Tài Liệu Làm Việc Của Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015 (phần III, chương I)
Phần III
Sứ mệnh của gia đình ngày nay
Chương I
Gia đình và việc phúc âm hóa
Công Bố Tin Mừng Gia Đình Ngày Nay trong Các Bối Cảnh Khác Nhau
69. (29) Cuộc thảo luận tại Thượng Hội Đồng nào tập chú vào một số vấn đề khẩn cấp hơn cần được tiến hành tại các Giáo Hội địa phương, trong sự hiệp thông cum Petro et sub Petro (với Phêrô và dưới quyền Phêrô). Công bố Tin Mừng Gia Đình là điều khẩn cấp cần thiết trong công cuộc phúc âm hóa. Giáo Hội có nhiệm vụ thi hành việc này với sự dịu hiền của một bà mẹ và với sự minh bạch của một bà thầy (xem Eph 4:15), luôn trung thành với lòng thương xót được biểu lộ trong mầu nhiệm hư vị hóa (kenosis) của Chúa Kitô. Sự thật trở thành xác phàm trong sự yếu đuối nhân bản, để không kết án nó mà là để cứu vớt nó (xem St 3:16,17).
Tình âu yếm trong gia đình – Tình âu yếm của Thiên Chúa
70. Âu yếm nghĩa là cho đi một cách hân hoan, và ngược lại, khơi dậy nơi người khác niềm hân hoan cảm thấy được yêu thương. Âu yếm được biểu lộ một cách đặc biệt qua việc nhìn các giới hạn của người khác một cách yêu thương, nhất là khi các giới hạn này nổi bật rõ ràng. Cư xử một cách tế nhị và tôn trọng có nghĩa: chăm sóc các vết thương và tái lập hy vọng để có thể phục hoạt sự tin tưởng nơi người khác. Tình âu yếm trong các liên hệ gia đình là nhân đức giúp người ta thắng vượt các tranh chấp hàng ngày ngay bên trong một con người và trong các liên hệ với người khác. Về phương diện này, Đức GH Phanxicô mời gọi mọi người suy nghĩ lời ngài nói: “Ta có lòng can đảm âu yếm đón nhận các khó khăn và các vấn đề của những người gần gũi chúng ta không hay ta thích các giải pháp vô ngã hơn, là các giải pháp, có thể hữu hiệu nhưng thiếu hẳn cái ấm áp của Tin Mừng? Thế giới ngày nay cần tình âu yếm xiết bao! Lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, sự thân thiết của Thiên Chúa, tình âu yếm của Thiên Chúa” (Bài giảng Thánh Lễ Nửa Đêm Giáng Sinh, 24 tháng 12, 2014).
71. (30) Việc phúc âm hóa là trách nhiệm chung của toàn thể dân Chúa, mỗi người theo thừa tác vụ và đặc sủng của mình. Không có chứng từ hân hoan của các vợ chồng và các gia đình, các Giáo Hội tại gia, việc công bố, dù được thi hành thích đáng bao nhiêu đi chăng nữa, cũng có nguy cơ bị hiểu lầm hay mất hút trong cái náo động của ngôn từ vốn là đặc điểm của xã hội ngày nay (xem Novo Millennio Ineunte, 50). Trong nhiều dịp khác nhau, các nghị phụ thượng hội đồng từng nhấn mạnh rằng các gia đình Công Giáo, vì lý do ơn thánh của Bí Tích Hôn Phối, được mời gọi trở thành các tác nhân tích cực trong mọi hoạt động mục vụ nhân danh gia đình.
Gia đình: tác nhân của sinh hoạt mục vụ
72. Giáo Hội phải truyền dẫn vào các gia đình một ý hướng thuộc về Giáo Hội, một ý hướng “chúng ta”, trong đó, không chi thể nào bị lãng quên. Mọi người phải được khuyến khích để phát triển các kỹ năng của mình và hoàn thành kế hoạch bản thân của đời mình trong việc phục vụ Nước Thiên Chúa. Cũng thế, mọi gia đình trong Giáo Hội phải khám phá lại niềm vui hiệp thông với các gia đình khác để có thể phục vụ ích chung của xã hội bằng cách phát huy chính sách công, nền kinh tế và văn hóa phục vụ gia đình, cho dù phải dùng tới mạng lưới xã hội và các phương tiện truyền thông.
Điều trên đòi ta phải có khả năng tạo nên các cộng đồng nhỏ làm nhân chứng sống động cho các giá trị của Tin Mừng. Một số gia đình cần được chuẩn bị, huấn luyện và giúp khả năng để họ có thể đồng hành với các gia đình khác trong việc sống theo con đường Kitô Giáo. Những gia đình nào sẵn sàng đảm nhiệm sứ mệnh ad gentes (truyền giáo) thì cần được thừa nhận và khuyến khích. Sau cùng, việc nối kết thừa tác mục vụ giới trẻ với thừa tác mục vụ gia đình là một điều quan trọng đã được ghi nhận.
Phụng vụ lễ cưới
73. Cặp đính hôn phải dành khoảng thời gian đáng kể để chuẩn bị hôn nhân. Việc cử hành chính hôn phối, nên cử hành trong cộng đồng mà một hay cả hai người cùng thuộc về, đòi phải lưu tâm và nhấn mạnh thích đáng, trên hết, tới đặc điểm thiêng liêng và Giáo Hội đặc trưng của nó. Với một sự nồng ấm và hân hoan tham dự vào việc cử hành và khẩn cầu Chúa Thánh Thần, cộng đồng Kitô hữu sẽ tiếp nhận gia đình mới vào lòng mình để, trong tư cách Giáo Hội tại gia, gia đình mới này tự cảm nhận được mình là thành phần của gia đình Giáo Hội rộng lớn hơn.
Lắm khi, vị cử hành có dịp nói chuyện với một cộng đoàn chỉ tham dự vào đời sống Giáo Hội cách tối thiểu hay thuộc một hệ phái Kitô Giáo khác hoặc một tôn giáo khác. Thành thử, đây có thể là dịp qúy giá để công bố Tin Mừng Gia Đình, một việc công bố có thể thúc đẩy, ngay trong các gia đình hiện diện, việc khám phá lại các hồng ân tin và yêu của Thiên Chúa. Việc cử hành một lễ cưới cũng có thể là dịp may đúng lúc để mời gọi nhiều người cử hành Bí Tích Hòa Giải.
Gia đình: Công trình của Thiên Chúa
74. (31) Cần phải làm nổi bật tính ưu vị (primacy) của ơn thánh và do đó, các khả thể mà Chúa Thánh Thần vốn ban cho trong Bí Tích. Đây là vấn đề giúp người ta cảm nhận được rằng Tin Mừng Gia Đình là một niềm vui “tràn ngập các tâm hồn và các cuộc đời” vì trong Chúa Kitô, ta “được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn sầu, trống vắng nội tâm, và cô đơn” (Evangelii Gaudium, 1). Dưới ánh sáng Dụ Ngôn Người Gieo Giống (xem Mt 13:3), trách vụ của chúng ta là hợp tác vào việc gieo; phần còn lại là việc của Thiên Chúa; ta cũng đừng quên rằng, khi rao giảng về gia đình, Giáo Hội là dấu chỉ mâu thuẫn.
75. Tính ưu vị của ơn thánh được biểu lộ trọn vẹn khi gia đình giải thích lý lẽ cho đức tin của mình và khi cặp vợ chồng thực sự sống cuộc hôn nhân của mình như một ơn gọi. Về phương diện này, các khuyến cáo sau đây đã được nêu ra: hỗ trợ và khuyến khích chứng tá trung thành của các cặp vợ chồng Kitô hữu; dấn thân vào các chương trình có cơ sở nhằm phát triển ơn thánh của Phép Rửa, nhất là các chương trình dành cho tuổi trẻ; sử dụng một ngôn từ có tính biểu tượng, cảm nghiệm và nhiều ý nghĩa để giảng thuyết và dạy giáo lý; và cung cấp các buổi gặp gỡ và các khóa học đặc biệt cho các nhân viên mục vụ, để họ có thể thông đạt cách hữu hiệu với các người nghe họ và giáo dục những người này biết khẩn cầu và nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc kết hợp bí tích cũng như diễn trình liên tục hồi tâm của họ.
Hồi tâm truyền giáo và đổi mới ngôn từ
76. (32) Thành thử, công trình này kêu gọi mọi người trong Giáo Hội phải hồi tâm truyền giáo, nghĩa là, không dừng lại ở việc công bố một sứ điệp chỉ có tính lý thuyết mà không liên hệ gì tới các vấn đề có thực của người ta. Ta phải liên tục nhớ rằng cuộc khủng hoảng đức tin vốn dẫn tới cuộc khủng hoảng hôn nhân và gia đình và do đó, việc thông truyền đức tin từ cha mẹ cho con cái thường hay bị gián đoạn. Trước một đức tin mạnh, việc áp đặt một số tầm nhìn văn hóa nào đó nhằm làm suy yếu gia đình và hôn nhân sẽ không gây nên bất cứ thiệt hại nào.
77. (33) Hồi tâm cũng cần được thấy ngay trong ngôn ngữ ta sử dụng, để chứng tỏ nó có ý nghĩa hữu hiệu. Việc công bố cần tạo ra cảm nghiệm cho thấy Tin Mừng Gia Đình quả đáp ứng được các hoài mong sâu sắc nhất của con người nhân bản: một đáp ứng đối với phẩm giá và sự thành toàn trọn vẹn của mỗi người trong tính hỗ tương, hiệp thông và sinh hoa trái. Điều này không hệ ở việc chỉ trình bày một mớ qui luật, nhưng hệ ở việc ủng hộ các giá trị đáp ứng được nhu cầu của những người đang hiện diện trong các xã hội bị tục hóa hơn cả.
78. Sứ điệp Kitô Giáo cần phải được ưu tiên công bố cách nào đó để gợi lòng hy vọng. Cần phải chọn lối truyền đạt rõ ràng, có tính mời gọi và cởi mở, tức lối truyền đạt không có tính dạy đời, phê phán hay kiểm soát, nhưng làm chứng cho giáo huấn luân lý của Giáo Hội, trong khi, cùng một lúc, vẫn nhậy cảm đối với các hoàn cảnh của mỗi cá nhân.
Vì nhiều người không hiểu các chủ đề đa dạng của Huấn Quyền Giáo Hội, nên khẩn thiết phải có một ngôn từ mà mọi người, nhất là người trẻ, có thể hiểu được và là ngôn từ có thể chuyển tải vẻ đẹp của tình yêu gia đình và nghĩa của các từ ngữ, như tự hiến, tình yêu phu phụ, khả năng sinh sản (fertility) và sinh đẻ (procreation).
Sử dụng văn hóa như một phương tiện
79. Thời ta, hình như cần phải sử dụng văn hóa như một phương tiện để thông truyền đức tin cách thỏa đáng hơn, một nền văn hóa có khả năng diễn tả một cách gắn bó việc trung thành cả với Tin Mừng Chúa Kitô lẫn với con người thời nay. Chân phúc Phaolô VI từng dạy rằng: “Nhất là chúng ta, các mục tử của Giáo Hội, chúng ta có trách nhiệm phải lên khuôn lại các phương tiện thích hợp nhất và hữu hiệu nhất để truyền đạt sứ điệp Tin Mừng cho mọi người nam nữ thời đại ta, một cách mạnh dạn và khôn ngoan, nhưng hoàn toàn trung thành với nội dung phúc âm hóa” (EN, 40).
Nhất là ngày nay, ta cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hân hoan và lạc quan công bố các sự thật của đức tin liên quan tới gia đình và của việc sử dụng các nhóm chuyên môn và các chuyên gia trong truyền thông có khả năng hiểu biết cách xem xét thích đáng các vấn đề do cách sống của người thời nay đặt ra.
Lời Chúa: nguồn của đời sống thiêng trong gia đình
80. (34) Lời Thiên Chúa là nguồn sự sống và linh đạo cho gia đình. Mọi công trình mục vụ nhân danh gia đình phải giúp người ta được lên khuôn và đào luyện nội tâm để trở thành các chi thể của Giáo Hội tại gia nhờ việc đọc Sách Thánh theo kiểu cầu nguyện của Giáo Hội. Lời Thiên Chúa không những là tin mừng trong đời sống tư của người ta mà còn là tiêu chuẩn để phán đoán và là ánh sáng để biện phân các thách đố khác nhau mà các cặp vợ chồng và các gia đình gặp phải.
81. Dưới ánh sáng Lời Chúa, một lời đòi có sự biện phân trong các tình huống đa dạng, việc chăm sóc mục vụ cần xem xét điều này: một cuộc thông đạt cởi mở để đối thoại và không thiên kiến là điều cần thiết, nhất là trong các trường hợp trong đó, người Công Giáo không sống hay không ở trong hoàn cảnh sống hoàn toàn phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội, trong các vấn đề hôn nhân và đời sống gia đình.
Một bản hòa tấu các dị biệt
82. (35) Cùng một lúc, nhiều nghị phụ thượng hội đồng còn nhấn mạnh tới cách tiếp cận tích cực hơn đối với sự phong phú của nhiều cảm nghiệm tôn giáo khác nhau, mà không bỏ qua các khó khăn nội tại. Trong các thực tại tôn giáo khác nhau và trong tính đa dạng văn hóa lớn lao vốn là đặc điểm của các quốc gia hiện nay, ta nên đánh giá trước nhất các khả thể tích cực, rồi, trên căn bản này, ta mới nên lượng giá các giới hạn và thiếu sót.
83. Căn cứ trên sự hiện hữu của tính đa nguyên tôn giáo và văn hóa, một số người mong rằng Thượng Hội Đồng duy trì và đánh giá cao hình ảnh “bản hòa tấu các dị biệt”. Nói một cách tổng quát, có nhiều dấu chỉ cho thấy việc chăm sóc mục vụ đối với hôn nhân và gia đình cần phải biết đánh giá cao các yếu tố tích cực hiện hữu trong các trải nghiệm văn hóa và tôn giáo khác nhau; chúng vốn là præparatio evangelica, nghĩa là, “một chuẩn bị cho Tin Mừng”. Một cuộc gặp gỡ với những người đã chọn con đường hiểu biết và lãnh trách nhiệm đối với các thiện ích chân chính của hôn nhân có thể tạo nên một sự cộng tác hữu hiệu để phát huy và bảo vệ gia đình.
http://www.thanhlinh.net/node/91841
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét