lefigaro.fr, Pierre-Hervé Grosje
an, 10-2-2014
Pierre-Hervé Grosjean, cha xứ họ đạo Saint-Cyr l’école (Yvelines), người sáng lập PadreBlog nêu lên tính liên tục của các vị giáo hoàng. Theo cha, các giáo hoàng có chết đi, thì Giáo hội vẫn tồn tại.
Cách đây một năm, Đức Bênêđictô XVI đã làm cả thế giới ngạc nhiên khi ngài tuyên bố từ nhiệm, vì xác tín rằng ngài phải nhường chỗ cho một người khác để sinh ơn ích cho Giáo hội hơn. Một ngạc nhiên khác xảy ra là việc bầu chọn Đức Phanxicô! Một việc ngoài tất cả dự đoán của các “chuyên gia”, trên ngai thánh Phêrô bây giờ là một vị giáo hoàng làm những việc cụ thể, có khả năng chạm đến tâm hồn của mọi người, kể cả những người ở xa xa Giáo hội.
Đức Gioan Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI, Đức Phanxicô… Nhiều người thử đưa ra những điểm khác biệt giữa ba cột trụ lớn của đức tin này. Làm như thế chứng tỏ là không biết các ngài và không hiểu Giáo hội gì cả! Giáo hoàng không phải là chủ nhân của sứ điệp mà ngài có thể thay đổi theo ý mình. Ngài nhận sứ điệp và ngài truyền đi. Từ 2000 ngàn năm nay, các giáo hoàng kế vị nhau. Qua những con người này, qua các tài năng và yếu đuối của các ngài, sứ điệp tiếp tục được truyền đi. Các nhạc trưởng kế tiếp nhau điều khiển, mỗi người với cá tính riêng của mình, nhưng bản dàn bè vẫn là một: Tin Mừng. Khi người ta hỏi, tôi thích ai trong ba vị, tôi luôn luôn trả lời: trước khi thương Đức Gioan Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI, Đức Phanxicô, tôi thương Đức giáo hoàng. Trong nghĩa này, cùng một lòng tin, tôi đã thương giám mục Roma kế vị lần tới, trước khi biết ngài.
Giáo hoàng không phải là chủ nhân của sứ điệp mà ngài có thể thay đổi theo ý mình. Ngài nhận sứ điệp và ngài truyền đi.
Tuy vậy điều này không ngăn chúng ta suy niệm về những gì mà mỗi giáo hoàng đặc biệt mang đến cho Giáo hội và thế giới. Chắc chắn các ngài không có cùng một đặc sủng và đó lại là điều đáng quý cho Giáo hội. Nếu phải nói lại những gì người khác đã nói, tôi sẽ nói như sau:
– Gioan Phaolô II là Giáo hoàng của Đức Cậy. Khi ngài được bầu là người Đại diện Chúa Kitô thì lúc đó Giáo hội đang suy yếu vì các bất ổn hậu Công đồng. Thế giới đang ở trong tình trạng chiến tranh lạnh, bức tường im lặng đang ngự trị ở Âu châu và đàng sau đó, chế độ cộng sản đang làm chủ. Đức Gioan Phaolô nói những lời đầu tiên trong cương vị giáo hoàng với Giáo hội và với thế giới: “Xin anh chị em đừng sợ!” Các thử thách và bách hại mà ngài đã sống qua, Đức Gioan Phaolô II biết các lực này sẽ không thắng nếu con người biết dựa vào Chúa Kitô. Đứng trước chủ nghĩa vô thần đang gặm nhắm Âu châu, ngài canh tân Giáo hội trong một năng lực tích cực, mời gọi mọi người “tân phúc âm hóa”. Ngài nói chuyện trực tiếp với giới trẻ qua các Đại hội Giới trẻ: Ngài biết họ không bị in dấu bởi các ý thức hệ như những người lớn tuổi và ngài dựa trên họ để sứ điệp của Giáo hội được tái khám phá và được đề xuất như con đường cho một hạnh phúc thật sự, ngài giải thích điều này cho họ với một giọng điệu nghiêm khắc nhưng đầy tình phụ tử và đầy nhiệt huyết. Qua rất nhiều chuyến công du, Đức Gioan Phaolô đã truyền được niềm hy vọng này cho những dân tộc bị bách hại, mang đến cho họ lòng can đảm và sức mạnh để làm sập các bức tường.
– Đức Bênêđictô XVI kế vị ngài một cách tự nhiên, sau một thời gian dài là cánh tay mặt của ngài. Vị giáo hoàng-giáo sư là Giáo hoàng của Đức tin. Không giống với các bức biếm họa, ngài dịu dàng và khiêm tốn, yêu chuộng Sự Thật, trước chủ nghĩa tương đối hóa đang ngự trị chung quanh, ngài không ngừng nhắc đi nhắc lại, phẩm giá con người là dùng lý trí của mình đi tìm Sự Thật và đón nhận Sự Thật trong đức tin. Mọi người nổi tiếng hay không trên thế giới đều nhận thấy cách giảng dạy của ngài rất rõ ràng. Ngài giải thích đức tin, cho thấy đức tin mạch lạc như thế nào, gây lại cho người ta hứng thú đọc sách và ngài tin người trẻ cũng có thể đọc các sứ điệp của Tin Mừng. Vì muốn hàn gắn các vết thương và xây dựng lại sự hiệp nhất giữa người công giáo, ngài tìm hết cách để thuyết phục Huynh đệ thánh Piô X (Fraternité Saint Pie X) trở lại và ngài chú trọng làm đẹp phụng vụ. Chúng ta cũng biết ơn ngài về thái độ dứt khoát không dung thứ cho các vụ ấu dâm, chuyện này đã có thể làm hoen ố bộ mặt của hàng tu sĩ. Cũng trong việc này, đối với ngài, phải đặt lên hàng đầu công lý và sự thật, những điều mà các nạn nhân có quyền hưởng. Vì sống theo phương châm của mình, ngài là người đầu tiên hợp tác trong vấn đề này.
– Đức Phanxicô đến như một cơn lốc bất ngờ. Nhưng là một cơn lốc bác ái rơi xuống thành phố Roma và Giáo hội. Là giáo hoàng của Đức Ái, ngài không từ bỏ điều gì của các vị tiền nhiệm, ngài luôn luôn nhắc đến họ với một tấm lòng trìu mến và biết ơn. Ngài nhắc cho thế giới và cho Giáo Hội nhớ, trong việc loan báo Tin Mừng, tình yêu không điều kiện của Thiên Chúa là điều phải loan báo đầu tiên. Chỉ khi đón nhận tình yêu này mới có thể hiểu được những đòi hỏi về mặt tinh thần xuất phát từ tình yêu này. Đức Phanxicô vẫn là con người của ngày nào: một người hành động cụ thể, một người chủ chăn lo cho đàn chiên, một vị giáo hoàng nói chuyện như một cha xứ, gần gũi với tín hữu mình. Ngài gần như là người thân quen của gia đình. Sự gần gũi lạ thường này gây xáo trộn nhưng không vì thế mà làm giảm uy quyền của Đức Thánh Cha. Chính qua lòng tốt vui vẻ, tinh thần dám làm, lời nói sinh động và cụ thể của ngài mà Đức Thánh Cha có uy đối với Giáo Triều cũng như với các ký giả, với các tín hữu đi lễ ngày chúa nhật cũng như với những người còn ở “xa xa” mà Đức Phanxicô không bao giờ quên nhắc tới.
Đức Cậy, Đức Tin và Đức Ái. Ba nhân đức đối thần khác biệt nhưng người ta không thể xem như đối nghịch. Ba nhân đức gọi là “đối thần”, bởi vì đó là ơn Chúa và đặt chúng ta trực tiếp trong quan hệ với Chúa. Đức Gioan Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI, Đức Phanxicô… ba người ngoại hạng, ba nhân vật lỗi lạc, rất khác nhau nhưng lại liên kết chặt chẽ với nhau, ba ơn mà Chúa ban cho thế giới và Giáo hội, cho thế hệ chúng ta và những thế hệ tiếp theo.
Nguyễn Tùng Lâm dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét