Trang

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

VUI HỌC THÁNH KINH CHÚA NHẬT 18 TN B

VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 18 TN B
Tin Mừng thánh Gioan 6,24-35



TIN MỪNG


24 Vậy khi dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người.25 Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy? "26 Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.27 Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận."28 Họ liền hỏi Người: "Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn? "29 Đức Giê-su trả lời: "Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến."30 Họ lại hỏi: "Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?31 Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời."

32 Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực,33 vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian."34 Họ liền nói: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy."35 Đức Giê-su bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!

24 When the crowd saw that neither Jesus nor his disciples were there, they themselves got into boats and came to Capernaum looking for Jesus.

25 And when they found him across the sea they said to him, "Rabbi, when did you get here?"

26 Jesus answered them and said, "Amen, amen, I say to you, you are looking for me not because you saw signs but because you ate the loaves and were filled.

27 Do not work for food that perishes but for the food that endures for eternal life,  which the Son of Man will give you. For on him the Father, God, has set his seal."

28 So they said to him, "What can we do to accomplish the works of God?"

29 Jesus answered and said to them, "This is the work of God, that you believe in the one he sent."

30 So they said to him, "What sign can you do, that we may see and believe in you? What can you do?31  Our ancestors ate manna in the desert, as it is written: 'He gave them bread from heaven to eat.'"

32 So Jesus said to them, "Amen, amen, I say to you, it was not Moses who gave the bread from heaven; my Father gives you the true bread from heaven.

33 For the bread of God is that which comes down from heaven and gives life to the world."

34 So they said to him, "Sir, give us this bread always."

35  Jesus said to them, "I am the bread of life; whoever comes to me will never hunger, and whoever believes in me will never thirst.

I. HÌNH TÔ MÀU



 
*Chủ đề của hình này là gì?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

* Em hãy viết câu Tin Mừng thánh Gioan 6,35
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .



II. TRẮC NGHIỆM

01. Đức Giêsu nói: việc Thiên Chúa muốn các ông làm là gì? (Ga 6,29)
a. Tin vào Đấng Người đã sai đến
b. Tin vào lời ông Gioan tẩy giả
c. Hãy luôn ăn chay cầu nguyền
d. Hãy sám hối

02. Chúa Giêsu khuyên mọi người hãy ra công làm việc để có lương thực gì? (Ga 6,27)
a. Mau hư nát
b. Quý báu
c. Trường tồn
d. Hằng ngày

03. Lương thực trường tồn đem lại điều gì? (Ga 6,27)
a. Phúc trường sinh
b. Sự sống mới
c. Niềm vui
d. No đủ

04. Đức Giêsu bảo Ngài là gì? (Ga 6,35)
a. Ánh sáng từ trời xuống
b. Bánh trường sinh
c. Chân lý sáng soi muôn người
d. Sự thật

05. Chúa Giêsu bảo ai đến với tôi, không hề phải đói, ai tin vào tôi, … … … (Ga 6,35)
a. Được sống đời đời
b. Được Chúa Cha thương mến
c. Chẳng khát bao giờ
d. Được hưởng Nước Trời.



III. Ô CHỮ 





Những gợi ý

01. Ở đâu tổ tiên người Do thái được ăn bánh bởi trời? (Ga 6,31)

02. Bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho ai? (Ga 6,33)

03. Ai ban cho các ông lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh? (Ga 6,27)

04. Đức Giêsu gọi ngài là bánh gì? (Ga 6,35)

05. Trong sa mạc, tổ tiên người Do thái đã ăn gì? (Ga 6,31)

Hàng dọc : Chủ đề của ô chữ này là gì?

IV. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG

"Chính tôi là bánh trường sinh.
 Ai đến với tôi, không hề phải đói;
 ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!
Tin Mừng thánh Gioan 6,24-35



Lời giải đáp VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT 18 TN B
Tin Mừng thánh Gioan 6,24-35

I. HÌNH TÔ MÀU

*Chủ đề :
Thầy là bánh trường sinh

* Câu Tin Mừng thánh Gioan 6,35
35 "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!

II. TRẮC NGHIỆM

01. a. Tin vào Đấng Người đã sai đến  (Ga 6,29)
02. c. Trường tồn (Ga 6,27)
03. a. Phúc trường sinh (Ga 6,27)
04. b. Bánh trường sinh (Ga 6,35)
05. c. Chẳng khát bao giờ (Ga 6,35)

III. Ô CHỮ 

01. Sa mạc? (Ga 6,31)
02. Thế gian (Ga 6,33)
03. Con Người(Ga 6,27)
04. Trường sinh (Ga 6,35)
05. Manna (Ga 6,31)

Hàng dọc : Man na

GB. NGUYỄN THÁI HÙNG


Tìm kiếm giá trị tuyệt đối
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Cách đây khoảng 10 năm, tại bang California bên Mỹ, có hiện tượng thanh niên tự tử hàng loạt. Tất cả đều là những thanh niên trẻ tuổi, con nhà giàu, có học thức. Nguyên nhân tự tử là vì họ mong về Thiên đàng. Năm ấy có sao chổi xuất hiện. Họ cho rằng sao chổi chính là chuyến xe về Thiên đàng. Mấy mươi năm mới có một chuyến, nên họ vội vàng ra đi, sợ nhỡ chuyến.
Tính tỉ lệ những người tự tử, ta thấy thanh niên các nước giàu tự tử nhiều hơn thanh niên các nước nghèo. Hiện nay trong nước ta, tại các thành phố lớn, đang có hiện tượng các thanh niên đua xe gắn máy, liều lĩnh coi thường mạng sống. Kết quả các cuộc điều tra cho thấy đó là những thanh niên con nhà giầu có.
Những hiện tượng đó đáng cho ta suy nghĩ. Những người nghèo đói thật vất vả khổ sở. Họ chỉ mong sao cho có đủ cơm ăn áo mặc. Có cơm ăn áo mặc đã là hạnh phúc. Nhưng khi người ta đã có đủ cơm đủ áo, đủ mọi phương tiện, người ta vẫn không hạnh phúc. Nhìn những thanh niên giầu có chán đời đi tìm cái chết; nhìn những thanh niên chán cảnh nhà cao cửa rộng, chăn êm nệm ấm đeo ba-lô đi du lịch bụi đời, ta thấy rằng vật chất không phải là tất cả. Và những khao khát của con người là vô tận. Hôm nay tôi chưa đủ ăn thì tôi mong cho có đủ ăn. Ngày mai đủ ăn rồi, tôi lại muốn ăn ngon hơn. Hôm nay còn đi bộ, tôi mong được một chiếc xe đạp. Có xe đạp rồi tôi mong có xe máy. Có xe máy rồi tôi mong có ô - tô. Có ô - tô rẻ tiền rồi, lại mong có cái tốt hơn, tiện nghi hơn, chạy nhanh hơn, êm ái hơn. Có tất cả rồi, người ta vẫn chưa hài lòng. Cuộc đời vẫn còn thiếu một cái gì đó. Bao tử hết bị hành hạ, thì lập tức tâm hồn cảm thấy những cơn đói khác dày vò: đói bình an, đói tình yêu, đói hạnh phúc, đói ý nghĩa cuộc đời, đói những điều cao thượng. Những cơn đói khát tinh thần này rất mãnh liệt. Nên con người mãi mãi khắc khoải đi tìm. Mà hạnh phúc dường như luôn luôn ở ngoài tầm tay với.
Hôm nay, đứng trước đoàn người hăm hở đi tìm lương thực, Đức Giêsu đã cảnh báo họ: “Đừng lo tìm những thứ lương thực hay hư nát, nhưng hãy tìm lương thực đem lại hạnh phúc trường sinh”. Vì Người đã rõ giá trị tạm bợ của miếng cơm manh áo. Người cũng thấu rõ tâm hồn con người mau chán những gì đạt được. Người đã tạo dựng tâm hồn con người, nên Người hiểu lòng khao khát của con người là vô biên. Chỉ có những giá trị tuyệt đối mới có thể lấp đầy những khát khao ấy. Người đã mở đường để tâm hồn con người thoát khỏi những ràng buộc của vật chất, vươn lên tìm kiếm những giá trị thiêng liêng cao cả, xứng với tầm vóc con Thiên chúa.
Thế nhưng ta tìm đâu ra những giá trị tuyệt đối để lấp đầy nỗi khao khát vô biên? Ta tìm đâu ra thứ bánh làm dịu được cơn đói hạnh phúc? Hôm nay, Đức Giêsu giới thiệu cho ta thứ bánh đó. Đó là bánh đích thực, vì ăn rồi ta sẽ không bao giờ đói nữa. Đó là bánh ban sự sống, ai ăn sẽ không chết nữa. Đó là bánh ban hạnh phúc, ăn vào sẽ không còn khao khát điều gì khác. Đó là bánh Thiên Chúa ban chứ loài người không ban được. Đó là bánh từ trời chứ trần gian không sản xuất được. Tấm bánh đó là chính bản thân Người, Đức Giêsu Kitô.
Những người Do thái đã sai lầm khi đi tìm Đức Giê-su để được ăn bánh. Đức Giêsu đã cảnh tỉnh họ khi cho họ biết rằng không nên tìm bánh, vì như thế họ sẽ thất vọng. Bánh ăn rồi sẽ lại đói. Nhưng phải tìm chính Đức Giê-su. ở đây ta nhớ tới bài học Chúa đã dậy tổ phụ Ápraham. Thoạt tiên, Chúa kêu gọi tổ phụ Ápraham đi theo Chúa và hứa cho ông được một đất nước chảy sữa và mật và một dòng dõi đông như sao trên trời như cát dưới biển. Nghe theo lời hứa, tổ phụ đã lên đường. Nhưng khi ông sinh được một người con trai duy nhất trong tuổi già, Chúa lại bảo ông phải sát tế dâng cho Chúa. Đây là một thử thách lớn lao, nhưng cũng là một lời mời gọi vươn lên. Ápraham được mời gọi thoát khỏi sự ràng buộc của lợi lộc vật chất. Theo Chúa chỉ vì Chúa chứ không phải vì lợi lộc vật chất. Ông hoàn toàn có lý vì ông đã chọn Chúa là sự Thiện tuyệt đối chứ không chỉ lựa chọn một vài sự thiện tương đối. Ông đã lựa chọn Chúa là nguồn mạch hạnh phúc chứ không đuổi theo những ảo ảnh của hạnh phúc. Đức tin của ông hoàn toàn trưởng thành, nên ông đã trở thành Cha của những kẻ tin.
Hôm nay, Chúa mời gọi tôi, hãy noi gương tổ phụ Ápraham. Đừng tìm những mảnh vụn hạnh phúc, nhưng hãy đi đến nguồn mạch hạnh phúc. Đừng lo nắm giữ những của cải phù du, nhưng hãy tìm chiếm giữ kho tàng bền vững mối mọt không đục khoét được. Đừng đuổi theo những giá trị tương đối, nhưng hãy biết tìm kiếm giá trị tuyệt đối là chính Chúa. Chính Chúa sẽ làm ta no thoả. Chính Chúa sẽ lấp đầy những khát vọng của ta. Chính Chúa ban cho ta hạnh phúc tràn đầy, vĩnh viễn.
Chúng ta hãy cùng cầu nguyện với thánh Âucơtinh: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên tâm hồn con mãi khắc khoải băn khoăn, cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Có một thời người ta nói: “Đi đạo kiếm gạo mà ăn”. Bạn nghĩ gì về câu nói đó?
2) Mơ ước một đồ vật. Khi được rồi lại chán. Bạn có kinh nghiệm đó không?
3) Bạn có những khao khát về vật chất cũng như tinh thần. Khi đến với Đức Giêsu, bạn có thấy được thoả mãn phần nào không?
 


Bánh từ nhà đem tới

Gm. Arthur Tone

Trong trận chiến ở Tây Ban Nha, một người lính bị thương nặng được đưa về bệnh viện dã chiến. Chàng có hy vọng bình phục nhưng chàng lại không chịu ăn. Các y tá các nữ tu đã tìm mọi cách thuyết phục, nhưng chàng từ chối mọi thức ăn đem tới. Một người bạn thân của chàng, biết chàng nhớ nhà, nên anh tình nguyện đi tìm nhà của người bạn, anh kẻ rõ hoàn cảnh. Người cha của người bị thương chuẩn bị lên đường thì mẹ chàng gói cho con bà một tấm bánh. Nạn nhân vui mừng khi thấy cha mình. Nhưng anh vẫn chưa chịu ăn, đến khi cha chàng nói: “Này con, đây là tấm bánh mẹ con đã nướng”. Người con tươi nét mặt nói: “Vâng, bánh mẹ con làm, cho con một miếng”. Từ đó, chàng bắt đầu trên đường bình phục.
Bạn và tôi ở trong câu chuyện đó. Chúng ta bị thương trong trận chiến cuộc đời bởi tội, bởi quên Chúa, bởi những điều phiền muộn, những gian nan và những khổ đau hàng ngày. Chúng ta hết muốn ăn những món ăn làm cho linh hồn chúng ta thêm mạnh mẽ. Chúng ta hãy nghe Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Cha Ta cho anh em Bánh bởi trời đích thực. Bánh của Thiên Chúa từ trời đến và ban sự sống cho thế gian”. Cũng giống như người cha trong câu chuyện nói với con mình “Đây là bánh mẹ con đã làm”. Bởi vậy, vị linh mục của bạn nhân danh Đức Kitô nói với bạn: “Đây là Bánh Cha bạn ở trên trời đã làm”.
Thánh Thể là bánh từ trên trời, bánh ban sự sống cho chúng ta, sự sống thiêng liêng thật, sự sống của Thiên Chúa. Bánh chữa lành thiêng liêng, ban sức khỏe và sức mạnh thiêng liêng.
Không có phù phép trong tấm bánh của người mẹ. Nhưng có tình yêu là phép màu. Bởi kinh nghiệm, người lính bị thương biết rằng tấm bánh mẹ chàng nướng gói ghém bao tình thương. Cũng thế, chúng ta những kẻ theo Chúa Kitô biết rằng Tình yêu ban tặng trong Thánh Thể, trong việc đem bánh bởi trời đến ngay nơi đây, trong giờ này.
Trong Thánh vịnh đáp ca, chúng ta lặp lại những lời của bài ca trong Cựu Ước, ca ngợi Chúa vì Chúa ban Mana, của ăn lạ lùng Chúa ban cho dân Người trên hành trình về đất hứa. Mana là hình ảnh bánh Thánh Thể chúng ta dùng cũng những lời người Do Thái cổ đã dùng khi cảm tạ và ca ngợi Chúa. Vì bánh Thánh Thể Chúa ban trong giờ phút này.
“Chúa đã cho họ bánh bởi trời”
“Người làm mưa Mana trên họ để làm của ăn
và Người cho họ bánh bởi trời”.
Loài người được ăn bánh của Đấng Toàn Năng. Thánh Thể bao gồm tất cả. Hôm nay tôi gợi ý chúng ta nhớ Bánh bởi trời là liều thuốc cho linh hồn đau yếu, là sự bổ dưỡng cho tâm hồn bị thương, là ánh sáng và sức mạnh cho tâm trí yếu đuối.
Tất cả chúng ta sẽ thấy được điều người lính bị thương trong câu chuyện đã kinh nghiệm. Nếu chúng ta nhớ rằng: “Thánh Thể là bánh đem từ nhà tới, từ nhà của chúng ta ở trên trời”.
Xin Chúa chúc lành bạn.

Ta là Bánh Hằng Sống

Noel Quesson

Luy Latô (Louis Lateau), một người Bỉ được in năm dấu vào năm 1868. Từ nhỏ, cô đã bị đau yếu, ít ăn uống, nhất là sau khi được in năm dấu thánh, cô chỉ còn ăn chút ít, mỗi ngày một mẩu bánh nhỏ. Và kể từ 1871 trở đi, suốt bảy năm, cô không ăn uống gì nữa, chỉ còn rước lễ hàng ngày.
Thời gian gần đây, có những người được ơn lạ. Trong số những người đó, có Têrêxa Niu-man và Matta Robin đã không ăn uống trong nhiều chục năm. Có lẽ Chúa Giêsu muốn chúng ta nhớ điều này: “Con người không chỉ sống bằng cơm bánh…”. Dĩ nhiên hai cuộc sống nói ở đây là khác biệt, nhưng đều quan trọng cho một đời người.
Trong sinh hoạt trần thế của con người, có lẽ những bận tâm, những nỗ lực tìm kiếm của nuôi thân đã mất nhiều công sức và thời giờ hơn cả. Chúa nhìn ra tâm trạng đó ngay trong đám dân đi theo Người: “Các ngươi tìm Ta không phải vì xem thấy dấu lạ nhưng vì đã được ăn bánh no nê”. Và có những người khi nghe Chúa nói tới bánh là họ hiểu ngay theo nghĩa đen. Cũng như người phụ nữ bên bờ giếng Gia-cóp, nghe Chúa nói về nước, bà xin ngay: “Xin cho tôi nước đó để tôi khỏi phải đi múc nước ở đây”.
Tâm tình này là đúng. Nhưng ngoài nhu cầu thân xác, còn có nhu cầu tâm linh nữa. Nhu cầu tâm linh hay lương thực nuôi hồn là gì? Lương thực nuôi hồn là lời Chúa, là chính Chúa. Chỉ khi nào con người tìm về với Chúa, mới được no thỏa, dù có ý thức điều đó hay không. Ngôn sứ Amos đã nói về niềm khát khao Chúa như một cơn đói trầm trọng: “Sẽ có lúc cả xứ bị đói, không phải là đói cơm bánh, không phải là khát nước, mà là đói khát lời Chúa” (Am 8,11). Ngôn sứ Giêrêmia cũng cảm nghiệm điều đó: “Gặp được lời Chúa, tôi đã nhai đã nuốt vào. Lời Chúa làm no thỏa hồn tôi và làm tôi hân hoan” (Gr 15,16). Và chính Chúa cũng đã nói với các môn đệ: “Thầy có một thứ lương thực mà anh em không biết, đó là làm theo ý Đấng đã sai Thầy và chu toàn công việc của người” (Ga 4,32-34), Bởi thế, Chúa nói: “Ta là bánh trường sinh. Ai đến với Ta, sẽ không phải đói. Ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.
Lạy Chúa, chúng con kiếm tìm Chúa như tìm kiếm của ăn đích thực cho tâm hồn. Chỉ một mình Chúa, mới đem lại cho chúng con sự sống và niềm vui thực.

Không hư nát

Một hôm, Napoleon, vị hoàng đế có đôi mắt rất sáng, nói chuyện với một người bạn của ông, người này thì lại có đôi mắt rất kém. Hai người nói chuyện với nhau về sự đời, bên cạnh một cửa sổ. Bất chợt, Napoleon chỉ tay lên trời, một bầu trời đầy sao, đang phát ra những ánh sáng lập lòe, và hỏi người bạn: “Anh có thấy những ngôi sao ở trên trời kia không?”. Người bạn trả lời: “Không, mắt tôi kém lắm rồi, tôi không thấy gì cả”. Napoleon nói: “Đó là sự khác biệt giữa anh và tôi”. Rồi Napoleon nói tiếp: “Những người nhìn bầu trời đen mà không thấy gì thì mới chỉ sống được nửa cuộc đời mà thôi. Muốn sống trọn cả cuộc đời, thì phải thấy được những ngôi sao giữa bầu trời đen”. Lời nhận xét trên đây của Napoleon là một lời gián tiếp chê bai người bạn của ông có đôi mắt kém.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đưa ra một lời chê bai những người đã tìm đến với Ngài. Ngài nói: “Các ông tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”. Khi quả quyết điều trên đây, Chúa Giêsu phân biệt hai lý do khiến người ta tìm đến với Ngài, đó là để thấy dấu lạ và được ăn bánh no nê. Bình thường chúng ta hiểu hai lý do đó là một, bởi vì làm sao có đủ bánh để cho hàng ngàn người ăn ở nơi vắng vẻ nếu không phải là một phép lạ. Nhưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nên Ngài thấy rõ tâm tư của những người tìm đến với Ngài, ở đây chỉ là vì muốn được ăn bánh no nê như đã được ăn hôm trước.
Chắc có người khi đọc đoạn Tin Mừng này sẽ cho rằng: những người tìm đến với Chúa để được ăn bánh nữa là những người thực tế. Điều đó đúng, vấn đề cơm ăn áo mặc, vấn đề nhà ở để che nắng che mưa, đó là những vấn đề ưu tiên của con người, những vấn đề thiết thân cho cuộc sống, ở đời này ai mà không quan tâm đến những vấn đề ấy. Nhưng ở đây, khi chê bai những người tìm đến với Ngài, Chúa Giêsu muốn nói với họ rằng: ngoài sự đói khát vật chất và thể lý còn có sự đói khát thuộc tinh thần và tâm linh nữa. Vấn đề này cũng cần phải được giải quyết. Và Chúa đã đưa ra cho họ một lời khuyên: “Các ông hãy ra công làm việc, không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh”.
Vì thế, nếu về phương diện vật chất và thể lý, để thỏa mãn những nhu cầu, cần phải làm việc vất vả, thì về phương diện tinh thần và tâm linh, con người cũng phải ra công làm việc. Đúng thế, sống ở đời, chúng ta phải làm việc, và làm việc với lý do gì hay vì lý do gì chăng nữa, thì trên hết vẫn phải là lý do vì lương thực không hư nát, vì chỉ có lương thực ấy mới còn lại trong cõi vĩnh hằng, cõi hằng sống. Đó là những việc lành, việc tốt, việc bác ái yêu thương, việc thông cảm tha thứ… Chỉ có những việc ấy mới theo chúng ta về thế giới bên kia mà thôi.
Như vậy, công việc làm ăn không phải là không quan trọng. Nhưng nếu ai chỉ miệt mài làm việc mà bỏ quên Nước Trời, quên hạnh phúc đích thực đời sau của mình, thì Chúa bảo: họ sẽ mất tất cả. Tại Pháp, có một thương gia rất giàu, phương châm của đời ông là làm tiền, ăn nhậu và chơi bời. Nhưng chẳng bao lâu ông bị bệnh trầm trọng: thần kinh chỉ huy thanh quản bị tê liệt, làm ông bị câm. Trên giường bệnh, ông luôn thở dài chán nản. Cuối cùng, trước khi chết, ông bảo gia nhân đem bút giấy cho ông. Cầm bút, ông ghi một hàng chữ và truyền khắc nó trên bia mộ của ông: “Đây là người dại dột, đã sống mà không biết sống. Hỡi những người đang sống, chớ gì sự vô phúc của kẻ khác mở mắt các ông”.”
Vua Ngô ba mươi sáu tấn vàng. Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì”. Thánh Gióp nói: “Từ lòng mẹ tôi sinh ra trần truồng và lại trần truồng để trở về đấy”. Thánh Phaolô cũng nói: “Vào thế gian ta chẳng mang gì, thì cũng không thể mang gì khi phải ra đi”. Và lời Chúa Giêsu: “Tất cả mọi sự sẽ qua đi, chỉ có việc lành mới tồn tại”.
Chúng ta đang sống, chúng ta đừng quên mối tương quan giữa cuộc sống đời này và cuộc sống đời sau. Hơn ai hết, người Kitô hữu phải luôn nhớ mối tương quan ấy. Chúng ta cần lợi dụng từng giây phút, cần hoàn tất từng công việc, dù nhỏ mọn hay to lớn, để làm giàu cho cuộc sống, để làm cho đời mình có được giá trị vĩnh cửu. Chỉ sống như thế chúng ta mới có thể đón nhận được lời diễm phúc này: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào chung hưởng niềm hoan lạc với chủ ngươi”. 


Chú giải mục vụ của Alain Marchabour

CHÚA GIÊSU - BÁNH TRƯỜNG SINH (cc. 22-59)
Giữa diễn từ mặc khải và trần thuật về phép lạ, rõ ràng có những khác biệt về lời văn và nội dung, và vài học giả muốn truy tìm nguốn gốc của bài diễn từ mặc khải trong số các bài giảng huấn Kitô giáo được thực hiện theo kiểu bài giảng huấn Do Thái. Có thể là như thế: thế nhưng sự duy nhất của toàn bài trần thuật cần phải được lưu ý. Từ đầu đến cuối Chúa Giêsu chỉ đeo đuổi một mục tiêu: làm cho dân chúng nhận biết Người; chính bởi vì Người không làm được điều này bằng phép lạ, nên sau đó Người thử thực hiện ý định bằng diễn từ: diễn từ và trần thuật đều dự vào cùng một chiến thuật.
Ghi chú về bản văn: Sự hợp lý liên kết chương này không rõ ràng. Điều đó hệ tại ở tầm vóc đồ sộ của bản văn, ở sự hợp lý đặc biệt của ngôn ngữ Sêmit và chắc chắn ở tận gốc cơ cấu của bản văn (có thể là một bài giảng huấn). Để cho bài đọc được dễ dàng, tôi đã ghi nhận điểm chuẩn của bản văn mà dựa theo đó độc giả sẽ có được nhiều lợi ích.
CHUYỂN TIẾP (cc. 22-25)
Giữa ngọn núi nơi mà việc mặc khải bằng dấu lạ của Chúa Giêsu đã thất bại và hội đường nơi mà việc mặc khải này đạt đến đích điểm, thì việc vượt qua Biển Hồ trở thành phần chuyển tiếp cũng như việc dân chúng tiếp tục công cuộc tìm kiếm Chúa Giêsu. Từ khi dấu lạ xảy ra, một ngày đã trôi qua, và dân chúng, cũng như các môn đệ, gặp lại Chúa Giêsu để nghe bài diễn từ trong hội đường ở Caphanaum. Người kể chuyện không xác định làm thế nào để năm ngàn người đã có thể vượt qua Biển Hồ: lại chi tiết “có vẻ thật” này không làm ông quan tâm. Còn sự quy chiếu vào việc “Chúa Giêsu dâng lời tạ ơn” (c. 23) củng cố cách hiểu về Thánh Thể của đoạn này. Đối với dân chúng, Chúa Giêsu là “Rabbi”, điều này hình như là đạo lý Do Thái, giống như đạo lý đã dẫn dắt ông Nicôđêmô, kẻ gọi Chúa Giêsu là “Rabbi”, Người đã thực hiện các dấu lạ (3,2).
1. Thật, Tôi bảo thật các ông (cc. 26-31).
Mặc khải: thấy các dấu lạ (c. 26)
Lương thực trường tồn (c. 27)
Được Con Người ban cho (c. 27)
Thiên Chúa đã ghi dấu xác nhận (c. 27)
Sự cứng lòng không chịu tin:
Ăn bánh no nê
Lương thực mau hư nát
Công việc nào?
Tổ tiên chúng tôi
Lời quở trách ở câu 26 (“không phải vì các dấu lạ”) xem ra trái nghịch với câu 2 (bởi họ đã từng chứng kiến những dấu lạ). Ta có thể hòa hợp cả hai nhận định trên bằng cách đối chiếu việc tìm kiếm điều kỳ lạ (những dấu lạ ở câu 2) với ý nghĩa sâu xa của dấu lạ về mầu nhiệm của Chúa Giêsu mà dân chúng không nhận ra. Trong phần này, Chúa Giêsu chỉ tỏ mình ra một cách gián tiếp, qua việc đề cập đến dung mạo Con Người vào thời cuối cùng. Đức tin hay việc làm? Ở đây Chúa Giêsu trả lời: không thể có đức tin mà không có việc làm, bởi vì đức tin là một việc quan trọng nhất trong các công việc Thiên Chúa muốn.
Chúa Giêsu và những người Do Thái cùng chia sẻ một dòng lịch sử chung: “Tổ tiên chúng tôi”, người Do Thái nói với Chúa Giêsu như thế. Tuy nhiên giữa bánh manna và bánh đích thực bởi trời, sự đối nghịch đã có sẵn rồi.
2. Thật, Tôi bảo thật các ông (cc. 32-46)
Mặc khải: Không phải ông Môsê, mà chính Cha tôi (c. 32)
Bánh đích thực bởi trời
Bánh Thiên Chúa ban là Bánh từ trời xuống (c. 33)
Bánh đem lại sự sống cho thế gian.
Hiểu lầm: xin cho chúng tôi mãi mãi (c. 34)
Mặc khải: Chính TÔI LÀ bánh trường sinh (c. 35)
Ai đến với Tôi không hề phải đói
Ai tin vào Tôi chẳng khát bao giờ
Tất cả những người Chúa Cha ban cho Tôi (c. 37)
Ý của Cha Tôi: Tôi sẽ cho họ sống lại (c.39)
Sự cứng lòng không chịu tin:
Thấy mà không tin (c. 36)
Xầm xì (c. 41)
Chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? (c. 42)
Làm sao ông ta có thể nói?
Mặc khải:
Chẳng ai đến với Tôi được nếu Chúa Cha không lôi kéo người ấy (c. 44).
Tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết
Không ai thấy Chúa Cha. Chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha (c.46).
Được dẫn nhập cách trịnh trọng một lần nữa bằng “Thật, Tôi bảo thật các ông”, sự mặc khải được nhấn mạnh hơn, bằng cách tập trung vào Chúa Giêsu. Việc người Do Thái soi chiếu với bánh manna dẫn đưa bài diễn từ của Chúa Giêsu đến “Bánh bởi trời”. Cũng như người Do Thái đã lãnh nhận bánh manna làm dấu chỉ của Lời và của sự mặc khải, thì Chúa Giêsu, bánh từ trời xuống, tỏ mình như sự mặc khải chung cuộc cho loài người. Có nhiều từ được lặp lại trong phần thứ ba (cc. 47-52). Như được chứng tỏ khi đem so sánh các câu 33 và 51-52:
Bánh Thiên Chúa ban (c. 33) đó là:
Đấng từ trời xuống và đem lại sự sống cho thế gian.
Tôi là (c. 51)
Bánh từ trời xuống
Bánh Tôi sẽ ban tặng...
Là để cho thế gian được sống
Trong bối cảnh lịch sử của Chúa Giêsu thì rõ ràng diễn từ về bánh trường sinh này không thể trực tiếp chỉ Thánh Thể, không thể nào hiểu được trước khi có bữa ăn sau cùng, sự chết và sống lại của Chúa Giêsu. Như vậy đúng là sự mặc khải, tiêu biểu bằng con người Chúa Giêsu. Tuy nhiên được viết sau Phục Sinh, với những lời lẽ ghi lại cụ thể từ việc cử hành Thánh Thể, thì rõ ràng toàn bộ chương 6 là một diễn từ gợi lên cùng một lúc Đức tin và Thánh Thể trở nên nổi bật, trong khi chính đức tin vào Chúa Giêsu, Đấng mạc khải, chiếm ưu thế cho đến bấy giờ. Cựu ước sẵn sàng soi sáng lời với lương thực: Như Amôt: “Đây Thiên Chúa phán: Kìa, thời kỳ ấy là khi ta khiến lãnh thổ đói kém, không vì đói khát nước, nhưng bởi đói nghe lời Thiên Chúa” (Am 8,11). Cách nói về lương thực cũng gợi nhớ đến sự khôn ngoan trong Cựu ước: “Ai ăn vào càng đói, uống càng khát”, sự Khôn ngoan tự tán dương (Kn 24,21). Có thể xem thêm Cn 9,5.
Sự sống mà Chúa Giêsu cho là ân ban ngay lập tức và là lời hứa được sống lại trong ngày sau hết. Sự cánh chung ngay lập tức và bảo chứng sự sống đời đời được trao ban nhờ đức tin vào Chúa Giêsu.
Ẩn ý của biến cố Xuất hành biến hóa trong các từ được dùng để diễn tả sự đối nghịch của người Do Thái: “họ xầm xì” (ở đây nên dịch là “càu nhàu” c.41) như tổ tiên họ đã làm trong sa mạc (Xh 16,2.7; 17,3). Họ phản ứng “theo xác thịt”: làm sao “con ông Giuse” (c.42). Con Người bằng thịt bằng máu, có thể nhận mình là Con của Chúa Cha?

Chú giải của Noel Quesson

BÁNH HẰNG SỐNG
Đức Giêsu đã không nhận vinh quang chính trị Người ta gán cho, sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều.
Vậy khi dân chúng thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ đều không có mặt ở bờ Biển Hồ Galilê thì họ lên chuyến đi Ca-phác-na-um tìm Người. Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ.
Vinh quang chính trị, lương thực trần thế thuộc bến bờ khác, thuộc lãnh vực nhân loại. Muốn gặp được Chúa thực sự, phải tìm Chúa "trên bờ bên kia". Do đó một diễn từ dài về "Bánh hằng sống" sẽ bắt đầu và là nội dung của chương 6 Tin Mừng theo Thánh Gioan. Chúng ta sẽ đọc trong 4 Chúa nhật kế tiếp.
Diễn từ này rất khác với những gì ta thường nghe Chúa nói trong 3 Tin Mừng nhất lãm, như vậy thực sự là của Chúa hay của Gioan? Câu hỏi này đã được đặt ra từ thời các Giáo phụ tiên khởi trong Giáo Hội. Những nhà chú giải chân chính nhất ngày nay vẫn tôn trọng truyền thống và tóm lại trong câu trả lời như sau: "Chúng tôi luôn nghĩ rằng, bản chất của diễn từ nói về Bánh hằng sống chắc chắn là của Chúa, nhưng tư tưởng của Thầy được truyền lại cho chúng ta qua sự giải thích của Thánh Sử: Chính Thánh Gioan đã cho rằng phải thêm những điều đó vào. Đó cũng là điều Giáo Hội thường làm (A. Feuíllet).
Những gì Đức Giêsu thực sự đã nói, được thuật lại cho chúng ta bằng những ngôn từ, những kiểm nói soạn lại của Thánh sử. Được Chúa Thánh Thần linh hứng để viết Tin Mừng, Thánh Gioan chuyển tải cách trung thực những giáo huấn của Chúa Giêsu, nhưng không theo cách thuỷ như băng ghi âm. Nhờ suy ngẫm lâu dài người môn đệ trung thành, đã thấm nhuần giáo huấn của Thầy và chuyển đạt lại bằng những ngôn từ của chính mình. Ông vừa là chứng nhân, ta là người được linh hứng.
Đức Giêsu đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng các ông đã được ăn bánh no nê".
Đức Giêsu nói chuyện với những nông dân miền Galilê đang vất vả để kiếm sống. Họ biết đói khổ và no đủ là thế nào, khi họ miệt mài làm việc để thùa thu hoạch có kết quả tốt. Cũng như với người đàn bà xứ Samaria bên bờ giếng, Đức Giêsu dựa vào một nhu cầu vật chất của thính giả làm khởi điểm, đó là những biểu tượng thông thường: đói khát bánh nước... Sự chẩn đoán của Đức Giêsu đối với những người nông dân này vừa đúng lại vừa khắt khe: Những gì họ mong đợi không phải là những "dấu chỉ của nước trời" mà là những "lợi lộc vật chất" họ có thể thu nhận được. Sự chẩn đoán này vẫn luôn mang tính thời sự nóng bỏng. Những nông dân này có lẽ ít "duy vật" hơn chúng ta ngày nay. Nếu chúng ta đón nhận sự chẩn đoán này của Đức Giêsu để duyệt xét lại chính mình chúng ta sẽ khám phá ra rằng, phải chăng chúng ta cũng đói tiền bạc, đói quyền lực, sự kính trọng, an toàn, tiện nghi, và tiêu khiển? Khi Đức Giêsu "giải gỡ" những vấn đề cho chúng ta, chúng ta sẵn sàng bước theo Người. Nhưng nếu Người thực hiện những "dấu chỉ gây rtgỡ ngàng" của nước Thiên Chúa không phù hợp với chúng ta, thì chắc chắn chúng ta cũng dễ dàng bỏ Người?
Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại hạnh phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận".
Chúa Giêsu dùng lương thực để so sánh, giúp chúng ta hiểu những gì Người mang đến cho nhân loại. Có hai thứ sự sống và hai loại của ăn: của ăn thân xác, cho ta sự sống dễ ‘hư nát’ và của ăn từ trời, cho ta ‘sự sống đời đời’. Được Thiên Chúa tạo dựng và được dựng cho Thiên Chúa, nên con người đói khát Thiên Chúa. Ngoài Thiên Chúa, không gì có thể làm con người hoàn toàn thỏa mãn. Tất cả những lương thực trần gian không làm con người no thỏa. Đức Giêsu không dạy chúng ta khinh thường "lương thực hằng ngày" nhưng hãy ao ước "Bánh ban sự sống vĩnh cửu”. Đức Giêsu không xúi chúng ta biếng nhác trong công việc cần thiết cho sự sống nhân thế, nhưng Người muốn chúng ta "làm việc" cùng với sự nhiệt tình như thể để tìm kiếm sự sống không thể hư mất được. Khác với Bouddha, Đức Giêsu không bảo chúng ta phải diệt dục, nhưng ngược lại phải thăng hoa nó: Anh em chớ hài lòng với cuộc sống chẳng qua của anh em... Anh em hãy ước muốn sự sống đời đời. Hãy làm những gì cần thiết để chiếm được sự sống đó, và hãy sống sự sống vĩnh hằng ngay từ bây giờ.
Họ liền hỏi Người: "Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những điều Thiên Chúa muốn?" Đức Giêsu trả lời: "Việc Thiên Chúa muốn các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến”.
Ở đây bắt đầu một mạc khải lạ lùng. Lương thực cốt yếu mà con người đói khát, đó chính là Đức Giêsu. Một quyết đáp có vẻ táo bạo và điên rồ, nhưng đã được kiểm chúng hằng triệu lần từ 2.000 năm qua. "Anh em hãy tin". Đó là công trình của Thiên Chúa nơi chúng ta. Tin, có đức tin đó là làm việc với Thiên Chúa, là cộng tác với Thiên Chúa Đấng muốn ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu của Người .
Họ lại hỏi: "Vậy chính ông, Ông đã làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? ông sẽ làm chi đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời". Đức Giêsu đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực".
Họ vẫn còn dừng lại tại chân trời quen thuộc của họ, họ vẫn luôn ở bờ bên này, Đức Giêsu tìm cách gợi lên trong họ những khát vọng cao siêu, khởi đi từ những nhu cầu vật chất. Nhưng ngày nay, chúng ta đang đói cái gì? Mỗi ngày người ta nói với chúng ta rằng, con người sẽ có hạnh phúc khi mua một cái máy nào đó để làm việc nội trợ, ngậm một viên kẹo, dùng một thuốc khử mùi hay dầu gội dầu nào đó... Còn Đức Giêsu lại nói với chúng ta, những thứ "man-na" đó chỉ là một thứ thức ăn vật chất rất thô thiển, có thể nói là dành cho loài vật, nếu so với hạnh phúc mà Chúa muốn ban tặng cho ta. Các bạn có để ý đến một hiện tượng trong xã hội Tây phương mà chúng ta có thể gọi là hiện tượng "bú mút": Suốt ngày, trên các đường phố, chúng ta thấy người ta ăn, nhai, ngậm, nuốt kẹo, đặc biệt là mọc lên rất nhiều hiệu bánh kẹo đủ loại. Những nhà phân tâm học nhận thấy trong hiện tượng này một sự thoái hóa, trở về tình trạng trẻ nít: Đứa bé thường tự giải buồn bằng cách mút ngón tay cái của nó. Nhưng đó không phải là dấu hiệu biểu lộ con người chỉ thích thỏa mãn với những lạc thú phiếm diện, hời hợt sao?
Dĩ nhiên, Đức Giêsu đang đứng ở mức lãnh vực khác hẳn.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đói khát lương thực cốt yếu.
Vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.
Chúng ta nên suy gẫm về sự lạ lùng mà những chữ này gợi ra cho ta không? Chúng ta đã được tạo dựng cho Thiên Chúa. Dù muốn, dù không, cơn đói của chúng ta, chính là đói Thiên Chúa. Tiên tri Isaia đã nói "Tại sao phí tiền vào những của không làm no bụng". Sau khi đã đi tìm tất cả mọi lạc thú trần gian, Thánh Angustinô đã thú nhận rằng: "Lạy Chúa, tâm hồn con không nghỉ yên khi nó chưa được an nghỉ trong Chúa". Vâng, tâm hồn chúng ta rất rộng lớn, đến nỗi không gì có thể lấp đầy được ngoài một mình Thiên Chúa mà chúng ta được dựng nên vì Người. Sau mỗi lạc thú dục vọng lại sinh ra dục vọng, đó là dấu hiệu của sự đòi hỏi vô biên này.
“Bánh từ trời xuống" đó là man-na lương thực huyền siêu như bài đọc một Chúa nhật này đã nhắc cho chúng ta: Cái gì đây? Man-na? Người ta chờ đợi sự tái xuất hiện lương thực lạ lùng làm no thỏa, vào thời Đấng Mêsia. Nhưng khi lặp lại cách diễn tả truyền thống xa xưa, Đức Giêsu đã coi Man-na của thời Môisen chỉ là biểu tượng của "quà tặng từ trên cao", "lương thực bởi trời". Lời của Thiên Chúa. Theo sách Đệ nhi luật, mục đích sâu xa của phép lạ thời xuất hành không phải là để nuôi những người Do Thái về mặt vật chất trong sa mạc, nhưng nhằm giúp họ quen "tin tưởng" vào Chúa: "Con người không chỉ sống nhờ bánh mà còn nhờ những gì từ miệng Thiên Chúa phán ra" (Đnl 8,2-3) Đức Giêsu đã mượn câu này của sách Đệ nhị luật để nói với Satan: "Bánh vật chất" không đủ. Sự liên hệ này cho thấy, "Đấng Kitô" của Tin Mừng thứ 4 theo Thánh Gioan không khác với Đức Giêsu lịch sử đã được mô tả trong 3 Tin Mừng kia (Mt 4,4; Lc 4,4). Đức Giêsu cũng tuyên bố giáo thuyết của Người, hay hơn nữa, chính bản thân Người là lương thực: Con người không chỉ sống bằng bánh mà còn bằng lời Chúa.
Họ liền nói: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy". Đức Giêsu bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh".
Quan niệm cho rằng lời Chúa, giới răn của Chúa là thức ăn thiêng liêng bổ dưỡng cho con người, cao quý hơn thức ăn thông thường đã có trong suốt Cựu Ước.
- A-mốt 8,11: "Sắp tới những ngày, Ta sẽ cho nạn đói đến trong xứ, không phải đói bánh, không phải khát nước, mà là đói khát nghe Lò Thiên Chúa".
- Giêrêmia 15,16: "Khi nghe lời của Người, tôi đã ăn ngấu nghiến. Lời Chúa là sự vui sướng hạnh phúc cho lòng tôi”.
- Đức Giêsu theo Thánh Gioan (4,32-34).
Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết, đó là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy.
Ai đến với Tôi, không hề phải đói; Ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ.
Trong bài Thánh thư Chúa nhật hôm nay, Thánh Phaolô nói với chúng ta về những người dân ngoại đã để cho sự hư vô dẫn đắt họ (Ep 4,17-24). Nếu những hiệu bánh ngọt cũng đủ làm thỏa mãn chúng ta, thì thật là đáng tiếc! Lạy Chúa, xin ban cho chúng con thứ bánh của Chúa, Này đây, tay con đang giơ lên cao...

Chú giải của Fiches Dominicales

ĐỨC GIÊSU, BÁNH TRƯỜNG SINH
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI.
1) Từ lương thực ‘mau hư nát’ đến lương thực ‘trường tồn’
Sau phép lạ hóa bánh, Đức Giêsu "đã lánh mặt đi lên núi một mình”. "Chiều đến", các môn đệ Người xuống thuyền đi sang "bên kia Biển Hồ”; còn Đức Giêsu lát sau đó "đi trên mặt biển" mà đến với các ông. Hôm sau đám đông cũng xuống thuyền vượt qua: Biển Hồ về hướng Capharnaum để tìm kiếm Người. Mọi người sắp được Chúa mời gọi sống một cuộc "vượt qua" khác, sâu xa hơn nhiều: vượt qua từ bánh hóa nhiều đến với Đấng ban bánh ấy, vượt qua từ dấu chỉ là bánh đến với Đấng chính là bánh trường sinh.
Trước tiên Chúa cảnh giác đám thính giả của Người về mong muốn lệch lạc của họ. Họ có sự hiểu lầm về lương thực (xem sự hiểu lầm của phụ nữ Samari về nước uống): "Các ông đi tìm tôi, Chúa nói với họ, không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”. X. Léon Dufour nhận xét: Động cơ thúc đẩy họ vẫn là mùi vi của bánh trần gian: họ đã không nhìn thấy trong ân huệ bánh dư thừa, dấu chỉ của một lương thực khác phải tìm kiếm, thứ lương thực trường tồn ban phúc trường sinh mà Con người sẽ ban cho" ("Lecture de l'evangile de Jean", cuốn 11, Seuil, trang 132). Chính thứ lương thực này mà con người phải khao khát được ăn; chính vì lương thực ấy mà con người phải "làm việc" để kiếm tìm.
Ngộ nhận mới do những từ ngữ "làm", "những việc" gợi lên. Dân chúng hỏi: "Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?" Theo họ nghĩ, đó là những việc bên ngoài mà Chúa đòi hỏi nơi những kẻ thờ phượng Người, như những nghi lễ và một số những việc khác.
Lập tức Đức Giêsu bắt họ bỏ qua "những việc" (số nhiều) để nghĩ đến "Việc Thiên Chúa" (số ít): bởi lẽ "việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Ngài đã sai đến”.
2. Từ “bánh bởi trời” đến chính Đấng là “bánh trường sinh”.
Những người đàm đạo với Chúa xem ra sẵn lòng tin nhận Người là Đấng Thiên Chúa sai đến, nhưng dẫu sao cũng có điều kiện: "Ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông”. Dân chúng vừa mới được thấy dấu lạ là bánh hóa nhiều, thế mà họ còn đòi xem một dấu lạ khác, thì kể cũng là lạ thường. Nhưng ta đừng quên câu chuyện mới xảy ra gần đây, khi những người miền Galilê này đã coi Đức Giêsu như Vị Ngôn sứ, đó là: theo truyền thống tiên tri, một dấu lạ được chứng thực là đúng thì phải được Người thực hiện nó loan báo trước. X. Léon Dufour còn nhấn mạnh: "Thực ra người ta không đòi hỏi Chúa thực hiện ngay dấu lạ, mà chỉ cần nói cho biết Người sẽ làm dấu lạ nào" (OC. trang 134).
Giống như phụ nữ Samari nại đến tổ phụ Giacóp (4,12), những người Do Thái nại đến tổ phụ Apraham, thì đám đông người miền Galilê nại đến Môsê, người đã bầu cử với Chúa ban cho có manna: "Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc”.
Đức Giêsu đã bài bác lối giải thích của họ, dựa vào lời họ trưng dẫn trong sách Xuất Hành mà làm bằng cứ:
+ Người ban manna, "bánh bởi trời" không phải là Môsê, như ý họ muốn nói, nhưng là Đấng mà Người gọi là "Cha" của Người.
+ Điều cải chính trên về ai là kẻ ban phát manna không chỉ nói về thời dĩ vãng xa xưa của cha ông họ khi Xuất Hành, mà còn liên quan tới thời buổi này đối với những kẻ đang nghe Chúa nói. An huệ manna đó được ban cho chính họ ngay lúc này, ơn huệ đó là đích thực. Lương thực Chúa Cha ban cho hôm nay làm cho hình ảnh manna tiên báo và những lời hứa của Luật được ứng nghiệm. X. Leon Dufour viết tiếp: "Giữa quá khứ và tương lai thì đây là ‘hiện tại của Thiên Chúa’. Từ việc nhớ lại manna trong sa mạc" (hồi ức) và khao khát "được ăn mãi thứ bánh ấy" (trông mong) người ta đạt tới thực tại mang tính bản thể" (OC. trang 137).
+ Sau cùng “Bánh Thiên Chúa ban, bánh từ trời xuống" không chỉ dành riêng cho một mình dân Israel thôi. Bánh đem lại sự sống cho thế gian ấy, hết mọi dân tộc trên trái đất đều có quyền được hưởng.
-"Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy", dân chúng liền nói, giống như phụ nữ Samari đã nói với Đức Giêsu bên bờ giếng Giacóp: “Thưa Ngài, xin Ngài cho tôi thứ nước ấy (4, 15) .
- Với lời lẽ trang trọng Chúa nói với họ "chính tôi đây là bánh trường sinh", bánh các ông ao ước ăn đó, là chính tôi đây. "Đức Giêsu làm ứng nghiệm nơi Người hình ảnh manna mang tính cánh chung vậy" (X.Léon-dufour, Sđd, trang 136).
Bởi vậy, điều kiện duy nhất để được ăn bánh đó là “đến" với Người và “tin" vào Người. Vì tự coi mình là sự Khôn ngoan của Thiên Chúa (Kn 9,1: bài đọc 1 Chúa nhật 20), là Nguồn sống đáp ứng được sự đói, khát của con người, Đức Giêsu trân trọng mời gọi anh em Người tới dùng bữa: "Ai đến với Tôi, không hề phải đói, ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ”.
BÀI ĐỌC THÊM
1) "Từ bánh được ban tới Người ban bánh, từ dấu lạ tới Đấng mà dấu lạ biểu thị"
(R. Josse trong "Célébrer" tạp chí của CNPL, số 240, trang 41).
Câu hỏi tỏ vẻ quan tâm ghi ở đầu trình thuật này: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy”, cho thấy đám đông có phần nào bị lạc hướng. Họ đã tìm kiếm Đức Giêsu, nhưng không phải để hiểu biết Người: dấu lạ đã chỉ khơi dậy nơi lòng họ ước muốn có bánh ăn, chứ không phải niềm khao khát được ánh sáng soi rọi giúp hiểu biết về con người Đức Giêsu. Họ chẳng hiểu được ám chỉ về quyền năng của Con Người. Theo kiều đối thoại, Tin Mừng Gioan lần lượt trình bày cho biết sự ngộ nhận do họ không hiểu biết.
Họ ỷ mình đã từng được biết câu chuyện manna ghi trong sách thánh. Đức Giêsu vịn vào lý lẽ của họ và hướng người nghe chú tâm đến Thiên Chúa: Môsê xưa đã cho các ngươi ăn bánh bởi trời, nhưng không phải là bánh bởi trời đích thực, mà chỉ là bánh nếm thôi. Trong Xuất Hành, manna nói lên ân huệ cụ thể thật cần thiết, là lương thực được cung cấp sáng chiều: người ta hầu như nghĩ tưởng đến trình thuật về sáng tạo, lực sáng tạo của Chúa hoạt động một cách vô cùng rộng rãi. Nhưng ân huệ ấy vì là dấu chỉ thôi thúc lòng tin, nên phải nhắc nhở (con người thụ hưởng) nhở đến Đấng ban phát ơn tuy mắt không thấy, nhưng Ngài vẫn hiện diện và hoạt động, vẫn lèo lái con đường giải thoát. Bánh Chúa ban, lúc này đây, là chính Đấng từ trời xuống, Đấng đem lại sự sống cho thế gian.
Cuộc đối thoại sẽ còn dẫn đến một ngộ nhận mới cũng giống như ngộ nhận của phụ nữ Samari nơi Ga 4,15: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh đó!”. Nay Chúa không lấy một cái gì đó mà cho người ta, Chúa cho chính mình Người. Từ quan tâm đến việc Chúa làm, người ta chuyển quan tâm đến Người là ai, nghĩa là phải từ bánh được ban tới Người ban bánh, từ dấu lạ tới Đấng mà dấu lạ ấy biểu thị. Lòng tin vào Đức Kitô đòi phải có một chuyển biến sâu xa tự thâm căn con người vậy.
2) "Lương thực đích thực"
(Đức Cha L. Daloz, trong "Nous avons vu sa gloire", Desclée de Brouwer, trang 81-82).
"Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến". Lời khẳng định mạnh mẽ này phơi bày điều thầm kín từ đáy lòng họ. Họ đã biết đôi chút về Đức Giêsu. Họ đã muốn tôn Người làm vua, sau khi được thấy dấu lạ hóa bánh. Điều Chúa yêu cầu họ lúc này có tính cách bó buộc. Họ phải tin vào Người, phải từ bỏ những tính toán riêng tư để đem lòng tin cậy Người. Đó cũng chính là vấn đề quyết liệt được đặt ra cho tất cả những ai gặp gõ Đức Giêsu, cho cả chính chúng ta nữa. Ta có nhận là không nhờ Người để rà xem những ý tưởng riêng tư của ta đúng hay sai, để thực hiện những chương trình của ta, mà trái lại ta biết nhờ Người giúp đi vào chương trình Người hoạch định, đi theo Người đến nơi Người muốn đưa ta đến? Những người đàm đạo với Chúa khi ấy lẫn tránh không muốn sự lựa chọn quyết liệt này. Họ muốn được kiểm chứng, họ cần phải có được một cuộc “giám định lại”, một dấu lạ khác... Họ không muốn dấn thân: "Ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? Tuy họ đã được thấy dấu lạ về bánh, nhưng họ chưa lấy làm đủ. Nhân danh Sách Thánh họ từ khước Người: tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc. Cần phải có cái gì hơn thế mới có thể lay chuyển được họ, những con người được liệt vào bậc thầy về Kinh Thánh. Đối với người không tin Đức Giêsu, luôn luôn có cách tìm thoái thác. Thế nhưng Đức Giêsu vẫn tiếp tục cuộc đối thoại. Người đi cho tới cùng mặc khải Người đã bắt đầu. Người biện bác khởi đi từ chính vấn để họ đặt ra: "Thật, tôi bảo thật các ông không phải ông mô sê đã cho các ông ăn bánh bởi trỏi đâu. Ơn manna khi ấy chỉ là một ân huệ tạm thời, chỉ là một loan báo mà giờ đây mới có ý nghĩa đích thực. Chính việc hóa bánh ra nhiều cũng chỉ là một dấu chỉ. Chính Đức Giêsu mới là bánh đích thực, từ trời xuống để cho thế gian được sống: Vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian".





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét