Câu hỏi thường gặp về hôn nhân: Thiện ích chung & phẩm giá con người
1. Phẩm giá nội tại của con người là gì?
Giáo Hội dạy rằng mỗi người là một nhân vị độc đáo và không thể thay thế, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (xem St 1,27). Vì vậy mà mỗi người người nam, người nữ, trẻ em có nhân cách và giá trị cao đẹp, một phẩm giá không bao giờ có thể bị tước đoạt (nghĩa là, nó là nội tại và bất khả xâm phạm). Tôn trọng phẩm giá của một con người có nghĩa là đối xử với họ một cách công bằng. Cũng có nghĩa là giúp họ phát triển như một con người. Phẩm giá nội tại của con người nên là điểm khởi đầu cho tất cả các nguyên tắc luân lý đạo đức.
2. Hôn nhân có bổn phận gì đối với phẩm giá con người?
Hôn nhân bảo vệ và thăng tiến phẩm giá của người nam, người nữ, phẩm giá của trẻ em và của mọi người trong xã hội. Trước tiên, mối tương quan lâu dài của hôn nhân là nơi duy nhất mà người nam và người nữ có thể thực sự "nói" bằng ngôn ngữ của tình yêu giới tính – toàn diện, trung tín, vĩnh viễn, và mở ngỏ với con cái. Chỉ trong hôn nhân tương quan tính dục mới mang ý nghĩa rằng những điều chúng thực hiện nhằm diễn tả tình yêu tự hiến giữa một người nam và một người nữ (chứ không phải ích kỷ lợi dụng thân xác của nhau). Những điều hẹn ước của người chồng và người vợ được trao nhau bằng lòng tin cao độ và kêu mời sự tin cậy rằng tính dục không phải là lợi dụng, mà là biểu thị sự kết hợp đích thực và tình yêu trao ban sự sống.
Thứ hai, hôn nhân tạo nên một bối cảnh trong đó các quyền của trẻ em đối với người mẹ và người cha được bảo vệ hợp pháp. Hôn nhân cũng giúp đảm bảo rằng trẻ em sẽ được chào đón như là ân sủng; tách khỏi cam kết lâu dài của hôn nhân, trẻ em có khả năng bị xem như là những sản phẩm của đe dọa hoặc phải có bằng được.
Cuối cùng, gia đình dựa trên hôn nhân là một nơi mà người ta có thể sống vì lợi ích của chính mình. Hôn nhân dạy cho xã hội không đánh giá con người chỉ vì tính hữu ích của họ.
3. Giáo hội có cho rằng những người trải qua kinh nghiệm hấp dẫn đồng tính có cùng phẩm giá với những người hấp dẫn dị tính không?
Tất nhiên, mỗi người có phẩm giá và giá trị bất khả xâm phạm, bao gồm cả những người bị hấp dẫn đồng giới. Tất cả mọi người cần đối xử bằng sự tôn trọng, nhạy cảm, và tình yêu. Giáo hội kêu gọi mọi người sống một đời sống thánh thiện và trong sạch, và sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa đối với sự sống của họ.
4. "Thiện ích chung" nghĩa là gì?
Theo Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, thiện ích chung là "thiện ích của tất cả chúng ta", thiện ích của mọi thành viên trong xã hội. Một xã hội chú trọng đến thiện ích chung đề cao phẩm giá cơ bản của mỗi con người, và tiến triển "từ những điều ít nhân bản đến những điều nhân bản hơn". Trong ngắn hạn, thiện ích chung là "tổng hợp các điều kiện xã hội cho phép con người, dù là các nhóm hay các cá nhân, đạt đến sự toàn thiện đầy đủ hơn và dễ dàng hơn" (GS 26).
5. Hôn nhân có phải là một tương quan riêng tư không? Hôn nhân có bổn phận gì đối với thện ích chung?
Hôn nhân là một tương quan cá nhân, nhưng không phải là tương quan riêng tư. Thật vậy, hôn nhân đóng một vai trò rất quan trọng trong xã hội. Bằng cách nắm tay kết hợp với nhau công khai trong hôn nhân, vợ chồng bước vào sự hiệp thông độc đáo và chia sẻ toàn bộ đời sống của họ, không chỉ kết hợp các gia đình riêng biệt của họ nên một, nuôi dưỡng các mối quan hệ tốt hơn giữa con người, mà còn tạo nên bối cảnh cần thiết để chào đón một sự sống mới. Bằng cách mở ngỏ với con cái, mỗi cuộc hôn nhân là nền tảng của một gia đình mới, được gọi chính xác là "tế bào chủ chốt" của xã hội. Thực vậy, do khía cạnh truyền sinh của mình mà hôn nhân có thể được cho là nguồn gốc của xã hội, là "cái nôi của sự sống và tình yêu". Hơn nữa, cả mối dây liên kết không thể phân ly kết hợp vợ chồng trong hôn nhân, cũng như tình yêu hy sinh mà cha mẹ dành cho con cái họ tạo nên "động lực của tình yêu" làm cho gia đình trở thành "mái trường đầu tiên và không thể thay thế của đời sống xã hội". Bằng cách thực hành tình yêu tương thuộc lẫn nhau, vợ chồng dạy cho xã hội khước từ chủ nghĩa cá nhân và mưu cầu thiện ích chung cho tất cả mọi người. Mẫu mực hóa tình yêu và hiệp thông bằng cách chào đón và nuôi dưỡng sự sống mới và chăm sóc người đau yếu, bệnh tật, người già, hôn nhân và gia đình tạo nên sự ổn định xã hội và do đó thúc đẩy các nguyên tắc liên đới và bổ trợ.
(còn tiếp)
Nguồn: usccb.org và acmfc.org.au
Tạ Ân Phúc
http://www.ubmvgiadinh.org/article/c%C3%A2u-h%E1%BB%8Fi-th%C6%B0%E1%BB%9Dng-g%E1%BA%B7p-v%E1%BB%81-h%C3%B4n-nh%C3%A2n-thi%E1%BB%87n-%C3%ADch-chung-ph%E1%BA%A9m-gi%C3%A1-con-ng%C6%B0%E1%BB%9Di
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét