Trang

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

Lucetta Scaraffia: “Địa vị trọng tâm của Maria-Mađalêna tạo nên vấn đề cho các ông”





lavie.fr, Lucetta Scaraffia, 2018-03-28
Maria-Mađalêna, nhân vật chính của sáng Phục Sinh có bị kín đáo cách biệt để làm nổi bật các tông đồ lên không? Giải thích của bà Lucetta Scaraffia, nhà báo và sử gia Ý, chủ biên phụ trang phụ nữ của báo L’Osservatore Romano.
Trong các Phúc Âm, cái chết của Chúa Giêsu trên thập tự như một người trộm cắp không phải là chuyện chướng tai duy nhất, còn một chuyện chướng tai khác, ít được biết đến hơn: đó là sự xuất hiện đột ngột của một phụ nữ, bà Maria-Mađalêna, người không phải họ hàng thân thuộc với Chúa Giêsu, lại là trọng tâm căn bản của câu chuyện, người loan báo Chúa sống lại. Giao cho một phụ nữ sứ mạng quan trọng nhất, sứ mạng làm đảo lộn mọi chuyện nhất, người “loan báo tin mừng” tiêu biểu – sự kiện sống lại giữa kẻ chết – trong một xã hội mà lời chứng của một phụ nữ chỉ có một nửa giá trị so với lời chứng của người đàn ông, đó là một hành vi cách mạng… đã gần như không ai để ý trong vòng 2000 năm.
Khi chọn bà Maria-Mađalêna làm người chứng, Chúa Giêsu cho thấy Ngài nhận thấy và yêu mến khả năng phi thường của tình yêu nơi người phụ nữ, niềm vui họ cảm nhận khi họ cho mà không đòi hỏi một phần thưởng đền bù nào, như Ngài đã nhiều lần chứng tỏ cho thấy trong Tin Mừng. Qua hành vi của một tình yêu sâu đậm và bất vụ lợi, Maria-Mađalêna đã chiếm lấy vai trò quan trọng nhất, quyết định nhất sau Mẹ Maria.
Mối dây gắn kết đặc biệt của Maria-Mađalêna với Chúa Giêsu
Việc được Chúa Giêsu nâng lên, được làm cho thấy rõ chưa từng có này, bà đã trả với một giá rất đắt. Vai trò trọng tâm của Maria-Mađalêna đã tạo một vấn đề thật sự cho các ông vào thời đó, bằng nhiều cách khác nhau, họ luôn tìm cách để hạ vai trò của người phụ nữ. Trước hết phải nói đến sự hiện diện của bà trong câu chuyện của phúc âm. Trên thực tế, theo truyền thống đông phương, Maria-Mađalêna được nhận diện là chị của Marta và Maria-Mađalêna cũng là cô gái điếm dùng nước mắt rửa chân cho Chúa Giêsu trong nhà người biệt phái. Bằng cách tách biệt họ, mối quan hệ đặc quyền này bị yếu đi và hệ quả, sự cạnh tranh với mẹ Chúa Giêsu trở nên không có khả năng xảy ra.
Người tội lỗi ăn năn hối lỗi – vì là phụ nữ, người ta cho rằng tội lỗi mang tính chất tình dục… -, nhân cách của bà mang tính khiêu dâm, và cũng góp phần qua các hành vi của bà nơi Chúa Giêsu: xức tóc và chân bằng dầu thơm, chùi chân bằng mái tóc xả của mình. Đối với một số người theo truyền thống của thuyết duy tri thì liên hệ giữa Maria-Mađalêna và người rao giảng ở Galilê là liên hệ có tính chất tình dục. Tuy nhiên ngay cả người ta bác bỏ giả thuyết này, thì không có một thời gian nào phác họa, rõ ràng từ các phúc âm cho rằng bà là nhân vật chính, người phụ nữ mà Chúa Giêsu có liên kết đặc biệt.
Việc Chúa Giêsu hiện ra đầu tiên với một phụ nữ, hơn nữa người đó không phải là mẹ mình, đã từ lâu làm cho các tín hữu kitô phái nam bị xáo trộn, đến mức họ cho đây là huyền thoại, theo đó đầu tiên Chúa Giêsu hiện ra với mẹ mình, một cách bí mật. Chính Thánh I-Nhã Loyôla, người chỉ chọn các bài Tin Mừng để đưa vào Bài tập linh thao của mình cũng cho huyền thoại này là của mình. Như thế Maria-Mađalêna là một hiện diện gây phiền toái, điểm tột cùng của bà là dám đổ dầu thơm trên đầu Chúa Giêsu. Hành động này sẽ là động lực đẩy ông Giuđa đến việc phản bội Chúa, ông phẫn nộ với việc sử dụng tiền một cách “vô ích” như vậy.
Người phụ nữ ăn năn: địa vị bị hạ xuống
Như thế, thực chân bà là người phụ nữ tiền định, không phải chỉ là người phạm tội nặng, nhưng bà còn là yếu tố khởi phát cho các lực của số phận. Biến bà thành người phạm tội là khoác lên bà tấm voan nghi ngờ, làm giảm thiểu vai trò của bà. Thành kiến quá mạnh đến mức nó đã có  tác dụng, dù cho có các cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với các phụ nữ có đời sống bất thường, rất quan trọng và rất nhiều, vì Ngài nhận biết sự khao khát tình yêu và khả năng dâng tặng của họ. Nói Maria-Mađalêna là cô gái điếm, là một cách “đặt lại chỗ đứng của bà”, để xóa mờ vai trò chứng nhân và tông đồ của bà. Để làm cho quên đi việc các tông đồ đã bỏ trốn trong giờ Thương Khó của Chúa, và Phêrô đã chối Chúa ba lần, trong khi các phụ nữ, và đặc biệt Maria-Mađalêna ở lại với Chúa cho đến giờ phút cuối cùng, và Mađalêna, có thể cùng với các phụ nữ khác đã là người đầu tiên đến mộ sau ngày xa-bát. Nhưng Maria-Mađalêna luôn được mô tả như người “ăn năn” khóc cho tội của mình, còn Thánh Phêrô, người chối Chúa thì trở thành gương mẫu cho tất cả các linh mục trong Giáo hội.
Thay vì được cho là phụ nữ tông đồ đầu tiên giữa các tông đồ, thì Maria-Mađalêna được vẽ qua mái tóc hung mà từ lâu bị cho là biểu hiệu của rối loạn tình dục, còn áo quần thì bị rách, dấu hiệu của sám hối. Lại thêm đặt tên Maria-Mađalêna cho các tổ chức tôn giáo đón nhận các phụ nữ ăn năn – có nghĩa là các phụ nữ không còn trinh -, chỉ củng cố thêm cho hình ảnh này. Ngược lại, trong những năm có sự truyền bá rộng rãi nữ quyền thì các bà có phong trào đặt tên cho con gái mình là Mađalêna, một cuộc cách mạng tình dục thế chỗ cho trinh nữ Maria. Do đó, về cơ bản, các phụ nữ bênh vực nữ quyền đã hiểu hình ảnh của Maria-Mađalêna đã bị các ông làm méo mó. Chỉ có truyền thống đại chúng mới làm cho Maria-Mađalêna là vị ẩn thánh không bóng tối và nhất là một nữ tông đồ, vì chính nhờ sự rao giảng của bà sẽ là phúc âm hóa đầu tiên của đất nước sẽ trở thành nước Pháp, người trưởng nữ của Giáo hội.
Tông đồ đích thực
Trong vài thập kỷ qua, các nữ chú giải đã làm cho mọi người hiểu, sự có mặt của phụ nữ trong các Phúc Âm quan trọng đến mức như thế nào và phục hồi lại sự thật về Maria-Mađalêna, cuối cùng là nhấn mạnh vai trò tông đồ của bà. Nhưng cách diễn giải Maria, Mẹ của Chúa Giêsu cũng đã thay đổi: từ thiếu nữ khiêm nhường và vâng lời, gương mẫu của tất cả phụ nữ, Mẹ được xem, trong thực tế là gương mẫu của lòng can đảm, chấp nhận mang thai một cách bất thường, có nguy cơ bị ném đá vào thời đó.
Năm 2016, Đức Phanxicô đã bước qua một giai đoạn mới, ngày 16 tháng 6 – 2017, ngài đã nâng lễ kính nhớ Thánh Maria-Mađalêna lên hàng thánh lễ trong lịch phụng vụ, như các thánh tông đồ, và đặt danh hiệu trọn vẹn của Maria-Mađalêna là “tông đồ giữa các tông đồ”. Đây là một quyết định rất quan trọng, như quyết định của Đức Phaolô VI  năm 1970 khi ngài tuyên bố hai phụ nữ làm tiến sĩ Giáo hội, Thánh Catarina Siêna và Thánh Têrêxa Avila. Một bước đi tới đàng trước có tính quyết định, vì những gì liên quan đến người phụ nữ này đều rất quan trọng, nó sẽ đụng tới số phận chung của các phụ nữ trong Giáo hội.
Marta An Nguyễn dịch
http://phanxico.vn/2018/04/02/lucetta-scaraffia-dia-vi-trong-tam-cua-maria-madalena-tao-nen-van-de-cho-cac-ong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét