GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
MƯỜI ÐIỀU RĂN
Xh 20,2-17 2. Ta là Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai cập, khỏi cảnh nô lệ. 3. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. 4. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như dưới đất, hoặc ở trong nước, để mà thờ. 5. Ngươi không đuợc phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ : vì Ta, Ðức Chúa Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tuông. Ðối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông 6. Còn đối với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. 7. Ngươi không được kêu tên Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi mà làm điều bất xứng, vì Ðức Chúa không dung tha kẻ kêu tên Người mà làm điều bất xứng. 8. Ngươi hãy nhớ ngày Sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. 9. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. 10. Còn ngày thứ bảy là ngày Sa-bát kính Ðức Chúa,Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó ngươi không được làm công việcnào,cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia xúc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. 11. Vì trong sáu ngày, Ðức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghĩ ngày thứ bảy. Bởi vậyÐức Chúa đã chúc phúc cho ngày Sa-bát và coi đó là ngày thánh. 12. Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. 13. Ngươi không được giết người. 14. Ngươi không được ngoại tình. 15. Ngươi không được trộm cắp. 16. Ngươi không được làm chứng gian hại người 17. Ngươi không được ham muốn nhà người ta. - ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa hay bất cứ vật gì của người ta | Ðệ nhị luật 5, 6-21 6. Ta là Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai cập, khỏi cảnh nô lệ. 7. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. 11. Ngươi không được dùng tên Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi mà làm điều bất xứng, vì Ðức Chúa không dung tha kẻ dùng tên Người mà làm điều bất xứng. 12. Ngươi hãy giữ ngày Sa-bát, mà coi đó là ngày thánh, như Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi 16. Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi, để được sống lâu và để được hạnh phúc trên đất mà Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi 17. Ngươi không được giết người 18. Ngươi không được ngoại tình. 19. Ngươi không được trộm cắp 20. Ngươi không được làm chứng dối hại người 21. Ngươi không được ham muốn vợ người ta, ngươi không được ước ao nhà của người ta, đồng ruộng, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa hay bất cứ vật gì của người ta | Mười Ðiều Răn Thứ nhất : Thờ phượng một Ðức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự. Thứ hai : Chớ kêu tên Ðức Chúa Trời vô cớ. Thứ ba : Giữ ngày Chúa nhật Thứ bốn : Thảo kính cha mẹ Thứ năm : Chớ giết người Thứ sáu : Chớ làm sự dâm dục Thứ bảy : Chớ lấy của người Thứ tám : Chớ làm chứng dối Thứ chín : Chớ muốn vợ chồng người Thứ mười : Chớ tham của người |
ÐOẠN THỨ HAI
MƯỜI ÐIỀU RĂN
"Thưa Thầy, tôi phải làm gì...?"2052 (1858) "Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?" Ðể trả lời cho người thanh niên, Ðức Giê-su nêu lên sự cần thiết phải nhận biết Thiên Chúa như "Ðấng tốt lành duy nhất", như sự thiện tuyệt hảo và như nguồn mạch của mọi điều thiện. Ðoạn Ðức Giê-su tuyên bố: "Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn". Rồi Người liệt kê các điều răn về yêu người: "Ngươi không được giết người, ngươi không được ngoại tình, ngươi không được trộm cắp, ngươi không được làm chứng gian, ngươi phải thảo kính cha mẹ". Sau hết, Ðức Giê-su tóm tắt các điều răn kể trên cách tích cực rằng: "Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình” (Mt 19,16-19).
2053 (1968 1973) Ðức Giê-su còn thêm: "Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy về bán tài sản của anh mà bố thí cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21). Câu trả lời này không hủy bỏ câu trả lời trước. Muốn đi theo Ðức Giê-su, phải tuân giữ các điều răn. Luật cũ không bị bãi bỏ (x. Mt 5,17), nhưng chúng ta được mời gọi tìm thấy sự viên mãn của lề luật nơi con người của Thầy mình, Ðấng chu toàn tuyệt hảo lề luật. Trong Tin Mừng Nhất Lãm, lời Ðức Giê-su mời gọi anh thanh niên giàu có đi theo Người với lòng vâng phục của người môn đệ và tuân giữ các điều răn, còn được kết hợp với lời mời sống nghèo khó và khiết tịnh (x. Mt 19,6-12; 21.23-29). Các lời khuyên Phúc Âm không thể tách khỏi các điều răn.
2054 (581) Ðức Giê-su vẫn tôn trọng mười điều răn, nhưng cho thấy sức mạnh của Thánh Thần đang tác động nơi các điều răn ấy. Người đã rao giảng sự "công chính vượt trên sự công chính của các kinh sư và Pha- ri-sêu” (Mt 5,20), cũng như của dân ngoại (x.Mt 5,46-47). Người cho thấy tất cả những đòi hỏi của các điều răn. "Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người... còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình thì cũng đáng bị đưa ra tòa rồi” (Mt 5,21-22).
2055 (129) Khi được hỏi: "Ðiều răn nào là điều răn trọng nhất?” (Mt 22,36), Ðức Giê-su đáp: "Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi; đó là điều răn trọng nhất và là điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22, 37-40) (x.Ðnl 6,5; Lv 19,18). Thập Giới phải được giải thích dưới ánh sáng của điều răn mến Chúa-yêu người, vì yêu thương là chu toàn lề luật:
"Các điều răn như: "Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn...", cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình. Ðã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn lề luật vậy” (Rm 13, 9-10).
Thập Giới trong Thánh Kinh.
2056 (700 62) Từ Hi lạp "Dekalogos" trong Thánh Kinh có nghĩa là "Mười Lời", chúng ta quen gọi là Thập Giới (x.Xh 34,28; Ðnl 4,13; 10,4). Thập Giới được Thiên Chúa mặc khải cho dân Người trên núi thánh. Mười lời này "tự ngón tay Người" đã viết (Xh 31,18; Ðnl 5,22), khác với các điều luật khác do Mô-sê viết (x. Ðnl 31,9-24). Thập Giới là Lời Chúa theo một nghĩa rất đặc biệt và được lưu truyền đến chúng ta trong sách Xuất Hành (x. Xh 20,1-17) và sách Ðệ Nhị Luật (Ðnl 5,6-22). Từ thời Cựu Ước, các Sách Thánh luôn quy chiếu về "Thập Giới” (x. ví dụ Hs 4,2; Cn 7,9; Ed 18,5-9), nhưng ý nghĩa của chúng chỉ được mặc khải trọn vẹn trong thời Tân Ước, nơi Ðức Giê-su.
2057 (2084) Trước hết, Thập Giới phải được hiểu trong bối cảnh của cuộc Xuất Hành, biến cố giải phóng vĩ đại của Thiên Chúa ở trung tâm của giao ước cũ. Dù được viết dưới hình thức tiêu cực, cấm đoán hay dưới hình thức tích cực (như "hãy tôn kính cha mẹ"), "Thập Giới" đưa ra những điều kiện của một đời sống được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi. Thập Giới là một con đường sống:
"Phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh em được sống, được thêm đông đúc” (Ðnl 30,16).
Chúng ta thấy rõ sức mạnh giải thoát của Thập Giới, thí dụ điều răn nghỉ ngày hưu lễ, áp dụng cho cả người ngoại kiều và nô lệ:
"Ngươi hãy nhớ, ngươi đã làm nô lệ tại đất Ai Cập và Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó” (Ðnl 5,15).
2058 (1962) "Thập Giới" tóm tắt và công bố Luật của Thiên Chúa: "Những lời ấy Ðức Chúa đã lớn tiếng phán với toàn thể đại hội anh em, trên núi từ trong đám lửa, giữa mây đen mù mịt. Người không thêm gì cả và viết những lời ấy trên hai bia đá rồi ban cho tôi” (x. Ðnl 5,22). Vì thế, hai bia đá này được gọi là "Bia Chứng Ước” (Xh 25,16), vì ghi khắc các điều khoản của giao ước đã ký kết giữa Thiên Chúa và dân Người. Các "Bia Chứng Ước” (x. Xh 31,18; 32,15; 34,29)phải được đặt vào "Hòm Bia Chứng Ước” (Xh 25,16; 40,1-2).
2059 (707 2823) "Thập Giới" được Thiên Chúa công bố trong một cuộc thần hiện ("Ðức Chúa đã phán với anh em, mặt đối mặt, trên núi, từ trong đám lửa": Ðnl 5,4). Qua Thập Giới, Thiên Chúa mặc khải về chính bản thân Người và về vinh quang của Người. Khi ban các điều răn, Thiên Chúa ban tặng chính mình và bày tỏ thánh ý Người. Khi cho con người biết thánh ý, Thiên Chúa mặc khải chính mình cho Dân Thánh.
2060 (62) Việc ban tặng các điều răn và lề luật là thành phần của giao ước do Thiên Chúa ký kết với những kẻ thuộc về Người. Theo sách Xuất Hành, "Thập Giới" được mặc khải giữa lúc đề nghị (x. Xh 19) lập giao ước và lúc ký kết giao ước (x. Xh 24), sau khi dân chúng đã cam kết "thi hành và tuân theo tất cả những gì Ðức Chúa đã phán” (Xh 24,7). Thập Giới được truyền đạt trong tương quan với Giao Ước. ("Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, đã thiết lập một giao ước với chúng ta tại núi Kho-rép": Ðnl 5,2).
2061 Các điều răn chỉ có ý nghĩa trọn vẹn trong Giao Ước. Theo Sách Thánh, đời sống luân lý của con người chỉ đầy đủ ý nghĩa trong và nhờ giao ước. Ðiều thứ nhất của "Thập Giới" nhắc lại sáng kiến tình yêu Thiên Chúa dành cho dân Người:
2086 "Khi phạm tội, con người bị đuổi khỏi địa đàng tự do và sa vào kiếp nô lệ trần thế. Vì thế, câu đầu tiên của Thập Giới
2062 (142 2002) Như thế, các điều răn chỉ giữ vai trò thứ yếu, vì là những hệ luận của việc con người thuộc về Thiên Chúa như giao ước qui định. Ðời sống luân lý là sự đáp trả sáng kiến yêu thương của Thiên Chúa, là sự nhận biết, tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa. Như thế, chúng ta cộng tác vào kế hoạch của Thiên Chúa đang thực hiện trong lịch sử.
2063 (878) Giao Ước và cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người còn được xác nhận qua sự kiện: trong các điều răn, Thiên Chúa luôn nói ở ngôi thứ nhất ("Ta là Ðức Chúa") và nói với con người ở ngôi thứ hai ("ngươi"). Tất cả các điều răn đều dùng đại từ nhân xưng ở)số ít để chỉ định người nghe. Khi bày tỏ thánh ý cho toàn dân, Thiên Chúa cũng bày tỏ thánh ý cho riêng từng người:
Chúa ra lệnh phải yêu mến Thiên Chúa và dạy giữ công bình đối với người thân cận, để con người khỏi bất chính và bất xứng trước mặt Thiên Chúa. Cho nên, nhờ Thập Giới, Thiên Chúa chuẩn bị con người trở thành bạn hữu của Người và một lòng một dạ với tha nhân...Thập Giới vẫn giữ nguyên giá trị đối với chúng ta (những ki-tô hữu), vì khi Chúa đến, Thập Giới chẳng những không bị hủy bỏ, mà còn được trọn nghĩa và triển nở (T. I-rê-nê, chống lạc giáo 4,16, 3-4).
Thập Giới trong Truyền Thống Hội Thánh
2064 Trung thành với Thánh Kinh và theo gương Ðức Giê-su, truyền thống của Hội Thánh nhìn nhận Mười Ðiều Răn có tầm quan trọng và ý nghĩa hàng đầu.
2065 Từ thời thánh Âu-tinh, Mười Ðiều Răn đã có một vị trí quan trọng trong huấn giáo cho dự tòng và tín hữu. Vào thế kỷ XV, Mười Ðiều Răn thường được diễn tả bằng những công thức theo văn vần, dễ nhớ và tích cực, vẫn còn thông dụng ở nhiều nơi tới ngày nay. Các sách giáo lý của Hội Thánh thường trình bày luân lý Ki-tô giáo theo thứ tự của "Mười điều Răn".
2066 Việc phân chia và đánh số các điều răn có thay đổi theo dòng lịch sử. Quyển Giáo Lý này theo cách phân chia của thánh Âu-tinh đã trở thành truyền thống trong Hội Thánh Công Giáo. Các giáo phái Lu-ther cũng theo cách phân chia này. Các giáo phụ Hi- lạp phân chia hơi khác; cách chia này còn gặp thấy trong Giáo Hội Chính thống và các cộng đoàn Cải Cách.
2067 (1853) Mười Ðiều Răn nêu ra các đòi hỏi của tình mến Chúa yêu người. Ba điều răn đầu đề cập đến tình yêu đối với Thiên Chúa, và bảy điều sau, đến tình yêu đối với tha nhân.
"Như Chúa đã đúc kết tất cả lề luật và các tiên tri vào trong hai giới răn yêu mến...; Mười Ðiều Răn cũng được chia thành hai bảng. Ba điều khắc trên một bảng, và bảy điều trên bảng kia” (T.Âu-tinh bài giảng 33,2,3).
2068 (1993 888) Công Ðồng Tren-tô dạy rằng: các Ki-tô hữu buộc phải giữ Mười Ðiều Răn, và người đã được công chính hóa cũng có bổn phận phải tuân giữ các điều răn ấy (x. DS 1569-1570). Công Ðồng Va-ti-can II cũng khẳng định: "Các giám mục vì là người kế nhiệm các tông đồ, nhận từ nơi Chúa...sứ mạng dạy dỗ muôn dân và rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo, để mọi người được rỗi nhờ lãnh nhận đức tin, phép rửa và việc chu toàn các điều răn” (x. LG 24).
Tính thống nhất của Thập Giới
2069 (2534) Thập Giới hợp thành một thể thống nhất. Mỗi "lời” (điều răn) qui chiếu về từng lời và tất cả các lời khác, các lời tương thuộc lẫn nhau. Hai Bảng Luật soi sáng cho nhau, hợp thành một khối thuần nhất. Vi phạm một điều răn là phạm tới tất cả các điều răn khác (x. Gcb 2,10-11). Không thể tôn trọng người khác mà không chúc tụng Thiên Chúa, Ðấng Sáng Tạo họ. Không thể tôn thờ Thiên Chúa mà không yêu thương tất cả mọi người là thụ tạo của Thiên Chúa. Mười điều răn thống nhất đời sống đối thần với đời sống xã hội của con người.
Thập Giới và luật tự nhiên
2070 (1955) Thập Giới là một phần mặc khải của Thiên Chúa; đồng thời dạy chúng ta biết nhân tính đích thực của con người. Thập Giới làm sáng tỏ những bổn phận thiết yếu; do đó gián tiếp cho thấy những quyền cơ bản gắn liền với bản tính của nhân vị. Mười Ðiều Răn là một cách trình bày "luật tự nhiên" đặc sắc.
"Từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã ghi sâu trong lòng con người các giới luật tự nhiên. Sau đó người chỉ cần nhắc lại các điều luật ấy cho họ. Ðó chính là Thập Giới (T. I-rê-nê chống lạc giáo 4,15,1).
2071 (1960) Thập Giới là mặc khải của Thiên Chúa, dù với lý trí con người có thể tự biết được nhưng để hiểu biết đầy đủ và chắc chắn về các đòi hỏi của luật tự nhiên, loài người tội lỗi cần đến mặc khải nầy:
Trong tình trạng tội lỗi, ánh sáng lý trí bị lu mờ và ý chí bị sai lệch, con người cần đến một trình bày đầy đủ về các điều răn của Thập Giới.
1777 Chúng ta biết được các điều răn nhờ mặc khải được rao giảng trong Hội Thánh và nhờ tiếng nói của lương tâm.
Mọi người phải tuân giữ Thập Giới
2072 (1858 1958) Thập Giới nêu lên những bổn phận cơ bản của con người đối với Thiên Chúa và với tha nhân, nên tự bản chất là những nghĩa vụ quan trọng. Thập Giới bất biến và có giá trị cho mọi thời và mọi nơi. Không ai có thể chuẩn miễn Mười Ðiều Răn được Thiên Chúa ghi khắc trong tâm khảm con người.
2073 Trách nhiệm tuân giữ Mười Ðiều Răn còn buộc ta giữ những nghĩa vụ theo chất thể tự nó là nhẹ. Chẳng hạn điều răn thứ năm ngăn cấm nhục mạ kẻ khác bằng lời nói; điều này có thể trở thành một tội nặng tùy hoàn cảnh và ý định của người nói.
"Không có Thầy, anh em không làm gì được"
2074 (2732 521) Ðức Giê-su nói: "Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai luôn kết hợp với Thầy và Thầy luôn kết hợp với người ấy, người ấy sinh hoa kết quả dồi dào, vì không có Thầy, anh em không làm được gì” (Ga 15,5). Hoa quả ở đây là sự thánh thiện của một đời sống phong phú, nhờ kết hợp với Ðức Ki-tô. Khi chúng ta tin vào Ðức Giê-su Ki-tô, thông hiệp vào các mầu nhiệm của Người và giữ các điều răn của Người, Ðấng Cứu Thế sẽ đích thân đến trong chúng ta để yêu thương Cha của Người và các anh em của Người cũng là Cha và anh em chúng ta. Nhờ Thánh Thần, chính Ðức Giê-su trở thành qui luật nội tâm sống động cho mọi hoạt động của chúng ta. "Ðây là điều răn của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
TÓM LƯỢC
2075 "Tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời? Nếu anh muốn vào cõi sống, hãy giữ các điều răn” (Mt 19,16-17).
2076 Qua đời sống và lời giảng dạy, Ðức Giê-su đã xác nhận Thập Giới có tính thường tồn.
2077 Thiên Chúa ban tặng Thập Giới cũng là Giao Ước ký kết giữa Thiên Chúa với dân Người. Mười Ðiều Răn chỉ có ý nghĩa đích thực trong và nhờ Giao Ước.
2078 Trung thành với Thánh Kinh và theo gương Ðức Giê-su, Truyền thống Hội Thánh nhìn nhận Thập Giới có tầm quan trọng và ý nghĩa hàng đầu.
2079 Thập Giới hợp thành một khối thuần nhất, trong đó mỗi "lời" hay mỗi "điều răn" đều qui chiếu về toàn thể. Vi phạm một điều răn là vi phạm toàn thể lề luật (x. Gcb 2,10-11)
2080 Thập Giới là một cách trình bày đặc sắc của luật tự nhiên. Chúng ta biết được Thập Giới nhờ mặc khải của Thiên Chúa và nhờ lý trí của con người.
2081 Thập Giới tự bản chất là những nghĩa vụ quan trọng. Tuy nhiên, việc tuân giữ các giới luật này cũng bao gồm những nghĩa vụ theo chất thể tự nó là nhẹ.
2082 Thiên Chúa ban ân sủng trợ lực để chúng ta thi hành được điều Người truyền dạy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét