Thứ Bảy sau Chúa Nhật 13 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm I) St 27, 1-5. 15-29
"Giacóp chiếm vị và trộm lấy chúc lành của anh".
Trích sách Sáng Thế.
Isaac đã già, mắt loà không còn trông thấy được nữa. Ông gọi con trai cả là Êsau mà bảo rằng: "Hỡi con". Êsau thưa: "Dạ, con đây". Ông nói tiếp: "Con thấy cha đã già rồi, cha không biết ngày nào cha chết. Con hãy lấy khí giới: cung, tên, rồi đi ra ngoài; khi săn được gì, con hãy lấy mà dọn món ăn mà con biết cha ưa thích, rồi đem cho cha ăn, và cha sẽ chúc lành cho con trước khi cha chết".
Bà Rêbecca nghe lời ấy (...) và khi Êsau ra đồng để thi hành lệnh của cha (...) thì bà lấy áo tốt của Êsau mà bà vẫn giữ trong nhà, đem mặc cho Giacóp. Bà lấy da dê mà bọc tay và quấn cổ Giacóp. Ðoạn bà lấy cháo và bánh đã nấu trao cho Giacóp...
Giacóp bưng lên cho cha mà nói rằng: "Thưa cha". Isaac nói: "Cha nghe rồi. Hỡi con, con là ai?" Giacóp thưa: "Con là Êsau trưởng nam của Cha. Con đã làm như cha dạy, xin cha chỗi dậy, ngồi ăn thịt con đã săn được để cha chúc lành cho con". Isaac lại nói với con: "Hỡi con, lẽ nào con săn được mau như thế?" Giacóp thưa: "Thánh ý Thiên Chúa đã định, nên con chóng được như ý muốn". Isaac bảo rằng: "Hỡi con, con hãy lại đây để cha rờ thử xem con có phải là Êsau con của cha hay không". Giacóp tiến lại gần cha. Isaac rờ con mà nói: "Tiếng nói là tiếng Giacóp, còn tay lại là tay Êsau". Ông không nhận ra được, vì tay (cậu) có lông như tay anh cả. Vậy ông chúc lành cho con mà nói: "Con có phải là Êsau con cha thật không?" Giacóp đáp: "Thưa phải". Ông nói tiếp: "Hỡi con, hãy đem cho cha ăn thịt săn của con, để cha chúc lành cho con". Khi ông ăn đồ con đem đến xong, con ông lại đem rượu cho ông uống. Uống xong, ông bảo con rằng: "Hỡi con, hãy lại đây hôn cha". Giacóp lại gần hôn cha; ông ngửi thấy mùi thơm của bộ áo con, thì chúc lành cho con mà rằng: "Mùi thơm của con ta như mùi hương cánh đồng phì nhiêu mà Chúa đã chúc phúc. Xin Thiên Chúa ban cho con những giọt sương trời, giải đất mầu mở, lúa miến và rượu nho dư đầy. Các dân tộc sẽ suy phục con, các chi họ sẽ sấp mình trước con. Con hãy làm chủ các anh em con, các con cái của mẹ con sẽ phủ phục trước mặt con. Ai nguyền rủa con, thì sẽ bị nguyền rủa; và ai chúc lành cho con, thì sẽ được đầy phúc lành".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 134, 1-2. 3-4. 5-6
Ðáp: Các ngươi hãy ngợi khen Chúa, vì Người nhân hậu (c. 3a).
Xướng: 1) Các ngươi hãy ngợi khen danh Chúa, hãy ngợi khen Chúa, hỡi các tôi tớ của Người là những kẻ đứng trong nhà Chúa, trong tiền đường nhà Chúa chúng ta. - Ðáp.
2) Các ngươi hãy ngợi khen Chúa, vì Người nhân hậu; hãy ca tụng danh Chúa, vì danh Người rất ngọt ngào. Vì Chúa đã chọn Giacóp cho mình, đã chọn Israel làm sở hữu. - Ðáp.
3) Tôi đã nhận biết Chúa cao cả, Thiên Chúa chúng tôi vượt lên trên hết thảy các thần. Mọi sự Chúa muốn Chúa đã làm, trên trời dưới đất, trong biển và nơi các vực thẳm. - Ðáp.
Alleluia: Tv 24, 4c và 5a
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 9, 14-17
"Làm sao các phù rể có thể buồn rầu khi tân lang còn đang ở với họ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, [Chúa Giêsu sang miền Giêsarênô,] các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: "Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?" Chúa Giêsu nói với họ rằng: "Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay. Không ai lấy vải mới mà vá vào áo cũ, vì miếng vải mới làm áo dúm lại, và chỗ rách lại càng tệ hơn. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, bầu da vỡ, rượu đổ ra, và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu da mới, và cả hai được nguyên vẹn".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Thái độ dứt khoát
Phanxicô được mệnh danh là người nghèo của Thiên Chúa, đã làm một cuộc đoạn tuyệt với tất cả những gì thuộc về thế gian để nên giống Chúa Giêsu trong mọi sự.
Trên bước đường theo Ngài, Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào nơi người môn đệ: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình". Nếu chính bản thân mà còn phải từ bỏ, thì huống chi những gì thuộc về thế gian. Thái độ dứt khoát này được Chúa Giêsu làm nổi bật trong cách xử thế của Ngài đối với một số những luật lệ Cựu ước. Trong khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh, thì Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài tự miễn chước. Hành động như thế, Chúa Giêsu muốn nói lên sự độc lập của Ngài và của các môn đệ đối với một số truyền thống cũ. Chúa Giêsu đã minh định thái độ của Ngài khi tuyên bố về sự hiện diện của Tân lang. Ngài chính là Tân lang, là Ðấng Cứu Thế mà con người mong đợi.
Theo truyền thống Do thái giáo, việc giữ chay được liên kết chặt chẽ với việc chờ đợi Ðấng Cứu Thế. Ăn chay có nghĩa là nói lên niềm trông đợi Ðấng Cứu Thế. Căn cứ trên ý nghĩa và mục đích của việc giữ chay như thế, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, do đó các môn đệ không cần giữ chay, bởi vì họ không cần phải trông đợi nữa. Ðó là thái độ hợp thời và hợp lý: họ đang sống bên Chúa Giêsu: thái độ của họ không phải là thái độ buồn sầu, khóc lóc. Thời của Ðấng Cứu Thế không phải là thời của tang chế, ủ dột, mà là thời của hân hoan.
Làm môn đệ Chúa Giêsu, sống với Chúa Giêsu, thái độ của người theo Chúa phải là sống tất cả cho Ngài và vì Ngài. Ðưa ra dụ ngôn chiếc áo và bình rượu, Chúa Giêsu muốn nói rằng thái độ của người môn đệ phải là thái độ dứt khoát tận căn, một thái độ không pha lẫn Tin Mừng với tinh thần thế tục.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xét lại tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu. Mang danh hiệu của Ngài, làm môn đệ của Ngài có nghĩa là phải sống trọn cho Ngài. Nói như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Bảy Tuần 13 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Gen 27:1-5, 15-29; Mt 9:14-17.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã từng nhận định: "Con cái thế gian khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng" (Lk 16:8). Nhưng không phải sự khôn khéo nào của con người cũng tốt lành. Để được coi là khôn ngoan, sự khôn khéo của con người cần được hướng dẫn bởi sự thật; nếu không, nó chỉ là xảo thuật để lừa đảo tha nhân. Hơn nữa, sự khôn ngoan của Thiên Chúa thắng vượt mọi khôn khéo của con người. Ngài có thể dùng chúng để đạt những gì Ngài muốn.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng cho chúng ta thấy sự khôn ngoan của Thiên Chúa và sự khôn khéo của thế gian. Trong Bài Đọc I, vì bà Rebekah muốn quyền trưởng nam thuộc về Jacob như Thiên Chúa đã mặc khải cho bà trước khi sinh hai con (Gen 25:23), nên bà đã dùng kế hoạch khôn khéo để Isaac phải chúc lành cho Jacob. Trong Phúc Âm, các môn đệ của Gioan dùng sự khôn ngoan của con người đến chất vấn Chúa Giêsu: "Tại sao chúng tôi và các người Pharisees ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?" Chúa Giêsu trả lời họ: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Esau bị Rebekah và Jacob tước quyền trưởng nam.
1.1/ Kế hoạch của bà Rebekah: Khi ông Isaac đã già, mắt ông loà không trông thấy nữa; ông bèn gọi Esau, con trai lớn của ông và nói: "Con thấy không, cha già rồi, không biết chết ngày nào. Bây giờ con hãy lấy khí giới của con, ống tên và cây cung của con, ra đồng săn thú cho cha. Con hãy làm cho cha một món ăn ngon như cha thích, rồi đem đến cho cha ăn, để cha đích thân chúc phúc cho con trước khi chết." Theo truyền thống Do-thái cũng như Việt-nam, người cha thường chúc lành cho người con cả; vì người con cả sẽ thay cha để quyết định mọi sự trong gia đình khi cha vắng mặt.
Đang khi ông Isaac nói với Esau, con trai ông, thì bà Rebekah, vợ ông, nghe được. Bà vẫn tin khi Thiên Chúa hứa điều gì, điều ấy phải được hoàn tất; nên bà phác họa một kế hoạch để ý Thiên Chúa được hoàn thành. Trong khi Esau đi ra đồng để săn thú mang về; bà Rebekah lấy áo của Esau, con trai lớn của bà, áo sang nhất mà bà có ở nhà, và mặc cho Jacob, con trai nhỏ của bà.
Bà lấy da dê non mà bọc lấy tay và phần cổ nhẵn nhụi của cậu. Rồi bà đặt món ăn ngon và bánh đã làm vào tay Jacob, con bà.
1.2/ Isaac chúc lành cho Jacob:
(1) Thiên Chúa dùng con người để đạt những gì Ngài muốn: Trong sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa, Ngài vẫn dùng sự khôn khéo và sức mạnh của con người để đạt những gì Ngài muốn. Chẳng hạn, Ngài dùng cái roi là Vua Babylon để sửa phạt Israel; nhưng khi đã sửa phạt xong, Ngài lại bẻ gẫy cái roi Babylon bằng cách trao vương quốc Babylon vào tay Cyrus, vua Ba-tư. Chính vua này đã thi hành ý định của Thiên Chúa qua việc phóng thích dân Do-thái khỏi cảnh lưu đày, cho hồi hương về Jerusalem, và giúp họ xây dựng lại Đền Thờ và quê hương. Điều này chứng minh cho chúng ta thấy sự khôn ngoan của Thiên Chúa vẫn đang điều khiển mọi quyền lực của thế gian, ma quỉ, và con người.
Trình thuật hôm nay là một ví dụ của sự quan phòng: Thiên Chúa muốn trao quyền trưởng nam vào tay Jacob, và Ngài dùng sự khôn khéo của bà mẹ Rebekah để thực hiện điều này; mặc dù nhiều người không thể chịu được sự gian dối trắng trợn này.
(2) Thiên Chúa chọn Israel làm dân riêng dù họ không xứng đáng: Mục đích của trình thuật hôm nay cũng muốn dẫn chứng việc Thiên Chúa chọn dân tộc Do-thái làm dân riêng. Ngài chọn vì Ngài thương họ, mặc dù họ chẳng có gì hơn các dân tộc khác: Họ chỉ là một nhóm người nhỏ bé đang làm nô lệ bên Ai-cập; nhưng vì Lời Hứa với các tổ-phụ Abraham, Isaac, và Jacob, nên Ngài đã giải thoát họ khỏi làm nô lệ người Ai-cập và ban Đất Hứa làm sản nghiệp riêng. Lời chúc lành của Isaac cho Jacob hôm nay dẫn chứng những điều này:
- Lời hứa ban Đất Hứa làm gia nghiệp: "Kìa, mùi thơm con tôi như mùi thơm cánh đồng Đức Chúa đã chúc phúc. Xin Thiên Chúa ban cho con, sương trời với đất đai màu mỡ, và lúa mì rượu mới dồi dào."
- Lời hứa chọn làm dân riêng của Thiên Chúa: "Các dân phải làm tôi con, các nước phải sụp xuống lạy con. Con hãy làm chủ các anh em con, và các con của mẹ con phải sụp xuống lạy con. Kẻ nguyền rủa con sẽ bị nguyền rủa, kẻ chúc phúc cho con sẽ được chúc phúc."
2/ Phúc Âm: Phải khôn ngoan để nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa.
2.1/ Ăn chay có mục đích: Khi con người làm bất cứ việc gì, là cho một mục đích; chứ không làm theo hứng, cũng không theo thời, hay thấy người ta làm mình cũng làm. Các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Đức Giêsu rằng: "Tại sao chúng tôi và các người Pharisees ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?"
Đức Giêsu trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay." Câu trả lời của Chúa Giêsu nhắc nhở cho các môn đệ của Gioan biết: một trong những mục đích của việc ăn chay là để một người sống mối liên hệ của họ với Thiên Chúa. Nếu một người đang sống mối liên hệ đó như các môn đệ đang có Chúa Giêsu, các môn đệ chưa cần phải ăn chay. Họ sẽ ăn chay khi Chúa Giêsu rời xa họ.
2.2/ Phải có tinh thần mới để đón nhận mặc khải và đạo lý mới: Nếu con người muốn tiến bộ, họ phải có một tinh thần hay thái độ cầu tiến; nếu không có tinh thần này, họ sẽ giữ chặt những gì họ đã có hay đã biết. Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ để khán giả suy xét:
(1) Không ai lấy vải mới vá vào áo cũ: "vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm." Vải mới có độ co dãn mạnh hơn áo cũ, vì chưa được giặt giũ nhiều. Nếu một người vá vải mới vào áo cũ, nó sẽ co lại và làm cho chỗ rách càng tệ hơn.
(2) Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ: "vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai." Một ví dụ tân thời hiện đại giúp chúng ta dễ hiểu hơn: Các softwares mới ra phải được dùng trong các máy vi tính mới, vì chúng đòi nhiều chỗ để chứa các dữ kiện và một vận tốc nhanh hơn, mà các máy vi tính cũ không thể đáp ứng nổi. Nếu một người ngoan cố cứ dùng các softwares mới này trong máy vi tính cũ của mình, mà không chịu update, họ sẽ chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi.
Trong lãnh vực tri thức cũng thế, để có thể hiểu truyền thống của một nước, người nghiên cứu phải đặt mình trong hoàn cảnh và lối suy tư của dân địa phương; nếu không, họ sẽ không bao giờ hiểu được truyền thống của dân địa phương, và dễ đi tới những phê phán sai lầm. Cũng vậy, để tiếp nhận đạo lý của Chúa Giêsu, người nghe phải có một thái độ cởi mở, họ mới có thể tiếp nhận những mặc khải mới của Chúa Giêsu. Nếu họ cho Lề Luật đã hoàn hảo như các kinh-sư, họ sẽ không muốn tiếp nhận đạo lý của Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải tin Thiên Chúa vẫn đang quan phòng mọi sự cách khôn ngoan trong vũ trụ này. Chúng ta phải biết nhận ra và xử dụng cách khôn ngoan để đạt tới ơn cứu độ.
- Để nhận ra sự khôn ngoan quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta cần có một tinh thần cởi mở, để học hỏi và tiếp thu những khôn ngoan mà Thiên Chúa vẫn không ngừng tiết lộ cho con người.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét