VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 20 TN B
Tin Mừng thánh Gioan 6, 51-58
51 Tôi là
bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh
tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống."
52 Người
Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể
cho chúng ta ăn thịt ông ta được? "53 Đức Giê-su nói với họ: "Thật,
tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông
không có sự sống nơi mình.54 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn
đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết,55 vì thịt tôi thật là
của ăn, và máu tôi thật là của uống.56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại
trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai
tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được
sống như vậy.58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông
đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời."
51 I am the living bread that came down from heaven; whoever eats
this bread will live forever; and the bread that I will give is my flesh for
the life of the world."
52 The Jews quarreled among themselves, saying, "How can
this man give us (his) flesh to eat?"
53 Jesus said to them, "Amen, amen, I say to you, unless you
eat the flesh of the Son of Man and drink his blood, you do not have life
within you.
54 Whoever eats my flesh and drinks my blood has eternal life,
and I will raise him on the last day.
55 For my flesh is true food, and my blood is true drink.
56 Whoever eats my flesh and drinks my blood remains in me and I
in him.
57 Just as the living Father sent me and I have life because of
the Father, so also the one who feeds on me will have life because of me.
58 This is the bread that came down from heaven. Unlike your
ancestors who ate and still died, whoever eats this bread will live
forever."
I. HÌNH
TÔ MÀU
*Chủ đề của hình này là gì?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
* Em
hãy viết câu Tin Mừng
thánh Gioan 6,58b
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
II. TRẮC
NGHIỆM
01.
Đức Giêsu bảo ngài là gì từ trời xuống? (Ga 6,51)
a. Đấng cứu thế
b. Bánh hằng sống
c. Ánh sáng chiếu soi muôn người
d. Chân lý
02.
Những ai tranh luận sôi nổi với nhau khi Đức Giêsu nói ngài là bánh hằng sống
từ trời xuống? (Ga 6,52)
a. Người Hy lạp
b. Người Do thái
c. Các môn đệ
d. Các tư tế
03.
Đức Giêsu nói những ai không ăn thịt và uống máu Con Người, … (Ga 6,53)
a. Thì không có sự sống nơi mình
b. Được sự sống muôn đời
c. Được chúc phúc
d. Ăn thì không bị án phạt muôn đời.
04.
Đức Giêsu nói, ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được gì? (Ga 6, 54)
a. Hạnh phúc
b. Nơi làm gia nghiệp
c. Gặp gỡ Thiên Chúa
d. Sống muôn đời.
05.
Đức Giêsu nói, ai ăn thịt và uống máu ngài thì ngày sau hết ngài sẽ làm gì cho
người ấy? (Ga 6,54)
a. Khỏi án phạt muôn đời
b. Được lên thiên đàng
c. Cho ngày sống lại
d. Được yêu mến
III. Ô
CHỮ
Những
gợi ý
01. Đức
Giêsu là bánh hằng sống từ đâu xuống? (Ga 6,51)
02.
Đấng Hằng Sống là ai đã sai Đức Giêsu? (Ga 6,57)
03.
Đức Giêsu là bánh gì từ trời xuống? (Ga 6,51)
04.
Đức Giêsu nói, ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sự sống gì? (Ga 6,54)
05.
Đức Giêsu nói bánh tôi ban tặng chính là gì của Ngài? (Ga 6,51)
06.
Người nào tranh luận sôi nổi với nhau khi Đức Giêsu nói Ngài là bánh hằng sống
từ trời xuống? (Ga 6,52)
07.
Đức Giêsu nói: bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho ai được
sống? (Ga 6,51)
08.
Ai đã nói với người Do thái rằng: “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con
Người, các ông không có sự sống nơi mình”? (Ga 6,53)
Hàng dọc
: Chủ đề của ô chữ này là gì?
IV. CÂU THÁNH
KINH HỌC THUỘC LÒNG
“Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây,
để cho thế gian được
sống."
Tin Mừng thánh Gioan 6,58b
Lời giải đáp VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 20 TN B
Tin Mừng thánh Gioan 6, 51-58
I. HÌNH
TÔ MÀU
*Chủ đề :
Đức
Giêsu : bánh hằng sống
* Câu Tin Mừng thánh Gioan 6,58b
Bánh tôi
sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống."
II. TRẮC
NGHIỆM
01.
b. Bánh hằng sống (Ga 6,51)
02.
b. Người Do thái (Ga 6,52)
03. a.
Thì không có sự sống nơi mình (Ga 6,53)
04.
d. Sống muôn đời (Ga 6, 54)
05.
c. Cho ngày sống lại (Ga 6,54)
III. Ô
CHỮ
01. Trời
(Ga 6,51)
02.
Chúa Cha(Ga 6,57)
03.
Hằng sống (Ga 6,51)
04.
Muôn đời (Ga 6,54)
05.
Thịt (Ga 6,51)
02.
Do thái (Ga 6,52)
07.
Thế gian (Ga 6,51)
08.
Đức Giêsu (Ga 6,53)
Hàng dọc
: THÁNH THỂ
GB. NGUYỄN
THÁI HÙNG
Thịt Ta là của ăn
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Nói đến máu thịt là
nói đến những gì thâm sâu nhất trong con người. Thâm sâu vì máu thịt chính là
sự sống. Thâm sâu vì máu huyết thuộc hệ di truyền. Ta thường nói: máu huyết của
cha, thịt xương của mẹ. Yếu tố “gen” là thứ sâu xa trong bản tính con người. Là
lực lượng âm thầm điều hướng định mệnh con người. Như thế máu thịt không những
làm thành con người thể lý bên ngoài mà còn làm thành con người ở chiều sâu tâm
sinh lý nữa.
Máu thịt là thứ thiết
thân nhất trong con người. Thiết thân vì nó gắn bó chặt chẽ với bản thân ta,
gắn bó với sự sống của ta. Lấy nó ra khỏi con người thì đau đớn lắm. Thiết thân
vì ta yêu mến nó. Yêu máu thịt của mình cũng như yêu mạng sống mình là một điều
hết sức tự nhiên.
Hôm nay khi nói ban
Máu Thịt cho chúng ta, Chúa Giêsu ban cho ta những gì thâm sâu nhất trong bản
thân Người. Người không chỉ ban Máu Thịt mà còn ban cho ta cốt lõi của bản tính
Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông đồ định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu”. Khi ban
cho ta Máu Thịt, Chúa Giêsu ban cho ta chính tình yêu của Người.
Khi ban Máu Thịt cho
ta, Chúa Giêsu phải chịu đau đớn. Mạng sống là quý nhất. Nhưng Người yêu ta còn
hơn yêu mạng sống của mình. Vì thế, Người hiến mạng sống cho ta như lời Người
nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính
mạng vì bạn hữu của mình”. Mạng sống là thiết thân. Nhưng đối với Người, ta còn
thiết thân với Người hơn cả mạng sống của Người nữa. Người chịu tiêu hủy mình
đi để trở nên thiết thân với ta. Khi hiến mình làm lương thực, Người chấp nhận
chịu nghiền tán, chịu đớn đau để trở thành thịt máu của ta, để trở thành thiết
thân với ta, đến nỗi ta không thể tách Người ra khỏi ta được nữa. Thật là một
tình yêu lạ lùng. Thật là một sáng kiến tuyệt vời.
Khi ban Mình Máu
Thánh cho ta, Chúa Giêsu mong ước ta sống kết hiệp mật thiết với Người. Khi
chịu lấy Mình máu Thánh Chúa thì Chúa ở trong ta và ta được ở trong Chúa. Đây
là một biến đổi sâu xa. Chúa Giêsu đã làm người để ở với ta, làm tấm bánh để ở
lại trong ta. Chúa mong ước ta ở lại trong Chúa. Vì thế khi rước lễ, ta phải
biến đổi đời sống cho xứng đáng và phù hợp với Chúa. Ở trong Chúa không phải là
ở trong không gian vật lý nhưng ở trong không gian thiêng liêng, trong ảnh
hưởng của Chúa, trong tình yêu của Chúa, trong lề luật của Chúa, trong tinh
thần của Chúa. Như thế ở trong Chúa có nghĩa là sống như Chúa, suy nghĩ như
Chúa, hành động như Chúa, yêu thương như Chúa.
Khi mời gọi ta đến
kết hiệp với Người, Chúa mong muốn cho ta được sống. Chúa chính là nguồn mạch
sự sống. Ở trong Người là ở trong sự sống. Kết hiệp với Người là kết hiệp với
sự sống. Sống nhờ Người là hít thở sự sống của Người, hấp thu sự sống của
Người. Người là sự sống vĩnh cửu, sự sống sung mãn, sự sống hạnh phúc. Được
sống bằng sự sống của Người ta sẽ được sự sống dồi dào, hạnh phúc không bao giờ
tàn phai.
Lạy Chúa, xin cho con
hiểu biết, yêu mến và sống bí tích Thánh Thể trong cuộc đời con. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Bạn hiểu thịt máu
có ý nghĩa gì?
2) Chúa ban Thịt Máu
Chúa cho ta. Điều này có ý nghĩa gì?
3) Thế nào là ở trong
Chúa? Muốn ở trong Chúa bạn phải làm gì?
4) Thế nào là sống
nhờ Chúa? Muốn sống nhờ Chúa bạn phải làm gì?
Ai ăn Ta,
sẽ sống nhờ Ta
Noel
Quesson
Đanien Côn-neo (Daniel Connell) là người đã
giải phóng dân tộc Ái nhĩ lan. Ông là một tín hữu can đảm và nhiệt thành. Khi
người ta cười nhạo ông vì họ không hiểu rõ và cũng không tin bí tích Thánh Thể.
Ông đã giải đáp: “Sao các ông lại hỏi tôi? Các ông phải hỏi Chúa Giêsu. Phần
tôi, tôi chỉ tin như Chúa Giêsu đã nói. Nếu điều đó không đúng, thì Chúa mới là
người đáng trách. Nhưng sự thật của Chúa thì muôn đời tồn tại”.
Niềm tin vào bí tích Thánh Thể cũng như toàn
bộ niềm tin của chúng ta, phải xây dựng và chỉ có thể xây dựng trên Lời Chúa. Chúa là sự sống của
ta và Chúa là căn bản lòng tin của ta. Chúa là lương thực nuôi hồn ta, Chúa
liên kết với ta, thông chia sự sống nhiệm mầu của Người cho ta. Nếu chúng ta
thấy xao xuyến, mệt mỏi bơ vơ, là tại chúng ta đã xa cách Chúa, tại chúng ta đã
cách ly Chúa. Khi đó chẳng những chúng ta lạc lõng khốn cùng mà còn phải chết
muôn đời nữa. Vì Chúa đã khẳng định: “Nếu các ngươi không ăn thịt, không uống
máu Con Người, thì trong các ngươi không có sự sống” (Ga 6,53).
Khi nói về bánh hằng sống, Chúa Giêsu nói xen
lẫn hai sự kiện: Lời Chúa và
bí tích Thánh Thể. Chúa nói
cả hai chuyện một lúc như vậy, cốt cho ta hiểu rằng cả hai chỉ là một. Tiếp
nhận Chúa là đón nghe và làm theo Lời Chúa. Sống Lời Chúa cũng chính là việc ăn
Mình, uống Máu Chúa trong bí tích Thánh Thể, là cụ thể hóa Lời Chúa bằng bí
tích Mình Máu Chúa, là hòa nhập sự sống ta với sự sống Chúa. Cũng như Thánh Lễ
không phải là hai phần tách biệt mà chỉ là một: đó là mầu nhiệm Chúa Kitô dạy
dỗ ta bằng Lời Chúa và Lời Chúa đi vào cuộc sống ta bằng chính Máu Thịt Chúa.
Chúa trở nên huyết nhục chúng ta, để biến đổi sự sống ta thành sự sống Chúa, và
rồi từ đó, Lời Chúa sẽ thành lời nói và hành động của ta. Ta sẽ là hiện thân
Chúa Giêsu giữa trần gian.
Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu biết ba tác dụng
của bí tích Thánh Thể: Trước hết là sự
sống lại và cuộc sống vĩnh viễn: “Ai
ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì được sống muôn đời, còn Ta, Ta sẽ cho người ấy
sống lại ngày tận thế” (Ga 6,54).
Trong bữa tiệc ly, Chúa đã nối kết tiệc Thánh Thể với tiệc Nước Trời: “Thầy sẽ
không uống rượu nho này nữa cho tới lúc Thầy lại uống với các con trong Nước
của Cha Thầy”.
Thứ đến là tình
liên đới giữa Đức Kitô và các tín hữu: “Ai ăn Thịt và uống Máu Ta thì ở trong
Ta và Ta ở trong người đó”. Ở trong Chúa là hưởng hạnh phúc với Chúa. Hạnh phúc
lớn nhất là ở bên người mình yêu và được người đó yêu mình. Từ Cựu Ước đã có
những lời diễn tả thực tại này: “Các ngươi sẽ là dân Ta và Ta là Thiên Chúa các
ngươi” (Xh 6,7); “Người yêu của tôi thuộc về tôi và tôi thuộc về người” (Diễm
ca 6,3); “Các con hãy ở trong Thầy như Thầy ở trong các con” (Ga 6,56; 15,4).
Sau cùng là sự
tận hiến cho Cha: “Như
Chúa Cha hằng sống đã sai Thầy và Thầy sống nhờ Cha, cũng vậy, ai ăn Thầy sẽ
sống nhờ Thầy”. Chúa Giêsu đã sống kết hiệp với Cha, Chúa cũng đòi ta hiệp nhất
với Ngài như thế.
Lạy Chúa, nhờ Lời Chúa và Thánh Thể, chúng
con hy vọng chắc chắn sẽ được sống lại và được sống muôn đời với Chúa. Xin giúp
chúng con biểu lộ lòng tin này trong việc đón nhận Lời Chúa và Thánh Thể, trong
cuộc sống hiệp nhất với nhau và trong tình liên đới với mọi người.
Chú giải
mục vụ của Alain Marchabour
Thật, Tôi bảo thật các ông (cc.
53-59)
Mạc khải:(cc. 54-58)
Trong phần cuối này của diễn từ của Chúa
Giêsu, từ vựng nói về Thánh Thể trổi vượt, với một thực tại chỉ có thể hiểu
được tùy vào thời điểm của Giáo Hội. Giữa các câu 53 và 54-56, Gioan, thay vì
từ “ăn” quen thuộc, lại sử dụng một từ sống sượng: “nhai, cắn”, để có thể nhấn
mạnh sự chiếm hữu và sự nội tâm hóa cần thiết. Trong trường hợp này, có thể
phần này của diễn từ chịu ảnh hưởng của các cuộc tranh luận trong cộng đoàn của
Gioan về thực tại Thánh Thể. Ta liên tưởng đến các môi trường theo thuyết trực
quan hay ảo thân thuyết, chủ trương liên kết với Chúa Giêsu mà không cần thông
qua trung gian bí tích. Thánh Thể, mình và máu, thông ban cho tín hữu hai ân
huệ mà các tín hữu thời Chúa Giêsu tìm kiếm: sự sống đời đời ngay từ lúc này
đây và được ở lại với Chúa Giêsu: “ở lại với Chúa” đó là điều mà người Do Thái
hướng đến khi tìm kiếm Chúa Giêsu (sự tìm kiếm Chúa Giêsu) mà không đạt được.
Việc nhắc lại Caphanaum (c.59) đi theo việc nhắc lại lần đầu về địa điểm này
trong 6,24. Sự mạc khải đã kết thúc, tuy nhiên nó không ngưng nghỉ tạo nên
nhiều hiệu quả.
Tóm lại, đây là vài suy tư có hệ thống hơm,
khả dĩ cung hiến những điểm chính yếu giúp hiểu rõ hơn sự hợp lý của bài diễn
từ quan trọng này.
1. Diễn từ này cần được hiểu bằng cách so
chiếu với phép lạ trước đó. Chúa Giêsu đưa ra một dấu lạ chiếm vị trí trong sự
tiếp đãi bánh manna và ý nghĩa của nó. Điều can hệ ở đây, đó là căn tính của
Chúa Giêsu và thân phận của Người đối với Do Thái giáo và nhất là với các biến
cố căn bản của việc Xuất hành. Người mong muốn được nhận biết và đã thất bại.
Do đó diễn từ cố gắng làm điều mà hành động đã không thể thực hiện được.
2. Lần mạc khải này được điều tiết bằng bốn
lần thật, tôi bảo thật các ông. Nắm vững các điệu tiết này như những dấu chỉ sự
tiến triển của dòng tư tưởng, ta sẽ có cơ may tôn trọng sự hợp lý của dòng văn
bản. Ta nhận ra rằng mỗi một đơn vị được cấu tạo bằng một lần mạc khải và một
lần biểu hiện sự cứng lòng không chịu tin, ngoại trừ đơn vị sau cùng chỉ có lời
mạc khải của Chúa Giêsu chiếm lĩnh.
3. Sự kiên trì cứng lòng không chịu tin tạo
cảm nghĩ rằng chúng ta đang đứng trước một bản văn tranh luận và biện giải.
Cuộc tranh luận này để lộ ra thân phận dành cho người Do Thái và những gương
mặt quan trọng của Israel. Dụng ngữ “tổ tiên các ông” được lặp lại nhiều lần,
chỉ rõ sự rạn nứt đã xảy ra giữa người Do Thái và các Kitô hữu đang tranh luận.
Lối diễn đạt như thế khiến nghĩ đến thời kỳ cộng đoàn chứ không phải thời kỳ
lịch sử của Chúa Giêsu. Vả lại, còn có nhiều dụng ngữ khác xác nhận cảm nghiệm
này, đặc biệt sự đối nghịch liên lỉ giữa bánh manna như lương thực của sự chết
– “Tổ tiên các ông đã ăn và đã chết” (c. 49) – và Chúa Giêsu như “bánh đem lại
sự sống cho thế gian” (c. 33).
4. Chính cá nhân Chúa Giêsu là tâm điểm của
diễn tiến. Giữa bốn phần, ta thấy có sự tiến triển trong mạc khải.
Trong phân đoạn thứ nhất (cc. 26-31), Chúa
Giêsu trình bày mạc khải khi Người nói về mình ở ngôi thứ ba mà không hề xưng
“Tôi”. Những người Do Thái là những chứng nhân và là những người thụ hưởng một
dấu lạ. Thế nhưng họ tỏ ra không có khả năng nhận biết nơi Chúa Giêsu điều gì
khác hơn điều họ chờ đợi: một Mêsia trần thế. Để thấu hiểu hiện tại, họ không
thể tìm thấy cách đo lường nào khác hơn là cách đo lường của quá khứ: tổ tiên
chúng tôi đã ăn manna (c. 31)...
Phân đoạn thứ hai (cc. 32-46) đặt ở vị trí
thứ nhất Thiên Chúa Cha và nhất là Chúa Con, “Đấng từ trời xuống” (c. 33). Ta
nhận thấy rằng Chúa Giêsu xoay hướng lợi ích về bản thân mình: điều đó biểu lộ
qua việc sử dụng ít nhất 18 đại từ ở ngôi thứ nhất. Cuộc thách đố: đó là tin
rằng nơi con người Chúa Giêsu (“con ông Giuse, cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết
cả”c. 42), Thiên Chúa tỏ hiện và tự hiến. Tin vào Chúa Giêsu, đó là được sự
sống ngay từ lúc này đây và sống cho sự sống lại chung cục.
Phân đoạn thứ ba (cc. 47-52), theo cách thức
Sêmit, lặp lại các chủ đề đã đưa vào và xác định chúng: Chúa Cha, từ nơi Người
mà Chúa Con đã lãnh nhận mọi sự, không được nhắc đến trong phân đoạn này; ở đây
Chúa Giêsu nói về chính mình và đưa vào chủ đề sự chết của Người như nguồn mạch
sự sống cho thế gian. Chủ đề cho đến lúc đó đã tập trung ở đức tin vào Chúa
Giêsu thì giờ đây nhắc đến sự chết của Người và Thánh Thể như bí tích tưởng
niệm sự chết.
Phân đoạn sau cùng (cc. 53-59) đề cập cách rõ
ràng về Thánh Thể: các từ ngữ được sử dụng rất thực tế: ăn thịt (“nhai” theo
nghĩa từng chữ). Rõ ràng ở đây chúng ta đang ở trong thời kỳ của Giáo Hội: việc
cử hành Thánh Thể là hành động đối lại ảo-thân-thuyết (giáo phái cho rằng Chúa
Giêsu giả bộ làm người) và là sự quả quyết có tính bí tích về thực tại của sự
nhập thể.
5. Sự mạc khải về mầu nhiệm của Chúa Giêsu
ngày càng thâm sâu thì số môn đệ càng bớt dần. Trước tiến đó là người Do Thái
“xầm xì” (c. 41) như dân Israel xưa kia đã làm trong sa mạc: Xh 17,3. Tiếp đến
ngày càng nhiều môn đệ “rút lui và không còn đi với Người nữa” (c. 66); sau
cùng, ngay giữa nhóm Mười Hai, cũng bắt đầu sự cứng lòng không chịu tin. Dù có
lời tuyên xưng đức tin tuyệt vời của Phêrô, chương này kết thúc với một ghi chú
bi quang: “Chính Giuđa, một môn đệ trong nhóm Mười Hai sẽ nộp Người” (c. 71).
6. Toàn thể chương này xoay quanh vấn nạn:
“Làm sao tìm gặp Chúa Giêsu?”. Dân chúng đi theo Người, tưởng đã gặp Người đến
nỗi có thể “bắt ép Người” (c. 15). Chúa Giêsu lẩn tránh được họ và dân chúng
bắt đầu “tìm kiếm Người” (c. 25). Khi đã gặp được Người trong hội đường, dân
chúng cảm nghiệm có thể mất Người vì những kỳ vọng xem ra thái quá. Họ tranh
luận nhau và kẻ trước người sau bỏ đi hết. Đối với các Kitô hữu sống sau thời
Chúa Giêsu tại thế, Thánh Thể cho phép sự gặp gỡ là “ở lại với Người” (c. 56).
Phêrô, người phát ngôn của nhóm Mười Hai, ở lại với Người bởi vì “Người có
những lời đem lại sự sống đời đời” (c. 68).
Chương này dài và khó đã khiến nhiều nhà chú
giải có những ý kiến khác nhau về ý nghĩa. Ngay các Giáo phụ cũng đã tranh luận
về giá trị Thánh Thể của bài trần thuật. Vài vị đã quả quyết rằng hình ảnh của
ăn uống là những biểu tượng của đức tin. Những vị khác lại nhận thấy một ý
nghĩa đặc biệt trong các câu 53-58. dường như hiện nay những đối nghịch đó
không còn mãnh liệt nữa, vì đa phần đều chấp nhận ảnh hưởng của Giáo Hội đối
với chương này. Đặc biệt các quy chiếu Thánh Thể, không thể hiểu được trong
thời gian Chúa Giêsu tại thế, lại có thể hiểu được và trở thành hiển nhiên sau
việc lập Thánh Thể và việc cử hành bí tích của Giáo Hội.
Chú giải
của Noel Quesson
BÁNH HẰNG SỐNG
Thiên Chúa là duy nhất và Lời Chúa là duy nhất, nghĩa là được gom
lại trong một sự phát âm duy nhất: Chúa nghĩ mọi sự trong chỉ một “Lời” lời của
Người hoàn toàn duy nhất. Nhưng độc nhất và duy nhất đó, lời đơn giản đó lại
được truyền đi thành vô số những chân lý khác nhau, qua những lời nói khác nhau
của con người. Cũng như ánh sáng trắng trong tính duy nhất của nó, gồm chứa mọi
màu sắc của cầu vồng, rất khác nhau, khi chúng xuyên qua lăng kính của chúng
ta. Vậy chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy người ta đưa ra nhiều giải thích
về mầu nhiệm bánh sự sống. Mỗi cách giai thích là một sự tiếp cận, một phiến
diện của chân lý độc nhất. Chương 6 Tin Mừng Thểo thánh Gioan có thể được hiệu
bằng 4 cách:
1. Một vài tác giả thời xưa đã nghĩ đến ý nghĩa thuần túy thiêng
liêng “Bánh sự sống " đó là con người và sứ điệp của Đức Giêsu, mà ta
“đồng hóa" nhờ đức tin.
2. Một số lớn những nhà chú giải Thánh Kinh thời nay, trái lại cho
rằng cách nói này hoàn toàn thuộc về Bí tích Thánh Thể: “Bánh sự sống”, chính
Thánh Thể mà chúng ta ăn thực sự trong một thứ bữa ăn hiện thực, trong đó chính
thân Thể của chúng ta cũng đóng vai trò của nó.
3. Nhiều nhà phê bình đưa ra một ý kiến trung dung: Phần đầu diễn
từ cho đến câu 50 nhắm vào đức tin... làm cho chúng ta được nuôi dưỡng bằng Đức
Giêsu nhờ thông hiệp với tư tưởng và lời của Người. Phần 2 của diễn từ, bắt đầu
từ câu 51 tức là bài đọc Chúa nhật này, nhằm Bí tích Thánh Thể, làm cho chúng
ta kết hiệp với Mình Máu Chúa cách Bí tích, trong một "dấu chỉ hữu hiệu” .
4. Cuối cùng, đối với một số tác giả hiện đại, diễn từ của Chúa
Giêsu nhắm cả vào Đức tin và Bí tích Thánh Thể. Thật vậy, có một sự kết hợp
mạnh mẽ giữa hai đề tài này: Đức tin hoàn toàn nơi Chúa Kitô đòi hỏi phải tìm
Người hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, vì Bí tích Thánh Thể là "mầu
nhiệm đức tin" tuyệt vời.
Suy niệm về Lời và Con Người của Đức Giêsu (phần đầu của Thánh lễ:
Phụng vụ Lời Chúa) và rồi thông hiệp với Mình Máu Thánh Người (phần 2 của Thánh
lễ: Phụng vụ Thánh Thể), là 2 phần nối tiếp nhau. Làm sao ta có thể nói, người
ta thực sự tin vào Đức Giêsu, con Thiên Chúa đã nhập thể không mà ta lại không
làm theo lời Người và đón nhận “Mình Thánh" Người? Đức Giêsu thường nói về
đức tin trước khi nói cách rõ ràng về Bí tích Thánh Thể, vì sự hiện diện nhiệm
mầu" của Người chỉ thực sự nuôi dưỡng những kẻ tin. Ta cũng thấy được sự
quan trọng phải đến dự lễ đúng giờ: Nhờ đức tin, chúng ta phải được nuôi dưỡng
bằng Lời Chúa là chính Đức Giêsu, để có thể được nuôi dưỡng bằng chính Người
trong mình Chúa đã được phó nộp vì chúng ta. Không có 2 phần trong Thánh lễ,
phần đầu có thể tùy ý không bắt buộc. Ngay từ đầu, chúng ta đã thông hiệp với
Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa.
Đức Giêsu nói: "Tôi là Bánh hằng sống từ
trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh Tôi sẽ ban tặng,
chính là thịt Tôi đây để cho thế gian được sống".
Đây là câu 51 lần đầu tiên một từ mới xuất hiện và sẽ được lặp lại
11 lần trong phần cuối diễn từ của Đức Giêsu: “thịt và máu” "ăn và
uống". Chứng từ này rất hiện thực chúng ta không làm sao chỉ có thể hiểu
một cách tượng trưng được.
Người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với
nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta
được?".
Họ đã hiểu theo một cách thực tế nhất, và họ đã bất bình. Nếu họ
nghĩ đến việc đón nhận Thánh Thể cách thiêng liêng, thì họ đã không bất bình.
Đức Giêsu nói với họ: "Thật, Tôi bảo
thật các ông: Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông sẽ không
có sự sống nơi mình".
Thay vì làm dịu bớt sự căng thẳng, Đức Giêsu lại càng nhấn mạnh
đến tính thực tế của đời Người, và từ bây giờ trở đi, Người còn thêm 2 từ
"thịt" và “máu”... Và vấn đề không chỉ nguyên là "ăn" mà
còn là "uống" nữa. Việc rước Chúa dưới "hai hình" nằm trong
truyền thống xa xưa bắt nguồn từ Đức Giêsu, đến nỗi người ta tự hỏi làm sao có
thể bỏ truyền thống này, và cần. phải bao lâu nữa người Kitô hữu mới muốn lăp
lại truyền thống này.
Sự liên kết hai chữ "thịt" và "máu” có thể được
hiểu bằng nhiều cách.
Theo tâm thức của người Sê-mít, kiểu nói này ám chỉ toàn diện con
người, tất cả những gì làm nên thực tại cụ thể con người, với những khả năng và
giới hạn của nó. Cũng theo tâm thức của người phương Đông, "máu” thật là
linh thiêng, bởi vì nó là biểu tượng phi thường của "sự sống", đến độ
có thể dùng chữ này thay thế chữ kia ("nếu các ông không uống sự sống của
Người, các ông sẽ không có sự sống của Người trong mình").
Nhưng cuối cùng và quan trọng nhất, đó là sự phân cách giữa 2 yếu
tố này: Mình Tôi và Máu Tôi, gợi lên cho biết Đức Giêsu sẽ chết cách nào, bằng
cách "tách rời máu Người ra khỏi thân mình Người". Đức Giêsu vừa nói:
"Bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được
sống": Ở đây rõ ràng Chúa muốn ám chỉ đến lễ hy sinh Thập giá Chúng ta thâm
tín với Đức Giêsu, Người cần phải hy sinh để cứu chuộc thế gian. Người biết
Người phải “hiến dâng" mạng sống của Người để cho thế gian được sống.
Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn
đời và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.
Đừng quên rằng Thánh Gioan viết những câu này trong Tin Mừng của
ông vào khoảng năm 90 hay 100. Nghĩa là từ 60 năm qua, ông đã cử hành Bí tích
Thánh Thể với những cộng đoàn Kitô hữu. Làm sao mà độc giả của ông lại không áp
dụng ngay những lời này vào Bí tích Thánh Thể mà họ đã "ăn và uống"
thực sự, trong một bữa ăn huynh đệ thân mật. Vả lại, nếu Đức Giêsu không nói
như thế thì làm sao các tông đồ trong bữa tiệc ly đã có thể hiểu được việc Đức
Giêsu làm? Sự thiết lập Bí tích Thánh Thể, chiều 11 tối Thứ Năm Thánh sẽ không
thể hiểu được đối với Nhóm Mười Hai, nếu Đức Giêsu đã không chuẩn bị cho các
ông, bằng cách này hay cách khác... Và ở đây, trình thuật của Gioan rất quan
trọng: Chắc chắn ông đã hiểu rõ những gì Đức Giêsu nói hôm đó khoảng một năm
trước cuộc thương khó của Người, và Gioan đã đưa vào trình thuật của ông tất cả
những hiểu biết về sự Phục sinh mà ông đã ghi nhận được qua những biến cố sau
cùng này.
Vì Thịt Tôi thật là của ăn và Máu Tôi thật là
của uống.
Thánh Gioan không thuật lại việc thiết lập Bí tích Thánh Thể trong
bữa ăn cuối cùng của Đức Giêsu, chiều tối Thứ Năm. Nhưng chúng ta thấy có sự
song song rất ăn khớp với Tin Mừng nhất là Mátthêu, Máccô và Luca: Thực sự đó
chỉ là một Tin Mừng với những từ ngữ khác nhau. Chúng ta đừng quên một tính từ
mà Thánh Gioan thường hay dùng, đó là chữ "đích thực". Chữ này phải
làm chúng ta chú ý, nó có nghĩa "coi thường". Đó là "của ăn đích
thực" một của ăn không giống như những thức ăn khác. Lạy Chúa, xin tạ ơn
Chúa đã cho chúng con những chỉ dẫn chính xác, rất quan trọng, giúp chúng con
vượt lên trên những quan điểm nhân loại, quá chật hẹp thuần túy.
Sau đó, Đức Giêsu chỉ cho chúng ta 3 hiệu quả của Bí tích Thánh
Thể.
1) Sự sống đời đời và sự sống lại
Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ
cho người ấy sống lại.
Bích tích Thánh Thể làm cho chúng ta kết hiệp với Chúa Kitô Phục
sinh đang sống trong vinh quang của Chúa Cha. Và Thân Thể hằng sống này (sống
một cách khác, sống sự sống đích thực) trở nên "mầm mống" sự sống
Thiên Chúa trong chúng ta. Theo Tin Mừng nhất lãm, vào buổi tối tiệc ly Đức
Giêsu sẽ nói về "bữa tiệc trên trời", nơi đó Người sẽ quy tụ các bạn
hữu của Người. "Thầy sẽ không uống rượu nho nữa cho đến ngày Thầy sẽ uống
với các con Rượu Mới trong vương quốc của Cha Thầy". Bữa tiệc Thánh Thể là
một sự tham dự trước bữa tiệc Nước Trời, nơi đó chúng ta sẽ ngồi đồng bàn với
Chúa Cha, với Đức Giêsu và Chúa Thánh Thần, theo hình tượng rất đẹp của Chúa Ba
Ngôi. Vâng, chúng ta đang đi tới cuộc gặp gỡ hạnh phúc đó. Tạ ơn Chúa.
2) Sự kết hợp hỗ tương giữa Chúa Kitô và người Kitô hữu.
Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì luôn kết hợp
với Tôi, và Tôi luôn kết hợp với người ấy.
Đây cũng là một từ quen thuộc đối với Thánh Gioan "ở
cùng". Ơn gọi của mỗi người là "ở cùng Chúa, ở trong Chúa". Đó
là đề tài căn bản của Giao Ước, đã được diễn tả trong Thánh kinh suốt dòng lịch
sử, qua những kiểu nói ngày càng rõ ràng, riêng tư và thân mật:
"Các ngươi sẽ là dân của Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa của các
ngươi" (Xh 6,7).- “Người yêu tôi thuộc về tôi và tôi thuộc về người ấy (Dc
6,3).- “Các con hãy ở trong Thầy, cũng như Thầy ở trong các con" (Ga 6,56
- 15,4).
3) Sự tận hiến cho Chúa Cha.
Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Tôi và
Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như
vậy.
Giới từ được dịch ở đây là "nhờ Chúa Cha" có những nghĩa
phong phú hơn trong tiếng Hy Lạp. Giới từ đó là chỉ "địa", có nghĩa
là "qua", "vì", "nhờ". Chúng ta thấy phớt qua một
trong những nghĩa cử sâu xa của Đức Giêsu, mà Thánh Gioan đã khéo đoán biết
được: Đức Giêsu sống qua Chúa Cha, nhờ Chúa Cha và cho Chúa Cha, và Người mời
gọi chúng ta sống như thế!
Chú giải
của Fiches Dominicales
DIỄN TỪ
VỀ BÁNH TRƯỜNG SINH
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1) Một lời huyền nhiệm mới:
Chúa nhật trước, chúng ta đã kết thúc phần thứ nhất "diễn từ
bánh trường sinh"; theo thánh Gioan, Chúa nói những lời này ở hội đường
Capharnaum, tiếp theo sau phép lạ bánh hóa nhiều. Lúc ấy, Đức Giêsu tự giới
thiệu Ngài là "Bánh từ trời xuống”, cao trọng vô cùng so với manna của
cuộc Vượt Qua thứ nhất. Điều này đã gây ra sự chống đối nơi người Do thái:
"Người này không phải là Giêsu, con của ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta,
chúng ta đều biết rõ, sao bây giờ ông ta lại nói: "Tôi từ trời xuống”.
Trước sự chống đối này, Đức Giêsu cho họ biết một mạc khải mới về mầu nhiệm con
người và sứ vụ của Ngài: "Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn
manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn
thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được
sống muôn đời. "
Câu nói này còn gây ra một chống đối khác, và để trả lời cho sụ
chống đối lần thứ hai này, lại có thêm một mạc khải mới nữa về mầu nhiệm Đức
Giêsu, lời huyền nhiệm mới của Ngài ở câu 51 (câu kết bài Phúc âm chúa nhật
trước) mở đầu cho phần thứ hai của diễn từ. Lời này chủ yếu nói đến Thánh Thể:
"Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được
sống"
Đức Giêsu không những chỉ rõ mình là "bánh trường sinh"
mà còn là "bánh trường sinh từ trời xuống”.
Động từ "ban” ("Bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi
đây, để cho thế gian được sống") chủ từ của nó không phải là Cha, nhưng
chính là Đức Giêsu. Ngài là người ban tặng, nhân danh Chúa Cha.
Bánh này đồng nhất với "thịt " của Đức Giêsu. Từ này
không chỉ bản chất của cơ thể con người, nhưng chỉ chính Đức Giêsu trong thân
phận con người phải chết. Tại sao tác giả Tin Mừng thích dùng từ này hơn từ
‘thân mình’ mà truyền thống đã quen khi nhắc lại những lời Đức Giêsu nói ở bữa
tiệc ly? Cha X. Léon-dufour trả lời: "Có thể do từ "thịt" đã nêu
lên cách hiện diện của Ngôi Lời giữa chúng ta trong Lời Tựa của Phúc Âm thánh
Gioan (1,14: "Ngôi Lời đã trở nên xác thịt). Như vậy, ở đây, tác giả Phúc
âm muốn giữ lại ý tưởng về mầu nhiệm nhập thể mà diễn từ muốn làm nổi bật khi
nói đến vấn đề từ trời xuống." (Lecture de
l'Evangile selon Jean', tập 2, Seuil, tr. 160). Ngôi Lời đã trở nên xác thịt
(1,14). Và thịt đã trở nên bánh (6,51).
Còn công thức: "Ban để cho thế gian được
sống" nói rõ mục đích của việc Đức Giêsu dâng hiến mạng sống mình làm quà
tặng. (Sách đã dẫn, tr.161)
2) Một phản đối mới
Điều khẳng định mới mẻ về cái chết của Ngài
là mạch suối hằng sống cho thế gian đã gây ra một phản đối mới: "Làm sao
ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?"
Mới đó, Đức Giêsu đã gây xung đột khi xưng
mình có nguồn gốc từ trời, giờ lại thêm một xung đột khác. Nếu đúng thực là
người Thiên Chúa sai đến, là Đấng Thiên sai như đã tự phụ thì làm sao Thiên
Chúa có thể để Ngài phải trải qua cái chết vì Ngài quả quyết: " Bánh Tôi
sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống. "Làm sao
Thiên Chúa có thể không cứu Ngài thoát khỏi quân thù và bảo đảm cho Ngài chiến
thắng?” LM. Chauvet cảnh báo: "Nếu khó khăn thứ nhất về căn tính Đức Giêsu
đã khó có thể tiêu hóa nổi thì khó khăn thứ hai về cách thực hiện sứ mạng của
Ngài càng không thể nuốt trôi: vì như vậy, Thiên Chúa có lẽ sẽ không còn là
Thiên Chúa nữa". ("Symbole ét sacrement", Cerf, tr.229-230).
Chính xung đột thứ hai là hậu cảnh cho
"diễn từ về bánh trường sinh”, chứ không phải việc bánh trở nên thịt Ngài
được gọi là sự ‘biến đổi bản thể’. Chính niềm tin vào Đức Giêsu, Đấng từ Thiên
Chúa mà đến và lại trở về với Thiên Chúa sau khi trải qua cái chết để ban sự
sống cho thế gian mới là trung tâm của tất cả diễn từ. Như thế, chúng ta mới
nói hết được tầm quan trọng của vấn nạn ở câu 52 (Làm sao ông này có thể cho
chúng ta ăn thịt ông ta được?): Thiên Chúa có còn là Thiên Chúa nữa không một
khi Người để cho kẻ người sai đi phải chết?" (LM. Chauvet, Sđd, tr.230).
3) Mạc khải mới của Đức Giêsu về chính mình:
Thay vì hạ giọng làm cho người nghe khỏi bị
vấp phạm, Đức Giêsu còn lên tiếng mạnh mẽ, quả quyết hơn: "Thật, Tôi bảo
thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có
sự sống nơi mình."
Không chỉ có vấn đề "thịt ", mà còn
phải "ăn" (nghĩa đen là nhai, như chúng ta "nhai" bữa ăn
phục sinh; chúng ta gặp động từ này 8 lần trong những câu này); và phải uống
máu Ngài. Để "ở” với Ngài
ngay từ bây giờ, để sống sự sống Ngài đã nhận từ Cha, chúng ta phải nhờ đức tin
đón nhận mầu nhiệm sự chết là quà tặng Ngài ban cho ta.
Khi đọc bản vằn này, một bản văn rất tương
hợp với bài tường thuật về việc Chúa lập bí tích Thánh Thể, người Kitô hữu
không thể không nhận biết đó là lời loan báo về Thánh Thể. Tài liệu thần học
chuẩn bị cho Đại hội Thánh Thể quốc tế tại Lộ đức viết rằng: "Khi ăn Mình
mầu nhiệm Chúa, các Kitô hữu nghiền ngẫm" (nhai lại) biến cố gây vấp phạm
là việc Đấng Thiên sai bị đóng đinh vì muốn ban sự sống cho thế gian (xem Ga
6,51), và nên một với Người nơi chính thân thể mình, hầu đời sống hằng ngày
được biến đổi nên giống Người" (Jésus Christ, painrompu our un monde
nouveau, Centurion, 1980, tr. 64)
BÀI ĐỌC THÊM
1) “Ngôi lời đã trở thành xác thịt. Xác thịt
đã trở nên bánh”
(A. Marchadour, trong "Les dossiers de
la Bible", số 41, 1992, tr.13-14):
Khi giảng dạy tại Capharnaum. Đức Giêsu không
thể tuyên bố trực tiếp về Thánh Thể vì trước bữa tiệc ly, cũng như trước khi
Ngài chết và sống lại, điều đó còn rất khó hiểu. Trước hết, thành ngữ
"Bánh trường sinh" là cách để chỉ Đức Giêsu là Đấng mạc khải từ trời
đến, và lời Ngài là của ăn và của uống giống như sự khôn ngoan của Thiên Chúa
được trình bày cụ thể bằng bánh và rượu (Hãy đến, hãy ăn bánh và hãy uống rượu
ta đã dọn cho các ngươi, Prov. 9,5). Toàn bộ diễn từ nhằm gợi lên niềm tin vào
Đức Giêsu, Đấng mạc khải; ngoài ra, việc cử hành bí tích Thánh Thể cũng được
biểu lộ rõ ràng trong những kiểu nói: "An, uống, có sự sống”. Hơn nữa,
phần cuối (câu 51-58) của diễn từ còn trực tiếp nói đến Thánh Thể. Chúng
ta hãy xem xét phần này.
Quả thật, từ câu 51, Đức Giêsu nói đến cái chết của Ngài như nguồn
mạch sự sống: "Bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây để cho thế gian
được sống”. Từ thịt làm chúng ta nghĩ đến Lời Tựa: "Ngôi Lời đã trở thành
xác thịt" (1,14). Ở đây, rõ ràng, mầu nhiệm nhập thể được diễn tả ở điểm
chót là cái chết của Đức Giêsu. Ngôi Lời đã trở thành xác thịt. Xác thịt đã trở
nên bánh. Có sự liên tục giữa nhập thể, cái chết trên thập giá và Thánh Thể.
Ngày nay, Đức Giêsu vắng mặt về thể xác, nhưng điều Ngài mạc khải còn đó và
Thánh Thể vẫn và điểm hẹn để con người có thể gặp gỡ hoặc từ chối Người như
những người đương thời với Đức Giêsu vậy: "Lời này chướng tai quá, ai mà
nghe nổi” (6,60).
Trong các câu 53-56, thay vì động từ "ăn”, Gioan dùng một
động từ có nghĩa mạnh hơn: "nhai”, "nhai rau ráu”. Điều này có thể
nhằm nhấn mạnh đến thực tại của Thánh Thể vì có một số Kitô hữu theo thuyết ngộ
đạo bác bỏ sự trung gian của vật chất trong việc kết hợp với Đức Giêsu qua các
bí tích, và không nhận Ngài cũng là người như chúng ta: đến trong xác thịt (1Ga
4,2). Tuy nhiên, sử dụng vật chất làm trung gian trong các bí tích không có
nghĩa là chúng ta sử dụng ma thuật: Chính Thần Khí mới làm cho sống, còn xác
thịt chẳng ích chi (6,63). Thánh Thể, xác và máu, thông truyền cho tín hữu hai
quà tặng mà những người thời Đức Giêsu tìm kiếm: đời sống vĩnh cửu ngay từ bây
giờ và sự luôn “ở" với Đức Giêsu. Ngày nay cũng vậy, Kitô hữu nào thông
hiệp với Đức Kitô trong đức tin thì ở trong Ngài và được sự sống đời đời.
2) “Hai bàn tiệc"
"Thánh lễ gồm hai phần: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh
Thể; cả hai liên kết chặt chẽ để làm nên một hành động phụng tự duy nhất. Thật
vậy, thánh lễ vừa là bàn tiệc Lời Chúa vừa là bàn tiệc Thân Thể Chúa nhờ đó các
tín hữu được giáo huấn và được bồi dưỡng" (PGMPL 8) Bản văn này sáng sủa
rõ ràng nên không cần phải giải thích thêm. Nó nói đến tính cách đặc biệt của
mỗi phần trong thánh lễ: có hai bàn tiệc nên có hai của ăn, nhưng cũng nói đến
sự duy nhất làm cho hai bàn nên một hành động phượng tự duy nhất. Chúng ta đi
từ Lời đến Thánh Thể, hay, dựa trên câu nổi tiếng của Phúc Âm thánh Gioan:
"Ngôi Lời đã trở thành xác thịt" (1,14), để nói rằng chúng ta không
thể đi tới xác thịt (thân thể) mà không qua Ngôi Lời (lời), và cả hai đều chỉ
là duy nhất một Chúa có nghĩa là để gặp Chúa, đến với Chúa, phải nhờ Lời của
Người.
Chúng ta cũng biết rằng từ thế kỷ XVI, anh em Tin Lành nhấn mạnh
hơn đến tầm quan trọng của bàn tiệc thứ nhất và người công giáo chú trọng đến
bàn tiệc thứ hai, nhưng từ công đồng Vaticanô II, phụng vụ có được sự cân đối
hài hòa giữa hai bàn tiệc này. Đàng khác, Công đồng không canh tân mà chỉ trở
về nguồn là nền thần học của các Giáo phụ nổi tiếng như Origênê, Ambrôsiô,
Hiêrônimô, Gioan Kim Khẩu và Xê-da thành Ac".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét