Trang

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Thượng Hội Đồng về Gia Đình, cuộc khủng hoảng hôn nhân và Phép Thánh Thể (tiếp theo)

Thượng Hội Đồng về Gia Đình, cuộc khủng hoảng hôn nhân và Phép Thánh Thể (tiếp theo)


 
Tác giả: 
 Vũ Văn An

Chân lý và trách nhiệm

Theo Relatio Synodi, tức bản tường trình sau cùng của THĐ năm 2014, vấn đề cho phép người ly dị và tái hôn rước lễ phải được nghiên cứu dưới ánh sáng của việc phân biệt giữa tình tạng khách quan của tội và trách nhiệm bản thân, là trách nhiệm có thể được giảm khinh hay triệt tiêu bởi nhiều nhân tố bên trong và bên ngoài (xem Relatio Synodi, 52).

Huấn quyền của Giáo Hội dạy rằng có sự phân biệt giữa chân lý khách quan của sự thiện luân lý và trách nhiệm chủ quan của các cá nhân, giữa lề luật và lương tâm, giữa bất trật tự và tội lỗi. Huấn quyền này thừa nhận rằng có luật tiệm tiến trong trách nhiệm bản thân, trong khi không hề có sự tiệm tiến về luật trong chân lý của thiện và ác.

“Nhưng con người, vốn được mời gọi sống theo kế sách khôn ngoan và đầy yêu thương của Thiên Chúa một cách có trách nhiệm, là một hữu thể lịch sử, ngày qua ngày, tự bồi đắp mình bằng rất nhiều quyết định tự do; và do đó, họ biết, họ yêu và họ thực hiện sự thiện luân lý qua các giai đoạn trưởng thành” (Thánh GH Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, 34).

Khả năng chủ quan biết, đánh giá và muốn sự thiện là của riêng mỗi người và được điều kiện hóa bởi nhiều nhân tố bên trong và bên ngoài.  “Việc quy lỗi và trách nhiệm về một hành động có thể được giảm bớt hay xóa bỏ do thiếu hiểu biết, sơ suất, do áp lực, sợ hãi, do thói quen, do tâm lý bất ổn, do các nhân tố tâm lý hay xã hội” (SGLCGHCG, số 1735).

Trách nhiệm thường phát triển từ từ. Tuy nhiên, người ta không thể “coi lề luật chỉ như một lý tưởng để đạt tới trong tương lai”; họ không thể nói tới tính tiệm tiến của lề luật “như thể có những mức độ hay hình thức giới điều khác nhau trong lề luật của Thiên Chúa dành cho các cá nhân và các tình huống khác nhau” (Thánh GH Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, 34). Luật luân lý buộc tất cả mọi người và không bao giờ bị coi như “một lý tưởng cần được thích ứng” với các khả thể cụ thể của con người (idemVeritatis Splendor, 103). Nghĩa vụ làm điều thiện không có phân mức (gradation), nhưng khả năng làm nó thì phát triển từ từ.

Để chỉ rõ sự phân biệt giữa chân lý khách quan của đời sống Kitô hữu theo Tin Mừng và trách nhiệm chủ quan của các cá nhân, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tạo ra một hình ảnh sống động được ngài dùng nhiều lần sau bài diễn văn tại Kinshasa, vào ngày 3 tháng Năm, 1980. Như thường lệ, Đức Giáo Hoàng khuyên các mục tử đừng hạ thấp ngọn núi, nhưng hãy giúp các tín hữu leo núi ấy bằng cách dẫn đường. Về phần họ, các tín hữu đừng có ngưng việc cố gắng đạt tới đỉnh núi; họ phải thànhnthực tìm kiếm cả điều thiện lẫn ý Thiên Chúa. Chỉ với thái độ nền tảng này, ta mới có thể khai triển được một nẻo đường tích cực để hoán cải và lớn lên, dù bước chân cá thể có thể ngắn và đôi khi đi lạc. “Điều cần là một cuộc hóan cải liên tục, vĩnh viễn, một cuộc hóan cải, trong khi đòi nội tâm ta phải xa lánh mọi điều ác và gắn bó với điều thiện trong tính viên mãn của nó, được tạo ra một cách cụ thể trong các bước chân dẫn ta tiến tới phía trước” (Familiaris Consortio, 9).

Đức GH Phanxicô dùng một âm sắc khác, nhiệt tình hơn, nhưng xét trong yếu tính, ngài cũng tiến theo cùng một đường hướng. “Trong khi vẫn không xa rời lý tưởng Tin Mừng, họ cần phải có lòng thương xót và kiên nhẫn để dõi theo và nâng đỡ các giai đoạn tăng trưởng khi chúng tuần tự diễn ra. Tôi muốn nhắc nhớ các linh mục rằng toà giải tội không phải là một buồng tra tấn nhưng là một nơi gặp gỡ lòng từ bi của Chúa, thúc đẩy chúng ta làm hết sức mình. Một bước đi nhỏ giữa những hạn chế to lớn của con người, có thể làm vui lòng Thiên Chúa hơn là một cuộc sống bề ngoài xem ra đúng mực nhưng ngày ngày không phải đối diện với những khó khăn to lớn nào. Mọi người cần được đánh động bởi sự an ủi và hấp dẫn của tình thương cứu độ của Thiên Chúa, đang hoạt động một cách nhiệm mầu trong mỗi người, vượt lên trên các sa ngã và lỗi lầm của họ” (Đức GH Phanxicô,Evangelii Gaudium, 44).

Trong viễn ảnh của luật tiệm tiến, ta có thể hiểu một lương tâm tốt lành và ngay thẳng có thể hiện hữu ra sao ngay trong một tình huống tội lỗi khách quan, ngay trong tác phong thiếu sót và vô trật tự. Một số người đơn giản làm ngơ điều này: một số tác phong là sai lạc; nhiều người khác biết rằng về lý thuyết, chúng xấu xa, nhưng bản thân lại không tin như thế; lại có nhiều người, dù nhìn nhận chúng là sự ác, nhưng lại không cương quyết xa lánh chúng. Chỉ có Thiên Chúa mới thấy được tâm hồn người ta và trực tiếp phán kết trách nhiệm luân lý của họ. Giáo Hội chỉ có thể làm việc biện phân, vì thái độ bên trong tự nó biểu lộ qua lời nói, hành động, thói quen và lối sống, dù chỉ phần nào. Trách vụ đầu tiên của Giáo Hội là dạy chân lý khách quan, vốn có giá trị đối với mọi người, và song song, ra qui luật cho đời sống bản thân và cộng đoàn của Kitô hữu. Còn về phần các tín hữu, mỗi cá nhân có bổn phận phải đồng hành với họ một cách kiên nhẫn hướng tới sự thiện mà họ vốn có khả năng, soi sáng các tình huống của họ ở trong đời, khuyến khích họ trì chí trong diễn trình hoán cải và trưởng thành, trong khi tôn trọng tự do lương tâm của họ và trao phó sự yếu đuối của con người cho lòng từ bi vô lượng của Thiên Chúa.

Các vụ kết hợp bất hợp pháp của các cặp ly dị và tái hôn và những người sống chung là việc công khai và tỏ tường. Giáo Hội không nhìn nhận chúng, coi chúng như những tình huống tôi lỗi khách quan. Nếu Giáo Hội nhìn nhận chúng, như thể chúng có thể tốt ở một lúc nào đó, là Giáo Hội đi trệch ra ngoài luật tiệm tiến mà bước vào tính tiệm tiến của lề luật, vốn bị Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II kết án. Điều xấu không thể có lúc nào đó lại có thể tốt được. Ăn cắp không bao giờ trở thành hợp pháp cả, dù đối với những người đã quá quen thuộc với việc ăn cắp; văng tục chửi thề hiếm khi có thể trở thành hợp pháp, ngay đối với những người quá quen với việc văng tục chửi thề thường xuyên. Cũng nthế, các cuộc kết hợp hôn nhân bất hợp pháp không thể được biến thành tốt về phươngdiện luân lý bởi các điều kiện của những người ủng hộ việc cho phép người ly dị và tái hôn được rước lễ (như tình thế không thể nào đảo ngược được, chu toàn các nghĩa vụ cũ, hôn nhân dân sự, hoàn tất hành trình thống hối để đền trả sự bất trung trong cuộc hôn nhân thứ nhất, các giá trị nhân bản chân chính cảm ngiệm được trong cuộc kết hợp thứ hai).

Vì các cuộc kết hợp bất hợp lệ có tính công khai và tỏ tường, nên Giáo Hội cũng không thể im lặng hay khoan dung được. Giáo Hội bắt buộc phải công khai can thiệp để bác bỏ các tình huống tội lỗi khách quan ấy.

Ấy thế nhưng, về phương diện chủ quan, các người kết hợp có thể không chịu trách nhiệm hoàn toàn, vì chịu điều kiện hóa của cuộc sống, của văn hóa, của tâm lý và xã hội. Thậm chí rất có thể họ còn có ơn Chúa và có những thiên hướng cần thiết để lãnh nhận Thánh Thể. Tuy thế, ta không thể chỉ đơn giản giả thiết tất cả những điều ấy; cần phải biện phân chúng một cách thận trọng, theo luật tiệm tiến. Ta phải biện phân xem liệu những người sống chung có nhất định leo lên đỉnh núi, tức việc tiết dục, hay không. Chỉ khi nào có việc thành thực hóan cải này, thì bất cứ bước lầm lỡ hay tái phạm nào trong các liên hệ tính dục mới được giảm khinh. Sự giúp đỡ cần thiết cho việc leo núi khó khăn này tùy thuộc ở việc đồng hành có tính bản thân và việc tham dự vào đời sống Giáo Hội, như đã được chỉ ra trong Familiaris Consortio và Sacramentum Caritatis, là hai văn kiện sẽ được bổ túc nay mai nhờ các kết luận của Thượng Hội Đồng và giáo huấn của Đức GH Phanxicô.

Luật tiệm tiến rất có giá trị đối việc đồng hành có tính bản thân với các cá nhân. Các tiêu chung để cho phép những người sống trong các tình huống bất hợp lệ rưóc lễ không thể được rút ra từ luật này, ngoại trừ bởi những người lẫn lộn luật này với tính tiệm tiến của lề luật vốn không thể chấp nhận được. Thực vậy, biện phân trách nhiệm chủ quan là một việc và nhận diện sự thiện khách quan có thể có nơi các cá nhân lại là một việc hoàn toàn khác. Việc đem người ta tới chỗ dần dần khắc phục được tình huống bất hợp lệ của họ, bằng cách nghiêm chỉnh hướng tới việc hoàn toàn tiết dục, khác với việc bảo họ cứ tiếp tục ở lại trong cuộc kết hợp bất hợp pháp, trong khi chỉ cho họ thấy cuộc kết hợp này còn có thể trở thành một sự thiện khả hữu đối với họ, trong một số điều kiện. Luật tiệm tiến dùng để biện phân các lương tâm, chứ không phải để xếp loại các hành động được coi như tốt nhiều hay ít, và càng không phải để nâng sự ác lên phẩm hàm sự thiện chưa hoàn toàn.

Đối với người ly dị và tái hôn và những ai sống chung, thay vì cổ vũ các đề nghị đổi mới trên đây, nhiên hậu ta phải củng cố thực hành mục vụ truyền thống. Trách nhiệm chủ quan đối với bất cứ hành vi vô trật tự nào chỉ ít nhiều được giảm khinh nơi những người nghiêm chỉnh cố gắng tiết dục hoàn toàn và sống “như anh trai em gái”, dù đôi lúc, nếu không ngưng việc sống chung và rơi vào chỗ quá cận kề với dịp tội, họ có thể không giữ được cam kết một cách liên tục.

Thái độ thông thường, cần thiết cho việc giảm khinh trách nhiệm bản thân, trong bản chất, cũng y hệt như thái độ, mà theo Thánh GH Gioan Phaolô II, có thể cho phép lãnh nhận bí tích hòa giải và rước lễ. “Ơn hòa giải trong bí tích thống hối, mở đường vào Phép Thánh Thể, chỉ có thể được ban cho những ai, sau khi thống hối vì đã phá bỏ dấu chỉ Giao Ước và lòng trung thành của Chúa Kitô, thành thực sẵn sàng bước vào lối sống không còn mâu thuẫn với tính bất khả tiêu của hôn nhân nữa. Trong thực hành, điều vừa nói có nghĩa: vì các lý do nghiêm túc, như dưỡng dục con cái, người đàn ông và người đàn bà không thể thỏa mãn nghĩa vụ ly thân, thì họ phải tự đảm nhận nhiệm vụ sống hoàn toàn tiết dục, nghĩa là, tránh các hành vi dành riêng cho vác cặp hôn nhân” (Familiaris Consortio, 84).

Tính bất khả tiêu của cuộc hôn nhân bí tích

Tính bất khả tiêu là hòn đá góc của toàn bộ vấn đề mục vụ cho phép những cặp bất hợp lệ rước lễ. Để nhất quán với tính bất khả tiêu này, thực hành truyền thống không cho phép họ rước lễ. Trái lại, vì nghĩ tới một sự tương hợp khả hữu nào đó, nên phần lớn các đề nghị đổi mới có thế giá sẵn sàng cho phép một cách hạn chế, trong một số trường hợp và với một số điều kiện. Không may, có những nhà thần học, vì một số quan điểm và phương pháp giải thích khác nhau, đã đi tới chỗ nghi vấn tính bất khả tiêu này. Đức HY Antonelli không có ý định nghiên cứu chi tiết vấn đề này ở đây. Ngài chỉ muốn nhắc lại một số chỉ dẫn.

Trong Giáo Hội Công Giáo, thực hành mục vụ phải nhất quán với tín lý đức tin vốn có nền tảng vĩnh viễn trong Thánh Kinh và giáo huấn của Đức Giáo Hoàng và của các giám mục hiệp thông với ngài như tiêu chuẩn giải thích chính. Chân lý có thể từ từ xuất hiện trong ý thức của Giáo Hội, được Chúa Thánh Thần soi sáng, đến mức đôi khi được truyền dạy một cách không thể sai lầm. Việc khai triển tín lý chân chính diễn tiến bằng cách chú ý tới các viễn tượng và việc phát triển các tổng hợp mới, nhưng phải cùng đường hướng với các lập trường nhất định đã được đưa ra trước đây. Không bất động mà cũng không phân ly, nhưng trung thành một cách sáng tạo.

Giáo huấn của Chúa Giêsu về tính bất khả tiêu của hôn nhân và sự bình đẳng giữa đàn ông và đàn bà có tính cách mạng và khiến người Do Thái thời Người ngỡ ngàng (xem Mt 5:31-32; 19:3-10; Mc 10:2-12; 1Cor 7:2-5, 10-11, 39). Theo Luật Môsê, người chồng được phép ly dị vợ mình, bằng cách trao cho nàng tờ giải thoát, giúp nàng tự do tái hôn. Chúa Giêsu dứt khoát bác bỏ ly dị, nhắc lại kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa Hóa Công, trước cả Luật Môsê. Người coi hôn nhân như hồng phúc không thể đảo ngược của Thiên Chúa, một hồng phúc tạo ra một sợi dây không thể nào bẻ gẫy được và do đó có lệnh truyền tuyệt đối: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, không con người nhân bản nào được phân rẽ” (Mt 19:6; Mk 10:9).

Sự hợp nhất này là một hồng phúc và là một bổn phận; nó là một ơn thánh và là một cam kết, và do đó, là điều có thể làm được. Bất cứ cuộc kết hợp nào sau khi ly thân đều bị kết án là ngoại tình, vì sợi dây của cuộc hôn nhân thứ nhất vẫn còn giá trị: “bất cứ ai ly dị vợ và cưới người khác là phạm tội ngoại tình chống lại nàng; và nếu nàng ly dị chồng và cưới người khác, nàng cũng phạm tội ngoại tình” (Mc 10:11–12). Ngay trong trường hợp ly thân, người ta cũng phải tránh một cuộc kết hợp mới là cuộc kết hợp sẽ bất hợp pháp: “tuy nhiên, đối với những người đã kết hôn, tôi cho chỉ thị này (tôi, chứ không phải Chúa): vợ không được tách ly khỏi chồng, và nếu tách ly, nàng phải hoặc ở độc thân hoặc phải làm hòa với chồng, và chồng không được ly dị vợ” (1 Cor 7:10–11).

Khi Chúa Giêsu cho rằng ngoại tình đã được Luật Môsê cho phép, điều này chắc gây phẫn nộ nơi những người Do Thái sùng đạo. Ấy thế nhưng, lập trường của Chúa Giêsu về ly dị, nói chung, đi ngược lại thực hành của các dân tộc cổ thời… Thành thử điều dễ hiểu là giáo huấn Tin Mừng đã từng và hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn đáng kể.

Tin mừng Thánh Mátthêu dường như là tin mừng đầu tiên làm giảm nhẹ lệnh cấm ly dị nghiêm ngặt, bằng cách chêm vào lời lẽ của Chúa Giêsu câu này “trừ trường hợp dâm bôn (porneia)” (Mt 5:32; 19:9). Tuy nhên, câu này có thể giải thích nhiều cách, và người Công Giáo phải tránh các lối giải thích không tương hợp với tín lý Giáo Hội. Vì hạn từ porneia xem ra muốn chỉ một tình huống kéo dài hơn là hành vi ngoại tình (thường diễn tả bằng hạn từ moicheia) có tính giai đoạn, nên có thể giả định rằng luật trừ này có ý chỉ những cuộc kết hợp bất hợp lệ nghĩa là những cuộc hôn nhân bị Luật Môsê ngăn cấm và, do đó, bất thành sự (xem Lv 18:6-18; Cv 15:29).

Về phía các Giáo Phụ, ta nên nhớ rằng chỉ những gì các ngài cùng nhất trí mới có tính qui định đối với người Công Giáo. Trong trường hợp ly dị, các ngài thừa nhận là hợp pháp việc vợ chồng ly thân với nhau, trong một số trường hợp, thậm chí, đôi khi còn bó buộc nữa (1); nhưng các ngài không bao giờ coi các cuộc kết hợp mới là hợp pháp cả và khi nói về những cuộc kết hợp này, các ngài đều kết án, coi chúng như ngoại tình. Về phương diện này, ngoài một số ít bản giải thích không chắc chắn ra, chỉ có một ngoại lệ chắc chắn đó là một vị mang danh Ambrosiaster. Vị này cho phép người ly thân được tái hôn.

Còn về Khoản Luật 8 của Công Đồng Chung Nixêa, là khoản luật buộc Phái Novatianô (cấm tha tội trọng) phải “tiếp tục hiệp thông với những người kết hôn hai lần, và với những người chối đạo thời bách hại” (DH 127), ta nên xét xem liệu khoản luật này có ý nói tới những người góa vợ hay những người ly dị tái hôn.

Thực vậy, Phái Novatianô từng áp đặt lên người giáo dân một lệnh cấm chỉ áp dụng cho giáo sĩ (xem 1Tm 3: 2, 12; Tt 1:6), nghĩa là không được tái hôn khi góa vọ, và như thế, tự đặt họ vào thế trực tiếp kình chống Thánh Kinh, vì Thánh Kinh rõ ràng cho phép người giáo dân góa vợ được tái hôn (xem 1Cor 7:8-9, 28-40; Rm 7:2-3). Bơi thế, họ là lạc giáo về tín lý, chứ không chỉ quá cứng rắn trong thực hành mục vụ. Điều này khá rõ ràng, theo nhiều chứng từ khác nhau, trong đó có Thánh Augustinô: “Tình trạng góa vợ của anh em không phải là một kết án đối với cuộc hôn nhân thứ hai, cũng không phải đối với người kết ước hôn nhân. Học thuyết (tiêu cực) này được duy trì đặc biệt bởi các lạc giáo Montanô (khắc khổ và cấm tái hôn) và Novatianô […] Anh em đừng để anh em bị hướng dẫn ra ngoài học thuyết vững vàng bằng bất cứ luận điểm nào, dù là bác học hay không. Anh em đừng quá phóng đại công phúc của tình trạng goá vợ của anh em đến độ kết án người khác (làm) điều ác mà thực ra không phải là điều ác”  (Về Sự Thiện của Tình Trạng Góa Vợ 4,6), tức việc tái hôn của những người góa vợ.

Nếu các tài liệu rời rạc mà chúng ta có được từ thiên niên kỷ thứ nhất không giúp ta giải thích được một số văn kiện, tình huống và giai đoạn, thì ngược lại, qua thiên niên kỷ thứ hai, tính bất khả tiêu được minh xác dứt khoát và được định nghĩa một cách rõ ràng trong lương tâm Giáo Hội, bằng các từ ngữ sau đây: hôn nhân bí tích, thành sự và hoàn hợp, biểu thức trọn vẹn của mối liên hệ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, không thể tiêu hủy, hoặc bằng ý muốn của các người phối ngẫu hoặc bằng sự can thiệp của Giáo Hội hay bằng bất cứ thẩm quyền nhân bản nào, mà chỉ bằng một mình sự chết mà thôi. Các thời điểm chính trong việc khai triển nhất quán về tín lý là Công Đồng Florence (DH 1327), Công Đồng Trent (DH 1805; 1807), Thông Điệp Casti Connubii của Đức Piô XI (DH 3712), Công Đồng Vatican II (Gaudium et Spes, 48 và 49), và Tông Huấn Familiaris Consortio (các số 13, 19, và 20) của Thánh GH Gioan Phaolô II.

Công Đồng Trent trực tiếp định nghĩa rằng dây hôn phối không thể bị tiêu hủy vì các lý do: lạc giáo, khó sống với nhau hay cố tình vắng mặt của 1 người phối ngẫu (Khoản Luật 5). Công đồng này cũng định rằng Giáo Hội sẽ không sai lầm khi dạy rằng ngay việc ly dị cũng không thể nại ra để tiêu hủy một cuộc hôn nhân và kết ước một cuộc kết hợp hợp pháp, không c1 tính ngoại tình mới (Khoản luật 7).

Với công thức trên, Công Đồng muốn chấp thuận một cách gián tiếp, và phù hợp với Tin Mừng, tín lý và thực hành của Giáo Hội Công Giáo, để tránh cả việc kết án lẫn chấp thuận thực hành của các Giáo Hội Đông Phương. Các giáo hội này, trong khi thừa nhận tính bất khả tiêu nội tại của hôn nhân, nhưng lại cho rằng nó có thể bị giám mục tiêu hủy, để cho phép cuộc hôn nhân thứ hai, hoặc thậm chí cả cuộc hôn nhân thứ ba nữa. Tuy nhiên, sau đó, các đức giáo hoàng đã lên tiếng nhiều lần để chỉnh sửa thực hành của Đông Phương (Đức Clêmentê VIII, Đức Urbanô VIII, Đức Bênêđíctô XIV, Đức Piô VII, Đức Grêgôriô XVI, và Chân Phúc Piô IX), cho tới lúc Đức Piô XI cương quyết tuyên bố rằng năng quyền tiêu hủy dây hôn phối “không bao giờ, vì bất cứ lý do nào, ảnh hưởng tới cuộc hônnnhân Kitô Giáo đã thành sự và hoàn hợp, vì hiển nhiên là ở đây, cuộc hôn nhân đã có được sự hoàn toàn trọn vẹn của nó, do đó, bởi ý muốn của Thiên Chúa, cũng có sự vững chắc và bất khả tiêu không thể bị tiêu hủy bời bất cứ thẩm quyền con người nào […] Vì, như Thánh Tông Đồ nói trong thư của ngài gửi người Êphêsô, hôn nhân của các Kitô hữu nhắc nhớ cuộc kết hợp hoàn hảo nhất giữa Chúa Kitô và Giáo Hội […], một cuộc kết hợp mà bao lâu Chúa Kitô còn sống và Giáo Hội còn sống qua Người, sẽ không bao giờ có thể tiêu hủy bởi bất cứ sự phân ly nào” (DH 3712).

Trong diễn văn của ngài ngày 21 tháng Giêng năm 2000 với Tòa Án Tối Cao Rôma, Đức Thánh GH Gioan Phaolô II đã rất đúng khi kết luận rằng cuộc hôn nhân thành sự và hoàn hợp không thể bị tiêu hủy ngay cả với sự can thiệp của đức giáo hoàng.

“Cả Thánh Kinh lẫn Thánh Truyền đều không thừa nhận bất cứ năng quyền nào của Giám Mục Rôma trong việc tiêu hủy một cuộc hôn nhân đã thành sự và hoàn hợp; trái lại, thực hành không ngừng của Giáo Hội cho thấy Thánh Truyền biết rõ một thẩm quyền như thế không hề hiện hữu. Các phát biểu mạnh mẽ của các vị giám mục Rôma chỉ là tiếng vang trung thành và giải thích chân chính các xác tín vĩnh viễn của Giáo Hội mà thôi. Bởi thế, điều xem ra khá rõ ràng là: việc không nới rộng quyền của Giám Mục Rôma đối với các cuộc hôn nhân bí tích đã thành sự và hoàn hợp đã được huấn quyền của Giáo Hội truyền dạy như một tín lý phải tuân thủ dứt khoát, ngay cả khi nó không được tuyên bố cách long trọng bằng một hành vi định nghĩa. Thực vậy, tín lý này đã được các vị giám mục Rôma minh nhiên đề xuất bằng những hạn từ tuyệt đối, một cách không thay đổi và trong một thời kỳ đủ dài. Nó đã biến thành của riêng các ngài và được mọi giám mục hiệp thông với Tòa Phêrô giảng dạy, vì ý thức rằng nó phải luôn được các tín hữu tuân thủ và chấp nhận. Trong chiều hướng này, nó đã được tái khẳng định trong Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo. Vả lại, đây là một tín lý đã được thực hành lâu đời của Giáo Hội, được duy trì một cách trung thành và anh dũng trọn vẹn, dù đôi khi phải chịu các áp lực nặng nề từ những kẻ quyền thế của thế gian”.

Lời tuyên bố quả là rõ ràng: tính bất khả tiêu tuyệt đối của cuộc hôn nhân bí tích đã thành sự và hoàn hợp; dù nó không được tuyên bố bằng một định nghĩa tín lý chính thức, song nó đã đã được huấn quyền thông thường giảng dậy, một huấn quyền vốn không thể sai lầm, và thuộc về đức tin của Giáo Hội Công Giáo và, do đó, không thể nghi vấn được.

Tình yêu, tính bất khả tiêu, tính thành sự

Tính bất khả tiêu vẫn giữ được ý nghĩa và sự khẩn thiết của nó dù là đối với quan điểm nhân vị về hôn nhân, như quan điểm của Công Đồng Vatican II. “Ðấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng. Ðời sống chung này được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại. […] Vì lợi ích của lứa đôi, của con cái và của xã hội, nên sợi dây liên kết thánh thiện này không lệ thuộc các quyết định của con người. Chính Thiên Chúa là Ðấng tác tạo hôn nhân, phú bẩm những lợi ích và mục tiêu khác nhau […]  Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu lứa đôi qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh diễm phúc của hôn nhân […]. Như một hiến thân cho nhau của hai con người, sự liên kết mật thiết này cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly” (Gaudium et Spes, 48).

Chắc chắn, trong viễn kiến của Công Đồng, hôn nhân không thể bị thu gọn vào khế ước có tính luật pháp; cũng thế, nó không thể bị thu gọn vào sự hài hòa xúc cảm nhất thời, không đòi hỏi bất cứ dây liên hệ nào. Nó đã được định nghĩa rõ ràng là một hình thức sống chung được lên khuôn bởi tình yêu phu phụ, là tình yêu, do chính bản tính của nó, được sắp đặt cho việc sinh sản và giáo dục con cái, và do đó, bao gồm sự thân mật tính dục, sự tự hiến lẫn cho nhau một cách trung thành và bất khả tiêu.

Việc sẵn sàng chào đón con cái và việc thân mật tính dục lên đặc điểm cho tình yêu phu phụ một cách tương phản với các hình thức khác của tình yêu. Nó bao gồm tình bạn, sự hợp tác và sống chung với nhiều chiều kích khác nhau nhưng điều hướng và tổ chức mọi sự trong tương quan với việc sinh sản và giáo dục con cái. Không có sự tự hiến chung cho con cái, mối liên hệ hỗ tương giữa hai người phối ngẫu dễ trở thành việc đi tìm và trùng hợp quyền lợi mỏng dòn và sự thỏa mãn vị kỷ. Tuy nhiên, dây hôn phối bất khả tiêu có tính nền tảng, điều mà không cuộc ly dị nào có thể tiêu hủy được, đã được con cái nhân vị hóa. Nghĩa vụ luân lý và tính bất khả tiêu pháp lý xuất hiện sau đó. Vì được kêu gọi kết hợp mãi mãi như cha và mẹ trong ngôi vị người con, các người phối ngẫu  được kêu gọi kết hợp nên một trước nhất như là chồng và vợ. Trong viễn tượng này, ta hiểu tại sao giao ước hôn nhân, do sự ưng thuận thiết lập, cuối cùng đã nên trọn nhờ mối liên hệ tính dục. “Tình yêu này được biểu lộ và hoàn hảo cách đặc biệt qua những động tác riêng của hôn nhân”  (Gaudium et Spes, 49).

Sự hiệp thông vợ chồng “dẫn các người phối ngẫu tới việc tự hiến tự do và hỗ tương, một hồng ơn tự biểu lộ qua tình âu yếm dịu dàng và qua việc làm, một tình yêu như thế thấm nhiễm cả cuộc đời họ” (Gaudium et Spes 49); nó bao gồm các con người và các hoạt động của họ, thân xác và linh hồn họ, trí hiều, ý chí, và các xúc cảm; trước nhất, nó là hồng ơn của Thiên Chúa, sau là cam kết của con người, là hồng ân bất khả thu hồi của Thiên Chúa, cần được chào đón bằng một dự án sống chung suốt đời. Trong hôn nhân, các tín hữu, những người, nhờ Phép Rửa, được tháp nhập vào Chúa Kitô như những cá nhân, được đặt trong Người như một cặp và được kêu gọi trở thành một biểu tượng cụ thể, một đại biểu và một tham dự vào giao ước phu phụ của Chúa Kitô với Giáo Hội. Giống ấn tín phép rửa và bất cứ hồng ơn nào khác, dây hôn phối có thể bị từ khước nhưng không thể bị tiêu hủy. Nó là một hồng ơn đặt để một bổn phận nhưng cũng ban cho ta khả năng thi hành bổn phận này. Điều này tự nhiên nhắc ta nhớ tới giáo huấn của Thánh GH Gioan Phaolô II về tính thực tiễncủa các luật lệ do Thiên Chúa ban hành: “vì cùng với các giới răn, Chúa cũng ban cho ta khả thể tuân giữ chúng” (Veritatis Splendor, 102); “các tín hữu luôn ntìm được ơn thánh và sức mạnh để tuân giữ luật thánh của Thiên Chúa, ngay giữa các khó khăn trầm trọng nhất” (Veritatis Splendor, 103). Trong viễn ảnh này, tính bất khả tiêu của hôn nhân như một ơn gọi rõ ràng có thể chu toàn được ở trên đời trong bản chất của nó; hồng ân bất khả thu hồi của Thiên Chúa trở thành sợi dây bất khả tiêu, một sợi dây có thể và phải được tôn trọng.

Viễn kiến coi gia đình như một hiệp thông tình yêu phu phụ, do Thiên Chúa ban và được vợ chồng sống bằng một kế hoạch sống tương ứng với nhau, có những hậu quả đối với tính thành sự hay không thành sự của việc họ cử hành hôn lễ. Để thành sự, điều cần thiết xem ra là thế này: không được rút gọn eros (tình dục) thành chỉ còn là việc thỏa mãn cá nhân, nhưng được hoàn tất bằng việc hiến thân cho nhau. Chỉ với tình yêu hỗ tương dâng hiến này, sự hiệp thông liên ngã thực sự mới được thể hiện mà thôi; không như sự trùng hợp mỏng manh của tư lợi. “Như Thầy đã yêu thương các con, các con cũng phải yêu thương nhau” (Ga 13:34). Để cử hành bí tích thành sự, một bí tích vốn là việc đại diện và tham dự vào tình yêu phu phụ của Chúa Kitô với Giáo Hội, xem ra tình yêu dâng hiến là điều cần thiết, ít nhất cũng phải coi nó như một dự án sống về phía các người phối ngẫu, cũng như sẵn sàng chào đón cả việc sinh sản lẫn giáo dục con cái.

Muốn cho cuộc hôn nhân thành sự, ít nhất phải có một đức tin tiềm ẩn (xem Thánh GH Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, 68). Hiện nay, Phiên Họp Đặc Biệt Lần Thứ Ba của Thượng Hội Đồng bắt đầu suy nghĩ về điểm này (xem Relatio Synodi, 48). Tuy nhiên, Đức HY Antonelli tin rằng trong bối cảnh văn hóa cá nhân chủ nghĩa, lấy mình làm trung tâm, ngày nay, ta cũng phải lưu ý tới ý hướng và khả năng yêu thương và hiến mình nữa khi xem xét khả thể tuyên bố vô hiệu, và ngay cả trước việc này, điều cần thiết là phải cổ vũ một nền giáo dục hết sức nghiêm chỉnh cho người trẻ về sự thật của tình yêu và chuẩn bị hôn nhân thích đáng cho các cặp đính hôn.

Cho một Giáo Hội truyền giáo

Tại nhiều quốc gia, việc thế tục hóa đang làm nhiều người ồ ạt rời bỏ Giáo Hội. Ta phải ý thức được tầm sâu rộng của cuộc biến đổi lớn lao này để can đảm đương đầu với thách đố khó khăn và ngy hiểm này, trong khi vẫn tin tưởng nhìn về phía trước, không bị dính cứng vào việc tiếc nuối dĩ vãng. Ít năm trước đây, Đức HY Joseph Ratzinger từng viết rằng: “Giáo Hội quần chúng có thể là một điều đáng yêu, nhưng không nhất thiết phải là cách thế hiện hữu duy nhất của Giáo Hội. Giáo Hội của ba thế kỷ đầu rất nhỏ và nhờ sự kiện này không phải là một cộng đồng phân mảnh. Trái lại, nó không khép kín trong chính nó, nhưng cảm thấy một trách nhiệm lớn lao đối với người nghèo, người bệnh, đối với mọi người […]”(Joseph Ratzinger, Trước Nhất Ta Phải Là Các Nhà Truyền Giáo).

Chúa Giêsu, Đấng Cứu Rỗi duy nhất của mọi người, kêu gọi Giáo Hội cộng tác với Người để cứu rỗi các Kitô hữu đang hiệp thông thiêng liêng và hữu hình một cách trọn vẹn, các Kitô hữu chỉ hiệp thông một phần, và tín hữu của các tôn giáo không phải Kitô Giáo, cũng như những người không tín ngưỡng vốn có xu hướng tiềm ẩn đối với Thiên Chúa. Để thi hành sứ mệnh cứu rỗi một cách hữu hiệu, cho dù con số các tín hữu có tầm quan trọng của nó, nhưng tính chân chính của hiệp thông giáo hội trong sự thật và yêu thương chắc chắn quan trọng và cần thiết hơn.

Như Công Đồng Vatican II từng dạy: “Vì thế, dân tộc thiên sai ấy, tuy hiện nay chưa bao gồm toàn thể nhân loại và đôi khi tỏ ra như một đàn chiên nhỏ, nhưng lại là một mầm mống vững chắc nhất của hiệp nhất, hy vọng và cứu rỗi cho toàn thể nhân loại. Dân tộc thiên sai ấy được Chúa Kitô thiết lập để thông dự vào sự sống, bác ái và chân lý, được Người sử dụng như khí cụ cứu rỗi cho mọi người, và được sai đi khắp thế giới như ánh sáng trần gian và muối đất (x. Mt 5,13-16)” (Lumen Gentium, 9). Sứ mệnh của Giáo Hội luôn có tính phổ quát, bất kể mạnh yếu ra sao về con số. Giáo Hội cộng tác với Chúa Kitô Cứu Thế trong tư cách một dấu chỉ nhằm tiếp nhận, thông truyền và tỏ bầy sự hiện diện, tình yêu và hành động cứu rỗi của Người trong thế gian, như “bí tích phổ quát của cứu rỗi” (Lumen Gentium, 48).

Sẽ là một hướng dẫn lầm lẫn khi tìm kiếm sự gia tăng các chi thể về số lượng, bằng cách tự tháo gỡ mình khỏi việc đào luyện, hay qua thái độ hăm hở bỏ qua qui chế giáo luật mà ban phát mọi sự cho mọi người, và rơi xuống trình độ mất phẩm giá một cách tổng quát. Ngược lại, khẩn thiết phải có một thừa tác mục vụ ngỏ với mọi người, tuy phải dị biệt hóa, để săn sóc trước hết cho một thiểu số, là những người sẵn sàng hơn, để rồi qua họ vươn tay ra với mọi người khác. “Chúng ta là các nhà truyền giáo, trước nhất, vì những gì chúng ta hiện là như một Giáo Hội, mà sự sống thâm sâu nhất là kết hợp tring tình yêu, trước cả việc ta trở thành các nhà truyền giáo trong lời nói hay hành động” (Thánh GH Gioan Phaolô II, Redemptoris Missio, 34).

Điều cần thiết là chấp nhận mọi người và vươn tay ra với mọi người, nhưng bằng những cách khác nhau; cũng cần phải phát triển một cách đầy xác tín và kiên nhẫn lòng sùng kính bình dân, nhưng điều khẩn thiết hơn nhiều là đào tạo các Kitô hữu và các gia đình Kitô hữu gương mẫu như đã nói trên đây. Muốn chiếu sáng và sản xuất ra hơi nóng, việc đầu tiên phải làm là nhóm lửa.

Ghi chú
(1) Đây là điều được Đức Phanxicô củng cố, trong bài giáo lý hàng tuần vào ngày thứ Tư, 24 tháng 6, 2015.  Theo Sở Thông Tin Tòa Thánh, ngài nói tới những trường hợp trong đó, không thể tránh được việc ly thân hoặc cần thiết về phương diện luân lý “phải chuyển người phối ngẫu yếu đuối hơn, hay trẻ nhỏ, ra khỏi các vết thương do ngạo mạn và bạo lực, do làm mất nhân phẩm và bóc lột, do ghẻ lạnh và dửng dưng gây ra”. Nhiều người dịch chữ “separazione” của Đức Phanxicô là “chia ly”, thiển nghĩ không chính xác. Các báo thế tục còn hiểu chữ này như “ly dị” nữa, khiến họ cho rằng ngài đồng ý cho ly dị, một việc chưa bao giờ có trong Giáo Hội. Thực ra, ly thân là từ chính xác nhất, và điều này, giáo luật có dự liệu (điều 1153), không có gì mới mẻ cả. Vả lại, một số vị giáo phẩm Công Giáo công khai nói rằng ly dị không có tội, nếu hiểu là ly dị dân sự, miễn là đừng tái hôn. Điều này tương đương với ly thân theo giáo luật (ghi chú của người trình bầy).

http://www.thanhlinh.net/node/91165

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét