật này: người ta chỉ có sự sống của Chúa
nơi bản thân khi lãnh nhận bí tích Thánh Thể, tức là ăn Thịt và
uống Máu của Người.
- C 54-56
: + Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì được sống muôn đời, và Tôi
sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết : Kẻ lãnh nhận Thịt Máu Đức
Giê-su trong bí tích Thánh Thể sẽ được tham phần vào sự sống đời
đời và được Đức Giê-su cho sống lại vào ngày tận thế. + Thịt
Tôi thật là của ăn, và Máu Tôi thật là của uống : Trong bốn câu liền (c.
53.54.55.56), Tin Mừng Gio-an dùng cặp từ: Thịt (Sarx) và Máu (Haima)
để chỉ con người toàn diện của Đức Giê-su.+ Thì ở lại trong
Tôi và Tôi ở lại trong người ấy : Hiệu quả của việc lãnh bí
tích Thánh Thể là người ta được kết hiệp thân mật với Chúa Giê-su.
Nghĩa là được “ở lại” trong Người, đón nhận sự sống dồi dào của
Người và trở thành bạn tâm giao của Người, như thánh Phao-lô đã viết
: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong
tôi” (Gl 2,20).
- C 57-59
: + Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ
Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như
vậy : Đức Giê-su nói đến
sự sống siêu nhiên nhờ bí tích Thánh Thể. Ai ăn Bánh Thánh Thể thì
sẽ được tham phần vào sự sống siêu nhiên phát xuất từ nơi Chúa Cha
thông qua Chúa Giê-su. + Đây là Bánh từ trời xuống. Không
phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn Bánh này
sẽ được sống muôn đời : Sự sống siêu nhiên mà Bánh Thánh Thể ban cho người lãnh nhận,
khác với sự sống tự nhiên thể xác do bánh Man-na mang lại. Vì thế
mà dân Ít-ra-en xưa, dù đã ăn Man-na trong sa mạc nhưng vẫn bị chết do
tội đã phạm. Còn ai ăn Bánh do Chúa Giê-su ban trong bí tích Thánh
Thể thì sẽ được sống đời đời, nhờ đón nhận được sự sống siêu nhiên
của Người.
4. CÂU HỎI:
1)Bánh Thánh do
Đức Giê-su hứa ban, có hai đặc tính thần thiêng nào?
2)Bánh đó sẽ được
ban khi nào và là Bánh gì?
3)Từ Thịt (Sarx)
trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là gì?
4)Khi Đức Giê-su
giảng sẽ ban Bánh Hằng Sống là Thịt của Người trong bí tích Thánh
Thể, người Do Thái đã hiểu như thế nào? Họ có hiểu đúng ý Người
muốn nói hay không? Tại sao?
5)Khi thấy họ phản
đối, Đức Giê-su không những không sửa lại điều vừa nói hay nói nhẹ
bớt đi, mà Người lại càng nhấn mạnh thêm qua câu nói nào?
6)Ai ăn Thịt uống
Máu Đức Giê-su trong BT Thánh Thể sẽ nhận được hiệu quả nào?
7)Trong 4 câu liền
(câu 53.54.55.56), Đức Giê-su dùng hai từ Thịt và Máu ám chỉ điều gì?
8)Câu nào cho thấy
hiệu quả của việc ăn Thịt uống Máu Chúa Giê-su trong bí tích Thánh
Thể? Thánh Phao-lô viết về sự kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su qua
câu nào?
9)Sự sống siêu
nhiên nhận được do bí tích Thánh Thể là sự sống nào?
10)Sự sống siêu
nhiên nhận được từ Bánh Thánh Thể thời Tân Ước với sự sống tự nhiên từ
Man-na thời Cựu Ứớc, khác nhau thế nào ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA : “Bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là Thịt Tôi đây để cho thế gian được
sống” (Ga 6,51).
2. CÂU CHUYỆN : MẸ CHỊU CHẾT CHO CON ĐƯỢC SỐNG
Vào cuối thế kỷ trước, bên
Anh quốc có phong trào di dân sang lập nghiệp tại Úc Châu. Trên một
chiếc thuyền buồm chở người di cư, có một bà mẹ trẻ góa chồng, mang
theo một đứa con thơ còn đang bú sữa mẹ. Sau khi khởi hành được một
tuần, thì một cơn bão bất ngờ ập đến làm biển động dữ dội, con
thuyền bị sóng đánh tơi tả và cột buồm bị gãy. Từ đó, con thuyền
bị lênh đênh trên mặt biển trong nhiều ngày. Lương thực trên thuyền dần
dần cạn kiệt. Nhiều người đã bị chết đói và bị thủy thủ quăng xuống
biển. Vào một buổi sáng, người ta phát hiện ra bà mẹ trẻ kia cũng
bị chết đói, đang khi đứa con bên cạnh vẫn đang sống. Thì ra bà này
trước khi chết đã dùng dao cứa đứt đầu ngón tay út và cho con bú
máu mình thay cho sữa mẹ. Bà đã hy sinh chết để cho con bà được
sống! Về sau đứa trẻ kia lớn lên đã trở thành một vị dân biểu nổi
tiếng trong vùng. Ông luôn nhớ đến công ơn trời biển của người mẹ đã hy
sinh lấy máu mình nuôi ông khỏi chết. Rồi một hôm, ông đã đứng trên
diễn đàn quốc hội kể lại câu chuyện thời thơ ấu của mình, và đề
nghị quốc hội chọn một ngày trong năm để tôn vinh các bà mẹ, nhắc
nhở con cái bổn phận hiếu thảo với các bà mẹ của mình. Đó là nguồn
gốc ngày Quốc Tế Các Bà Mẹ hiện nay.
3. SUY NIỆM :
Câu chuyện bà mẹ
nuôi con bằng dòng máu của mình, là hình ảnh tuyệt hảo nói lên tình
thương của Đức Giê-su khi lập bí tích Thánh Thể để tự hiến mình trở nên
Bánh thiêng nuôi dưỡng và abn sự sống đời đời cho chúng ta. Vậy Bánh
Thánh Thể là gì?
+ SỨ MỆNH CỦA
BÁNH : Bánh là lương thực có thể ăn được và giúp người ta duy trì sự
sống (Ga 6,51). Bánh không sống cho mình, mà luôn sống “vì và cho” con
người. Đức Giê-su tự xưng mình là Bánh, vì Người đã tự hủy mình, hy
sinh bản thân để cho loài người được sống. Chỉ khi nào chúng ta sẵn
sàng hy sinh bản thân để cho tha nhân được sống thì bấy giờ ta mới trở
thành tấm bánh giống Bánh Thánh Thể của Đức Giê-su.
+ ĂN BÁNH THÁNH
THỂ LÀ ĐÓN NHẬN ĐỨC GIÊ-SU : Đức Giê-su nói : “Như Chúa Cha là Đấng
hằng sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn
Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57). Khi lên rước lễ,
là chúng ta được sống nhờ, sống trong và sống cho Đức
Giê-su, như cành nho chỉ
sống nhờ hút được nhựa sống từ thân cây chuyển sang (x. Ga 15,5).
+ ĐỨC GIÊ-SU LÀ
TẤM BÁNH ĐỂ NGƯỜI TA ĂN : Trong nhiều thế kỷ, Hội Thánh đã nhìn và
thờ lạy Bánh Thánh Thể hơn là cầm lấy mà ăn. Động từ ăn được nhắc
đi nhắc lại nhiều lần trong Tin Mừng hôm nay, như một lời mời gọi tha
thiết của Đức Giê-su là: hãy siêng năng tham dự bữa tiệc Thánh Thể do
Người khoản đãi, với hai của ăn là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa.
+ PHẢI ĂN BÁNH
THÁNH THỂ THẾ NÀO ? : Để việc rước lễ mang lại lợi ích thiêng liêng,
thì người rước lễ cần được chuẩn bị trước, và phải đối thoại thân
tình với Chúa Thánh Thể sau khi rước Người. Cần tránh rước lễ như
một thói quen hay do vị nể, rước lễ để làm vui lòng người khác, nên
thiếu chuẩn bị và không thưa chuyện với Chúa sau khi rước lễ. Ngày nay
tuy các tín hữu đã lên rước lễ nhiều hơn, nhưng phần đông lại rước
Mình Thánh Chúa cách hờ hững : Thiếu tâm tình mến Chúa, bỏ phút thinh
lặng thánh sau rước lễ, ra về sớm để tiện lấy xe và lo việc làm ăn,
hay đi dự liên hoan với bạn bè... Vì thế việc rước lễ đã trở thành
một lễ nghi hình thức : Là lên đón nhận một tấm Bánh Thánh, thay vì
lên gặp gỡ Chúa Thánh Thể. Quả thật, ít có vị khách quí nào lại
bị chủ nhà tiếp đón cách lạnh nhạt như Chúa Giê-su Thánh Thể ! Do
đó, dù năng dự lễ rước lễ hằng ngày, nhưng nhiều người vẫn không gặp
được Chúa Giê-su, không được ơn biến đổi, nên vẫn sống vô cảm, ích kỷ, tự
mãn, lười biếng và vô trách nhiệm… như nhiều năm về trước !
4. THẢO LUẬN:
1) Khi dự lễ, chúng ta phải làm gì trong phần Phụng Vụ Lời Chúa
và Phụng Vụ Thánh Thể để được Lời Chúa giáo huấn và nhận được
dồi dào hồng ân Chúa ban?
2) Chúng ta phải làm gì trước và sau khi rước lễ để có thể gặp gỡ
Chúa Giêsu và được ơn đổi mới, hầu sau này được sự sống đời đời ?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU.
Con cảm thấy có sự
tương tự giữa thân phận làm Bánh của Chúa với thân phận làm người
của con. Nhờ ăn Bánh Thánh Thể của Chúa, con sẽ được biến hóa nên tấm
bánh thơm ngon, được bẻ ra để phục vụ tha nhân.
Ước gì con dám
đón Chúa vào vùng mờ tối của lòng con, để sự hiện diện của Chúa
làm cho lòng con được bừng sáng ngọn lửa tin yêu.
Ưốc gì sau khi đón
nhận Chúa vào lòng, con sẽ trở thành Nhà Tạm di động, mang Chúa là Tình
Yêu đi chia sẻ cho những người chung quanh, để họ cũng được hưởng hạnh
phúc đời đời với con.
X. HIỆP CÙNG MẸ
MA-RI-A.
Đ. XIN CHÚA NHẬM
LỜI CHÚNG CON.
Linh mục Đan Vinh
Hành trình đức tin
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Đức tin là một con đường: con đường dẫn ta
tới Chúa. Đây là một con đường dài. Vì ta sẽ phải đi suốt cuộc đời mới hết.
Đường đức tin có những quãng đầy hoa thơm cỏ lạ và tiếng chim hót véo von. Đó
là những khi niềm tin dâng đầy. Ta cảm thấy phấn khởi vì được gặp gỡ Chúa, được
Chúa an ủi, mọi sự diễn ra êm xuôi tốt đẹp. Nhưng đức tin sẽ phải trải qua
những quãng đường gian nan đầy chông gai sỏi đá. Ta gặp khó khăn thử thách. Ta
gặp đau khổ thất bại. Ta không tìm đâu ra lối thoát. Ta như chìm trong đêm tối
mênh mông chẳng có ánh sáng nào soi đường dẫn lối. Đó là khi niềm tin bị thử
thách, bị nghiêng ngả chao đảo. Ta cảm thấy mệt mỏi chán chường. Ta muốn bỏ
cuộc, rẽ sang đường khác. Ta bị cám dỗ tìm con đường dễ dàng hơn, rộng rãi hơn,
thoải mái hơn.
Đó là trường hợp của những người Do Thái và
một số môn đệ hôm nay.
Khi Đức Giêsu hoá bánh và cá ra nhiều nuôi
năm nghìn người, niềm tin của đám đông dâng lên cao vời vợi. Họ phấn khởi mừng
vui. Họ tin tuyệt đối rằng Người chính là Đấng Cứu Thế đến cứu dân tộc Do Thái.
Niềm tin của họ mạnh mẽ đến nỗi khi Đức Giêsu trốn đi, họ vẫn đuổi theo sát nút
với ý định tôn Người lên làm vua cai trị họ.
Thế mà hôm nay, khi Đức Giêsu tuyên bố: “Ai
ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”, đám đông đã bỏ Chúa. Một số
môn đệ cũng bỏ Chúa mà đi. Đức tin bồng bột tưởng chừng như không gì dập tắt
nổi của những ngày hôm trước nay đã tan tành như mây khói. Sự gắn bó tưởng
chừng như không gì chia cắt nổi bỗng trở nên nhạt nhẽo lạnh lùng. Đức tin gặp
thử thách và họ đã không đủ mạnh tin để vượt qua thử thách. Họ đã thất vọng bỏ
cuộc. Nhưng Đức Giêsu vẫn bình tĩnh chấp nhận sự quay lưng trở gót của những
người thân tín. Người không vì thế mà nói những lời nhẹ nhàng hơn. Đức tin phải
trải qua thử thách. Lửa thử vàng, gian nan thử lòng trung tín. Chỉ có những
người bạn trung thành qua những khó khăn mới là những người bạn đích thực. Chỉ
có niềm tin kiên vững bất chấp mọi thử thách mới là niềm tin đúng nghĩa.
Giữa cơn khủng hoảng ấy, thánh Phêrô đã đại
diện nhóm 12 tuyên xưng niềm tin sắt đá vào Đức Kitô. Dù chưa hiểu những điều
Đức Giêsu nói, nhưng các ông vẫn đặt trọn niềm tin vào Người. Thế mới gọi là
tin. Vì chưa thấy nên mới cần tin. Đã thấy rõ, đã biết rõ thì đâu cần tin nữa.
Tuy nhiên niềm tin không phải là cái gì vô lý. Sau khi thấy Đức Giêsu làm phép
lạ hoá bánh ra nhiều và sau khi chứng kiến Người đi trên mặt nuớc, các ông hoàn
toàn có cơ sở để đặt niềm tin nơi Người. Đó là hai khía cạnh trái ngược của
niềm tin. Tin là một ngọn đèn soi cho ta bước đi trong
đêm tối. Ngọn đèn chỉ sáng đủ cho ta bước đi từng bước nhỏ trong niềm tin. Nhưng
màn đêm vẫn tăm tối đủ cho ta nghi ngại. Chính vì thế mà niềm tin mới có giá
trị và cần thiết.
Lời tuyên xưng của thánh Phêrô lại càng có
giá trị trong lúc mọi người gặp khủng hoảng và bỏ Chúa. Tin tưởng khi thời cơ
thuận lợi thì thật dễ dàng. Nhưng vẫn tin tưởng gắn bó với Chúa trong những lúc
gặp khó khăn thử thách đó mới thật sự là niềm tin chân chính.
Hành trình đức tin của chúng ta chắc chắn sẽ
không khác hành trình đức tin của các Tông đồ. Có những thời gian thuận lợi, ta
thấy niềm tin dâng cao mãnh liệt. Khi ấy Lời Chúa là những lời êm ái ngọt ngào
làm phấn chấn lòng ta. Lời Chúa mang đến cho ta niềm vui, niềm bình an, niềm hy
vọng. Lời Chúa đem đến cả thành công và may mắn nữa.
Nhưng rồi tới những ngày u ám tăm tối, ta cảm
thấy niềm tin lung lay chao đảo. Đó là khi ta gặp khó khăn thử thách. Lúc ấy
Lời Chúa làm cho cuộc đời ta mất bình an. Lời Chúa gõ vào tính tự ái, tự cao,
tự đại của ta. Lời Chúa gõ vào sức khoẻ ta. Lời Chúa gõ vào gia sản ta. Lời
Chúa như lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn ta, tạo ra những vết thương sâu thẳm không
bao giờ ngưng rỉ máu. Những lúc ấy, ta dễ bị cám dỗ từ bỏ Chúa như những người
Do Thái trong bài Tin Mừng hôm nay.
Trong những giờ phút gặp gian nan thử thách
như thế, ta hãy nhớ đên những lời tuyên xưng của thánh Phêrô. Niềm tin tuyên
xưng trong đau đớn thử thách mới là niềm tin đúng nghĩa. Sự trung tín vượt qua
được những cơn khủng hoảng mới minh chứng một tình yêu chân thực.
Trong những giờ phút tăm tối nhất, hãy mạnh
dạn thưa với Chúa như thánh Phêrô: “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết đi theo ai. Chỉ
có Thầy mới có lời ban sự sống đời đời”. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Đã có khi nào bạn cảm thấy niềm tin chao
đảo, lung lay? Bạn đã làm gì để vượt qua những giờ phút khó khăn đó?
2- Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Bạn có xác
tín điều đó không?
3- Sau khi những khó khăn qua đi, bạn nhìn
thấy tất cả đều là ơn Chúa. Bạn có kinh nghiệm đó không?
Chú giải của Noel Quesson
BÁNH HẰNG SỐNG
Đức Giêsu đã nói khi giảng dạy
trong hội đường, ở Ca-phác-na-um: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì được
sống muôn đời... Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai
quá! Ai mà nghe nổi”.
Chúng ta đã đọc đến đoạn cuối của diễn từ
“Bánh hằng sống". Chúng ta sẽ tìm hiểu hiệu quả bài giảng của Đức Giêsu
đối với thính giả, qua ngòi bút của một nhân chứng đã đích thân tham dự buổi
diễn giảng này. Có hai hiệu quả:
Đó là sự vấp phạm và khước từ của đa số cử
tọa.
Nhưng cũng là sự trung thành, khiêm tốn đầy
tin cậy của nhóm nhân tố "Mười Hai".
Ở đây chúng ta có chứng tích lịch sử bậc nhất
về cuộc sống của Đức Giêsu. Ba thánh sử kia cũng đã ghi lại rõ ràng khúc quanh
quan trọng này trong sứ vụ của vị tiên tri làng Nagiaret: Đó là cơn khủng
hoảng! Cho tới bây giờ, đám đông đã đi theo và tìm kiếm Người: Ở đây Gioan đã
gọi họ là "môn đệ". Nhưng các "môn đệ" này, những người đã
bắt đầu đi một đoạn đường với Đức Giêsu, đang từ bỏ Người. Sự mạc khải mầu
nhiệm Thánh Thể bắt đầu làm cho đa số thính giả chán ngán vào cuối chương này,
chúng ta có thể đếm số môn đệ nhỏ nhoi còn lại.
Tin Mừng đã thẳng thắn không che giấu chúng
ta rằng Chúa đã thất bại trong ý định giúp ta hiểu về "bánh" của
Người, "Bánh đích thực". Bởi vì nói cho cùng thì ai có thể hơn Đức
Giêsu để giải thích cho chúng ta vấn đề này? Hai mươi thế kỷ qua đi, chúng ta
vẫn tiếp tục ngạc nhiên khi thấy những con người nam nữ già trẻ từ chối bước
theo Đức Giêsu để "nhận lấy mà ăn bánh và cầm lấy mà uống rượu của Người,
và như Người tuyên bố thì đó là thịt và máu của Người". Và có thể chúng ta
vẫn lên án Giáo Hội về điểm đó: "ôi giá kể Giáo Hội đã không thay đổi
nhanh hơn... ôi, nếu Giáo Hội có lập trường như lập trường của tôi".
Thực ra chính "đức tin" là nguyên
nhân của sự việc này, chứ không phải là một truyền thống phụng vụ, văn hóa, xã
hội nào đó, và Đức Giêsu sẽ nói lại điều này với chúng ta một cách rõ ràng,
không chút nhượng bộ.
Nhưng Đức Giêsu tự mình biết được
là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy.
Các bạn thấy không? Đức Giêsu không cần nghe
những lời lẩm bẩm đó. Người biết trước, Người không ngạc nhiên, Người đang chờ
đợi những lời đó. "Đức tin" khó khăn biết bao! Vì đức tin là
"khước từ cách hiểu biết thông thường, nhờ giác quan và lý trí, lý
luận" để "tin vào một người khác" đó là "tin mà không
thấy", như Thánh Gioan sẽ nói rất nhiều lần.
Người bảo các ông: "Điều đó,
anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư?".
Vâng lạy Thầy, điều đó làm chúng con vấp
phạm. Và Thầy biết rõ như thế. Từ Hy Lạp là động từ "Scandahzô" Ở đây
dịch là vấp phạm, có nghĩa là điều đó làm các ngươi bất bình, các ngươi vấp
phải ta như vấp phải một hòn đá chướng ngại. Chúng ta thường có khuynh hướng
làm cho đức tin trở thành một thứ giáo huấn. Nếu giảng hay, những người trẻ sẽ
đi dự lễ. Họ sẽ hiểu, họ không còn "biết" gì thêm nữa. Nhưng đối với
Đức Giêsu, như chúng ta đã thấy đức tin luôn gây đụng chạm! Đức tin không hẳn
nhiên là thế? Đức tin luôn luôn cho ta thấy chướng. "Đức tin" không
phải là một bài học được lặp đi lặp lại, "nhưng" là một dấn thân
trong cuộc sống". Đức tin là một "thực hành có hiệu quả". Đức
tin là một sự "thúc hối" phải chấp nhận từ bỏ ánh sáng riêng của
mình, được coi là có tính khoa học, để đón nhận mạc khải của một người khác mà
không thể kiểm chứng được bằng những phương thế nhân loại. “Tuyên xưng đức
tin" thực sự, không phải là đọc kinh Tin kính hay một "công
thức" nào hay nhất do bộ óc văn minh của chúng ta, mà là thực hành không
gì Chúa đã dạy. Mầu nhiệm trung tâm của đức tin, chắc chắn là Bí tích Thánh
Thể. Khi ta nói "Người Kitô hữu là người đi dự lễ", thì ta chưa nói
hết. Nhưng ta đã nói một phần nào cốt yếu, nếu ta hiểu Thánh lễ như chúng ta
đang cố cử hành với chính Chúa Giêsu. Đức tin đó là một "quyết định".
Quyết định này bao gồm hai khía cạnh:
1 “An bánh hằng sống”.
2. "Sống đời mình bằng yêu thương hữu
ích".
Thế khi anh em thấy Con Người lên
nơi đã ở trước kia thì sao?
Làm sao người này có thể cho thịt của mình để
chúng ta ăn? Chính vì người này không chỉ là một con người. Đức Giêsu, thay vì
rút lại lời khẳng định của mình hay là giải thích hoặc làm giảm nhẹ chúng,
Người lại nhấn mạnh bằng cách gợi cho chúng ta một "mầu nhiệm" khác mà
mầu nhiệm Thánh Thể chỉ là sự diễn dịch. Chúng ta đang thực sự ở trong đề tài
Nhập Thể của Thiên Chúa. "Thần Khí" trở thành xác phàm.
Đây thực là một mầu nhiệm "thần
linh" (không ai đã thấy Chúa) và vì thế con người không thể tự sức riêng
mà hiểu được. Đức Giêsu ám chỉ rõ ràng "hữu thể thần linh của Người".
Người nói Người sẽ trở về nơi mà trước kia Người đã ở. Chúng ta hãy lưu ý tới
giọng nói hạch hỏi của Đức Giêsu này. Câu nói của Người hầu như chưa dứt:
"Và khi anh em sẽ thấy Con Người lên nơi mà Người đã ở trước thì
sao?".
Vâng, xuyên qua sự tối tăm, vẻ tầm thường, sự
thân mật nơi thân phận con người hiện tại của Đức Giêsu, cần phải tiến đến sự
khám phá vinh quang của Chúa Ba Ngôi. Người ngự bên hữu Đức Chúa Cha, trong sự
sống động của Thần Khí, mà Người đã lãnh nhận từ Chúa Cha. "Như Chúa Cha
là Đấng hằng sống đã sai Tôi và Tôi sống nhờ Chúa Cha, thế nào thì kẻ ăn Tôi
cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy".
Thực sự chúng ta không biết sự sống là gì: sự
sống bình thường của thảo mộc, cũng như động vật, không ai, không một nhà bác
học nào đã có thể nói sự sống là gì?
Vậy thì “sự sống" của Thiên Chúa thì
sao? Những phương tiện để hiểu biết mà con người có được đều bất lực, không thể
giúp hiểu mầu nhiệm này. Người ta không thể giải thích Bí tích Thánh Thể chỉ
bằng lý trí con người: Mầu nhiệm này thật vĩ đại, khôn dò, đó là mầu nhiệm đức
tin.
Thần khí mới làm cho sống, chứ
huyết nhục chẳng có ích gì
Lạy Chúa, xin lặp lại cho con những lời đó.
Ước chi những lời này không làm cớ cho con vấp phạm và nghi ngờ.
Những lời Thầy nói với anh em là Thần khí và
là sự sống. Nhưng trong anh em có những kẻ không tin. Quả thật, ngay từ đầu,
Đức Giêsu đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người.
Hơn mọi lời khác, lời Chúa, nói về phép Thánh
Thể, đã giả định trước tác động của Chúa thánh Thần. Chúng ta thực sự đang ở
trung tâm điểm của Tin Mừng. Làm sao có thể giản lược Tin Mừng vào những giải
thích luân lý: Đức Giêsu con người vĩ đại nhất, nhà hiền triết, vị ngôn sứ nhà
cách mạng, là phong trào xã hội, là giải phóng... tất cả đều đúng, nhưng không
phải là bản chất riêng của Chúa. Có một khía cạnh nổi bật khác, không thể thu
nhỏ được mà chúng ta gọi là thần linh! Tức là vô hình, vượt trên tất cả. Chúng
ta chỉ thấy được một phần nào siêu việt qua con người hữu thể của Người, mà
phải mất một chút đoán nhận ra "ngang qua xác thể" nhưng đó vẫn thuộc
về trật tự Thần khí và Sự sống.
Người nói: "Vì thế, Thầy đã
bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho".
Chúng ta đang ở trong mầu nhiệm sự sống của
Thiên Chúa, sự sống của Ba Ngôi. Hình trạng Chúa Ba Ngôi của Rublev đã diễn tả
mầu nhiệm này cách kỳ diệu.
Ba nhân vật ngồi chung quanh một “cái
bàn" và chỉ dùng một "chén". Tam vị nhất thể được tiếng trưng
bằng một vòng tròn mà chu vi bên ngoài của ba ngôi vẽ nên cách ăn khớp tuyệt
hảo. Là 3 hình nhưng để tạo nên một vòng duy nhất. Đó là một vòng tròn sống
động luôn vận chuyển. Chúa Cha chủ tọa bên kia bàn. Người nhìn bằng cái nhìn
tình yêu xuyên suốt trái tim, lồng ngực của Chúa Con. Còn Chúa Con lại nhìn
sang Chúa Thánh Thần. Nhưng ta hãy nhìn kỹ dung mạo của Ngôi Ba và cử động bàn
tay phải của người: Cả mặt và tay hướng xuống đất! Hình tròn được mở về phía
chúng ta là những người đang đứng phía trước bàn, để ngắm nhìn "hình"
này. Vâng, sự sống của Ba Ngôi được ban cho chúng ta, tại chiếc bàn này: Thần
khí là sự sống được ban cho chúng ta, được dâng tặng cho chúng ta. Thiên Chúa,
vì là Tình yêu, nên rõ ràng Người không thể ép buộc ai.
Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui,
không còn đi theo Người nữa. Nên Đức Giêsu mới hỏi Nhóm Mười Hai: "Cả anh
em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?".
Dường như Chúa nói': "Tôi không giữ anh
em, anh em được tự do”. Trong cuộc xung đột đang xảy ra giữa những "môn đệ
ra đi" và những người ở lại với Chúa, trong cuộc xung đột giữa cha mẹ và
con cái chẳng hạn... chúng ta hãy nhớ lời của Chúa: "Cả anh em nữa, anh em
cũng muốn bỏ đi hay sao? “ông Simon Phêrô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì
chúng con biết đến với ai bây giờ? Thầy mới có những lời ban phúc trường sinh,
phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của
Thiên Chúa".
Đây là những lời đầy khiêm hạ và đơn thành:
"Bỏ Thầy, thì chúng con biết đến với ai bây giờ". Lời nói chứa chan
tình yêu và sự phó thác, vì đối với họ, Đức Giêsu là Đấng "không ai có thể
thay thế được". Tuy nhiên chúng ta nên ghi nhớ, Nhóm Mười Hai đêm trước đã
có một kinh nghiệm có thể soi sáng cho họ: Giữa phép lạ hóa bánh ra nhiều và
diễn từ về Bánh hằng sống là thịt của Người các ông đã thấy thân thể đó
"bước đi trên mặt nước hồ đang nổi sóng dữ dội trong cơn bão tố" (Ga
6,16-21). Thân thể này không có trọng lượng như chúng ta. Đó là Thánh Thể Đấng
Thánh của Thiên Chúa. Tại sao chúng ta lại giới hạn Thiên Chúa vào trong khả
năng hiểu biết của chúng ta? Thiên Chúa vượt mọi khả năng của chúng ta. Điều đó
thật hiển nhiên!
Chú giải của Fiches Dominicales
THẦY CÓ NHỮNG LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1. Khi mọi người đã bỏ đi, Đức
Giêsu lại đặt một câu hỏi hết sức quyết liệt
Ở Capharnaum, diễn từ về bánh hằng sống kết
thúc bằng sự khủng hoảng công khai. Sau “người Do thái" là những người đầu
tiên bỏ đi, đến lượt “nhiều môn đệ" của Đức Giêsu xầm xì và đả kích Ngài
giống như con cái Israel trong thời kỳ băng qua sa mạc (vào đất hứa). Họ nói:
“Lời này chướng tai quá, ai mà tiếp tục nghe nổi?”.
Không làm dịu bớt bầu không khí căng thẳng,
Đức Giêsu còn đặt ra cho những người nghe mình một câu khó trả lời. Sau khi đã
loan báo cái chết của mình là nguồn mạch sự sống cho thế gian, bây giờ Ngài đề
cập đến việc Ngài trở về với Cha. Ngài nói với họ: "Điều đó, anh em lấy
làm chướng, không chấp nhận được ư? Thế thì anh em thấy Con Người lên nơi đã ở
trước kia thì sao?”.
Lần này thì quá lắm rồi! Tác giả Tin Mừng viết
tiếp: “Từ lúc đó rất nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa”.
- Chính lúc đó, lúc mà hầu như mọi người bỏ
rơi mình, Đức Giêsu quay sang “nhóm mười hai” (hạt nhân của một dân mới) là tên
mà Tin Mừng thứ bốn gọi lần đầu tiên. Ngài nói với họ, thúc ép họ phải có một
chọn lựa dứt khoát: hoặc bỏ đi hoặc ở lại và theo Ngài cho tới Lễ Vượt Qua của
Ngài, như Ngài đã hỏi họ tại miền Cêsarê Philipphê (Mt 16,15; Mc 6,14-15; Lc
9,7-8): “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi sao? "
2. Và lời tuyên xưng đức tin của
Simon Phêrô:
Simon-Phêrô nhân danh “nhóm mười hai"
(ông xưng hô ở ngôi nhất số nhiều) tuyên bố sự gắn bó của các ông với Đức
Giêsu: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đi với ai? Thầy mới có những lời đem
lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và biết rằng chính Thầy là
Đấng Thánh của Thiên Chúa”
+ Thánh Phêrô bắt đầu: “Chúng con biết đi với
ai?”. Tác giả Tin Mừng đặt trên môi Phêrô động từ “đi" là động từ đã được
dùng trước đó để chỉ sự “rất nhiều môn đệ" bỏ rơi Thầy.
Rõ ràng, ngược lại với đám đông môn đệ đó,
“nhóm mười hai” đã dấn thân theo Thầy.
+ Chính việc mạnh mẽ tuyên xưng đức tin đã
làm tan biến mọi do dự; tuyên xưng đức tin không phải là gắn bó với những chân
lý trừu tượng, nhưng với con người Đức Giêsu: “Thầy có…Thầy là”. X. Léon-Dufour
chú giải: Lời tuyên xưng đức tin của “Phêrô vọng lại điều Đức Giêsu vừa mạc
khải: Lời Ngài là “sự sống đời đời". Phêrô mặc nhiên hoàn toàn chấp nhận
tất cả nội dung của diễn từ mà các môn đệ khác xét là không thể nhận được. Chắc
chắn, theo tình hình câu chuyện được kể lại trong Tin Mừng, ông vẫn chưa hiểu
hết ý nghĩa trọn vẹn những lời Đức Giêsu, nhưng ông đã tin tưởng vào điều chính
yếu nhất, đó là sứ điệp của Đức Giêsu đem đến sự sống đời đời. ("Lecture
de Evangile selon Jean", tập 2, Seuil, tr. 1 88)
Và trong lời tuyên xưng đức tin, Phêrô đã
dành cho Đức Giêsu một danh hiệu chưa từng có: “Thầy là Đấng Thánh của Thiên
Chúa", nghĩa là Đấng mang trong chính mình một cái gì thánh thiện của
chính Thiên Chúa.
X Léon-dufour đặt câu hỏi: “Đấng Thánh của Thiên
Chúa nói lên điều gì? Đây là một tên gọi hãn hữu, khó giải thích. Phêrô không
dừng lại một tên nào mà Đức Giêsu đà sử dụng trong diễn từ để chỉ chính Ngài
(Con, Bánh trường sinh, Đấng Thiên sai, Con Người); thậm chí ông cũng không
dùng một danh hiệu truyền thống nào về sự mong đợi Đấng Cứu Thế trong đạo Do
thái... Điều đặc biệt ở đây là Phêrô đã diễn tả Đức Giêsu là ai theo cách của
riêng ông. Phải chăng ông lập lại danh hiệu này theo thánh vịnh 16, trong đó có
nói đến danh hiệu “Đấng Thánh của Ngài", theo bản dịch Bảy mươi? (xem Tông
đồ công vụ 2,27). Thánh vịnh này ca tụng tình thân mật sâu xa giữa Thiên Chúa
và người cầu nguyện; phải chăng Phêrô cũng muốn nói đến tình thân mật sâu xa
giữa Đức Giêsu với Thiên Chúa? Đức Giêsu đã công bố sự kết hợp giữa Ngài với
Chúa Cha (5, 19-30), sau đó, Ngài còn loan báo mình đã được “Thiên Chúa thánh
hiến" (10,6; 17,19). Danh hiệu “Đấng Thánh Của Thiên Chúa" cao vượt
hơn danh hiệu "Thiên Sai” rất nhiều và thích hợp với danh hiệu “Con Thiên
Chúa" mà Simon-Phêrô tuyên xưng trong Mátthêu 16, 16" (Sách đã dẫn,
tr. 189)
- Trong cơn khủng hoảng Giáo hội hiện phải
đương đầu, các Kitô hữu ngày nay cũng đang đứng trước câu hỏi cốt yếu xưa kia
Đức Giêsu đã đặt ra cho các môn đệ Ngài: câu hỏi về căn tính con người của
Ngài, về sứ vụ của Ngài và về sứ vụ của Giáo Hội. Dựa trên đức tin của
Simon-Phêrô và nhóm Mười Hai, chúng ta có cương quyết chọn đi theo Đức Giêsu để
trở nên nhân chứng cho Tin Mừng mà thế giới đang mong đợi không?
BÀI ĐỌC THÊM
1. Đức tin: một cuộc mạo hiểm
(H.Vulliez, "Thiên Chúa rất gần, năm B”,
DDE3, tr.141-142)
“Cuộc khủng hoảng rất trầm trọng. Nó lan tới
cả những người thân cận với Đức Giêsu. Đây là một khủng hoảng về niềm tin đưa
đến mọi đổ vỡ. “Diễn từ bánh trường sinh”, một trong những đỉnh cao của sứ
điệp, mang dáng dấp một thất bại thảm não. Đủ rồi! không hiểu biết, thất vọng,
bối rối vọng lên từ những tiếng xầm xì... Trước đám người lạc hướng hoặc thù
nghịch này, sao Đức Giêsu không bớt giọng một chút? Ngài có thể nắm họ trong
tay nếu làm họ cảm động. Nhưng không thế! Không có một nhượng bộ nào! Không có
một dễ dãi nào để người ta dễ tin vào chân lý hơn.
Đức Giêsu thậm chí đã sẵn sàng để nhìn cảnh
các tông đồ bỏ đi Đối với Ngài, trung tín với Chúa Cha, với Lời, nguồn mạch của
tất cả hiện hữu, là trên hết. Chính Ngài là Ngôi Lời trở thành xác thể; là Lời
Thiên Chúa hiện thân trong xác phàm. Rõ ràng chính đó mới là điều không thể
chấp nhận được.
“Còn anh em, anh em có muốn bỏ đi
không?" Bỏ đi, không ở lại là một tình huống rất có thể xảy ra, ngay cả
đối với những người bạn thân nhất. Ngài còn đưa ra câu hỏi lấp lửng như thế
chất vấn thính giả của mình: “Thế thì khi anh em thấy Con người lên nơi ở trước
kia thì sao?"
Nicôđêmô đã không còn chỗ bám víu để rồi cuối
cùng hiểu được ông phải “sinh lại" cách nào. Ông đã tin. Chỉ có Đức tin
mới soi sáng cho chúng ta hiểu xa hơn những gì từ ngữ nói lên, những gì chúng
ta nghĩ rằng mình đã hiểu, những gì chúng ta tưởng tượng, kể cả những gì chúng
ta tin rằng mình đã tin. Xa hơn? 'Người ta ngừng bước... hãy đi xa hơn. Người
ta ngừng bước khi không còn lắng tai nghe... hãy vượt xa hơn. Người ta bám lấy
những ý kiến riêng, kể cả những thành kiến riêng. Người ta từ chối không chịu
nhúc nhích, không chịu để mình bị thúc ép.
Tin, chính là nhận ra ánh sáng le lói bên kia
những từ ngữ, bên kia những nghi lễ. Tin cũng còn là ‘cảm’ Lời và được nuôi
dưỡng bằng Lời.
2. Tin vào Đấng Thiên Chúa sai
đến và bước theo Ngài
(J. Guillet. trong "Đức Giêsu trong niềm
tin của những môn đệ đầu tiên", Desclée de Brouwer. 1995, tr.82-84).
“Giữa sự tuyên xưng đức tin tại Capharnaum và
tại Cêsarê có những điểm giống nhau lạ lùng, tuy nhiên giống về hoàn cảnh và
nội dung hơn là ngôn từ (...) Đó là lúc khủng hoảng, là giây phút chọn lựa
(...)
Chịu ảnh hưởng của Maccô nên ngay khi bắt đầu
câu chuyện, các tác giả Tin Mừng nhất lãm đã cho thấy một câu hỏi nổi cộm về
nhân vật Giêsu. Đứng trước uy thế phát xuất từ lời Người nói, sức mạnh từ các
phép lạ Người làm, và nhất là lời Người khẳng định mình là Bánh Hằng Sống, mọi
người thắc mắc hỏi nhau: Đức Giêsu là ai? Câu hỏi này có liên quan trực tiếp
đến số phận của dân Do thái và số phận của chính Đức Giêsu, bởi vì sự chúc phúc
mà Abraham lãnh nhận đã gắn liền số phận của Israel với số phận của tất cả mọi
dân tộc. Đó là vấn đề phần rỗi của cả nhân loại. Trung tâm của vấn đề trọng đại
và lớn rộng này là nhân vật Giêsu và sự đón tiếp Người. Đây cũng là vấn đề đức
tin: dưới ánh sáng của Thiên Chúa, các tác giả Tin Mừng nhất lãm trình bày làm
thế nào Phêrô là người đầu tiên đã biết trả lời cho Đức Giêsu và nhờ đó dẫn
Giáo Hội vào con đường cứu rỗi.
Nơi Gioan. với cách trình bày khác, câu trả
lời của Phêrô chứa đựng cùng một nội dung và phát xuất từ cùng một niềm tin:
Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa, Thầy từ Thiên Chúa mà đến, Thầy thuộc về một
thế giới mà loài thụ tạo không thể tiếp được thế giới của mọi ước vọng, thế
giới của Thiên Chúa Cực Thánh. Tất cả mọi hình thức đức tin đều giống nhau về
điểm này. Nhưng theo cách riêng của mình, Tin Mừng Gioan đã đem đến cho lời
tuyên xưng đức tin này một tầm mức hết sức quan trọng. Lời tuyên xưng đó được
đặt vào một bối cảnh hết sức rộng lớn. Bối cảnh đó là số phận dân Israel và
lịch sử của họ. Suốt chương VI, rất nhiều chi tiết cho thấy những diễn tiến từ
lúc Đức Giêsu sang bờ bên kia biển hồ Galilê (6, 1) cho đến lúc Phêrô tuyên
xưng đức tin và Đức Giêsu khen ông đều diễn ra song hành với những biến cố lớn
của sách Xuất hành diễn tả sự ra đời của dân tộc Israel.
Những điểm tương cận đó mang một ý định rõ
rệt. Đàng sau những trùng hợp này, Gioan lưu ý đến mối liên hệ sâu xa giữa biến
cố Xuất Hành, giải phóng dân riêng, vượt biển Đỏ, băng qua sa mạc, và kinh
nghiệm mà Đức Giêsu muốn các môn đệ Người trải qua. Theo Môsê ngày xưa và theo
Đức Giêsu hôm nay tự căn bản, tiến trình cũng là một. Giữa những đồng bào thù
nghịch và trong một tương lai đen tối, vấn đề là nhận ra, nơi con Người mà bề
ngoài như bất lực kia, sự hiện diện của Thiên Chúa và quyền năng Người, cũng
như nhận ra sự đảm bảo một tương lai hạnh phúc. Vấn đề cũng là bước theo Người,
và sống niềm tin như Abraham xưa kia và Đức Giêsu Kitô ngày nay.
3. Trở thành môn đệ và chứng nhân
cho Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô.
(Thư Hội Đồng Giám Mục gởi cho người công
giáo Nước Pháp, Cerf, tr. 19-21)
"Vào cuối thế kỷ XX này, người công giáo
Pháp ý thức rằng mình đang phải đối đầu với một tình thế nghiêm trọng. Triệu
chứng của tình thế này thì nhiều và đôi khi đáng ngại. Dĩ nhiên, không được quá
thổi phồng cơn khủng hoảng hiện nay: báo cáo của Hội đồng Giám mục về
"trình bày đức tin cho thế giới hôm nay" cho thấy ngay giữa những khó
khăn, nhiều tín hữu đã đương đầu với thử thách đức tin. Họ là những người đã
tìm thấy nơi Giáo hội những lý do để tin, để đối đầu với những khó khăn trong
cuộc sống, và để dấn thân lãnh nhận trách nhiệm trong đời sống xã hội.
Nhưng không phải vì thế mà chúng ta bưng bít
những dấu hiệu đáng lo, đó là số người đi lễ nhà thờ giảm sút, ký ức Kitô giáo
phần nào mất đi, và sự phục hồi khó khăn. Ngày nay, trong xã hội chúng ta,
chính chỗ đứng và tương lai của đức tin bị đặt thành vấn đề.
Chính trong bối cảnh xã hội này, từ Tin Mừng,
chúng ta có thể chọn lựa những gì phù hợp để giúp thế giới phát triển, nhưng
cũng không quên Tin Mừng có thể phản bác lại trật tự của thế giới và xã hội khi
trật tự này trở nên vô nhân.
Tóm lại, chúng tôi nghĩ rằng thời buổi hiện
tại không bất lợi cho việc loan báo tin Mừng hơn những thời kỳ trước đây. Trái
lại, tình thế nghiêm trọng hiện nay càng thúc đẩy chúng ta trở về nguồn của đức
tin cũng như thúc đẩy chúng ta trở nên những môn đệ và chứng nhân cho Thiên
Chúa của Đức Giêsu Kitô một cách cương quyết hơn và dứt khoát hơn".
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà
Lạt
QUYẾT ĐỊNH CỦA ĐỨC TIN
CÂU HỎI GỢI Ý
1. Giai thoại này có tầm quan trong thế nào
trong đời Chúa Giêsu và trong viễn tượng thần học của Gioan?
2. Câu 62 ám chỉ cái gì bí mật?
3. Nếu "xác thịt không ích gì”, thì xác
thịt của Con Người mà ta phải ăn để được sự sống vĩnh cửu có ích gì không? Phải
chăng có mâu thuẫn?
1. Diễn từ về Bánh sự sống là
nguồn gốc của một cuộc khủng hoảng sứ vụ tại Galilê.
Các Tin Mừng Nhất lãm cũng nhận rằng một
khủng hoảng như thế đã được khai mào trong quê hương Chúa Giêsu ngay giữa bà
con Người, sau khi Người giảng dạy trong các hội đường của họ (Mt 13-54; Mc
6,1; Lc 4,15). Ở đó cũng vậy, bác luận căn bản phát xuất từ chỗ người ta biết
quá rõ nguồn gốc của Người (6,42).
Gioan đã mô tả khủng hoảng này cho đến cao
điểm của nó. Ông thấy trong đó không phải chỉ là một sự chống đối thoáng qua.
Luôn luôn cái trước trình thuật, ông rút ra từ hoàn cảnh đang mô tả những triệu
chứng của sự chối từ quyết liệt, của sự bội phản Giuđa và của âm mưu người Do
thái. Con Người đến loan báo thời đại cánh chung, nên thái độ người ta đối với
Người mang một giá trị vĩnh cửu. Ngay từ giai đoạn hôm nay, các lập trường đã
có tính cách quyết định và Tin Mừng, một cách nào đó, có thể trực tiếp nhảy qua
chương 13, qua chứng từ về "Giờ"nhưng chương ở giữa 7-12. chỉ đề cập
đến những giờ cuối cùng của cuộc đời Chúa Giêsu là Chúa Giêsu quá biết rõ là
việc mặc khải của mình cho người Do thái hầu như sẽ vô ích (9,4; 11,9; 12.35).
Căn cứ vào những điều đã nhận xét, Người có thể lên án người Do thái ngay bây
giờ (8,26.50). Sở dĩ Người không làm chuyện đó và vẫn tiếp tục công việc mặc
khải, ấy chỉ vì ngày giờ của Người đã được ấn định bởi Chúa Cha. Dân cứng tin
sẽ chỉ bị phán xét khi nào giờ của Người đến (12,31). Trên nguyên tắc, bản án
đã được tuyên bố rồi, song chưa có uy lực quyết tụng (9,39). Việc mặc khải của
Con Người, đáng lẽ phải là một sự trao ban sự sống vĩnh cữu, thì thực tế lại
trở nên một phán quyết truất hữu, không xâm nhập được vào tận đầu óc của người
Do thái luôn khép kín trước mặc khải thần linh và cánh chung đó. Thế mà sự từ
chối mặc khải cánh chung tất yếu bao hàm một phán quyết cánh chung. Do đấy, nảy
sinh một sự mâu thuẫn: một đàng, đây là cơ may cuối cùng của người Do thái,
đàng khác hạn kỳ để chọn lựa sẽ chỉ hết vào Giờ Chúa Giêsu.
2. Chúa Giêsu chẳng cần phải nghe
những gì người Do thái và các môn đồ giả nói mới biết (x. 5,6) họ không đồng ý
với Người. Phải chăng việc ám chỉ đến cái chết của Người và đến ý nghĩa cứu
chuộc của cái chết ấy làm cho họ vấp phạm?
Đúng! Sau này cũng vậy, mặc dù đã được báo
trước (16,1), họ vẫn coi cái chết của Người là một cớ vấp phạm (Mc 14,27; Mt
26,31). Chúa Giêsu đã làm gì với mức độ phát triển của đức tin họ như thế?
Người có tìm cách trấn an họ bằng cách giải thích sao cho vấn đề trở nên dễ
chấp nhận hơn chăng? Chắc chắn đó không phải là thói quen hành động của Chúa
Giêsu trong Tin mừng thứ tư. Trái lại, đứng trước thính giả không hiểu lời
Người, Chúa Giêsu thường phản ứng bằng cách ám chỉ đến một mặc khải quan trọng
hơn là mặc khải về tận cùng của cuộc sống bản thân. Trước đó, trong diễn từ về
bánh, người ta cũng đã tìm được một ám chỉ về cái chết của Người (6,51) và
chính lời ám chỉ này đã gây nên cuộc bàn cãi dẳng dai giữa người Do thái. Lời
ám chỉ thứ hai chỉ là để xác nhận lời ám chỉ thứ nhất. Không rút lời lại, cũng
chẳng nhượng bộ trước bác luận của họ, Chúa Giêsu đưa ra một ám chỉ mới liên
quan đến một giai thoại cuối đời Người: Thăng thiên. Và lời ám chỉ này nặc khải
yếu tố thần linh mà ta phải giả thiết là có nếu muốn hiểu ý nghĩa cứu sống của
cái chết Chúa Giêsu. Như thế, hai khía cạnh của Giờ được đưa ra ánh sáng: khía
cạnh mặc khải cũng như khía cạnh cứu chuộc (3, 13-15). Và đồng thời cái lý do
cuối cùng của việc "từ trời xuống" cũng được giải bày minh bạch trong
chương 6 Gioan. Bởi vì việc lên trời mang lại mặc khải hoàn toàn về Con người
xuống thế là về nguồn gốc thần linh của Người: vào lúc đó Chúa Giêsu mới đảm
nhận chức vụ Con Người, lúc đó nguồn gốc thiên giới của người mới hoàn toàn tỏ
lộ. Vì Người lại lên nơi đã ở từ trước. Như vậy Thăng Thiên vừa là mặc khải về
Con Người (1,51; 3,13; 6,62) vừa là mặc khải về Con (20, 17). Đối với Phaolô
cũng vậy: giây phút cuối đời Chúa Giêsu, hay đúng hơn sự Phục sinh của Người,
là lúc mà Chúa Giêsu trở nên hay lại trở nên thực sự chính Người: bấy giờ Người
trở nên Chúa, Con Thiên Chúa quyền năng (Rm 1,4) thu hồi lại những ưu phẩm của
thần tính Người (Pl 2,6-11) Sự cứu rỗi là nhận biết Chúa Giêsu ấy (2Cr 5,16).
Việc giải thích các câu 53-63 như vậy thật rất chặt chẽ.
Một vài nhà chú giải đã tìm cách giải thích
các câu này theo một đường hướng khác bằng cách xem mấy chữ "Và khi các
ngươi thấy Con Người lên nơi Người đã ở trước" như một lời tiên báo việc
đóng đinh trên thập giá (Cyrille, Maldonat, Tolet, Schanz) vì xét rằng, đối với
Gioan. Giờ của Chúa Giêsu là giờ Người bị nâng cao trên thập giá và được vinh
hiển. Nhưng ở đây, lối giải thích này ít xác đáng vì hai lý do:
1/ Động từ amabainein "lên" không
bao giờ tương đương với động từ hupsôthênai "giương cao" trong Tin
mừng thứ tư cả (3,14; 12,32-34)
2/ Việc gương cao trên thập giá không đặt
Chúa Giêsu vào nơi mà Người đã ở trước. Vì thế, hình như bắt buộc phải hiểu
nghĩa Thăng thiên.
Ý kiến này được đa số chấp nhận. Người ta cỏn
có thể tranh luận về cách thức bổ túc câu này, là câu chưa chấm dứt và do đó có
vẻ tối nghĩa, có lẽ do chủ ý. Nhưng dầu sao, chính mầu nhiệm Thăng Thiên sẽ đưa
ra giải đáp đúng nhất cho các khó khăn.
3. “Thần khí mới tác sinh, xác
thịt thì không ích gì" (c 63)
Phải chăng những lời này muốt bảo: chỉ có
Thần khí mới ban sự sống còn xác thịt của Con Người thì không có ích chi? Thế
tại sao lại nhấn mạnh đến việc cần thiết phải ăn thịt ấy trong diễn từ về bánh?
Câu này thật là một skandalon, một chướng ngại cho nhiều nhà chú giải.
Người ta năng gặp cách chú giải câu đó như
sau: "Xác thịt không ích gì" có nghĩa là xác thịt vật chất của Chúa
Giêsu sẽ chẳng có một công hiệu cứu rỗi nào nếu không có "thần khí tác
sinh"; điều này giả thiết sự sống lại của Chúa Giêsu, việc Người vượt qua
tình trạng vinh hiển và thiêng liêng, và việc Thần khí can thiệp trên các yếu
tố được thánh thể hóa để làm thành thịt và máu của Đấng Sống lại. Nhưng lối
giải thích này không lưu ý đến sự mạch lạc toàn bộ của diễn từ. Thật vậy từ
c.53 đến 56, Chúa Giêsu nói về thịt Người hoặc thịt của Con Người một cách rất
minh nhiên và quả quyết không chút dè dặt rằng đó thật là một của ăn (c.55)
cung cấp sự sống vĩnh cửu (c 54). Người ta khó mà hiểu làm sao nơt c.63a, Người
nhắc lại cùng một thực tại ấy khi nói về thịt mà chẳng xác định là thịt Người,
và liều mình tương đối hóa lời tuyên bố của Người trước đó mấy câu. Sau hết,
ngay tiếp theo c.63a Người bảo: "Lời Ta đã nói với các ngươi là Thần khí
và là sự sống''. Câu này cho thấy rõ ràng quyền lực Chúa Giêsu đang có khi
Người tuyên bố nó ra. hình như không chắc là ở đây Người bảo thịt Người chẳng
lợi ích gì cả, vì như thế thì không còn mạch lạc giữa lời nầy với các lời
trước.
Thật ra, hợp lý hơn khi giả thiết rằng trong
c.63, không còn vấn đề thịt Chúa Giêsu, thịt được hy tế cho chúng ta, dấu chỉ
hữu hiệu của tình thương Người và lương thực nuôi sống chúng ta nữa, nhưng là
xác thịt nói chung, là nhân tính chúng ta, nhân tính bất lực trong việc cứu rỗi
chính mình cũng như đón nhận ơn cứu rỗi và chân lý do Chúa Giêsu mang đến (x.
Mt 16;17). Bản văn không bàn tới sự đối nghịch giữa "Thịt Ta -Thần
Khí", nhưng tới sự đối nghịch, theo quan niệm sêmita, giữa Thần khí - xác
thịt là ngày nay ta đến tả dưới hai ý niệm nhân loại thần linh (x. 3,6). Các
người Do thái bực tức trước những lời nói của Chúa Giêsu. Vì, noi theo người
đại tiện nổi tiếng của họ là Nicôđêmô, họ chỉ xét mọi sự dưới khía cạnh phàm
trần mà không để ý gì đến những khả hữu tính thần linh. Khi phê phán những lời
của Chúa Giêsu trong ý nghĩa nguyên thủy của chúng cũng như trong lối giải
thích của Gioan trên những nền tảng nhân loại, thì những lời nói ấy hiển nhiên
là phi lý. Nhưng đọc những lời nói đến sự sống vĩnh cửu trong một viễn tượng
nhân loại thì lại còn phi lý hơn.
CHÚ GIẢI CHI TIẾT
"Nhiều môn đồ nói ..."
Tiếng Hy lạp pelloi có thể hiểu là ‘nhiều'
hay ‘khá nhiều’, nghĩa đầu mạnh hơn nghĩa sau; ở đây cũng như ở chỗ khác, không
thể nào xác định được. Cũng chẳng rõ là số "môn đồ'' ấy có bao hàm nhóm
Mười hai hay không. Tuy nhiên, dựa vào việc Phêrô xem ra nhân danh nhóm Mười
hai để minh định lập trường, nên có lẽ không được liệt nhóm Mười hai vào số các
môn đồ lẩm bẩm kêu ca Chúa Giêsu, ngoại trừ Giuđa, vì Chúa Giêsu đã gọi y là
"quỷ sứ" (6,70).
"Lời chi mà sống sượng
thế"
Không phải là khó hiểu, nhưng đúng hơn là khó
nuốt, khó chấp nhận.
"Vì chưng ngay từ đầu, Chúa
Giêsu đã biết kẻ sẽ nộp Người là ai"
Không chắc Gioan muốn nói với độc giả là Chúa
Giêsu đã biết sự bội phản tương lai của Giuđa ngay khi Người gọi ông làm sứ đồ.
Tiếng từ đầu không buộc phải hiểu như vậy; hơn nữa một sự hiểu biết như thế của
Chúa Giêsu sẽ khiến việc chọn Giuđa thành khó giải thích, đó là chưa kể nó
không mấy phù hợp với bản tính nhân loại thực sự của Chúa Giêsu. Nếu cho rằng
Chúa Giêsu chỉ khám phá ra là Giuđa không đáng tin cậy sau khi đã sống thân mật
với ông một thời gian, thì tiếng ngay từ đầu mới có thể biện minh được.
"Từ đó"
Thành ngữ ektoutou, ngoài nghĩa thời gian,
còn có thể có nghĩa nguyên nhân (như trong các chỉ cảo): Gioan muốn bảo rằng sự
đào ngũ đông đảo mà ông đang đề cập có nguyên nhân trực tiếp là giáo thuyết mà
Chúa Giêsu vừa đề ra.
"Ngài có những lời đem đến
sự sống đời đời"
Nói cho đúng, phải dịch câu này như sau:
"Ngài có nhiều lời ban sự sống đời đời" (TOB). Nhưng ở đây, như
thường thấy trong Gioan, việc thiếu quán từ có lẽ là do ảnh hưởng của căn ngữ
sêmita. Do đó, cách dịch của BJ có thể bào chữa được.
KẾT LUẬN
Các lập trường đã chọn lựa xong, các phe nhóm
đã phân chia rõ ràng. Giuđa và người do thái có thể chuẩn bị vụ án Chúa Giêsu.
Thật ra, chính Con người sắp xử án dân bị loại bỏ của Thiên Chúa, giữa niềm vui
của ngày lễ Lều Trại và lễ Đền thờ là hai đại lễ của dân "được tập
họp" của Thiên Chúa (Ga 7-10).
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Phần kết luận của diễn từ về bánh sự sống
dẫn đưa chúng ta tới cao điểm của cơn khủng hoảng từ đó phát sinh cuộc Khổ nạn
của Chúa Giêsu. Chúa đã hỏi một số lời bắt người ta phải chọn lựa: hoặc tin vào
Người, hoặc từ chối không tin.
2. Sở dĩ một số môn đồ kêu ca khó chịu và từ
chối tin, là vì họ có một cách thức hiểu lời Chúa Giêsu. Hoặc họ từ chối, hoặc
đối với một vài kẻ, chưa đến giờ tin, tất cả là vì họ không hiểu lời Chúa Giêsu
trong Thần khí. Họ chẳng chịu vượt qua sự hiểu biết vật chất và xác thịt về
những lời của Người. Tại sao vậy? Vì tâm hồn họ không ở trong tình trạng đón
tiếp. Tâm trí họ đóng kín trước điều mới mẻ. Họ giam mình trong thế giới vật
chất mà họ coi là dễ chấp nhận hơn. Điều Chúa Giêsu nói không thể nào có được
xét theo con người, thành thử họ loại bỏ. Điều bất hạnh cho họ nằm trong câu
hỏi: Điều gì không thể được đối với Thiên Chúa? Ở đây, họ tỏ ra thiển cận, chỉ
muốn phê phán điều có thể và không có thể; họ chẳng có ý định đi tìm quan điểm
mà từ đó một số tâm hồn đơn sơ tự nhiên thấy được lối vào trong cái vô biên của
thực tại, thực tại Thiên Chúa. Chúng ta đang đứng trước một trường hợp điển
hình của sự tự mãn ngoan cố và hẹp hòi của trí tuệ con người chỉ muốn phủ nhận
cái bên kia những chân trời của nó. Các sứ đồ dã có được phản xạ cứu thoát họ.
Được ân sủng bên trong của Thần khí trợ giúp, họ đã vượt thắng được sự khó hiểu
bằng cách trung thành với Chúa Giêsu chỉ Người là "Đấng Thánh của Thiên
Chúa".
3. "Nhưng trong các ngươi, có những kẻ
không tin". Hãy tự vấn xem câu này có liên can đến chúng ta, là những tín
hữu của thế kỷ XX không? Việc đọc và nghe lời Chúa Giêsu làm chúng ta đặt lại
vấn đề. Chúng ta có cho những lời ấy là quan trọng, có thực sự muốn lao công vì
"lương thực sẽ lưu lại mãi đến sự sống đời đời" (6,27), có muốn tiếp
nhận lương thực ấy bằng cách ăn uống Thịt Máu của con Người và thông hiệp vào
cuộc khổ nạn của Người không? Nếu không, chúng ta hãy thành thật thú nhận:
"Lời chi mà sống sượng thế ”. Ai nghe được (c 60) và hãy rút ra những hậu
quả. Chúng ta đừng hy vọng đánh tráo: "Bởi chưng ngay từ đầu Chúa Giêsu đã
biết ai là những kẻ không tin và ai là kẻ sẽ nộp Người. Và Người nói: Vì thế Ta
đã bảo các ngươi: không ai có thể đến với Ta trừ phi là đã được Cha ban
cho". Lúc chúng ta quyết định, thì Chúa Giêsu nhắc lại rằng rốt cuộc đức
tin của chúng ta không thể căn cứ vào những nhận xét, những suy diễn hoặc những
cảnh tượng chủ quan, những căn cứ vào mặc khải mà Thiên Chúa ban cho chúng ta
về nhân cách đích thực của Chúa Giêsu và về tương quan giữa ta với Người.
4. Thánh Thể là bí tích và là chiến thắng của
sự bé nhỏ Tin Mừng: trong Thánh Thể chúng ta là con và lại được trở thành con
cái Thiên Chúa. Vì để tin rằng Thiên Chúa đến với chúng ta dưới hình bánh, thì
phải có một tâm hồn của trẻ nhỏ, cởi mở đón nhận những điều diệu kỳ của Thiên
Chúa. Hãy nhớ lại câu nói rất mạnh của thánh Tôma: "Chúng ta luôn luôn như
là đứa bé trong lòng mẹ trên trần gian này". Chúng ta đang ở vào thời gian
con nhộng. Trong thế giới bên kia, con bướm sẽ ra khỏi bóng tối của nó và sẽ
triển nở trong ánh sáng chan hòa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét