Thần học của Thánh Phaolô
Chìa khóa cho thần học Thánh Phaolô chính là cuộc gặp gỡ của ngài với Đức Kitô vinh hiển trên con đường Đamát.
Thần học của Thánh Phaolô
Phaolô trở lại
Tranh của Carravaggio, năm 1601
Lm. Kenneth Baker, SJ
Rõ ràng Thánh Phaolô là nhà thần học quan trọng nhất trong lịch sử Giáo Hội – có lẽ ngoài Thánh Gioan, tác giả Tin Mừng, là người được chính Chúa Giêsu trực tiếp dạy dỗ - bởi vì Thánh Phaolô là người đã diễn tả nhiều mầu nhiệm làm nền tảng cho Kinh Tin Kính và cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo.
Chìa khóa cho thần học Thánh Phaolô chính là cuộc gặp gỡ của ngài với Đức Kitô vinh hiển trên con đường Đamát. Cuộc mạc khải mà trong đó ngài bị mù suốt ba ngày đã biến Phaolô thành con người mới. Kẻ truy lùng Đức Kitô đã biến thành một tông đồ nhiệt huyết, loan báo Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế đã được hứa trước, là Đức Kitô, là Chúa (Kyrios) và là Con Thiên Chúa. Vì được nhìn thấy Đức Kitô vinh hiển, ngài đã biến đổi từ một kinh sư Do Thái giáo thành kinh sư Kitô giáo. Phaolô đã nhìn thấy Đức Kitô, được nghe và được Ngài mời gọi, được sai đi để hoán cải thế giới. Vì mang trong mình lời mời gọi và được sai đi, Thánh Phaolô đã mặc lấy cái định mệnh đau khổ vì danh Đức Kitô – bị chối từ, ghét bỏ, đòn vọt, chìm tàu, ngục tù và cuối cùng bị người Roma chém đầu.
Đức Kitô là chìa khóa để hiểu Thánh Phaolô. Thần học của ngài là Kitô quy (Christocentric). Tin Mừng theo Thánh Phaolô là lời loan báo rằng Con Thiên Chúa đã trở thành con người trong Đức Giêsu Kitô để hòa giải nhân loại với Thiên Chúa Cha, qua cuộc sống, khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Ngài. Đối với Thánh Phaolô, Đức Kitô là Đức Kitô vinh hiển, hiện giờ đang hiển trị trên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa Cha.
Sau đây là vài điểm chính yếu trong thần học Thánh Phaolô:
1) Vì tội Ađam và tội cá nhân mỗi người, hết thảy con người là tội nhân và cần được cứu độ (Rm 3, 23[1]; 5, 12-21[2]).
2) Để cứu độ nhân loại, Thiên Chúa đã sai Người Con của mình đến thế gian, sinh bởi người nữ (Gl 4, 4[3]), như thế mới là sự đền bù xứng đáng để chuộc lấy tội lỗi con người.
3) Người Con ấy là Đức Giêsu Kitô đã thông ban ân sủng của mình và công chính hóa tất cả những ai tin vào Ngài và chịu phép rửa.
4) Ân sủng của Đức Kitô gồm có việc sai Chúa Thánh Thần đến để làm cho các tín hữu trở nên con nuôi (dưỡng tử) của Thiên Chúa, thành chi thể trong thân thể Đức Kitô và là người thừa tự cuộc sống vĩnh cửu.
5) Đức Giêsu Kitô là sự thực hiện các lời tiên tri trong Cựu Ước, Ngài đã thiết lập Giao Ước Mới để thay cho Giao Ước Cũ của ông Môisê; vì thế, các kitô hữu không bị ràng buộc bởi những lề luật kiêng kỵ và các nghi thức hay luật cắt bì chứa đựng trong Lề Luật Môisê. Điều này có nghĩa là không cần phải trở nên người Do Thái mới được làm kitô hữu. Nhãn quan này của Thánh Phaolô đã biến Kitô giáo thành tôn giáo mở cho tất cả mọi người (xem 1 Tm 2, 4[4]).
Trong hầu hết các thư của mình cho đến lúc cuối đời, Thánh Phaolô lý luận rằng đức tin vào Chúa Kitô đòi hỏi một lối sống luân lý dựa vào Mười Điều Răn, luật tự nhiên và lệnh truyền yêu mến Chúa và người thân cận (Rm 13, 9-10[5]). Ngài cũng đề cập đến những quy tắc dành cho các giám mục, trưởng lão, ông già bà lão, vợ chồng, cha mẹ con cái, chủ tớ. Các kitô hữu phải tránh những quan hệ tính dục bất luân, thờ ngẫu tượng và những thói xấu khác của người ngoại giáo. Họ phải làm gương tốt trong lời nói cũng như việc làm cho tất cả mọi người. Ngài thường nhấn mạnh đến sự tinh tuyền của giáo lý và bảo vệ kho tàng đức tin của các Tông đồ cũng như phản bác những sai lầm của các ông thầy dạy giả mạo (Thư 1 & 2 Timôthê; Thư Titô).
Thánh Phaolô là vĩ nhân trong số các Kitô hữu. Trong phần lớn thư của mình, ngài nói về lần đến thứ hai của Đức Kitô. Ngài thúc bách mọi người chuẩn bị và mong chờ điều đó. Điều này có nghĩa là những ai chia sẻ sự sống của Đức Kitô sẽ được vào Giêrusalem trên trời và mãi mãi được hạnh phúc cùng với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, khi Đức Kitô lại đến trong vinh quang.
[1] Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa
[2] Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.13 Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội.14 Thế mà, từ thời A-đam đến thời Mô-sê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như A-đam đã phạm. A-đam là hình ảnh Đấng sẽ tới.15 Nhưng sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.16 Ơn Thiên Chúa ban cũng khác với hậu quả do một người phạm tội đã gây ra. Quả thế, vì một người duy nhất phạm tội, con người đã bị xét xử để phải mang án, còn sau nhiều lần sa ngã, thì lại được Thiên Chúa ban ơn cho trở nên công chính.17 Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị.18 Tóm lại, cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống.19 Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.20 Lề Luật đã xen vào, để cho sự sa ngã lan tràn; nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.21 Như vậy, nếu tội lỗi đã thống trị bằng cách làm cho người ta phải chết, thì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm cho người ta nên công chính để được sống đời đời, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
[3] Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật
[4] Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý
[5] Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy.
(Bản dịch Kinh Thánh của nhóm CGKPV)
(Bản dịch Kinh Thánh của nhóm CGKPV)
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét