(8) Tài Liệu Làm Việc Của Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015 (phần III, chương II)
Chương II
Gia đình và việc đào tạo
Chuẩn bị hôn nhân
84. (36) Hôn nhân Kitô Giáo là một ơn gọi phải được đảm nhiệm bằng một việc chuẩn bị thích đáng trong hành trình đức tin, với một diễn trình biện phân thích hợp và không nên bị coi chỉ như một truyền thống văn hóa hay một đòi hỏi có tính xã hội hay luật pháp. Do đó, việc đào luyện phải đi theo con người và cặp vợ chồng một cách nào đó để kinh nghiệm sống của toàn bộ cộng đồng Giáo Hội được hợp nhất với giáo huấn trong nội dung đức tin.
85. Muốn làm cho ơn gọi của hôn nhân Kitô Giáo được hiểu biết, ta cần phải cải thiện việc chuẩn bị hôn nhân, nhất là việc dạy giáo lý trước hôn nhân, một việc hiện đôi khi rất nghèo về nội dung; đây là phần chủ yếu của việc chăm sóc mục vụ thông thường. Điều quan trọng là: các người phối ngẫu phải vun sới đức tin của họ một cách có tránh nhiệm, dựa trên giáo huấn của Giáo Hội, một giáo huấn phải được trình bầy cách rõ ràng, dễ hiểu.
Trong việc chăm sóc mục vụ cho các cặp đính hôn, cộng đồng Kitô Hữu phải tận tụy trình bầy sứ điệp Tin Mừng liên quan tới phẩm giá của con người, tự do của họ và việc tôn trọng nhân quyền, một cách thích đáng và đầy thuyết phục.
86. Trong việc thay đổi văn hóa đang diễn ra, ta thấy thường được trình bày, nếu không muốn nói là áp đặt, nhiều mô thức đi ngược lại viễn kiến Kitô Giáo về gia đình. Thành thử, các khóa huấn luyện cần phải đưa ra các chương trình giáo dục có thể giúp người ta phát biểu thỏa đáng nguyện vọng yêu thương của họ bằng một ngôn ngữ tính dục thích đáng. Trong bối cảnh xã hội và văn hóa ngày nay, trong đó, tính dục thường bị tách biệt khỏi sự vận hành toàn diện của tình yêu đích thực, gia đình không thể là nơi duy nhất để dạy về tính dục, dù nó giữ một vị trí hàng đầu. Điều này đòi phải có sự thiết kế các chương trình chân thực và thích đáng, trong khuôn khổ nâng đỡ các gia đình về mục vụ, nhằm ngỏ với cả các cá nhân lẫn các cặp hôn phối, để họ khám phá được vẻ đẹp của tính dục trong tình yêu, nhất là những người ở tuổi dậy thì và thiếu niên.
Tại một số nước, có nhiều dấu chỉ cho thấy có những chương trình đào tạo do các nhà cầm quyền áp đặt với nội dung đi ngược lại quan niệm thực sự nhân bản và Kitô Giáo. Về phương diện này, nhất định phải đề cao quyền phản đối lương tâm của các nhà giáo dục.
Việc đào tạo các linh mục tương lai
87. (37) Các nghị phụ thượng hội đồng không ngừng kêu gọi một cuộc canh tân thấu đáo các thực hành mục vụ của Giáo Hội dưới sự soi sáng của Tin Mừng Gia Đình và để thay thế việc chỉ nhấn mạnh tới các cá nhân hiện thời. Vì thế, các nghị phụ thượng hội đồng không ngừng nhấn mạnh tới việc canh tân lối huấn luyện các linh mục, các phó tế, các giáo lý viên và các nhân viên mục vụ khác với sự can dự lớn lao hơn của các gia đình.
88. Ơn gọi làm linh mục phát sinh trong gia đình riêng của mỗi người nam và được nuôi dưỡng bằng chứng tá đức tin của gia đình này. Một cảm thức rất phổ biến hiện nay cho thấy càng ngày càng cần phải bao gồm các gia đình, nhất là sự hiện diện của phụ nữ, trong việc đào tạo các linh mục. Một số người khuyến cáo rằng, trong diễn trình đào tạo họ, các chủng sinh nên dành nhiều thời gian thích hợp để sống với gia đình họ, tiếp nhận sự chỉ dẫn trong việc thu lượm kinh nghiệm cho việc chăm sóc mục vụ gia đình và thủ đắc được kiến thức thỏa đáng về tình thế các gia đình thời nay. Cũng cần phải xem xét việc một số chủng sinh phát xuất từ các hậu cảnh gia đình khó khăn. Sự hiện diện của giáo dân và các gia đình, ngay trong các năm tháng đào tạo ở chủng viện, được coi là ích lợi, để các ứng viên chịu chức linh mục hiểu được giá trị riêng biệt của hai ơn gọi khác nhau. Việc đào tạo thừa tác vụ thụ phong không thể bỏ qua việc phát triển xúc cảm và tâm lý cũng như việc chủng sinh trực tiếp tham gia các chương trình thỏa đáng liên hệ.
Việc đào tạo hàng giáo sĩ và các nhân viên mục vụ
89. Trong việc liên tục đào tạo hàng giáo sĩ và các nhân viên mục vụ, một số người mong rằng các phương tiện thích đáng cần được sử dụng để đạt được sự phát triển về xúc cảm và tâm lý rất cần thiết để họ chăm sóc mục vụ các gia đình. Một số người gợi ý rằng văn phòng giáo phận về gia đình và các văn phòng mục vụ khác nên tăng cường việc hợp tác của họ nhằm một sinh hoạt mục vụ hữu hiệu hơn.
Gia đình và các định chế công cộng
90. (38) Các ngài cũng làm nổi bật sự kiện này: việc phúc âm hóa cần phải tố cáo một cách rõ ràng các nhân tố văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế, như tầm quan trọng thái quá dành cho luận lý học thị trường chẳng hạn, từng ngăn cản đời sống chân thực của gia đình và dẫn tới cảnh kỳ thị, nghèo khổ, bị loại trừ, và bạo lực. Do đó, đối thoại và hợp tác cần được khai triển với các thực thể xã hội và cần khuyến khích các giáo dân Kitô hữu đang can dự vào các lãnh vực văn hóa và chính trị xã hội, với tư cách Kitô hữu.
91. Vì là “tế bào đầu tiên và sống còn của xã hội” (AA, 11), gia đình phải khám phá lại ơn gọi của nó trong việc tham dự vào mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Một cách thiết yếu, khi tụ lại với nhau, các gia đình cần tìm ra các cách để hành động qua lại với các định chế công cộng, kinh tế và văn hóa ngõ hầu có thể xây dựng được một xã hội công bình hơn.
Việc lượng giá mọi phạm vi của xã hội cho thấy: hợp tác với các định chế công cộng không luôn dễ dàng. Thực vậy, nhiều định chế cổ vũ những quan niệm về gia đình không phù hợp với quan điểm Kitô Giáo hay ý nghĩa gia đình dựa trên tự nhiên. Các chi thể của Giáo Hội luôn phải giao tiếp với những mô thức nhân học khác nhau; các mô thức này thường ảnh hưởng và triệt để thay đổi cách suy tư của họ.
Các hiệp hội gia đình và các phong trào Công Giáo cần làm việc với nhau để làm cho các định chế xã hội và công dân lưu tâm tới các nhu cầu chân chính của gia đình và lớn tiếng chống lại bất cứ thực hành nào gây hại tới sự ổn định của gia đình.
Dấn thân xã hội chính trị nhân danh gia đình
92. Các Kitô hữu phải dấn thân trực tiếp vào đời sống xã hội chính trị bằng cách tích cực tham gia vào diễn trình làm quyết định và dẫn khởi học thuyết xã hội của Giáo Hội vào các cuộc thảo luận với các định chế. Việc dấn thân này sẽ cổ vũ việc khai triển các chương trình thích đáng để trợ giúp giới trẻ và các gia đình túng thiếu liều mình đang bị cô lập hay bị loại trừ.
Ở các bình diện quốc gia và quốc tế đa dạng, việc tái đề xuất Hiến Chương Về Các Quyền Của Gia Đình có thể hữu ích, song song với việc nối kết nó với Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát Các Nhân Quyền.
Cảnh nghèo và nguy cơ vay mượn nặng lãi
93. Nhiều gia đình sống trong cảnh nghèo về kinh tế vì thất nghiệp hay việc làm bất ổn hoặc vì con cái quá đông hay thiếu trợ giúp xã hội và chăm sóc y tế cũng như các gia đình không thể nhận được tín dụng, thường trở thành nạn nhân của nạn cho vay nặng lãi. Tình huống này khiến có gợi ý cho rằng cần phải thiết lập ra các cơ cấu nâng đỡ kinh tế để trợ giúp các gia đình.
Đồng hành với các cặp đính hôn trong việc họ chuẩn bị hôn nhân
94. (39) Thực tại xã hội phức tạp và các thay đổi có ảnh hưởng tới gia đình ngày nay đòi toàn thể cộng đồng Kitô hữu phải cố gắng hơn nữa trong việc chuẩn bị những người sắp sửa kết hôn. Tầm quan trọng của các nhân đức cần được bao gồm trong đó. Trong số các nhân đức này, đức trong sạch đã được chứng minh là vô giá để tình yêu giữa hai người thực sự lớn mạnh. Về phương diện này, các nghị phụ thượng hội đồng đã cùng nhau nhấn mạnh việc cần phải để toàn thể cộng đồng can dự một cách sâu rộng hơn bằng cách tham chiếu chứng tá của chính các gia đình và cần bao gồm việc chuẩn bị hôn nhân trong diễn trình Khai Tâm Kitô Giáo cũng như việc nhấn mạnh tới sự nối kết giữa hôn phối, phép rửa và các bí tích khác. Các ngài cũng cảm thấy cần phải có các chương trình chuyên biệt trong việc chuẩn bị hôn nhân cho các cặp; các chương trình này phải nhằm tạo ra một cảm nghiệm tham dự thực sự vào đời sống Giáo Hội và thấu đáo bàn tới các khía cạnh khác nhau của đời sống gia đình.
95. Một số người hy vọng rằng nhiều chủ đề hơn cần được lồng vào các chương trình chuẩn bị hôn nhân để chúng huấn giáo người ta tốt hơn trong các vấn đề đức tin và tình yêu. Các chương trình này phải được hoạch định sao đó để các cá nhân và các cặp vợ chồng biện phân được ơn gọi của họ. Điều này đòi phải có sự hợp tác tốt hơn giữa các sáng kiến mục vụ đa dạng: tuổi trẻ, giáo lý gia đình, các phong trào và hiệp hội, để đem lại một ý hướng Giáo Hội cho diễn trình đào tạo.
Nhiều người khác nhấn mạnh tới việc cần phải đổi mới việc chăm sóc mục vụ gia đình trong bối cảnh một chương trình mục vụ bao quát hơn có thể đem lại một nền đào tạo toàn bộ ở mọi giai đoạn của đời sống, trong đó, có hành vi và giá trị của việc làm chứng. Các chương trình chuẩn bị hôn nhân cũng nên bao gồm các cặp vợ chồng đang ở vị thế có thể hướng dẫn các cặp đính hôn trước ngày cưới của họ và trong những năm tháng đầu đời hôn nhân của họ, nhờ thế, đem lại cho việc phục vụ của các người đã kết hôn một giá trị đặc biệt.
Đồng hành với các cặp đã kết hôn trong các năm tháng đầu đời hôn nhân
96. (40) Những năm đầu của cuộc hôn nhân là thời kỳ rất chủ yếu và nhậy cảm trong đó, các cặp vợ chồng ý thức được nhiều hơn các thách đố và ý nghĩa của đời sống hôn nhân. Thành thử, việc đồng hành mục vụ cần đi quá bên kia việc cử hành bí tích (Familiaris Consortio, phần III). Về phương diện này, các cặp vợ chồng nhiều kinh nghiệm có tầm quan trọng lớn lao trong bất cứ sinh hoạt mục vụ nào. Giáo xứ là nơi lý tưởng để các cặp vợ chồng này phục vụ các cặp trẻ hơn, với sự hợp tác có thể của các hiệp hội, phong trào trong Giáo Hội và các cộng đoàn mới. Các cặp vợ chồng cần được khuyến khích trong việc chào đón có tính nền tảng đối với hồng phúc con cái. Tầm quan trọng của linh đạo gia đình, việc cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật cần được nhấn mạnh để các cặp vợ chồng được khích lệ gặp nhau thường xuyên nhằm cổ vũ việc phát triển đời sống thiêng liêng và tình liên đới trong các đòi hỏi cụ thể của cuộc sống. Các cử hành phụng vụ có ý nghĩa, các thực hành đạo đức và Thánh Lễ cử hành cho các gia đình, nhất là nhân dịp kỷ niệm lễ cưới, đều đã được nhắc tới như các nhân tố chủ yếu trong việc phát huy phúc âm hóa qua ngỏ gia đình.
97. Trong những năm tháng đầu đời hôn nhân, các cặp vợ chồng thường có khuynh hướng khép kín trong chính họ, kết cục bị cô lập đối với xã hội. Vì lý do này, các cặp mới cưới nhau cần cảm nghiệm được sự gần gũi của cộng đồng. Mọi người đều đồng ý rằng chia sẻ kinh nghiệm của đời sống vợ chồng có thể giúp các gia đình trẻ phát triển được một sự ý thức lớn lao hơn về vẻ đẹp và các thách đố của hôn nhân. Việc tăng trưởng của gia đình tiến tới già dặn đòi phải tăng cường mạng lưới liên hệ giữa các cặp vợ chồng và việc họ tạo ra các dây nối kết có ý nghĩa. Vì các phong trào và các nhóm trong Giáo Hội chủ yếu nhằm cung cấp và bảo đảm các thời điểm tăng trưởng và đào tạo này, nên một số người mong ước rằng các hiệp hội này cố gắng hơn nữa nhằm đồng hành với các cặp mới kết hôn một cách nhất quán, nhất là ở bình diện giáo phận.
Xem tiếp:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét