Trang

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

(10) Tài Liệu Làm Việc Của Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015 (phần III, chương III, tiếp theo)

(10) Tài Liệu Làm Việc Của Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015 (phần III, chương III, tiếp theo)


 
Tác giả: 
 Vũ Văn An

Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi bất cứ ai

113. Nhiều người nhấn mạnh rằng thái độ thương xót đối với những người thất bại trong hôn nhân đòi phải lưu ý tới các khía cạnh khách quan và chủ quan khác nhau từng dẫn tới việc tan vỡ. Nhiều người chứng minh sụ kiện này: thảm kịch ly thân thường xẩy tới sau nhiều thời kỳ tranh chấp lâu dài; những thời kỳ tranh chấp này, trong trường hợp có con, đã sản sinh ra nhiều đau khổ còn lớn lao hơn nữa. Sau một tình huống như thế, thường xẩy ra một thứ thử thách phụ, đó là thử thách của cô đơn, đối với người phối ngẫu bị bỏ rơi hay người có sức phá vỡ cuộc sống chung vì bị đối xử tàn tệ nặng nề và liên tục. Các trạng huống này cần sự chăm sóc và quan tâm đặc biệt của cộng đồng Kitô hữu, nhất là đối với các gia đình chỉ có cha hoặc mẹ đơn lẻ, nơi các vấn đề kinh tế có thể phát sinh do việc làm bất ổn, do khó khăn nuôi dưỡng đứa con hay do thiếu nơi để ở.

Những người không bước vào mối liên hệ mới và vẫn trung thành với các lời thề hứa hôn nhân của mình, đáng được Giáo Hội quí mến và nâng đỡ; Giáo Hội cần tỏ lộ cho họ gương mặt của một Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi bất cứ ai và luôn sẵn sàng hồi phục sức mạnh và lòng hy vọng.

Hợp lý hóa thủ tục vô hiệu và sự quan trọng của Đức Tin trong các vụ tuyên bố vô hiệu

114. (48) Một số lớn nghị phụ thượng hội đồng nhấn mạnh tới việc phải làm cho thủ tục tuyên bố vô hiệu dễ dàng đến với tín hữu nhiều hơn, đỡ mất thì giờ nhiều hơn, và, nếu có thể, thì miễn phí. Trong số nhiều điều khác, các ngài đề nghị: miễn việc đòi phải có tòa thứ hai (second instance) mới có thể xác nhận phán quyết; có thể thiết lập ra các phương tiện hành chánh dưới thẩm quyền tài phán của giám mục giáo phận; và nên sử dụng một diễn trình đơn giản hơn trong trường hợp việc tuyên bố vô hiệu đã rõ ràng hiển nhiên. Tuy nhiên, một số nghị phụ thượng hội đồng chống lại các đề nghị này vì các ngài cảm thấy: chúng không bảo đảm đem lại được một phán quyết đáng tin cậy. Trong tất cả các trường hợp này, cần phải tái khẳng định rằng đây là việc kiểm chứng sự thật về tính thành hiệu của dây hôn phối. Theo một số đề nghị khác, ta có thể xác định được tính thành hiệu của Bí Tích Hôn Phối nhờ khảo sát vai trò đức tin nơi những người kết hôn, vì nhớ rằng cuộc hôn nhân giữa hai Kitô hữu luôn luôn là một bí tích.

115. Khá nhiều người đồng ý nay là lúc thuận tiện để làm cho các thủ tục vô hiệu của hôn nhân dễ dàng hơn, đỡ mất thì giờ hơn và có thể miễn phí.

Về phí tổn, một số người đề nghị: các giáo phận sẽ liên tục cung cấp dịch vụ cố vấn hôn nhân miễn phí. Về vấn đề tòa đệ nhị cấp để xác định các bản án, số khá đông ủng hộ việc loại bỏ nó, tuy nhiên vẫn để khả thể kháng án cho người muốn bênh vực dây hôn phối hay một trong hai người liên hệ. Trái lại, không có nhất trí nào về việc liệu giám mục giáo phận có nên đảm nhiệm trách nhiệm đối với thủ tục hay không; một số người nêu ra các khía cạnh gây vấn nạn. Tuy thế, một số đông đồng ý việc có thể sử dụng diễn trình giản lược (summary process) của giáo luật trong những vụ vô hiệu rõ ràng.

Liên quan tới sự quan trọng của đức tin bản thân nơi các người phối ngẫu tương lai để xác định tính thành sự của việc thuận tình, có người nêu ra sự bất đồng về tầm quan trọng và sự đa dạng trong cách tiếp cận để đào sâu thêm.

Chuẩn bị các nhân viên và gia tăng con số tòa án

116. (49) Về chủ đề các vụ án hôn nhân, song song với việc chuẩn bị cho có đủ số nhân viên gồm cả giáo sĩ lẫn giáo dân, việc hợp lý hóa thủ tục do nhiều nghị phụ thượng hội đồng yêu cầu đòi vị giám mục giáo phận phải chịu nhiều trách nhiệm hơn. Việc hợp lý hóa này có thể được thực hiện qua các huấn đạo viên được huấn luyện đặc biệt với khả năng có thể cung cấp các lời cố vấn miễn phí cho các bên liên hệ về tính thành sự của cuộc hôn nhân của họ. Việc này có thể được thực hiện bởi một văn phòng hay bởi các cá nhân có khả năng (xem Dignitas Connubii, điều 113, 1).

117. Một đề nghị muốn mỗi giáo phận cung cấp miễn phí các tín liệu, việc huấn đạo và làm trung gian trong các vấn đề liên quan tới việc chăm sóc mục vụ các gia đình, nhất là cho những người đang gặp trục trặc trong hôn nhân và những người đã ly thân. Một dịch vụ hữu hiệu loại này có thể giúp người ta chấp nhận thủ tục giáo luật, một thủ tục, trong lịch sử Giáo Hội, xem ra là phương cách đáng tin cậy nhất để biện phân và xác định tính thành sự đích thực của hôn nhân. Ngoài ra, nhiều nơi trên thế giới yêu cầu phải có nhiều toà án Giáo Hội hơn và phải phân quyền nhiều hơn cho các tòa này và cung cấp cho chúng các nhân viên có trình độ và khả năng.

Các phương thức mục vụ chung

118. (50) Những người ly dị nào mà không tái hôn, nghĩa là những người sẵn sàng làm chứng tá cho các lời thề hứa trung thành trong hôn nhân của họ, cần được khuyến khích để tìm thấy nơi Phép Thánh Thể của nuôi dưỡng cần thiết để nâng đỡ họ trong bậc sống hiện nay của họ. Cộng đồng và các vị mục tử địa phương phải đồng hành với những người này một cách ân cần, nhất là khi có liên quan đến con cái hay khi họ gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chánh.

119. Ngoài việc lưu ý tới các tình huống cụ thể, nhiều người cảm thấy sự cần thiết này nữa là phát huy các sáng kiến mục vụ chung, mà nếu thiếu sẽ dẫn tới sự mù mờ và chia rẽ lớn lao hơn cũng như gây đau khổ nặng nề nơi những người đang chịu đựng sự thất bại của hôn nhân; họ là những người đôi khi cảm thấy bị xử bất công. Thí dụ, một số người trong Giáo Hội, đã ly thân nhưng chưa bước vào mối liên hệ mới, nghĩ lầm rằng việc ly thân của họ là có tội khiến họ không được lãnh nhận các bí tích. Hơn nữa, những người đã ly dị và đã tái hôn dân sự nhưng đang sống tiết dục vì nhiều lý do khác nhau, không hề biết rằng họ có thể lãnh nhận các bí tích tại một nơi không ai biết hoàn cảnh của họ. Một số người trong trạng thái kết hợp bất hợp lệ nhưng bằng lương tâm, đã quyết định sống tiết dục, thì vẫn có thể lãnh nhận các bí tích, dù phải cẩn thận tránh gây gương mù gương xấu. Các thí dụ này cho thấy Giáo Hội cần phải đưa ra sự chỉ dẫn rõ ràng, để con cái mình, những người trong các hoàn cảnh đặc biệt, không cảm thấy một ý hướng kỳ thị.

Tháp nhập những người ly dị và tái hôn dân sự vào cộng đồng Kitô hữu

120. (51) Cũng thế, những người ly dị và tái hôn cần được biện phân thận trọng và được đồng hành một cách hết sức kính trọng. Ngôn từ hay tác phong nào có thể làm họ cảm thấy như đối tượng của kỳ thị thì cần phải tránh, trong khi khích lệ họ tham gia vào đời sống cộng đồng. Không được coi việc cộng đồng Kitô hữu chăm sóc những người như thế là làm suy yếu đức tin và chứng từ của cộng đồng này đối với tính bất khả tiêu của hôn nhân, mà đúng hơn, chính trong chiều hướng này, cộng đồng được coi như đã nói lên đức ái của mình.

121. Nhiều phía yêu cầu rằng việc chú ý tới và đồng hành với những người đã ly dị và tái hôn dân sự cần phải xem xét tính đa dạng của các tình huống và phải ăn khớp với việc tháp nhập họ nhiều hơn vào đời sống của cộng đồng Kitô hữu. Không cố ý làm tổn hại tới các khuyến cáo trong Familiaris Consortio số 84, một số người gợi ý rằng các hình thức loại trừ hiện đang được tuân giữ trong thực hành phụng vụ và mục vụ phải được xem xét lại cũng như các thực hành trong giáo dục và hoạt động bác ái. Vì những người này vẫn còn là thành phần của Giáo Hội, nên mục tiêu là phải suy nghĩ tới dịp loại bỏ các hình thức loại trừ ấy. Hơn nữa, để phát huy việc tháp nhập những người này vào cộng đống Kitô hữu nhiều hơn, phải lưu ý đặc biệt tới quyền lợi tốt nhất của con cái họ, xét vì cha mẹ có vai trò không thay thế được trong việc dạy dỗ con cái.

Trước khi tháp nhập những người đã ly dị và tái hôn dân sự vào sinh hoạt mục vụ, một số người khuyến cáo: các mục tử phải biện phân thích đáng đặc điểm không thể trở lui của hoàn cảnh họ cũng như đời sống đức tin của cặp kết ước trong mối liên hệ mới của họ; con đường tháp nhập này phải đi đôi với việc nhậy cảm hóa cộng đồng Kitô hữu dưới khía cạnh chào đón những người liên hệ, và phải được thể hiện theo luật tiệm tiến (xem FC, số 34), luôn tôn trọng diễn trình chín mùi của lương tâm.

Con đường thống hối

122. (52) Các nghị phụ thượng hội đồng cũng xem xét khả thể cho phép người ly dị và tái hôn được chịu các bí tích thống hối và Thánh Thể. Nhiều nghị phụ nhấn mạnh việc phải duy trì kỷ luật hiện nay, vì mối liên hệ cấu thành giữa việc tham dự Phép Thánh Thể và sự hiệp thông với Giáo Hội cũng như giáo huấn của Giáo Hội về đặc tính bất khả tiêu của hôn nhân. Các nghị phụ khác đưa ra một phương thức có tính cá nhân hóa nhiều hơn, cho phép chịu các bí tích này trong một số tình huống và với những điều kiện được xác định cẩn thận, chủ yếu là trong các tình huống không thể đảo ngược được và các tình huống có liên hệ tới nghĩa vụ tinh thần đối với con cái là những người sẽ phải chịu những đau khổ bất công. Chịu các bí tích có thể diễn ra nếu có việc thực hành thống hối trước đó, do vị giám mục giáo phận xác định. Đề tài này cần được xem xét thấu đáo, luôn nhớ tới việc phân biệt giữa một bên là tình thế tội lỗi khách quan và các hoàn cảnh giảm khinh, xét vì “việc có thể qui tội và trách nhiệm đối với một hành động nào đó có thể gia giảm, thậm chí còn bị triệt tiêu bởi ngu dốt, thiếu thận trọng, bị cưỡng ép, sợ sệt, bởi thói quen, các gắn bó vô trật tự, và nhiều nhân tố tâm lý hay xã hội” (CCC, 1735).

123. Liên quan tới chủ đề vừa nhắc, đa số đồng ý rằng hành trình hòa giải hay thống hối, dưới sự giám sát của giám mục địa phương, có thể được thực hành bởi những người ly dị và tái hôn dân sự thấy mình ở trong tình huống thê thiếp (concubinage) không thể nào trở lui được nữa. Tham chiếu Familiaris Consortio, số 84, có gợi ý cho rằng cần phải theo thủ tục sau đây: hiểu rõ lý do tại sao cuộc hôn nhân đã thất bại và các thương tổn nó gây ra; thống hối thỏa đáng; chứng thực tính vô hiệu có thể có của cuộc hôn nhân đầu; cam kết rước lễ thiêng liêng; và quyết định sống tiết dục.

Các người khác hiểu con đường thống hối như một diễn trình làm sáng tỏ các vấn đề sau khi đã sống sự thất bại, và tới việc tái định hướng, một việc phải được sự đồng hành của một linh mục được đề cử cho mục đích này. Diễn trình này phải dẫn những người liên hệ tới một phê phán trung thực đối với chính trạng huống của họ, nhờ đó cũng vị linh mục vừa kể có thể có được một lượng giá chín chắn để có thể sử dụng quyền buộc và quyền tha đối với trạng huống này.

Để có thể xem xét thấu đáo tình trạng khách quan của tội và phần lỗi luân lý của các bên, một số người gợi ý phải tham chiếu các văn kiện Thư Gửi Các Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo về Việc Rước Lễ của Các Thành Phần Ly Dị và Tái Hôn của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (4 tháng 9, 1994) và Tuyên Bố về Việc Cho Các Tín Hữu Ly Dị và Tái Hôn Rước Lễ của Hội Đồng Giáo Hoàng về Các Bản Văn Lập Pháp (24 tháng 6, 2000).

Tham dự thiêng liêng vào hiệp thông Giáo Hội

124. (53) Một số nghị phụ thượng hội đồng chủ trương rằng các người ly dị và tái hôn hay những người sống chung với nhau có thể rước lễ thiêng liêng một cách hữu ích. Các nghị phụ khác thì nêu vấn đề: như thế, tại sao họ lại không được chịu lễ thực sự. Thành thử, các nghị phụ yêu cầu rằng cần phải có những nghiên cứu thần học sâu xa hơn về vấn đề này nhằm minh giải các nét khác biệt của hai hình thức rước lễ và mối nối kết của chúng với nền thần học hôn nhân.

125. Việc Giáo Hội tháp nhập các chi thể của mình vào Chúa Kitô, khởi đầu trong Phép Rửa, cả trong trường hợp những người ly dị và tái hôn dân sự, diễn tiến theo từng giai đoạn nhờ một hành trình hoán cải liên tục. Trong diễn trình này, người ta được mời gọi nhiều cách khác nhau để làm cho đời mình nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Đấng luôn dùng ơn thánh của Người nâng đỡ họ trong hiệp thông Giáo Hội. Dựa vào Familiaris Consortio, số 84, một lần nữa, các hình thức tham dự được khuyến cáo là: lắng nghe Lời Chúa, tham dự việc cử hành Thánh Thể, kiên tâm cầu nguyện, làm việc bác ái, các sáng kiến của cộng đồng nhằm phát huy công lý, đào luyện con cái trong đức tin và tinh thần thống hối, tất cả đều được hỗ trợ bởi lời cầu nguyện và chứng tá đầy từ tâm của Giáo Hội. Hoa trái của việc tham dự này là việc hiệp thông của các tín hữu với toàn thể cộng đồng, vốn nói lên việc được tháp nhập vào Giáo Hội như là Nhiệm Thể Chúa Kitô. Điều quan trọng phải nhớ là: việc rước lễ thiêng liêng, một việc rước lễ giả thiết phải có hồi tâm và ở trong trạng thái ơn thánh, có liên hệ với việc rước lễ bí tích.

Các cuộc hôn nhân hỗn hợp và các cuộc hôn nhân khác đạo

126. (54) Các vấn đề liên quan tới các cuộc hôn nhân hỗn hợp thường được các tham luận của các nghị phụ nêu ra. Các dị biệt trong luật lệ hôn nhân của các Giáo Hội Chính Thống tạo nên nhiều vấn đề trầm trọng trong một số bối cảnh; các vấn đề này đòi được xem xét theo quan điểm đại kết. Cũng thế, sự đóng góp của cuộc đối thoại với các tôn giáo rất quan trọng đối với các cuộc hôn nhân liên tôn giáo.

127. Các cuộc hôn nhân hỗn hợp và các cuộc hôn nhân khác đạo có nhiều khía cạnh quan yếu không dễ giải quyết, không hẳn ở bình diện pháp lý cho bằng ở bình diện mục vụ. Các cuộc hôn nhân này đặt ra một loạt các vấn đề cần đương đầu; thí dụ, việc dưỡng dục con cái về tôn giáo; việc tham dự vào sinh hoạt phụng vụ của người phối ngẫu, như trong trường hợp kết hôn hỗn hợp với những người rửa tội trong các tuyên tín khác của Kitô Giáo; và việc chia sẻ các kinh ngiệm tâm linh với một người phối ngẫu thuộc một tôn giáo khác hoặc thậm chí với người không tin đang còn đi tìm Thiên Chúa. Các hoàn cảnh như thế đòi phải đưa ra một chính sách về tác phong trong đó, không người phối ngẫu nào được ngăn cản hành trình đức tin của người kia. Về việc này, muốn xử lý với các dị biệt liên quan tới đức tin một cách xây dựng, nhất thiết phải lưu ý cách riêng tới những người hiện đang sống trong các cuộc hôn nhân này, không chỉ trong thời gian chuẩn bị trước ngày cưới mà thôi.

128. Một số người gợi ý rằng có thể coi các cuộc hôn nhân hỗn hợp như các trường hợp “thật cần thiết” trong đó có thể cho phép người đã chịu phép rửa nhưng chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, tuy có chia sẻ đức tin của Giáo Hội vào phép Thánh Thể, được rước lễ, khi các mục tử của họ không sẵn có đó và phải tính tới các tiêu chuẩn của cộng đồng Giáo Hội mà họ vốn thuộc về (xem EdE, 45-46; Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giao, Tập Hướng để Áp Dụng Các Nguyên Tắc và Qui Định về Đại Kết, ngày 25 tháng 3, 1993, 122-128).

Bản chất đặc biệt của truyền thống Chính Thống Giáo

129. Những người nhắc tới thực hành hôn phối của các Giáo Hội Chính Thống cần phải nhớ sự khác nhau trong cách hiểu thần học của các Giáo Hội này về hôn nhân. Các Giáo Hội Chính Thống liên kết tập tục chúc lành cho cuộc kết hợp thứ hai với quan niệm “nhiệm cục” (oikonomia), được hiểu là việc thích nghi mục vụ đối với cuộc hôn nhân thất bại mà không đặt nghi vấn gì đối với lý tưởng của một liên hệ tuyệt đối đơn hôn hay tính độc đáo của hôn nhân. Trong chính nó, việc chúc lành này là một cử hành thống hối để khẩn cầu ơn Chúa Thánh Thần, ngõ hầu sự yếu đuối của con người được chữa lành và hối nhân được hiệp thông trở lại với Giáo Hội.

Lưu tâm mục vụ đối với những người có khuynh hướng đồng tính

130. (55) Một số gia đình có các thành viên có khuynh hướng đồng tính luyến ái. Về phương diện này, các nghị phụ thượng hội đồng tự hỏi mục vụ phải chú ý một cách thích hợp ra sao đối với họ mà vẫn phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội vốn dạy rằng: “Tuyệt đối không có bất cứ cơ sở nào để coi các cuộc kết hợp đồng tính là tương đương hay có thể so sánh dù rất xa xôi với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho hôn nhân và gia đình”. Tuy nhiên, các người nam nữ có khuynh hướng đồng tính phải được tiếp nhận với lòng kính trọng và nhậy cảm. “Mọi dấu hiệu kỳ thị bất công đối với họ phải được xa tránh” (Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Các Xem Xét Liên Quan Tới Các Đề Nghị Thừa Nhận Hợp Pháp Các Cuộc Kết Hợp Giữa Những Người Đồng Tính Luyến Ái, số 4).

131. Điểm sau đây cần được lặp lại: mọi người, bất kể xu hướng tính dục của họ, đều phải được tôn trọng trong nhân phẩm của họ và được tiếp nhận một cách nhậy cảm và hết sức quan tâm trong cả Giáo Hội lẫn xã hội. Điều đáng ước mong là: trong các chương trình mục vụ của họ, các giáo phận nên dành sự chú ý đặc biệt để đồng hành với các gia đình trong đó một thành viên có khuynh hướng đồng tính, và với chính những người đồng tính.

132. (56) Về phương diện trên, gây áp lực đối với các mục tử của Giáo Hội là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được: cũng thế, không thể chấp nhận được việc các tổ chức quốc tế nối kết sự trợ giúp tài chánh của họ cho các nước nghèo với việc (các nước này) phải ban hành các luật lệ hợp pháp hóa “cuộc hôn nhân” giữa những người cùng phái tính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét