Trang

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

(5) Tài Liệu Làm Việc Của Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015 (phần II, chương III)

(5) Tài Liệu Làm Việc Của Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015 (phần II, chương III)


 
Tác giả: 
 Vũ Văn An

Chương III

Gia đình và đường dẫn tới tính viên mãn của nó

Mầu nhiệm của hôn phối trong tương quan với Đấng Tạo Hóa

56. (22) Trong cùng cách nhìn như trên, phù hợp với giáo huấn của Thánh Tông Đồ, đấng từng nói rằng toàn bộ sáng thế đã được lên kế hoạch trong Chúa Kitô và vì Chúa Kitô (xem Cl 1:16), Công Đồng Vatican II muốn nói lên sự đánh giá cao của mình đối với hôn nhân tự nhiên và các yếu tố giá trị hiện diện trong các tôn giáo (xem Nostra Aetate, 2) và văn hóa khác, bất chấp các giới hạn và bất cập của họ (xem Redemptoris Missio, 55). Sự hiện diện của hạt giống Lời Chúa trong các nền văn hóa này (xem Ad Gentes, 11), về một số phương diện, cũng có thể được áp dụng vào hôn nhân và gia đình nơi rất nhiều xã hội và cá nhân không theo Kitô Giáo. Bởi thế, các yếu tố có giá trị quả có hiện hữu dưới một số hình thức nào đó bên ngoài hôn nhân Kitô Giáo, tuy nhiên, phải đặt căn bản trên mối tương quan bền vững và chân thực giữa một người đàn ông và một người đàn bà, mà dù sao, chúng ta vẫn coi là quy hướng về hôn nhân Kitô Giáo. Với việc lưu ý tới sự khôn ngoan bình dân nơi các dân tộc và nền văn hóa khác nhau, Giáo Hội cũng nhìn nhận loại gia đình này, coi nó như đơn vị căn bản, cần thiết và sinh hoa trái đối với đời sống chung của nhân loại.

57. Giáo Hội biết rõ trình độ cao qúi của mầu nhiệm hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà, một mầu nhiệm được nhìn trong bối cảnh mối tương quan giữa con người được Thiên Chúa và là Thiên Chúa Tạo Hóa dựng nên. Bởi thế, Giáo Hội muốn làm nổi bật ơn thánh nguyên thủy này, một ơn thánh vốn phát sinh từ mối tương quan của kẻ được tạo dựng và Đấng Tạo Hóa và là một phần của trải nghiệm hôn nhân giao ước, mà Thiên Chúa đã cố ý thiết kế để đáp ứng ơn gọi nguyên thủy của hôn nhân và để làm ơn gọi này hoạt động có hiệu quả. Tính nghiêm chỉnh của việc tuân thủ kế hoạch của Thiên Chúa này và lòng can đảm đòi phải có để làm chứng cho nó phải được thời nay trân trọng, khi quan niệm này, một quan niệm liên quan tới mọi mối liên hệ trong gia đình, bị đặt nghi vấn, nếu không muốn nói là chống đối hay bác bỏ thẳng thừng.

Bởi vậy, ngay trong các trường hợp trong đó quyết định tiến tới bí tích hôn phối của những người sống chung với nhau hay kết hôn dân sự chỉ mới ở tình trạng ảo hay ở giai đoạn phôi thai hay chưa được xác định rõ rệt, Giáo Hội vẫn được yêu cầu đừng tránh né nhiệm vụ khuyến khích và nâng đỡ diễn trình phát triển này. Đồng thời, ta có thể làm một điều tốt bằng cách thân thiện cho thấy ta đánh giá cao việc dấn thân họ đã làm và nhìn nhận việc tuân thủ các yếu tố thích đáng trong kế hoạch của Thiên Chúa, một kế hoạch vốn phát xuất từ mối tương quan của kẻ được Thiên Chúa tạo dựng và Thiên Chúa Tạo Hóa.

Một số người nhấn mạnh sự quan trọng cần khai triển việc chăm sóc mục vụ thỏa đáng cho các gia đình kết hôn khác đạo, mà con số hiện đang gia tăng, không phải chỉ tại các lãnh thổ truyền giáo, mà ở cả các nước có truyền thống Kitô Giáo lâu đời nữa.

Sự Thật và Vẻ Đẹp của Gia Đình và Lòng Thương Xót đối với Các Gia Đình Tan Vỡ và Mỏng Dòn

58. (23) Với niềm vui nội tâm và an ủi sâu xa, Giáo Hội mong đợi các gia đình tiếp tục trung thành với các giáo huấn của Tin Mừng, bằng cách khuyến khích họ và cám ơn họ về các chứng từ họ cung hiến. Thực vậy, họ làm chứng, một cách đầy khả tín, cho vẻ đẹp của cuộc hôn nhân bất khả tiêu và trung trinh mãi mãi, trong khi luôn trung thành với nhau. Bên trong gia đình, vốn “có thể gọi là Giáo Hội tại gia” (Lumen Gentium, 11), người ta khởi sự cảm nghiệm được sự hiệp thông có tính Giáo Hội nơi mọi người, một sự hiệp thông phản ảnh Mầu Nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh, nhờ ơn thánh. “Trong gia đình, người ta học được sự cố gắng và niềm vui của việc làm, của tình yêu anh chị em, và của lòng đại lượng trong việc tha thứ cho người khác, một lòng đại lượng luôn được đổi mới, và trên hết, của việc thờ phượng Thiên Chúa trong cầu nguyện và dâng hiến cuộc sống bản thân” (Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 1657). Thánh Gia Nadarét là khuôn mẫu kỳ diệu mà trong trường dạy của nó, ta “hiểu được lý do tại sao ta phải duy trì kỷ luật thiêng liêng, nếu ta muốn vâng theo các giáo huấn của Tin Mừng và trở nên các môn đệ của Chúa Kitô” (Chân Phúc Giáo Hoàng Phaolô VI, Diễn Văn Tại Nadarét, 5 tháng Giêng 1964). Tin Mừng Gia Đình cũng nuôi dưỡng các hạt giống vẫn đang chờ được nẩy mầm; và được dùng làm căn bản cho việc nuôi dưỡng các cây đang héo tàn và không nên bị bỏ rơi.

Dây nối kết thân mật giữa Giáo Hội và gia đình

59. Phúc lành và trách nhiệm của một gia đình mới, được đóng ấn trong Bi Tích Hôn Phối của Giáo Hội, hàm nghĩa: ngay bên trong Cộng Đồng Kitô Giáo, phải có sự sẵn sàng cổ vũ và bênh vực phẩm chất nói chung của giao ước giữa người đàn ông và người đàn bà: ở mọi phạm vi của xã hội, đó là việc sinh sản con cái, việc che chở những người yếu đuối nhất trong xã hội và việc sống chung. Sự sẵn sàng này đòi một trách nhiệm, một trách nhiệm nên được nâng đỡ, nhìn nhận và đánh giá cao.

Nhờ Bí Tích Hôn Phối, mỗi gia đình, dù xét cách nào, cũng vẫn trở nên một thiện ích cho Giáo Hội, là người, đến lượt mình, vốn yêu cầu được coi như một thiện ích cho gia đình mới. Theo viễn tượng này, chắc chắn Giáo Hội, vào lúc này, sẽ cung hiến một ơn phúc quí giá, nếu chịu biểu lộ một sự sẵn sàng muốn khiêm cung xem xét một cách ít thiên vị hơn tính hỗ tương của bonum Ecclesiae này, tức việc Giáo Hội là một thiện ích cho gia đình và gia đình là một thiện ích cho Giáo Hội. Gìn giữ ơn phúc của Chúa trong Bí Tích Hôn Phối, một đàng, là trách nhiệm của cặp vợ chồng Kitô hữu, và đàng khác, là trách nhiệm của cộng đồng Kitô hữu, mỗi đàng mỗi cách riêng. Khi các khó khăn, ngay cả các khó khăn trầm trọng, phát sinh từ việc duy trì cuộc kết hợp hôn nhân, thì việc biện phân các nghĩa vụ và các sa sẩy của mỗi người phải được vợ chồng xem xét một cách không thiên vị, với sự giúp đỡ của cộng đồng, để mỗi người hiểu được, đánh giá được và sửa chữa được những gì đã sa sẩy quên sót.

60. (24) Như một bà thầy đáng tin cậy và một bà mẹ đầy chăm sóc, Giáo Hội thừa nhận rằng chỉ sợi dây hôn phối nào của những người đã chịu phép rửa mới có tính bí tích và bất cứ sự vi phạm nào tới nó đều chống lại thánh ý Thiên Chúa. [Nhưng] cùng một lúc, Giáo Hội cũng ý thức được sự yếu đuối của nhiều con cái của mình đang lao đao trong hành trình đức tin của họ. “Thành thử, tuy không đi ra ngoài lý tưởng Tin Mừng, họ cần được đồng hành với lòng thương xót và kiên nhẫn trong những giai đoạn trưởng thành bản thân sau cùng khi chúng từ từ diễn ra. […] Một bước tiến nhỏ giữa những giới hạn nhân bản lớn lao vẫn có thể làm vui lòng Thiên Chúa hơn là cuộc sống bề ngoài xem ra có trật tự và ngày qua ngày không phải đối diện với các khó khăn lớn lao nào. Mọi người đều cần được sự an ủi và sức lôi kéo của tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa đánh động; tình yêu này luôn hành động một cách huyền nhiệm nơi từng người, vượt lên trên và vượt ra ngoài các lỗi lầm và sa ngã của họ” (Gaudium Evangelii, 44).

Gia đình: hồng phúc và nghĩa vụ

61. Thái độ của các tín hữu đối với những người chưa hiểu được sự quan trọng của Bí Tích Hôn Phối chủ yếu phải được bày tỏ qua mối liên hệ có tính bản thân và thân hữu biết chấp nhận người khác trong con người của họ mà không phê phán, và biết tìm cách thoả mãn các nhu cầu căn bản của họ và đồng thời, làm chứng cho tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Điều quan trọng là phải ý thức rõ rằng mọi người ai cũng yếu đuối cả và mỗi người đều là kẻ có tội như bất cứ ai khác, nhưng vẫn không quên khẳng định các thiện ích và giá trị của hôn nhân Kitô Giáo. Hơn nữa, người ta cần ý thức được rằng trong kế hoạch của Thiên Chúa, gia đình không phải là một nghĩa vụ mà là một hồng phúc, và ngày nay, quyết định bước vào Bí Tích Hôn Phối không phải là một kết luận đã qua nhưng là một điều cần được khai triển và là một mục tiêu cần đạt tới.

Trợ giúp để vươn tới sự viên mãn của kế hoạch Thiên Chúa

62. (25) Khi cân nhắc một phương thức mục vụ đối với những người đã kết ước một cuộc hôn nhân dân sự, những người đã ly dị và tái hôn hay đơn giản chỉ sống chung với nhau, Giáo Hội có trách nhiệm giúp họ hiểu nền sư phạm của Thiên Chúa về ơn thánh trong đời họ và giúp họ để họ đạt tới sự viên mãn của kế hoạch Thiên Chúa dành cho họ. Trông cậy ở Chúa Kitô, Đấng mà ánh sáng soi chiếu mọi con người (xem Ga 1:9; Gaudium et Spes, 22), Giáo Hội ngoảnh nhìn với lòng yêu thương những ai đang tham dự vào đời sống mình một cách không trọn vẹn, vì nhìn nhận rằng ơn thánh của Thiên Chúa cũng đang hành động trong cuộc sống của họ bằng cách ban cho họ sự can đảm để làm điều thiện, chăm sóc lẫn nhau trong yêu thương và phục vụ cộng đồng trong đó họ sống và làm việc.

63. Cộng đồng Kitô Giáo cũng có thể biểu lộ tình bằng hữu với các cặp vợ chồng đang gặp khó khăn qua việc gần gũi với các gia đình đang thực sự sống cuộc hôn nhân Kitô Giáo. Giáo Hội xích lại gần các người phối ngẫu đang gặp nguy cơ ly thân, để họ khám phá lại vẻ đẹp và sức mạnh đời sống vợ chồng của họ. Trong các trường hợp đau lòng phải chấm dứt mối liên hệ của họ, thì Giáo Hội cảm thấy có nghĩa vụ gần gũi những người đang trong lúc đau khổ cách nào đó để ngăn ngừa các tranh chấp thảm họa có thể xẩy ra giữa hai người phối ngẫu và, trên hết, tối thiểu hóa sự đau khổ của con cái.

Một số người tỏ ý muốn các giáo phận phát huy các chương trình nhằm dần dần mời gọi các người sống chung hay kết hôn dân sự can dự vào. Khởi đầu với cuộc hôn nhân dân sự, cuối cùng, người ta có thể vươn tới cuộc hôn nhân Kitô Giáo: sau một thời kỳ biện phân, họ có thể tiến tới một chọn lựa có hiểu biết.

64. (26) Giáo Hội lo lắng lưu ý tới việc nhiều người trẻ mất tin tưởng đối với cam kết hôn nhân và Giáo Hội đau đớn khi thấy nhiều tín hữu vội vã quyết định chấm dứt các nghĩa vụ họ đã đảm nhiệm và gánh lấy nghĩa vụ khác. Vốn là các chi thể của Giáo Hội, các tín hữu này cần một nền chăm sóc mục vụ biết xót thương và biết khuyến khích cũng như biết phân biệt thích đáng các tình huống khác nhau. Nên khuyến khích những người trẻ đã rửa tội để họ hiểu rằng Bí Tích Hôn Phối có khả năng làm phong phú triển vọng yêu thương của họ và họ luôn được sự nâng đỡ của ơn thánh Chúa Kitô trong Bí Tích và của khả thể tham dự trọn vẹn vào đời sống Giáo Hội.

Giới trẻ và nỗi sợ kết hôn

65. Khi xem xét viễn tượng kết hôn, nhiều người trẻ sợ bị thất bại, vì được mục kích nhiều cuộc tan vỡ hôn nhân trong thời đại ta. Thành thử, cần phải dành nhiều chú ý hơn vào việc biện phân các lý do nằm bên dưới việc họ bác bỏ và thất vọng. Thực vậy, một số người nghĩ rằng, trong nhiều trường hợp, các lý do này có thể có liên hệ với việc họ cho rằng đây là một mục tiêu, mà dù được họ đánh giá cao và không kém ước muốn, nhưng xem ra bất cân xứng với các điểm mạnh được họ lượng giá một cách hợp lý, hay có liên hệ với sự kiện họ hoài nghi nặng nề rằng họ thiếu kiên định về xúc cảm. Vì đối với lòng trung thành và sự ổn định trong liên hệ yêu đương, điều tuy họ vẫn coi là đáng ước ao, nhưng một số người trẻ cảm thấy lo lắng, thậm chí xao xuyến, cho là mình không có khả năng bảo đảm lòng trung thành và ổn định ấy trong tình yêu; điều này thường khiến họ từ khước việc kết hôn. Dù tự nó có thể vượt qua được, một khó khăn như thế vẫn được nêu ra làm bằng chứng cho rằng lòng trung thành và sự ổn định trong tình yêu là điều bất khả hữu một cách căn để. Ngoài ra, đôi khi các khía cạnh của sự thuận lợi xã hội và các vấn đề kinh tế liên quan tới việc cử hành hôn lễ cũng gây tác động lên quyết định không kết hôn.

66. (27) Về phương diện trên, một khía cạnh mới trong thừa tác vụ gia đình cần được lưu ý trong lúc này, là thực tại hôn nhân dân sự giữa một người đàn ông và một người đàn bà, tức hôn nhân theo truyền thống và, thậm chí cả sống chung nữa, tuy có những dị biệt liên hệ. Khi cuộc kết hợp đạt tới một một mức độ ổn định đặc thù nào đó, được luật pháp thừa nhận, có đặc điểm của một tình âu yếm và trách nhiệm sâu sắc đối với con cái và chứng tỏ khả năng có thể vượt qua thử thách, thì những cuộc kết hợp này có thể tạo cơ hội để được hướng dẫn nhằm sau cùng tiến tới việc cử hành Bí Tích Hôn Phối. Mặt khác, rất thường xẩy ra việc một cặp nào đó sống chung với nhau không những không nhằm để có thể kết hôn trong tương lai mà còn không hề có ý định nào tạo ra một liên hệ có tính trói buộc theo luật pháp.

67. (28) Phù hợp với lòng thương xót của Chúa Kitô, Giáo Hội phải đồng hành một cách đầy lưu tâm và chăm sóc với những đứa con yếu đuối nhất của mình, những đứa con cho thấy các dấu hiệu của một tình yêu bị thương tích và mất mát, bằng cách phục hồi lòng hy vọng và sự tin tưởng nơi họ, giống như ánh sáng hải đăng tại một hải cảng hay ngọn đuốc mang theo giữa người ta để soi sáng cho những ai lạc đường hay đang gặp giông bão. Ý thức rằng lòng thương xót cao cả hơn hết là lòng thương xót nói lên sự thật một cách yêu thương, nên chúng ta bước qua phía cảm thương. Vốn có tính lôi kéo và kết hợp, tình yêu thương xót biến cải và nâng cao. Nó là lời mời gọi hồi tâm. Ta hiểu thái độ của Chúa cùng bằng cách này; Người không kết án người đàn bà ngoại tình, nhưng yêu cầu nàng đứng phạm tội nữa (Ga 8:1-11).

Lòng thương xót và chân lý mặc khải

68. Khởi điểm của Giáo Hội là tình thế cụ thể của các gia đình ngày nay, tất cả đang cần lòng thương xót, bắt đầu với các gia đình đau khổ nhất. Thực vậy, lòng thương xót biểu lộ tính tối thượng của Thiên Chúa; tính này cho phép Người luôn trung thành với chính hữu thể của Người, một hữu thể vốn là tình yêu (xem 1Ga 4:8) và với giao ước của Người. Lòng thương xót chính là một chân lý mạc khải và có liên hệ gần gũi với các chân lý nền tảng của đức tin: việc làm người, cái chết và sống lại của Chúa. Không có các chân lý này, lòng thương xót sẽ biến mất. Lòng thương xót là “cốt lõi mạc khải của Chúa Giêsu Kitô” (MV, 25).

Xem tiếp:

http://www.thanhlinh.net/node/91814

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét