Tháng Mười Một
Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan (Tv 90/89, 12)
Chúa Giêsu dạy chúng ta biết đếm tháng ngày mình sống
Trào lưu “Khôn Ngoan” trong Cựu Ước cho chúng ta nhiều suy tư về ý nghĩa cuộc sống, khởi đi từ cái vắn vỏi phù du của cuộc đời. Sách Giảng Viên (Cô-he-lét) mở đầu thế này:
2Ông Cô-he-lét nói : “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. 3Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời? 4Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn. 5Mặt trời mọc rồi lặn ; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên. 6Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc : gió xoay lui xoay tới rồi gió đi ; gió trở qua trở lại lòng vòng. 7Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục. 8Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới.
Thánh vịnh 90/89 cũng khởi đi từ một suy nghĩ tương tự:
Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi,
Ngài phán bảo : “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi !”
4Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi !
5Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
6nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.
…
10Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.
Rồi dạy chúng ta cầu xin:
12Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.
Sự khôn ngoan này ở trong TÂM chứ không phải ở trí. Trí thông minh thừa biết rằng cuộc sống con người trên trần gian này có giới hạn, dù Tần Thủy Hoàng có sai người đi khắp nơi tìm mọi phù phép cho ông trường thọ, ông cũng đã ngủm mấy ngàn năm nay, để lại trong lịch sử mỗi cái tên và cái tiếng là tàn ác thôi.
Ba cách nhìn quen thuộc về ý nghĩa cuộc sống và cái chết trong văn hóa Việt Nam:
Tôi không có tham vọng nghiên cứu về toàn bộ khía cạnh này trong văn hóa của dân ta, chỉ xin đưa ra ba cách nhìn mà tôi đã biết từ khi còn đi học, dựa trên cách diễn tả của vài nhân vật tiêu biểu
1. Nhà thơ Cao bá Quát trong bài thơ mà người ta cho cái tên là “chán đời”, đã viết:
“Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, cảnh phù du trông thấy cũ nực cười… “
Rồi ông trích một câu của một nhà thơ Tàu: “Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi” (bạn không biết rằng nước sông Hoàng Hà từ trên trời xuống, chảy xuôi ra biển chẳng quay lại).
Đó là cái trí của ông nhận ra. Ở điểm này ông cũng gần với các tác giả thuộc trào lưu khôn ngoan trong Sách Thánh.
Ông kết luận: “Làm chi cho mệt một đời !” Đó là cái tâm của ông.
Ông đã chán chường với cuộc sống, vì phải sống trong một triều đình mà vua chẳng ra vua, quan chẳng ra quan. Vua, thì trước nguy cơ mất nước vào tay ngoại xâm phương tây lại chỉ biết đi săn và ngâm thơ với một“thi xã” mà Cao bá Quát phê: “Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An” (Thời đó Nghệ An chuyên sản xuất nước mắm, con thuyền Nghệ An là thuyền chở nước mắm !). Quan, thì Cao bá Quát có dịp ví như bầy chó khi vua hỏi ông về hai ông quan cãi nhau tới mức đánh nhau: “Bất tri ý hà, lưỡng tương đấu khẩu, dĩ chí đấu ẩu, thần kiến thế nguy thần tẩu” (không biết vì lý do gì, hai người cãi nhau, đi tới chỗ đánh nhau, tôi thấy nguy tôi bỏ chạy) ; cái hóm hỉnh là ông dùng nhiều lần âm “ẩu”, đọc lên ta như nghe tả hai con “cẩu” cắn nhau!
Ông có tài mà bị vùi dập, chẳng đóng góp được gì cho dân cho nước, nên thất chí. Cái thất chí đã đẩy ông vào con đường bạo loạn, khiến ông bị tru di tam tộc. Ông từ giã cuộc đời bằng một một câu đối:
“Ba hồi trống giục, mồ cha kiếp – Một nhát gươm đưa, đ… mẹ đời”
2. Nhà thơ Nguyễn công Trứ, người đồng thời với Cao bá Quát
Ông đã có dịp đóng góp cho đất nước với công cuộc khai hoang, lập nên vùng đất phì nhiêu là huyện Tiền Hải, thuộc tỉnh Thái bình hiện nay, thì khi về hưu lại thanh thản hưởng nhàn theo Lão Tử. Nếu tôi không nhớ lầm thì ông có một câu thơ thế này:
“Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy – Nếu không chơi thiệt đấy ai bù” (hành lạc trong văn chương thời Nguyễn công Trứ không có cái nghĩa quen thuộc của ngày nay, mà chỉ nói đến “hưởng nhàn”).
Sau khi đã tích cực đóng góp cho đời (xuất) thì “kẻ sĩ” có quyền lui về ở ẩn (sử) để hưởng “thú điền viên”, niềm vui được sống thanh thản trên mặt đất, dưới ánh mặt trời, để ngao du sơn thủy, chiêm ngắm và hưởng cái êm đềm của thiên nhiên trước khi nhắm mắt lìa đời.
Trong cách nhìn này thì xem ra phần thưởng của đời người ở ngay trên mặt đất này.
3. Cách nhìn bình dân quen thuộc.
Khi còn bé, tôi đã biết rằng một người sống tới 60 tuổi thì mừng thọ, được 100 tuổi thì mừng “đại đại thọ” và được Vua ban sắc khen cùng với món quà là một tấm vải quý, để con cháu may áo mặc cho cụ khi tẩm liệm. Món quà con cháu trong gia đình khá giả sắm mừng thọ cha mẹ (60 tuổi) ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng là một chiếc áo quan bằng gỗ quý để trong nhà, hoặc trong phòng dành cho ông, bà… Sống thì dùng làm cái hòm theo nghĩa miền Bắc, để đựng đồ riêng của các cụ. Chết thì thành cái hòm theo nghĩa của miền Nam, để liệm xác đem chôn.
Đó là một cách nhìn thanh thản trong truyền thống dân tộc về cuộc sống và cái chết. Cuộc sống là ơn trời lộc nước, cái chết là kết thúc tất yếu, chung cho mọi người, chẳng có chi để sợ hãi âu lo.
Cách nhìn của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô
Các sách Tin Mừng cho chúng ta thấy vào thời Chúa Giêsu, trong Do Thái giáo đã có hai xu hướng, người Pharisêu tin có sự sống lại và sự sống đời sau; người Xa-đu-xêu thì không tin như thế, mà chỉ trông đợi phần thưởng ngay trên trần gian, “bây giờ, tại đây”. Phe này chế diễu niềm tin vào sự phục sinh khi đưa vấn đề cho Chúa Giê-su trả lời. (x. Mt 22, 23-33 ; Mc 12, 18-27 ; Lc 20, 27-40). Họ bịa ra một câu chuyện dựa trên luật kế tự trong Cựu Ước : “Nếu ai chết mà không có con, thì anh hay em của người ấy phải cưới lấy người vợ góa để sinh con nối dòng cho anh hay em mình”.[1]
Người Xađuxêu bịa ra câu chuyện bảy anh em trai, lần lượt cưới người vợ góa của anh cả không có con nối dòng (anh hai, theo tiếng miền Nam). Nhưng số sát chồng của cô này vô địch, khiến cả bảy anh em trai nhà kia chết mà không có con nối dòng. Vậy nếu có sự sống lại thì quả là rắc rối : cô ấy đã lần lượt làm vợ cả bảy anh em mà chẳng người nào có con nối dòng thì cô phải bơ vơ giữa chợ : làm vợ ai bây giờ!
Chúa Giêsu mỉm cười với tài bịa chuyện ấy và phê cho họ hai chữ “ngu”: ngu vì không biết Sách Thánh vàngu vì không biết quyền năng của Thiên Chúa. Rồi Chúa giải thích : “Trong ngày sống lại người ta sẽ chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ nên như các thiên thần trên trời”. Sống lại là đi vào cuộc sống mới, cuộc sống vô cùng vô tận, tham dự sự sống của Thiên Chúa hằng sống, chứ không phải là trở về cuộc sống dương gian này. Thế là đám Xađuxêu đã hùng hổ tấn công, bây giờ tiu nghỉu rút lui; trong khi “dân chúng kinh ngạc khi nghe lời Người dạy”.
Tin mừng này do Chúa Giêsu loan báo và Chúa Giêsu thực hiện, bằng chính cái chết và sự phục sinh của Ngài. Chúa Giêsu đã đem ý nghĩa mới cho cái chết và cho cuộc sống của chúng ta: cái chết không còn đơn thuần là sự kết thúc cuộc sống trần gian, nhưng là cửa ngõ đi vào cuộc sống vĩnh cửu, chung phần hạnh phúc của chính Thiên Chúa hằng sống. Như vậy thì cuộc sống hiện nay trên trần gian là đường đi tới cửa thiên đàng, chờ ngày được nghe tiếng Chúa dịu dàng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thưở tạo thiên lập địa” (Mt 25, 34). Ý nghĩa cái chết đem ý nghĩa cho cuộc sống và mọi sự trên trần gian này. Đó là điều cuối cùng chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính. Nếu không có niềm hy vọng này thì mọi lời tuyên xưng trước đề chẳng ích gì cho chúng ta, và chúng ta sẽ là những kẻ bất hạnh nhất, như thánh Phaolô nói.[2]
Tin Mừng theo thánh Luca, 12, 13-48
Có người trong đám đông nói với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”.
Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’ Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !’ Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’ Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.
Chúa Giêsu đang rao giảng Nước Thiên Chúa thì người này lại nhờ Chúa can thiệp vào chuyện chia gia tài. Chúa thẳng thắn nói cho anh ta biết rằng đó không phải là việc của Chúa. Nhưng Chúa dùng ngay dịp này để thi hành sứ mạng rao giảng của Ngài.
Chúa phơi bày ngay cái gốc rễ của vấn đề là lòng tham và tính cách “không thể chuộc” của cuộc sống con người trên trần gian: “Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”. Rồi Chúa kể dụ ngôn người phú hộ tài giỏi mà Thiên Chúa gọi là “đồ ngốc”. Anh ta ngốc vì anh ta hành động như thể mạng sống cũng là tài sản anh ta sắm được. Chúa nhắc cho anh ta nhớ rằng mạng sống là của Thiên Chúa cho anh ta mượn, và Thiên Chúa có thể đòi lại ngay đêm nay, lúc ấy mọi sự anh ta có sẽ về tay ai? Anh ta là kẻ ngu si mà thánh vịnh 14/13,1 và 53/52,1 nói tới: “Kẻ ngu si tự nhủ: làm chi có Chúa Trời!”
Chúa kết luận: “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì số phận cũng như thế đó”.
Câu kết luận khiến ta thắc mắc: “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” nghĩa là gì và “số phận cũng sẽ như thế” nghĩa là như thế nào?
Chúa không trả lời ngay thắc mắc ấy mà giải thích cho chúng ta rằng Cha chúng ta ở trên trời là Đấng ban cho chúng ta mạng sống, cũng là Đấng cung cấp của ăn, áo mặc cho chúng ta, vì chúng ta quý giá hơn chim trời và hoa cỏ đồng nội nhiều. Cha ban cho chúng ta mặt đất này và cũng cho chúng ta đôi tay để làm làm lụng đất đai, tham dự vào quyền năng tạo dựng của Cha. Cha biết chúng ta cần gì. Chúa kết luận: “Vậy anh em đừng bận tâm… Hãy lo tìm Nước của Người, còn các thư kia, Người sẽ thêm cho”. Thánh Têresa Avila sẽ nói: “Ai có Thiên Chúa thì không thiếu gì (Quien a Dios tiene, nada le falta). “Một mình Thiên Chúa là đủ” (Solo Dios basta).
Vậy thì làm giàu trước mặt Thiên Chúa là tìm kiếm một mình Thiên Chúa. Đó lả người khôn mà haithánh vịnh kể trên đưa ra đối lập với kẻ ngu si: “Từ trời cao Thiên Chúa nhìn xuống con cái loài người, xem có kẻ nào khôn, biết kiếm tìm Thiên Chúa” (Tv 14/13, 2).
Chúa kết luận: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó”.
Chúa bảo hãy tìm cái gì chắc chắn cha đã ban rồi, đó là Nước của Cha, còn các thứ kia thì Cha vẫn dành quyền ban phát theo ý Cha, và Cha nhận trách nhiệm về mạng sống mà cha cho mượn, vì nó vẫn là của Cha, vẫn ở trong tay Cha.
Ý nghĩa cuộc sống là để đi tìm Thiên Chúa, cùng đích của đời người.
Tìm Thiên Chúa bằng cách nào và sẽ được gì?
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. Anh em hãy biết điều này: Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.
Đi tìm Thiên Chúa không cần phải lên trời hay xuống biển, lội suối trèo non. Thiên Chúa đã tự ban chính mình cho chúng ta, chính Người đến với chúng ta. Chỉ cần để lòng chúng ta hướng về Người là kho tàng của chúng ta: “Kho tàng ngươi ở đâu thì lòng ngươi ở đó”. Hướng lòng chúng ta về Thiên Chúa nghĩa là tỉnh thức đợi chờ Người, như người tôi tớ giữ cổng trong đêm “đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về tới và gõ cửa là mở ngay”.
Để hiểu hình ảnh này, nên biết rằng ở vùng đất Thánh Địa đầy mặt trời này, đám cưới và tiệc cưới thường cử hành trong đêm hè, hưởng cái mát mẻ của ban đêm. Tiệc cưới thì có thể trễ vì chàng rể tới chậm (x.Mt 25, 5), và cũng không có ai lắc chuông kết thúc: khách cứ việc ăn, uống, ca hát, nhảy múa tới khi nào “đã”thì ra về.[3]
Người tôi tớ tỉnh thức thâu đêm đợi chủ về, thì ông chủ cũng chẳng phải biết ơn, chẳng phải thưởng công. Chúa Giê-su lại đưa ra một chi tiết hoàn toàn vượt khỏi thế giới loài người: “Thầy bảo thật anh em: Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”. Ở đời này, chủ đi ăn cưới, uống thả cửa rồi, biết đường về tới cổng nhà mình đã là khá lắm rồi. Tôi tớ cứ việc chong đèn, chống con mắt lên chờ. Cổng nhà giàu ngày xưa ở Thánh Địa cũng giống ở Việt Nam, bên trong cài ngang bằng một cây gỗ nặng, nên phải nai nịt gọn gàng mới mở được. Mở cửa, rước chủ vào rồi, còn phải cầm đèn đưa chủ về phòng, có khi phải dìu hoặc khiêng chủ lên giường nữa… Điều Chúa nói đây thì chỉ có Chúa mới làm thôi, như sách Khải Huyền sẽ kể: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3, 20).
Nhưng Chúa có đòi một điều kiện nhỏ thôi, qua dụ ngôn “kẻ trộm” mà Chúa kể chen vào dụ ngôn tôi tớ chong đèn đợi chủ đi ăn cưới về. Đang nói về tôi tớ thì Chúa lại chêm vào chủ nhà và kẻ trộm: “Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. Đào ngạch khoét vách là thủ thuật của kẻ trộm xưa, ở quê hương của Chúa cũng giống ở quê hương Việt Nam chúng ta. Chủ nhà đâu có biết liệu kẻ trộm có đến hay không, lại càng không biết giờ nào. Nhưng chủ nhà cũng không thể đêm nào cũng chong đèn canh kẻ trộm, không để nó khoét vách nhà mình.
Chúng ta vừa là tôi tớ chong đèn chờ chủ về, vừa là chủ nhà canh chừng kẻ trộm. Một công đôi việc! Mỗi người chúng ta là một ngôi nhà của Thiên Chúa: “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao?... Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần hay sao?” (1Cr 5, 16.19).
Chính tôi, chính mỗi người chúng ta là ngôi nhà của Thiên Chúa, mở cửa cho Thiên Chúa vào nhà của Ngài chính là trao nộp hoàn toàn chính mình cho Thiên Chúa ngự, như Chúa Giêsu trên thập giá: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở” (Lc 23, 46). Nhưng để giữ ngôi nhà nguyên vẹn không bị kẻ trộm khoét vách thì ta lại phải canh chừng như thánh Phêrô căn dặn:
“Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định. Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em. Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế. Thiên Chúa là nguồn mọi ân sủng, cũng là Đấng đã kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Người trong Đức Ki-tô. Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường”.
Một đàng phải tỉnh thức, đàng khác lại phải tín thác, cậy trông vào Thiên Chúa, Người là Đấng kêu gọi chúng ta và “chính Người sẽ cho chúng ta nên hoàn thiện vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường”. Thánh vịnh 127/126, câu 1, đã cảnh báo chúng ta:
Ví như CHÚA chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công.
Thành kia mà CHÚA không phòng giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm.
Thánh Phaolô cầu xin cho chúng ta: Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm (1Tx 5, 23).
Vậy thì ta cứ an tâm “ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37/36, 4).
Cái tính cách vừa chắc chắn vừa bất ngờ làm cho cuộc sống trở nên khẩn trương. Ngày nào cũng có thể là ngày sau hết, giờ nào cũng có thể là giờ sau hết ; hơi thở nào cũng có thể là hơi thở cuối cùng. Những năm đầu sống dưới quyền cai trị của Đảng Cộng Sản, tôi có dịp chứng kiến cảnh chia ly khi có những người được bảo lãnh đi định cư ở nước ngoài. Thời ấy ra đi là “không hẹn ngày về”, không hy vọng có ngày gặp lại nhau, nên coi như là “bây giờ chỉ còn giây phút cuối bên nhau” (lời một bài hát mà khi ở trong nhà tù tôi hay nghe các bạn trẻ nghêu ngao), người ta ân cần bày tỏ lòng thương mến nhau thế nào. Tôi hay mơ ước, phải chi người ta cứ sống với nhau mỗi ngày như đó là ngày sau hết được ở bên nhau, thì cuộc sống sẽ êm đềm tốt đẹp biết bao! Không còn giận hờn gắt gỏng, không còn lớn tiếng dằn vặt nhau, sẵn sàng nhường nhịn, tha thứ cho nhau… Sẽ là thiên đàng dưới thế!
Điều tôi mơ ước đó không phải là mung lung hão huyền, nhưng là điều Chúa muốn tôi sống thật sự, vì Chúa có thể đến ngay đêm nay. Ngày đã qua thì đã qua, tôi không thể níu lại; ngày mai thì ở ngoài tầm tay tôi. Chúa đã bảo tôi rằng “đừng lo lắng về ngày mai, hãy để ngày mai lo cho ngày mai, ngày nào có sự khốn khó của ngày ấy” (Mt 6, 34). Người miền Bắc có câu nói rất thực tế: “Biết có sống đến mai mà để dành củ khoai đến tối”. Thánh Phaolô khuyên cách thiết thực: “Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn!” (Ep 4, 26). Biết có sống được tới ngày mai để làm hòa với nhau không?
Mến Chúa và yêu người, đó là điều duy nhất tồn tại và là điều duy nhất Thiên Chúa chờ đợi: “Lòng mến không bao giờ mất được” (1Cr 13, 8). “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13, 13).
Marana tha ! Lạy Chúa xin hãy đến!
Thế ra đi tìm Thiên Chúa lại đơn giản như vậy đó ! Chỉ cần tỉnh thức đợi chờ. Và ai tỉnh thức đợi chờ thì sẽ được vào dư tiệc cưới của Con Chiên Thiên Chúa, như lời sách Khải Huyền công bố: “Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự Tiệc Cưới của Con Chiên” (Kh 19, 9). Tạ ơn Chúa vì Chúa chẳng đòi điều kiện nào khó khăn, chẳng bắt con phải lên trời xuống biển, lội suối trèo non để tìm, hay đem vàng bạc châu báu mà mua. Chúa thật là “Tình cho không biếu không, chớ nên mua bán Tình Yêu” (x. Dc 8, 6-7).
Nhưng tôi lại không thể quên nỗi băn khoăn khắc khoải của Chúa Giêsu. Khi dạy về sự kiên trì trong cầu nguyện, Chúa Giêsu cam kết: “Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi ? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ”. Nhưng Chúa nói thêm: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?” (Lc 18, 7-8).
Liệu mỗi người chúng ta có thể nói với Chúa: “Lạy Chúa, nếu Chúa đến hôm nay thì ít là còn con đang đợi, đang chờ, đang tin Chúa đây!”
Chúa bảo con tìm Chúa, nhưng chính Chúa đi tìm con, vì Chúa yêu con trước. Chúa kéo con ra khỏi hư vô để có thể đến với con, chỉ cần con hướng lòng đợi Chúa thôi. Chúa dạy con khao khát Chúa, nhưng chính Chúa lại khao khát con như Chúa xin người phụ nữ Samari : “Xin cho tôi uống” (Ga 4, 7) ; và trước khi hoàn tất sứ mạng trên thập giá để trao sự sống cho con trên thập giá, Chúa còn kêu lên: “Tôi khát!”. Người ta cho Chúa uống giấm, con cho Chúa uống gì đây ? Chúa muốn con dâng thức uống nào lên cho Chúa?
Con nhớ ra rồi ! Ngày xưa người ta dâng thịt bò, máu chiên trên bàn thờ, nhưng Chúa đã phán trongthánh vịnh: “Thịt bò há là thức Ta ăn, máu chiên há là đồ Ta uống?” Rồi Chúa cho biết Chúa thèm cái gì:“Hãy tiến dâng Thiên Chúa lời tạ ơn làm hy lễ, giữ trọn lời nguyền cùng Đấng Tối Cao” (Tv 50/49, 13-14). Trong sách Tin Mừng Mat-thêu thì hai lần Chúa đuổi người Pha-ri-sêu về đi học lại : “Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Hs 6, 6 ; Mt 9, 13 ; 12,7). Vậy là Chúa muốn được ngự trong trái tim con thôi chứ không muốn gì khác.
Lạy Chúa, con đây, lòng con đã sẵn sàng rồi! (x. Tv 108/107, 2)
“Maran atha” Lạy Chúa, xin hãy đến! (Kh 22, 20).
Giêrusalem, ngày cuối tháng Mân Côi 2018 Linh mục Giuse Nguyễn công Đoan, S.J.
[1] Trong sách Sáng Thế chúng ta đã có chuyện ông Giu-đa và con dâu là Ta-ma (St 38). Sau khi hai đứa con trai của ông đã lần lượt cưới Ta-ma theo luật « kế tự » này mà không có con, ông Giu-đa tính « đánh tháo », không cho cô làm vợ của con trai thứ ba, vì thấy « cái số sát chồng » của cô ghê quá. Cô Ta-ma cao tay hơn ông. Cô giả làm gái điếm đón đường ông, sau khi ông vừa góa vợ. Cô đã thành công, sinh được hai con trai song sinh để nối dòng cho chồng, nhờ chính bố chồng ! Trong sách Rút, chúng ta lại gặp trường hợp bà Rút, người Mô-áp, con dâu bà Na-ô-mi. Bà không còn đứa con trai nào khác. Bà đã dạy cho cô con dâu hiếu thảo làm cách nào để cho một người họ hàng ở Be-lem là Bô-át nhận cưới cô, và chuộc lại gia sản của gia đình. Bà Rút đã thành công và sinh ra Ô-vét, ông nội của vua Đa-vít. Bà Ta-ma và bà Rút được nêu danh trong gia phả như tổ tiên của Chúa Giê-su. Bà Ta-ma là dân Ca-na-an, bà Rút là dân Mô-áp. Hai bà đã đem dòng máu dân ngoại cho Chúa Giê-su (x. Mt 1, 3.5) cùng với hai bà khác là Ra-kháp, cô gái điếm ở Giê-ri-khô, và bà « vợ ông U-ri-gia » (ông là người Hit-tít), người đã oanh liệt « chiếm » được hoàng cung của vua Đa-vít bằng màn tắm trên sân thượng, nhân khi chồng đi chinh chiến miền xa ; bà đã thành « người vợ cưng », đánh bạt bao nhiêu bà vợ khác vua Đa-vit đã cưới trước đó, và lũ con trai của các bà, để đưa Sa-lô-môn, con trai bà đã sinh cho Đa-vít, lên ngai kế vị Đa-vít.
[2] x. 1Cr 15, 1-24
[3] Có lẽ cũng vì thế mà đám cưới ở Ca-na mới lâm vào tình trạng lúng túng, vì hết rượu trong khi khách còn ham vui chưa chịu ra về !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét